*

Cá Rô Cây
1 2 3 4 5 6 7 8 9
10 11 12

Nước Mắm Lá Chuối
1 2 3 4 5 6



   

Nước mắm lá chuối
1

Có mấy NQT?

Ở Lời Bạt, cuối cuốn Tam Thập Lục Kế Tẩu Vi Thượng Sách, Ways of Escape,  tay nhà văn kiêm thêm nghề điệp viên người Hồng Mao, Graham Greene  cũng thắc mắc, tự hỏi, đúng ra, "trầm tư" về một thai đố "Có mấy Graham Grene", mà ông gọi chung bằng cái tên "The Other", Kẻ Khác.

Cuốn sách này không phải là một thứ chân dung tự họa. Tôi dành cái việc đó, cho bạn bè và kẻ thù của mình. Thì cũng mắm xốt như nhau: All the same.

Trong nhiều năm, chính tôi, cũng đi tìm thằng chả đó, kẻ tự gọi mình là Graham Greene.
Cách đây năm chục năm, tôi có mua một tuyển tập thơ của Edward Thomas, trong có bài ám ảnh tôi, không hiểu tại sao. Không phải một bài thơ hay của ông ta.
Bài thơ "Kẻ Khác"  kể câu chuyện, một tay lãng du, đi đến đâu, ghé quán nước đầu làng, cây đa ven rừng, quán nửa khuya... đều nhận ra dấu vết của một thằng chả y hệt mình, đi cùng một con đường với mình. Thằng chả vừa order một món ăn y hệt mình, vừa thưởng thức những tia sáng ban mai y như mình, và vừa mới bỏ đi!
...
I travelled fast, in hopes I should
Out run that other, what to do
When caught, I planned not, I pursued
To prove the the likeness, and if true
To watch until myself I knew

Tôi đi thật nhanh, cố bắt kịp thằng chả
Chẳng để làm chi
Chỉ để coi hắn có y hệt mình
Và để hiểu tại ra làm sao lại có một thằng y hệt mình.

Và bài thơ kết thúc bằng những câu như sau:

Hắn đi, tớ theo, liền tù tì.
Cho đến khi hắn ngừng. Và khi đó, tớ cũng sẽ ngừng.

Hai Lúa đã có lần kể, Graham Greene là một trong những ông thầy dậy tiếng Tây của Hai Luá. Hai Lúa đọc ông, qua các bản dịch tiếng Tây, những cuốn như Kẻ Giết Mướn, Người Thứ Ba...
Ngoài Greene, còn có Simenon, những tác giả loại sách đen, série noire, như James Hadley Chase. Nhờ những chi tiết ly kỳ, câu chuyện hồi hộp, Hai Lúa mải mê theo dõi, đọc hết cuốn sách. Đây có lẽ là cách học ngoại ngữ tốt nhất, ít ra là đối với riêng tại hạ !

Thế rồi, Hai Lúa quá chán me-xừ Greene này, khi khám phá ra, ông làm gián điệp! Hai Lúa than... Trời: Tại làm sao làm một cái nghề cao quí như thế, viết văn, đồng thời làm một cái nghề khốn kiếp như thế, chó săn ?
Về già, Hai Luá mê lại Greene, và khám phá ra rằng, cái tâm thì phải là tâm bồ tát, cái nghề, thì là nghề khốn nạn, chui xuống gầm giường nhà người ta, làm "con mắt của nhân dân"...  thì mới có thể là nhà văn của thế kỷ khốn nạn, là thế kỷ 20 được!

Milosz có thể cũng nghĩ như thế, khi viết "ẩn dụ" nhà thơ dơ nhất thế kỷ.

Ông kể chuyện một nhà thơ của thế kỷ 20, cuối đời nhìn lại, thấy mình bẩn quá, bèn chui vô bồn tắm, dùng xà bông thơm kỳ cọ, cho văng tất cả những cái bẩn đi.
Kỳ mãi, kỳ mãi, vẫn không hết, và ông ngộ ra, số phận của ông là như vậy.
Bởi vì, nếu ông ta sạch,Thượng Đế đã không giao cho ông ta "nghĩa cả" đó, và nhân loại cũng đếch cần đến ông ta. (1)
Là nhà thơ bẩn của thế kỷ. Sướng thật!

Tôi sợ rằng, vào lúc này, vào những giờ phút nóng bỏng của Lò Luyện Ngục, mấy ông thi sĩ như Chế Lan Viên, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận... và có thể, có cả thi sĩ, tác giả tập Thơ Trong Tù đang rộn rã bước vào Ngày Hội Thơ, hay Show Bình Bầu Nhà Thơ Bẩn Nhất Thế Kỷ 20 Của Nền Thơ Ca Của Chúng Ta, cũng nên!

1): Bản tiếng Anh, trong Chó Bên Đường [Road-side Dog]:
To Wash
At the end of his life, a poet thinks: I have plunged  into so many of the obsessions and stupid ideas of my epoch! It would be necessary to put me in a bathtub and scrub me still all that dirt was washed away. And yet only because of that dirt could I be a poet of the twentieth century, and perhaps the Good Lord wanted it, so that I was of use to Him.
*

Bài viết này không phải là một thứ chân dung tự họa. Tôi dành cái việc đó, cho bạn bè và kẻ thù của mình.

Hai Lúa, tự hồi tập tành viết cho tới giờ, sắp xuống lỗ, chưa hề một lần vỗ ngực xưng tên, là phê bình gia, ngự sử văn đàn, nhà biên khảo... "Cả một đời viết lách của một thời mới lớn", "chết" trước khi Miền Nam sụp đổ, vỏn vẹn có một tập truyện ngắn, Những Ngày Ở Sài Gòn. Mà cũng phải bỏ tiền túi ra in.
Hai Lúa chưa từng bao giờ có ý nghĩ, sẽ in một cuốn phê bình, cuốn khảo luận, cuốn lịch sử văn học, cuốn tổng quan gì gì đó.
Không có thì giờ! Việc đó đếch cần thiết, trong tâm thân HL hình như là có một ý nghĩ như vậy.
Chưa bao giờ HL có ý nghĩ, sẽ tập hợp, thu gom những bài viết lèm bèm, lem nhem trước 1975 thành một cuốn điểm sách, hoặc phê bình.
Thành thử khi ra hải ngoại, thấy cuốn sách của mình được tái bản, HL thầm cảm ơn anh chàng lái sách. Không có ông, tui đâu còn cuốn sách.
Ông này, nghe nói, cũng cùng quê bên ngoại của mấy đứa con Hai Lúa: dân Cai Lậy. Chính vì thế, lần sang Cali, Hai Luá có điện thoại, chỉ để hỏi thăm, và xin vài cuốn làm kỷ niệm. Ổng gật đầu, qua máy điện thoại, nhưng sau đó quên gửi. Cứ mỗi lần thèm nhìn lại cuốn sách, là Hai Lúa lại phải kêu một bạn văn, cũng một thứ em út trong gia đình [vì ít tuổi hơn], nhờ mua và gửi cho một hai cuốn. Rồi lại tặng người quen, rồi lại nhờ mua, hoặc mỗi lần có dịp ghé Cali, là lại chở tí củi về!

Lạ một điều, cuốn sách có một số độc giả đích thực, và không thể nào ngờ của nó, đúng như lời chúc mừng "Hãy thuận buồm xuôi gió", của Hai Lúa, khi  trích dẫn câu của một nhà văn Tây, ở đầu tập truyện:
Hãy lên đường, hỡi cuốn sách nhỏ bé, và tìm ra cái thế giới của mày.

Sau này, nghe Võ Phiến hình như [?] có lần than, Miền Nam không có [thiếu?] phê bình, Hai Luá cứ băn khoăn tự hỏi, và tìm câu trả lời.
Câu trả lời, lạ làm sao, đúng như "ý nghĩ thầm kín trong thâm tâm" của Hai Luá, là câu của Steiner, khi vinh danh G. Lukacs. Một cách nào đó, có thể áp dụng cho cả một miền đất.