Đè

Giờ thì cụ Rùa đã hiểu thế nào là "lắm thầy thối mai". Nước chắc sẽ không cạn đến mức cụ phải bò đi kiếm ăn trên nền đất nẻ. Cái cụ lo là nước rồi sẽ cạn đến cái mức dung tục, để cụ bơi thế nào cũng lộ cả mai, cho trẻ con chỉ chỏ và bình phẩm. Trong khi đó, cái công thức làm nên sức hấp dẫn của Hồ Gươm chứa đến 50% là sự thiêng liêng, bí ẩn: có bao nhiêu cụ Rùa? Các cụ trông như thế nào? Cuộc sống của các cụ dưới đấy ra sao?... Quản lý một biểu tượng đâu phải chỉ là quản lý cái phần xác của biểu tượng đó, mà còn là quản lý cái phần hồn kìa. Nhưng than ôi, việc giữ cho nước Hồ Gươm đầy, nước Hồ Gươm sạch còn không xong, mong gì có được cái chiến lược cao cấp giữ cho Hồ Gươm được thiêng liêng, bí ẩn như một biểu tượng cần phải thế!
Thảo Hảo: Cụ Rùa.

Có một điều thật khác biệt giữa Cụ Rùa và... Lênin, "biểu tượng của biểu tượng", nếu xét theo đẳng cấp cách mạng vô sản, có cha già Lênin thì mới có những cha già cách mạng khác. Me xừ Lênin này thì chẳng có chừng mực gì cả. Chỗ nào cũng thấy hình của ông, từ khi còn cởi truồng, cho tới khi đầu hói trắng bóc, không còn một sợi tóc, mặt nghệt ra. Nhưng thi sĩ Joseph Brodsky cho biết, ông rất cám ơn ngài Lênin. Chính vì quá chán sự thừa mứa, chẳng biết chừng mực là gì chỉ nội về cái việc treo hình lãnh tụ như thế đó, khiến ông trở nên lãnh đạm với chế độ, dấu hiệu đầu tiên để cảm thấy mình là mình. (1)
Trong một bài tiểu luận tuyệt vời, và là nhan đề của cả một tuyển tập tiểu luận, Less Than One, ông nêu ra một chân lý, ông "ngộ" ra được nhờ cái sự thừa mứa hình Lênin kể trên: Phải thiếu một [less than one] tí tỉ tì ti thì mới khá được!
NQT
(1) I think that coming to ignore those pictures was my first lesson in switching off, my first attempt at estrangement.
Joseph Brodsky, Less Than One


Hai Lúa tôi, đọc những lời bình của giới nhà văn trong nước, nhân sự tái xuất hiện của một tác giả gái (1), Đỗ Hoàng Diệu, và truyện ngắn đang thật "nặng mùi" (1) của bà: Bóng Đè, bất giác nghĩ đến Brodsky và ý tưởng Less Than One của ông.
Và tất  nhiên, nhớ... Thảo Hảo, và cái bài viết tuyệt vời của "nàng", về Cụ Rùa.

Bài của Thảo Hảo có thể coi là một "bài mẫu" cho tất cả những ai muốn viết tản văn, phiếm, tạp ghi, tản mạn....
Nguyên tắc của nó, lạ thay, chính là cái ý tưởng "Less Than One" của Brodsky.
Hay muợn một hình ảnh của Đông Phương, qua một số ngôi chùa ở Nhật: cứ bỏ ngỏ, bỏ thiếu một tí, để cho khách thập phương bù vô, cái phần của mình, cho nó đủ, cho nó hoàn tất.
Nguyễn Tuân, cũng ý đó, khi khen trăng mười bốn đẹp hơn trăng rằm.
Hai Luá cũng bắt chước ông, nhưng, hậu sinh khả uý, mê ma mê mẩn một vầng trăng mười một! 
Bảnh hơn cả vầng trăng muời hai, "Tố của Hoàng", của ông thầy dậy học cũ, là thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Những bài tản văn của TH, tuyệt nhất là, nó để lại một cái gì vấn vương ở người đọc, bắt người đọc đọc lại. Nó cho người đọc cảm nhận, người viết hình như còn muốn nói một điều gì đó, ngay người viết cũng không hình dung rõ ràng, mà chỉ mơ hồ cảm nhận. Thí dụ, trong bài Cụ Rùa, có vẻ như Thảo Hảo muốn "nhắn nhủ" những nhà văn ưa bầy hàng họ của mình tê hê ra, khi viết:
"Chừng mực là yếu tố làm nên sang trọng." Hay, muốn "chửi" nhà nước, "Nhưng than ôi, việc giữ cho nước Hồ Gươm đầy, nước Hồ Gươm sạch còn không xong, mong gì giữ cho Hồ Gươm được thiêng liêng, bí ẩn, như một biểu tượng cần phải thế!"

Cái kiểu viết phiếm, vô thư viện, giở tủ sách, cóp đủ thứ tài liệu, nhét đủ thứ cóc nhái, ễnh ương, là thơ bè bạn, rồi kéo cho dài, cho dai, cho dở, [cho dơ, đôi khi thôi], rồi, khi cảm thấy độc giả sắp... văng tục, là... bèn ngưng, thế mà gọi là phiếm,... hử?
Tốt nhất, nên đọc [lại] Thảo Hảo, rồi hãy viết!
Không lẽ đỉnh cao của thời đại "báo mạng" là Thảo Hảo, và sau đó là... phiếm?

Theo tôi, một trong những thách đố quan trọng nhất, đối với bất cứ một nhà văn hải ngoại, là, viết làm sao, để cho độc giả, nhất là độc giả trong nước, cảm nhận: Bài viết này hình như muốn nhắn nhủ chính ta, một điều gì đó, và điều này
thật "thiêng liêng và bí ẩn" [mượn chữ của "nàng"].
Đây mới chính là "tham vọng" của những bài tản văn của... Thảo Hảo.

Phiếm gì thì phiếm, hửi gì thì hửi, nhưng phải làm sao, tuy là đang "hửi đồ đầm", mà vẫn làm cho chính  mình, cũng như độc giả của mình, cảm thấy, đang "hửi đồ nhà".
Thế là "đạt" vậy!

[Cái kiểu viết Tạp Ghi của Hai Luá cũng đã từng bị hơn một độc giả/tác giả chửi, là "phách lối", "anh hai" [chữ của một tác giả, chê cách dịch của Hai Lúa], "lăng ba vi bộ", [nhà phê bình BVP], đang viết cái này nhảy qua cái khác, "lạc đề", "nham nhở"  theo nghĩa, như chó gặm, chưa hoàn tất, và nham nhở theo nghĩa... nham nhở, hay nói theo kiểu nam, đồ già dịch, nhưng xin để một dịp khác, sẽ bàn tới. NQT]

Phải nhẹ mùi đi một tí, thiếu một tí gì đó, thì mới khá được.
Phải nói là, có một cái gì thật thiếu, và có một cái gì thật thừa, nhân hiện tượng Bóng Đè. Chúng ta nhận ra điều này, qua hai cách đọc nó, một khen và một chê, nhân cuộc thảo luận về tác giả này.
Thiếu sự dũng cảm đọc thẳng, viết thẳng vào cuộc sống.
Thừa quanh co, dối trá, luờng gạt, khi cố tình viết về sex, qua đó, nói những chuyện quá khứ, như một nguyên nhân đưa đến hậu quả là cuộc sống hiện tại.
[Ngay cả hiện tượng Trâm Thạc, và cái sự vơ vào, coi đây là một thứ nhật ký Anne Frank, cũng là một hành động lường gạt trắng trợn].
Trong truyện, cô con dâu bị bóng ma "quá khứ", là ông bố, hay ông nội chồng, một ác ôn côn đồ địa chủ đã bị nhân dân trừng phạt (2), hiếp. Chuyện hiếp này là thực, chứ không phải là ảo.
Cái kiểu "sửa sai" quá khứ, để "rũ bỏ" nó, là như vậy sao?
Sống thì bị đấu tố là hiếp nông dân gái, chết chưa yên, bị lôi vào văn chương, thành bóng đè, hiếp con dâu, tội nghiệp quá Đảng ơi, Diệu ơi!
Một "ẩn dụ" như thế, liên quan mắc mớ gì tới một tác giả hải ngoại như Lê Thị Thấm Vân, và những "phức cảm" "người nữ lưu vong" của bà, hả me-xừ PXN?
Cái "phức cảm" của LTTV theo tôi, đã có một nhà thơ diễn tả, bằng một hình ảnh thật là tuyệt vời rồi:
Hồn Đông Phương thất lạc buồn Phương Tây
[Xin coi Ai cho phép anh là thi sĩ?]
NQT
(1) Hai từ này, đều "muợn" cả, không phải của Hai Lúa.
(2)
Ông nội bị đấu tố hồi cải cách ruộng đất chết thảm trên tổ kiến lửa. Sáng mai bà nội chỉ tìm thấy vài cọng tóc ở nơi cột trói, xác không biết đi đường nào." Bóng đè truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu, trích lại trên net. Thảo luận về BĐ

Nhiều câu hỏi đề cập đến “mặc cảm tự ti” của các phụ nữ Việt trẻ - nhân vật chính trong các truyện ngắn của Diệu - trước cái bóng khổng lồ của nước Trung Hoa láng giềng, cái mặc cảm mà Hoàng Hạc (cựu phóng viên báo Tiền Phong, hiện cư trú tại Canada) nhận định là thuộc vô thức tập thể của người Việt. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nói, anh không hoan nghênh những cuốn sách như Bóng đè. Anh cho rằng nhà văn Việt Nam cần phải bứt khỏi mọi thứ mặc cảm để cho ra một thứ văn chương mới, hào sảng, mạnh mẽ, thoát khỏi mọi ràng buộc của quá khứ. Ý kiến này được sự đồng tình của Hoàng Hạc, Ngô Thảo và Hoàng Ngọc Hiến. Ông Thảo cho rằng “quá khứ đang đè nặng lên hiện tại của chúng ta”, mà Bóng đè là một ví dụ tiêu biểu. Theo những ý kiến này, chúng ta không nên vướng mắc vào quá khứ mà hãy dành trọn vẹn tâm trí mình cho hiện tại.
Thảo luận v/v Đè
"Trước cái bóng khổng lồ của nước Trung Hoa láng giềng, cái mặc cảm...",
Đây đâu phải mặc cảm mà là thực tế sờ sờ, nếu người ta đau cái nhục đàn bà Việt Nam bị bán, không chỉ qua Trung Hoa, làm nô lệ tình dục. Nhưng, với những đại phê bình gia kia, cái việc gánh vàng đi đổ sông Ngô có nghĩa, cứ đổ cho "Thằng Tầu" mọi chuyện, là xong. Nào cải cách ruộng đất, cũng đàn anh Tầu xúi. Nào Linh, nào Diệu, cũng từ Vệ Tuệ mà ra. Ngày xưa có câu cứt ông Khổng cũng thơm, là vậy.
Nhưng, cái việc gánh vàng đi đổ sông Ngô, quả là một gánh nặng lịch sử thiệt sự, không chỉ riêng của Việt Nam. Tờ Người Kinh Tế, số Tháng Tám, 2005, trong một bài viết, đã coi đây là gánh nặng của lịch sử Ba Lan, hay là nỗi bất hạnh được làm miếng sandwitch giữa hai ông láng giềng khổng lồ, là Đức và Nga. Người Ba Lan thường nói trạng, số mệnh lịch sử của họ, là làm thịt người Đức, vì trách nhiệm, và người Nga, vì niềm vui.
Trở lại với... đè. Cái khó ló cái khôn, người Việt nói. Borges áp dụng câu này vào văn chương, coi kiểm duyệt mới chính là cây đũa thần tạo nên đại tác phẩm. Ở Việt Nam, những người viết áp dụng chân lý này bằng cách, nói chính trị qua... sex. Nhưng lôi cả hồn ma về, bắt làm tình với con dâu, để giải tỏa cả trăm thứ ẩn ức [ẩn ức cải cách ruộng đất, ẩn ức gánh nặng lịch sử, ẩn ức gia đình trị, phong kiến trị, ẩn ức mẹ chồng nàng dâu...], vừa vừa thôi chứ, "đè" quá, con giun xéo mãi cũng quằn! Đến độc giả ngoại như Hai Lúa đây mà còn không thể chịu nổi nữa là trong nước.

Nguyên Ngọc, Châu Diên và một số người khác nồng nhiệt khen ngợi Bóng đè. Nhà văn Nguyên Ngọc nói, trong vài năm trở lại đây ông có tâm trạng bi quan về văn chương Việt Nam. Nhưng với Bóng đè, ông nhận ra mình đã lầm. Ông cho rằng, cũng như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh trước đây, Đỗ Hoàng Diệu là một bất ngờ, và sự ra đời một cuốn sách như Bóng đè đánh dấu mốc khởi đầu của một thời kỳ mới.

Ôi chao, chỉ cần một Bóng đè, là hết bi quan, sao lạc quan quá vậy!

Trong lời Tựa, cho cuốn sách xb sau khi Sebald mất, "Campo Canto", một tuyển tập văn xuôi, a collection of prose, Sven Meyer, người biên tập, viết: "Trong 'Moments musicaux', Những khoảnh khắc âm nhạc, trong 'An Attempt at Restitution', Một toan tính Tái dựng, và trong "Những lời phát biểu" khai mạc Munich Opera Festival và Stuttgart House of Literature, trong năm ông mất, [ông mất ngày 15 tháng Chạp 2001], nhà viết tiểu luận và nhà văn [Sebald] không còn tách ra được, không còn phân biệt được. Về những tác phẩm sau cùng, Sebald đã có lần trả lời phỏng vấn, với Sigrid Loffler, vào năm 1993: 'Chốn đồng vọng của tôi, là văn xuôi, không phải tiểu thuyết' ['My medium is prose, not the novel']."

Chúng ta có thể suy ra một điều, từ những nhà văn hiện đại, như Sebald, Cao Hành Kiện, Coetzee... họ đều là những tiểu luận gia, những nhà bình luận, những nhà phê bình. Nói rõ hơn, họ đều rất hiểu về cái môn mà họ tu tập, là văn chương.

Đây mới chính là cái tâm sự bi quan, về văn học Việt Nam. Chúng ta có, hoặc, chỉ nhà văn, hoặc, chỉ nhà phê bình. Mà, như thế, cả hai đều là "dởm" cả, nếu không muốn nói, tụt hậu.

"...cũng như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh trước đây, Đỗ Hoàng Diệu là một bất ngờ."
Nguyên Ngọc

NHT và BN không phải là một bất ngờ, mà là một cần thiết, và khi xuất hiện, người đọc thở phào, theo cái kiểu, à phải như thế chứ. Nếu không, Hoàng Ngọc Hiến đã chẳng chào mừng, theo cái kiểu răn đe, cảnh báo, thằng anh này đếch chúc mấy chú thuận buồm, thuận chèo, xuôi gió.
Ngay cả hai ông này, cũng khác nhau, một đánh trống, một thổi kèn, trong một ban nhạc đám ma "tập thể", đám ma đúp, vừa giã từ chiến trường, vừa giã từ văn học hiện thực XHCN.
Còn sự xuất hiện của Đỗ Hoàng Diệu làm người đọc lo sợ. Và mệt.
Mệt vì một "con hổ cái", như chữ của chính tác giả.

Những tản văn của Thảo Hảo đúng là những tiểu luận, trong đó, có phần văn chương của một nhà văn Phan Thị Vàng Anh ngày nào, nhưng đã được bỏ đi cái đỏng đảnh của một cô gái mới lớn, buồn phiền ngó xuống đời sống, hăm he... nổi loạn, và chính vì thế, HPA đã có lần so sánh với Sagan của Buồn ơi Chào Mi.

Câu trả lời phỏng vấn của Sebald, chỉ cần thay đổi đi một chút, là thật hợp với "nàng":
"Chốn cá hóa long của tôi, là tản văn, chứ không phải truyện ngắn"