Đà Lạt

5

Kiệt có, ở Đà Lạt, hai, trong số ba nàng của chàng: Oanh và Ly.

Hai Lúa có, hai, một cô bạn và một cô bé.
Cô Bé tức Bông Hồng Đen.
Cô bạn, là cái cô, y hệt Oanh, đã "miễn cưỡng" nhận lời mời đi coi ciné, với một anh chàng mê mình, ngày mai đi xa, ngày mai ra trận!

Anh ta bảo: Anh có thể ra Quảng Trị, hoặc Kontum, hoặc An Lộc… Oanh cười: Bắt chẹt Oanh quá vậy.

"Lần đầu tiên anh cầm tay em, là bữa đi ciné. Lần đầu, vì hôm sau anh phải đi Trung Tâm Ba Tuyển Mộ Nhập Ngũ Quang Trung. Em như miễn cưỡng "chiều" anh. Ở trong rạp, anh cầm tay em, em giật ra. Bực mình, anh giữ chặt lại. Nghĩ sao, em để yên. Anh như nghe em nói: thôi được rồi, tui thương ông đó. Được chưa?"
Cô bạn là tác giả câu thơ mà bạn có thể để vào bài ai điếu, cho một nửa của bạn, khi nửa này chẳng may đi trước:

Hồn Đông Phương thất lạc buồn Tây Phương.


Linda Lê, giữ mục "Trở Về Với Cổ Điển" cho tờ Văn Học Pháp, Le Magazine Littéraire, số Tháng Giêng 2005, trong bài viết "Tâm Hồn Lãng Mạn", L'Âme Romantique, nhân dịp tái xb tuyển tập "Những Nhà Lãng Mạn Đức", Les Romantiques Allemands, đã nhắc tới một định nghĩa, thế nào là dịch thuật, của Novalis.
Một bản dịch, thì, hoặc, có tính văn phạm [dịch theo nghĩa đen, bám chữ], hay có tính dẫn giải [mô phỏng, phóng tác], hoặc, có tính huyền hoặc, mythique. "Những bản dịch huyền hoặc là thứ bảnh, văn phong thuộc loại thượng thừa, de haute style. Chúng tái tạo nghệ phẩm, đưa nó trở về dạng trinh nguyên, toàn bích, ấy là nói về tính cách của nghệ phẩm, ở trong cái gọi là cá biệt, nhất khoảnh của nó. Nói một cách riết róng, không phải một nghệ phẩm mà nó dâng hiến cho chúng ta, mà chính cái gọi là lý tuởng".... Nó làm bật ra, còn quá bản văn, mà là linh hồn của tác phẩm.
Dịch mà làm sao cống hiến cho người đọc, không chỉ bản văn, mà là linh hồn của nó, ấy mới là dịch vậy!
Theo nghĩa đó, câu thơ "Hồn Đông Phương thất lạc buồn Tây Phương" là một câu thơ dịch. Một bản sao.
Nó chuyển một Hồn Đông Phương thất lạc, không còn tìm thấy mình, thành nỗi buồn lưu vong, xa xứ.
Thành Buồn Tây Phương.

Borges đã từng suýt soa, dịch bản bảnh hơn nguyên bản, là vậy.
Cũng vẫn theo nghĩa đó, một tác phẩm chỉ là tác phẩm khi tìm được linh hồn của nó.
Ở trong dịch bản!

Cũng vẫn theo nghĩa đó, một nửa, nửa kia, của mình, mới là mình.
Mới là linh hồn của mình!

Mình là cái quái gì? Anh chỉ mong mọi người coi thường anh.
TTT: Một Chủ Nhật Khác
 *

Người đọc Một Chủ Nhật Khác, nếu tinh ý một chút, đã linh cảm ra được, kết cục bi thảm của nó, khi nhớ tới đoạn Kiệt gặp anh Trung Tá già, đã từng bị VC tóm được, trốn thoát. Hai người bàn về loài voi, khi biết mình sắp chết, là bò về nghĩa địa...

"Loài voi có đặc tính kỳ lạ là khi biết mình sắp chết thì tự động bỏ đàn lánh đến chỗ khuất nằm chờ chết? Các nhà thám hiểm Phi Châu thường gặp những nghĩa địa voi"

"Cũng có phần đúng, thành phố này là một nghĩa địa voi. Nhưng rừng ở đây tuyệt giống voi lâu rồi.... Cái ông bác sĩ tìm ra thành phố này là một con bệnh ông biết không? Ông ta mắc chứng kỳ quái...".

Một Chủ Nhật Khác

Một cuốn tiểu thuyết, một cách nào đó, giống như một bài toán đố. Những chi tiết, những sự kiện, giống như những giả thiết. Đọc, là tìm cách chứng minh bài toán, tìm ra cái định lý của nó.
Chính vì thế, người ta cho rằng, tiểu thuyết trinh thám mới đích thị là tiểu thuyết.
Theo nghĩa đó, Foucault cho rằng, bất cứ một kho tàng, dù chôn giấu kỹ lưỡng thế nào, người chôn cũng để lại tiêu ký, để cho người tìm có tí dấu vết mà lần mò.

Hai Lúa còn nhớ, có lần, tác giả Một Chủ Nhật Khác kể là, hình như trong một bài viết, lúc nghe tin ông Diệm bị làm thịt, ông đang ngồi với một vài ông bạn, cũng sĩ quan, lính tráng. Cả bọn đồng la lên: Hỏng rồi!

Hỏng rồi, là "đại cục" hỏng rồi?
Hỏng rồi, là vui sao nước mắt lại trào?
Hỏng rồi, là sẽ có 10 ngày ở... Thiên Thai?
Hỏng rồi, là sẽ có một con bọ?

Cái "tiêu ký" 'hỏng rồi' đó, sao mà... thảm thế!