Một Chủ Nhật Khác


13 

Những ngày kế tiếp, trời động bão, mưa lây nhây rỉ rả đêm ngày. Gió thốc tạt. Trời xỉn cũ, từ sáng đến chiều một mầu, đôi lúc xập xuống như sắp cạn tuyệt ánh sáng. Không khí chùm hụp, bưng bít, mốc meo, trong ngoài không chừa chỗ nào. Người nào cũng trùm áo mưa, chụp nón, lúi cúi lúp xúp. Chỗ nào lúc lép nhép, trơn trượt, bẩn thỉu. 

Thoạt tiên chỉ tưởng cơn trở trời trái gió một hai buổi là tan. Chưa đến tháng gió mùa thổi, không hiểu sao bão đã tới. Nhưng ngày này như đã vào tháng bẩy, tháng tám, như mùa hè đã qua và mùa thu của miền cao đang về.

 Những ngày mưa thối cỏ thối cây dứt, gió sẽ bắt đầu cất tiếng ca trên đồi, dưới lũng, bài hát ảo não của mùa mặt trời lảng trốn bên kia núi, dưới đèo.

 Kiệt giống như con gà rù. Con gà đứng co cẳng trong góc chuồng, cánh xệ, cổ rụt, mắt nhắm, khật khừ. Con gà trong thế yoga, nhập định, chở giờ bị thộp, mang cắt tiết.

 Thời tiết thay đổi bất thường phủ lấp Kiệt hoàn toàn. Trời như chiếc hộp kín bị lắc nhồi. Đầu óc Kiệt cũng là một chiếc hộp kín nữa, nhưng trong chiếc hộp kín này có thắp một bóng điện nhỏ. Chàng lừ nhừ di động, không gây chú ý. Chàng là chiếc bóng của chàng.

 Thói quen thường nhật của Kiệt bị xáo trộn. Chàng vẫn thức giấc trước hoặc cùng giờ chạy buổi sáng của sinh viên, nhưng chàng làm biếng không rời trại. Chàng trở thành người khách đầu tiên trong ngày của Hội Quán một cách thường xuyên… Chàng uống ly trà nóng vừa pha chế trước khi uống cà phê ăn điểm tâm. Chàng ngồi bên cửa sổ trong xuống sân quần vợt, con đường đất lầy trơn như mỡ giăng qua hai bờ cao như chiếc võng. Một lũng cỏ hoang thả kẽm gai và mìn bên đường, triền lũng phía ngoài là nương cỏ xanh thả đàn bò của người chủ đất Tây lấy vợ Việt Nam, cạnh nương cỏ là khu trại quân Mỹ đã rút. Chàng ngồi ngâm nga cả tiếng đồng hồ trước giờ làm việc và sau giờ làm việc, một vài người quen ghé ngồi chung chốc lát mươi phút. Có buổi chiều chàng từ chối cả lời rủ rê của Duy ra phố uống cà phê, hoặc có ra rồi chàng cũng chạy thẳng vào trại không ghé nhà. Gần tuần lễ Kiệt không về ngôi nhà, chàng ăn ngủ luôn trong trại. Tối tối, chàng vẫn đến phòng Nghiêm nghe nhạc sau bữa cơm ở Hội Quán ngà ngà một hai chai la de. Chàng lơ là, hời hợt, bừng bừng vì hơi rượu hơn là vì nhạc.

 Nếu những ngày rớt bão cứ kéo dài, những thói quen mới chắc sẽ thành hình ở Kiệt.

 Kiệt không đặt chân về nhà một phần cũng vì lẽ ngôi nhà thời gian này giao cho người khác sử dụng. Tánh - chủ nhân - viết thư giới thiệu Hiệp, yêu cầu Kiệt nếu thấy tiện cho phép Hiệp mượn nhà quay một vài nội cảnh cho một cuốn phim đang thực hiện. Hiệp là anh chàng quen mặt, Kiệt gặp trong ngày chủ nhật đi với Oanh. Một buổi tối từ phố về, Kiệt thấy ánh đèn trong nhà sáng rực một vùng cây cối hắt xuống đường, trong cơn mưa lất lay. Chàng tần ngần tính lên xem đoàn quay phim làm việc nhưng lại thôi.

 Những buổi tối ướt mem. Trăng bị xô giạt không hiện. Trời mây đen lổm ngổm. Gió về khuya thỉnh thoảng như sóng gào.

 Tòa nhà Nghiêm ở trở nên lạnh lẽo, heo hút hơn. Nó như chiếc tầu đắm một nửa, lánh ở một mạn ghềnh đá cách vùng biển nơi những con tầu khác đậu đèn rực trời. Nghiêm vẫn đều đặn, mực thước một cách khủng khiếp. Đến việc nghe nhạc của Nghiêm hình như cũng theo một chương trình, không lộn xộn tùy hứng. Suốt mấy buổi tối liền, Nghiêm loanh quanh với những tác phẩm của Stravinsky. Những L’Oiseau de Feu, Le Sacre du Printemps, Pétrouchka… hoặc quá phiền rối, hoặc quá trầm trọng, hoặc quá niềm nở bật dội lùng bùng cùng hơi la de trong đầu Kiệt. Kiệt thèm những khúc đơn giản, tha thiết, chỉ gồm ba bốn nhạc cụ tấu lên là đủ, như của Schubert. Chàng chỉ muốn nghe những bảng lảng, những quatuor, hoặc trio. Chàng ở ngoài những âm thanh của Stravinsky và cứ cố gợi nhớ một cách tuyệt vọng những quatuor cuối cùng của Beethoven.

Những ván cờ liên tiếp hết với Nghiêm lại với Duy làm trí óc Kiệt mê dại, lẩn thẩn sau khi tan cuộc. Nhiều buổi Duy chán ngấy nhưng vẫn bị ép đấu. Duy kêu: khổ quá, khổ quá, ông Kiệt ơi, nhưng rồi chịu trận. Trong ánh mắt, nụ cười, Duy tỏ ra hiểu Kiệt đang mang nặng tâm sự, anh chàng tò mò đợi chờ được chia sẻ.

Tối thứ hai Duy đã bắt gặp Kiệt nằm còng queo trong phòng, thờ thẫn, mệt mỏi như bị cảm nặng. Buổi sáng từ phi trường về khoảng mười một giờ hơn, Kiệt rơi trúng vào giữa trận mưa tầm tã mở màn những ngày bão. Chàng ướt như chuột. May gặp xe Phương chạy qua chở về nhà.

Trận mưa bất thường  kéo dài đến chiều nên dậy học xong Kiệt nằm luôn ở phòng, thiếp đi cho đến khi Duy ở phố vào đập cửa mới thức. Đi với Duy xuống Hội Quán kiếm thức ăn lúc gần mười giờ, nghe trận mưa đã dứt hạt từ lâu tưởng trời lại trong trẻo và con trăng đầy thêm hơn, Kiệt gặp lạnh run lập cập. Một lúc trên quảng trường chàng tối tăm mặt mũi vì gió quật.

Trong khi Kiệt ngồi ăn uể oải tô mì gói, Duy ngắm chàng bằng đôi mắt như muốn soi tỏ mọi nỗi niềm u uẩn. Duy đã gặp Phương và biết vụ Kiệt mắc mưa.

-Cô giáo tôi nói anh đội mưa đi lừng lững, khốc liệt lắm. Nàng không hiểu anh đi đâu, có chuyện gì. Thấy anh lầm lì quá, cô giáo tôi ngán quá không dám hỏi. Nàng biểu nếu nàng không đậu xe mời anh lên xe đưa về nhà, anh dám lội đi quanh hồ hoặc đi luôn xuống hồ không chừng.

Cả buổi chiều thứ hai ấy, Duy chạy lo vé máy bay cho Ly về Sàigòn. Điện tín gọi Ly về gấp. Duy phải vận dụng đến giấy trưng vận của tòa tỉnh mới có vé. Nghe tin Ly rời khỏi thành phố, Kiệt nhẹ thêm nấc nữa.

-Chiều thứ ba, hai người đến tìm tôi tận phòng. May là mình đánh bạc ở phòng khác, nếu không chỉ có nước độn thổ. Bà Hiền mời anh với tôi ăn tối ở nhà. Bà ấy đến nhà anh không gặp anh nên đến tôi. Rồi giao phó cho tôi nhiệm vụ truy lùng anh. Tử vi của tôi không hiểu bị sao gì chiếu chuyên trị làm tay sai. Đi khắp thành phố kiếm anh chẳng thấy tăm hơi mặt mũi, hỏi ai cũng chẳng thấy anh. Tôi vứt cái message cho anh, ở quán cà phê, ở nhà, nhắn đủ mặt. Gần tám giờ tôi mới đến nhà họ. Bữa ăn thiếu anh thất bại hoàn toàn. Có chai rượu chẳng ai uống cả…

Phương không đả động chuyện này lúc chở chàng trong xe. Kiệt chẳng rõ mặt mày chàng bấy giờ thế nào khiến Phương nín khe.

-Anh đi đâu mất tích?

-Đưa một người bạn ra phi trường.

-Ai vậy?

Kiệt nghe câu hỏi của bạn, chàng muốn trả lời nhưng lờ lững chậm chạp rồi thấy muộn bỏ qua.

Duy bề ngoài xem nông nổi, lô bô ba la, nhưng khi cần cũng cho thấy sự tế nhị, kín đáo. Chiều thứ ba rủ Kiệt đi uống cà phê, chàng thoái thác. Hôm sau Duy đề nghị:

-Bữa nay trời lạnh mình đi uống rượu. Tôi đang bị nhức mình mẩy, uống vài ly rượu thuốc xem có khá không.

Trên đường ra chợ, Duy trầm ngâm. Anh chàng tìm cách xáp gần. Họ uống rượu trong một tiệm thuốc bắc, lụp xụp mờ tối. Hắn dùng rượu để cậy miệng chàng, Kiệt nghĩ, và chàng nhất định ngậm chặt. Sau hai ba ly rượu nhỏ, mặt Duy đỏ tía. Chính anh chàng thổ lộ tâm sự. Cô “cháu gái” thứ hai trong bốn chị em, cô bé mà Duy quý, đã bỏ nhà đi mất. Dường như cô theo một chàng đại uý nào đó. Nghe tin đồn từ ít bữa nay nhưng mãi hôm qua rủ Kiệt đi phố không đi, Duy một mình buồn mới tạt đến nhà thăm và biết chắc đúng, Gia đình cô bé giấu quanh về sự vắng mặt của cô. Duy cười cười:

-Mình cứ nghĩ em còn bé nên chưa ngỏ ý. Ai ngờ… thế là bị phỗng tay trên. Thất vọng thiệt.

Sau chầu rượu, Duy mời Kiệt đi ăn phở. Ra khỏi quán phở, Duy say nhè vì uống thêm hai chai la de. Duy hỏi Kiệt: cần tiền không, hắn được bạc rủng rỉnh, Kiệt có thể cầm tiêu bớt. Kiệt gạt. Leo lên xe Dodge, Duy ngồi hết nổi. Hắn nằm còng queo trên băng ở khoang sau. Kiệt lái xe chạy ào trong cơn mưa tạt. Vào đến trại, vừa xuống xe, Duy nôn thốc nôn tháo, Kiệt phải vực Duy, cởi giầy, giăng mùng cho hắn. Chỉ khi về đến phòng, thay xong quần áo, đặt lưng xuống giường, Kiệt mới thấy mình cũng đã đời, lịm thiếp ngay lập tức.

Kiệt từ chối cầm tiền của Duy, vì tính ghét vay muợn một phần, nhưng lý do chính là chàng không muốn thú nhận điều ức đoán của Duy là đúng. Chàng không thích thú nhận. Bấy giờ, trong túi Kiệt chỉ còn vài chục bạ,c tuy nhiên chàng có thể ăn uống, ghi sổ Hội Quán. Thêm nữa, Kiệt âm thầm đang khép kín, thử thách với nỗi riêng ôm ấp, không muốn lẩn tránh. Chàng lặng thinh để nghe, xem. Chàng rình rập sự thật theo lối các nhà tu khổ hạnh hành xác.

Tại quân trường, đang trong tuần lễ cuối đệ nhất bán niên dành vào việc khảo hạch, Kiệt chỉ bị cắt làm giám thị vài ba buổi. Những giờ trống trải, Kiệt rút ẩn trên lầu ba của thư viện. Nơi đây cao ráo, tĩnh mịch, có những chiếc bàn đặt trên những cửa sổ hình chữ nhật bề ngang hẹp bề dài cao đụng trần. Kiệt ngồi ở chỗ lấp sau những giá sách, trông xuống hai tầng sân sâu hút bên dưới, trông ngọn đồi Bắc chận tầm mắt và chếch bên là rừng thông mầu lục với một đoạn của con đường vòng quanh trường. Trước giờ vào lớp, trong giờ nghỉ, đám sinh viên lũ lượt kéo vào Câu Lạc Bộ ở dưới tầng hầm, mở nhạc văng vẳng, rã rượi như trời. Mưa gió khiến không ai lên sân lộ thiên, và cả những người đi khám bệnh buổi sáng thường ngồi chật quanh rìa chiếc bệ xây trồng bông ở sân dưới cũng vắng. Gió ướt thổi không trên mặt sân mầu gạch, những bờ thành và ghế băng xi măng xám, lục lạo bên đồi thông, vi vút quan những sợi dây điện mảnh. Giờ khắc thong thả loanh quanh theo gió đưa đẩy hoặc như bị ngập chìm trong màn mưa trắng xóa. Nhiều buổi, Kiệt không thốt lấy một lời, kể cả lời tự nhủ hay tự hỏi. Chàng mở một cuốn sách để trước mặt, đọc vài trang, vài câu, xong trí óc bay lảng.

Chàng bỏ quên mình thật lâu, thật nhiều trong bất động. Mỗi lần thức chàng lại như vừa nhô thoát một tầng vây hãm nào đó. Một hạnh phúc thoáng chốc hay một u hoài lãng đãng. Chàng như đi lại trong một vòm vang dội tiếng bước.

Đến thứ năm, trời sáng hơn. Bão đang tan. Mưa còn nhưng bớt gió quẩn. Chiều bắt đầu hưng hửng. Kiệt gặp phiên trực và tuần tiễu đêm. Buổi trưa chàng nằm trong phòng trực một mình để chiều tối có thể vào muộn, vì vướng dậy hai giờ sinh ngữ. Chàng tính bỏ quách, nằm bẹp nhưng lại thấy bóng nắng chập chờn sau mấy ngày ủ dột nên muốn ra phố thay đổi không khí. Chàng cũng định gọi điện thoại cho Thùy nhưng trong túi không còn đồng cắc. Chiều hôm ấy cả Nghiêm lẫn Duy đều biến mặt. Kiệt không ghé vào khách sãn P. như thường lệ, cũng không ghé quán phở và quán cà phê. Chàng lên đồi. Cỏ ướt nhớt. Đồi vắng không. Chàng dựng xe, ngồi trên yên, ngó mông tứ phía đợi giờ đến lớp.

Đêm sương đổ trắng mù. Vòng tuần tiễu qua các đồn canh trạm gác ra tận các toán kích ngoài rào lâu hơn tiếng đồng hồ.

Một toán kích nằm trên một triền đồi xe không lên tới, phải bỏ xe mò mẫm đi chậm, qua một khoảng đất đang ủi bạt, sình lầy lún đến mắt cá chân. Thực tế chẳng ai mất công lặn lội lên chỗ này kiểm soát giữa đêm tối mịt lạnh giá. Người ta thường đứng dưới đường kêu lính gác xuống hỏi quân số, vũ khí, đạn dược mang theo. Riêng Kiệt, phiên tuần tiễu nào chàng cũng mầy mò lên một mình, hai người lính hộ tống ở lại xe với khẩu đại liên. Chẳng phải chàng làm hơn những người khác, chàng cũng chỉ gặp lính gác hỏi một hai điều cần biết như mọi người, thảng hoặc hỏi thêm một hai câu vớ vẩn như lạnh không, có thuốc lá hút không… Chàng lấy việc lặn lội lên đồi hoặc tuốt xuống dưới lũng làm thú riêng; tưởng tượng đang đi dạo trong đêm. Vào tuần trăng, cảnh vật rừng núi hiện trong mầu hư ảo. Nhiều đêm sương bủa lấp không thấy mặt hồ và trong mầu khói trắng toả đôi lúc lênh đênh những đốm đèn chẳng rõ xa gần. Đêm trời nổi gió vần vụ, những con trăng muộn như chạy lồng. Dưới trời đêm, Kiệt thoải mái quên những phút bực rọc khi sửa soạn khởi hành: phải đi lùng kiếm tài xế, lính hộ tống, mỗi đứa ngủ một nơi mất hàng giờ.

Đêm ấy Kiệt sửa soạn đi tuần tiễu từ mười một giờ rưỡi và lúc về gần hai giờ. Chàng mất ngủ luôn đến sáng.

Bão tan hẳn. Trời sáng trong như không hề đã có những ngày ảm đạm trước. Nhưng trên đường xuống Hội Quán buổi sáng, cảm giác khoan khoái của Kiệt không toàn vẹn. Đầu óc chàng choáng váng lợn cợn, có mòi u uất. Ngày đẹp nhưng Kiệt mường tượng đến vẻ rời rã buồn phiền đang trôi tới. Chàng vẫn ngồi ngây bên cửa sổ ngó ra cảnh vật đang hồi sinh tươi thắm dưới ban mai, thỉnh thoảng lại thoáng thấy như có tấm màn đen phất bay qua mắt. Hơi khói thuốc lá hít vào khiến Kiệt ho rát cổ.

Kiệt nghĩ chàng cần ngủ bù, tìm một chỗ khác ngoài phòng làm việc để năm dài. Một tháng nay, chàng sống thiếu điều độ. Chàng không thể về nhà, ngôi nhà đang bị xâm chiếm. Chàng không thể ra phòng Duy ngoài cư xá độc thân, phòng chung hai người và cảnh hỗn tạp của chung cư không hợp với Kiệt. Chàng không thể đến nhà Nghiêm hoặc nhà đứa em họ của Thùy nơi chàng đã trú ngụ một thời gian; sự xuất hiện của chàng gây phiền phức cho các gia đình.

Kiệt không biết ngã vào đâu cho ổn.

Chàng nghĩ đến một gian phòng trong khách sạn. Nếu có tiền chắc chắn Kiệt mướn phòng khách sạn P. ở đó như mọi du khách trong vài ngày. Rồi Oanh hoặc Ly bất chợt lên.

Kiệt tưởng tượng, cố xua đuổi tưởng tượng. Trí tưởng tượng làm chàng bệnh thêm. Oanh và Ly dần dần trong tưởng tượng sẽ trở thành bất kỳ người đàn bà nào. Và chàng sợ, chàng ngại lúc trở chứng mê muội…

Thật thà Kiệt chống lại ham muốn tự hủy man rợ.

Không ai đến với chàng cả.

Kiệt như con chó khập khễnh tìm góc khuất nằm liếm vết thương rướm máu.

Vào lúc ấy Kiệt nhận được thư Ly do Phương chuyển. Trên danh thiếp ghi tên Lê Thị Hiền, nàng viết:

“Cảm ơn tối thứ bẩy. Tiếc chủ nhật không gặp. Phải về Sàigòn gấp vì một bức điện tín. Thôi để một chủ nhật khác.”

Kiệt đọc đi đọc lại mấy câu ngắn ngủi, thấp thoáng vẻ bồn chồn căng thẳng. Chàng hoang mang.

Cùng lúc chàng nhớ Oanh và Ly, tâm thần bất định chuyển như cánh quạt gió. Chàng nhớ Ly để quên Oanh, rồi chàng nhớ Oanh để quên Ly. Và chàng nhớ Thùy và các con để quên hai người.

Sau rốt, chàng mong quên tất cả.