Một Chủ Nhật Khác
20

Thùy vừa dứt cơn khò khè nghẹt thở, đặt mình chợp mắt đã nghe tiếng lịch kịch ở nhà ngoài. Nàng giận dữ, mỏi mê. Cơn giận bị trấn áp, quẫy lộn trong cơ thể rã rời. Nàng không động đậy, Ngực nàng bóp thắt, ức nghẹn tưởng chừng cơn xuyễn tái phát. Thùy trở mình từ từ, không dám lăn mạnh sợ đụng chạm những sợi dây vô hình chờ chực bó xiết cổ họng.
Kiệt, Kiệt. Tên khốn nạn, sở khanh, tên bệnh não tà dâm…
Những lời lẽ thô tục không thoát ra miệng, vang đập trong Thùy. Lắm lúc nàng chỉ muốn bật tiếng la hét, nổi cơn điên, đâm một dao cho Kiệt chết tốt rồi muốn ra sao thì ra. Nhưng nàng quá kinh tởm, kinh tởm Kiệt đến nước phát khiếp chết sững như bị một con chuột đỏ hỏn rớt trúng người.
Tình nghĩa hết sạch chỉ còn lòng khinh bỉ. Thùy bị đầy đọa trong sự khinh bỉ vô cùng tận. Cảnh sống của nàng rồi héo hắt dần trong địa ngục tối đen, do nàng tự xây cất. Chẳng phải Thùy không hiểu tình cảnh ấy, nhưng nàng không thể khác.
Không thể dời bỏ nhưng cũng không thể tha thứ, nàng chỉ còn trông mong với thời gian lòng khinh bỉ nguội lạnh cứng rắn thành sự rửng rưng lãnh đạm. Nàng hy vọng chịu đựng được sự hiện diện của Kiệt ở cạnh bên, chịu đựng được cuộc đầy ải một cách thản nhiên hơn. Nhưng chịu đựng căn bệnh không lành. Liệu được không?
Thoạt tiên Thùy quyết đoạn tuyệt. Sự phản bội của Kiệt công khai trắng trợn đến độ nghe nói nàng không tin. Kiệt ngang nhiên sống với nhân tình, trong nửa tháng Thùy đi xa, ở khách sạn P. giữa thành phố. Hai đứa du ngoạn, diễu trước mắt thiên hạ như đôi vợ chồng hưởng tuần trăng mật. Kiệt bỏ nhiệm sở, sắp sửa bị báo cáo đào ngũ, bị giam một tuần lễ. Điều Thùy không thể tưởng tượng là Kiệt không chối. Thái độ của Kiệt nhơn nhơn sỉ nhục nàng.
Anh xin lỗi em. Anh có lỗi với em. Anh không biết phải nói với em thế nào. Những gì em biết đại cương đều đúng. Anh không chối. Tùy em, em muốn xử trí ra sao, anh cũng nhận. Riêng anh, anh không thể nói gì được cả… Anh không có quyền nói gì cả… Thùy như bị xối nước lạnh. Bao nhiêu ý định sắp sẵn trên đường lê gặp Kiệt tiêu tan. Nàng tối tăm mặt mũi, uất ức chết điếng. Nàng khóc vùi, nhục nhã, không thể mở miệng. Chỉ có một cách là giết con người điếm đàng, tàn nhẫn ấy ngay tức khắc, không chần chờ, nàng đã không làm. Trong khi ấy hắn tiếp tục nói năng, múa may. Mỗi lời như một miếng kìm sắt nung đỏ dứt một mảnh thịt nàng. Cho đến khi Thùy thét lên:
-Thôi. Câm đi. Tôi tởm. Tôi tởm quá rồi…
Nín bặt. Nín bặt tuyệt đối. Lòng ghen tuông không còn mảy may. Chỉ còn cảm giác đau đớn, rát bỏng của lòng hận thù khôn xiết.
Những lời của Kiệt đến chết Thùy cũng không quên. Chúng tiếp tục đào bới, xục xạo, phá phách, lan rộng mãi, chui sâu mãi ở trong nàng. Hắn đã nói những gì? Em nên hiểu, em ráng hiểu một chút… Anh có tội một cách vô tội, em vô tội một cách có tội… Lần này quả thật là người tình cũ… Em là đàn bà, em hãy tưởng tượng về một người đàn bà… Nàng đã đi rồi, không bao giờ trở lại. Không bao giờ, thật như thế… Nàng đã trả anh về cho em. Nàng giữ anh cho em, nếu không anh đi mất đất rồi. Nàng đẩy anh trở về, còn nàng ở lại, nàng ở lại một mình… Anh chỉ đưa nàng đến đó, còn anh trở về với em, trở về mãi mãi với em. Anh hy vọng em hiểu….
Hiểu, hiểu, hiểu… Thùy hiểu Kiệt là kẻ đàng điếm điêu ngoa cực độ. Tình yêu bao nhiêu năm che mắt nàng. Nàng chỉ muốn chết không còn nhìn mặt ai. Nhưng nàng đã không chết.
Lúc Thùy tỉnh giấc hôn mê quằn quại suốt hai ngày đêm, nàng thấy nàng bị cột chặt trên giường bệnh. Nàng thấy ba đứa con nước mắt ngắn nước mắt dài bên giường. Sau lưng nàng là đứa em trai nàng đã dẫn vượt thoát những chặng đường trên quốc lộ 13 đang ầm vang súng nổ. Nàng thấy Nguyên tề chỉnh, thừa thải trong vẻ buồn im của chàng.
Và Thùy quyết định không chết, không ly dị. Nàng chấp nhận địa ngục là cảnh sống tiếp, nhìn Kiệt như trông chừng một đồ vật phải tránh. Gọi như sống cảnh góa bụa với kẻ thù địch kề cận. Nàng sẽ cắn răng chịu đựng cho đến chót đời. Đó cũng là cách hành hạ, trả thù cay độc kẻ đã huỷ hoại đời nàng.
Vài ba ngày nay, Kiệt về nhà như con chó ghẻ lở, cúp đuôi len lét. Vẻ tiều tụy của Kiệt trông xốn con mắt. Đối với Thùy, nó phô phang, khiêu khích.
Nhà như chiếc hộp kín im lìm. Thùy không nghe tiếng động nào khác ngoài những tiếng động bất chợt như một gót chân hay cánh tay đập trên gỗ đi văng cứng. Và loáng thoáng những lời rên rỉ đè nén của Kiệt. Thùy lợm giọng.
Tất cả những đau đớn của Kiệt không bằng móng chân so với nàng. Kiệt có chết ngay trước mắt, cũng đừng hy vọng nàng nhỏ một giọt nước mắt thương hại. Huống chi Thùy lại thấy sự bệnh hoạn ở Kiệt đầy giả dối, làm bộ làm tịch. Thùy lạnh buốt trong khinh rẻ. Hắn đang diễn vai tuồng oan khiên nhắm làm mủi lòng người. Không bao giờ Thùy còn bị mà mắt bởi những trò ấy.
Kiệt rón rét mở cửa ra đường. Thùy biết Kiệt chưa đi, còn quay lại.
Ít phút sau còi tan giới nghiêm vọng tới.
Đèn phòng ngoài bật sáng. Tiếng xì xào của mấy đứa nhỏ.
-Đứa nào mở đèn đấy. Tắt đi. Thùy nói to.
-Dạ, con. Tiếng Cường, thằng con lớn.
-Tụi mày lên ngủ nữa đi.
Thùy mở mắt nhìn bóng tối.
Hai đứa nhỏ đứng lưng chừng cầu thang, tiếp tục lào xào. Dưới bếp chị người làm đã thức. Trên gác lửng, thằng Hào bé nhất, mới năm tuổi, kêu:
-Anh Cường, anh Tuấn. Papa đi rồi hả?
Hai đứa lớn suỵt suỵt. Thằng Hào thấp giọng nhưng nghe rõ:
-Sao không kêu em dậy?
-Tụi bay lên gác ngủ nữa không? Thùy nạt.
Tụi nhỏ im thít.
Lát sau, cửa rào động. Kiệt lệt xệt qua sân vào nhà. Thùy dậy, xuống bếp. Nàng không thể nằm yên nghe câu chuyện giữa Kiệt và ba đứa nhỏ chọc bên tai.
Thùy ngó gian bếp lát gạch tráng men. Ngọn lửa xanh. Những nồi xoong sáng trên tường. Chị giúp việc đứng ngây chưa tỉnh ngủ trước ấm nước. Nàng mở tủ lạnh, dòm vào, đóng lại. Rồi vào phòng tắm.
Bữa nay chủ nhật Kiệt đi. Thùy thấy nhẹ người. Nàng trông trước tuần lễ sắp tới. Vấn đề Thùy phải giải quyết là chị người làm. Chị xin phép ra Qui Nhơn thăm tin tức gia đình. Chị nghe nói gia đình chị đã từ Quảng Trị lánh nạn về đấy. Chị hứa sẽ trở vô, lời hứa không bảo đảm.
Có người làm, mọi sự êm xuôi như mấy năm qua. Buổi sáng bốn mẹ con quây quần ăn điểm tâm. Thùy dặn dò các con chương trình trong ngày, sau buổi học. Rồi mẹ con chia tay. Nàng đưa thằng Hào đến nhà trẻ trên đường tới sở. Thằng Cường và thằng Tuấn đi với nhau. Buổi trưa xe nhà trường đưa thằng Hào về nhà, nàng ăn cơm ở hàng quán, nghỉ dăm mười phút ngay tại văn phòng, tiếp tục làm việc lúc một giờ và trở về nhà lúc năm giờ chiều.
Nàng sắp đặt nhà cửa sau một ngày vắng mặt, trông nom con cái, tắm rửa, vào bếp làm bữa tối. Bữa cơm tối là giờ xum họp. Sau bữa cơm, Thùy xem tập vở của các con, kiểm soát coi chúng đã học bài làm bài chưa trước khi mở máy truyền hình hoặc bầy cho chúng những trò vui đùa trong gia đình. Thứ Bẩy nghỉ buổi chiều, nàng đưa các con đi phố, cho chúng ăn hiệu hoặc xem chiếu bóng hoặc vào vườn thú hoặc đến thăm những nơi họ hàng quen biết. Chủ nhật hai đứa lớn đi họp đoàn sói. Nàng ở nhà lo chợ búa tuần tới, chơi với thằng Hào hoặc dắt con đi thăm bạn. Một hoặc hai tháng, chọn một ngày chủ nhật đặc biệt, Thùy mượn xe lái đưa con đi chơi xa, ra ngoài đồng hoặc tắm biển hoặc về Bình Dương thăm ông bà ngoại. Bên nội chúng chẳng có ai.
Chỉ một điều sẽ khác, từ nay trong lúc xum họp vui đùa của mẹ con, Kiệt sẽ chẳng còn thủ vai người vắng mặt luôn luôn hiện diện, làm chủ đời sống gia đình này. “Papa” Kiệt sẽ vẫn còn được nhắc nhở hỏi han nhưng rồi Thùy sẽ tìm cách làm nhạt vai trò ấy đối với bọn trẻ. Chúng sẽ tập quen cảnh sống không cha. Lớn lên chúng sẽ hiểu cha chúng là một người không xứng đáng, kẻ ích kỷ vô lương tâm, kẻ đã giết dần giết mòn mẹ chúng. Mẹ chúng đã sống chỉ vì chúng, vì danh dự, tương lai của chúng. Không có mẹ chúng sẽ chẳng còn ai. Cha chúng là đồ bỏ đi.
Lúc này Thùy còn rảnh rang thừa thì giờ để giải quyết vấn đề người giúp việc. Chưa đến ngày khai trường. Ba đứa trẻ ở nhà trong khi Thùy đi làm. Thùy sẽ lo bữa cơm trưa để sẵn. Nàng sẽ tập thằng Cường chăn các em.
Tiếng huyên náo vang động ngoài trước. Bọn trẻ đang làm ồn, vỗ tay đôm đốp. Papa, papa… thổi đi, Il était un petit navire… Sur le pont d’Avignon… Tiếng harmonica trổi cùng tiếng vỗ tay làm nhịp. Thằng Hào ngọng nghịu hát theo.
Thùy cau mày. Nàng không chịu thấu cảnh xóc óc. Kiệt như cốt phá quấy, chọc thủng bức tường im lặng bao bọc nàng.
-Cường, Tuấn… Thùy quát lớn.
Tiếng vỗ tay im bớt. Chỉ còn thằng Hào vỗ thêm vài tiếng loạc choạc rồi im luôn. Tiếng kèn tiếp tục một mình đến hết bài.
Thùy đến ngồi trước bàn phấn. Phòng không mở đèn. Nàng nhìn khuôn mặt hiện mờ mờ trong gương. Đôi mắt căng rộng như hai trũng tối. Nàng cầm bàn chải gỡ tóc, tay run rẩy.
-Để bố thổi bài hồi nhỏ bố hay hát. Các con đã nghe bài này bao giờ chưa? Anh hùng xưa… nhớ hồi là hồi niên thiếu… Dấy binh… dấy binh lấy lau làm cờ…
Rõ ràng Kiệt trêu tức Thùy. Trước kia mỗi lần Thùy giận dỗi, Kiệt vẫn tìm cách dàn hòa bằng những trò hề lố lăng khiến nàng phì cười. Bây giờ Thùy chỉ thấy giọng của Kiệt hạ cấp, thiếu tư cách. Thùy căm gan. Nàng không thể để cơn giận bộc phát. Hắn sẽ sung sướng vì được chiếu cố.
-Papa dậy con thổi kèn papa. Tiếng thằng Hào.
-Hồi nhỏ không ai dậy bố thổi kèn cả. Cứ có kèn con thổi hoài là sẽ ra bài.
-Thế papa cho Hào cây kèn.
-Bố sẽ mua cho Hào cây kèn khác. Cây này bố thổi rồi, con thổi vào sẽ lây bệnh. Sẽ phải đi nhà thương như bố.
-Papa đi nằm nhà thương hả papa? Papa nhớ gửi về cho con cây kèn.
Thùy đứng ở khuôn cửa giữa hai phòng, gọi:
-Cường, Tuấn. Rửa mặt chưa?
Thằng Cường đang kéo mở chiếc xắc hàng không đựng hành trang của Kiệt, thằng Tuấn chúi đầu bên anh. Thằng Hào ngồi bó gối trên sàn gạch bông dưới chân ghế Kiệt.
-Con đang soạn đồ cho papa.
-Đi rửa mặt Cường, Tuấn. Kiệt nói. - Đủ rồi, khỏi soạn.
-Hào, con cũng đánh răng với anh Cường. Rồi “măng” rửa mặt cho.
Thùy quay vào bàn phấn. Nàng bật điện. Nhà sáng trưng từ trong ra ngoài. Kiệt chậm chạp đi qua vào nhà sau. Thùy không nhìn bóng người đàn ông trong gương.
-Mấy giờ papa đi?
-Tám giờ.
-Sao hôm qua papa nói phải đi sớm?
-Đáng lẽ phải đi sớm, nhưng có bác quen có xe đưa ra phi trường hẹn đón bố nên đi muộn…
--Tonton nào vậy, papa? Thằng Cường hỏi.
-Các con không biết.
-Tonton không tới đón là papa hết đi. Thằng Tuấn reo lên trước khám phá của nó.
-Papa ở nhà luôn. Thằng Hào phụ họa. - Khỏi nằm nhà thương.
Thùy chóng mặt, nặng đầu. Nàng uể oải dẹp giường. Chị Ba lên hỏi:
-Thưa Cô, mua gì ăn sáng?
-Mua bánh mì cho tụi nhỏ.
-Còn Cậu?
-Chị hỏi muốn ăn gì thì mua.
Kiệt ngồi vào bàn ăn trong bếp uống cà phê. Ba đứa trẻ cũng nhẩy ngồi trên ghế của chúng. Ghế của Thùy đặt ở đầu bàn gần tủ lạnh.
-Cường, Tuấn. Lên dẹp mùng mền đã. Hào đánh răng chưa, ra “măng” rửa mặt.
Trong khi Thùy kỳ cọ cổ gáy cho nó, thằng Hào vẫn ngóng về phía bàn ăn. Nó nhăn nhó, nháy mắt, cười diễu. Nhìn mặt thằng nhỏ như tấm gương phản chiếu Kiệt sau lưng Thùy. Hắn đang làm trò hề khả ố. Thằng Hào, trong ba đứa, giống Kiệt như đúc khuôn. Bất ngờ, Thùy tát mạnh vào mặt thằng nhỏ rít lên:
-Quỉ dịch…
Tiếng Kiệt hét váng óc. Thằng Hào khóc ngất. Kiệt dằng đứa nhỏ ra khỏi tay Thùy. Thùy thở hào hển không phản ứng. Chị Ba cầm hai ổ bánh mì đứng ở cửa xuống sân. Thằng Cường và thằng Tuấn thập thò bên cạnh.
Thùy đứng lên nặng nhọc, cầm khăn lau quanh mặt. Mặt nàng bừng bừng, trơn nhẵn. Nàng tiến đến bàn ăn. Thằng Cường, thằng Tuấn cũng đến ngồi vào ghế ngay ngắn, đợi chị Ba nướng lại bánh mì. Thằng Hào ngồi trên đùi Kiệt thút thít. Bên má trái thằng nhỏ vệt ngón tay in đỏ.
Thùy trông thẳng vào Kiệt. Hắn đang vuốt tóc thằng Hào, thủ thỉ nói. Nàng nhìn trân trân đầu tóc bờm xờm, gương mặt thiểu não, quần áo xốc xếch của Kiệt. Nàng trông thấy sự xuy xụp khốn nạn. Không thể tưởng tượng đó là con người nàng từng ôm ấp chung đụng trong gần mười năm. Nếu bây giờ hắn chạm vào người chắc chắn nàng ngất xỉu.
Thùy hớp những ngụm cà phê đắng nghét vì cứ nghĩ đến mùi hôi hám tanh tưởi tiết ra từ người đàn ông này.

Nàng đứng dậy. Trước khi rời bàn ăn, nàng nói:
-Hào, sang ghế ngồi ăn tử tế. Tụi bay ăn lẹ lên rồi đi sửa soạn. Cậu Bẩy sắp tới đón. Chị Ba coi chừng thằng Hào ăn dùm tôi.
Thùy quay lưng bỏ ra nhà ngoài. Nàng mở rộng cánh cửa.
Trời đã sáng. Hàng xóm chưa nhà nào thức. Khu xóm trung lưu thuộc vùng ngoại ô. Các nhà phần lớn có xe riêng đậu dài men theo một mé đường hẻm. Nhà nào cũng có rào trồng cây trong một khoảnh sân. Các cửa che màn. Xóm ngoài gần lộ sang hơn, biệt thự cổng sắt, sân rộng có nhà chứa xe.
-Thùy.
Thùy ngồi ngả trong ghế. Ở đi văng xa, Kiệt đang xỏ giầy. Nàng nhếch mép khinh bạc. Kiệt trừng trừng, hung hãn, xong cúi buộc giây giầy. Ngửng lên hắn lại nhìn nàng. Nàng giữ nguyên vẻ mặt thách thức. Hắn thở phì, nhắm mắt rồi bỗng cười. Nụ cười lặng lẽ, mở rộng, lay động khuôn mặt ngẩn ngơ.
Phút ấy Thùy tỉnh ngộ dưới mắt Kiệt nàng không là gì. Hắn cười trong cõi riêng. Từ bao giờ hắn vẫn sống trong cõi riêng, với nàng bên cạnh. Phát giác đột ngột làm nàng tủi hận nhưng giúp nàng cứng cỏi thêm trong thái độ lựa chọn. Hắn coi thường nàng trong bao lâu nay nàng không hay và hắn phải chịu sự khinh miệt rẻ rúng của nàng từ nay.
Thùy đi ngang mặt Kiệt, vào giường. Vài phút nữa Kiệt đi. Kiệt trở về hoặc không trở về chẳng còn làm bận được đầu óc nàng. Giữa nàng và Kiệt tuyệt không còn một câu nào để nói với nhau. Hai người đã đứng hai bên một bức tường kính.
Giấc ngủ đến với Thùy mau không ngờ. Kiệt đi nàng không hay.