*

Cá Rô Cây
1 2 3 4 5 6 7 8 9
10 11 12

Nước Mắm Lá Chuối
1


  

Cá Rô Cây và Nước Mắm Lá Chuối

11

Có mấy Nguyễn Quốc Trụ?

Cái tít, "đầy ngụ ý", [Did she know?] khiến Hai Lúa nhiều lần tự hỏi, trong đời thường, ngoài xã hội, ngoài những thằng NQT khốn kiếp, khốn nạn, đểu giả ra, liệu có một ông, cũng mang đúng cái tên như vậy?

Có ông Phó Quốc Trụ, hình như là thuộc bên cảnh sát, đã mất trong trận Mậu Thân. Có ông Nguyễn Quốc Trụ, sĩ quan thì phải, bạn của biếm gia nổi tiếng Bùi Bảo Trúc, cũng đã mất rồi. Hai Lúa nhớ mang máng có đọc một bài tưởng niệm bạn của họ Bùi.

Và cứ tự hỏi, phải chăng ông sĩ quan NQT này, là người mà một lần, đã lâu lắm rồi, có một cô gái lầm với tên "sa đích văn nghệ" [chữ của thi sĩ Nguyên Sa ban cho Gấu]?

Vụ bé cái lầm này thật thú vị. Một bữa, thời gian trước 1975, hình như ngay sau khi xuất bản Những Ngày Ở Sàigòn [1970], Hai Lúa nhận được một cái thư, gửi đến nhà, không hiểu làm sao tác giả lá thư lại biết địa chỉ. Trong thư, người viết ca ngợi những bài viết của NQT, và cho biết, đã có lần ngồi đối diện với NQT, trên một chiếc xe lam, và lần đó, NQT diện một bộ đồ sĩ quan VNCH, thật là hách xì xằng! 

Diện đồ sĩ quan là lầm lớn rồi cô ơi, Hai Lúa tính viết thư trả lời, nhưng sau cùng, tặc lưỡi, có gì đâu mà phải đính chính. Làm lính, làm sĩ quan, trong thời chiến, là chuyện quá bình thưòng. Và bỗng nhiên, Hai Lúa thấy mình thật là quá vô ơn, với... VC, vì nếu không nhờ VC, Hai Lúa đã được diện bộ đồ sĩ quan, và có thể, cũng đã vị quốc vong thân rồi!

Lần đầu tiên Hai Lúa biết. có một người cũng tên như mình, là khi đi coi kết quả kỳ thi Tú Tài Hai, khóa Hai, tức năm 1957, hoặc 58. Ông kia thi đậu, nhưng học ban A, cùng ban với mấy người chị của tay Trí, người bạn học người miền nam đầu tiên Hai Lúa có được, thời gian học trường Văn Lang, ở con hẻm Ngô Tùng Châu, Ngã Sáu Sàigòn. Hai Luá đã kể sơ chuyện này, một lần rồi.

Mấy bà chị của anh bạn Trí, hình như cũng rớt lên rớt xuống Tú Tài hai, và dính chùm với nhau ở mảnh bằng này, khi dò danh sách, thấy tên NQT, bèn than: Thằng chả bạn em mình, nó học ban B, qua A hồi nào mà học hay dzữ dậy!
Học hay dzữ, là ý mấy bà chị muốn nói, chăm chỉ học bài. Bởi vì học ban A không cần thông minh, mà cần trí nhớ. Bài học môn Vạn Vật dài dòng, linh tinh, khó nhớ lắm!
Nó thông minh, nó lười học, nó giỏi toán lắm, tại sao lại chuyển qua ban A?
Ấy là tôi nghe bạn Trí nói lại, khi đi kiếm Hai Lúa, ở ngay chỗ yết bảng, rồi kéo đến trình diện mấy bà chị, bởi đã quá lâu, mới gặp lại. Tính ra là từ thời kỳ học lớp Đệ Ngũ trường Văn Lang.
Hai Lúa nghi, rằng, ông sĩ quan cùng tên, là ông học ban A đó.
*

Thời gian học lớp đệ ngũ trường Văn Lang, của thầy Nguyễn Khắc Kham. Vẫn "thói" Bắc kỳ không thể bỏ, chọn thầy trước khi chọn trường, chọn lớp. Tiếng là trường, chỉ một căn hộ trong một con hẻm đường Ngô Tùng Châu gần Ngã Sáu Sài-gòn. Tiếng là di cư, nhưng chính ở đây, cậu có người bạn Nam-kỳ đầu tiên. Cũng lần đầu, cậu nghe anh bạn Trí phát âm "tìn thươn", thay vì tình thương. Con nhà giầu miệt tỉnh, mấy chị em kéo lên Sài-gòn mua nhà thay vì trọ học. Và phải là một trường Bắc-kỳ. Anh giải thích: ở dưới đó, anh "số dzách", nhưng ông thầy lắc đầu, không ăn thua gì đâu, so với đám học trò người bắc. Anh đưa về "khoe" với mấy anh chị em. Cả nhà đều mến, nhưng phàn nàn với đứa em: bạn mày nói, tụi tao nghe không ra! Còn thằng bé cứ há hốc mồm, nghe kể về một miền đất, sáng rảo bộ ra quán cà-phe nơi đầu ngõ, tiện chân ngoáy ngoáy một hố đất nơi con rạch, trưa về thò tay nhấc lên một con cá. Nhưng hình ảnh "Nam-kỳ nhất" ở nơi cậu, là từ một cô gái "lai", Bắc-kỳ xa xưa từ hồi nảo hồi nào. Và nó bắt nguồn từ... Hà-nội!    
Hồi đó ở với bà chị họ, nơi ngoại ô Bạch Mai. Một bữa có một ông chú, từ Sài-gòn ghé. Gọi là chú, vì ngày trước học chung với ông già. Chú Th. quê Phú Hữu, một làng nằm trên sườn một ngọn đồi, dưới chân núi Tản. Ngày nhỏ theo bà già từ Thanh Trì, ven sông Hồng, vượt hết cánh đồng Sơn, đứng từ dưới nhìn lên, những căn nhà lẩn sau đám cây trên đồi. Bà già chỉ: nhà bà Hàn kia kìa. Gái Thanh Trì thường làm dâu Phú Hữu. Cậu bé có mấy bà cô ở trên đồi. Trai Phú Hữu thường ra Thanh Trì làm học trò ông giáo Dực. Ông già và chú Th. học chung lớp. Chú thi rớt, bị bố la, bỏ xứ Bắc, nhẩy tầu đi một lèo tới Sài-gòn làm giầu. Ông già thi vô sư phạm, ra làm hiệu trưởng trường tiểu học, mỗi nhiệm sở đẻ một đứa con làm dấu. Đứa Hải Dương, đứa Lục Yên Châu... Nhiệm sở chót Việt Trì (Vĩnh Yên), năm 1945, rồi "thôi" luôn.
Tên Của Cuộc Chiến
*
Chuyện Hai Lúa không được hân hạnh vận đồ lính rất giống câu chuyện Tái Ông Thất Mã, tuy có chút khác biệt: Tiếu lâm hơn. Cảm động hơn.

Bây giờ, cô đã đi trước Gấu, tuy thua một chục tuổi, mỗi lần nhớ tới, là Gấu lại mường tượng ra một nụ cười thật ranh mãnh, thật lém lỉnh, của một cô gái có tên là Bông Hồng Đen, và cố tưởng tượng ra cái cảnh cô mếu máo, khóc mà không dám, ngay cả khi chỉ có một mình, và phải làm ra vẻ thản nhiên, khi nghe tin, và sau đó, đọc báo, thấy Gấu nằm trong danh sách những người bị thương nặng, vì cái tội ham ăn ham uống, nên ăn mìn VC tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh.

"Trong khi lần hồi sống lại, trong những lần nàng vào nhà thương Grall thăm chàng, nghe nàng kể chuyện, khi được tin, nàng đã khóc và không dám giụi mắt, vì sợ mắt sẽ đỏ, và người trong nhà sẽ biết. Chàng nghe kể lại, vừa cảm động vừa hổ thẹn"...

Tứ Tấu Khúc về Lan Hương và Sàigòn