Một Chủ Nhật Khác

23

Vốn tính mực thước quy củ, Nghiêm ghét lối phóng túng quá độ. Trong mọi hoàn cảnh chàng đều cố giữ thái độ điềm tĩnh, ôn hòa, ít khi Nghiêm mất tự chủ. Vậy mà vào những phút cuối ngày chủ nhật ấy, Nghiêm thấy mình buông thả, lệch lạc. Có lẽ tại chàng hơi quá chén. Sau một ngày bận rộn và căng thẳng ngấm ngầm không để lộ ra mặt, vì không được mãn ý, khi khách khứa đã ra về chỉ còn Duy và Nghiêm, Nghiêm mới thực sự được hưởng những giây phút vui sướng của mình, quên hẳn mọi bận tâm. Ngọc dục Nghiêm hai ba lần vào trại nhưng chàng cố ý trì hoãn – khác hẳn lệ thường - lấy cớ Duy đang say ngủ ngon và trong khi ấy thì chàng rót thêm rượu vào cốc của mình và mở nhạc nghe với Kiệt. Nghiêm cũng thoáng có ý nhờ bạn trực hộ, ở lại nhà khi Duy đề nghị và không thèm nghĩ đến đến những chuyện có thể xẩy đến trong khi chàng vắng mặt, không thèm nghĩ đến Thái, người cùng toán trực. Trước khi đi Nghiêm hôn vợ một cách xuồng xã, có thể gọi là thô bạo bất thường khiến Ngọc kinh ngạc, nhưng đồng thời tuồng như có vẻ quyến luyến khiến Ngọc xúc động.

Phiện trực chỉ mãi đến muời một giờ hơn sáng thứ bẩy Nghiệm mới được thông báo. Chàng bị đôn lên thay thế một sĩ quan công tác bất thường. Chuơng trình ngày chủ nhật trù tính từ một tuần lễ trước đã sẵn sàng – khách khứa đã mời – không thể hồi. Ý định tổ chức bữa ăn sinh nhật không phải của Nghiêm mà là của Ngọc –sau một mùa hè buồn bã, vợ Nghiêm muốn có dịp vui gặp bạn bè. Thường mùa hè nào vợ chồng Nghiêm cũng có tổ chức một cuộc nghỉ mát tắm biển trong vài ba ngày ở Vũng Tàu hoặc Nha Trang, nhưng mùa hè vừa qua vợ chồng Nghiêm chịu hai cái tang liền trong vòng chưa đầy một tháng – tang ông thân sinh Ngọc, kế tiếp cái chết không toàn thây của Đôn, em trai Nghiêm – nên họ không còn thì giờ, phương tiện, tinh thần để đi chơi đâu. Trong album gia đình Nghiêm mỗi năm đều có dán một số hình kỷ niệm, năm nay chỉ có hình đám tang, không có hình vợ chồng chàng và mấy đứa con chụp trong cuộc đi chơi thường niên. Mặc dù Nghiêm không hoàn toàn đồng ý với vợ về việc tổ chức bữa ăn có mầu như một nghi lễ kỳ cục - Ngọc bảo chàng: năm nay anh ba mươi tuổi, đúng ba mươi tuổi… Trong khi Nghiêm chẳng có một ý nghĩ gì về tuổi tác của mình – nhưng chàng không tỏ lộ, chàng chiều Ngọc. Nghiêm đã quen sống với những điều bất ưng từ nhiều năm, chàng dễ dãi thích ứng mọi cảnh ngộ, buông xuôi không cưỡng, chỉ tách mình giấu kín ở một chốn nào bên trong mình vừa đủ tự vệ, bảo thủ đôi ba ý tưởng và tình cảm của chàng. Nhận được bản đính chính phiên trực, Nghiêm thêm khó chịu. Nghiêm bị du vào tình thế bắt buộc phải nhờ cậy người khác và không còn giữ nguyên tắc tự đặt cho mình khi sống trong quân ngũ: hoàn tất mọi tạp dịch một cách tề chỉnh không để ai nói động đến. Nghiêm không bao giờ vắng mặt một đêm cấm trại nào, Ngọc thường than thở nhiều khi hàng tháng trời không có được lấy một đêm chồng ngủ nhà. Nghiêm chưa hề nhờ ai trực thế một phiên trong khi chàng lại dễ dàng nhận thay cho bạn khi cần. Nghiêm luôn luôn nghiêm túc.

Trước tám giờ sáng Nghiêm đã có mặt tại phòng trực cùng lúc với toán sinh viên sĩ quan. Trực cổng chính, mỗi phiên có hai sĩ quan, Nghiêm là sĩ quan phụ tá. Sĩ quan trực chính là Đại Úy Thái, nửa giờ sau mới đến. Thái vốn là bạn học của Đôn, đến bây giờ vẫn coi Nghiêm như anh, hai đứa cùng rủ nhau thi vào trường Võ Bị một khoá. Sau những ngày lăn lộn ở chiến trường, Thái được đổi về làm huấn luyện viên ở trường mẹ, còn Đôn tử trận. Gặp Thái làm sĩ quan trực chính, Nghiêm nhẹ bớt thắc mắc, chàng giải quyết được công chuyện một cách êm thuận không khó khăn. Chàng đề nghị Thái về nhà yên chí đưa vợ đi chơi – Thái vừa cuới vợ mấy tháng – chàng sẽ trông cho đến bốn giờ chiều, sau đó Thái thay chàng, chín giờ tối chàng lại có mặt nơi phòng trực. Buổi trưa, Nghiêm vào Câu Lạc Bộ ăn một khúc bánh mì cứng, uống cốc cà phê. Trong suốt thời gian trực, Nghiêm tự bầy những bài toán giải tích, chơi ô chữ, đọc truyện vui cười, và tìm điểm sai trong tranh vẽ đăng trong mấy số báo Chiến Sĩ Cộng Hòa cũ kỹ. Hai giờ trưa Thái vào để Nghiêm về sớm lo việc ở nhà và Nghiêm đã ân hận, thấy mình lợi dụng Thái khi chàng vào trại trễ hơn giờ hẹn.

Lúc tiếng còi báo động hú vang, Nghiêm choáng người như bị luồng điện giật, thất kinh; chưa khi nào Nghiêm chạy xe bạt mạng đến như lúc ấy. Chiếc Suzuki đổ lao dốc, không đèn, như bị lôi cuốn theo sát chiếc Dodge chạy lồng đằng trước. Mặt mũi Nghiêm như bị bưng kín trong tiếng gió tạt và tiếng động cơ ầm ĩ mở đến mức tối đa. Chàng quên bẵng mọi nguy hiểm, chỉ còn một ý nghĩ: làm thế nào đến phòng trực trước khi dứt tiếng còi, trước kho đoàn kiểm tra tới. Ý nghĩ chiếm đoạt Nghiêm hoàn toàn, đánh bạt cả tiếng la gọi của Kiệt.

Lệnh chấm dứt báo động hồi gần mười hai giờ. Nghiêm đi chân về phòng làm việc lấy đồ ngủ, dưới một bầu trời chuyển gió ào ào. Trên đường trở lại phòng trực, chàng bất chợt dừng bước ngửng trông con trăng yếu nhợt  như lung lay trên những mảng mây xậm bay tới tấp. Trước mắt Nghiêm, bóng những ngọn đồi gần, rậm rạp khua tiếng. Không quay lại, chàng trông thấy toàn thể quang cảnh doanh trại sau lưng, lặng lẽ và thê lương. Một bóng người đứng thật xa, nhỏ xíu trong tầm mắt Nghiêm - bấy giờ chàng nhìn thấy lại - đứng giữa con đường hoang vắng, bên những toà nhà như lún thấp dần theo độ dốc, cất tiếng kêu:

-Nghiêm… Nghiêm… Happy Birthday!

Giờ Nghiêm mới thực sự nghe tiếng gọi của Kiệt, chỉ còn là tiếng vang dội sau bao giờ khắc qua trong tưởng tượng và tiếng vang ấy hiển lộng, rền rĩ, quái gở khiến chàng rùng mình. Chàng cũng thấy lại cảnh tượng trong gian phòng khách ở nhà với những khúc nhạc baroque, niềm vui sướng bất chợt thái quá đến muốn ứa lệ, buổi tối đã qua. Lúc này Nghiêm ngó thấy Duy đầy mầu mè, khôi hài. Còn Kiệt cuống rối, kỳ dị, Nghiêm không ưa.

Về đến phòng trực thấy Thái chưa vào giường, Nghiêm bảo:

-Cậu ngủ đi. Đêm nay để tôi lo.

Nghiêm ngồi vào bàn giấy nơi đặt điện thoại, lật xem sổ sách. Sinh viên sĩ quan trưởng toán gác nhường ghế cho Nghiêm, bước ra hiên. Theo thói quen, Nghiêm đọc báo cáo quân số, vũ khí, đạn dược, máy truyền tin, tiêu lệnh đặc biệt. Thái bật quẹt châm thuốc và ngồi im. Vì là phòng trực ở cổng nên trong phòng có kê một bộ sa lông gỗ có ba ghế dùng để tiếp khách. Phòng được ngăn đôi bằng tấm màn dạ tím, bên trong màn đặt hai chiếc giường ngủ song song. Nghiêm cũng mở hồ sơ tác xạ của hai khẩu súng cối trấn cổng, đặt trong hai cái hố ở bãi cỏ bên kia đường ra vào. Chàng nghĩ mình đang bị Thái tò mò nhìn ngắm nhưng bây giờ quả tình chàng đang sống trong tâm trạng phiêu lãng - rượu đang rã – và hờ hững trước mọi sự.

Mười hai giờ hơn, Nghiêm còn ngồi hút thuốc lá nói chuyện với Thái. Thái nhắc những chuyện từ mười năm cũ, ngày còn đi học với Đôn ở trường trung học cũng như ở trường Võ Bị này. Ngày bọn chúng bỏ ngang theo võ nghiệp chúng hình như đầy lý tưởng. Bây giờ hoàn toàn không. Trong đám táng của Đôn, Thái và ba bốn tên bạn đồng khóa hiện ở đây đã lo liệu phụ giúp gia đình Nghiêm. Cứ nghe giọng Thái, Nghiêm nhận thấy cái chết của Đôn làm hắn đau đớn hơn chàng. Chàng có lẽ dửng dưng trước cái chết của em. Cuối cùng chỉ còn Thái nói, Nghiêm thỉnh thoảng xen một câu hỏi, thêm thắt một nhận định. Thái thuật những chiến dịch khốc liệt đã dự, nhắc tới hồi phải đi dẹp biểu tình, chống đảo chánh và hắn tự cho rằng mình đã già, đã thấu hiểu, chán ngán binh nghiệp, mặc dù chưa tới ba mươi tuổi.

Trước lúc hai người vào giường nằm, có điện thoại từ phòng hành quân thông báo tin tiểu khu cho hay địch có thể tập kích hoặc pháo kích thị xã và trường trong đêm nay hoặc đêm mai.
Thái vừa cười vừa bảo anh sinh viên nghe điện thoại báo cáo:
-Tin của phòng 2 tiểu khu nghe cho biết vậy…

Lúc ấy vào đúng một giờ đêm. Máy truyền tin trong phòng trực mở vào mỗi đầu giờ đang gọi các toán kích nằm ngoài vòng rào phòng thủ. Nghiêm thấm mệt. Nhắm mắt nằm trên nệm cứng lạnh, chàng chênh chao vì cơn mệt nhưng không ngủ được. Thái vừa đặt lưng xuống đã ngáy ngon lành. Mặt vách sau phòng trực gần giường Nghiêm có những ô cửa kính trông ra một lối cổng khác song song với lối qua mặt trước phòng, bị bể, che bằng bìa cứng, gió thổi lùng bùng. Gió từ dưới lũng sâu hoắm rậm rịt cây cỏ, dài suốt Vũ Đình Trường bốc lên.

Sự vắng vẻ khua động cô quạnh của ban đêm ở trại lính nổi dềnh quanh Nghiêm mỗi lúc thêm dầy nhưng Nghiêm vẫn còn phần nào tỉnh thức. Hơi hóp lởn vởn những âm thanh, bóng dáng của buổi tối. Chàng thiêm thiếp trong giấc chiêm bao hồ đồ chỉ bừng hiện một hai hình ảnh sau cùng lúc giật mình.

 Nghiêm chập chờn như thế không biết bao lâu cho đến khi chàng choàng dậy vì tiếng động ở ngoài. Xe tuần tiễu. Có tiếng hỏi giật giọng:
-Sĩ quan trực đâu?
Nghiêm ngồi lên trong mùng trên mặt giường nhún nhẩy. Giường bên, Thái trở mình, càu nhàu bảo:
-Mặc mẹ thằng khùng anh.
Thái nhận đúng tiếng nói của người bước vô phòng, tiếp tục ngủ.

Viên sĩ quan trực bộ chỉ huy tuần tiễu đêm ấy là Đại Úy On, tên dở người chẳng rõ điên thật hay giả bộ. Gương mặt bơ bơ, dáng dấp thô lậu, cử chỉ vụng về trong bộ binh phục nai nịt trang bị như sắp ra trận. On dềng dàng như một tên hề đóng trò. Y thi hành nhiệm vụ một cách chậm rãi, tỉ mẩn, tỉnh khô không cần biết đến thái độ người đối thoại. Miệng lẩm bẩm như đọc dần từng điểm có ghi trong bản tiêu lệnh dành cho sĩ quan trực bộ chỉ huy – bản tiêu lệnh dài gần ba trang in ronéo – không bỏ sót một chữ, đọc xong y lặp lại lớn tiếng hỏi và kiểm soát không bỏ qua một chi tiết nhỏ nhặt. Quân số, vũ khí, hỏa lực cá nhân, quân tăng cường, các toán kích, phương tiện liên lạc, đèn phòng thủ, cách bố trí lính gác, đốc canh… Y đi ra, rồi trở vô, rồi đi ra không biết mấy bận. Nghiêm ngồi trên ghế ở bàn tiếp khách mặc On đi với sinh viên lục lạo chỗ ngủ của toán gác, sờ đầu người từng giường, leo lên sân thượng xét chỗ đặt đại liên, hạch hỏi lẩn thẩn những trường hợp xử trí đặc biệt do y bịa đặt ngớ ngẩn vô lý. Y hình như không biết buồn ngủ nên đụng đầu y khó ai ngủ nổi. Sau mỗi phiên tuần tiễu của On, sổ trực bao giờ cũng kín đặc thứ chữ rồng bay phượng múa gồm hàng loạt đề nghị sửa chữa, bổ túc, đề nghị nghiêm phạt và khen thưởng.

Sau khi đi vòng khu cổng trở vào, On ra lệnh mở máy truyền tin liên lạc với các toán kính bên ngoài. Lúc ấy còn hơn muời lăm phút nữa mới tới hai giờ. Các máy chỉ mở vào mỗi đầu giờ, tuy nhiên, chiều ý viên Đại Úy khó tính, sinh viên trực vẫn gọi máy kêu thử. Tất nhiên không có tiếng đáp.
-Trong trường hợp có lệnh khẩn cấp thì sao? On hạch hỏi.
-Các toán kích bên ngoài đã nhận lệnh đầy đủ. Anh sinh viên đáp. – Không thể có lệnh đặc biệt cho họ. Họ nằm đâu là nằm đấy suốt đêm, không nhúc nhích.
-Lỡ họ cần báo cáo tình hình?
-Họ nổ súng là trong này biết mở máy liền.
-Đâu phải lúc nào cũng nổ súng?
-Nếu chưa đến nỗi nổ súng thì việc gì phải báo cáo thưa Đại Úy. Anh sinh viên mỉm cười.
-Thí dụ họ phát giác địch đông và ở xa muốn gọi vào để xin pháo binh bắn tiêu diệt thì sao?
-Làm sao ban đêm mà nhìn thấy xa được? Anh sinh viên lại cười.
On vẫn chưa chịu, không nói nữa, lúi húi ghi chép vào sổ tay. Đối với y đó là một khiếm khuyết cần bổ túc. On thuộc loại người khi đã bắt có một ý tưởng thì níu chết lấy không chịu buông. Y chịu nặng những ý tưởng lổn nhổn, tán lạc.
-Trung Úy biết bắn súng cối không? On quay hỏi Nghiêm bất ngờ.
Nghiêm cười cười bảo:
-Sinh viên họ bắn.
-Tôi muốn Trung Úy cho lệnh bắn đạn sáng báo cho toán kích ngoài cầu biết có xe tuần tiễu ra.
-Không được. Nghiêm ôn tồn đáp. – Xe ra là họ biết. Bắn đạn sáng họ cũng không hiểu gì đâu.
-Lỡ xe xủa địch thì sao? On vẫn nghiêm trang. – Tình hình đêm nay đặc biệt. Trung Uý biết rồi chớ?
-Tôi biết. Tôi biết…
Nghiêm nhẫn nại giải thích với On, viện dẫn nọi lý do để y bỏ điều yêu cầu phi lý, vô ích không thể thi hành. Viên Đại Úy khật khùng khăng khăng đòi thực hiện bằng được ý mình. 

Y lý luận lúc này y là sĩ quan trực Bộ Chỉ Huy đại diện Chỉ Huy Trưởng mọi người phải tuân hành. Nghiêm chán nản không buồn nói nữa, bỏ mặc On đứng giữa phòng, trở vào ghế ngồi.

-Để tôi nói với sĩ quan trực chính. On nói sau một hồi suy nghĩ.

On vừa bước đến ngang tấm màn ngăn che chỗ ngủ thì Thái trong mùng quát tháo:

-Đứa nào muốn bắn thì ra mà bắn. Đưa đạn cho nó…

Thái đổ quạu, văng tục, đuổi On:

-Đi ra, để yên tao ngủ… Đi không tao bắn thấy mẹ…

On đứng khựng không lên tiếng đối đáp. Y lẳng lặng ra bàn quay điện thoại, nói chuyện với phòng hành quân. Y vẫn chỉ lập đi lập lại lời yêu cầu, lằng nhằng dây dưa đến mười lăm phút. Rõ ràng bầu không khí thù nghịch vây ngột ngạt vây quanh chẳng làm On nao núng. Rồi điện thoại cũng bị cắt đầu dây đằng phòng hành quân. On có vẻ ngẩn ngơ. Trước khi ra khỏi phòng, y quay chào Nghiêm: thôi cảm ơn Trung Uý, như không hề có chuyện gì bất thường xẩy đến trong những phút vừa qua.

Nghiêm thở hắt, nhẹ nhõm. Chàng đợi nghe tiếng xe tuần tiễu qua cổng chậm chậm quẹo xuống con đường đất lẫn giữa rừng thông đưa ra các bãi tập, sân bắn của quân trường, rồi bước ra hiên đứng cho thoáng, trao đổi với hai sinh viên sĩ quan đang phiên canh thức vài câu bình phẩm diễu cợt nhẹ nhàng về nhân vật quái dị.

Trời bớt gió. Sương mù buông che những ngọn điện thả dài quảng trường, những đốm đèn lù mù, trắng bệch.

Nghiêm trở vào giường đã hơn hai giờ rưỡi sáng. Chàng buồn ngủ díu nhưng vừa chợp mắt thiu thiu, chàng đã giật mình vì một tràng súng nổ ròn nghe gần nhưng không rõ hướng. Xe tuần tiễu trở vô cổng, không theo lối phía sau phòng trực như thông lệ, đỗ lại ngoài hiên khoảng thời gian vừa đủ truyền một câu nói ngắn rồi phóng đi mất hút. Sau đó nổi lên những tiếng dóng một và những tiếng chân nhộn nhạo trước hiên.

-Chuyện gì nữa vậy? Thái gắt.

Sinh viên báo cáo địch xâm nhập lọt qua các toán kích xuất hiện sát hàng rào. Sắp có lệnh báo động của Bộ Chỉ Huy.

-Thằng điên. Thằng điên. Chịu hết nổi. Thái trút sự giận dữ ra miệng.

Chuông điện thoại reo. Thái tung mùng, xỏ giầy. Nghiêm cũng ngồi lên. Bộ Chỉ Huy báo động ra lệnh các cứ điểm tăng cường canh phòng cẩn mật, sẵn sàng nghênh địch. Một tên địch xuất hiện ở rừng thông bên đường ra sân bắn đã bị xe tuần tiễu bắn hạ. Thái vừa lầu bầu: tin thế nào nổi thằng điên, thằng điên, thằng điên… vừa quay máy gọi phòng hành quân xin xác nhận. Sự khích động của người chung quanh khiến Nghiêm nôn nao ngầy ngật. Chàng hết sạch cơn buồn ngủ.

Trong khi Thái dặn dò cắt đặt sinh viên canh gác, nhắc nhở các vị trí đã chỉ định phân chia cho các toán trong trường hợp biến động, Nghiêm khoác áo lạnh ra ngoài.

Trăng xanh lướt lênh đênh trên một nền trời êm tĩnh hơn hồi trước nửa đêm. Những tảng mây nặng đã bay biệt. Gió đều đặn miên man trên những đồi thông nghiêm mật, chan khắp không trung đổ bụi sương. Cảnh vật thiêm thiếp mơ màng.

Ba giờ sáng Nghiêm còn dạo bước quanh khu cổng chính trên những con đường đất trải sạn nhỏ. Một bóng nê ông trên một trụ ở lối mặt sau phòng trực bắt đầu hư, ánh sáng bật chớp lập lòa. Chàng bị ru trong lạnh lẽo.

Mùa hè đã hết. Hơn tuần nữa bọn trẻ tựu trường, Ngọc đi dậy trở lại. Mấy tháng nghỉ qua mau trong chộn rộn u ám. Quả là một mùa hè tang tóc đối với Nghiêm. Thật ra nếu không có hai cái tang, Nghiêm cũng chẳng thể đưa vợ con đi đâu. Tình hình chiến sự ác liệt giam cầm mọi người tại chỗ - trừ dân ở các nơi đã thành bãi chiến trường thì bị xô đẩy tuôn chạy. Trong tuần rồi tất cả các sĩ quan đều được lệnh tham dự một buổi hội an ninh để nghe thuyết trình về kế hoạch tấn công thị xã của địch và kế hoạch chống trả tự vệ của ta cùng những biện pháp cần thi hành về phương diện an ninh của mỗi cá nhân có nhà ở ngoài phố. Thành phố vẫn an bình một cách khả nghi từ cuối tháng ba bây giờ có dấu hiệu bị đe dọa. Những ý nghĩ về chiến sự không khuấy rối Nghiêm bao nhiêu, chàng luôn luôn bình thản vì nhận định mọi chuyện xẩy tới hay không ở ngoài quyết định, ngoài hy vọng mong ước cũng như tuyệt vọng giận dữ của mỗi người.

Khi ngó mông về phía quảng trường lờ mờ trong màn sương vẩn, Nghiêm lại nghe tiếng la vang của Kiệt: Nghiêm… Nghiêm… Happy Birthday… Bây giờ tiếng vọng dội trên một chuỗi âm thanh tơ tưởng diễn tiến chậm rãi, thong thả, hoàn toàn khác với nhịp độ thật đã nghe của khúc nhạc. Tiếng vọng rõ mồn một nhưng dường như lại xa lắc ở bên kia một bức tường dầy. Nghiêm như đang cố phóng mắt tới những bến bờ Kiệt trôi dạt và chàng như ngơ ngác trước những kỷ niệm của riêng mình vật vờ đắm đuối trên một dòng chiêm bao trắng xóa.
Nghiêm đứng dưới một tàn cây thấp, cành lá cứng im đẫm sương đêm với những chùm hoa không rõ mầu.

Chàng hoảng hốt trong những ý nghĩ chập chờn về buổi tối, về Kiệt, về Duy, về mình, ở nơi chàng chờn vờn mớ linh cảm tối tăm như miệng hố sâu rì rào gió đùa, hương gió lạnh nhạt. Dường như gió chuyển rần rộ phía rặng núi xa, đứng đây không thấy. Không biết lúc nào từ phương ấy gió chuyển tới? Mai sáng hay chốc lát?

Dứt khoát những ám thị tê tái, Nghiêm trở về phòng trực trong cơ bàng hoàng, đầu tóc và hai tay ướt đẫm sương đêm. Không khí trong phòng khuya ấm áp, đã bình thản trở lại. Thaí ngáy đều trong giường. Các sinh viên ngồi ngủ gật quanh bàn tiếp khách. Nghiêm cũng vào giường. Đã bốn giờ sáng.

Chàng bỗng bị giật đứng vì những tiếng như quát bên kia bức màn dạ. Chàng táng đởm nhẩy chân không xuống đất. Người đứng lố nhố chật cửa ra vào. Nhiều miệng đua nhau nói.

Nghiêm ngồi vào chiếc ghế trống bất động.

Người bị xe tuần tiễu bắn hồi ba giờ sáng ở rừng thông bên kia đường ra sân bắn là Kiệt. Tại sao Trung Úy Kiệt lại lần mò ra đấy? Ông ta bệnh nằm cả tháng nay bên tiểu khu mà. Ai biết. Đúng là Trung Úy Kiệt. Xác quàn bên Niệm Phật Đường. Nguyên băng M.16 vào bụng và ngực. Ai bắn? Đại Úy On, ông Đại Úy khùng. Khùng gì? Ai chẳng phải bắn trong trường hợp ấy.

Xác Kiệt nằm trên bàn, phủ vải, cuối gian phòng dài trần trụi. Đầu phòng đặt một bàn thờ Phật có tượng có đèn nhưng lạnh ngắt khói hương. Trên mặt sàn xi măng vương vài mẩu giấy xanh, đỏ, bệt sơn. Nơi này là chốn tụ tập của đoàn thiếu nhi Phật tử gồm các con em của trại gia binh, huynh trưởng là các sinh viên sĩ quan mộ đạo. Quanh vách gỗ căng những biểu ngữ về ngày lễ vu lan. Trong một góc bừa bãi những lon sơn, chổi cọ. Vài ba chiếc ghế bỏ giữa khoảng trống.

Duy ngồi thừ hồi nào trên một chiếc ghế tựa vách.

Nghiêm đứng cạnh bàn nhìn tấm vải thô đắp kín Kiệt. Chàng không mở tấm vải.

Chàng nghe những tiếng động bên kia vách ván. Nửa lớp nhà, nơi đặt Niệm Phật Đường là phòng vãng lai dành cho sĩ quan cấp uý mới đến trường hoặc tiếp đón các phái đoàn không quan trọng. Chàng nghe tiếng hỉ mũi của Duy. Các ô kính trên vách mầu khói giống như mầu trời chàng vừa nhìn thấy bên ngoài.

-Nghiêm… Nghiêm… Happy Birthday…
Happy Birthday, Kiệt. 

Nghiêm đứng, bỏ quên mình, bỏ quên hết thẩy, chàng vẫn ngó thấy xác Kiệt được đắp điếm dưới lần vải có mầu lem luốc nhưng chàng không nhớ hình dáng Kiệt. Chàng cũng không nhớ cái chết của Kiệt. Chàng mặc sự trống rỗng hút cuốn tâm trí.

Quanh cái chết của Kiệt lồ lộ biết bao câu hỏi, Nghiêm cũng không muốn hỏi. Ai trả lời được cho chàng? Ai?

Rồi Nghiêm đến bên cạnh Duy nghe Duy nói. Lúc Duy rã rượu, tỉnh giấc trong phòng Kiệt, Duy biết Kiệt đã chết. Giọng Duy đầy ân hận.

Nghiêm không chêm một lời.

Nghiêm… Nghiêm… Happy Birthday…

Câu nói cuối cùng của Kiệt?

Khi có bóng người bước vào Niệm Phật Đường, Nghiêm lẳng lặng bỏ ra về. Thành phố đẹp lạ lùng. Vẻ đẹp thảng thốt của một ngày trở mùa. Trời bạc phơi phới. Mây mỏng bay lướt thướt. Trên mặt hồ chi chít những cụm sương như cánh đồng trổ bông trắng xóa.

Nghiêm chạy xe chầm chậm, đều đều, giữa đường mờ mờ hơi khói. Bỗng những trái nổ rớt đâu quanh, lay chuyển bầu không khí êm đềm, khép nép. Hỏa tiễn bắn vào thị xã chưa thức hẳn, rơi gần mấy cây cầu quanh hồ lớn. Nghiêm vẫn ngồi vững trên xe, chạy tới, chạy tới, không nhanh không chậm hơn, tâm thần quạnh tẻ, lặng lờ, và giật mình khi thấy mình đang đứng giữa gian phòng khách trong nhà, đã ngăn nắp sạch sẽ, chẳng lưu chút vết tích nào của buổi tối qua.