gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

ĐIỂM SÁCH



Đối thoại xung quanh tác phẩm Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu 17:32' 28/09/2005 (GMT+7)

(VietNamNet) - Chiều 27/9, tại Hà Nội, Nhà sách Kiến thức đã tổ chức tọa đàm về tập truyện ngắn Bóng đè của nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu, một cuốn sách đang gây nhiều luồng dư luận trái chiều... 

Tuy trời mưa to, tầng 3 quán cà phê sách Intello số 59 phố Văn Miếu không còn một chỗ trống. Đến dự có nhiều nhà văn, nhà lý luận-phê bình, học giả có uy tín như Dương Tường, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Châu Diên (tức giáo sư Phạm Toàn), Nguyễn Việt Hà... cùng đại diện của nhiều báo chí trung ương và Hà Nội, đài VTV3, truyền hình Hà Nội, Vietnamnet TV. Đặc biệt, có sự hiện diện của nữ tác giả. Xinh tươi, vận bộ áo váy màu trắng nền nã, cung cách điềm tĩnh, có vẻ chị sẵn sàng đối diện những câu hỏi hóc búa nhất của cử tọa. Các bức tường được điểm xuyết những bức ảnh nghệ thuật rất đẹp khắc họa chân dung tác giả trong nhiều bối cảnh khác nhau. 

Ban đầu quán cà phê sách bị mất điện, căn phòng tranh tối tranh sáng. Chủ nhân "chữa cháy" bằng cách thắp nến lên các bàn trước mặt cử tọa, ngẫu nhiên lại làm cho khung cảnh trở nên ấm cúng và "văn nghệ" hơn. 

Bóng đè là một tập truyện ngắn đang gây dư luận trong công chúng, và cùng với nó, cái tên “lạ hoắc” Đỗ Hoàng Diệu ngày càng được nhắc tới nhiều hơn, như một “hiện tượng” trong văn chương Việt Nam hiện nay.

Thật ra, Diệu không hẳn là một cây bút “mới toanh”. Sinh năm 1976, chị từng đoạt giải thưởng Tác phẩm tuổi xanh lần thứ 1 năm 1991 với tác phẩm Ông già hàng xóm. Tuy nhiên, sau mười mấy năm “im hơi lặng tiếng”, sống cuộc sống đời thường (hiện Diệu là tư vấn luật cho một công ty nước ngoài), từ hai, ba năm trở lại đây, chị lại tái xuất hiện trong làng văn với một tư thế hoàn toàn khác. Bóng đè của chị đang dấy nên những luồng đánh giá khác biệt, thậm chí hoàn toàn đối lập nhau. Điều đó được phản ánh rõ rệt tại buổi tọa đàm này, nơi những ý kiến trái chiều được nói lên một cách thẳng thắn, trong bầu không khí đối thoại. 

Trước câu hỏi của một số nhà báo - khá tiêu biểu cho dư luận chung - rằng có phải Diệu viết về tính dục, nữ tác giả khẳng định chị không viết về tính dục mà viết về những điều khác; chị chỉ sử dụng tính dục như một phương tiện. Chị nhắc lại rằng, trong một bài phỏng vấn trước đây, chị đã nói rõ tính dục không phải là mục đích tự thân của chị khi sáng tác.

Nhiều câu hỏi đề cập đến “mặc cảm tự ti” của các phụ nữ Việt trẻ - nhân vật chính trong các truyện ngắn của Diệu - trước cái bóng khổng lồ của nước Trung Hoa láng giềng, cái mặc cảm mà Hoàng Hạc (cựu phóng viên báo Tiền Phong, hiện cư trú tại Canada) nhận định là thuộc vô thức tập thể của người Việt. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nói, anh không hoan nghênh những cuốn sách như Bóng đè. Anh cho rằng nhà văn Việt Nam cần phải bứt khỏi mọi thứ mặc cảm để cho ra một thứ văn chương mới, hào sảng, mạnh mẽ, thoát khỏi mọi ràng buộc của quá khứ. Ý kiến này được sự đồng tình của Hoàng Hạc, Ngô Thảo và Hoàng Ngọc Hiến. Ông Thảo cho rằng “quá khứ đang đè nặng lên hiện tại của chúng ta”, mà Bóng đè là một ví dụ tiêu biểu. Theo những ý kiến này, chúng ta không nên vướng mắc vào quá khứ mà hãy dành trọn vẹn tâm trí mình cho hiện tại.

Song, nhiều người khác không tán thành. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng mặc cảm nhược tiểu, cũng như mặc cảm “ngoại biên, tỉnh lẻ” (so với dòng chính) là một phức cảm có thật của người Việt nói chung, đang là chủ đề sáng tác của nhiều nhà văn trong cũng như ngoài nước (như Lê Thị Thấm Vân), và công chúng cần chia sẻ cái phức cảm đó một khi đã được biểu hiện qua sáng tác của nhà văn. Nguyên Ngọc và Châu Diên cũng nhấn mạnh rằng nhà văn Việt Nam cần phải nhận diện mặc cảm đó, đối mặt với nó, phân tích, mổ xẻ nó, chỉ khi đó họ mới có thể tự giải phóng mình khỏi mặc cảm đó, hay “giải mặc cảm” theo cách nói của Phạm Xuân Nguyên. Nguyên Ngọc cho rằng, làm được điều đó là một thái độ tri thức và dũng cảm. Theo nghĩa đó, có thể đồng tình với Châu Diên khi ông cho rằng Đỗ Hoàng Diệu không có ý định trở thành F. Sagan hay Vệ Tuệ của Việt Nam.

 Nguyên Ngọc, Châu Diên và một số người khác nồng nhiệt khen ngợi Bóng đè. Nhà văn Nguyên Ngọc nói, với trong vài năm trở lại đây ông có tâm trạng bi quan về văn chương Việt Nam. Nhưng với Bóng đè, ông nhận ra mình đã lầm. Ông cho rằng, cũng như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh trước đây, Đỗ Hoàng Diệu là một bất ngờ, và sự ra đời một cuốn sách như Bóng đè đánh dấu mốc khởi đầu của một thời kỳ mới. 

Trả lời các câu hỏi xung quanh quan niệm về phong cách sáng tác và ý thức làm nhà văn chuyên nghiệp, Đỗ Hoàng Diệu cho biết chị viết một cách tự nhiên, không mấy bận tâm đến hình thức; chị cũng không có ý định trở thành nhà văn. Bản thân chị không biết liệu sau đây chị có tiếp tục viết không, viết như thế nào; vả chăng đó không phải là điều chị bận tâm nhất. Quan trọng nhất đối với chị bây giờ là sức khỏe của người thân trong gia đình và bản thân, chị nói. 

Như một ý kiến bên lề, nhà văn Châu Diên cho rằng cách làm như của ông Dương Tất Thắng và Nhà sách Kiến thức - tổ chức họp báo và tọa đàm xung quanh các đầu sách mới - là rất cần thiết cho hoạt động văn học, đặc biệt là phê bình. Để tạo điều kiện và thúc đẩy những hoạt động phê bình đích thực, lành mạnh, dũng cảm, và học thuật, cần phải có một tờ Tạp chí Điểm sách đúng nghĩa. 

Đây là lần thứ hai nhà sách Kiến Thức (do ông Dương Tất Thắng làm giám đốc) tổ chức hoạt động quảng bá ấn phẩm có tính quy mô và chuyên nghiệp này. Lần trước, đầu tháng 3/2005, cũng tại địa chỉ này, ông Thắng đã tổ chức ra mắt tiểu thuyết Phố Tầu của nhà văn Thuận và Từ điển Khazar của Milorad Pavic, bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng.
 

Cuộc tọa đàm kết thúc lúc 5 giờ 30 chiều. Không có phát biểu tổng kết, song từ những điều đã được trao đổi, có thể tạm kết luận rằng, mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, Bóng đè quả thật là một sự kiện thời sự trong đời sống văn học. Sự kiện đó đáng được quan tâm, phân tích ngõ hầu có một nhận định khách quan, đúng đắn, đặt nó vào đúng vị trí trong tương quan với tiến trình văn học của Việt Nam và thế giới.

 Thụ Nhân

 Trích net