*





Bông Hồng số 4.

Yêu không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhìn về một hướng.

Saint-Exupéry. 

 Le sens trop précis rapture la vague litérature.

[Cái nghĩa quá rạch ròi làm hại cõi văn mơ mòng] (1)

  Nước Pháp phát minh ra tôi. Tôi đâu có hiện hữu. Caillois làm cho tôi được nhìn thấy. Than ôi, thiên hạ nhìn thấy ông ta rõ quá!

[Borges viết về Roger Caillois, người giới thiệu ông với độc giả Pháp và sau đó, thế giới].

  Trong bảng phong thần cho những cuốn sách cuối cùng, trước khi cúng bà hoả [Dernier inventaire avant liquidation], tác giả Frédéric Beigbeder chỉ chọn được 50 cuốn. Đứng đầu bảng là cuốn Kẻ Xa Lạ của Camus. Ông Hoàng Nhỏ của Saint-Exupéry, số 4.

  “Làm ơn vẽ cho tôi một đại tác phẩm. Làm ơn chỉ cho tôi số 4 trong Bảng Phong Thần Cuối Cùng” là cuốn nào?

  ‘Ông Hoàng Nhỏ của Saint-Exupéry [1900-1944] là câu chuyện thần tiên độc nhất của thế kỷ 20. Thế kỷ 17 người ta có chuyện cổ tích của Perrault; thế kỷ 19, của Andersen. Tới thế kỷ 20, người ta có Ông Hoàng Nhỏ, một cuốn sách được viết bởi một ông phi công người Pháp lưu vong tại Huê Kỳ từ năm 1941 tới 1943. Cuốn sách được in ấn tại đó, trước khi được xuất bản tại Pháp vào năm 1945, một năm sau khi tác giả mất. [Do kỹ thuật in ấn của ông Tây quá tệ, bản tiếng Tây do đó đã phải giữ y chang những bản vẽ trong bản in lần đầu bằng tiếng Mẽo]. Từ khi xuất hiện cuốn sách có hình này đã trở thành một hiện tượng trong ngành in ấn, mỗi năm phát hành chừng vài triệu cuốn trên toàn thế giới.”

 “Tại sao? Bởi vì, không cố tình [làm ra vẻ ngây thơ] Saint-Exupéry đã sáng tạo ra những nhân vật ngay lập tức trở thành huyền tượng [figures mythiques].”

  Người ta có thể cho cuốn sách một cái tên khác, là, ‘Đi tìm một đứa trẻ thất lạc’, Frédéric Beigbeder đề nghị. Bởi vì theo ông, “tác giả cuốn sách luôn nhắc tới ‘những người lớn’ nghiêm túc, biết suy nghĩ điều hơn lẽ thiệt, và bởi vì cuốn sách không thực sự nhắm tới những đứa trẻ mà là tới những người tin rằng họ không còn trẻ nữa. Đây là một ‘pamphlet’ [bài văn đả kích] chống lại tuổi lớn và những con người hữu lý [rationnel], được viết bằng một thứ thơ ca dịu dàng, một minh triết giản dị [une sagesse simple] (Harry Potter, hãy về nhà với mẹ của mi đi!), và với một sự ngây ngô giả vờ, giấu ở bên dưới sự ngốc nga ngốc nghếch đó, là một cái hóm hỉnh và một nỗi buồn thê lương.”

  Đi tìm một đứa trẻ đã mất. Khi đặt tên lại cho cuốn sách như trên, theo tôi [NQT], tác giả Bảng Phong Thần Cuối Cùng, bởi vì là người Pháp, nên đã “vơ vào”, nghĩa là muốn nhắc tới Proust, một ông Tây khác, tác giả Đi Tìm Thời Gian Đã Mất.

 Nhưng còn một lý do nữa, là chính cái chết của Saint-Exupéry đã khiến bật ra cái tên thứ nhì này. Tác giả Phong Thần Bảng cho thấy, như rất nhiều nhà văn khác, thí dụ như Lewis Carroll, Saint-Exupéry thuộc thứ tác giả không chịu già: vài tháng sau khi Ông Hoàng Nhỏ được xuất bản, tác giả của nó, lúc đó 44 tuổi, bèn lên máy bay, làm một phi vụ thám sát [mission de reconnaissance] bên trên vùng trời Địa Trung Hải, và biến mất như nhân vật của mình…

  Saint-Exupéry là một tác giả quá quen thuộc với những tác giả, luôn cả độc giả, và luôn cả học trò người Việt: ở Sài Gòn, trước 1975 có một trường học mang tên ông. [Tôi không hiểu bây giờ còn không.] Ở ngoài bắc không biết sao, chứ ở miền nam, không chỉ nhà văn, mà gần như tất cả lớp tuổi choai choai đều thuộc nằm lòng câu của Xanh Tếch: Yêu không phải là nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng. Cả hai cuốn Ông Hoàng Nhỏ và Cõi Người Ta của ông đều được Bùi Giáng dịch. Chúng ta có thể đoán mò, rằng những người như Xanh Tếch, Bùi Giáng đều có một  điểm chung, là, trong con người của họ, có một phần nào đó nhất định không chịu ... lớn, và như thế, rất thích làm bạn với Ông Hoàng Nhỏ.

 Trong lần về Việt Nam, nói chuyện bên “chén riệu” [ly rượu] với mấy anh em cũng dân viết lách, tại nhà một ông cũng “có một nỗi buồn thê lương”, nhân câu chuyện PXN còn nóng hổi, TTĐ gật gù, “Nhầm Ông Hoàng Nhỏ với Cõi Người Ta là một sơ suất nặng!”

Chúng ta tự hỏi tại sao lại có sự lầm như thế.

Không lẽ cứ buông một câu, tại dốt, tại không đọc!

Với một tác giả xa lạ, có thể, nhưng với “Xanh-Tếch”, như cách gọi thân mật của người Việt dành cho ông, ở một xứ sở tuy “người Pháp đã ra đi, nhưng nước Pháp ở lại" [Malraux], chuyện không đơn giản.

 Vậy thì, tại sao?

  ******

Mất tích giữa những vì sao

 Antoine de Saint-Exupéry thuộc thế hệ hào hùng của ngành hàng không, và trong cuốn tiểu thuyết Bay Đêm, ông đã tạo ra huyền thoại về nó. Làm vậy, ông trở thành một huyền thoại, và có thể đây chính là điều ông hằng mong muốn, rằng cuộc đời của mình sẽ được như thế. Cuốn tiểu sử của ông, do Marcel Migeo viết, muốn tách người thực việc thực ra khỏi điều kỳ dị, và tác giả đúng là người làm việc này. Ông bạn của Saint-Ex, khi cùng học bay tại Neudorf, gần Strasbourg, hai năm sau khi Thế Chiến I chấm dứt. Thời kỳ “giác đấu” đã qua, và đây là thời đại dân sự, với những chuyến bay, tuy không còn mang tính giác đấu, nhưng cũng chẳng kém nguy hiểm: những chuyến thư bay, như tên gọi của một cuốn sách của Xanh-Tếch chỉ rõ: Chuyến Thư Miền Nam. Thời kỳ này còn bay bằng la bàn, bản đồ, và bằng… mắt, chưa có la-dô, vận tốc tối đa là 100 dặm/giờ, và mỗi chuyến bay không quá ba giờ. Máy bay khởi động cứ như hai xe hơi đụng nhau. Mức độ thiệt hại, kể luôn mạng người, là “căng” lắm! Xanh Tếch, trượt École Navale, bèn nhẩy vô The Line, tiền thân của Air France, khi đó đang thực hiện những chuyến thư bay từ Toulouse tới Dakar, và tính mở rộng tới Nam Mỹ. Ông đụng một hiểm nguy khác nữa: phi cơ thường bị trục trặc phải hạ cánh nơi sa mạc, và phi công trở thành mồi cho những bộ lạc người Moor, bị tra tấn hành hạ, và sau đó, hoặc bị giết, hoặc trở thành con tin đòi tiền chuộc mạng. Chuyện xẩy ra thường xuyên đến nỗi phi công, thay vì kéo theo một ông thợ máy, bèn xin một thầy thông ngôn rành tiếng “mọi”! Sau một năm bay, Xanh Tếch bèn làm một ông trưởng đồn, ở giữa sa mạc, vừa lo việc đổ xăng cho phi cơ, vừa giúp phi công cái việc thông ngôn, chính vì vậy mà người Pháp thường so sánh ông với người hùng sa mạc Lawrence d’Arabia [T.E. Lawreence].

 Saint-Exupéry là “thứ” người gì? Huyền thoại thứ nhất về ông, ở trong cuốn tiểu sử nói trên, theo đó, ông là một trong những phi công lớn lao, và là một người mà bay là một thiên hướng. Huyền thoại này thì cũng dễ “giải hoặc”, và là do thiên hạ quá mê những cuốn như Bay Đêm hay Chuyến Thư Miền Nam mà ra. Theo ông bạn của ông, tức tác giả cuốn tiểu sử, Xanh Tếch là một phi công nhà nghề, tài năng, nhưng cũng rất ư đãng trí, không khoái chú tâm vào bất cứ chuyện gì. Ông còn là một người không có chút ý niệm nào về thời gian. Cẩu thả nữa. Có lần, ông rời phi cơ, không đóng cửa phòng lái, và để gió quất sụm chiếc máy bay. Những chuyến bay dài của ông, từ Paris đi Sài Gòn, hay từ Nữu Ước đi Patagonia, do đó, thường không được sửa soạn chu đáo, và trở thành thảm họa. Ngồi trong phòng lái mà trí ông bỏ đi lang thang, Trước hết, và có thể trên hết, ông là nhà văn, và ông coi cái nghề bay, như là một cách vượt ra cõi đời thường làm ông chán ngán, bực bội. Bay là một giải phóng tinh thần đối với ông.

 Dáng người cao và thon, [bạn học gọi ông bằng biệt hiệu “Kều Mặt Trăng”]. Dòng dõi quí phái, nhưng nghèo, bố mất sớm, nhưng không có gì liên quan tới huyền thoại tuổi thơ khó khăn vất vả. Họ hàng bà con giầu có không bỏ ông, ngoài ra còn bà mẹ mà trong nhiều năm, mà trong nhiều năm, ông tha hồ nã tiền, sống như một “ông hoàng nhỏ” [một số bạn coi ông là một tay “snob”, những ngày đầu học bay]. Nhờ ảnh hưởng của Henri Guillaumet, một phi công mà ông coi như là thần tượng, và nhờ “The Line”,  tính tình của ông thay đổi. Hết lòng với bạn bè, với tinh thần của nhóm, ông bắt đầu để tâm đến chuyện này chuyện nọ, và nhận ra ý thức về trách nhiệm, một sự bám trụ - a gravity – như thế là rất cần thiết cho trí tưởng tượng bộc phát.

 Danh tiếng, như là một nhà văn, cộng thêm thành tích xây dựng “cơ sở” cho hãng tại Nam Mỹ, ngần ấy thứ không thể cứu ông, bị đá văng ra khỏi “The Line”, khi nó sắp xếp, tổ chức lại công việc làm ăn, vấn đề nhân sự. Tuần trăng mật với bạn tình, tức phiêu lưu mạo hiểm, kể như xong. Ông bèn bước vào quãng đời mới tinh của mình, như là một tay nhà báo, nhà làm phim. Ông gọi đây là “thời kỳ xanh”. Người ta thấy “chàng” ngồi Quán Chùa - ấy chết xin lỗi – quán “Les Deux Magots”, hoặc Givral - ấy chết xin lỗi – quán Lipp, tại đường Tự Do, Sài Gòn - ấy chết xin lỗi - tại Paris; lơ đãng nhìn buổi sáng bắt đầu, tự hỏi không biết bữa nay cô bạn có giờ học ở Văn Khoa hay không, thỉnh thoảng loáy hoáy ghi sổ tay, tự nhủ  thầm, mình mới ba mươi tuổi, còn “xoan” chán!

 Những ghi chú nho nhỏ như thế, những mẩu viết tình cờ như thế, sau gom lại, biến thành “Những Ngày Ở Sài Gòn” - ấy chết xin lỗi - biến thành “Cõi Người Ta”, Terre Des Hommes, [hình như được dịch qua tiếng Anh với tựa đề Gió, Cát, và Những Vì Sao], một tác phẩm sáng chói, nhưng cũng đầy những nét làm dáng, đã đem đến cho tác giả giải thưởng của Viện Hàn Lâm, ấy là ở Tây Phương, còn ở Mẽo Phương, nó đem đến cho ông một tài sản (a fortune), nhưng ông đâu thèm quan tâm tới thứ đó! Thời gian này, ông lấy vợ, là một goá phụ, người Ác hen ti nà,  xăng xái, sống động, như một con chim, nhưng hoá ra là một người đàn bà đoảng đủ thứ, sau nhiều cú thượng cẳng chân hạ cẳng tay, theo kiểu yêu nhau lắm cắn nhau đau, họ thường xuyên xa nhau, [bài này dựa theo bài viết cùng tên của nhà phê bình V.S. Pritchett, trong The Complete Essays, nhà xb Chatto & Windus, London, 1991. NQT.] Như tác giả cuốn tiểu sử cho biết, nhà văn của chúng ta “cần” một loại hình đàn bà như vậy làm vợ, bởi vì một cuộc hôn nhân như thế thoả mãn điều gọi là nỗi âu lo, ngần ngại (inquiétude) của bất cứ một nhà văn!

 Khi xẩy ra Cuộc Thế Chiến Thứ Hai, Xanh Tếch xấp xỉ bốn chục. Can trường, ông xung làm phi công lái máy bay thám thính, trên những vùng trời đang có những cuộc tiến quân của Nazi. Sau khi Pháp thất thủ, ông tính qua Nữu Ước. Trên đường bôn tẩu, khốn khổ thay, ông dừng lại Vichy, gặp một tay cộng tác viên với kẻ địch nổi tiếng, Drieu La Rochelle, và bị liên lụy bởi rất nhiều điều vu khống mà rất nhiều người Pháp đã gặp phải trong thời kỳ nhiễu nhương như vậy. Ông vốn không hẩu với tướng De Gaulle, mà ông nghĩ rằng, đã kêu gọi nước Pháp “làm một cuộc chiến tranh nồi da nấu thịt”, và ông bị buộc tội là một người theo Pétain [người cầm đầu nước Pháp theo Nazi lúc đó] Tác giả cuốn tiểu sử thuyết phục được người đọc, rằng làm gì có chuyện đó. Khi De Gaulle từ chối không giao cho ông bất cứ một nhiệm vụ nào trong thời gian có chiến dịch Bắc Phi, ông bèn theo lực luợng Hoa Kỳ vào Phi Châu, và sau khi chạy chọt, được thương tình giao cho trách nhiệm lái phi cơ thám thính chụp hình ảnh bên trên vùng trời nước Pháp bị chiếm đóng bởi Nazi. Tính không chú tâm vào bất cứ chuyện gì của ông thế tiếp tục, rất nhiều lần, ông quên không hạ thấp máy bay, trong một chuyến đi như thế, ông quên luôn cả chuyện trở về, và người ta cho rằng máy bay của ông bị bắn hạ ở giữa Nice và Corsia. Một nhân viên tình báo người Đức vốn rất mê Xanh Tếch cung cấp chứng cớ theo đó, máy bay của ông bị bắn hạ bên ngoài Corsia, nhưng M. Migeo [người viết tiểu sử ông] cho rằng, có hai người đàn bà nhìn thấy hai phi cơ bắn nhau trên vùng trời Nice, và họ là những chứng nhân tận mắt cái chết của ông. [Người viết bài này, cũng đã lâu, được đọc một bài báo, theo đó, người ta đã tìm thấy hài cốt của ông, nhờ thẻ bài, tại một bãi biển nào đó, nhưng đã sơ ý không ghi lại]. 

(còn tiếp)

  NQT