*






Nên chăng cần sửa lại ca từ tiếng Anh trong bài hát SEA Games 22?


Thời gian qua, rất nhiều ý kiến góp ý việc chuyển ngữ sang tiếng Anh ca khúc chính thức của SEA Games 22 "Vì một thế giới ngày mai!". Chúng tôi xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu để rộng đường dư luận.

Sau đây là lời bài hát tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh:

 Nhạc sĩ Quang Vinh và ca sĩ Linh Dung thể hiện.

 "Vì một thế giới ngày mai".

 Nhạc và lời: Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh

 Nắm tay nhau cùng bước bên nhau vì hạnh phúc nhân loại. Nắng phương Đông chiếu sáng SEA Games Việt Nam hân hoan chào đón. Những con tim náo nức mê say dành cho niềm tin chiến thắng, từng ánh mắt trao cho ta hy vọng con đường chung một ước mơ.

Hãy bên nhau kề vai ta cùng đi tới tương lai. Nhịp chung bước đường vinh quang Hà Nội cùng SEA Games. Hãy vững tin ngày mai ta cùng hoà vang câu ca. Phút giây này còn mãi vang xa vì một thế giới ngày mai.

 Lời dịch tiếng Anh:

 For the World of Tomorrow!

 Hand in hand for happiness (of) mankind we walk together. Eastern sun shines up SEA Games Viet Nam is expecting for long. Eager hearts get deep in emotion all for the Victory. From your eyes I have my hope the dream I share with you. The best that now we try future is in our hands. All together gloriously Ha Noi with SEA Games. Tomorrow we believe in let's sing out our song. This moment we keep in mind FOR THE WOLRD OF TOMORROW!

 * Một người Việt sống xa Tổ quốc:

 "Là người Việt sống xa Tổ quốc nhưng thường xuyên về thăm quê, tôi sung sướng nghe tin Việt Nam được chọn làm nơi tổ chức SEA Games 2003. Hiện tôi làm nghề luyện tiếng Anh đặc biệt cho người Mỹ. Tôi nói thế để giải thích rằng tôi hiểu rõ những sự khác biệt giữa tiếng Anh kiểu Anh, kiểu Mỹ, kiểu Australia, kiểu Ấn Độ... Bản dịch bài hát SEA Games theo tôi, cần phải làm lại để xứng đáng là một bài hát chính thức của nền thể thao nước ta trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tôi xin phân tích từng câu của bài hát:

 "Nắm tay nhau cùng bước bên nhau vì hạnh phúc nhân loại/ Hand in hand for happiness (of) mankind we walk together". Câu này, và hầu hết các câu trong bài hát, làm tôi nhớ đến nhân vật Yoda trong bộ phim Star Wars - chuyên môn nói ngược. Thay vì Subject - Verb - Object thì ông thường xuyên đảo câu Object - Subject - Verb.

 Nói ngược có khi cũng đúng văn phạm, nhưng chỉ hiếm hoi khi có nhu cầu nhấn mạnh Object. Để cho chuẩn, khi đảo câu thường phải thay đổi động từ, thay đổi hẳn cách đặt câu. Trong câu trên, câu văn bị đảo ngược một cách vô nghĩa, rất Yoda. Có lẽ chỉ vì muốn theo sát câu tiếng Việt mở đầu bằng "tay trong tay" nên câu tiếng Anh cũng muốn mở đầu bằng "hand in hand" chăng?

 "For happiness mankind" không có nghĩa. "For mankind's happiness" tạm được. "Hand in hand" dĩ nhiên là "together" - có cả hai thì thừa mất một. Cả câu nếu chuẩn phải là "We walk hand in hand for mankind's happiness".

 "Nắng phương Đông chiếu sáng SEA Games Việt Nam hân hoan chào đón/ Eastern sun shines up SEA Games Viet Nam is expecting for long". Lại một câu có cấu trúc Yoda! Động từ "shine up" ở đây sai. "Shine on" hay "shine upon" mới đúng. "Shine up" là một cụm từ chỉ có trong tiếng Mỹ (không dùng ở Anh và Australia", có hai nghĩa. Một là đánh bóng, hai là một động từ lóng có nghĩa là "nịnh" để lừa gạt.

 "Is expecting for long" không có nghĩa. Ngoài ra văn phạm cũng sai. Một nguyên tăc căn bản cho người ngoại quốc học tiếng Anh là khi câu văn có chữ "for", "since",... cho thời gian, thì động từ phải là present perfect. Do đó, không thể là "is expecting" mà phải là "has been expecting" hay "has expected".

 Nghĩa dùng cũng vô nghĩa. "Expecting" (khi có Object) có nghĩa là mong đợi, gần như "waiting", không có nghĩa là chào đón. Hơn nữa, khi dùng không có Object (như câu trên) thì "expecting" có nghĩa là... đang có bầu sắp sinh.

 "For long" cũng sai. "For a long time" mới là "từ lâu".

 Câu "Những con tim náo nức mê say dành cho niềm tin chiến thắng/ Eager hearts get deep in emotion all for the Victory" tạm được, nhưng nên bỏ chữ "the" thành "for victory" thay vì "for the victory" vì đâu phải chỉ có mỗi một chiến thắng?

 "Từng ánh mắt trao cho ta hy vọng con đường chung một ước mơ/ From your eyes I have my hope the dream I share with you" là câu tiếng Anh chuẩn (tuy lại đảo câu) nhưng không cùng nghĩa với câu tiếng Việt.

 Hãy bên nhau kề vai ta cùng đi tới tương lai/ The Best that now we try future is in our hands", thì chữ "future" phải là "the future". Bao giờ cũng là "the past, the present, the future" chứ không có "past, present, future" thôi.

  "The best that now we try..." nghe hơi... tuyệt vọng. Làm như sắp thát bại, sắp thua cuộc, bèn an ủi rằng "thôi chỉ còn cách này".

  * Ông Phùng Huy Cẩn - Vụ phó Vụ pháp chế Uỷ ban TDTT, Phó trưởng tiểu ban Tuyên truyền báo chí BTC SEA Games 22: "Thay đổi thế nào phải phụ thuộc vào tác giả".

 Chúng tôi rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp, điều này thể hiện sự quan tâm, động viên của toàn xã hội đối với SEA Games 22. Bài hát "Vì một thế giới ngày mai" khi được chúng tôi chuyển cho các nước ASEAN cũng không thấy họ nói gì! Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhận được phản ứng về bài hát này. Chúng tôi rất mong người hâm mộ thông cảm cho chúng tôi nếu còn có sai sót. Bài hát đã được trải qua nhiều vòng chấm rất khắt khe với Hội đồng giám khảo gồm tôi, nhạc sĩ Đồng Đăng, Hoàng Vân, An Thuyên, Trọng Đài, Văn Dung đã hết sức nghiêm túc và cẩn thận trong khi thẩm định bài hát. Song chúng tôi chỉ đặc biệt chú trọng đến phần ca từ tiếng Việt và phần nhạc chứ không quá quan tâm đến phần tiếng Anh.

  Nhưng theo quan điểm của tôi, đây chỉ là vấn đề đơn thuần về dịch thuật chứ không nên hiểu một cách nặng nề là thiếu lòng tự trọng dân tộc. Tất nhiên những câu quá tối nghĩa thì phải làm cách nào đó sửa sang cho sáng ra! Nhưng thay đổi thế nào, từng câu hay toàn bộ phần tiếng Anh của bài hát này phải phụ thuộc vào tác giả - nhạc sĩ Quang Vinh!

  * Ông Nguyễn Văn Quân - Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế Uỷ ban TDTT, Trưởng tiểu ban Lễ tân Ban tổ chức SEA Games 22: "Chất lượng tiếng Anh của bài hát rất tồi!

 Theo tôi được biết, phần dịch tiếng Anh được in đĩa, in sách trước khi được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chất lượng tiếng Anh của bài hát này rất tồi, dịch chưa chuẩn xác, thậm chí có câu dịch còn khá ngớ ngẩn, chẳng hạn như câu: "Vietnam is expecting for long" hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả! Bài hát này không hề được đưa qua chúng tôi để hỏi ý kiến.

  * Nhạc sĩ Quang Vinh: Tôi nhờ một người bạn làm việc tại Viện Quan hệ quốc tế dịch lời bài hát sang tiếng Anh và đưa cho một giảng viên người Anh rất giỏi tiếng Việt xem lại bài hát. Ông nói với tôi đây là bài hát mang tính chính trị nên dịch sát lời theo kiểu "có sao nói vậy", không nên thơ hoá đặt lời mới cho bài hát.Tôi cũng chưa hoàn toàn bằng lòng với lời tiếng Anh nhưng BTC SEA Games nói rằng bài hát đã được phổ biến rộng rãi, nếu sửa chữa lại lời có thể sẽ gây ra những phản ứng không hay.

  * Nguyễn Anh Thư, giảng viên đại học, địa chỉ B10/5 bis Lương Định Của, P.Bình An, Q.2, TPHCM: Vừa qua, một đồng nghiệp của tôi (là người nước ngoài, cũng là giảng viên đại học) gửi email nhận xét về bản tiếng Anh của bài hát cho SEA Games 22. Tôi xin dịch nguyên văn trích đoạn email này:

  " Lời Việt thì hay, nhưng lời dịch tiếng Anh thì... không biết phải nói sao nữa. Ví dụ hai câu đầu bài hát: Hand in hand for happiness (of) mankind we walk together. Eastern sun shines up SEA Games Viet Nam expecting for long". Trời đất, nghe không giống thứ tiếng Anh mà trường chúng tôi nói (trường đại học giảng dạy bằng tiếng Anh có chất lượng) mà nghe giống như phụ đề của mấy bản DVD dịch chui.

  Ví dụ, tôi hoàn toàn không hiểu câu "Viet Nam is expecting for long". Expecting cái gì? Trong bao lâu? Tôi nhức cả đầu mà vẫn không hiểu được".

  Là người Việt Nam, nên khi nghe mấy nhận xét đó, tôi cảm thấy tự ái dân tộc. SEA Games là một sự kiện lớn của khu vực mà cho đến lần thứ 22 này mới được tổ chức tại Việt Nam. Dân Việt Nam ai cũng náo nức tự hào. Thế mà lời bài hát chào đón các bạn quốc tế, người nước ngoài hoàn toàn không hiểu.

  Hình ảnh đất nước, thể diện dân tộc trong giai đoạn mở cửa là vấn đề hết sức quan trọng, vì vậy tôi đề nghị việc thể hiện lại tinh thần bài hát SEA Games bằng tiếng Anh chứ không dịch nguyên bản với nguyên tắc sau:

 - Tiếng Anh theo tiêu chuẩn của người nói tiếng Anh gốc.

 - Thể hiện tinh thần Việt Nam chào đón các bạn quốc tế (welcome).

 - Thể hiện tinh thần thể thao (fair play).

 - Dễ hát, dễ nhớ.

  [Trích Lao Động trên lưới]

*******

 Lời bàn Mao Tôn Cương:

 Dịch như luỷ là được rồi!

 Đọc câu chuyện xung quanh bài ca chào mừng Sea Games, lời tiếng Anh, và những lời tuyên bố của các bố có trách nhiệm, tôi bỗng nhớ đến những mẩu vừa dạo quanh Hồ Gươm vừa kể chuyện, giữa ông cậu của tôi, và thằng cháu Việt Kiều!

 Lần gặp cuối cùng cách đây hơn nửa thế kỷ, giữa hai cậu cháu, cũng diễn ra tại Hà Nội, ông cậu vừa từ chiến khu Việt Bắc về, còn thằng cháu thì đang lăm le tìm cách chuồn xuống Hải Phòng, trước khi thời hạn 300 ngày chấm dứt, cánh cửa nhìn ra thế giới của miền bắc hoàn toàn đóng sập xuống cho tới tận… Sea Games 22 này mới lại hé ra!

 Trong những mẩu “vừa đi quanh Hồ Gươm vừa kể chuyện” đó, có hai mẩu liên quan đến chuyện dịch thuật của “đồng chí sếp” của ông cậu tôi, là Nguyễn Khắc Viện.

 Được vinh dự trao nhiệm vụ dịch Di Chúc Bác Hồ sang tiếng Tây, khi Nguyễn Khắc Viện dịch cụm từ “rất minh mẫn” ở trong di chúc thành “lucide”, ông  bị phê phán, [bị “chỉnh” nặng lắm], rằng tại sao dám sửa Di Chúc, sao dám bỏ đi từ “rất”. Ông sếp của ông cậu tôi chỉ cười. Sau phải đem tới nhờ một ông Tây chính gốc 100 phần dầu phân giải. Ông này nói, lucide là đủ rồi. Thêm chữ très nữa là… hỏng! Nhân loại, không riêng gì giống Tây, khi nói về mình, không ai dám dùng tới chữ “très”, dù vào lúc hấp hối, con người hơi bị quá minh mẫn!

 Câu chuyện thứ nhì liên quan tới nhan đề cuốn sách viết về đồng chí Nguyễn Văn Trỗi: Sống Như Anh. Sau bao nhiêu đấng dịch, nào là vivre tel qu’il est...   tới tai Nguyễn Khắc Viện, ông “phán”: dịch "sống cẩm lủy" (vivre comme lui) là được rồi!

 Đây chỉ là vấn đề đơn thuần về dịch thuật chứ không nên hiểu một cách nặng nề là thiếu lòng tự trọng dân tộc.

[Phó vụ trưởng Phùng Văn Cẩn phán]

 Muợn một nhóm từ rất ưa "bị" các nhà văn nhà phê bình ở trong nước sử dụng,  lời chào mừng bằng tiếng Anh đó, ở trong kỷ nguyên hội nhập này, chính là cái "hơi thở, hồn vía" của dân tộc Việt Nam, theo tôi.

 Cho phép tôi mở ngoặc ở đây, nói tý chuyện quá khứ thời Việt Nam Cộng Hòa, qua đó, chúng ta có thể có được một tí ý niệm về cái hồn vía hơi  thở của dân tộc, qua những món ăn cụ thể như phở, như hủ tíu, hoặc qua cái thứ tiếng Anh, đọc lên bằng cái giọng Việt, nó giống như tiếng hát của nhân ngư, có thể hút hết... hồn vía, hơi thở của người nước ngoài!

 *******

 Bạn nào đã xem phim My Fair Lady, chắc là đều mê mẩn với cô đào Audrey Hepburn, ốm như cây sậy, yểu điệu thục nữ thuộc loại số một, và nói một thứ tiếng Anh đặc miệt vườn, theo kiểu “con cá gô” [con cá rô], câu tâu tắng [con trâu trắng]. Em được một nhà ngôn ngữ học, nói tiếng Anh chuẩn khỏi chê, “khổ” vì thanh, nhưng mê vì “sắc”, bèn bê em về nhà, quyết sửa thành một nhan sắc “kép”, nghĩa là nói tiếng Anh đúng giọng người kinh kỳ! Nhưng em học gì nổi, bèn bỏ đi, ông thầy nhớ em quá, bèn lôi cái dĩa ghi cái giọng miệt vườn của em ra nghe, thấy ôi sao nó tuyệt vời thế này!

Cứ như nghe một em miệt vườn mãi tít Cà Mâu đọc ca dao:

 Em dzìa-dzề anh chẳng cho dzìa-dzề,

 Anh nắm dzạt áo anh đề bài thơ!...

  Bây giờ, hãy tưởng tượng, một em Việt Nam 100 phần dầu, nói tiếng Anh thật là chuẩn, nhưng bằng một cái giọng, thí dụ, đặc sệt miền nam, theo cái kiểu “em dzìa-dzề anh chẳng cho dzia-dzề…” thì có chết mấy đời thằng Tây, thằng Mẽo hay không?

*****

Sự tiến bộ trong truyền thông làm con người quên đi rằng, chỉ mới đây thôi, công việc chuyển tiếng nói, tin tức, hình ảnh … là cả một vấn đề. Khi Gấu tôi ra trường Bưu Điện Sài Gòn, vào năm 1960 thì phải, như một chuyên viên Vô Tuyến Điện, thì cái đài la-dô chủ yếu là chạy bằng đèn điện tử, thứ đèn hai, ba… cho tới năm hoặc sáu cực, bật lên, phải chờ nó “warm up” mới có thể sử dụng được. Rồi tới máy sử dụng đèn bán-dẫn (semi-conducteurs) xuất hiện, lúc đầu, thiên hạ còn chê, tiếng nói không trung thực bằng la-dô-đèn, và quả thế thật, nhưng ngày càng tiến bộ, và nhân loại chẳng thể nào quay lui lại được nữa.

Thời đại “đèn đóm” như thế đấy, cũng còn là thời thịnh trị của những làn sóng vô tuyến ngắn, như những đài như VOA, BBC hiện nay vẫn còn dùng, nhưng kèm với nó, là một trang web, để bạn có thể  tạt vô, nghe lại, chẳng sợ thời tiết, giông bão làm hụt nghe một buổi nào.

Ở đầu mỗi chương trình phát thanh trên làn sóng ngắn như thế, thường có vài phút dành cho đài hiệu, ngoài việc tự giới thiệu, “đây là đài phát thanh…”, còn có mục đích, cho người nghe “mò ra” mình.

Trên thế giới có rất nhiều người mê cái việc ngồi suốt ngày, không phải để thăng thiên như hiện nay, mà là để mò ra một tiếng nói xa lạ, qua một làn sóng vô tuyến điện chập chờn…. Họ lập thành hội những nhà chơi vô tuyến điện tài tử, và thường viết thư tới những đài phát thanh lạ, những làn sóng lạ, mà họ tình cờ mò ra được, để biết thêm những chi tiết, thường là về kỹ thuật, nhưng có khi chẵng liên quan gì tới kỹ thuật như câu chuyện Gấu tôi sắp kể ra hầu quí vị sau đây.

Bưu Điện Sài Gòn lúc đó sử dụng rất nhiều làn sóng ngắn để liên lạc, và đài hiệu, là tiếng nói của cô Nga, hoặc cô Phụng, hai nữ điện thoại viên đồng sự của Gấu tôi, tại Đài Liên Lạc Vô Tuyến Điện Thoại quốc tế, số 5 Phan Đình Phùng, Sài Gòn.

Tôi không hiểu cái anh Trương Chi ngày xưa, tiếng hát của anh hay như thế nào: Không phải những ngày còn trẻ, nhưng ngay cả vào lúc về già sắp xuống lỗ như bây giờ, tôi không hề nhớ một chút gì tới khuôn mặt, dáng đi.. của cô Nga hay cô Phụng, nhưng chỉ là tiếng nói của họ. Thứ tiếng nói đã hớp hồn không biết bao nhiêu những anh chàng vô tuyến điện tài tử, qua đài hiệu của Bưu Điện Sài Gòn: This is Radio Oversea Saigon….

Và Gấu tôi, lo việc nhận những cái thư, để trả lời, thường có những dòng như thế này: May I get her picture…

 
Đâu cần phải nhét vào bài ca, nào là bước đường vinh quang Hà Nội ta, nào là Đông Phương Hồng chiếu sáng Sea Games.
(Merde!)

NQT