Một Chủ Nhật Khác

Tiểu thuyết

Thanh Tâm Tuyền

7

Kiệt không ngờ tên thật của Ly là Hiền. Chàng quen gọi nàng là Ly, hoặc Ly Ly [Hello], hoặc những lúc đùa nghịch gọi là Ly Ty, Vy Ty, Ty Ty và đôi khi đùa nhả gọi là Ky Ky. Chàng cũng biết Ly chỉ là tên gọi trong gia đình giữa những người thân, nàng còn một tên khác ghi trong khai sinh trong căn cước, giấy thông hành nhưng chàng chẳng bao giờ chú ý tìm biết. Trong ký ức Kiệt chỉ có một thiếu nữ tên Ly, không có người đàn bà tên Hiền.
Phải, đó là Ly. Kiệt mừng rỡ.
Phút đầu, khi Ly xuất hiện trong khuôn cửa gần lò sưởi, Kiệt chưa nhìn ra. Chàng thấy một người đàn bà nhỏ nhắn như là một thiếu nữ, ăn vận theo thời trang, quần mầu caramel, áo ngắn tay mầu đỏ. Chàng lặng thinh, bỡ ngỡ. Sau khoảnh khắc, người đàn bà cười. Nụ cười thoạt đầu phảng phất, như một làn gió nhẹ thổi trên mắt lan trên vừng trán và gò má rồi bừng nở trên môi. Nụ cười tươi rạng nhưng vẫn không làm mờ hết nét u uẩn của một khuôn mặt khép kín. Mặc dù những thay đổi, nụ cười ấy đẩy tung cánh cửa một ngăn ký ức Kiệt.
Chàng bật khỏi chỗ ngồi, kêu: Ly, Ly Ly, Ty Ty, Tu Ty… Một chuỗi âm vô nghĩa nhưng xao xuyến không ngờ. Thái độ của Kiệt bộp chộp, kỳ khôi, có vẻ sống sượng. Chàng biết.
Phương từ nhà sau lên ở một lối cửa khác, ngẩn người. Duy đứng lên theo chàng. Lúc ấy Kiệt như người vừa được tháo gỡ chiếc khăn bít kín mắt và lại đứng ngay trước ánh sáng chói, tay chân lạng quạng. Chàng mất tự chủ.
Ly giữ nguyên nụ cười. Nàng ngồi trên một khúc cây cưa ngang còn vỏ xù xì, đặt ở đầu bàn giữa các ghế da, dùng làm đôn. Trên mặt ruột cây bào nhẵn nổi vân đặt tấm nệm tròn nhung đỏ.
-Anh Kiệt vẫn thế. Hệt như ngày xưa.
Trong gian phòng khách trần thiết nhiều đồ mộc, Kiệt ngắm gương mặt người đàn bà như ngắm một pho tượng bầy trong bảo tàng viện.
Những đường nét kết hợp không chút dấu tích của một thời gian cũ có Kiệt ở đấy. Hình dáng, thể cách tạo thành từ một đời sống hoàn toàn tách bạch với quãng đời đã chôn lấp. Hiền là môt người đàn bà không quen thuộc, không dính líu tới Ly. Nếu không được giới thiệu trước, chắc chắn Kiệt không thể nhớ.
Có lẽ vì thời gian xa cách, Kiệt đã không còn nhớ rõ hình dung Ly? Hoặc chưa bao giờ, đã lâu lắm, trong trí tưởng Kiệt, Ly được gợi nhắc, theo dõi, nên sự biến đổi trở thành bất ngờ, lạ lùng? Kiệt không rõ. Nhưng hiển hiện trong mắt Kiệt, Ly và người đàn bà xuất hiện là hai ảnh tượng, biệt lập như hai bức chân dung của hai người khác nhau. Nếu không có nụ cười….
Chiều chạng vạng ngoài ô kính. Trong phòng bật ngọn đèn điện đứng trong chụp hồng. Nụ cười như cây cầu treo giữa hai bờ vực sâu hun hút. Gió cuốn trong lòng vực tối nghe như thác dội.
Qua những phút biểu lộ quá trớn, Kiệt nín lặng. Ly thủng thỉnh hỏi thăm những câu hỏi theo thông lệ của hai người quen cũ trong buổi tái ngộ. Kiệt ngây ngây.
Duy hoạt bát, dẫn dắt câu chuyện lan man. Kiệt được bỏ quên với những tiếng vọng âm thầm. Chàng biết mình bị nhòm ngó. Thật tình chàng muốn bỏ chạy, núp trốn.
Trong một lúc ngắt câu chuyện, Kiệt nhắm nghiền mắt. Mỗi lần như vậy, chàng chuẩn bị nhào tới như con thú tuôn phá vòng vây.
Phương giữ kẽ không muốn nhận lời mời ăn tối. Kiệt thuyết phục:
-Không phải Duy mời. Tôi mời. Tôi mời hai người mừng buổi tái ngộ của chúng tôi. Ly Ly mời cô Phương đi.
Để đánh lạc xúc động, Kiệt thường liều lĩnh bướng bỉnh. Sau đó chàng sẽ hoảng kinh. Nhưng bây giờ chàng không suy tính.
Trong khi hai người đàn bà vào trong sửa soạn để ra phố, Kiệt lắng dịu. Chàng ngắm các đồ vật. Duy loay hoay sắp xếp chương trình, mất bình tĩnh. Kiệt cười bảo bạn:
-Đến đâu hay đến đấy, việc gì phải rối.
Chàng ngồi xoải trong ghế ngơi nghỉ.
Xe Dodge không thể để lại nhà Phương. Bốn người cũng không thể đi chung chiếc xe ấy. Kiệt đề nghị chàng lái xe Dodge, còn Duy lái xe của Phương.
-Đàn ông có bổn phận lái xe cho các bà đi. Kiệt nói.
Trời bắt đầu nhá nhem. Kiệt và Ly phải đi bộ lên đường. Chàng vẫy tay ra hiệu Duy chạy trước và la lớn nơi hẹn.
-Quán S. nghe chưa.
Ngồi trước tay lái, Kiệt lẩm bẩm: fausses notes. (1) Chiếc xe nhà binh quá cao đối với phụ nữ. Chàng ngắm Ly trèo lên vất vả. Xe không cửa và nệm ghế nổi vồng, nàng bấp bênh dễ té, tay níu dải dây treo bên mui phía trước kính. Trong bóng tối, gương mặt nhìn nghiêng chìm lẫn nhập nhòa trong mầu sáng quá khứ.
-Kỳ khôi hả Ly?
Kiệt tự nhiên hơn khi chỉ còn hai người.
-Anh vẫn vậy. Không thay đổi. Ly nhắc câu nói phút đầu.
-Khen hay chê?
Ly không đáp. Kiệt mở máy xe.
-Ly Ly, Ty Ty, U Ly, Tu Ty… Mình sẽ đến chậm trễ và người ta sẽ nghĩ…
Nói xong, Kiệt cười, rồ xe vọt mau.
Kiệt không dòm Ly, không hỏi han. Ly cũng vậy. Họ đang nghe ngóng. Xe chạy qua những đường vắng, Kiệt dần dần vơi nhẹ. Trong một lúc xe phóng nhanh rồi quẹo gấp, Ly chao nghiêng, Kiệt cười ròn.
-Anh hết sợ cảnh sát rồi hả anh Kiệt? Ly quay mặt hỏi giọng chế nhạo.
-Không biết nữa. Ở đây kiếm bẩy ngày không ra cảnh sát. Có lẽ hết mà có lẽ còn. Ly sợ không?
-Có sợ thì cũng đành chịu. Ngồi lên xe rồi mà.
-Tốt.
Hồi ấy khi không Kiệt thấy bóng cảnh sát là sợ rúm người. Nguyên nhân có lẽ vì rượu. Suốt một năm sau ngày mẹ chết, Kiệt bén mùi rượu đêm nào cũng la cà say bét nhè rồi về đập cửa phòng Tân. Ly mỗi dịp nghỉ từ Luân Đôn sang chơi với ông anh đều phải mở cửa cho chàng. Nàng thường nhăn mũi kêu ca vì hơi rượu nồng nặc Kiệt mang về đầu độc không khí, nhiều khi nàng còn phải dọn dẹp những bãi nôn mửa hôi tanh trên sàn rửa mặt. Có bữa cùng đi chơi với Kiệt và Tân, Ly đã bỏ ra về khi chàng trổ mòi say, miệng bắt đầu lảm nhảm: Et, enfin… (2) tôi muốn được một mình. Tôi muốn được thả rông một mình… Hiểu chưa?
Chưa bao giờ Kiệt nói yêu Ly, chàng cũng không nghĩ tới. Nhưng một hôm say mứa được Ly săn sóc, chàng đã cầm tay Ly bảo: Em giống như mẹ anh, anh thề anh sẽ lấy em. Rồi chàng khóc rưng rức. Ngày hôm sau mặc dầu gần Giáng Sinh, Ly bỏ về Luân Đôn không báo cho Tân hay. Kiệt đã viết thư xin lỗi nàng và nhận được câu trả lời: Em cũng thề không bao giờ làm vợ một kẻ say sưa.
Sau đó Kiệt từ rượu và sợ cảnh sát. Chàng vào nằm dưỡng trí viện mất mấy tháng. Ra khỏi dưỡng trí viện chàng mắc cở không gặp lại Ly. Mối liên lạc gián đoạn từ đấy. Cũng từ đấy Kiệt trở lại bình thường như mọi người. Chẳng bao giờ chàng nhắc nhở với ai - kể cả Thùy - về một giai đoạn khủng hoảng trong đời chàng. Với chính mình, chàng cũng không muốn nhớ nữa. Trong trí tưởng Kiệt quãng thời gian ấy như căn hầm tối bỏ hoang trong một gian nhà Kiệt chẳng khi nào héo lánh đến, lỡ chẳng may đi ngang chàng né lảng không dừng bước ngó ngàng. Bóng Ly bị bỏ rơi ở đấy.
Bây giờ Ly là Hiền ngồi cạnh Kiệt. Vực chia cách đã biến mất. Thời gian lúc này không phải là sự quy hồi dĩ vãng mà như thể tiếp tục theo một dòng trôi chẩy tiếp diễn sau quãng ngưng nghỉ không đáng kể.
Phương và Duy đứng đón bên vệ đường trên đầu dốc xuống quán ăn. Hai người ngó bộ nghiêm trọng.
Quán S. thuộc hạng dành cho du khách và người ngoại quốc. Cỡ lương Trung Uý như Kiệt trả được ba bữa ăn như tối nay. Kiệt chỉ bước chân tới quán đôi ba lần trong những dịp Thùy lên thăm. Khi Kiệt đề nghị, chàng nghĩ đến món tiền mới lãnh chiều hôm trước của Viện Đại Học. Chàng thèm một buổi tối tưng bừng hội họp, trò chuyện đùa nghịch, trưởng giả đua đòi cũng không sao, ngay từ lúc chàng khoác bộ quần áo tề chỉnh bấy lâu ít mặc. Đã lâu chàng sống thiếu thốn hết thẩy.
Cuối đường dẫn xuống quán tráng xi măng. Hai người đàn bà đi đôi đằng sau hai người đàn ông. Trời trong và trăng tỏ.
Quán vắng, êm ả. Trên bàn trưng mấy bông hồng. Duy mất hẳn tính hoạt bát. Có lẽ anh chàng thấy thất bại trong việc sáp gần Phương. Bữa tiệc khởi đầu có vẻ lúng túng, rời rạc.
Kiệt kêu một chai rượu chát.
-Anh còn uống rượu nhiều không?
-Bữa nay đặc biệt. Tất cả đều uống, không ai được phép từ chối. Kiệt nói.
Nhìn Ly ngồi cạnh Phuơng trong bữa ăn, Kiệt không hiểu sao Duy gọi nàng là bà Hiền. Tuy nhỏ thó, tươi tắn hơn bạn, nhưng nàng lại có vẻ chững chạc, lịch lãm hơn. Phương vướng víu, nặng nề vì mặc cảm của một người đàn bà độc thân. Ngoài ra hình như Phương không thoải mái vì những chuyện khác nữa.
Kiệt lại bỡ ngỡ trước người đàn bà, trước khuôn mặt xa lạ.
Hai cốc rượu của Phương và của Duy pha thêm nước lã. Hai cốc của Kiệt và Ly nguyên chất. Kiệt chỉ phải rót thêm vào cốc của Ly và của mình thôi. Trong khi Phương ngà ngà, Ly vẫn tỉnh táo. Duy thì ngậm miệng như thấm mệt, nhường Kiệt.
Chai rượu thứ hai mang đến bàn theo lệnh của Ly. Kiệt cười khoái trá. Ly đốt thuốc lá, tiếp rượu chàng. Mọi cử chỉ của nàng thành thạo, tự nhiên. Nàng không bận tâm đến ánh mắt của người bạn gái, thỉnh thoảng nàng quay ngó Phương điềm nhiên gợi chuyện với bạn làm như tất cả không đáng nên thắc mắc, làm cho trầm trọng. Nàng không hề biểu tỏ vẻ bất cần khiêu khích thường gặp ở các phụ nữ phá phách.
Một lúc Kiệt nghe Ly ghé hỏi khẽ bạn: Ân hận hả? Nàng nói tiếp: Không ai trách nhiệm hết, khỏi lo, cưng. Phương ngượng. Rồi như được giải thoát, Phương bắt đầu vui hơn và kéo theo Duy.
Không khí đậm đà vào cuối bữa.
Kiệt đợi Ly say nhưng nàng vẫn giữ vẻ bình thường trước mắt mọi người. Chỉ có môi luôn đậu nụ cười, những câu hỏi mạnh bạo, gọn ngắn hơn, giọng nồng nàn mê hoặc hơn. Một lúc điện hư, Kiệt nghe tiếng cười của Ly, không trông thấy mặt. Chàng xính vính trong tiếng cười dội thật xa.
Cuối cùng Kiệt say hơn cả.
Chàng ngó lảng ra cửa sổ. Trời đất như sắp sáng. Một khuôn cửa sổ ở xa lấp ló ánh đèn. Nhạc trong phòng trổi lại. Dường như đó là một quatuor của Brahms. Chàng căng rung, như những dây đàn phát chuỗi âm thanh ráo riết.
Kiệt quay vào, chàng nghe Ly nói với Duy:
-Tôi sẽ bắt anh Kiệt ngồi làm mẫu.
-Chuyện gì vậy? Kiệt sửng sốt.
-Anh sẽ ngồi làm mẫu cho Ly vẽ.
-Ly vẽ? Vẽ cái gì?
-Anh không biết Hiền là một họa sĩ hả? Phương xen lời. - Họa sĩ trứ danh đó. Vẽ từ ngày bọn này còn đi học với nhau cơ mà. Hồi ở Anh, Hiền triển lãm bán tranh như điên.
-Thật hả? Kiệt ngớ ngẩn – Lên đây để vẽ tranh?
Ly lẳng lặng cười.
-Hiền đang làm chuyến đi kiếm đề tài. Vừa ra đến Huế đã phải chạy tắp lên đây. Phương cười cười - Chứ không nàng còn ngao du sơn thủy đâu thèm tới chốn khỉ ho cò gáy này.
-Phương nó nói rỡn đấy. Ly chậm rãi cải chính. – Đâu có vẽ vời họa sĩ họa xiếc gì. Vứt sơn vứt cọ từ lâu rồi. Tự nhiên lên đây thấy nhớ thôi, còn có vẽ hay không lại là chuyện khác. Nội cái bây giờ đi sắm đồ nghề đủ mệt, chừng có đủ đồ nghề thì đã hết muốn vẽ rồi. Anh khỏi lo…
Kiệt chăm chú nhìn Ly.
-Nhưng tôi có gì đáng vẽ? Nói thử xem.
-Dưới mắt họa sĩ không có cái gì là không đáng vẽ cả.
-OK, bây giờ vẽ ngay đi coi. Kiệt khật khừ.
-Đây này. Duy chìa đưa Kiệt một mảnh giấy bé bằng bàn tay. - Họa sĩ đã vẽ trước cả lời yêu cầu của anh.
Kiệt ngó thấy bóng người đàn ông đang trông về phía một bình hoa và khuôn cửa sổ. Ly ghi phác mau lẹ dáng dấp của chàng phút vừa qua. Cái dáng dấp trơ trọi trên một nền trắng với những món vật bầy không. Ly theo dõi phản ứng của Kiệt.
-Xin lỗi. Chẳng giống tí nào. Kiệt nói, nhét tờ giấy vào túi áo.
-Giống ai? Ly hơi lên giọng.
-Giống tôi chứ giống ai. Hay là ông Duy?
-Tôi nào? Ly tiếp tục truy.
-Tôi là tôi đây. Kiệt nhún vai, nhăn mặt.
-Ở đâu? Lúc nào? Thế nào? Tại sao?
Dứt lời Ly cười xí xoá. Nàng trưởng thành quá thể, Kiệt nghĩ.
Duy uống cà phê, Kiệt với tay cầm cốc rượu đỏ của mình uống nốt. Tiếng đàn dây trầm trồ, lấp lửng. Ly kín đáo đặt những cốc rượu vào giữa bàn. Kiệt uống luôn cốc của Duy rồi cầm cốc của Ly trút đổ vào cốc đã cạn:
-Xin lỗi. Rượu mắc tiền, bỏ phí. Kiệt giơ cốc rượu nói trước khi nốc.
-Et enfin… Miễn cải chính.
Duy toan đứng lên, Kiệt níu tay bắt ngồi.
--Để ‘moa’ thanh toán. Dù anh là người được bạc chăng nữa. Hôm nay là ngày của tôi…. Chưa enfin đâu. Kiệt cười bảo Ly
-Anh Kiệt say. Phương nói.
-Vâng. Có lẽ. Nhưng cô yên chí. Hai cô về với nhau và chúng tôi về với nhau.
-Phải hộ tống chứ? Duy nhắc.
-Hộ tống chứ. Coi như xong. Kiệt phái Duy – Nhưng này cái gì thế. Nghe coi…. Păm păm păm pằm. Păm păm păm pằm… Ly nhớ không?
Hòa tấu khúc số 5. Kiệt gõ bàn gõ theo. Chàng vụt nhớ lần đưa Ly đi chơi chỉ có hai người dự một buổi hòa nhạc. Chương trình gồm mấy hòa tấu khúc thế kỷ 19 và Beethoven với khúc số 5. Lúc ra về tuyết rụng lả tả, hàn thử biểu 10 độ dưới số không. Ly nhất định đòi đi chân trở về trên quãng đường năm, sáu cây số. Nàng bảo nàng muốn được ngắm đêm, ngắm thành phố ban đêm, con gái chẳng bao giờ được hưởng thú vị ấy như đàn ông. Kiệt chiều ý cô em gái bạn. Chàng đã choàng vai Ly đi trong đêm. Chàng đã hát những đề nhạc của hòa tấu khúc ấy, cho đỡ lạnh, bước lâng lâng. Ly thỉnh thoảng hát theo, lắm lúc lập cập phải núp vào người chàng.
Kiệt không thấy gì khác thường trong đêm ấy và cả những ngày sau. Nhưng lúc này chàng vụt rõ sự ngu muội vô tâm của chàng.
Ly gật đầu. Nàng nhớ? Nhớ như Kiệt nhớ?

(1) Những nốt nhạc sai, không đúng nhịp
(2) Và, cuối cùng rồi thì.... [NQT]