21

Trông thấy Kiệt trong quán cà phê Duy sửng sốt. Hắn tưởng mình lầm. Kiệt chỉ vừa về Sài Gòn mấy ngày, hắn đinh ninh anh sẽ ở lại dưới ấy ít nhất nửa tháng. Chính Kiệt hôm đi cũng hẹn với Duy và Nghiêm như thế.
Tên y sĩ quen ở bệnh viện tiểu khu, bạn cờ bạc của Duy, khó khăn mãi mới đồng ý ngơ cho Kiệt về thăm nhà và hứa sẽ chỉ làm thủ tục gửi anh đi Quân Y Viện lúc anh trở lên mà thôi. Đúng lý y phải chuyển Kiệt đi ngay sau khi có kết quả thử nghiệm về phổi. Y nói với Kiệt có mặt Duy: “Người của ông tim gan phổi gì đều cần xét lại. Ông là cái máy cần làm lại không là bung ra hồi nào không hay. Ông nghe tôi nên đi nằm Quân Y Viện bắt chính phủ chữa đền, ông lại có cơ hội giải ngũ… Còn cái chứng đau đầu nữa, ở đây không đủ phương tiện chẩn bệnh chứ chưa nói đến chữa. Để ông đi Sài Gòn là tôi cũng gan cùng mình. Không kể chuyện xét hỏi giấy tờ, tôi sợ nhất là ông bị crise ngã lăn quay dọc đường thì thật kẹt cả đám.” Y bắt Kiệt ôm theo mớ thuốc, vừa uống vừa chích, trong thời gian anh về nhà.
Duy biết đã có thêm chuyện không hay xẩy đến với bạn. Mới mấy ngày trông Kiệt hom hem suy nhược hẳn. Duy không thể hỏi lý do sự xuất hiện quá sớm, ngầm hiểu như từ bao lâu nay hắn vẫn ngầm hiểu hoặc kín đáo dò hiểu hoặc chờ dịp bạn thố lộ.

-Anh lên lúc nào vậy? Duy vồn vã như thường không lộ sự kinh ngạc. – Lên bằng gì?
Mặc dầu chiếc băng trống Kiệt vẫn nhích chỗ để Duy ngồi xuống. Theo thói quen bà chủ quán tự tiện chế cà phê mang đặt trước mặt Duy. Kiệt như chẳng còn chút tinh thần. Anh ngồi đấy nhưng tâm trí lạc đâu. Bà chủ quán hỏi thăm anh không buồn trả lời. Duy phải đáp thay rồi kiếm chuyện tán hươu tán vượn để khỏa lấp thái độ bất thường của bạn.
Duy biết rõ những chuyện của Kiệt những ngày gần đây nhưng không khi nào ngờ nó có thể tác động khốc hại như đã xẩy ra.
Ngay khi Hiền bỏ nhà Phương đến ở với Kiệt tại khách sạn P, Phương hốt hoảng tìm Duy. Phương bảo Duy thức tỉnh Kiệt, nàng đã hết lời với Hiền rồi. Không thể để nổ một vụ “scandale” ghê gớm tai hại cho Kiệt, phải ngăn. Hai người chịu phần nào trách nhiệm trong vụ này. Duy cười. Miệng tiếng là điều không thể chặn, dù sao cũng đã rồi. Chẳng có gì đáng quan trọng. Đây là một dịp hạnh phúc hãn hữu của những người, đời coi như đã phá sản, khánh tận. Gặp gỡ ngẫu nhiên, vui vầy thoáng chốc, chia tay không ân hận chẳng là phiêu lưu kỳ thú, giải tỏa phần nào những tù túng chật chội của cảnh hiện tại sao? Kiệt dư bản lãnh để sống theo ý thích, không cần ai khuyên giải. Mọi việc đều qua êm như Kiệt hay nói. Còn lại gì đó là những dư vị để nhấm nháp một lúc cô đơn, cũng là sinh thú chứ.
Quả thật Duy không ngờ Kiệt bị lôi cuốn mê hoặc trong trò chơi.

Kiệt biến không vào trường. Tuần lễ đầu Duy và Nghiêm tìm đủ cách thu xếp giải quyết phần việc của Kiệt bỏ bê. Nhờ các bạn cùng khóa cáng đáng các giờ dậy. Ký mạo tên trong bảng điểm danh ứng chiến mỗi tối, năn nỉ bịa chuyện này nọ khi có báo động. Trực thay trong các phiên của Kiệt. May mắn không có phái đoàn ngoại quốc thăm viếng nên không bị lộ. Gặp Kiệt, Duy chỉ bảo, “Thôi nhé, anh làm phiền an em hơi nhiều. Liệu mà vao đi là vừa. Sợ tuần sau là lộ đấy, nhiều đứa nó biết quá rồi.” Kiệt đáp tỉnh bơ: “Không việc gì phải lo. Tôi giải ngũ rồi. Anh chưa biết sao!” “Thiệt hay rỡn?”. “Tôi tự cho tôi giải ngũ.” “Không nên chơi trò chơi ấy. Nhức đầu lắm.’

Tuần lễ thứ hai Kiệt cũng không vào. Trong khi anh vẫn xuất hiện ngoài phố. Người ta trông thấy Kiệt lúc đi đôi với Hiền, lúc có thêm một đôi khác nữa. Họ ồn ào giữa đường buổi tối, lui tới các tiệm ăn, quán cà phê như đám du khách. Người ta kể lại với Duy một buổi Kiệt say gây huyên náo tại một quán cà phê suýt sinh sự ẩu đả. Kiệt hiện ra trong một con người Duy chưa từng thấy. Anh làm mặt lạ với mọi người quen. Anh nghênh ngang như giữa nơi ghé tạt ít ngày rồi mai mốt đi không bao giờ trở lại.

Kiệt trở thành đề tài trong các câu chuyện ở Hội Quán, ở quán cà phê buổi chiều, còn hơn các đề tài thời sự nóng bỏng bấy giờ. Trận tái chiếm Quảng Trị đã khai diễn, An Lộc tử thủ giữa những trận mưa pháo mỗi ngày của địch. Duy và Nghiêm bắt đầu nhột, nhất là Duy. Vắng mặt Kiệt, chúng bạn châm chọc Kiệt qua Duy, có lúc diễu cợt chính Duy xem hai người như một, bởi xưa nay ra phố Kiệt thường chỉ đi đôi với Duy (Nghiêm ít khi đi phố). Một tên nham nhở sang Tây từ mười một tuổi, ngu xuẩn, nói dễ giận nhất: Duy, mày bị bồ mày bỏ rơi mà mày chịu nổi sao? Nhìn nụ cười ngây ngô và ánh mắt tưởng là tinh quái lắm, Duy hiểu tên ấy muốn nói gì. Duy mắng: Tao vừa khám phá ra bọn đi Tây về chuyên học về hạ bộ của con người. Học quá thông về hạ bộ nên thành ra chuyên viên làm bộ hạ. Tên nham nhở ngu xuẩn trả đũa: Thế thì thằng Kiệt nó học cái gì? Còn mày ở trong nước học cái gì? Duy đáp: Tao không biết thằng Kiệt học cái gì nhưng có điều chắc chắn nó không học về hạ bộ. Còn tao, tao vô học, thất học… độc. Rồi Duy cất tiếng cười kết thúc, thấy bị lạc lõng không được hưởng ứng.

Một buổi tối thứ Bẩy, tình cờ Duy gặp Kiệt và Hiền.

Bấy giờ vào hạ tuần tháng Sáu, có những ngày đẹp rợn người. Vẻ rực rỡ không một giây phút nguôi trùng khiến người ta choáng váng, u mê.

Duy nhớ buổi trưa ấy, sau bữa cơm, hắn không biết làm gì đã theo mấy tên lên đồi nằm. Bọn này tên mang sách, tên mang đàn tựa gốc cây đọc thơ, ngâm thơ, đàn hát trong khi Duy chập chờn ngủ. Duy không mấy ưa bầu không khí văn nghệ có sự cố tình làm quá, đầy vẻ phô trương, hắn bỏ rơi cuộc vui khi tỉnh ngủ. Suốt buổi chiều Duy ở trong vườn mận, ngồi trên những thân gỗ đã cưa chôn sâu dưới đất, dưới những tàn cây lòa xòa chạy tít tắp theo dốc. Hắn nói những chuyện lăng nhăng chẳng đâu vào đâu với cô gái tàn tật hiền lành, thường im lìm mỗi khi hắn không còn chuyện, nghe giông gió ào ào quanh mình và nhìn bóng nắng lung lay tàn tạ theo ngày. Nắng trong lũng cây gió lộng đẹp như nhan sắc người đàn bà mệnh yểu. Hắn đã ngồi ngoài vườn một mình từ chối bữa cơm chiều của gia chủ, cho tới khi xóm trại lên đèn, chở giúp một số người trên xe dodge ra phố ngủ.

Đỗ xe ở một đầu phố vắng cho những người quá giang xuống, Duy trông thấy hai người đang thả bước nhàn tản trên đường. Buổi tối mới mẻ, khô nhẹ, dịu gió. Trời mùa hè đen huyền. Duy cho xe chạy chậm sau lưng đôi tình nhân “khùng” (Kiệt tự đặt hỗn danh ấy), không vượt qua mặt. Duy đùa, hắn rọi pha. Kiệt kêu lớn mừng rỡ. Hiền cũng hớn hở.

Một tối vui tình cờ cho ba người bạn.

Sau này Duy hiểu buổi tối ấy đang hồi nguy kịch của đôi tình nhân. Họ quyết định chia tay vĩnh viễn. Họ đã không thể bình thường từ biệt nhau. Cũng không ai đủ can đảm rời bỏ trước. Mọi quyết định đều gian nan. Duy giúp họ lìa tách làm hai. Để họ một mình với quyết định đau đớn chưa rõ những ngày cuối của cuộc tình ấy như thế nào. Họ có thể liều lĩnh nhắm mắt lao tới như kẻ ngu ngốc, nhưng họ cũng có thể tháo lui vội vã như kẻ tội lỗi. Cả hai đường đều tồi tệ, phủ nhận những ngày họ đã sống, phủ nhận điều mà họ đã tin là tình yêu của họ qua bao năm tháng. Duy nghĩ thế.

Duy mời Kiệt và Hiền lên xe, tình nguyện làm tài xế đưa họ đến bất cứ chỗ nào họ muốn. Kể cả lời yêu cầu của Hiền đi xuống một bãi biển khuất vắng, Kiệt nói. Không thể được, ngoài khả năng, xe không đủ nhiên liệu, Duy đáp. Cứ chạy đại, đến chỗ nào hay chỗ ấy, hết xăng bỏ xe đi chân, không tới bãi biển thì cũng tới một chỗ khác, hoặc mất tích luôn. Duy nói không dám, không dại. Gió rợn xa. Những lời đùa bỡn quá quắt của Kiệt bắt Duy nhớ tưởng đến những quãng giông trên rừng mận ban chiều.

Kiệt mời Duy cùng đi ăn tối. Bữa ăn của ba người trầm trầm không biểu lộ vẻ gì khác thường. Trong quán S. Duy nhớ buổi tái ngộ giữa Kiệt và Hiền cũng vào tối thứ Bẩy. Chỉ thiếu Phương, còn vẫn rượu chát, băng nhạc quen và bàn gần bên cửa sổ. Duy được cả hai người săn sóc, trở thành vai chính. Và hắn say nhất, nói nhiều nhất, tâm sự không dứt: hết chuyện Phương, chuyện vườn mận, chuyện cô cháu gái đến chuyện Kiệt chuyện Nghiêm. Hắn được ba hoa, sung sướng. Đồng thời hắn cũng nghe ra sự im lặng chăm chú của hai người bạn, bỗng nhiên thân thiết lạ lùng với hắn mặc dù họ đang sống trong thế giới riêng, ngầm chứa sự trống rỗng mênh mang. Hai người như thể không còn biết một cử chỉ nào để biểu lộ - dù là cố tình phá bĩnh mọi chân thật hoặc làm mầu giả dối che đậy khắc khoải – nên khi vô tình thấy Hiền nắm tay Kiệt trong một lúc Duy đang mê tơi, hắn đã nhìn lảng như không hay biết. Duy thấm thía hơn bao giờ ý nghĩa của một cử chỉ nhỏ nhặt trong một phút giây nào đó. Duy cô đơn, cảm như niềm cô đơn của các bạn chuyển sang cho mình. Lúc hắn cười đồng lõa với Kiệt, lúc hắn cười đồng lõa với Hiền.

Ít bữa sau, Kiệt vào trại. Nhìn bạn, Duy nhận rõ cơn nguy biến chưa qua. Nét mặt của Kiệt phẳng lặng như rất bình tĩnh nhưng có những phút bất động thất thần. Anh phải lần lượt trình diện các cấp chỉ huy, và anh không còn lỳ nổi như trước kia. Đến văn phòng của Đại Tá Tham Mưu Trưởng, Kiệt đã nổi xung, đập bàn đập ghế la lối tay đôi với ông Đại Tá. Hai quân cảnh vào tận phòng khóa tay trục Kiệt ra.

Duy và Nghiêm lại vắt giò lên cổ chạy đôn đáo tứ phía. Kiệt, nó điên rồi, với mọi người, Duy năn nỉ xin xỏ nhờ cậy giúp Kiệt bằng câu ấy. Kiệt bị giam ở quân cảnh hai hôm, vợ Kiệt lên. Chị toan trở về ngay. Duy và Nghiêm biện bạch bênh vực bạn cả một buổi chiều, mời chị về nhà Nghiêm và vợ Nghiêm nói thêm, chị mới chịu ở lại. Chị nói, Kiệt không điên, anh làm bộ để chạy tội, anh biết rõ nhược điểm của chị, chị không thể bỏ rơi anh trong cơn hoạn nạn. Lần này anh đã lầm. Nể lời các bạn, chị chịu khuất thân vào xin lỗi ông Đại Tá để cứu Kiệt nhưng chị thấy khó tha thứ cho Kiệt. Chị mới ở Nhật về cuối tuần trước. Chắc chắn có ai mách với chị những chuyện bê bối của Kiệt trong thời gian chị đi vắng.

May mắn khi giáp mặt, ông Đại Tá nhận ra có quen biết gia đình vợ Kiệt. Ông bằng lòng bỏ qua vụ Kiệt, huỷ bỏ việc bắt giữ anh về tội đào ngũ, tuy nhiên anh vẫn phải thọ phạt quân kỷ và phải chịu giam ở Phân Đội Quân Cảnh trực thuộc đơn vị tám ngày.

Trên đường sang phòng giam, Duy ngại vẻ lầm lì sắt đá của vợ Kiệt. Mắt nàng chăm chăm sắc lạnh. Kiệt loe miệng cười khi thấy vợ. Duy để hai vợ chồng bạn ngồi với nhau trong Câu Lạc Bộ Hạ Sĩ Quan ngay sát bên Phân Đội Quân Cảnh, trở về phòng làm việc, hẹn sẽ sang đón vợ Kiệt đưa về phố. Một giờ sau Duy sang, vợ Kiệt đã bỏ về một mình. Hôm sau chị về Sài Gòn.

Duy hiểu: Kiệt lên sớm hơn dự tính vì anh không thể ở nhà. Anh sẽ đi Quân Y Viện trong vài ngày tới. Anh còn phải tiếp tục vượt cơn ngặt nghèo cả thể xác lẫn tinh thần. Đơn thân.

Duy muốn hỏi Kiệt: Hiền đâu? Hiền ra sao?

Nhưng hắn biết sẽ không có câu trả lời. Dù mọi cố gắng Duy vẫn chỉ là kẻ ở ngoài. Hình như hắn quá chú ý đến người khác hơn chú ý đến mình. Ham ham sống cuộc đời người khác hơn cuộc đời của chính mình.

Duy thoáng động lòng nhưng chẳng nghĩ lâu.

Kiệt ngồi ngây như tượng đất, miệng nhai bánh trệu trạo.

Đã sang tiết mưa dầm. Những ngày qua u ám, ẩm xịt, mưa tầm tã ray rứt. Rằm tháng Bẩy sắp đến. Trong quân trường các đơn vị đang sửa soạn cúng cô hồn. Năm nay cô hồn nhiều hơn mọi năm. Nhiều gấp bội.

Nhưng lúc này chiều chủ nhật le lói cơn nắng hiếm bên ngoài. Nắng mỏng như dải khăn thưa, sáng một vẻ xa cách. Con phố hẹp lở lói trước quán, nước đọng vũng. Vạt đồi bị xẻ bên kia đường có những đám cỏ xanh hoang và những khoảng lầy đất đỏ kệch.

-Anh hên thật. Duy nói. - Bữa nay trời nắng tốt. Mấy bữa mưa nản không thể tưởng.

Duy nghĩ người ta chết vì những ngày hiếm. Tưởng tượng nếu chẳng may hắn bị xô đến nằm trong hố cá nhân giữa trận mưa pháo không ngớt trên đầu không hiểu hắn còn đủ thì giờ hé mắt coi trời như thế nào không.

Hồi trước, vào mùa không có mặt trời trên thành phố, thỉnh thoảng Duy rủ một vài đứa đèo nhau bằng Honda nhẩy dù vào cuối tuần chạy xuống thành phố duyên hải chơi. Đi sáng Thứ Bẩy về sáng Thứ Hai. Tắm biển, phơi nắng, nhậu nhẹt, đùa nghịch đã đời. Từ Tháng Ba đến nay thôi hết món hạnh phúc vụng trộm ấy. Duy nhớ những chuyến tung tẩy, xe hư dọc đường ngủ đêm tại một thị trấn hoặc tỉnh lỵ hoàn toàn lạ gặp những trận phiêu kưu kỳ thú. Bên sự im lặng của Kiệt rồi hắn sẽ mang những chuyện ấy kể cho bạn nghe.

Từ giờ đến ngày Kiệt đi, Duy sẽ phải nói nhiều. Có lẽ rồi sẽ mang cả đời mình ra kể. Như hôm cùng Nghiêm đưa Kiệt ra phi trường đợi máy bay quân sự về Sài Gòn suốt buổi sáng Duy đã phải nói về chiếc bánh bao ăn điểm tâm. Kỷ niệm về ông bố, Duy nhớ nhất là những chiếc bánh bao ông dẫn đứa bé đi ăn ở cao lâu. Và Duy mê ăn bánh bao nhưng lại rất ít ăn, bữa nào hắn tìm bánh bao bữa ấy là một ngày đặc biệt. Sáng hôm Kiệt về, mưa lất phất, có những thời khắc trống lạnh như mặt gương soi vào trong mình, Duy ăn một hơi ba cái bánh bao.

A, đời Duy? Nhìn bằng con mắt ngoài, kể ra cũng là một bi kịch. Riêng với Duy, hắn thấy như không. Ai dường như cũng có khuynh hướng bi thảm hóa đời mình, không nhiều thì ít. Đôi lúc nhìn mọi người, Duy nghĩ có lẽ mình hời hợt, không sống thực lòng. Mồ côi cha từ tấm bé, trôi nổi theo cuộc đời góa bụa của mẹ. Lớn lên trôi nổi theo cuộc đời riêng. Vừa làm vừa học. Cũng xuống đường tranh đấu, cũng bị bắt bớ giam cầm. Rồi nhập ngũ trôi nổi theo đời của những người đồng lứa. Và ở đây? Rồi ở đâu nữa? Mọi sự tự nhiên chẳng có gì đáng thắc mắc. Tự nhiên như bà mẹ đã vào chùa. Tự nhiên như đứa em gái mang dòng máu lai, nhiều vẻ Tây phương thỉnh thoảng lên thăm anh được anh giới thiệu hồn nhiên với mọi người: em gái “moa” không hề lung túng đỏ mặt.
Chẳng có gì đáng nói nhưng Duy sẽ kể cho Kiệt nghe. Tùy sự xúc động bất chợt Duy cười khắc khắc hay buồn thỉu buồn thiu. Chẳng đáng quan tâm. Điều cần thiết là Kiệt sẽ quên mình khi lắng nghe hắn.
Duy còn thật nhiều chuyện dùng để lấp đầy những ngày này.
Duy ngồi yên nhìn Kiệt móc túi đếm tiền trả. Mặt anh tươi sáng hơn. Duy sực nhớ điều quan trọng:
-Chút xíu quên. Hôm nay sinh nhật Nghiêm. Nghiêm mời các bạn đến nhà ăn tối. Hắn nói hắn sẽ biểu diễn tài làm bếp…
-Thế hả? Giọng Kiệt vui thích. – Mình sẽ đến Nghiêm.
Kiệt đứng lên ngó quanh. Anh xách chiếc xắc hành lý đặt bên chân tường. Duy giành lấy:
-Để tôi xách cho. Từ trưa đến giờ đi những đâu?
-Lang thang vậy. Chẳng nhớ…
Hai người rời quán cà phê.
Kiệt ngó Duy lom lom như kẻ lạ. Anh đang nghĩ đến sự gì? Duy không sao biết. Hắn nghe dậy mối thân thiết. Có lẽ Kiệt chẳng cần nhưng Duy vẫn muốn biểu lộ.
-Đến Phương không? Duy hỏi.
-Có chuyện gì? Kiệt hỏi lại thản nhiên.
Duy không biết trả lời thế nào, bỏ qua. Hắn chỉ muốn tìm cách gợi nhắc Hiền, người đàn bà ấy đối với Duy cũng đã thân thiết như Kiệt.