*





Bông hồng là bông hồng là bông hồng (2) 

Bài này, tiếp theo bài trước, đúng ra phải xuất hiện lâu lắm rồi, ngay sau loạt bài của Nguyên Sa và sau đó, của Duyên Anh. Tức là trước một cuộc chiến, và sau đó, một cuộc bỏ chạy tán loạn. Nó phải xuất hiện khi những người có liên can còn sống. Và khi họ đã mất, lại càng không nên viết, nếu là một bài nhằm tranh hơn thua. Như tôi được biết, tuy chưa được đọc, trong hồi ký, Nguyên Sa hình như có cho rằng, ông hơi quá tay, trong vụ "đụng độ" giữa ông và Nguyễn Quốc Trụ. 

Trong dịp ghé Tiểu Sài Gòn dịp Tết vừa rồi, tôi có ngồi uống la de với một họa sĩ, và một nhà phê bình hội họa. Nhân vui men rượu, men Tết, men nhớ Sài Gòn, ông phê bình hội họa có nhắc tới vụ đụng độ trên, mà theo ông, cho tới bây giờ, sau bao nhiêu năm, ông vẫn còn nhớ, một từ-chìa khóa, mà NQT đã sử dụng: Nhà văn là một thứ dê tế thần. Nhưng từ này, không phải của NQT mà là của Kafka. Ông nói thêm, vụ đụng độ đó, bởi vì NS lúc đó đã là một nhân vật có địa vị trong giới văn học, còn NQT mới nhi nhô viết, mà lại viết phê bình, lại nhè một vị có danh tiếng, để mà đập, thành thử có vẻ như muốn nổi tiếng tắt, theo kiểu đốt đền thờ, hoặc theo kiểu anh anh tôi tôi với những bậc đàn anh. Nhưng thời gian cho thấy, là NQT có lý, khi "chê" tập truyện Mây Bay Đi, bởi vì cho đến bây giờ, chẳng ai còn nhớ tới nó, và Nguyên Sa thì vẫn luôn luôn nổi tiếng, như là nhà thơ, chứ không phải người viết truyện ngắn. 

Bông hồng sở dĩ bây giờ mới nở tiếp, là do người viết không muốn lạm dụng diễn đàn VHNT mà trang Tin Văn nhờ đó mà có, trong mấy năm nay. Chủ trương của VHNT do Phạm Chi Lan chủ biên là "văn học và chỉ văn học mà thôi", mà loạt bài này thật dễ đi ra ngoài chủ trương đó. Ngay một diễn đàn cởi mở như Talawas, cuối cùng ban biên tập cũng phải yêu cầu chấm dứt những bài viết vượt ra khỏi một số qui định thường thấy. Vì những lý do đó, người viết thấy cần phải có một diễn đàn của riêng mình, lúc đó tha hồ mà nói, và chỉ chịu trách nhiệm trước lương tâm mình, và cũng không sợ bị khóa miệng...

 Bông hồng, như bài trước đã viết, một cách nào, là để tưởng niệm Nguyên Sa, và còn để nhắc nhở chính mình khi viết: Đừng làm bông hồng không là bông hồng không là bông hồng..

Không có [loạt bài một bông] hồng [cho văn chương] chắc gì bài viết này có giọng điệu như vầy...

 Bài này thực sự không phải là một bài trả lời những tác giả như Hoặc Ngữ, Nguyễn Hưng Quốc, chẳng hạn. Như trên đã nói, là một người viết từ trước 1975, tại miền nam, khoảng cách giữa tôi và họ, là một cuộc chiến, và một cuộc bỏ chạy tán loạn. Lê Đạt, hình như vậy, khi trả lời Hoàng Ngọc Tuấn trong vụ "tài liệu giả", "dịch sai", "dốt tiếng Tây"..., để giải thích cho sự kém cỏi ông, là do vướng vào cuộc chiến chống Pháp. Đây là một sự nhún nhường, theo như tôi biết, bởi vì những người như ông thuộc thế hệ rành rẽ tiếng Tây từ trước khi cuộc chiến bùng nổ. Tôi xin mượn câu trả lời của ông, để biện minh cho cái dốt tiếng Anh của mình: Trong khi Hoặc Ngữ học đại học tại hải ngoại, tôi còn ở Việt Nam, và còn khốn khổ vì kiếm miếng ăn cho mình, và gia đình, và chẳng hề bao giờ có ý nghĩ bỏ nước ra đi, cuối cùng đành chấp nhận số phận trâu chậm uống nước đục. Khi còn ở trại tị nạn, cố liên lạc với một số bạn văn nhờ trợ giúp tiền bạc, và nhất là nhờ "can thiệp" sao cho được công nhận là một tị nạn chính trị, để khỏi bị trả về Việt Nam, một trong số bạn đáp lời, là Trùng Dương; bà đã than giùm, anh đi vào cuối mùa tị nạn, còn gì nữa đâu mà... Cuối cùng đành chịu dốt, nhưng cố ngoi lên, và bởi vì mê Borges nên cố dịch. Vào thời điểm đó, hình như chưa có ai mất thì giờ dịch những tác giả, thí dụ Borges, Steiner... Ông Hoặc Ngữ viết:... Borges là người tôi say mê.. giá mà ông bớt chút thì giờ dịch Borges, tôi đã chẳng phải thò cái dốt của mình ra. Ấy là nói vậy, chứ cái việc dịch nó rắc rối hơn nhiều, không chỉ giỏi ngoại ngữ là dịch giỏi, dịch đúng, dịch hay.

 Do những bài viết của họ, tôi chợt nghĩ, nên viết loạt bài này, như một cách nhìn lại cái gọi là dịch thuật, phê bình, điểm sách ở miền nam, và sau này, ở hải ngoại.

 Như trên đã viết, bài này sẽ viết theo kiểu tản mạn...

 Tản mạn ở đây, chữ mượn của Nguyễn Tuân [Tản mạn xung quanh một áng Kiều], ý, lấy ở từ "excursion" của Roland Barthes, một từ theo ông mơ hồ một cách thật là kiểu cách (précieusement ambigu). Trong bài đọc [Lecon]  mở ra khóa giảng môn học "Sémiologie littéraire" [Ký hiệu học văn học], tại Collège de France, ngày 7 tháng Giêng 1977, sau được in lại trong tủ sách Points, bộ môn Nhân Văn, nhà xb Seuil, ông cho rằng, cái phương pháp dậy và học bấy giờ nó không như trước nữa. Trích dẫn câu của Mallarmé, "Mọi phương pháp là một giả tưởng" (Toute méthode est une fiction), ông coi phương pháp viết và giảng của ông không nhắm phát hiện, không nhằm tháo gỡ, không mong đạt kết quả, mà chỉ là một giả tưởng, qua đó:

Khi viết có tính tản mạn (fragmentation),

Khi trình bầy, lan man lạc đề (digression);

Hay là dùng một từ mơ hồ một cách thật là kiểu cách, excursion (đi ra ngoài, dạo chơi, thăm thú...). Ông viết:

 Tôi mong rằng lời nói và lắng nghe ở đây, chúng đan vào nhau, giống như những lối chạy đi chạy về của một đứa trẻ, quanh bà mẹ [quanh một áng Kiều, như Nguyễn Tuân  nói], và mỗi lần chạy về như thế lại mang cho bà một viên sỏi, một sợi len, đứa bé vẽ quanh bà mẹ một vườn chơi, ở trong vườn, viên sỏi, sợi len mang về không quí bằng niềm háo hức của đứa bé.

 Trong một bài viết mang tính tranh luận, làm sao mà gửi tới người đọc, một món quà, là niềm háo hức, mong ước (le désir), mà đứa bé trải lên những lối đi về, quanh bà mẹ?

[Tản mạn mà được như thế thì thích, nhỉ?]

 Khi bị chê là viết tản mạn, George Steiner trả lời: Người nào nói như vậy, là phỉnh nịnh tôi đấy.

Bởi vì suốt đời, ông chỉ đau nỗi đau Lò Thiêu, mà ông đã thoát được, trong khi bao nhiêu người khác, trong có bạn bè, bà con của ông, đã bị tiêu hủy ở đó. Từ câu hỏi nhức nhối "Tại sao Lò Thiêu", là nỗi băn khoăn về một ông Trời...

 [Tôi là một người của hồi nhớ. Ở trung tâm tác phẩm của tôi, là toan tính: tới sau Lò Thiêu...

Những người buộc tội tôi "tản mạn" (scattering), là họ phỉnh nịnh tôi đấy. Thị kiến của riêng tôi, hầu như chỉ xoáy về một điểm. Khi còn là một gã quá trẻ, tôi cho xuất bản cuốn Tolstoy hay là Dostoevsky, trong đó, tôi nhắc đi nhắc lại mãi, rằng điều phân biệt hai nhà văn này với một Flaubert hay một Balzac, đó cũng là điều làm họ giống Melville, và đó là chiều thần học (theological dimension), tức là câu hỏi về sự hiện hữu của Thượng Đế. Cuốn sách nói về điều mà Những Hiện Diện Thực mở rộng ba mươi lăm năm sau đó. Tôi tin tưởng rằng có một số chiều nào đó, trong văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, và cả trong triết học: chúng sẽ không thể nắm bắt được, nếu câu hỏi, có hay không một đấng Thượng Đế, bị coi là vô nghĩa. Phỏng vấn Steiner

 
 
Từ Potin của mục này (folder), là cũng mượn của Barthes, trong tác phẩm, "Tản mạn về một bài yêu dành cho người thương" (Tạm dịch cái tít "Fragments d'un discours amoureux", bản tiếng Anh, A Lover's Discourse, Fragments, Vintage, 2002):

 Potin/Gossip

Nỗi đau của một người đang yêu, khi phát hiện ra rằng, người mà mình yêu thương đang là đề tài của gossip...

 Trên đường từ Phalerum, một lữ hành buồn bực (bored) nhìn thấy có bóng người ở phía trước. Vội rảo bước, bắt kịp, và hỏi người đó về bữa tiệc có diễn văn (banquet) của Agathon. Lý thuyết về tình yêu đã được hình thành như thế đó:Tình cờ [Hai người yêu nhau rất tình cờ, Thơ Thanh Tâm Tuyền], buồn bực, mong được nói chuyện, hay là, nếu bạn muốn, một chuyện tầm phào, ngồi lê đôi mách kéo dài chừng một dặm đường.... Từ "symposium" [hội nghị chuyên đề] như vậy không chỉ có nghĩa một cuộc nói chuyện [conversation] (Chúng ta đang bàn về một vấn đề), mà còn có nghĩa "gossip" (Chúng ta đang nói chuyện với nhau về những người khác).

NQT