Đà Lạt

1

Thanh Tâm Tuyền, ngoài Một Chủ Nhật Khác, còn một truyện dài bỏ dở, lấy bối cảnh là Đà Lạt, hồi đó đăng từng kỳ, hình như là trên tờ Thời Tập của Viên Linh.
Giấu Mặt.
Tuy mới được đâu mấy kỳ báo, nhưng, một trong những nhân vật chính của nó, là một cô bé đã gây ấn tượng nơi người đọc.

Gấu cũng có vài kỷ niệm về Đà Lạt. Toàn những kỷ niệm để đời!

 Đúng ra phải nói, ba thành phố làm thành "tam giác tình" của Gấu, là Hà Nội - Sài Gòn - Đà Lạt.

Gấu lên Đà Lạt lần đầu, thăm ông bạn Huỳnh Phan Anh đang học sư phạm triết. Gấu tốt nghiệp trường Bưu Điện, đang chờ đi làm. Đám công chức làm từ thời Tây gọi là chờ "nominer" [gọi tên đi làm].
Đi cùng ông anh Bông Hồng Đen, cũng bạn HPA.
Đó là vào một dịp Giáng Sinh. Cả bọn uống rượu, say bí tỉ, ngất nga nngất ngư lên xuống những con dốc, la hét, văng tục, y hệt mấy tay lính lê dương, Hà Nội, và những ngày trước 1954.

Nhưng sau, Gấu hiểu. Tại  lạnh. Nhờ đọc Faulkner và chợt bật ra nỗi nhớ lạnh.
Con người là tổng số những kinh nghiệm về thời tiết. Ông viết.

Nhưng, liệu nó còn là dấu báo, tiên đoán tâm trạng 'lê dương', lưu vong, làm thuê đánh muớn, ăn nhờ ở đậu, mãi sau này, khi đã đi ra nước ngoài?

Lần đi  Đà Lạt ngay sau khi lấy vợ. Một mình. Lên ở nhà anh bạn trưởng đài vô tuyến điện Đà Lạt. Đi chơi với bạn của thằng em đã tử trận, lúc đó là sĩ quan dù đóng tại Đà Lạt. Thằng em này quen ca sĩ, lúc đó tuy chưa nổi tiếng như sau này, nhưng cũng đã nổi tiếng lắm rồi, ở thành phố Đà Lạt. Đó là Mai, còn gọi là Mai Đen. Sau này, hình như thời gian phòng trà bị cháy, cô bỏ Đà Lạt, về Sài Gòn, đi hát du ca, và trở thành Khánh Ly.
Gấu có ghé nhà cô Mai, uống rượu. Nhà đẹp lắm, ở trên một ngọn đồi.

Nhưng tuyệt vời nhất, là những ngày hè, năm đó, khi Bông Hồng Đen đậu Tú Tài I, ba tháng hè được ông bố khắc nghiệt cho đi Đà Lạt chơi. Ở nhà cô Vy, em bà con. Cho chắc ăn!

Đó là những ngày, liền sau khi Gấu "tái ngộ" Bông Hồng Đen, ở ngay cổng Vườn Tao Đàn, khi cô thủng thỉnh từ nhà, ở đường Gia Long, ngay Ngã Sáu Sài Gòn, băng vuờn Tao Đàn, tới trường Gia Long, ở đường Phan Thanh Giản.
Đúng là tái ngộ thật, là vì tính từ cái ngày đầu tiên Gấu nhìn thấy cô bé, khi cô mới 11 tuổi, khi nhà cô còn ở đường Phan Đình Phùng, cho tới buổi sáng trọng đại đó, tệ lắm, cũng dài bốn hoặc năm niên. Cô lúc đó đã là một thiếu nữ.
*

Khi gặp lại, cô bé đã đậu tú tài phần một, được ông bố khắc nghiệt cho đi thăm Đà Lạt. Mỗi sáng thứ bẩy, tôi theo chuyến xe đò sớm nhất vượt quãng đường mấy trăm cây số, rồi chiều chủ nhật trở về cho kịp thứ hai đi làm, trong đầu đầy ấp hình ảnh Đà Lạt với quán cà phê Tùng, tiếng hát Sylvie Vartan, "J'attendrai que ma vie recommence"... bóng dáng cô bé xuất hiện nơi đầu con dốc, tha thẩn bên hồ, thấp thoáng xa gần giữa vườn thông, trước ống kính máy chụp hình tôi mượn của một người bạn Phi làm cùng sở. Khi đó tuy ông Diệm không còn, nhưng Miền Bắc chắc còn đang lo đấu tố, thanh trừng địa chủ nên bỏ qua cho hạnh phúc nhỏ bé của chúng tôi.

1965. Những ngày viết "Những ngày ở Sài-gòn". Thời gian xa cách làm những giọt nước chín mùi, biến thành những chữ. Cô bé đã lớn, đã bước vào những năm cuối cùng của bậc Trung Học. Đã có lần tham gia biểu tình, bãi khóa. Đã có người yêu đón đưa những lần tới lớp, những giờ tan trường. Đã bị bà Giám Hiệu ra thông báo cấm những trò có hại cho thanh danh nhà trường như vậy. Đã bãi học không phải để tham gia biểu tình, nhưng để đi chơi với người yêu.

Lần Cuối Sàigòn.
*

"Tình yêu, tình yêu, có phải những cử chỉ của người yêu đã khuấy động phần vô thức, anh yêu em bởi vì có những phần tối tăm ở nơi anh mà anh không thể hiểu nổi, đôi mắt long lanh của em, nụ cười của em mỗi khi gặp đã soi sáng tất cả, mọi chuyện đều trở nên dễ hiểu, đều có thể cắt nghĩa được, yêu em, yêu dáng đi cô đơn của em dẫn dắt chúng ta tới khu rừng thông đầy ắp tiếng thì thầm, đến khoảng trời nước im lặng, mặt hồ run rẩy trong gió, còn em run rẩy trong tay anh, những giọt mưa đọng trên chiếc áo lạnh của em, mưa, mưa, khuôn mặt em và hạnh phúc của chúng ta..."
Lan Hương

Lần hẹn nhau trong thành phố lạnh và xa, Đà Lạt, nàng thi đậu Tú Tài phần thứ nhất, và đã lên đó trước, chàng là công chức nên còn ở Sài Gòn làm việc, chiều thứ bẩy, chàng ra bến xe đò, vượt khoảng đường mấy trăm cây số, chàng bỗng nhiên có cảm tưởng, nàng đang ở trong Hà Nội, nàng đã trở về Hà Nội trước chàng, và chiến tranh đã hết, chàng đang trở về thành phố thời ấu thơ, nay đang gìn giữ hạnh phúc của đời chàng. Khi nhìn thấy bóng dáng nàng từ đầu phố tất tả vội vã chạy lại (nàng dến trễ, vì còn phải tìm cách nói dối Vi, Vi nhất định đòi đi cùng), chàng bỗng run lên vì sợ. Chàng run lên vì sợ hãi, vì sung sướng, vì hạnh phúc, chàng sợ thực sự, sợ nàng, sợ hạnh phúc, sợ khổ sở, sợ cô đơn, sợ tất cả...
Thời Gian
*

Ba thành phố làm thành "tam giác tình" của Gấu, là Hà Nội - Sài Gòn - Đà Lạt.

Có lần, ông anh nhà thơ, do nghe lải nhải không biết là bao nhiêu mối tình lẩm cẩm một chiều của Gấu, đột nhiên hỏi:
-Ơ kìa, thế ra cậu chuyên môn sưu tầm mấy cô bắt đầu bằng chữ H?
Gấu giật mình.
Quả đúng thế thật. Nào Hương, Hồng, Hà, Hiền, Hằng...

Riêng Hồng, tới ba cô.
Thoạt đầu, Gấu tưởng Bông Hồng Đen là tình đầu. Sau truy ra một tiền thân của Hồng Đen, là Hồng Con. Hay Trương Thị Hồng, con ông Cửu Chính [?], người làng Gấu. Cái nôi của cách mạng.
Cô này, như Gấu đã viết, bị Cách Mạng bao vây đến chết, trong căn nhà của bố mẹ, sau khi đấu chết hai người thân của cô.

Câu hỏi của ông anh, sau này, Gấu nghĩ lại, đâm nghi: Có thể ông anh được "gợi hứng" từ nhân vật Autodidacte [Tự Học]  trong Buồn Nôn của Sartre. Anh chàng này vô thư viện, đọc sách theo vần ABC tên tác giả. Sau bị tay quản thủ thư viện, dân đảo Corse, đánh cho hộc máu mũi, và cấm cửa, vì nghi vô thư viện để mò mẫm con nít.
*
... Nào, đâu, con đường Trường Thi, Hà-nội, và bóng dáng một chú bé chạy vội chạy vàng tới thư viện Pháp, cho kịp giờ chiếu phim. Chỉ là những phim thời sự đen trắng của hãng Gaumont, vậy mà cũng có bữa phải lủi thủi ra về, không phải vì đến trễ, mà vì không được người gác cửa giơ ngón tay như cây đũa thần vẫy vẫy...
Nào, đâu, thư viện Gia Long, thư viện Văn Hóa Bình Dân, Đa-Kao, nơi có câu lạc bộ, có quán cà phê Làng Văn, đêm nào đang bữa tiệc bỏ ra về, chẳng thể làm thơ, và cũng chẳng bao giờ là thi sĩ, và Du Tử Lê khi đó chưa làm giùm hai câu:

Em đi áo lụa mềm lưng phố
Có động lòng thương kẻ cuối đường...
Thế Giới Thư Viện
*
Nhưng nếu, với Hà Nội là nỗi nhớ lạnh. Với Sàigòn, nhớ bùn. Và cũng lại nhờ D.H Lawrence mới bật ra nỗi nhớ này.

"Sao không hát cho những người vừa nằm xuống..."
Đã có một thời, tôi không sao chịu nổi. Chúng rũ rượi, mệt lả. Đầy sũng nước mưa, nước mắt. Chúng gọi tên thảm kịch. Thảm kịch của những cái vô ích. Của cuộc chiến điêu đứng, rồ dại. Chúng gợi tâm trạng nhớ. Nhớ bùn. Nhớ đời sống thảm hại, nhàm chán. Nhớ những kỷ niệm chẳng đáng nhớ. Nhớ ngã tư đường Lê Văn Duyệt-Phan Đình Phùng gần nhà cô bé, khi chưa có tượng Thích Quảng Đức. Cô bé hớt hải chạy ra, hớt hải lắc đầu, rồi lại hớt hải chạy về. Nhớ những ngày nhà cô bé dời lên đường Gia Long. Buổi sáng, cô đưa em đi học trường Kiến Thiết gần khu Chợ Đũi, đưa mắt nhìn người yêu đang chờ đợi trong quán cà phê Tầu ở ngay đầu đường. Khi về, cô tha thẩn giữa những hàng cây nơi vườn Tao Đàn. Mùa Thu theo chiếc lá nhẹ nhàng đậu trên vai cô bé đang mơ mộng, đang trở thành người lớn.
Lần Cuối Sàigòn

Hay như câu thơ này.

... Biết đâu em sẽ thèm mùi bùn
Bốc lên từ những hốc, hẻm, ngõ sâu
Từ dòng nước đen bên dưới cầu Thị Nghè
Khi cơn mưa đầu mùa chợt tới

Thơ NQT
*

Anh NQT quí mến,
Vừa nhận được Lần Cuối Sài Gòn trưa nay. Đọc trên chuyến xe lửa từ nhà trở lại sở. Đọc thích thú. Đọc chia sẻ. Và đọc, không biết tại sao, lại rất buồn, có lẽ những thành phố anh đang gợi lại đã vĩnh viễn ngoài chúng ta, có phải thế?
Hà Nội là một chiếc bóng đằng sau Sài Gòn. Sài Gòn là một chiếc bóng đằng sau hiện tại. Chữ gợi lại chập chùng những bóng. Những người đã từng có mặt. Những chỗ ngồi. Những góc đường. Những tàng cây.
Mới cách đây vài hôm, đọc lại Rilke, toàn bộ thư của Rilke và tập Duino Elegies, vẫn còn bần thần, vì nhận ra, quả là đúng, chúng ta vừa nhìn cái gì, là lập tức cái ấy đã là nội tại, là mất đi. Mọi thứ đều đã là Lần Cuối. Chúng ta tới đây, như để có mặt, một lần, nhìn, [hai chữ không rõ nghĩa], rồi qua đi.
Đọc mới xong phần đầu của bút ký, và thơ, đã đầy cả Sài Gòn của một thời kỳ kỳ lạ, tan hoang, lãng mạn, đổ vỡ, và bi tráng của nó.
Cám ơn anh đã gửi sách. Đã cho một buổi trưa [chấn động như nhìn xuống con nước Thị Nghè, trưa có mây - hay là “trưa cỏ may”?- chiều nhiệt đới, mù trắng xa xa Thủ Đức].
Vài hàng viết gấp kẻo anh trông, sợ sách có thể đi lạc.
Sẽ đọc tiếp Lần Cuối tối nay. Anh vẫn viết mạnh. Mong anh mãi được vậy.
[Thư thân hữu, 1998]

TQ