*

Phần 1
1 2 3 4 5 6 7 8 9
10 11 12

Phần 2
1 2 3 4 5 6 7 8 9
10


Phần Ba
1 3 4 5 6 7 8 9
10

Oanh kích vs Pháo kích





 


Gấu, nhà văn

 

Solzhenitsyn kể chuyện tiếu lâm, trong Gulag.

Hai đồng chí, một, chủ tịch nhà văn hóa làng và đồng chí gác, đi lên tỉnh mua một pho tượng Đồng Chí Lênin.

Tượng khá lớn, hai người ôm về mới xuể, nhưng đồng chí chủ tịch nhà văn hóa làng làm sao cùng ôm với đồng chí gác?

Thế là quan đi trước, bỏ thằng đệ tử bần cố lại phía sau, mày làm sao áp dụng thiên tài chủ nghĩa Mác Lê thì làm.

Anh bần cố quả là thông minh. Suy nghĩ một hồi, anh bèn cởi cái dây lưng ra, quàng vào cổ Lênin, làm một cái thòng lọng thật kiên cố, và sau đó, đèo bức tượng lên vai.

Thế là đi tù. Theo điều luật số 58-8: khủng bố, án tù 10 năm.

Một anh chăn đàn bò cho hợp tác xã, trong một phút nóng giận, chỉ tay vô con bò bướng bỉnh, phán:  Đ.M con bò tập thể! Thế là tù.

*

Đọc trường hợp đầu, Gấu nhớ lại, và lấy làm mừng cho… Gấu.

Hóa ra là mấy anh quản giáo VC trại tù Đỗ Hải ngày nào, vậy mà còn đỡ hơn nhiều.

Bởi vì Gấu cũng đã từng gặp trường hợp tương tự, với một bức tượng Bác Hồ, tại nơi đây

*

Tương tự, có lẽ chỉ ở cái đầu. Đầu người, và đầu tượng.

Như Gấu đã tường trình, nhờ tí tiền nhà gửi, và môi giới của tay ‘trustie’ - người khám đồ thăm nuôi, khám ra tiền giấu trong bị cói đựng gạo, tới hiện trường lao động, lãnh, và đưa Gấu ra nhà hội gặp Gấu Cái, lần thăm nuôi đầu tiên - Gấu ra khỏi tổ trừng giới, và, cùng lúc, trở thành “trustie”, làm công việc nhàn nhã,  nhân viên y tế đội, chiều ngày hôm trước, lên danh sách bệnh nhân, trình Đội Trưởng; tay này gạch bỏ những bệnh nhân “dởm”, luời, trốn tránh lao động cải tạo, rồi ký vô một phát, sáng hôm sau, sau giờ chào cờ, điểm danh, đọc danh sách bệnh nhân, cho phép ra khỏi hàng ngũ lao động là vinh quang, dẫn họ tới bệnh xá.

Nội cái việc, viết cái tên của đội viên, vô danh sách bệnh nhân, đủ cho Gấu trở thành đáng tởm, đúng như Solzhenitsyn đã từng tởm, những thằng trusties ở trong Gulag.

Thế là, tởm thì tởm, nhưng cứ nhìn thấy Gấu, là y như rằng tay đội viên nào cũng “Chào Bố, Chào Bố”.

Ấy là bởi vì, so với họ, tuổi của Gấu đúng ra là không thể có mặt ở trong một cái trại cải tạo như Đỗ Hải.

Thế là anh nào bữa nay có người nhà lên thăm, là, y như rằng, hôm sau được phép khai bịnh, không phải đi lao động.

Ở nhà để mà còn lo nấu nướng, phục vụ đám khốn nạn trusties chứ!

*

Nhớ những ngày ngồi Quán Chùa cùng ông anh nhà thơ, thời gian hơi bị được ông nhà văn Duyên Anh kiêm biếm gia Thương Sinh chửi hàng ngày trên tờ Sống, sau tới ông nhà thơ, kiêm triết gia Nguyên Sa, cũng chửi hàng ngày trên cũng tờ Sống, ông an ủi Gấu, ở đời, tròn như hòn bi, lăn đâu cũng lọt, là vứt đi. Phải góc cạnh gồ ghề, phải có người thương kẻ ghét. Ông cảnh cáo, chúng chửi mày, một phần vì mày nâng bi mấy thằng bạn của mày. Nếu mày viết về bạn mày như là viết về tụi nó thì sẽ thành nhà phê bình nhớn đấy.

Một trong những ông bạn thân nhất hồi đó, sau trở thành kẻ thù đáng sợ nhất. Nhưng, lỗi này hoàn toàn do Gấu. Đúng ra, do người thân của Gấu gây nên.

Duyên Anh, sở dĩ chửi Gấu tơi bời như thế, ra đến hải ngoại, trong khi Gấu còn đang ở tù VC, vẫn tiếp tục chửi, thí dụ như trong Nhìn Lại Những Bến Bờ, chỉ vì Gấu chưa từng nâng bi ông ta một lần. Chưa hề nhắc đến tên của ông ta một lần, đúng hơn.

*

Một trong những nguy hiểm nhất, đối với nhà văn Việt Nam, không phải do ít đọc, mà do không dám nhận mình đã học, dù chỉ một nửa chữ của ai, bất cứ ai.

*

Gấu được cái may, có rất nhiều thầy.

Một trong những ông thầy của Gấu, là Greene, mà, chỉ tới khi về già, trò mới nhận ra thầy.

*

Gấu biết ông này, ngay thời còn đi học, do mê đọc tiểu thuyết trinh thám, gián điệp, tiểu thuyết đen, và, còn do, đọc ông, và một số tác giả khác, như Koestler, Simenon, ngay cả Camus, và Sartre như là một cách học ngoại ngữ. Chính vì thế, mà có những câu văn học thuộc lòng, nhập vào tâm, đến khi về già vẫn còn nhớ, là vậy. Khác hẳn mấy ông Mít học trường Tây, ngay từ khi còn dốt tiếng Mít, đọc chưa hết những tác phẩm nổi tiếng của dân Mít, Gấu đọc mấy ông trên là do đọc hết mẹ nó những tác phẩm tiếng Việt, thượng vàng hạ cám gì là chơi tuốt. Nào Sách Hồng, truyện thiếu nhi, nào báo Tiểu Thuyết Thứ Năm, Thứ Bẩy, nào trinh thám Kỳ Phát, nào Thế Lữ, nào Lan Khai. Đọc hết, cho nên thèm đọc quá, mới mò đến mấy ông mũi lõ. Mấy anh Mít kia mê mũi lõ, vừa đẻ ra một cái là đã chán cái mũi tẹt rồi làm sao so với Gấu được! Thù Gấu là phải rồi.

Nói rõ hơn, tiếng của đám mũi lõ, với Gấu, là một thứ tiếng Việt +.

Còn với mấy tay "Mít đặc" kia, là tiếng Việt -.

 

Những điều trên, phải đến khi về già, sắp xuống lỗ, Gấu mới nhận ra. Áp dụng nó, thay vì vào những ông Mít mũi tẹt mê mũi lõ, học trường Tây khi còn cởi truồng [nghĩa bóng thôi], vào mấy ông nhà văn Mít thuộc thế hệ hải ngoại, viết văn bằng ngôn ngữ thứ hai, Gấu cũng nhận ra một trình trạng tương tự.

Đây là một thứ văn chương của người Việt, viết bằng một thứ tiếng Anh sạch nước cản. Vậy thôi.

Từ đó, đến văn chương, của chính họ, còn cả một con đường dài.

Họ phải làm sao cho người đọc, cảm nhận ra được, họ có một văn phong riêng. Mỗi người một kiểu.

Và nhất là, đừng làm cái trò viết văn để chỉ cho người nước ngoài biết, những vết thương của người Việt lưu vong.

*

'I'm not going to satisfy people's curiosity about exotic China'...

[Tôi đâu có ý định thỏa mãn sự tò mò của mọi người về một cái mùi lạ của một cô Xẩm]

Yiyun, tác giả cuốn A Thousand Years of Good Prayers, trả lời phỏng vấn khi cuốn sách của bà được giải [the] Guardian First Book Award.

Khi bà cho biết bằng cách nào, cái việc học tiếng Anh đã giải phóng bà và khiến cho bà viết văn, [how learning English freed her to write], thì Gấu hiểu ngay ra rằng thì là, khi Gấu học tiếng mũi lõ, là cũng vậy.

Có thể còn hơn. Bởi vì cái ao ước đầu tiên của Gấu, như đã từng viết ra, là làm sao học tiếng Tây, để viết được một cái thư bằng tiếng Tây, để cám ơn một ông Tây thuộc địa, chồng bà cô, người nuôi Gấu ăn học khi còn ở Hà Nội.

*

Khi gặp Faulkner, bèn nhận ngay là thầy, linh cảm ngay ra một điều là, ông này sẽ dậy mình viết văn. Linh cảm ngay rằng thì là, dòng độc thoại nội tâm, dòng ý thức mà do ông là một trong những người khai sáng, không chỉ hợp với tạng người như Gấu, mà còn có thể, là môt cơ may, thay đổi hẳn văn chương Việt Nam, vốn trọng cách viết những câu ngắn, từng ý từng ý, hết ý này mới dám nhẩy qua ý khác, trong khi với Faulkner, ý tưởng, câu kệ trùng lấp, chìm ẩn, giấu mặt, chỉ những độc giả sành điệu, chịu khó, chịu gian khổ cùng với người viết, thì mới nhận ra (1).

Có những hình ảnh, khi xuất hiện, là chỉ để đấy, cho khỏi quên, chờ đến đúng lúc mới nhập vào văn mạch.

Phải đến già, đọc lại Greene, Gấu mới nhận ra đây là một trong những ông thầy dậy văn chương của mình.

*

Eric Ormsby, khi điểm A Study in Greene: Graham Greene and the art of the novel, của Bernard Bergonzi, và Articles in Faith: The collected ‘Tablet’ journalism of Graham Greene, [TLS, số đề ngày 15 Tháng Chạp 2006], cho rằng, miền giả tưởng Greeneland ngày càng dễ nhận ra, chẳng khác gì một Wessex của Hardy, hay một Yoknapawpha County, của Faulkner, mặc dù Greene chẳng ưa cái nhãn hiệu này.

Hơn thế nữa, Greeneland là một thứ "quê hương", miền giả tưởng mà chúng ta mang theo cùng với chúng ta. Cho dù nó tít mù ở Phi Châu, xa lắc mãi Mexico, chúng ta nhận ra liền, nói chi đến Đông Nam Á, đến một Phượng của Người Mỹ Trầm Lặng, và Sài Gòn: Chúng  là trạm ngưng cuối cùng, ga chót, của cuộc hành trình đạo đức của thế kỷ chúng ta. Ông viết: Greeneland is a demoralized landscape, Greeneland là quang cảnh quê ta, đã bị hư ruỗng.

 

(1) Nhóm Sáng Tạo, trong những cuộc thảo luận, khi tấn công Tự Lực Văn Đoàn, đã không nhận ra yếu tố câu kệ như trên [từng câu ngắn, sáng sủa, mạch lạc] của nó. Khi coi, với TLVĐ, chỉ là vấn đề ngôn ngữ, tới Sáng Tạo chúng tôi, mới có thứ văn chương của ý thức huỷ diệt sáng tạo, vô tình nhóm ST đã đề cao TLVĐ.

Bởi vì văn chương, nói cho cùng, chỉ là vấn đề ngôn ngữ. Đây là điều Roland Barthes nhận ra, khi đã quá chán thứ văn chương dấn thân của đám hiện sinh.

*

Cảnh tượng quê ta, the Greeneland, thì hư ruỗng. Những chi tiết trần trụi, ngay cả khi lẩn lút, vưỡn bầy ra điều này. Cuốn “The Power and the Glory” bắt đầu: “Ngài Trench bước ra ngoài đường, trong nắng chói lòa, và bụi trắng xóa của xứ Mexico. Mấy con kên kên, từ trên mái nhà, dửng dưng vô hồn nhìn xuống: thằng cha này chưa chết, thịt chưa rữa, chưa bốc mùi”. Tuy Greene vẫn được kể như là một nhà văn với con mắt của một nhà điện ảnh, những dòng trên cho thấy, quyền năng của chúng, không phải chỉ do sự quan sát sắc bén, mà còn do cay đắng đến dã man, tàn bạo, của dòng chót. Ở những nhà văn kém tài hơn, sẽ trở thành cải luơng, thành hề, thành vãi linh hồn, nhưng Greene, vốn là một chuyên viên bậc thầy, cắt đánh rụp ba cái thứ khóc lóc ỉ ôi, ngay cả khi ông ló mòi dễ dãi với chúng. Đây là cái chất dửng dưng vô hồn, của những loài chuyên ăn thịt người chết, được đẩy lên đến tận đỉnh, theo nghĩa, rắn độc không còn biết cắn ai, bèn nhè chính cái lưỡi mình mà cắn !

Kể từ khi Greene mất vào năm 1991, và lần kỷ niệm lần thứ 100, năm sinh của ông, vào năm 2004, tiểu sử của ông được quá chú ý, như muốn hất bỏ phần sáng tác qua một bên. Tiểu sử, hồi ký, thêm bộ tiểu sử khổng lồ, “được phép của tác giả”, gồm ba cuốn, của Norman Sherry. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi làm bực người đọc, đó là bản chất Ky Tô giáo của Greene, nó ra làm sao.

Ngay cả câu khẳng định nổi tiếng của ông, đại ý, tôi phải kiếm ra một tôn giáo, để đo lường con quỉ ở trong tôi, câu này cũng gây bực mình, có khi còn là do sự cố ý của chính người nói ra: Greene vốn là một thầy, trong trò đùa hóm hỉnh như vậy. Một kẻ tự huyền hoặc, cứ lấp la lấp lửng về chính mình.

Những khuyng hướng, sắc thái như thế, được sử dụng vào trong tiểu thuyết, làm nổi bật cái “mép bờ nguy hiểm”, the “dangerous edge” của chúng.

Về cuối đời, Greene định nghĩa mình, kêu như chuông, một tay vô thần Ky Tô giáo, a “Catholic atheist”. Tuy nhiên, có một sự miễn cưỡng, về phần ông. Bởi vì, với Greene cũng như với nhiều người Ky Tô, niềm tin là một cái gì liên quan tới ước muốn, ý chí. Và ý chí, thì cũng có khi mờ nhạt đi, yếu đi, để rồi lại mạnh lên, sau đó. Nhiều người chỉ trích Greene, Ky Tô giáo của ông quá hạn hẹp, chỉ chú trọng tới địa ngục và sự trầm luân. Nhưng những bài tiểu luận tình cờ, tản mạn của Greene trong Aticles of Faith, cho thấy, khác. Niềm bí ẩn về Nhập Thế mới làm Greene đau đầu, hơn là Lửa Địa Ngục.

Khi đọc cuốn Nửa Đêm của Julian Green, ông [Greene] viết, tay đồng nghiệp người Tây của ông “có thể tả một cái dù khô dần đi dưới ánh lửa bập bùng, làm sao cho trở thành hình ảnh của trọn một kiếp nhân sinh”. Điều này, Greene cũng đã làm. Miền Greeneland có những cú thần sầu như vậy. Thần sầu như ánh lửa chập chờn hong ấm một cây dù ướt sũng nước mưa.

Theo nghĩa đó, ngay cả mấy chú kên kên đang ngồi trên đầu me-xừ Trench kia cũng tượng trưng cho những sự kiện khủng khiếp, the appalling facts, về Nhập Thế.

*

  Khi được hỏi, tại sao mi không viết hồi ký, tự thuật, chẳng lẽ chính cuộc đời của riêng mi, trong có ta, và cả một lũ Gấu con Gấu cháu, với những cay đắng ngọt bùi, lên voi xuống chó, sống sót cả hai chế độ, trốn thoát một cuộc chiến, trốn thoát cả một lô bạn bè quí hóa như thế đó, nếu được viết ra, không xứng đáng giật Nobel văn chương hay sao, Gấu gật gù trả lời:

 

-"Lẽ tất nhiên", nhưng thử hỏi, ai là độc giả xứng đáng, để đọc nó?

Đúng hơn, khiêm nhường hơn, cái gọi là the “domestic background” đó, liệu bõ công viết ra, và viết ra, liệu “nhàm mắt” độc giả?

*

The domestic background là tên một bài viết của Greene, điểm cuốn hồi ký của bà vợ, Jessie Conrad, viết về chồng, [Joseph Conrad and his Circle].

Đọc, Gấu bỗng nhớ đến lần phỏng vấn của tờ Sóng Văn, không phải những ông chồng nhà văn, mà bà xã của họ.

Lần đó, trả lời câu hỏi, kỷ niệm đẹp nhất, đáng nhớ nhất, và biết đâu, buồn nhất, trong đời làm vợ Gấu nhà văn, Gấu Cái cho biết, đó là lần rời Cai Lậy, Mỹ Tho, về nhà mới ở Sài Gòn.

Đúng vào năm có trận lụt lớn nhất, 1966. Quốc lộ số 1 bị lũ lụt, có quãng, phải đi xuồng.

Và Gấu Cái ngậm ngùi, trên xuồng có đủ cay đắng ngọt bùi cho cả hai.

Dư dả đến nỗi, giá có thêm một đời nữa, vẫn chưa cạn!

*

Theo nghĩa đó, kiếp sau ta cũng chưa tha cho mi đâu!

*

Gấu bỗng nhớ đến Noah!
*

Hỏi, có rất nhiều bóng dáng em này, em nọ trong, chỉ vài truyện ngắn của Gấu, bà nghĩ sao về họ?
-Ồi dào, chỉ là những cái bóng, những bản sao, bản nháp thôi. Nguyên tác, bản chính, bản xác thực, bản được phép, the authorized version, là tui đây, chưa xuất hiện.
Ông ta tập viết. Chưa thực sự viết.
*
Cái bếp nhà văn, cái sân sau nhà, quả có thú vị, không thể không. Nhờ nó, chúng ta biết, bằng cách nào, sự mẫn cảm, tinh tế đặc biệt của cái gọi là thiên tài, có thể chịu nổi, có thể giao lưu hòa giải được với cuộc sống gia đình. Chắc chắn phải có tí hòa giải, chịu đựng ở đây.
Có tay, như Gấu chẳng hạn, cứ phải đợi cả nhà yên ngủ, mới len lén dậy, như một tên trộm, mò tới cái bàn ở góc nhà.
*
Greene kể, rất ít nhà văn ích kỷ tàn nhẫn đến độ như Conrad, khi đứa con đầu lòng sắp sửa ra đời, được sai đi kêu bác sĩ, đã biểu ông này, hãy làm thêm một cú điểm tâm thứ nhì, vẫn còn kịp!
Nhưng Greene cho biết, cái bếp của nhà văn chính là nguyên liệu ròng, thô, của hắn ta, chẳng khác chi cái thế giới bên ngoài.
*
Bà vợ Conrad, khi phải nhìn lại cuộc hôn nhân dài, chẳng nhớ gì, bởi vì có gì đâu để mà nhớ. Chẳng có gì ngọt bùi, chẳng có gì đáng kể.

[Out of a long marriage she has remembered nothing tender, nothing considerable].
*
Gấu Cái có thể, và có quyền phát biểu như thế. Đúng ra, ta không nên lấy mi. Như bao lần tủi thân. Cả một hôn nhân dài như thế, mi chưa bao giờ mua quà cho ta một lần, cho bất cứ một kỷ niệm nào.
Ngày sinh của ta, mi không nhớ, ta chửi mãi, mi vắt hết trí thông minh, tài toán, và tìm ra một cách nhớ thật giản dị: Cứ lấy của mi, [16.8] chia đôi, thành của ta [8.4].
*
Ôi chao, nếu như thế, chẳng lẽ ta ‘thực sự’ là một nửa linh hồn của mi chăng, hỡi Gấu?
*
Cũng như bà Conrad, Gấu Cái chẳng có một chút thiện cảm nào, đối với đám bạn bè của chồng. Nhưng khác hẳn bà Conrad, bà chưa bao giờ nói những lời tàn tệ, hoặc ghê gớm hơn nữa, viết ra những lời đó, như bà Conrad viết về ông chồng.
Theo bài viết của Greene, chẳng có ai tệ bạc như bà này, cứ nhè ông chồng mà chửi: Ích kỷ như quỉ sứ, monstrously selfish, cho con cái, chỉ một đồng bạc thôi, cũng tiếc hùi hụi, trốn tránh trách nhiệm, không trung thành với vợ, ngay cả trong tuổi già.
Chửi chồng như thế, nhưng lại kết luận cuốn hồi ký bằng một câu thật xanh rờn: [Tôi có] đặc quyền và sự hài lòng lớn lao, được coi như là thiên thần gìn giữ hồi ức của chồng tui. [“the privilege and the immense satisfaction of being regarded as the guardian of his memory”].
*
Sự thực, tất cả những truyện ngắn của Gấu, đều mang tính tự thuật. Đúng như một ông bạn văn đã từng nhận xét, chỉ có mỗi một truyện ngắn được viết đi viết lại, mỗi lần viết lại khác đi một chút, hoặc thêm, hoặc bớt, một vài chi tiết, sự kiện. Hoặc cũng sự kiện đó, nhưng được nhìn khác đi, do tuổi đời, hiểu biết, kinh nghiệm.
Tất cả chỉ là tự truyện, chỉ không có Gấu Cái ở trong đó. Hoặc có nhưng rất mờ nhạt, rất… tủi thân
*
Có một ông nhận xét, cứ lải nhải, chỉ mỗi câu chuyện, đứa em trai tử trận, biến cố Mậu Thân, cú xơi mìn VC ở nhà hàng nổi Mỹ Cảnh nơi bờ sông Sài Gòn.
Một ông bạn thân, rất rành về "domestic background" của Gấu, sau khi đọc Lần Cuối Sài Gòn, khuyên, tự truyện đủ rồi, bắt đầu sáng tác, bắt đầu tưởng tượng ra những cuộc đời, những người khác đi là vừa.
*
Có lẽ, người mà Gấu đang tưởng tượng ra, là một người mà mấy ông bạn này thật rành rẽ.
*
"They are my memories too, but I am not the character in the story". [Những hồi ức là của tôi, nhưng tôi không phải là nhân vật trong truyện]. William Trevor, nhà văn Ái-nhĩ-lan nhận xét về nghệ thuật giả tưởng.
Bạn đừng mong trốn thoát cái kẻ là bạn đó, cho dù bạn không hề có ý định tra hỏi về chính mình, cho dù bản năng cho bạn biết, rằng, đừng để dấu tay của bạn lên trang sách chừng nào, tốt chừng đó.
Ấu Thời