*





Về sự cẩn trọng của dịch giả

(góp ý thêm với Nguyễn Quốc Trụ)

 

Gần đây, sau khi bài "Muốn dịch đúng, phải có hiểu biết về văn hoá nước mình, và phải... đọc" được đăng trên Talawas, tôi có nhận một email hết sức nhã nhặn từ ông Nguyễn Quốc Trụ do Talawas chuyển lại. Trong email, ông có đôi lời minh giải về hai trường hợp dịch có "vấn đề" mà tôi đã góp ý. Sau đó, tôi thấy ông đăng trên báo Văn Học Nghệ Thuật số 550 (http://www.saomai.org/550-unicode/vhnt550-main.htm), một bài viết rất ngắn, nhan đề "Nguyễn Quốc Trụ đáp lời Hoặc Ngữ", 

Tôi cảm thấy cuộc trao đổi rất thú vị. Chỉ tiếc rằng đáng lẽ ông nên đăng tải ý nghĩ của ông trực tiếp lên Talawas để cuộc thảo luận về dịch thuật của chúng ta có diễn tiến như một cuộc đối thoại trôi chảy hơn (vì không chắc đa số độc giả của Talawas cũng là độc giả của báo VHNT). Dẫu sao, tôi vẫn xin tiếp tục cuộc thảo luận bằng cách trích lại ở đây một vài điều trong bài có nội dung tương tự như trong email riêng. "Nguyễn Quốc Trụ đáp lời Hoặc Ngữ", và mạnh dạn góp ý thêm về những sơ sót còn lại trong những điều ấy. 

1. Từ điển nhiều khi cũng rất cần thiết cho dịch giả. 

Trong bài "Nguyễn Quốc Trụ đáp lời Hoặc Ngữ", ông viết: 

Cụm từ "Extraordinary Fellow", tôi đã tạm dịch là Nghiên Cứu Sinh, và để trong ngoặc đơn nghĩa đen, vì trộm nghĩ, trong nghĩa đen mang tính khiêm tốn của nó, đã gói trọn, những... nào là Nghiên Cứu Sinh, Viện Sĩ Kiệt Xuất, Ưu Tú... rồi. 

Giở lại bản dịch của Nguyễn Quốc Trụ, chúng ta thấy có câu: 

Tại đại học Cambridge, ông giữ chức vị được phong suốt đời là Nghiên Cứu Sinh (Người Bạn Khác Thường, Extraordinary Fellow) của Học viện Churchill. (http://www.saomai.org/~tinvan/unicode/pv/pv06_george_steiner.html) 

Tôi xin thưa cùng ông mấy điều sau: 

"Extraordinary Fellow" tạm dịch thành "Nghiên Cứu Sinh" thì vẫn... không đúng. Bấy lâu nay trong sinh hoạt đại học ở Việt Nam, "nghiên cứu sinh" chỉ là sinh viên đang nghiên cứu để hoàn tất luận án cao học hay tiến sĩ. Theo Từ Ðiển Việt Anh của Bùi Phụng (Hà Nội: nxb Thế Giới, 1996), "nghiên cứu sinh" được dịch là "post-graduate student" hay "research student". Theo Từ Ðiển Tiếng Việt do Viện Ngôn Ngữ Học thực hiện, Hoàng Phê chủ biên (Hà Nội: nxb Khoa Học Xã Hội, Trung Tâm Từ Ðiển Học, 1994, bản in lần thứ 3), "nghiên cứu sinh" là "người đang được đào tạo theo chương trình trên bậc đại học để trở thành người nghiên cứu khoa học có học vị". 

Professor George Steiner, người đã có bằng Tiến Sĩ ở đại học Oxford, và đã giữ chức vụ Giáo Sư tại rất nhiều viện đại học danh tiếng, nhất định không thể chỉ là "nghiên cứu sinh" ở Học Viện Churchill. Hơn thế nữa, "nghiên cứu sinh" không phải là một "chức vị", và lại càng không thể nào là một "chức vị được phong suốt đời"! Thật ra, để biết "Extraordinary Fellow" là gì không mấy khó khăn. Chỉ cần bỏ vài phút để truy cập vào website của Churchill College, và tìm quanh một chút, chúng ta sẽ thấy định nghĩa của chức vị này ở trang web sau đây: 

http://www.chu.cam.ac.uk/admissions/fellows/Fellowships.shtml 

Chúng ta thấy một bản liệt kê và định nghĩa những "title" (danh vị). Trong đó, "Extraordinary Fellowship" được giải thích như sau:

 Title E (Extraordinary) Fellowships

 Fellows are elected under this Title who have shown themselves to be of exceptional distinction in the advancement of learning and research.

 Thế là chúng ta đã quá rõ về chức vị của Steiner ở Học Viện Churchill vậy.

 Ðã thế, nhóm chữ "Extraordinary Fellow" dịch "nghĩa đen" thành "Người Bạn Khác Thường" thì hẳn là... sai. Thật ra, để dịch chữ "fellow" cũng là việc đon giản. Chỉ cần giở từ điển ra là chúng ta có thể thấy ngay cái nghĩa đúng của nó. Ví dụ, theo The World Book Dictionary, chữ "fellow" có đến 14 nghĩa khác nhau:

 1. a male person; man or boy.

2. (Informal) a young man courting a young woman; beau.

3. a person; anybody; one.

4. a friendly term of address for a dog.

5. a contemptible person.

6. companion; associate; comrade.

7. one of the same class or rank; equal; peer.

8. the other one of a pair; mate; match.

9. a person or graduate student who has a fellowship from a university or college.

10. a member of a learned society.

11. an incorporated member of certain British colleges.

12. a trustee in certain univeristies and colleges.

13. a member, as of a company or party.

14. (Obsolete) a colleague; co-worker.

 Nghĩa "người bạn", như Nguyễn Quốc Trụ dùng, là nghĩa thứ 8: "mate". Ðúng ra, ông phải dùng nghĩa thứ 10: "a member of a learned society".

 Những cuốn từ điển có thể không tránh khỏi thiếu sót và sai lầm, nhưng nhiều khi cũng rất cần thiết cho dịch giả, ngay cả cho những dịch giả tự tin cao độ vào khả năng ngôn ngữ và vốn hiểu biết văn hoá của mình.

 2. Về sự cẩn trọng trong việc đăng tải các bản dịch.

 Trong bài "Nguyễn Quốc Trụ đáp lời Hoặc Ngữ", ông viết:

 Về Borges, bài dịch của tôi, lần đầu đăng trên tạp chí Thơ (1997, hình như vậy), sau đăng lại trên VHNT. Từ đó, bao nhiêu nước chảy qua cầu, tôi đã được hơn một người bạn khác thường, hay nói rõ hơn, những độc giả thân mến, chỉ ra sai sót, nhưng vẫn quên, khi update trang Tin Văn.

 Tôi ra được ngoài này, là năm 1994. Trước đó, tôi chưa hề làm quen, hoặc có ý định sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ dịch thuật. Có thể nói, những bài dịch vào thời điểm 1997 là những bài tập non nớt, đầu tay của một người chợt nhận ra phần số của mình. Thành thử đầy sai sót. Tôi đã có ý định, sẽ dịch lại chúng, nhưng do lu bu update trang Tin Văn, nên chưa có thời giờ... Vả chăng, khi coi "rành rẽ tiếng Việt" như là điều kiện tiên quyết trong dịch thuật, tôi không hề tự nhận là một trong số những người thật rành rẽ tiếng mẹ đẻ.

 Tôi thành thật cảm ơn lời minh giải của ông. Ở đây, tôi chỉ xin góp ý thêm rằng dịch giả cần phải hết sức cẩn trọng trong việc đăng tải các bản dịch, đặc biệt trong tình hình độc giả và văn giới nước ta xem các bản dịch là cửa ngỏ dẫn vào kho tàng tri thức của thế giới.

 Chúng ta có nên vội vã đăng tải những "bài tập non nớt, đầu tay" không? Có lẽ là không.

 Thực trạng sinh hoạt văn học của chúng ta cho thấy rất nhiều học sinh, sinh viên, giáo sư và nhà nghiên cứu trong nước (và ngay cả một số nhà văn Việt ở hải ngoại), vì những hạn chế của nguồn tài liệu và của khả năng ngoại ngữ, đã ngây thơ và hồ hởi bám vào những bản dịch có trình độ "bài tập non nớt" để trích dẫn và thu thập kiến thức. Tôi phát hiện rất nhiều tiểu luận và bài nghiên cứu ở quốc nội đã trân trọng trích dẫn từ bản dịch Mĩ học (Hêghen) của Phan Ngọc (một bản dịch rất... liều mạng), rồi say sưa bàn bạc... trật đường rầy, chẳng hạn.

 Thêm vào đó, sự thật cho thấy không mấy ai giỏi ngoại ngữ chịu đứng ra thẩm định mức độ chính xác của những bản dịch. Ðã giỏi ngoại ngữ, người ta thường đọc thẳng bản chính. Còn những người chịu khó so sánh bản dịch với bản chính, thì thường nếu có phát hiện những cái sai, cũng chỉ ghi nhớ đấy mà thôi, chứ không mấy khi lên tiếng, vì sợ... phiền. (Một trong những thói tật thảm hại của người Việt chúng ta là ở điểm này: người chịu bỏ công phê bình thẳng thắn và can đảm thì thường bị xem là kẻ gây hấn; người nhát nhúa cầu an, thấy cái sai sờ sờ cũng bỏ qua, và chỉ hay viết những bài ca cẩm bông lơn, thì lại được xem là dễ thương, có đạo đức).

 Trước thực trạng đó, để thực sự đóng góp vào văn học, dịch giả phải hết sức cẩn trọng trong quyết định đăng tải bản dịch. Trước khi đăng tải, dịch giả cần tham cứu sâu rộng về bất cứ điểm nào còn lờ mờ đối với cái hiểu của chính mình. Sau khi bản dịch đã được tung ra, nếu may mắn nhận được lời góp ý chính đáng về một điểm nào đó (điều này rất hiếm hoi), dịch giả phải lập tức chỉnh lý và công bố ngay việc chỉnh lý đó để độc giả lưu ý. Thông thường, dịch giả không nên trông chờ ở sự phê bình hay góp ý từ văn giới và độc giả vì, như đã nói, người Việt chúng ta vốn rất "tiết kiệm" lời góp ý và phê bình. Bao nhiêu nước sẽ tiếp tục chảy qua cầu, không ai cất lên một lời góp ý, những cái sai trong bản dịch vẫn cứ nằm mãi ở đó để bao nhiêu người hiếu học ngây thơ thưởng thức, trích dẫn, và gom góp làm kiến thức. Tai hại thay!

 *

 Tôi đã thử so sánh hầu hết những bài dịch của Nguyễn Quốc Trụ với nguyên tác ngoại ngữ và, thành thật mà nói, đã phát hiện không ít "vấn đề". Nay được biết ông định dịch lại, tôi rất mừng. Cầu chúc ông gặt hái nhiều thành công trong lãnh vực dịch thuật để đóng góp tích cực vào văn học của chúng ta.

 Hoặc Ngữ (Australia)

 Ghi chú:

Sau bài viết Đáp lời Hoặc Ngữ , trên Tin Văn, và trên VHNT, tôi có nhận được email từ tác giả Hoặc Ngữ, qua diễn đàn Talawas, như sau:

Anh NQT thân:

Cảm ơn bức email của anh, và bài viết ngắn trên VHNT.

Tôi kèm theo đây một vài điểm góp ý thêm....

Hoàng Ngọc Tuấn

PS: Tôi lấy bút danh Hoặc Ngữ từ năm 1987 (Thời tôi đứng ra làm tạp chí TẬP HỢP. Bút danh Hoặc Ngữ chỉ dùng vào việc dịch thuật. Tôi cũng dùng các bút danh khác trong việc dịch thuật như: Văn Phục, Trần Tuệ Minh. )

 NQT