*

TƯỞNG NIỆM

1
2
3
4
5
6
7
8
9
10





Kỷ niệm với nhà thơ

Nhưng, liệu có thể, viết lại một tác phẩm?
Nhưng, tại sao nhà thơ bé chỉ thích... bé, không muốn nhớn thêm tí nữa?

Về câu hỏi sau, Brodsky cho rằng, nếu muốn làm nhà thơ nhớn, đừng sợ thất bại. Mandelstam đầy những thất bại. Tsvetaeva, khỏi nói, nhất là khi bà lâm vào tình trạng thiếu thẩm mỹ [bad taste]. Bậc thầy thiếu thẩm mỹ của thơ Nga, là Blok. Nhưng, cám ơn Trời, họ như thế đấy, thiếu thẩm mỹ, thất bại... Bởi vì điều này tạo khoảng cách, tạo chiều hướng, sự dàn trải. Thực tình mà nói, nếu nhà thơ phát triển, if a poet is developing, thất bại là không thể tránh. Sợ thất bại làm tiềm năng nhà thơ teo lại. Trường hợp T.S. Eliot, thí dụ vậy.

Volkov cho rằng, sở dĩ Hokusai có nhiều thời kỳ, là do ông ta sống dai, hầu như đủ 100 năm. Nhân đó, ông hỏi Brodsky về vụ nhà thơ Auden sửa thơ, nhiều bài khác hẳn lần đầu.
Brodsky nói, ông lấy là tiếc cho Auden. Bởi vì, nói cho cùng, những bài thơ sửa đó không thể nào là chung quyết, mà vẫn chỉ là thơ sửa. Lẽ tất nhiên, với Auden, có những lần sửa làm hay hơn lên, nhưng, tôi, [Brodsky] vẫn thích những bản đầu hơn.
Trường hợp sửa thơ của Pasternak thì thật là thảm hại. Mỗi lần ông sửa, là một lần ân hận.

Trong nhiều năm sau khi quyển sách này được xuất bản, dường như tôi đã hì hục viết một BẾP LỬA khác. Mỗi lần sửa lỗi ấn loát để cho tái bản, tôi đều muốn viết lại nó. Kể cả bây giờ, sau mười bẩy năm.
TTT
Chúng ta tự hỏi, tại sao?
Tôi sợ rằng, thi sĩ đã mơ hồ cảm nhận, cái sự trở về đất Bắc của ông, như một người tù!

Đây cũng là kinh nghiệm của... Auden.
Volkov cho biết, khi Auden rời Nữu Ước trở về lại Oxford, nhà thơ thấy - và rất ư là ngạc nhiên, với chính mình - là Oxford không thể nào không nổi nữa, [that Oxford was absolutely unfit to live on]. Và Volkov hỏi Brodsky, bạn có thấy chuyện này tiếu lâm không?
Brodsky: Có phần nào tiếu lâm, thực sự là vậy. Auden nhớ New York kinh khủng. Bạn không thể nào lại trở về nhà, và mong muốn nó vẫn như xưa, như là ngày nào mình rời bỏ nó.

Gấu tui tin rằng, khi TTT chấm dứt Bếp Lửa bằng những dòng, "Anh yêu quê hương vô cùng, anh yêu em vô cùng", quê hương mà ông có ở trong đầu, lúc đó, là đất Bắc, là Hà Nội.
Nhưng càng ngày, ông càng nhận ra, quê hương đó không còn nữa.
Và có thể, đó là lý do, ông cứ muốn viết lại Bếp Lửa!
Ông muốn một Bếp Lửa khác!

Như thằng em, Gấu. Nó cũng có một Bếp Lửa.
Khác.

Lần này tôi quyết định đề là ấn bản chung quyết.
Tôi hiểu đã đến lúc nên viết những quyển sách khác.
Tháng 3 – 73
TTT
Tác phẩm khác, là Một Chủ Nhật Khác. Cuốn tiểu thuyết, viết chạy đua với ngày 30 Tháng Tư, 1975.
Viết xong, để kịp đi tù.

Một Chủ Nhật Khác
Tiểu thuyết của Thanh Tâm Tuyền 

Tranh bìa Thái Tuấn
Khai Hóa in lần thứ nhất

 Nhà Xuất Bản Khai Hóa
26 Trần Quang Khải Saigon
Chủ trương: Lê Thị Ngọc Sương.

Giấy phép 5356/74/BDVCH/PHBCNT/ALP/TP ngày 09.10.74
In tại 150 Phan Thanh Giản Saigon. Số lượng 3.000 cuốn.
Phát hành .3.1975.
Phát hành tại 26 Trần Quang Khải Saigon 1


Trong DVD đám tang nhà thơ, Tô Thùy Yên nói, ông quá sửng sốt, khi hay tin bạn mình mất, và chẳng làm sao sửa soạn gì được, cho cái vụ có vài lời tiễn bạn. Nhưng ông cứ nhắc đi nhắc lại, vinh dự được là bạn của Thanh Tâm Tuyền. Tôi tin rằng, ông nói thực. Đó là tình cảm thực của ông. Đó là hạnh phúc lớn của ông. Có một bạn như thế, và người bạn như thế còn là một nhà thơ như thế. Ông cứ lập đi lập lại những lời đó.
Mỗi lần nói, là ông đưa tay, quay mặt về phía linh cữu của bạn mình. Thật cảm động.

Cái vụ quá sửng sốt của ông, làm Gấu nhớ đến lần thằng em mất. Tuy biết trước, nhưng vẫn quá sửng sốt. Vẫn không tin.

Trước đó, ông có nhắc tới bạn mình, trong một bài phỏng vấn, do Phan Nhiên Hạo thực hiện, đăng trên tờ Văn, số 107 & 108. Type & Post  ở đây, như là lời tiễn bạn của ông.

PNH: Thời đó, nhóm Sáng Tạo đại diện cho cái mới. Nhưng ngay cả khi cùng ý hướng cách tân, anh và Thanh Tâm Tuyền vẫn là hai phong cách thơ rất độc lập nhau...

TTY: Tự bản chất, nhóm Sáng Tạo không phải là một văn đoàn với những định chế quy củ nghiêm nhặt, với những cương lĩnh chi tiết rạch ròi, những chương trình họp bàn kiểm điểm, mà chỉ là một quy tụ gần như tình cờ của một số người, tuổi tác chênh lệch nhau, gia thế khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, sở học khác nhau, nhưng cùng chung một sở thích là làm mới văn chương nghệ thuật, có vậy thôi. Ngay cả cái chuyện chính là làm mới đó cũng chẳng ai bảo ban ai phải làm mới như thế nào. Tự do sáng tác được tuyệt đối tôn trọng, các tác giả, ai muốn viết gì, viết như thế nào, cứ việc viết, ngay cả việc khen chê sáng tác của nhau cũng chỉ là nhân tiện câu chuyện qua qua, lắm khi đùa cợt, chớ chẳng ai nghiêm trọng hiệu đính ai, chẳng ai ra sức vận động ai. Nếu như có một vận động nào đó thì vận động đó chỉ phát khởi từ Mai Thảo, một Mai Thảo tinh nhạy, cực kỳ yêu quý chữ nghĩa và tài năng, trầm lặng đến độ người không thân tưởng là lạnh lùng phớt tỉnh, với tư cách chủ báo cần bài đủ kịp cho số báo tới, đã có kêu gọi, thúc hối mọi người viết, viết. Những người trong nhóm chẳng mấy khi họp bàn nghiêm trọng, nhưng sinh hoạt với nhau thật chặt chẽ thân tình, hầu như đã dành tất cả thì giờ rảnh rỗi tìm gặp nhau, tay đôi, tay ba, nhiều khi cả đám, nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời để rồi cuối cùng cũng chủ yếu quay về chuyện chữ nghĩa tư tưởng như là một ám ảnh đam mê chung. Ở bất cứ nơi nào, nhà riêng, tòa soạn, nhà in, công viên, vỉa hè, bờ sông, quán cốc, hàng ăn, phòng trà... Vào bất cứ lúc nào, sáng trưa chiều tối, và rất, rất nhiều lần mãi tận đêm khuya lang thang trên đường phố. Ðó là thời kỳ bohémien của chúng tôi.

PNH: Anh có thể nói đôi điều về quan hệ văn nghệ giữa anh và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền?

TTY: Thanh Tâm Tuyền và tôi bắt đầu chơi thân nhau cũng từ thời kỳ đó. Nửa thế kỷ đã đi qua, thay đổi bao nhiêu cảnh đời, nhưng vẫn không thay đổi tình bạn giữa chúng tôi. Chúng tôi trao đổi chia sẻ với nhau nhiều điều và tất nhiên cũng có nhiều điều chúng tôi không đồng ý với nhau. Thường chúng tôi cũng có những nhận xét bất chợt về những bài thơ nào đó của nhau nhưng chúng tôi tuyệt nhiên chẳng bao giờ thuyết phục nhau dù bằng cách này hay cách khác về phương cách làm thơ của nhau. Lý do quan trọng hơn cả là vì chúng tôi tôn trọng nhau, cũng như hiểu rõ rằng trong việc làm thơ không có chuyện hợp tác, và riêng phần tôi, tôi rất yêu quý tài năng đa dạng và chói rực của Thanh Tâm Tuyền. Theo chỗ tôi nhận thấy, Thanh Tâm Tuyền là một người sáng tạo bẩm sinh, đích thực, ngay cả trong những câu chuyện mưa nắng bình thường, anh cũng hay đưa ra những ý tưởng mới mẻ bất ngờ mà người không quen có thể cho là chối ngẳng, nhưng riêng tôi, tôi nhìn thấy chúng như những tia nháng lạ lùng của một trí tuệ cực kỳ sinh động, khiến người nghe có dịp đi xa thêm nữa trong suy nghĩ của mình. Thường giữa chúng tôi với nhau, Thanh Tâm Tuyền có một cách thức nói chuyện khá độc đáo là từ ý tưởng này nhảy sang ngay ý tưởng khác, thường rất xa cách nhau mà không cần lần lượt đi qua những ý tưởng chuyển tiếp trung gian, khiến người nghe có khi cũng ngớ ra và phải cất công chớp nhoáng dò ngược lại trong đầu mình đường dây tư tưởng của anh. Có lẽ cấu trúc thơ văn của Thanh Tâm Tuyền cũng theo một tiến trình tương tự. Ngay từ những năm mới 20, 21 tuổi, anh đã là một khuôn mặt quan trọng hàng đầu trong sinh họat văn chương miền Nam dù rằng anh là một tác giả gây ra nhiều dị nghị và dị ứng nhất. Mãi cho đến bây giờ, sau những gần năm thập niên rồi, hình như người ta vẫn chưa thật sự công bằng với anh. Cảm thức thưởng ngoạn của quần chúng văn chương Việt Nam quả neo buộc quá chặt, quá lâu vào cội đa già bảo thủ. Thời gian sau này, ra khỏi nước, anh ẩn mình ở một bang miền Bắc hẻo lánh, không công bố thêm sáng tác nào nữa, và như vậy, vô tình anh đã tạo ra một khoảng trống không nhỏ trong sinh hoạt văn chương hải ngoại hiện thời. Những khi gặp nhau, thường tôi có hỏi thăm chuyện viết lách của anh, nhưng hoặc anh lảng tránh trả lời, hoặc trả lời không rõ ràng, lúc vầy lúc khác, dù rằng anh vẫn như hồi nào, hào hứng đam mê nói bàn về tư tưởng chữ nghĩa kim cổ Ðông Tây. Thôi thì văn chương cũng là thứ hữu mệnh, tôi chỉ biết ngậm ngùi và cũng như hồi nào, tôi chẳng nói thêm với anh một lời thúc đẩy, vặn vẹo nào cả.
[Bài này còn đăng trên talawas. NQT]
Có thể, nhận xét trên đây của ông, khiến thiên hạ 'phăng' ra, và cho rằng, Thanh Tâm Tuyền suốt đời bị hiểu lầm, đối xử bất công:
"Mãi cho đến bây giờ, sau những gần năm thập niên rồi, hình như người ta vẫn chưa thật sự công bằng với anh".
Gấu tôi tin rằng, không phải hiểu lầm, mà là không hiểu, đúng hơn. Phản ứng trước thơ tự do, đi kèm luôn, phản ứng với nhà thơ mở ra dòng thơ tự do, có thể như vậy.
Một tác giả gây nhiều dị nghị, và dị ứng nhất. TTY
*
Chúng ta còn nhớ, "Khi ra khỏi trại tù, trên đường về, điều đầu tiên tôi làm, là cúi gập mình viết ra những bài thơ lưu giữ trong trí nhớ suốt thời gian tù đầy."

Bếp Lửa cũng đã được viết như thế, ngay sau khi vào Nam, được viết một mạch, không kịp nhìn lại. Như muốn viết ra hết, để bắt đầu một cuộc đời mới, tại một miền đất mới.
Chúng, những câu văn của Bếp, thật sự phải nói, chính là những câu thơ.


*
Thơ Ở Đâu Xa

Cụ Chất có lần nhận xét, mày giống thằng Tâm nhiều lắm, nhưng có một điều khác hẳn, mày yếu đuối hơn nó nhiều. Tao còn nhớ, hồi còn ở Hà Nội, những lần chủ nợ đến tận nhà réo, nó vẫn đọc sách tỉnh bơ.
Từ cái điểm yếu đuối đó, cụ phán, mày sau này sẽ y hệt như ông X. nhà này.
Khi nghe Cụ phán, Gấu buồn cười quá.
Nhưng sau, quả đúng như vậy!

Ông X. Gấu chưa từng gặp. Khi Gấu đến nhà lần đầu, ông đã rời nhà, từ khi nào Gấu chẳng bao giờ hỏi, kể cả Cụ, kể cả bạn Chất. Chỉ có mỗi một lần, thấy tên bạn, là PDC, thay vì DC, hỏi, bạn cho biết, tớ đi học, mất giấy khai sinh, phải làm lại, lấy họ theo ông X.

Ông X. còn là bạn của ông Nguyễn Hoạt, Hiếu Chân, anh rể Gấu. Ông X. là người sau này Cụ chắp nối, lấy nơi nương tựa, để lo cho hai ông con. Bạn đồng chí của ông anh Hiếu Chân, cũng dân QĐD, có thời làm tỉnh trưởng, hay phó tỉnh trưởng gì đó.
Y hệt ông anh rể của Gấu, ông  X. cũng dính với Cô Ba.
Bữa đó, hình như là sau vụ ly dị ở toà về, Cụ nói, ông ta khai với tòa, là, ông ta buồn gia đình, nên vướng vào Cô Ba. Tao giận quá. Tao đâu có đối xử độc địa gì với ông ấy....
Ông Chính trong Bếp Lửa, là từ ông X.
Nhân đó, Cụ kể là, lần đó, nhà khổ lắm, tao bị nợ làm dữ. Ông ta không hề hỏi han một tiếng. Bữa đó, tao vô tình mở ngăn kéo riêng của ông ta, thấy một xấp tiền. Tao giận điên lên.

Những lần nói chuyện như thế, thường là về đêm, ông anh nhà thơ cùng mấy người bạn có thói quen tối tối, đến hẹn lại lên, thường là kéo nhau đi phòng trà, thú vui độc nhất vào thời gian đó. Khuya cứ thế theo cầu thang bên ngoài, lừng lững lên sân thượng, mở cửa phòng, ít khi xuống dưới nhà.
Bữa đó, chắc là ông anh có nghe. Bữa sau, Cụ kể lại, nó biểu tao, mẹ không hiểu gì về đàn ông. Người đàn ông có những đam mê mà người đàn bà không thể nào hiểu được. Không phải ông X. có tiền, để đó, không đưa cho mẹ, mà nói là ông ta ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân ông ta.
Bất cứ một người đàn ông nào cũng có một cuộc đời riêng, ở bên ngoài cuộc đời với gia đình. Họ yêu cuộc đời riêng đó, tuy phụ mà là chính, và yêu cuộc đời với gia đình vợ con, tuy chính nhưng mà là... phụ.

Trong Bếp Lửa, cái đoạn ông Chính và Tâm đụng độ, chắc là đã từng xẩy ra ở ngoài đời.

Khi anh Tâm và Chất cùng ở tù VC về, Gấu sang thăm. Không gặp. Gặp Cụ. Cụ nói, tao biểu với hai anh em nó, về được cả hai đứa như vậy, là nhờ Trời, Phật. Thằng Tâm nó mới nói, bây giờ, con chỉ còn có một cuộc đời, là của gia đình, của mọi người.
Phải đến giờ đó, ông anh mới từ bỏ được cái cuộc đời, riêng, mà bất cứ một người đàn ông nào cũng có!
Cái "cõi riêng" của những anh chàng như là Kiệt.
*
Thùy ngồi ngả trong ghế. Ở đi văng xa, Kiệt đang xỏ giầy. Nàng nhếch mép khinh bạc. Kiệt trừng trừng, hung hãn, xong cúi buộc giây giầy. Ngửng lên hắn lại nhìn nàng. Nàng giữ nguyên vẻ mặt thách thức. Hắn thở phì, nhắm mắt rồi bỗng cười. Nụ cười lặng lẽ, mở rộng, lay động khuôn mặt ngẩn ngơ.
Phút ấy Thùy tỉnh ngộ dưới mắt Kiệt nàng không là gì. Hắn cười trong cõi riêng. Từ bao giờ hắn vẫn sống trong cõi riêng, với nàng bên cạnh. Phát giác đột ngột làm nàng tủi hận nhưng giúp nàng cứng cỏi thêm trong thái độ lựa chọn. Hắn coi thường nàng trong bao lâu nay nàng không hay và hắn phải chịu sự khinh miệt rẻ rúng của nàng từ nay.
Một chủ nhật khác
*
Lưu Đầy Xứ Bắc
Volkov. Bây giờ nói về cuộc lưu đầy của bạn tới vùng Bắc Nga.
Brodsky. OK. Đó không hẳn xứ Bắc Nga thường được nói tới, trong văn chương, nghệ thuật. Đám Nga có văn hóa tự hào về nó lắm. Tuy nhiên, vẫn thứ Bắc Nga khốn nạn đó! [It was the real thing].
-Làm sao cuối cùng bạn tới đó. Những gì đã xẩy ra sau vụ án?
Sau tòa án, họ đưa tôi trở về đồn công an. Và từ đồn công an, tới Crosses. Từ Crosses, tôi du lịch bằng xe ngựa, từ Vologda tới Arkhangelsk. Tới đó, họ tống tôi lên xe lửa. Đi đâu, tôi chẳng có một ý nghĩ gì hết. Chẳng ai trên xe lửa biết tụi nó tống đi đâu.
-Cả một băng của bạn?
Đúng thế. Cả một băng. Đủ thứ người. Đa số là hình sự. Có thể nói, tôi chưa hề gặp những con người được gọi là có học, có trí thức, ở đó; tuy nhiên có một tay, phải nói là đã trải qua đủ thứ địa ngục ở trên cõi đời này. Cùng một toa với tôi.
Như vậy là bạn đi xe lửa của nhân dân, dành cho nhân dân?
Xì, làm gì có chuyện đó. Chúng tôi đi xe lửa "Stolypin", một thứ xe lửa dành cho tù nhân, được gọi là "wagonzak" Có hai kiểu, trước và sau đổi mới. Chúng tôi vớ được thứ "Stolypin" thật là xa xưa. Cửa sổ đóng những thanh gỗ ngang, kín mít. Mỗi toa đúng ra chỉ chứa bốn tù nhân, nhưng bốn thành mười sáu. Cá hộp. Người nọ chồng lên người kia.
-Làm sao mà sống được ở trong đó?
Đúng là một thứ địa ngục di động. Một cái gì đi thẳng từ Dostoievsky, từ Dante ra. Họ cũng đếch thèm lâu lâu cho bạn ra bên ngoài để thở một tí.
*
Gấu, thằng bé Bắc Kỳ di cư ngày nào, bỏ chạy đất Bắc, bỏ chạy Hà Nội, vẫn đinh ninh, chỉ là một cú trốn nhà đi hoang, hai năm sau sẽ bị tóm cổ bắt về. Ngay cả ông Mai Thảo, có lần ngồi Quán Chùa, cũng phán như thế, "Thì mình nghĩ hai năm sau tổng tuyển cử, Miền Nam thuộc về Miền Bắc", tránh sao khỏi.
Gấu vô Sài Gòn trước. Xuống tầu,  thay vì về trại di cư ở Phú Thọ, Gấu tới nhà bà chị, Chị Giậu, vợ ông Hiếu Chân, ở chợ Vườn Chuối. Hết hạn 300 ngày, Hải Phòng biếu cho ông VC, ông anh Hiếu Chân, bà mẹ Gấu và thằng em cùng vô Nam. Có thêm Cô Lan, vợ bé ông anh nữa. Cô này ở được ít lâu, chịu không nổi bà chị Gấu, bèn được ông anh mướn cho một căn nhà, ở đâu đó. Cô lúc đó có bầu, sau sinh cho ông anh một cô con gái.
Gấu đi học, trường Văn Lang, tại một con hẻm đường Ngô Tùng Châu,
gần nhà thờ Huyện Sĩ, khu Ngã Sáu Sài Gòn. Bà mẹ quang gánh bán quà rong, nào bánh cuốn, nào bún riêu, nào bún thang. Không nuôi nổi ba mẹ con. Cuối cùng bà xin chân giữ em, nấu cơm, coi nhà, cho một người quen, làm cô-sin, như bây giờ thường gọi. Thằng em được ông anh đưa tới nhà người bà con, ông cử Ngô Thúc Địch, lo chuyện điếu đóm hầu hạ Cụ Cử, bù lại có cơm ăn, còn được Cụ cho đi học. Sau, nhờ ông bà chủ tốt bụng, bà mẹ Gấu xin cho thằng em Gấu về ở chung, vẫn được tiếp tục học. Đến lúc Gấu đi làm, ba mẹ con mới tụ lại chung một nhà. Thoạt đầu còn ở thuê, sau mua, cũng con hẻm Nguyễn Huỳnh Đức, phiá sau Hội Đồng Xã Phú Nhuận.

Hồi còn ở chợ Vườn Chuối, Gấu, sáng, trước khi đi học, xách hai thùng nước cho bà chị, lúc này có sạp bún chả nơi chợ Vườn Chuối. Khi Chả Cá Thăng Long, của gia đình Thạch Lam, khai trương, Gấu được ông anh Hiếu Chân nhận cho một chân bồi bàn. Đậu Trung Học Đệ Nhất Cấp. Bà cô ở bên Tây, nghe tin, mừng quá, bèn gửi tiền hàng tháng, đủ đóng tiền học, nhờ vậy Gấu được học tiếp. Đậu Tú Tài I. Đ
ược vô trường công. Đệ Nhất, B.8, Chu Văn An. Quen bạn Chất. Lúc đó, trường tư chưa có Đệ Nhất.

Sự thực bạn Chất là dân Hồ Ngọc Cẩn. Rớt Tú Tài 1 một năm, ra trường tư, năm sau đậu, vô CVA, nhờ vậy mà Gấu quen.
Trong Thất Hiền, hai bạn Sủng, Luận, cùng học Hồ Ngọc Cẩn với Chất, đậu Tú Tài năm bạn Chất rớt, lên Đại Học trước Gấu một năm. Sủng sau dậy Trường Sơn, đồng nghiệp với anh Tâm. Bạn Chất rớt Tú Tài 2 một năm, ra Trường Sơn học. Nhờ vậy quen em HGT. Trong đời Gấu đã từng được chiêm ngưỡng khá nhiều người đẹp. Em này nhất. Câu thơ của nhà thơ VC, "Đường Trường Sơn ào ào lá đỏ", có thể sửa thành:
"Trường Trường Sơn ào ào Tuyết đổ!"
Đây là một trong những mối tình nhớn của bạn ta!
Cẩn cũng dân Hồ Ngọc Cẩn, bỏ học đi làm trước nhất, trong đám bạn. Sau tới Gấu.
*
Anh tha hồ mà viết, chị Nga nói. Nhờ mấy cô đó chê anh Chất, mà tui mới có hạnh phúc làm bạn đời thủ lãnh Thất Hiền!

*
Hồi còn ở Hà Nội, Gấu được bà cô nuôi. Bà có một bà bạn. Cũng me Tây. Bà này có tới hai ông chồng Tây. Tháng, bà chia ra làm hai, nửa tháng phục vụ ông này, nửa tháng phục vụ ông kia. Gấu không hiểu hai ông này có biết nhau, và biết chuyện cưa đôi người tình không. Hồi đó đâu dám hỏi.
Sau này, đọc Ngàn Lẻ Một Đêm, Gấu thấy có trường hợp tương tự. Hai anh, đều làm nghề ăn trộm, một ca đêm, một ca ngày. Đều có vợ, nhưng không ngờ hai bà vợ chỉ là một. Bữa tình cờ, cả hai cùng thực hiện một chuyến làm ăn xa, mỗi ông được bà vợ cho nửa con gà. Tình cờ sao trọ chung một nơi, chung nhau một phòng, lúc ăn chung, giở gà ra, ráp thành một, lúc đó mới té ngửa, bèn ra cuộc thi, thằng nào thắng, từ nay chơi cả con gà, và, tất nhiên, cả bà vợ!
Trở lại chuyện bà cô và bà bạn. Hiệp định Genève, hai bà đều theo chồng về Tây. Vô Nam, đậu Trung Học, có tiền bà cô cho, Gấu ra riêng, trọ học bên Thủ Thiêm, nhờ vậy quen bạn Hàm. Mỗi lần có thư của bà cô, Gấu đem tới nhà bà con của bà bạn bà cô. Nơi đây cũng đã nhận thư từ bên Tây, và cứ theo đó phát tiền. Gia đình này ở đường Phan Thanh Giản, gần cư xá Đô Thành, bệnh viện Bình Dân. Cuối năm, Gấu đậu Tú Tài 1, không hiểu hai bà bàn với nhau thế nào, Gấu nhận được thư cho biết, sẽ phát cho Gấu một căn nhà và một cô vợ, là một trong những cô gái thuộc gia đình tháng tháng phát tiền. Gấu sợ quá, lắc đầu. Không hiểu cái sự lắc đầu của Gấu, gia đình cô gái có nhìn thấy hay là không, nhưng họ cũng lắc đầu. Bà cô hình như giận, từ đó không cho tiền nữa. Vả chăng, bà biết Gấu đã có thể tự xoay sở, bằng nghề kèm trẻ.
Đó là thời gian Gấu kèm mấy đứa con ông chú ở khu Tân Định.
*

Cái sự Gấu này quen biết bạn Chất, năm học Đệ Nhất Chu Văn, được bạn đưa về nhà, được biết Cụ Chất, và anh Tâm, sau này, khi nhìn lại, sau khi đã đọc đủ thứ hầm bà làng trên đời, đã sống, đã, đã....  vân vân và vân vân..., và, vào lúc về già, ở nơi xứ người, Gấu nhận ra rằng, nó có dấu vết của một sự sắp xếp "từ phía bên trên", của một thứ số mệnh.
Và nếu như thế, thì nhà thơ quả là 'sư phụ' của Gấu, theo nghĩa của Steiner, trong Những Bài Học Của Những Vị Thầy: Dậy dỗ thứ thiệt là một dẫn dụ mở đường vào cõi siêu việt.
Nếu không, tại làm sao đúng vào lúc ông chủ nhà in Nguyễn Đình Vượng thẩy đống sách chẳng ai thèm mua, là những cuốn Bếp Lửa, xuống hè đường Sài Gòn, đúng lúc đó, thằng Gấu, xu không dính túi, chợt đi tới, bèn cúi xuống nhặt lên một cuốn, và đọc... cọp?

Nói một cách khác, đọc là một mặc khải.
Trong những lần 'mặc khải' như thế có: Lần khám phá ra cuốn Gián điệp từ miền lạnh của Le Carré, ở tiệm Xuân Thu, đường Tự Do, Mrs Dalloway của Virgina Woolf ở một tiệm sách ở đường Lê Lợi, Sài Gòn.
Và Steiner ở một thư viện Toronto.
Sau này, cứ tấm tắc mãi với một ông bạn văn, về cái vụ tình cờ vớ được Steiner đó, ông ta biểu, tao đọc Steiner từ năm 1960, tại Sài Gòn, vậy mà chẳng mặc khải gì được hết. Do đó, tao suy ra rằng, muốn mặc khải thì mày cũng phải có tí cơ duyên với ông ta, mí được!
Ông bạn này, cũng là một hiện tượng quái dị trong văn học Việt Nam. Đọc khủng khiếp, nhưng chẳng bao giờ viết. Có viết tí ti, nhưng cũng ba thứ làm xàm. Ông biểu, tao không dám viết, vì sợ nếu những gì mình viết ra, là lầm, thì mang họa lớn cho nhiều người!
Ông ta thành thực tin như vậy. Gấu cũng thành thực tin ông ta, như vậy!
Tuy nhiên, đây cũng là điều Steiner đã từng nói: Phải có can đảm của những lẩm lẫn lớn!
*
Trong Lời Dẫn Nhập cho cuốn Những bài học của những vị Thầy, Steiner viết, đơn giản hóa vấn đề, có ba 'scenarios", kịch bản, hay ba "structures", cấu trúc, chính, của liên hệ thầy trò.
Thầy huỷ diệt trò, cả về tâm lý, và trong những trường hợp 'hiếm hoi', lẫn vật lý [thể xác]. Thầy bẻ gẫy tinh thần, thiêu huỷ hy vọng, khai thác sự tuỳ thuộc và tính cách cá nhân của trò. Cái miền của linh hồn có con ma cà rồng hút máu của nó: The domain of the soul has its vampires.
Mặt khác, trò, đệ tử, tà lọt, điếu đóm, học việc... âm mưu lật đổ, phản bội, và huỷ diệt [ruin] Thầy, Sư Phụ, Đại Ca... của họ. Lại một nữa, ở đây, tấn bi kịch thầy trò đẻ ra những dây mơ rễ má, cả về tinh thần lẫn vật chất.

Nhưng cái cấu trúc, kịch bản thứ ba này, mới ớn ơi là ớn, và rất dễ mang tiếng là mất đạo đức. Đó là sự trao đổi "thầy mất của kia, trò chìa của nọ": an exchange, of an eros of reciprocal trust and, indeed, love. Trong cái sự thầy cho con cái này, con cho thầy cái kia đó, thầy học trò, như, thầy dậy trò.
*
Đặng Tiến cho rằng, Thanh Tâm Tuyền không có người kế nghiệp. Một thứ Độc Cô Cầu Bại, về mặt Thầy, và còn là một thứ Độc Cô Cầu... Trò.
Theo tôi, có những TTT "khác". Dương Nghiễm Mậu, và Nguyễn Đình Toàn là những TTT khác. Những ấn bản, khác, của một TTT.
Với riêng Gấu, có thể coi truyện ngắn đầu tay Những Con Dã Tràng, là từ TTT mà ra.

Nói, DNM và NĐT là đệ tử của TTT, là không được. Nhưng bảo, họ là những TTT khác, thì chẳng thể nào... không được. Không có TTT  là không có hai ông này, nhưng hai ông này không thể nào là đệ tử của TTT. Có muốn cũng không được. ĐT nói, TTT không có truyền nhân, một phần nào, là theo nghĩa này. Họ không thể nào hiểu được, chính ông thầy của họ, nếu đó là ông thầy của họ!
Hay nói theo Steiner, không có cái vụ "thầy mất của kia, trò chìa của nọ", giữa TTT và hai ông đó.
Và đây là sự thiệt thòi cho hai ông, và cho văn chương Miền Nam trước 1975.

Để minh họa cho đoạn trên, ta có thể lấy chưởng Kim Dung, đoạn nhà sư Giác Viễn, trước khi tịch, lảm nhảm đọc Cửu Dương Thần Công. Do chép ở bên lề một cuốn kinh, nên trộn vào đó, là những câu kinh, cậu kệ, Phật Pháp rong ruổi với Võ Công, nào đâu lý thuyết, nào đâu thực hành là như vậy. Thế là mấy cu cậu nghe lỏm, mỗi người hiểu một cách, sau đẻ ra mấy môn phái võ công, nào Nga Mi, nào Võ Đang.

Cứ tạm coi Thanh Tâm Tuyền là... nhà sư giữ Tàng Kinh Các, Giác Viễn. [Không biết ông đã từng... xuống tóc? Gấu này tội lỗi đầy mình, đã từng núp bóng cửa Phật, và được ban cho... nickname là Thích Nguyên Vũ!]. Ông giảng lý thuyết văn chương, triết học, mang mùi Tây Phương. Mùi thơ nữa. Nhất là mùi thơ. Mấy ông kia, do chẳng đọc được Tây Phương, do chẳng thể làm thơ, bèn, mỗi người hiểu một cách, về luyện võ công, thành hai môn phái, một dương, một âm, sau bị Quỉ Đỏ liếm sạch!
*
Còn vụ này nữa. Cả ba ông đều Bắc Kỳ di cư. Những tác phẩm đầu tay của TTT, là viết về một xứ Bắc Kỳ, khác, mà những ông Bắc Kỳ di cư kia, không cảm ra được.
Họ không lìa bỏ xứ Bắc Kỳ, trong cái tâm trạng của TTT, khi lìa bỏ nó.
*
Nhìn từ quan điểm đó, chúng ta không thể nào coi Nguyễn Đình Toàn và Dương Nghiễm Mậu là những nhà văn tiểu thuyết mới. Nhân vật của Dương Nghiễm Mậu là những con người có một ý thức sáng suốt đến chua xót về sự cô đơn, bất lực của mình trong một xã hội đang manh nha tan rã, cuối cùng lao vào những hành động "phá phách, nổi loạn", cố tìm một thái độ đạo đức bằng những hành xử vượt ra ngoài quan niệm đạo đức thông thường. Thế giới, khung cảnh truyện của ông "khô, đầy bụi", đầy "tóc rối", trong khi ở Nguyễn Đình Toàn, là một khí hậu ẩm, ướt, với những nhân vật hầu hết là nữ. Truyện của hai tác giả giống như hai mùa mưa nắng ở Miền Nam, trong khi chờ đợi cơn bão tố chiến tranh xóa sạch tất cả.
Tiểu thuyết mới ở Việt  Nam
*
Nói một cách khác, không có vụ di cư, không có tờ Sáng Tạo, không có Dương Nghiễm Mậu. Rượu Chưa Đủ "chưa đủ", nó cần một, hay nhiều hình ảnh khác nữa để tự khẳng định, để hoàn tất: chúng bổ túc cho nhau, những đứa con tư sinh của một miền đất. Nói rõ hơn, Dương Nghiễm Mậu là một "dị bản", của một Thanh Tâm Tuyền quá trí thức, quá Tây-phương, quá say mê Malraux...
Một Thanh Tâm Tuyền "khác", khô, cứng, thật chững chạc, nhưng cũng thật cảm động...
Nguyễn Đình Toàn, lại một Thanh Tâm Tuyền khác nữa, một bên là mặt trời, một bên là bóng đêm, chúng bổ túc cho nhau. Dẫn chứng quá nhiều: Chị Em Hải (Nguyễn Đình Toàn) là một dị bản của kịch Ba Chị Em (Thanh Tâm Tuyền). Đêm Lãng Quên, truyện ngắn được Võ Phiến tuyển chọn ở hải ngoại, khi viết về những tác giả Miền Nam, thoát thai từ một truyện ngắn của Thanh Tâm Tuyền, tôi không còn nhớ tên, viết về ông già gác dan, (gác ga-ra?) cho cặp nhân tình tạm trú, cuối cùng bị gã con trai nện cho sặc máu mũi, gục xuống một đống... Trước khi bỏ đi, gã thét cô bồ: lột cái xú-chiêng ra, ném lên mặt khứa lão! Mùi vị đàn bà, cuộc tình hối hả... làm ông lão tỉnh dậy, thấy mình đang ở Thiên Đàng, hay phía bên kia Địa Ngục (Chiến Tranh)... Hãy so sánh với Đêm Lãng Quên, về một già muốn làm con ong hút nhị từ cô gái.... Chất hung bạo trong thơ Thanh Tâm Tuyền tràn lan ra văn. Ở Nguyễn Đình Toàn, lại là sự tắt nghẹn, hết hơi, của những bóng dáng đàn bà, không còn đủ hơi sức, để kéo lê, thân xác của chính họ: Cái Chết, Cái Sống đều thoi thóp như nhau. Bóng dáng của Thần Chết, của Chiến Tranh lảng vảng ở trước, hoặc sau đời sống: nó vắng mặt, như một từ chối quyết liệt, bởi những con người đứng bên lề...
Dương Nghiễm Mậu: Thật chững chạc...