15

Buổi chiều tươi rói lúc Kiệt từ phòng tắm ra, phóng nhẩy ba bước qua con đường hẹp sang quán cà phê.
Đối với những người khác, ngày chủ nhật còn vài giờ đồng hồ. Họ bắt đầu ngán ngẩm tưởng đến tuần lễ làm việc đã chờ chực. Nhưng đối với Kiệt, bấy giờ như mới bắt đầu một ngày, một ngày khác nữa.
Lòng Kiệt vui rộn, kỳ quặc.
Buổi trưa, sau khi Thùy đi rồi, Kiệt còn đắm trong trống rỗng. Bữa ăn trưa chủ nhật vô duyên, trơ trẽn. Nhà hàng không dọn cơm bữa mà làm món bún chả đặc biệt. Vẻ thịnh soạn khác thường trên bàn, cùng sự lăng xăng chăm sóc của chủ nhân và con cái chỉ gia tăng nỗi buồn tẻ của bọn người sống cảnh “cơm hàng cháo chợ”. Kiệt uống bia, có ý đợi Duy đến rủ đi ăn cơm Tầu. Duy biệt dạng. Không ai trông thấy mặt mũi anh chàng đâu suốt buổi sáng. Vợ chồng Nghiêm về Sàigòn chịu tang – ông thân sinh vợ Nghiêm mất - nếu không chắc chắn Kiệt đã tới nhà Nghiêm đòi cho được mời bữa cơm. Kiệt đành ăn qua quýt rồi về ngủ. Sau giấc ngủ say, Kiệt đi cắt tóc, tắm rửa. Chuơng trình chiều chủ nhật ấy: truy lùng cho bằng được Duy để cùng đi ăn bữa chiều.Trong quán cà phê chỉ có ba thanh niên ngồi ở một bàn đang trò chuyện với cô cháu gái bà chủ quán nghỉ chân ở một bàn riêng kế cận. Cả bốn người đều là sinh viên.Đã gần kỳ thi của các phân khoa, sinh viên đang ở xa lục tục lên trường. Bọn họ bàn tán về biện pháp động viên vừa ban hành - sụt một tuổi vào đại học – và áp dụng ngay tức khắc. Tâm trạng hoang mang chán nản: bọn con trai đi lính hết, đỗ hay trượt kỳ này cũng nhập ngũ, để trường cho mấy cô học. Sau này yên hẳn, quân đội trả về, để cho mấy cô chỉ huy tụi tôi luôn. Mấy chú lem luốc có vẻ bất cần đời tuyên bố: thi cử gì, tâm trí đâu mà học hành, tớ lên là cốt thăm cảnh cũ người xưa lần cuối, vui thì thi, buồn thì thôi, bây giờ có ai rủ tớ đi chơi đâu là tớ đi ngay….
Kiệt uống hết ly cà phê, hỏi thăm bà chủ quán. Từ sáng đến giờ Duy chưa ghé quán lần nào.
-Bà nhắn hộ là ông Trung Úy cần tìm ông Thiếu Uý gấp.
Người đàn bà ít nói cười, nhận lời.
Kiệt chạy khắp nơi không gặp bạn. Chàng leo hết ba từng lầu của cư xá sĩ quan độc thân, đập cửa các phòng có họp bài bạc. Chàng qua tất cả các quán cho muớn bàn bi-a thuộc khu trung tâm. Chàng vòng có đến mười lần phố chợ trên, chợ dưới, chạm trán hầu hết những dân ưa dạo phố, trừ Duy, rồi ngồi quán ngay đầu phố trên lối quanh của vòng dạo, ngó chừng đám đông xoay chuyển trên vỉa hè.
Có những hồi Kiệt không thể ở không một mình được. Nhưng chàng cũng không thể nhập bọn với những người ít gặp gỡ, không thường giao du.
Chàng đến Phương.
Phương ngạc nhiên. Kiệt lúng túng, thấy mình ngơ ngẩn, nhưng vẫn hỏi:
-Tôi tìm Duy. Hắn có đây không?
-Phương ngắm Kiệt bằng con mắt lạ. Nàng cười khó hiểu.
-Anh tìm Duy thật hả? Không có đây.
Kiệt hiểu đang bị Phương trêu cợt.
-Mời anh vào chơi. Không có Duy nhưng có Hiền mới lên.
-Vậy hả? Vậy hả? Lên hồi nào thế?
Kiệt nói, khỏa lấp sự ngượng nghịu. Có lẽ Phương nghĩ, Kiệt nghe tin Ly lên, tìm đến, Việc tìm Duy chỉ là cái cớ vụng về, tố cáo gian ý. Và giọng mừng rỡ làm ra vẻ ngạc nhiên của chàng rõ ràng là giả tạo. Chính Kiệt cũng thấy như thế.
Chàng ngồi cứng trên ghế đợi Ly. Nàng vừa lên lúc hai giờ. Đang tắm. Phương tiếp chàng. Câu chuyện xoay quanh kỳ thi sắp tới của sinh viên. Phương hỏi: anh thấy tình hình rồi ra sao? Liệu mình thua không? Kiệt đáp: tôi cũng mù tịt. Phương tỏ vẻ quan tâm, lo âu về các biến chuyển. Nàng thất vọng vì sư lơ ngơ của Kiệt trước các vấn đề chính trị quan trọng của đất nước, xứ sở.
Ly không mảy may phản ứng khi gặp Kiệt. Gương mặt nàng phẳng lặng. Nàng thong thả ngồi vào chỗ, nghe chuyện giữa Phương và Kiệt. Mãi sau, trong khi Phương đang nói, Ly nhìn Kiệt càng lúc càng sâu rồi mỉm cười thay lời chào hỏi.
Phương hăng hái, khác hẳn vẻ trầm tĩnh thường thấy, khi đề cập đến những chuyện quốc gia đại sự. Trước thái độ lừng khừng của Kiệt, Phương muốn gây tranh luận cho rõ trắng đen.
-Nhức đầu quá Phương ơi. Ly can thiệp, giọng dịu dàng nhưng tàn nhẫn.
Phương cụt hứng, đỏ mặt, rút vào trong vỏ khô cứng cố hữu.
-Em vẫn thế. Miệng ác quá. Kiệt nói, khi Phương đã vào trong.
Phương hiểu. Ly đưa tay bóp trán. - Nhức đầu thiệt mà.
Ly để mặt trần, dễ nhận thấy vẻ quen thuộc hơn khi nàng trang điểm. Từ khi gặp lại, hôm nay Kiệt mới có dịp nhìn kỹ Ly. Nàng thản nhiên bỏ mặc. Da nàng phơn phớt xanh như mầu núi xa xôi.
-Mệt lắm không? Kiệt hỏi.
-Không. Chỉ nhức đầu. Em bị chứng đau đầu.
-Đi chơi được không?
-Đợi em năm phút.
Kiệt không dự tính. Chàng chỉ muốn đến một chỗ thoáng hơn gian phòng khách chật đồ đạc, bầy biện quá ngăn nắp. Chàng bỏ ra hiên. Con đường trên cao chỉ hiện mép cỏ. Chiều nắng trong thành phố nhưng đây phảng phất ánh sáng tím của rừng núi gần kề.
Lỳ và Phương cùng ra.
-Thứ ba anh Kiệt rảnh không? Phương hỏi. - Thứ ba anh đến chơi. Anh mời hộ luôn anh Duy nhé. Buổi tối.
-Lúc nào chẳng rảnh. Nhưng vụ gì? Cho biết trước đi.
-Chẳng có gì. Có mấy người bạn nữa ở Sàigòn lên. Họp mặt cho vui.
Ly rửng rưng. Kiệt có cảm tưởng Ly không có mặt trong bữa ấy.
-Về ăn cơm không? Phương quay hỏi Ly.
-Quá bẩy giờ, đừng chờ.
-Hai người lấy xe tôi mà đi. Anh Kiệt để xe đây tôi giữ cho. Chiều nay tôi không đi đâu cả. Tối về Hiền đỡ bị gió.
Kiệt đưa mắt hỏi Ly. Thái độ của Phương khác hẳn. Lần trước, Phương dè dặt, ngần ngại. Bây giờ thân thiện, cởi mở, có vẻ đồng lõa.
-Thôi, phiền. Ly gạt.
-Anh Kiệt chờ tôi lấy chìa khoá. Phương làm như không nghe Ly nói. - Chịu khó làm tài xế.
Kiệt lắc đầu, biểu tỏ sự bất khả kháng. Thật ra chàng bất chấp kẻ xung quanh. Chàng sống trong chiêm bao.
-Ngượng không? Kiệt hỏi.
-Đừng nghĩ là hơn.
-Em không nghĩ?
Ly gật đầu. Kiệt biết không phải. Mắt Ly đăm đăm ngó mặt đường trôi tới.
-Phương nghĩ không phải tình cờ anh đến và gặp em chiều nay. Cô ấy cho rằng anh biết trước.
-Hắn tưởng em gửi điện tín báo ngày lên cho anh biết.
-Tại sao?
-Em bảo với hắn thế.
-Sao em lại bảo thế?
-Đó là cách giải thích hợp lý. Ly cười, nhưng vẻ rầu rầu. - Hắn dễ chấp nhận. Hết thắc mắc lôi thôi. Mà thật thế.
-Tình cờ ngẫu nhiên cũng là chuyện hàng ngày chứ.
-Phương ưa lý luận lắm. Hắn cần thuận lý. Hắn không chịu nổi sự vô lý.
-Cũng hay.
-Nhưng hắn lại chịu em. Sự vô lý lớn nhất đời.
Kiệt lái xe thong dong, không mục đích.
Ngày trước, chàng cũng lái một chiếc Volkswagen, hai cửa. Tân ngồi bên và Ly ngồi sau. Ly bao giờ cũng phải chui vào xe trước. Chàng thường đẩy lưng ghế lại và nói: nhốt cái cô lý lắc này lại cho chắc ăn. Không khi nào chàng đổi xe có bốn cửa. Ly ngồi buồn, dám thò cổ, thò tay nghịch, gây tai nạn nguy hiểm, có khi dám loay hoay bật cửa nhẩy ra.
“Ly, mày phải cất cái trí thông minh của mày đi, tao ghê quá. Mày phải nhớ đàn ông là ngu tất. Không nên làm cho người ta sợ ích chi đâu. Tối kỵ. Mày chỉ thiệt thân.” Một bữa Tân mắng em sau khi Ly thuật cho Tân và Kiệt nghe vụ một người bạn học ngỏ tình với nàng và nàng từ khước thẳng: “Tôi không thể nhận tình anh. Xin cảm ơn anh. Giá anh đừng đi giầy hai mầu…”. Người bạn bảo, “Tôi sẽ làm hết thẩy, theo ý em”. Ly nói, “Anh có thể bỏ đôi giầy hai mầu nhưng còn cái đầu hai mầu thì sao?”  Tân mắng, “Cái đầu của mày bao nhiêu mầu mày biết không?” Ly cãi bướng, “Đầu em mầu cầu vồng. Đủ các mầu. Thà là đủ các mầu hoặc chỉ một mầu. Hai, ba, bốn, năm mầu… vứt đi!”. Tân bao giờ cũng mày tao chi tớ với em. Có lẽ bao nhiêu năm Duy lây Tân, đối với Ly vẫn như Tân. Tân đùa đọc thuộc lòng cho em nghe bài: Con bươm bướm kia cánh vàng rực rỡ… và thường gọi em “Con bươm bướm vàng” mỗi khi Ly tỏ ra quá khích.
-Con bươm bướm vàng. Kiệt liếc Ly cười. - Nhớ không? Đáng lý phải nhốt cô ở phía sau.
-Xe bốn cửa mà. Ly cười. – Bây giờ không phải bướm vàng mà là bướm đen.
-Trước hôm gặp lại em, anh thức trắng một đêm ở trại. Nửa đêm anh trông thấy một con bướm đen bay trong hành lang.
-Tình cờ nữa. Nụ cười Ly như không tắt. - Điềm gì vậy?
-Không biết. Trông thấy rõ ràng không phải bịa nghe. Kiệt có giọng phân trần.
-Enfin… C’est absolument vrai… Ly nhái giọng Kiệt mấy lúc say mèm.
-Trước đó, buổi tối anh nghe Hòa tấu khúc số 5  ở phòng một người bạn. Nhớ chứ?
-Quên sao nổi? Ca s’apelle La Symphonie du Destin.
-Păm păm păm pằm… Păm păm păm pằm… Những bước Định Mệnh đang tới. Du Changement, de l’Éternel Retour… Dâu Bể, Tang Thương, Quy Hồi Miên Man.
Kiệt đau nhói bên ngực.
-Sau đó, Duy báo tin em hỏi thăm. Nghĩ hoài không ra ai. Đêm nằm nhớ ngôi nhà ở Heiligenstadt của Beethoven cùng đến với em với Tân....
-… Với Anita. Anh nhớ Anita không?
-… vậy mà không nhớ ra em. Ngu thật. Tại cái tên Hiền. Hiền, lạ hoắc. Chẳng bao giờ anh nhớ nổi cái tên Hiền.
-Em cũng không thích cái tên Hiền. Mình có hiền đâu nmà cứ bắt mình hiền.
-Độc. Kiệt dùng ngôn ngữ và giọng của Duy thường điểm sau mỗi câu nói đáng chú ý của người khác hay của chính hắn. Giọng nhấn thay tiếng cười.
Chàng ghé xe bên đường mua thuốc lá. Chàng chọn tìm bao thuốc lá của Ly. Chàng định tâm làm Ly ngạc nhiên.
-Trí nhớ anh đang sáng suốt ghê gớm. Bây giờ thì nhớ cả những chuyện tủn mủn, không đáng nhớ. Chẳng hạn như bao thuốc lá…
Một dịp hè, Ly theo bọn Kiệt đi chơi. Đêm cuối cùng ở bờ biển Tây Ban Nha, cả bọn kéo nhau đi nhẩy. Nửa đêm Kiệt say lèm bèm. Trong một bản mambo, Kiệt bảo Ly: Ráng cao lên chút xíu nữa, em như con chuột nhắt, kỳ lắm. Một lúc khác, Kiệt trông thấy trên môi Ly vắt vẻo điếu thuốc lá. Trong bàn chỉ còn mình Ly ngồi trông như đứa bé gái lạc lõng. Chàng đi vào, nhấc lấy điếu thuốc. Ly không nhúc nhích, cử động, dương mắt ngó chàng. Một hồi lâu, nước mắt Ly ứa chẩy. Nàng nói: “Anh là cha em đó, anh Kiệt.”
-Anh nhớ đúng không? Kiệt đưa bao thuốc cho Ly.
-Không đúng. Chẳng quan hệ.
Kiệt bật châm thuốc trước khi cho xe chạy. Ly bỏ bao thuốc lá vào xắc tay.
-Đó là điếu thuốc đầu tiên trong đời em. Ly khoan thai nói. –Đó cũng là bữa em nhìn anh thật rõ ràng bằng cặp mắt khác trước. Anh có biết không? Tu es cruel.
-Anh say.
-Miễn bào chữa.
Ngọn thác gần thành phố xơ xác, bẩn thỉu. Vùng rừng thông xung quanh bị triệt hạ làm rẫy, cất nhà. Nước yếu ớt. Dưới chân thác không bóng du khách. Những nhà lợp tranh làm bằng gỗ hình đa giác. Cây cầu sơn phết xanh đỏ bắc qua lạch nước nhỏ trông trơ trẽn.
Trời đã thật chiều khuất nắng. Gió rào rạt át tiếng nước chẩy. Hai người ngồi im trong xe đậu trên mặt đường cao trông xuống thác. Một người thợ chụp hình đạp xe gắn máy nổ, trở vào phố. Các quán hàng bên đường đều đã đóng.
-Xin lỗi vụ chủ nhật trước.
-Ly như thể quên không nhớ việc đã qua. Nàng mở xắc lấy thuốc lá. Kiệt đáng diêm châm cho nàng. Sắc mặt Ly lợt lạt lạnh mướt.
-Tưởng anh không muốn gặp nữa.
-Sao lại tưởng?
-Không đúng hả. Ly cười nhẹ. – Xin lỗi.
Cũng đúng. Kiệt thú nhận như đùa.
-Đúng chắc. Em biết anh sợ.
-Em không sợ?
Ly nhả một hơi khói dài, thủng thẳng nói:
-Non, Je suis libre.
Những câu nói loáng thoáng như không thực. Gió lay động cây cối quay cuồng nhiều lúc như tiếng thác dội ầm ầm. Bọt nước trắng tung bay lên trên đá xám.
-Hồi trưa em gặp Thùy ngoài phi trường.
Ly cùng đi với chuyến máy bay với đoàn quay phim của Hiệp trở lên quay nốt một số ngoại cảnh lần trước không thực hiện được vì gặp những ngày bão. Hiệp một lớp với Phương và Ly, bà con xa với Thùy. Kiệt giật mình, chàng đã không biết mối liên hệ ấy. Ly được giới thiệu với Thùy. Trong câu chuyện ngắn ngủi ở phòng đợi phi cảng, Hiệp nhắc chuyện mượn nhà Kiệt, nửa đùa nửa thật đe dọa Thùy: Tôi báo động chị hay, ảnh lộng lắm à, chị nên coi chừng. Kiệt thấy lại buổi chiều và buổi tối chủ nhật với Oanh. Bữa tổ chức sắp tới của Phương nhắm mời Hiệp. Ly đã đi nhờ xe ra đoán đoàn quay phim từ phi trường về.
Không khí trở nên bực bội.
-… Giống như cái bát úp.
-Anh nói gì?
Kiệt không đáp. Chàng nghĩ đến cái xã hội tiểu trưởng giả chằng chịt những liên hệ thân quyến, bè đảng, phe phái.
Ngồi ngây một hồi, Kiệt giật mình. Ly đang nhìn xa. Chàng nắm tay Ly, bóp nhẹ. Gió chuyển rùng rùng bốc cao.
-Mình đi chỗ khác. Chàng nói.
Vào đến phố trời xẩm tối. Xe chạy hai ba vòng khu chợ chỉ còn vài cửa hiệu sáng đèn. Từ trong một nhà vẳng ra tiếng chuông báo giờ phát thanh Việt ngữ của đài B.B.C. Kiệt trông thấy bóng Duy trước dẫy hàng rong (bắp nướng, đậu phọng rang, xe bánh mì, sữa đậu nành…) trên vỉa hè đầu phố.
-Bẩy giờ rưỡi. Quá giờ hẹn với Phương rồi. Mình đi ăn hả?
Trời đã tối đen trên hồ. Giờ này trong các cư xá, người ta bắt đầu sửa soạn nhập trại.