“Ngôn ngữ duy nhất của tôi là tiếng Việt cho đến năm 12 tuổi. Khi sang Mỹ, đời sống trong ngôn ngữ tiếng Việt bị gián đọan trong nhiều mặt của đời sống. Thay vào đó là tiếng Mỹ, một thứ tiếng tôi phải học trong tương quan bị định vị là người ngọai quốc, thua kém người bản xứ trong kết hợp chặt chẽ giữa tiếng Mỹ và một văn hóa chuyên chở trật tự hàng dọc giữa da trắng và da màu. Tôi đã phải cố học thật nhanh để chạy thoát thân thế, và dấu đi cái tiếng Việt như một ký hiệu chỉ cái nghèo, cái kém văn minh, cái không trắng. Từ từ, tôi phản ứng lại áp lực đồng hóa trong định vị của tiếng Mỹ bằng cách tìm đọc một số sách tiếng Việt lúc đó đã được một cộng đồng tiếng Việt đang hình thành tại Mỹ in ấn. Tiếng Việt biến thành cái bóng bám theo tiếng Mỹ trong cương vị vừa là ngôn ngữ nội tâm vừa là ngôn ngữ công cộng.”
.. ..
“Khi tôi bắt đầu viết truyện, cái thứ tiếng bị dấu vào bóng tối lại là thứ tiếng bung ra đòi nhìn nhận, trong hình hài bị gián đọan, mảnh còn mảnh mất phải được lấp đầy bằng một tưởng tượng về ngôn ngữ mẹ đẻ. Viết bằng tiếng Việt vừa cho phép tôi bỏ chạy ra khỏi chỗ bị định vị trong tiếng Mỹ, vừa là cách tôi chống lại địa vị độc tôn của tiếng Mỹ trong xã hội đang sống và địa vị độc tôn của tiếng Anh trong thế giới toàn cầu. Tôi tưởng tượng rằng đây là phản ứng nhỏ nhoi trước trật tự to lớn vận hành trên số mệnh cá nhân.”

Trích Nguyễn Hương trả lời “bàn tròn văn xuôi” của litviet (Phan Nhiên Hạo)

----

“Là một người viết tị nạn - chứ không phải là một sinh viên du học trước 1975 - tôi hoàn toàn không có sự lựa chọn về nơi mà tôi đã lớn lên và hấp thụ một sinh ngữ, văn hoá khác. Tôi chỉ là một nữ sinh 13 tuổi khi Saigon mất. Học hỏi, duy trì tiếng Việt và văn chương Việt ở một xứ sở hoàn toàn xa lạ, như ông biết, là một đam mê vô vị lợi. Có lẽ sự đam mê này cũng xuất phát từ tâm trạng bất an ("không chính thức", illegitimate) của một người bị giằng co giữa hai, hay nhiều ảnh hưởng văn hóa.

”Trích thư điện tử của Đinh Từ Bích Thuý gửi nhà văn Nguyễn Quốc Trụ (tin văn)

Câu trả lời của DTBT, đúng ra là để giải thích: "Tôi là người viết tị nạn, không phải sinh viên du học trước 1975".

GCC lầm DTBT là du học sinh Miền Nam trước 1975.

GCC viết:
Sở dĩ đám tinh anh Miền Nam, được đi du học, không tên nào ra hồn, là vì chẳng tên nào rành tiếng Mít, và chính điều này, ảnh hưởng đến khả năng chinh phục tiếng nước người, và thành người, nghĩa là hội nhập nơi quê người, và nếu có dịp trở về quê hương, trở thành Mít thực thụ.
DTBT nói, tôi không phải thứ đó.

Rusddie chẳng từng phán, chinh phục tiếng Anh, là hoàn tất tiến trình giải phóng của chúng ta. Ông ta sinh ở nước ngoài.

Và nếu như thế, thì với 1 người Việt ra đi từ Miền Nam, “nếu muốn hoàn tất...” cái con mẹ gì đó, thì điều kiện tiên quyết, là phải rành…  tiếng Việt.
Đám sinh viên Miền Nam, trước 1975, chúng cố học ngoại ngữ, để chuồn, thành thử không có 1 tên nào thực sự mê tiếng Mít.
Đó là cái chết của chúng.

Theo tôi, dịch là cướp. Nếu không cướp được thì ăn cắp, như trường hợp một ông trạng đi xứ nhét hột ngô Tầu vào bìu khi qua ải Nam Quan, đem về Việt Nam làm giống.
Vào cái thời chủ nghĩa thực dân đang cực thịnh, chuyện học tiếng Tây tiếng U chỉ là để "tồn tại", theo nghĩa của câu "bây giờ ông đổi lông ra sắt, cách kiếm ăn đời có nhọn không?" Nhìn rộng ra, cả một nền văn chương dịch thuật, hoặc "bảnh" hơn, viết văn bằng tiếng Tây tiếng U, trước đây, đều qui vào chuyện "cách kiếm ăn đời có nhọn không". Thời Tây thuộc còn khá, vì còn có những bậc tiền bối dám mầy mò tới cõi văn Tây. Thời Mỹ thuộc thì thật quá tệ. Nhưng đây là do quan thầy chứ không phải do đầy tớ: Người Mẽo chỉ muốn có những thằng đầy tớ biết nghe răm rắp lời của chủ: tao là thằng chi tiền! Tây thì còn muốn "làm bạn" với một tên cô lô nhần nào sáng sủa một chút.
Ngay cả những bậc tiền bối viết văn bằng tiếng Tây đúng mẹo văn phạm hơn cả Phú Lãng Sa, dưới mắt một độc giả mẫu quốc, những tác phẩm như "Cổ tích về những miền đất thanh thản" [tạm dịch cái tựa "Légendes des terres sereines"  của nhà văn Phạm Duy Khiêm] cũng chỉ được coi như là một thứ hương xa cỏ lạ.
Hiện hữu có trước yếu tính. Tồn tại trước đã, kỳ dư là văn chương (tout le reste est littérature), như người Tây nói. Thành thử công đầu lại vẫn ở những bậc tiền bối như Trương Vĩnh Ký, hay những thầy thông, vào cái thời chữ Nho mới là chữ của nước. Vả chăng, quyền uy của chủ nghĩa thực dân lúc đó ghê gớm quá, dễ gì mà làm một thằng ăn cướp!
Phải đợi đến những nhà văn di dân thời kỳ hậu thuộc địa, người ta mới hiểu được, chuyện viết văn bằng tiếng nước ngoài, không phải là mất gốc, mà là ngược lại: nói rõ hơn, muốn không mất gốc, là phải viết văn bằng tiếng nước ngoài! Theo nghĩa đó, Kazuo Ishiguro, nhà văn gốc Nhật viết văn bằng tiếng Anh, tác giả Tàn Ngày (The remains of the day), được coi là "một người Anh hơn cả người Anh", un Anglais plus british que les autres, theo Sean James Rose, tác giả một bài viết trên tờ báo Pháp, Đọc (Lire), số tháng Chín 2001.
Salman Rushdie, một trong những đứa con của giờ Tý thì cho rằng, muốn giải phóng ra khỏi giấc mơ (muội) vong thân trong ngôn ngữ là phải viết văn bằng tiếng Anh. Trong bài viết "Quê hương tưởng tượng", ông viết: Chinh phục tiếng Anh có lẽ là hoàn tất tiến trình giải phóng của chúng ta.
Vả chăng, vẫn theo ông, những nhà văn Anh gốc Ấn khó mà từ bỏ tiếng Anh. Con cái của họ lại càng khó hơn nữa, vì đây là ngôn ngữ thứ nhất của chúng. Phải chấp nhận, đối với tất cả và chống với tất cả. Theo từ nguyên học, "dịch", traduire, là từ tiếng La tinh "traducere", "mener au de-là", dẫn (đi) đằng đó. Bị đá văng ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn, chúng ta đều là những con người "bị dịch" (nous sommes des hommes "traduits"). Cho dù ‘dịch là chết ở trong hồn một tí’, ông vẫn khăng khăng với ý nghĩ, rằng có một chút chiến lợi phẩm, mỗi khi đi ăn hàng!
Chuyện cũng chẳng mới mẻ gì. Cổ đại La tinh đã coi dịch là cướp, giống như mấy trò chém giết (đàn ông), hãm hiếp (đàn bà), cướp bóc vàng bạc của cải, đất đai.
Nói ngắn gọn, đây chính là sự thành lập đế quốc.
Thành thử hủy diệt ngôn ngữ một đất nước đã bị xâm lăng, là nhiệm vụ hàng đầu của kẻ thắng trận, là vậy.
talawas: ta là gì? Ta là thằng dịch thuật. Và dịch thuật với người Việt ở trong lẫn ở ngoài, là vấn đề sinh tử; nếu cần, hãy vờ đi chuyện sáng tác trong một thời gian; đổ công, đổ của, đổ sức vào việc dịch.
Nghĩa là cướp. Không cướp ngày thì cướp đêm. Thành thử những "nhà dịch thuật" chính là những tên biệt kích văn hóa, vậy.
NQT
[Bài viết cho diễn đàn talawas, khi mới xuất hiện trên net]


2015 Nobel prize in literature

Viết một lịch sử nhỏ từ một vô tưởng vĩ đại: Phỏng vấn nhà văn Svetlana Alexievich của Belarus 2015
« Ecrire la petite histoire d’une grande utopie »

Note: Theo GCC, utopie nên dịch là "hoang tưởng", hay "không tưởng", như thường vẫn được dịch.
Lịch sử nhỏ, dùng ở đây, cũng là ý của Prospero, khi coi nhà văn Nobel người Belarus, đem tiếng nói đến cho những người không có tiếng nói, giving voice to the voiceless.
“Không tưởng lớn”, là chủ nghĩa CS.
Người dịch không quen dùng tiếng Việt, theo GCC.
La petite histoire, mạo từ xác định, “la”, theo GCC, nên bỏ đi, khi dịch, vì nếu dịch là “một”, sẽ biến thành “une”, mất cái nghĩa “mạnh”, của nguyên tác tiếng Tây, LA petite histoire d’UNE grande utopie. Cái lịch sử nhỏ của một không tưởng lớn.
Dịch mà không rành, giỏi tiếng Mít, căng lắm!

Tiếng Mít không có dễ, và có thể quá khó, đối với những ai không yêu nó.
Sở dĩ đám tinh anh Miền Nam, được đi du học, không tên nào ra hồn, là vì chẳng tên nào rành tiếng Mít, và chính điều này, ảnh hưởng đến khả năng chinh phục tiếng nước người, và thành người, nghĩa là hội nhập nơi quê người, và nếu có dịp trở về quê hương, trở thành Mít thực thụ.


Thu Cam On
Thuy Dinh
To
quocoai_sontay@yahoo.com
Today at 1:05 PM

Kính chào nhà văn Nguyễn Quốc Trụ,

Chân thành cám ơn ông đã đề nghị sửa tựa bản dịch "Viết lịch sử nhỏ về một không tưởng lớn" bằng cách bỏ mạo từ xác định "la" cho câu văn dịch sang tiếng Việt được mạnh hơn. Ông chỉ rất đúng.
Cũng cám ơn ông đã góp ý trên Tin Văn cho bản dịch Lưu Hiểu Ba cách đây bốn năm. Tôi có nhớ mình đã sửa lại một vài chỗ vì cách dịch của ông đã làm câu văn gọn, và mạnh hơn.
Mong ông nhận lời cám ơn (có thể bị ông coi là hơi trễ). Là một người viết tị nạn - chứ không phải là một sinh viên du học trước 1975 - tôi hoàn toàn không có sự lựa chọn về nơi mà tôi đã lớn lên và hấp thụ một sinh ngữ, văn hoá khác. Tôi chỉ là một nữ sinh 13 tuổi khi Saigon mất. Học hỏi, duy trì tiếng Việt và văn chương Việt ở một xứ sở hoàn toàn xa lạ, như ông biết, là một đam mê vô vị lợi. Có lẽ sự đam mê này cũng xuất phát từ tâm trạng bất an ("không chính thức", illegitimate) của một người bị giằng co giữa hai, hay nhiều ảnh hưởng văn hóa. Dù sao thì cũng rất mong có được sự ủng hộ và khuyến khích từ những người đi trước, như ông. 
Tôi rất thích đọc những tài liệu của báo Văn, và những bài phê bình đăng trước 75 của ông, như bài viết về Nguyễn Xuân Hoàng và Thanh Tâm Tuyền. Những tài liệu đặc sắc này đã giúp tôi kiếm đọc lại những tác phẩm của các nhà văn này. (Hiện tôi đang đọc Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền và hy vọng sẽ có dịp chia sẻ với ông ở vị trí một người đọc tác phẩm khoảng 60 năm sau lần xuất bản đầu tiên).
Một lần nữa, cám ơn ông. Kính chúc ông mạnh khoẻ.
Trân trọng,

Đinh Từ Bích Thuý

Ui chao, nhận cái mail mà thực là xấu hổ vì cái tính cà chớn của GCC.

You’re welcome
NQT

V/v Đang đọc Bếp Lửa. Tuyệt quá. I'm looking forward to reading it

Tks
Best Regards
NQT

Đọc lại cái mail, tâm trạng bất an ("không chính thức", illegitimate) của một người bị giằng co giữa hai, hay nhiều văn hóa.
Tuyệt quá.
Xin rút lại cái ý “không rành tiếng Việt".
Chưa ai phán nổi 1 câu về sự bất an này, lạ thường như thế.
Kể cả những nhà văn di dân nổi tiếng của thế giới.
Tks
NQT

Nhớ ra rồi. Chắc là do đang đọc Bếp Lửa?
TTT đã từng dùng từ này, để nói về ông, đứa con tư sinh của 1 miền đất?
NQT

Xanh Melan

Tìm văn bản đáng tin cậy tác phẩm của Joseph Huỳnh Văn

Từ lâu tôi đã để ý sưu tầm các bài thơ của Joseph Huỳnh Văn và tìm đọc những thông tin về ông. Rất tiếc, tôi không sở hữu văn bản gốc nào đáng tin cậy mà chỉ là những bản điện tử hoặc bản scan do bạn bè gửi. Gần đây ở Việt Nam, Nxb Đà Nẵng có xuất bản tập Thơ hôm nay (2004), trong đó có một số bài của Joseph Huỳnh Văn (Joseph Huỳnh Văn được xếp vào "thơ hôm nay"? Rất hài hước!). Tuy nhiên, điều đáng nói là giữa văn bản này và các văn mà tôi sở hữu có đôi chỗ khác biệt, từ nhỏ tới đáng kể. Nói tóm lại, tôi luôn có cảm giác rằng những văn bản tôi sở hữu là rất không đáng tin cậy.

Tôi vào trang Việt báo, thấy bài của Nguyễn Quốc Trụ giới thiệu thơ Joseph Huỳnh Văn. Tại đây tôi được biết Tạp chí Văn số 2 & 3 năm 2004 có chuyên đề về Joseph Huỳnh Văn. Tôi search và tìm được các bản điện tử trên trang dactrung.net, dưới tên tác giả Joseph Huỳnh Văn, và tìm được tổng cộng 11 bài thơ, do một thành viên tên là Cát Nhu gửi, tất cả đều ghi nguồn: Tạp chí Văn số 2 & 3 năm 2004. Vậy, có thể tạm coi đây là nguồn đáng tin cậy nhất (ngoại trừ những lỗi đánh máy nếu có, xin chỉ giùm). 

Căn cứ vào các bản trên Tạp chí Văn, so với các bản mà tôi có, xin đặt ra một số nghi vấn như ở dưới đây (phần in đậm). Mong được Tạp chí Văn và ông Nguyễn Quốc Trụ, người từng có thời gian là đồng nghiệp của Joseph Huỳnh Văn, vui lòng giải đáp. Ngoài ra, còn chỗ nào chưa thoả đáng về văn bản mà các vị phát hiện ra, cũng xin chỉ giùm. Mong rằng với sự giúp đỡ của quý vị, chúng ta sẽ có một văn bản đáng tin cậy nhất của tác phẩm của Joseph Huỳnh Văn. Xin cảm ơn.
* 
Joseph Huỳnh Văn

Cầm dương xanh

Ôi khúc cầm dương sầu quí-phái
Đàn ai
ngăn ngắt trời tây-phương
Người lắng
mơ lên chiều
xanh vương...
Hồng tuôn thanh-thót suốt [1] đêm trường. 

Hồng tuôn. em trắng muốt dương tay [2]
Thôi đã nghìn xưa hương khói bay
Đàn im. tôi biết làm sao thấy
Đêm qua tôi chết quá ngất ngây
Đêm qua tôi chết quá không hay 

Đàn im, tôi biết làm sao thấy
Réo rắt. em tinh-khiết buông tay
Réo rắt. em trong suốt như mây 

Ôi khúc cầm xanh sầu quí-phái

Đàn ai. ngăn-ngắt trời tây-phương

Xanh đoá hồn tôi xanh lá lệ

Trong vườn tôi xanh đẫm tinh-sương.

 

Ôi khúc cầm xanh

sầu quí-phái.

Mưa trầm xanh cầm mộ ngát xanh

 

Cầm nguyệt xanh

Ai cầm [3] dưới nguyệt, ai như mây

Có hoa rất lệ ngát. hiên tây...

Ai xoã tóc xanh, ai đầm [4] áo

Nửa đêm ngất tạnh.

Cầm buông dây...

Ôi nửa đêm sầu

sầu ngất tạnh

sầu như cầm. nguyệt tàn về đâu...

 

Em hỡi! khi tay ngà rỏ máu

thì mộ lòng tôi cỏ xanh rồi

Cô [5] cho tôi đắm thuyền năm ấy

Về đầm đìa ngực mà ngất say

 

Một đêm. tôi uống hết sông đầy

Một đêm. tôi khóc hết thơ ngây

Không rượu tôi về trên bến vắng

Một đêm. tôi ngắm hết mùa trăng

 

Không rượu tôi về trên bến vắng

Suốt đêm nằm nuối tóc tơ [6] nàng

 

Hồ như

cầm dứt [7] dưới trăng tàn

Ai xé lòng như nguyệt thấm mênh mang...

 

 

Cầm hồ xanh trầm mình

 

Rất xanh, tóc mới chấm ngang vai

Âm u, chiều tới bên hồ đắm

Muôn trùng thăm thẳm em ngất xanh

Xanh mi. xanh mắt.

và xanh tóc...

 

Nàng ơi xanh đắm đuối thiên thanh.

Trong xanh ai đắm chiều tê tạnh

Chảy khắp giòng em rực ánh hồng

Nhương [8] sao trong buổi xuân xanh ấy

Xuống tóc. em trắng xoá theo mây

Theo mây....

rồi biết dạt phương nào

 

Lòng ta rồi sẩy bước nơi nao

Con trăng thơ dại chưa đầy tuổi

Đêm qua tự vẫn đáy sông hằng.

 

Ôi một chút chiều rất mong manh

Một chút chiều xao xuyến đáy thiên thanh. Cầm hồ...

 

(Cầu mong con trăng thơ dại kia xanh mai mãi [9]

trong đáy nước xanh)

 

 

Âm

 

Thây chiều phơi tím

ngát rừng thông

Hoàng hôn không cùng ngực tuyệt vọng

Máu người yêu rừng rực cánh đồng vàng

Đá rũ

lạnh trăng

hồn chưa tan

Khói sắc dáng kiếm

Núi bàng hoàng

Tóc sao rối hoang mang trời vĩnh quyết

Mắt đêm thời thiết tha

Lệ chia phôi

Lời ca gởi mong manh trong cổ

có ai về

đâm ngục yêu nhau

Mai mải

phải thấy chút chiều phai

trong máu người liệt sĩ

Sẽ gần nhau trong khôn xiết biệt ly

 

 

Yêu thầm kín trong vầng trăng sáng tạo

 

Trời hẹn mãi nghẹn ngào

Hương Cỏ

Gởi cho chiều hơi thở đất sâu

Yêu thầm kín trong lòng trăng viên xứ

Vầng thơ xây mộ đỏ

sau đồi

Ôi Đoá Hồng chưa trao

nơi ngực người lỡ khép.

 

Rừng hoa sao rụng màu

nao nao

máu nao nao giữa lòng chiều thao thức

môi ngàn sau

rạo rực cả trời sầu

Trầm lặng ngực trăng đau

Ven hoàng hôn. Mịt mù chôn tiếng sáo

 

Rừng hoa sao

tung cánh máu xôn xao

Dào dạt đỏ trong lòng trăng sáng tạo

Ôi vầng thơ không nguôi máu đêm thâu

lửa sâu thẳm màu hoa trắc ẩn

Cánh môi chiều lữ thứ. Phân vân...

Bóng đời sầu mênh mông

phủ trắng

 

Muôn Hoa Hồng cháy rực

Đoá hồng trăng

rào rạt nở khắp đồng khuya. Nồng lửa.

 

 

Trăng Cổ Thạch

 

Đêm bát ngát rạng đông

Bình minh xuống...

mịt mùng giòng Cổ Thạch

Khúc trăng tàn

Ngày ai hát điêu linh. Gương vỡ...

Bước hoàng hôn. Chân đá biếc chưa mờ

 

Nhớ đẹp đôi mắt sâu

để hồn sầu tăm tối

chưa thành lời chia phôi

sao môi đầy viễn xứ. Ven trời...

Một ngày hẹn xa nhau trên đường xưa

Lòng thạch xưa se sắt

Thương nhớ chút nắng chiều chưa khuất bên kia đời

 

Ôi lời thơ không nỡ gởi môi ai

chờ mãi lòng hoa nguôi bóng tối

Phố Vàng Phai

đắm đuối quên nhau

 

Đá xanh trăng thức lạnh khúc ca sầu

chập chờn ánh lửa

chìm môi sâu

nụ cười bỗng vì đâu

giữa buổi chiều đớn đau như lệ nuốt

 

Máu tuôn giòng Cổ Thạch

suốt Đêm Sau

 

[Lời thi sĩ:

Thạch: đá, trong thành ngữ đá vàng

Tên một thi sĩ đã khuất: Đỗ Đình Thạch

Đêm Sau: đêm sau "đem qua" [10] ("đêm qua" trong ca dao). Là đêm nào đó. Không biết. Đã qua rồi.

Đêm của đời sau. Kiếp sau].

 

 

Em đẹp như Cách Mạng

 

Vành khăn tang thắm đỏ giữa chiều vàng

Em đẹp như nát tan

Thuở bình minh, rạng rỡ xa nhau

 

Ôi vầng dương vầng sầu

Em đẹp như hoàng hôn đổ máu

Thầm giấu tên chúng ta

 

Như một chuyến đi xa

Người về dưới chân sao lặng lẽ

đẹp nghẹn ngào

tên của người trong trắng biết bao

Ôi vì sao ở cuối trời ly cách

 

Em đắm đuối

như chuỗi đời không gặp gỡ

đẹp bơ vơ

 

Như giấc mơ vội vàng tảng sáng

đẹp muộn màng

Ôi những người kiêu hãnh chẳng ngày mai

đẹp tàn phai

vì lòng hoài cách mạng

 

 

Trầm thúy

 

Chiều khép mắt xanh

trầm thúy nhớ

trầm cỏ xanh

rủ bóng mực huyền sơ [11]

 

Lòng sương phai Hoài khuất vết chân mờ [12]

Trăng ấp-ủ vừng mơ trong đáy mộ [13]

chiều đi mãi

Thương nắng vàng, nuối lại

chút hồng rơi bi-thiết cuối chân ngày

 

Chiều khép mắt xanh

trầm thúy nhớ

trầm ngàn mây

khép tím một giòng thơ

 

 

Những tóc hoài trên đồi

 

Áo chàm xưa vắng dấu sương mờ

Một ngày trót thương nhau không nắng

suối hiền mơ

Nuôi xanh mãi vầng trăng

mưa trầm lắng

kết tóc hoài trên đồi

chiều đạm bạc xa nhau không biết nói

nhớ người

dõi núi thuở tàn trăng

 

Tôi ngồi rất vắng bóng tôi

 

Tôi ngồi nhuộm máu sân liêu

vì em trầm tụng kinh chiều khóc tôi

tôi ngồi đắm đuối không thôi

vì em thắp nến chờ tôi hiện về

tôi ngồi đâu?

tỉnh hay mê?

Chao ôi, ai cột tóc thề trong mưa

tôi ngồi xế bóng thu xưa

vì em liều với nắng mưa theo người

 

Tôi ngồi, đợi tóc xanh tươi

sáng rất hiu hắt, ai?

cười hắt hiu...

tôi ngồi rất vắng bóng tôi

 

 

Vô đề 1

 

Trời xanh ngập ngừng như muốn nói

Ngàn năm ấp úng dáng mây trôi

Lòng tôi e có chi muốn hỏi

Muôn thu ngơ ngác đứng bên đời...

 

 

Vô đề 2

 

Máu đào ai thắm trên sông

Mà em giặt áo chờ mong người về

Chao tay trong ánh giăng thề

Có nghe hồn lụa nào nề huyết xương

 

*

 

Ngàn năm e vẫn còn vương

Trên sông trầm lắng chút hương máu nồng.

 

© 2006 talawas

 

 

--------------------------------------------------------------------------------

[1]"Hồng tuôn thanh-thót suốt đêm trường" hay "Hồng tuôn thánh thót tới đêm trường"?

[2]"Hồng tuôn. em trắng muốt dương tay" hay "Hồng tuôn. em trắng muốt tay dương"?

[3]"Ai cầm dưới nguyệt, ai như mây" hay "Ai đàn dưới nguyệt, ai như mây"?

[4]"Ai xoã tóc xanh, ai đầm áo" hay "Ai xoã tóc xanh, ai dầm áo"?

[5]"Cô cho tôi đắm thuyền năm ấy" hay "Có cho tôi đắm thuyền năm ấy" hay "Không cho tôi đắm thuyền năm ấy"?

[6]"Suốt đêm nằm nuối tóc tơ nàng" hay "Suốt đêm nằm nuối tơ tóc nàng"? Ngoài ra, xin có một lưu ý là không rõ khổ thơ này gồm 6 câu liền mạch hay được chia làm 2 khổ nhỏ, một khổ 4 câu và một khổ 2 câu?

[7]"Cầm dứt dưới trăng tàn" hay "Cầm đứt dưới trăng tàn"?

[8]"Nhương sao trong buổi xuân xanh ấy" hay "Nhưng sao trong buổi xuân xanh ấy"?

[9]"xanh mai mãi" hay "xanh mãi mãi"?

[10]Khó hiểu quá.

[11]"rủ bóng mực huyền sơ" hay "rũ bóng mực sơ xưa"?

[12]"Lòng sương phai Hoài khuất vết chân mờ" hay "Lòng sương phai hoài khuất vết chân mờ"? (Chữ "hoài" không viết hoa) Ngoài ra, còn có một phiên bản khác cho câu này là: "Hận mùa sau lòng sương cũ mịt mờ". Không biết câu nào đúng.

[13]"Trăng ấp ủ vừng mơ trong đáy mộ" hay "Trăng ấp ủ vừng mơ đáy mộ"? (Không có chữ "trong")