*

 
Chuyện Văn

1 2 3 4 5 6 7 8 9
10 11 12





 

Thánh Simone – Simone Weil 

“We must prefer real hell to an imaginary paradise”
Simone Weil
(Phải chọn địa ngục thực, thay vì một thiên đường dởm).
“Không thành công cũng thành nhân”
Nguyễn Thái Học 

George Steiner, trong bài viết Thánh Simone – Simone Weil, có nhắc tới truyền thuyết, theo đó, Plato đã nói về Diogenes: “Ông ta là một Socrates phát  khùng” (He is Socrates gone mad). Ông tự hỏi, liệu có thể áp dụng câu nói đó vào trường hợp Simone Weil?
Nhà xuất bản Gallimard, tủ sách Quarto vừa cho phát hành (1999)  tác phẩm của Simone Weil; gồm 55 bản văn, bài viết, thư từ trao đổi.
Sinh tại Paris, ngày 3 tháng hai 1909. Tự huỷ mình bằng cách nhịn ăn, Simone Weil mất ngày 24 tháng tám 1943, tại London, nơi bà tham gia lực lượng kháng chiến Pháp. Triết gia, sử gia, nhà huyền học, Simone Weil (1909-1943) đã trải qua những năm tháng đen tối của thế kỷ. George Steiner cho rằng, khí hậu thế kỷ sẽ không thể hiểu được, nếu thiếu sự đóng góp của Simone de Beauvoir, và Annah Arendt, nhưng trên hết vẫn là của Simone Weil. Như Marx, bà là triết gia luôn quan tâm tới điều kiện lao động mang tính tâm lý, xã hội, thể chất, chính trị, và luôn cả triết học, của người công nhân, hay là thân phận đổ bát mồ hôi kiếm miếng ăn của đàn ông đàn bà và trẻ em trên thế giới, dưới cái nhìn háu háu của con quái vật nhà máy. Đây là một trong những ý niệm nữ hoàng (notion reine), ý niệm về lao động, được coi như là chủ chốt trong lý thuyết về tri thức của bà: “cái thực chỉ có được bằng trầy trật, bằng cố gắng, tức là bằng lao động. Cái thực là cái cưỡng lại chúng ta” (Le réel est ce qui nous résiste). Từ đó bà cho rằng: Những người thợ biết hết, nhưng ngoài lao động, họ không biết rằng họ đã sở hữu đạo lý làm người (la sagesse). Giấc mộng về con người hoàn toàn (l’homme total) của Marx, được Simone Weil diễn tả như sau: “Chúng ta muốn đem đến cho lao động chân tay, phẩm giá mà nó có quyền được hưởng; bằng cách đem đến cho người thợ đầy đủ trí tuệ, thay vì làm mà chẳng hiểu gì hết; và dí vào tận tay trí tuệ, cái vật dụng của chính nó, bằng cách đẩy trí tuệ tiếp xúc với thế giới, thông qua lao động.”
Sau đây là trích đoạn, bài giới thiệu của Florence de Lussy, người phụ trách xuất bản toàn bộ tác phẩm của Simone Weil:
Một hình tượng đen, vàng ròng, hơi khác thường (une figure noire, et or – siêu nhân, surhumaine, theo như một vài người – vừa cuốn hút, vừa xô đẩy, đó là Simone Weil dưới mắt người đương thời là chúng ta. Ngay từ khi bà còn sống, (đã chọn lựa thái độ) một mình chống tất cả, gây xáo trộn, bực bội, tạo bực bội (scandale), và [cũng tạo nên] sự cuốn hút mãnh liệt.
“Thiên tài là một thói quen mà một vài người sử dụng” (Le ‘génie’ est une habitude que prennent certains. Valéry). Kém ông anh ba tuổi; André Weil, nhà toán học lừng danh mất tích vào ngày 5 tháng tám 1998; ngay từ nhỏ, bà cũng có những thiên tư kỳ lạ, và đau khổ vì chúng. Tới tuổi thành niên, nghĩ mình vô tài, bà quá đỗi thất vọng và chỉ thoát ra được, nhờ điều gọi là “một cú đảo chính trí thức”: đồng hóa thiên tài với ham muốn chân lý, hoài hoài, bền bỉ. Bà tin rằng, “bất cứ một con người nào, cho dù chẳng có một chút xíu thiên tư, [cũng có thể] vào được vương quốc chân lý dành cho thiên tài, nếu, và chỉ nếu, người đó ham muốn, và luôn luôn cố vươn tới, đạt cho được chân lý.”
Là một học trò cưng của Alain; ông thầy nhận ra bà luôn luôn vượt đồng bạn, làm đồng bạn thất vọng, ngỡ ngàng. Simone Pétrement đã nhận xét về bạn mình: Bà đã vội sống, và quá hối hả (qu’elle était pressée de vivre et qu’elle a couru trop vite). Sau này, khi đụng đầu với thế giới tâm linh, bà bước đi bằng những bước bẩy dậm, và chẳng còn ai theo kịp nữa… Bí mật của bà vượt ra khỏi những tài năng số một, và luôn cả những người yêu thương bà. 

Qua cuốn Simone Weil, Tác Phẩm nói trên, bà đã từng có ý định tới Đông Dương vào cuối năm 1938.
Quan điểm chống thực dân thuộc địa của bà được diễn tả qua hai bài viết trong cuốn kể trên, Những dữ kiện mới mẻ về vấn đề thực dân thuộc địa trong đế quốc Pháp (1938), và Về vấn đề thực dân thuộc địa trong tương quan với số mệnh của dân tộc Pháp (1943). Ngoài ra còn những bài viết được Louis Roubaud gom lại thành một cuốn nhan đề: Việt Nam. Bi kịch Đông Dương (nhà xb Valois, 1931). Tất cả những bài viết về chủ nghĩa thực dân thuộc địa, trừ bài cuối (1943), sau được nhà Gallimard xuất bản, trong Toàn Tập II, 1989.

 Qua bài giới thiệu, của D.C., Simone Weil quan tâm đến vấn đề thực dân thuộc địa rất trễ, thời gian 1937-1938. Nhưng liền đó, đây là một trong những mối âu lo lớn của bà. Thái độ chống đối của bà không phải chỉ là một trong số những đề tài, nhưng bà đẩy nó tiếp cận với những vấn đề khái quát hơn, đó là nghiên cưú về sự áp bức thợ thuyền và thân phận đớn đau của con người. Và đây là phát hiện lớn lao của Simone Weil, khi bà nghiên cứu về yếu tính của cái gọi là sự kiện thực dân thuộc địa: “Những vấn đề của thực dân thuộc địa đặt ra trước hết bằng những từ của sức mạnh. Thực dân thuộc địa hầu như luôn luôn bắt đầu bằng cách biểu dương sức mạnh, dưới dạng ròng của nó, tức là chiến thắng, chiếm đoạt” (Les problèmes de la colonisation se posent avant tout en termes de force. La colonisation commence presque toujours par l’exercice de la force sous sa forme pure, c’est-à-dire par la conquête).

 Theo người giới thiệu, chính khởi nghĩa Yên Bái khiến bà quan tâm tới số phận người Việt, nói rõ hơn số phận người dân thuộc địa của Pháp. Bà như chết sững trước sự độc ác của đám người Pháp cầm quyền tại Việt Nam: 150 án tử hình, hàng ngàn người bị xử bắn, và hàng ngàn người bị cầm tù. Simone Weil hết sức quan tâm đến một số bài viết, về số phận người Việt (khi đó còn gọi là Annamites), trên tờ Người Paris Nhỏ (Le Petit Parisien), ngay sau khi vụ khởi nghĩa Yên Bái xẩy ra và bị dập tắt trong vòng hai tuần lễ. “Tôi không bao giờ quên được giây phút mà, lần thứ nhất trong đời, tôi cảm và hiểu được bi kịch thực dân thuộc địa” (“Je n’oublierai jamais le moment ó, pour la première fois, j’ai senti et compris la tragédie de la colonisation).

 Câu ‘châm ngôn khủng khiếp”, dịch qua tiếng Anh ở đầu bài viết, “We must prefer real hell to an imaginary paradise”, là từ bài viết của G. Steiner, về Simone Weil, in trong No Passion Spent, Mê Đắm Chẳng Hoài, (nhà xb Yale University Press, 1996).

 Trong toàn tập Simone Weil còn có một tài liệu về vụ khởi nghĩa của Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Yên Bái (1930): phóng ảnh tờ truyền đơn bằng tiếng Pháp, yêu cầu thả những nhà ái quốc bị tuyên án tử hình:
Những người vô sản và bị áp bức,
Hãy ngăn chặn những tội ác của đế quốc!
Những tên thực dân sát nhân,
Hãy trả tự do cho 56 người của chúng ta,
bị kết án tử hình tại Yên Bái.
Và tất cả những tù nhân chính trị!
Hãy giải phóng Đông Dương.

(Tổ chức) Những di đân Đông Dương tại Pháp.


Sài Gòn nghĩa là gì?

“Đời của mi, ngay ở đây, tại nơi chốn vất đi này, mi đã làm hỏng nó…”
“Hãy nói lời giã từ thành phố mà mi đã đánh mất” 

(Lawrence Durrell)
-Sài Gòn nghĩa là gì?
-Thiếu. Nhớ.

 Khi viết xong tập đầu của một bộ bốn cuốn, về thành phố Alexandrie (Quatuor d’Alexandrie: Justine, Balthazar, Mountolive, Clea, lần lượt xuất bản từ 1957 tới 1960), Lawrence Durrell (1912-1990) đã viết thư cho bạn mình là nhà văn người Mỹ, Henry Miller; bằng một câu nói nổi tiếng, ông định nghĩa tác phẩm của mình: “Đây là một thứ thơ xuôi gửi cho một trong những thủ đô lớn lao của con tim: Thủ đô của hồi tưởng.”

 Tất cả là giả tưởng. Chỉ có thành phố là có thực. Trong Lời Tựa cho cuốn Jusrine,  Henry Miller viết: Đây là một thành phố mà chỉ một người Anh lưu vong tự nguyện, sinh ra tại (dẫy núi) Himalaya, tìm thấy sự trưởng thành của mình tại Hy Lạp, chỉ người đó mới có thể làm cho nó tái sinh. Thành phố không chỉ đóng vai dàn dựng (décor): nó là một thực thể, một sinh vật sống động, mang hơi hám ma quỉ, được tạo nên bằng máu thịt, đất đá, tội ác, mơ mộng, và bằng cả huyền thoại.” “Những nhân vật làm nên cuốn tiểu thuyết cũng có một thực tại khác thường: tôi có thể đoan trước rằng họ sẽ gây sốc và hớp hồn một độc giả Âu châu. Trong họ, có tất cả bụi bặm và những cơn điên loạn của xứ sở Cận Đông.”

 Henry Miller coi câu chuyện kể trải ra, không phải như diễn tiến của một cuốn tiểu thuyết bình thường: nó như soi nhiều tấm gương cùng một lúc; nó uốn éo trong một chất thiêng: ánh sáng. Một thứ ánh sáng siêu nhiên, tắm đẫm hồi tưởng.

 Trong Lời Tựa cho toàn tập, ấn bản tiếng Anh, tác giả viết: Đây là một nhóm bốn cuốn tiểu thuyết, được đọc như là một tác phẩm đơn (a single work) dưới tiêu đề chung là Tứ Khúc Alexandria. Cũng có thể cho nó một tiểu đề là: một từ của sự liên tục (a word of continuum, liên tục không gian-thời gian theo Einstein). Theo G. Steiner, Durrell đã chuyển viễn tượng (thuyết) Tương Đối, vào ngôn ngữ và cách tự sự. Ông nhìn thành phố Alexandria theo bốn chiều.

 Cuốn Justine xuất bản năm 1957. Đây là một thời điểm rất có ý nghĩa với những độc giả người Việt, nhất là người Việt di cư, và đã từng sống ở Sài Gòn vào thời kỳ đó. Justine đã là một trong những đề tài được đem ra thảo luận của nhóm Sáng Tạo, trong nỗ lực đả phá cái cũ (đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn), và cổ xuý cho một cái mới. Cá nhân tôi tin rằng, mấy ông trong Sáng Tạo “mê” Alexandria của Durrell, là bởi vì vừa mới mất Hà Nội! Phạm Công Thiện cũng rất mê Durrell, nhưng qua một bài viết của ông mà người viết đọc từ thuở nảo thuở nào, ông chỉ mê Justine, cô điếm thượng lưu của thành phố này thôi.

 Nhưng đâu phải một mình ông!

 Những trích đoạn, là về thành phố Alexandria, nhưng khi đọc chúng, Jennifer tôi tưởng tượng, đây là nói về Sài Gòn:

 Chính thành phố phải chịu xét đoán; nhưng chúng ta, những đứa con (của Sài Gòn), phải trả giá.

 (C’est la ville qui doit être jugée; mais c’est nous, ses enfants, qui devons payer le prix.)

 Sài Gòn là một máy ép tình yêu; thoát ra khỏi, là những kẻ bịnh hoạn, những gã cô đơn, những bậc tiên tri, tất cả những kẻ dục tính bị tổn thương nặng nề.

 (Alexandrie était le grand pressoir de l’amour; ceux qui en réchappaient étaient les malades, les solitaires, les prophètes, tous ceux enfin qui ont été profondément blessés dans leur sexe).

 Nàng là ai? Cái thành phố mà chúng ta đã chọn lựa?

 (Qui est-elle, cette ville que nous avions élue?)

 Hãy chừa riêng ra cho anh, những vết thương tình mà anh chia sẻ với Sài Gòn.

 (Épargne-moi les blessures de l’amour partagé avec Justine).

 Lũ đàn ông chúng mình, đều được tạo ra bằng bùn và quỉ ma của Sài Gòn

 (Tout homme est fait de boue et de daimon (1), et la femme ne peut pas nourrir ces deux côtés de sa nature à la fois: Mọi người đàn ông đều được tạo nên bằng bùn và quỉ ma, và một người đàn bà do bản chất, không thể nuôi nấng cả hai khía cạnh này cùng một lúc).

 Chú thích: Theo tiếng Hy Lạp cổ, daimôn có nghĩa là “thiên tài che chở” (le génie protecteur), từ này sau có nghĩa là quỉ ma (démon), và còn được chỉ những nhân vật “trung gian” giữa thần và người. (Chú thích bản tiếng Pháp, dịch từ nguyên tác tiếng Anh, của Roger Giroux, nhà xb Buchet-Chastel, 1959, lần tái bản tháng Năm, 2000)


 Lẽ phải không nghỉ hè
La raison ne prend pas de vacances.
Primo Levi
 

Primo Levi, nhà văn người Ý, một kẻ sống sót sau Lò Thiêu, theo cả hai nghĩa văn chương và cuộc đời. Chỉ có ông, và nhà thơ Paul Celan, là đã phản bác được một nhận định “thê lương, mang tính hư vô huỷ diệt” của Adorno, triết gia người Đức, gốc Do Thái: Sau Auschwitz mà còn làm thơ thì thật là dã man. 

Sau đây là trích đoạn một số câu trả lời, từ những bài phỏng vấn ông (qua bản dịch tiếng Pháp: Nói chuyện và phỏng vấn, Conversations et Entretiens, nhà xb Robert Laffont, tủ sách 10/18, từ nguyên bản tiếng Ý). Ông tự huỷ mình vào tháng Tư, 1987, tại căn phòng mà ông dự định sẽ sống suốt đời ở đó. 

Người phỏng vấn: Không có một chút run rẩy nào trong văn của ông: sáng suốt, thanh thản, và cởi mở (C’est une construction lucide, sereine, et détaché). Làm sao ông có thể tin vào một chiến thắng của lẽ phải sau khi đã trải qua biết bao phiêu lưu, như bách hại, và kinh nghiệm của những trại tù?

 Levi: Tin vào lẽ phải, điều đó có nghĩa tin vào lẽ phải của mình (sa raison); điều này không có nghĩa là lẽ phải cai quản thế giới, và càng không, cai quản con người. Không phải bởi vì người ta đã ‘kinh qua địa ngục” mà có quyền buông thõng tay. Thế hệ chúng ta không có nghỉ hè. Với lẽ phải cũng vậy: không có ngày nghỉ. Người ta không thể lấy “vacations”, với lẽ phải. Riêng về phần tôi, tôi nghi ngờ cái chuyện cho lẽ phải ngồi chơi xơi nước một thời gian (je considère avec suspicion toutes les suspensions de la raison)…. Con người là con người khi truy đuổi, nghĩa là, khi hành xử lẽ phải.

***

 Lò Thiêu Người, Holocaust, là một kinh nghiệm mang tính kỹ nghệ, thực dụng "siêu đẳng": Làm thế nào để giết được nhiều người nhất, trong một thời gian nhanh nhất, ở một nơi có diện tích nhỏ hẹp nhất, ít tốn tiền nhất. Trong những cuốn sách viết về kinh nghiệm đó, "Những người chết đuối và Những người được cứu vớt" (The Drowned and the Saved), xuất bản năm 1988, tác giả Primo Levi, chỉ như một tiểu chú, nhưng thật quý giá.

 Đây là kinh nghiệm khi ông làm lao động khổ sai tại Auschwitz, trong cuộc Chiến Tranh Lớn 1939-45. Trước khi tự tử vào tháng Tư năm 1987, ông có đưa ra nhận xét: Khi viết về thế giới bi đát của những trại tập trung, ông hy vọng tránh được hai điều: lợi dụng tu từ, văn chương làm mủi lòng người đọc, và dấy lên tâm lý trả thù. Thay vì vậy, ông chọn ngôn ngữ trầm tĩnh, nghiêm trang, nhã nhặn, và mực thước, của một người chứng. Nhưng trên tất cả, người đọc vẫn nhận ra, đây là một ngôn ngữ rất buồn thảm.

 Sau khi được thả, ông viết hai cuốn, nay trở thành cổ điển, "Sống sót tại Auschwitz" (1947), "Lại tỉnh thức" (1963). Cuốn sách nhỏ bé "Những kẻ chết đuối..." là nỗ lực sau cùng của tác giả nhằm "hiểu" kinh nghiệm đó, một kinh nghiệm như tác giả đã từng chỉ ra, vượt khỏi cõi "nhân tri".

 Một trong những chương của cuốn sách viết về "Sự hung dữ vô dụng". Những chi tiết về những trò độc ác của đám cai tù, khi hành hạ tù nhân một cách vô cớ, không một mục đích, ngoài thú vui nhìn chính họ đang hành hạ kẻ khác. Sự hung dữ tưởng như vô dụng đó, cuối cùng cho thấy, không phải hoàn toàn vô dụng. Nó đưa đến kết luận: Người Do thái không phải là người.

 Từng bước một, Levi cho thấy, trò nhục mạ, làm mất tính người ở trong trại tùy thuộc vào những "đặc quyền, đặc lợi", tuy nhỏ nhặt nhưng nó làm nên lằn ranh phân biệt giữa sống và chết. Có những công việc nho nhỏ, dành cho một số tù nhân nào đó, để được thêm một chút khẩu phần. Có những công việc khấm khá hơn, dành cho đám công chức hạng thấp như lau chùi, quét dọn, gác đêm, trợ tá của trợ tá... Ông ngần ngại khi phải phán đoán, những người làm ăng ten, cũng như những người dám đứng lên chống đối, và cố gắng giữ một đáp ứng dung hòa đôi khi vượt khỏi khả năng của con người. Trả lời một số phóng viên, Levi cho biết cảm tưởng, về những lời bào chữa "không biết đến những chuyện đó": Không thể tin được. Rằng, tinh thần bài Do thái không phải do Nazi bịa đặt ra mà đã đóng rễ lâu đời trong văn hóa Đức.

 Vào năm 1743, khi Moses Mendelssohn tới Berlin, trong túi không có một xu, và không thể nói tiếng Đức suông sẻ, khi đó có 333 gia đình Do thái, cư dân của một thành phố chưa tới hai ngàn người. Họ được chấp nhận (tolerated), chỉ vì sự hữu dụng về kinh tế. Quyền cư trú, đi lại bị hạn chế, bị gạt ra khỏi những việc làm phục vụ công cộng. Không được quyền vào các hội thương mại, không được quyền buôn bán một số mặt hàng. Bị đánh thuế một cách tàn bạo, vào bất cứ một dịp nào, cưới hỏi, du lịch, mua nhà... Luôn luôn, dễ dàng bị trục xuất khỏi nơi cư trú bất cứ lúc nào, tuỳ theo hứng của nhà cầm quyền địa phương. Trên hết, họ luôn bị nghi ngờ có hành vi, phạm tội ác, ngấm ngầm chống lại đa số người Đức.

 Mendelssohn sau đó đã vượt mọi khó khăn để học tiếng Đức, và những hiểu biết chuyên môn khác, để theo đuổi nghề dậy học, trở thành bạn thân của Lessing, trở thành một triết gia có tiếng tăm tại Âu châu. Ông tỏ ra tin tưởng, người Do thái có phần nào trách nhiệm về sự cô lập của họ. Rằng họ nên cố gắng tránh bị cô lập bằng cách chấp nhận văn hóa Đức, như là của riêng, của chính họ, bỏ đi những tục lệ tôn giáo "lỗi thời", coi đó là một thành phần sau cùng phải được "đồng hóa". Nhờ nghị lực của những người khai phá như ông, quan niệm đồng hóa với những người khác, với đa số Đức, có vẻ bùi tai đối với những người lãnh đạo cộng đồng Do thái sau đó, và quan niệm tự nâng cao bản thân mình là chìa khóa quan trọng. Trong hai thế kỷ tiếp theo, con số người Do thái, được rửa tội hay không được rửa tội, chấp nhận làm người Đức, từ cách ăn mặc, hành vi cư xử, thói hư tật xấu, tính tốt, kể cả lòng tự hào, lòng ái quốc được là người Đức, được có quê hương, tổ quốc Đức... ngày càng gia tăng. Nhưng điều này chỉ như dầu đổ vào lửa là lòng hận thù Do thái ngày một thêm dữ dội. Cơ hội cuối cùng để được đồng hóa của họ là Lò Thiêu Người.

 Địa ngục đã làm việc ra sao. Trong cuốn "Những Đao Phủ Tự Nguyện của Hitler: Những con người Đức bình thường và Lò Thiêu Người" (nhà xb Knopf, 622 trang, 1996), Daniel Jonah Goldhagen đã đưa ra một cái nhìn mới mẻ về bản chất chủ nghĩa bài Do thái. Ông nghiên cứu cách phát triển của thế kỷ 19, theo đó, đã cung ứng một xã hội đấy ứ hận thù Do thái, sẵn sàng, tự nguyện để được động viên vào bất cứ biện pháp, hành động nào chống lại Do thái, và hỗ trợ trò giết người hàng loạt sau đó. Ông tin tưởng, trái với quan niệm thông thường, vẫn được chấp nhận, theo đó, đại bộ phận những người Đức bình thường đã "bất bình" với chủ trương bài Do thái của Nazi, nếu họ phải tham gia là vì quá sợ hãi, do sức ép của xã hội, một sự vâng lời thái quá...

 Không phải như vậy. Đa số đã chia sẻ trò giết người với Hitler, tự nguyện tham gia làm đao phủ. Việc cần thiết phải huỷ diệt Do thái là rõ ràng, đối với tất cả, tiếp theo quan niệm Do thái là kẻ xâm lăng, ngoại lai, đối với cơ cấu xã hội Đức.

 
Khi cuốn sách được xuất bản tại Hoa Kỳ, nó đã gây một phản ứng thù nghịch rất dữ dội tại Đức, trong cả hai giới truyền thông và sử học. Trớ trêu là, khi những bản dịch Đức ngữ đầu tiên xuất hiện, tháng Tám 1996, tất cả được bán sạch, vài tuần sau, 130 ngàn ấn bản được tung ra. Tháng Chín, 1996, khi tác giả xuất hiện tại Đức, chuyến đi "chào hàng" của ông đã là một "succès fou": Goldhagen đã chinh phục Đức quốc! Trong vòng 10 ngày, giở bất cứ một tờ báo, mở bất cứ một chương trình TV là đều thấy bộ mặt bảnh trai của nhà khoa học chính trị trẻ tuổi của Harvard ("Ông ta trông giống như Tom Hanks"). Buổi thảo luận về cuốn sách, lần đầu được tổ chức tại Hamburg, con số tham dự là 600 người. Lần chót tại Munich, 2500 vé, 10 Đức mã một, bán sạch. Công chúng Đức đến để nghe chính điều tác giả nói, trong 600 trang nguyên bản, 700 trang dịch bản, tóm tắt là: Lò Thiêu Người chỉ xẩy ra tại Đức, nhập thân vào chế độ Đệ Tam Reich, bởi vì đó là cách các người đã là (you were the way you were). Các người làm điều đó, chỉ các người thôi, bởi vì các người là một trong những quốc gia bị vò xé bởi lòng thù hận, phải huỷ diệt Do thái, và đều là đồng lõa, một khi thời gian chím mùi.

 Cũng thật trớ trêu, câu hỏi: Tại sao rất nhiều người Do thái thừa cơ hội, phương tiện để bỏ đi, đã quyết định bi thảm là ở lại Đức Quốc Xã? Vào cuối năm 1932 và những tháng đầu năm 1833, những người Do thái đã ngần ngại khi phải chấp nhận, thái độ thù nghịch đối với họ sẽ tiếp tục, và mạng sống của họ sẽ bị đe dọa trầm trọng, bởi việc Nazi lên cầm quyền. John V.H. Dippel, tác giả cuốn "Bound Upon a Wheel of Fire" (nhà xb BasicBooks, 384 trang, 1996), đặt câu hỏi như trên, và đưa ra câu trả lời đại khái là, như những người Đức khác, người Do thái mong mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp thay vì tồi tệ, một khi Nazi lên nắm quyền. Những người Do thái bảo thủ tin rằng , Nazi có nghĩa là chấm dứt sự mất ổn định của những ngày cuối cùng Cộng hòa Weimar, chấm dứt sự đe dọa của Cộng sản, và sau đó là một sự trở lại giầu có kinh tế. Những người Do thái ái quốc hân hoan với vai trò quốc tế đã được tái lập của nước Đức, đây là một trong những mục tiêu của Hitler. Những người bị ám ảnh bởi những bài diễn văn hùng hồn bài Do thái của Hitler thì tự an ủi một điều là, Fuhrer sẽ dễ dãi, biết điều hơn, với thời gian. Họ đều nghĩ rằng những đe dọa không thực sự nhắm vào họ, bởi vì họ tin tưởng chính họ cũng là người Đức.

 Kể lại câu chuyện của họ, tác giả tập trung vào 6 người. Sáu kinh ngiệm ở lại xây dựng nước Đức thay vì rời khỏi. Họ là Richard Willstatter, Nobel hóa học; Bella Fromm, phiếm luận gia xã hội tại Berlin; Hans-Joachim Schoeps, lãnh đạo thanh niên hữu phái; Robert Weltsch, chủ nhiệm nhật báo ở Berlin; Max Waburg, chủ nhà băng, và Leo Baeck, lãnh đạo tôn giáo ở Berlin. Khi quyết định ở lại, tuy chỉ là ảo tưởng, nhưng tất cả đều tự đồng hóa họ với văn hóa Đức, và cảm nhận về trách nhiệm đối với những người Do thái anh em. Lạ một điều, cả 6 người sau cùng đều may mắn trốn đi được, tránh khỏi số phận bị đưa vào lò thiêu, như hàng trăm ngàn người khác, đã làm theo họ.

 ***

 Primo Levi sinh tại Turin, năm 1919, trong một căn phòng mà ông dự tính sống ở đó suốt đời, và là nơi ông tự chấm dứt đời mình vào tháng Tư 1987. Như những cư dân Do-thái ở khu vực này, gia đình ông từ vùng quê Piedmontese tới Turin từ những thế hệ trước, và đã hội nhập vào cuộc sống văn hóa ở đây. Primo Levi lớn lên dưới thời Phát-xít, nhưng chỉ khi đạo luật sắc tộc, Race Laws, ra đời (1938), ông mới bị khốn khổ vì nó. Ông theo học môn hóa tại đại học Turin nhờ một ông thầy tốt bụng không cần biết đến gốc gác Do-thái của người sinh viên.

 Tháng Bẩy 1943, Mussolini xuống, mọi chuyện thay đổi. Thoạt đầu, Italy nằm ở giữa hai thế lực quân sự: Đồng Minh chiếm đóng Sicily và vùng cực nam, còn người Đức ở phía bắc lúc này chưa có ý định xâm lăng. Tháng Chín, lực lượng Ý theo Đức chiếm đóng Pháp "di tản chiến thuật", tràn qua Turin. "Đoàn quân tan hàng", như  Levi gọi. Theo sau, không thể tránh được, là "con rắn xanh xám": những binh đoàn Đức lượn trên đường phố Milan và Turin.

 Rất nhiều Do-thái cùng thời với Levi ở Turin đã tham gia lực lượng kháng chiến từ trước đó, và khi quân Đức xâm lăng, Levi cũng gia nhập. Ông trải qua ba tháng cùng lực lượng võ trang ở vùng đồi dưới dẫy Alps, trước khi nhóm này bị phản bội, và bị Phát-xít tóm, vào ngày 13 tháng Chạp năm 1943.

 Ông cung khai căn cước Do-thái, bị tống tới trại chuyển tiếp ở Fossoli di Capri, và sau đó, vào ngày 22 tháng Hai, 1944, bị đưa đi Auschwitz cùng với 649 tù nhân Do-thái khác (23 sống sót).

 Tới nơi, ông được đóng số tù 174517, và được phân về khu Auschwitz III-Monowitz. Làm việc trong khu trồng cao su tổng hợp, chủ nhân là I.G. Farben nhưng do SS điều hành. Ông ở Auschwitz cho tới khi người Đức bỏ chạy vào tháng Giêng 1945, và sau đó được Hồng Quân giải phóng ngày 27 tháng Giêng 1945. Trôi nổi tới Katowice, thuộc Galicia, qua Byelorussia, Ukraine, Romania, Hungary, Austria, Germany, và sau cùng là quê nhà Turin. Cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ sau được miêu tả trong La tregua (Lại Tỉnh Thức)

 Trở lại quê hương, ông tiếp tục cuộc sống đơn điệu, "một mầu", so với 12 tháng trời "nhiều mầu" trước đó. Chịu không nổi cơn thôi thúc, ông viết Se questo è un uomo (Đây có phải một người, If This is a Man), ghi lại kinh nghiệm của ông tại Auschwitz. Cuốn sách không kiếm ra độc giả khi mới xuất hiện vào năm 1947. Primo Levi bỏ viết, lấy vợ, và bắt đầu làm cho SIVA, một công ty sơn địa phương, trở thành chuyên viên có thẩm quyền quốc tế, về men dây tổng hợp (synthetic wire enamels). Vào năm 1958, Einaudi, nhà xuất bản có tiếng tăm ở Turin, đã tái bản cuốn sách của ông; được bạn bè thân nhân cổ võ nhân thành công nho nhỏ này, Levi viết La Tregua, những chương đoạn tiếp theo, được xuất bản vào năm 1963. Trong thập niên kế đó, thành công cứ tăng dần, như một nhà văn (as a writer): Il sistema periodico (The Periodic Table), La Chiave a stella (The Monkey's Wrench), hai tuyển tập những bài viết ngắn; Se non ora, quando? (If Not Now, When?), một tiểu thuyết về cuộc kháng chiến của người Do-thái trong thời kỳ chiến tranh ở Âu-châu; Lilit e altri racconti (Moments of Reprieve), tuyển tập những hồi nhớ và những mẩu vẽ về kinh nghiệm trại tù; một số tiểu luận đa dạng và thơ; viết thường trực cho trang văn học của tờ La Stampa, một nhật báo ở Turin. Năm 1975, ông nghỉ việc ở SIVA, và dùng hết thì giờ vào việc viết. Cuốn sách cuối của ông I sommersi e i salvati (Những kẻ chết đuối và những người được cứu thoát, The Drowned and The Saved) được xuất bản năm 1986, một năm trước khi ông tự huỷ mình.

 Như một tưởng niệm của quê nhà, một lối đi dưới lá, trước giáo đường Via Pio V ở Turin, mang tên ông, vào tháng Tư 1996.

 Cũng nên biết qua về số phận tác phẩm của Levi. Khi ông đem Se questo è un uomo tới nhà xuất bản Einaudi vào năm 1946, nó đã bị "vứt vào thùng rác" bởi một người đọc (reader) ẩn danh, trong số những người đọc của nhà xuất bản này (sau người ta biết được, đó là Natalia Ginzburg; chính bà này lại thuộc về một gia đình Do-thái nổi tiếng ở Turin). Nhiều năm sau, ông chủ nhà xuất bản là Giulio Einaudi thanh minh, ông không hề biết lý do cuốn sách bị bỏ vô thùng rác. Bản thân Levi, ông buồn buồn diễn tả, về "một người đọc không chăm chú". Nên nhớ, vào thời gian này, và vài năm tiếp theo đó, những địa danh như Bergen-Belsen và Dachau đã đứng thế cho Auschwitz: Bị tống xuất, vì chính trị hơn là vì sắc tộc, được nhấn mạnh, và như vậy dễ chấp nhận hơn: như là những tổn thất thời chiến của lực lượng kháng chiến quốc gia. Cuốn sách in 2,500 do nhà xuất bản địa phương, chủ nhân là một cựu kháng chiến (mỉa mai thay, nó nằm trong loạt sách tưởng nhớ những anh hùng kháng chiến Do-thái và nhà tuẫn nạn Leone Ginzburg: ông chồng của Natalia ở trên đã nói tới). Hầu hết nằm nhấm bụi trong một nhà kho ở Florence, và bị tiêu hủy trong trận lụt 20 năm sau đó.

 La Tregua đỡ hẩm hiu hơn. In tháng Tư 1963, đứng số ba trong cuộc thi quốc gia trong năm, giải Strega Prize (sau cuốn Lessico famigliare của Natalia Ginzburg). Nhưng nhờ vậy, nó làm người đọc lần mò tới cuốn đầu, và thế giá Levi tăng dần, đối với cả nước, và giới phê bình. Thế giá "quốc tế" cũng chầm chậm tăng dần. Bản dịch Se questo... của Stuart Woolf tại Anh vào năm 1959, dưới nhan đề If This Is a Man chỉ bán được vài trăm cuốn. Ấn bản Mỹ, dưới cái tên Sống sót tại Auschwitz (Survival in Auschwitz) - nắm được "diện" (the subject), nhưng mất "điểm" (the point) - bán lèo tèo cho tới khi The Peridoic Table ăn khách, 20 năm sau đó. Cuốn La Tregua xuất bản tại Mỹ có cái tên "lạc quan" Lại Tỉnh Thức (The Reawakening), trong khi nhan đề tiếng Ý đề nghị hoặc từ Truce (Hưu chiến), hay Respite (Giải lao), cuốn sách chấm dứt rõ ràng như vậy, bởi vì những ngày tháng lang thang vùng Đông Đức của Levi là một "ngoài-thời" (a kind of "time out"), giữa Auschwitz-như-kinh nghiệm và Auschwitz-như-hồi nhớ. Cuốn sách khép lại với tiếng kẻng báo thức, đúng ra là tiếng hô buổi sáng của trưởng trại Auschwitz: Thức dậy! (Wstawach!).

 Những bản dịch tiếng Đức cũng theo dần, cùng với năm tháng, và Levi được biết tới ở Cộng Hoà Liên Bang Đức. Nhưng những nhà xuất bản Pháp lại tránh né ông, trong nhiều năm. Khi tờ Thời Mới (của Jean-Paul Sartre) in những trích đoạn, từ Se questo..., vào tháng Năm 1961, nó đã có nhan đề: Tôi là một người (J'étais un homme), gần như đảo ngược ý nghĩa của cuốn sách. Nhà xuất bản thế giá nhất của Pháp, Gallimard, trong một thời gian dài, đã cưỡng lại ý định mua bất cứ cái gì từ Levi; sau cái chết, tác phẩm và ý nghĩa của ông mới được thừa nhận ở Pháp. Nói chung là ở bất cứ nơi đâu, sự quan trọng của tác phẩm đầu của ông chỉ được "chiếu rọi", do sự xuất hiện của cuốn cuối, Những kẻ chết đuối... (The Drowned...). Như đề tài của nó cho thấy, Primo Levi ít nhất cũng đã bặt tiếng, trong nhiều năm.

 Thật sự mà nói, Primo Levi có quá ít, để được những nhà chuyên săn tìm tiểu sử chú ý tới. Ông sống một cuộc đời "nhà nghề" chẳng có gì đặc biệt (một chuyên viên ngành hóa), một cuộc sống riêng tư "một mầu". Ông sử dụng những cuốn sách của ông để kể và miêu tả cuộc đời mà ông đeo đuổi đó. Nếu bạn muốn biết ông đã làm gì, nghĩ gì, ông cảm nghĩ ra sao, bạn chỉ phải đọc ông. Như  một hậu quả, bất cứ một kể lại (retelling) "cuộc đời và tác phẩm" sẽ chịu rủi ro: một cố gắng thất bại tự thân (self-defeating effort) nhằm tái sắp xếp và đảo qua đảo lại (paraphrase) những bản viết của ông. Và theo Tony Judt, trên tờ The New York Review of Books (May, 20, 1999), đây là thất bại của Bi kịch của một người lạc quan, cuốn tiểu sửû mới nhất về Levi của Myriam Anissimov (bản Anh ngữ, dịch từ tiếng Pháp, của Steve Cox, nhà xb Overlook, 452 trang, $37.95). So với bản tiếng Pháp, hoặc tiếng Ý, bản tiếng Anh đã sửa lại cho đúng, một số sự kiện, và tuy không hấp dẫn, nhưng đọc được và chứa đựng nhiều thông tin hơn. Điều tai hại ở đây là, tác giả cuốn sách đã thất bại không giải thích cho độc giả hiểu được một điều: tại sao Primo Levi lại hào hứng hấp dẫn đến như thế? Nhưng ít nhiều bà đã cho người đọc nhận ra, Primo Levi "đứng được" với "thời gian", như là một thế giá văn chương và hồi ức về Lò Thiêu: Một người diễu cợt (ironist) và hài hước (humorist) đã đi lại - như là một cách chơi - qua những nấc thang âm thanh, đề tài, giọng điệu... Primo Levi được trình bầy ở đây: như là một con người lạc quan, một Do-thái đã hội nhập vào một người Ý trong cơn đọa đầy ở Auschwitz. Có thể so sánh với Dante, bằng cách diễn tả Ulysses - một hình tượng văn chương mà Levi ưa thích, và cũng là một hóa thân của ông - như một người lính già trên đường qui cố hương kể lại một vài vấn đề khi rong chơi nơi Lò Thiêu.

 Levi có một vài căn cước. Ông không bực vì chúng, như một số nhà phê bình Ý, hoặc một số độc giả thuộc cộng đồng Do-thái ở Mỹ. Ở vị thế số một: ông là một người Ý. Và tự hào vì nó. Mặc dù những lỗi lầm của quê hương, ông vẫn tự hào: Những ngày này thường có người tỏ ra tủi hổ vì là người Ý. Thực ra chúng ta có những lý do tốt đẹp để mà tủi hổ: Trước hết và trên hết, tủi hổ vì không có thể sản xuất ra được một giai cấp chính trị đại diện cho chúng ta; thay vì vậy lại châm chước cho một giai cấp chính trị dòng dã 30 năm không đại diện cho chúng ta. Về mặt khác, chúng ta có những đức tính mà chính chúng ta cũng không ngờ tới, và chúng ta lại không nhận ra một điều là, những đức tính đó thật hiếm hoi, ở Âu-châu và ở trên thế giới.

 
Trong bài Bạt khép chương viết nhan đề Ngôn ngữ thoát ra khỏi Bóng đen, trong cuốn Ngôn ngữ và Câm lặng, George Steiner kể chuyện trong ghetto Warsaw, một em bé ghi vào nhật ký của trại tù: "Tôi đói, tôi lạnh; khi tôi lớn, tôi muốn tôi là một người Đức, và như vậy tôi sẽ không còn đói và lạnh nữa." Bây giờ tôi (Steiner) muốn viết lại câu đó: "Tôi đói, tôi lạnh; khi tôi lớn, tôi muốn là một người Đức, và tôi sẽ không đói, không lạnh nữa". Và cứ nói câu đó, nói đi nói lại nhiều lần, như một lời cầu nguyện cho đứa bé, cho chính tôi. Bởi vì khi câu nói đó được viết ra, tôi được chăm nuôi, quá cả yêu cầu của tôi, và tôi ngủ ấm, và tôi câm lặng.


 Ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như ? 

-Anh coi thường em quá. Oanh ngăn xúc động dịu dàng nói.
-Rồi em sẽ hiểu, nên để người ta coi thường mình. Kiệt trở giọng giận dữ – Mình là cái quái gì. Anh chỉ mong được mọi người coi thuờng anh…
(Thanh Tâm Tuyền, Một Chủ Nhật Khác)
 

Nabokov, nhà văn lưu vong người Nga, viết văn bằng tiếng Anh, trong một cuộc phỏng vấn, đã tỏ ra bực bội của ông khi thấy thiên hạ chỉ biết tới Lolita mà chẳng thèm để ý tới cha sinh mẹ đẻ “cô bé” là ai: “Lolita mới nổi tiếng, còn tôi chỉ là một tên tiểu thuyết gia u tối, bội phần u tối, với một cái tên thật khó đọc.” 

Đây là nỗi bực chung của “thiên tài”, theo tôi.
 

Khi "Cái Trống Thiếc" ra đời, được thiên hạ vồ vập, Guenter Grass cho biết, ông viết nó ở Paris, quận 13, đại lộ Italie. Ông, người vợ đầu, Anna, đã sống hạnh phúc tại đó, trong một căn nhà nhỏ xíu. Họ cho ra đời một cặp sinh đôi, tại căn nhà nhỏ xíu thêm lên đó. Tuy nhiên ông biết, đang nắm một cái gì đó, và tiên cảm được điều này. “Đây là một đề tài mà tôi đã tránh néù trong nhiều năm…. nhưng không thể bỏ qua. Vậy là tôi đối đầu với nó.”

 Nguyễn Du biết trước, ông sẽ phải đối đầu với một nàng Kiều. Có thể ngay từ khi còn là một đứa bé, theo ông anh đi tới trà đình, tửu quán, nghe một nàng Kiều nào đó thốt lên lời đau thương, ông đã nhận ra cái tâm sự đồng bệnh tương lân giữa nghệ sĩ và nghệ sĩ… Người đời sau tra hỏi, Nguyễn Du viết Truyện Kiều khi nào, trước hay sau khi đi sứ, trước hay sau loạn Tây Sơn… tôi xin được có “ý kiến ý cò” ở đây: ông viết nó, ngay từ giây phút bước chân vào đời, hay nói rõ hơn: ngay từ giây phút bước chân vào một nhà hát ả đào, nghe tiếng hát cất lên: “Đời ca hát ngày tháng, cho người mua vui”, “Sống làm vợ khắp người ta”…, và “cậu bé” sững sờ tự hỏi: "Phải chăng lời ca của cô làm chúng ta bay bổng, hay biết đâu, chính sự lặng ngắt dị thường quấn quít quanh sợi tơ, là tiếng hát của cô?" (Josephine the Singer, or Mouse Folk, Josephine Nữ Ca sĩ, hay là Dân Chuột. Kafka).

 Đâu có khác nhà tiên tri, chịu không thấu gánh nặng mặc khải: gánh nặng mặc khải của Nguyễn Du, là nàng Kiều; ông biết ông sẽ phải đương đầu với “nó”. Và “nó” phải thành công. Và thiên hạ sau này sẽ chỉ biết tới “nó”. Ông cầu mong được san sẻ một vài giọt nước mắt, khi thiên hạ nhỏ xuống, cho một “ma không chồng”.

 “Cuộc đời trăm năm rách nát với văn chương” (thơ chữ Hán, Nguyễn Du). Đâu khác chi Kafka, khi khẳng định: “Ông Trời ‘năn nỉ’ tôi đừng viết nhưng tôi phải viết” ("Dieu ne veut pas que j'écrive, mais moi je dois"). Nguyễn Du, thời gian “trốn đời, ở ẩn”, khiêm tốn gọi mình là một tên thợ săn ở núi Hồng Sơn (tài liệu từ cuốn thơ chữ Hán của Nguyễn Du, in ấn ở miền bắc, lọt vào miền nam do ngả Paris, người viết được đọc trước 1975); lúc này ông già, yếu, đói, bịnh, và đói, nhưng “nhằm nhò chi ba cái lẻ tẻ”, cuộc đời trăm năm đã dành cho “mắt xanh” mất rồi, đâu có thời giờ đi kiếm tiền chữa bịnh!

 Ông than van, ông cầu mong; nhưng “bạn của ông”, nhà văn người Pháp, Gustave Flaubert, thì không “hiền khô” như vậy: Flaubert đã từng phát điên lên, tại sao ‘con điếm’ Bovary cứ sống hoài, trong khi ta nằm đây, chết như một con chó ghẻ? (Flaubert cried out against the paradox whereby he lay dying like a dog whereas that ‘whore’ Emma Bovary, his creature… continued alive. G. Steiner, The Uncommon Reader). Đời đọc tính theo giờ, đời sách tính bằng thiên niên kỷ. Pindar là người đầu tiên nhận ra sự trớ trêu này: Khi thành phố mà tôi ca ngợi, đã lụi tàn, khi những con người mà tôi hát hỏng, đã chìm vào quên lãng, những con chữ của tôi vẫn còn hoài. Đây chính là “sợi chỉ xuyên suốt”, khởi từ Horace với khẳng định ‘exegi monumentum’* tới Mallarmé, với giả dụ rằng: thế giới hiện hữu là để tiến tới một cuốn sách, cuốn sách sau cùng, bản văn vượt thời gian (the final book, the text that transcends time. George Steiner).
****

 Người viết có một anh bạn, mê văn chương. Mê lắm, nhưng cứ nay lần, mai lữa, vì còn nhiều việc phải làm. Nào lo cho xong cái nhà, kiếm mấy chân hụi cho bà xã để dành tiền lo cho xấp nhỏ… tới lúc rảnh rang, tính viết văn, thì phát giác ung thư đã ăn tới tận cổ họng. Văn chương, ở ngay “làng kế bên” (The next village, Kafka)* vậy mà cả một cuộc đời dài như thế, hạnh phúc như thế, “vưỡn” chẳng nhín ra được một tí thời giờ cần thiết cho nó!

 Lại có một anh, lúc tre trẻ cũng viết được một, hai truyện ngắn, cứ tạm cho là được, vì báo này báo nọ đăng, ông bạn ấy, ông bạn ớ  gật gù, “Được, Được!”. Rồi cũng đầu tắt mặt tối với cuộc nhân sinh cõi người ta, bởi vì “có thực mới vực được đạo”, bèn quyết định làm ông…. chủ báo: đây cũng là công việc gạn lọc, ban bố cho đời những “thiên tài”!

 Lại có ông cũng đẻ ra tác phẩm này tác phẩm nọ, nhưng hình như không được đời nhắc nhở, khen ngợi, bèn ‘băn khoăn’, không hiểu mình có để lại cho đời một cái gì không, không hiểu ba trăm năm sau, thiên hạ ngu đần có nhận ra những điều cao cả về “thời đại của chúng ta” được gói ghém ở trong đó: ôi chao, ông bạn biết tỏng ra một điều là tác phẩm của mình chỉ đáng vứt vô thùng rác. Cũng chính Flaubert, uất ức với con điếm là như thế, mà còn nhận ra “chân lý”: Nhà văn phải làm sao cho hậu thế tin rằng, đếch có một thằng nhà văn như thế, đã từng có mặt ở trên cõi đời này. Đây chính là một trong những lý do, cổ nhân không thèm ký tên dưới tác phẩm của mình. Vô danh thị, vậy là được rồi.

 Lại có ông, cứ mong được người đời phỏng vấn, để giơ hai tay lên trời, ngửa cổ than: đây là nghiệp của tôi. Ông khác thì nói: tôi mà không viết thì ngứa không chịu được. Ôi ngứa thì gãi, nghiệp thì đi cúng giải oan, đi chùa bố thí cho hết nghiệp. Đừng để ba trăm năm sau, thiên hạ khóc cho cả… đất nước mình!

 Ngay cả khi biết “nó đây rồi”, rằng ta đã nắm bắt được chân lý, ta đang đối đầu với “nó”, cũng hỏng thôi, bạn ơi: hăm hở trả ơn văn chương, thì cũng là bội bạc với nó, như trong câu chuyện của Kafka, mà người viết xin cống hiến một số trích đoạn sau đây:

 Cuộc xét nghiệm (The Test)

 Tôi là một người hầu, nhưng không có việc làm. Nhút nhát, lại ít khi tỏ ra hết mình, thực ra tôi chẳng chịu sắp hàng, chen lấn với người khác; nhưng đây chỉ là một lý do khiến tôi thất nghiệp; cũng có thể chẳng có chi liên can tới chuyện thất nghiệp của tôi, trong bất cứ trường hợp nào, chuyện là thế này: chẳng bao giờ người ta gọi tôi đi hầu; những người khác được gọi, tuy họ chẳng cố gắng gì hơn tôi, mà thực ra có khi họ còn chẳng cảm thấy cái ao ước được gọi, trong khi tôi, ít ra đôi lúc cảm thấy điều này một cách thật dữ dội.

 Vậy là tôi nằm dài trong khu sảnh dành cho người hầu, ngó lên chùm ánh sáng trên trần, mơ mơ màng màng, chợt thức, và lại rơi vào giấc ngủ. Đôi khi, tôi bước vào quán, nơi người ta bán bia đắng, đôi khi tôi cũng nốc nó một cách ghê tởm, nhưng những lần khác, tôi uống nó…

 Một lần tôi vô quán, một người khách ngồi ở chỗ tôi hay ngồi quan sát mọi người. Tôi không dám nhìn ông ta thật gần, và quay mình tính bỏ đi. Nhưng người khách gọi giật lại; hóa ra cũng là một người hầu, tôi có gặp trước đó, nhưng chưa từng nói chuyện với anh ta.

 -Tại sao anh bỏ chạy? Hãy ngồi đây làm một ly. Tôi trả tiền.

 Vậy là tôi ngồi xuống. Anh hỏi tôi đôi điều, nhưng tôi không thể trả lời, thực ra là tôi không hiểu ngay cả những câu hỏi của anh ta. Thế là tôi nói: “Có lẽ anh buồn vì anh đã mời tôi, như vậy tôi nên đi thì hơn”, và tôi tính đứng dậy. Nhưng anh ta vươn tay qua bàn đẩy tôi ngồi xuống. “Hãy ở lại”, anh ta nói, “đây chỉ là một cuộc xét nghiệm. Kẻ nào không trả lời những câu hỏi, là qua được cuộc xét nghiệm”.

 Chú thích: Exegi monument aere perennius (Horace, Odes III. xxx.1): I have built a monument more lasting than bronze. Đây là nhà thơ tự hào về sự trường tồn của thơ ca của mình.

 * Làng kế bên.

 Nội tôi thường nói: “Đời vắn chi đâu. Như nội đây, nhìn lại nó, thấy đời như co rút lại, thành thử nội không hiểu nổi, thí dụ như chuyện này: bỏ qua chuyện tai nạn, làm sao một người trẻ tuổi có thể quyết tâm rong ruổi sang làng kế bên, mà không e ngại, một đời thọ như thế, hạnh phúc như thế, cũng không đủ thời gian cần thiết cho một chuyến đi như vậy.”

 Bản tiếng Anh: The next village.

 My grandfather used to say: “Life is astoundingly short. To me, looking back over it, life seems so foreshorthened that I scarcely understand, for instance, how a young man can decide to ride over to the next village without being afraid that – not to mention accidents – even the span of a normal happy life may fall far short of time needed for such a journey”.

 Mua vui cũng được một vài trống canh.

 Người ta thường cho rằng, Nguyễn Du đã “khiêm tốn” khi kết thúc tác phẩm của mình, bằng một câu như trên.

 Chúng ta có thể tự hỏi, một người để cho nhân vật của mình nói giùm, “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, một người tự hào về một cuộc đời “trăm năm rách nát với văn chương”, nếu người đó cần phải tỏ ra khiêm tốn, chắc là ở chỗ khác, trường hợp khác, nhưng ở chỗ “nhân gian không thể hiểu” này, ông chẳng cần phải khiêm tốn làm chi cho mệt cái mình!

 Nói gần nói xa, chẳng qua nói thẳng: mua vui chính là “chân lý” của văn chương. Nhà văn là một kẻ mua vui cho thiên hạ. Một thứ “enchanter”, một thứ ảo thuật gia. Một anh chàng quá buồn, nên vui bằng nỗi vui của thiên hạ, qua những trò phù thuỷ giải buồn “của mình”.

 Theo nghĩa đó, George. Steiner, trong một cuộc phỏng vấn, đã nói về niềm vui lớn lao, “rằng 20 ngàn ngôn ngữ mà con người bịa đặt ra là những phương thức đáp ứng nhằm  thoát ra khỏi cõi đơn điệu là cuộc sống, mỗi ngôn ngữ cho bạn một viễn ảnh khác biệt về thế giới.” Khi được hỏi, có khi nào không phải “người viết sách”, màø “sách viết người”, ông cho biết đã gặp trường hợp như vậy, thí dụ như năm hoặc sáu trang trong cuốn Sau Babel: những gì chưa từng có ai nói ra, và cũng chưa từng có người nào đồng ý. Đoạn cuối cuốn Antigones cũng là do chính cuốn sách tự viết. Nhưng toàn cuốn, có thể là The Portage.

 Theo nghĩa đó, chúng ta có thể nói, không phải Nguyễn Du bịa đặt ra nàng Kiều, mà nàng Kiều bịa đặt ra Nguyễn Du. Và những điều chưa từng có ai nói ra, ở Truyện Kiều chính là: mua vui cũng được một vài trống canh.

 Tại sao vậy?

 Hãy nhớ lại quan niệm văn dĩ tải đạo. Quan niệm người quân tử buồn trước cái buồn của thiên hạ (cũng được đi!), vui sau cái vui của thiên hạ (cái này thì không được!). Quan niệm, người quân tử không được để lộ cho người đời thấy những khí ô trọc từ người mình toát ra! (Hãy nhớ những bài thơ vịnh “cái rắm” trong chuyện dân gian, hãy nhớ lại bà dân biểu “nín tè” của nền chính trị VNCH…). Không được “ngáp” giữa công chúng (về nhà mà ngáp!)…

 Nói theo Steiner, câu “mua vui cũng được một vài trống canh”, là do cô Kiều nói, thay cho Nguyễn Du, về thân phận nghiệt ngã của mình: Đời ca hát ngày tháng, cho người mua vui.

 Đây là thân phận nghiệt ngã của người nghệ sĩ. Của nhà văn, tiểu thuyết gia đúng hơn, như một kẻ làm trò ảo thuật, mua vui cho thiên hạ.

 Nếu không biết cách làm cho thiên hạ vui, xin hãy kiếm việc khác mà làm, đừng làm nhà văn, cho mệt mình… độc giả!

 Trong bài giới thiệu cuốn Littératures I, nhà văn người Mỹ, John Updike kể về những buổi giảng văn chương của Nabokov: ông như muốn truyền hết dòng điện đam mê từ con người của ông qua sinh viên. Bà vợ của Updike, một sinh viên của Nabokov, đã “mang cả cơn sốt đến lớp học, và khi tan lớp, chạy vội tới tiệm thuốc”. Một sinh viên khác nhớ lại buổi mở đầu một khóa giảng, ông thầy nói: “Những ghế ngồi đều có đánh số. Hãy chọn cho mình một chỗ, để tôi thấy được sự liên hệ giữa những con số và khuôn mặt của các bạn… Cấm nói chuyện, hút thuốc, đan áo, đọc báo, ngủ, và lạy trời, xin ghi ‘nốt’ (pour l’amour du ciel, prenez des notes). Trong kỳ thi sát hạch: “… trừ khi có giấy xác nhận của bác sĩ, cấm đi tiểu”.

 Như Từ Hải nhận ra Kiều ở giữa chốn chợ buôn người; như Nabokov, Nguyễn Du nhận ra cái hố thẳm, giữa thực tại và nghệ thuật, giữa “quân tử” và “nghệ sĩ”. Ông từ chối vai trò người quân tử, hoặc chỉ chấp nhận nó, trong “đời thường”. Một cách nào đó, ông không bắt buộc văn chương làm cái công việc nặng nhọc là tải đạo. Một cách nào đó, ông nhận ra chính cái đẹp của thân thể con người mới là điều đáng ca ngợi, tôn thờ. (Rõ ràng trong ngọc trắng ngà… một toà thiên nhiên). Tuy dọc ngang nào biết trên đầu có ai, nhưng ông không đến nỗi ‘ngang ngược’, như Nabokov, khi khẳng định, “khá nhiều tác giả tuy nổi tiếng nhưng chưa từng hiện hữu dưới mắt tôi. Tên của họ được khắc trên những nấm mồ trống trơn, những cuốn sách của họ chỉ là những cái bìa trống rỗng…” (“Nombre d’auteurs reconnus sont tout bonnement inexistants à mes yeux. Leurs noms sont gravés sur des tombes vides, leurs livres ne sont que des couvertures vides…”). Nhưng chắc chắn, ông gật gù khi nghe Nabokov nói, “Đây là chân lý: những cuốn tiểu thuyết lớn là những câu chuyện thần tiên lớn” (La vérité est que les grands romans sont de grands contes de fée).

 Liệu có thể gọi Truyện Kiều: câu chuyện về một nàng tiên bị đọa đầy xuống trần gian, làm một giọng ca, giữa chợ buôn người?…

 Trong bài mở đầu cuốn tiểu luận về văn chương Littératures I, “Độc giả tốt và nhà văn tốt”, Nabokov viết:

 "Văn chương không sinh ra vào cái ngày mà một chú bé hớt hơ hớt hải chạy từ một thung lũng ra bên ngoài, la bai bải, ‘chó sói, chó sói’, và đằng sau chú là một con sói chạy bén gót; văn chương bắt đầu khi cậu bé la, ‘chó sói, chó sói’ và đằng sau chú, chẳng có một con sói nào. Chuyện chú bé nói láo, rồi sau đó bị sói ăn thịt, ở đây chỉ là phụ thuộc. Điều quan trọng là giữa chú sói ở một góc rừng và chú sói ở góc trang sách, có một mắt xích long lanh. Mắt xích đó, lăng kính đó, là nghệ thuật văn chương.”

 “Văn chương là bịa đặt (invention). Giả tưởng là giả tưởng. Gọi một câu chuyện (là) ‘chuyện thực’ là làm nhục cả nghệ thuật lẫn sự thực. Tất cả nhà văn lớn đều là những nhà ảo thuật gia lớn, nhưng Thiên Nhiên chính là một tổ sư đại bịp. Thiên Nhiên luôn luôn đánh lừa, từ một trò bịp bợm giản dị về tái tạo (de la simple supercherie), tới chuyện mà con mắt tuyệt vời, đa đoan phức tạp trong những công trình nhái đi nhái lại nhằm bảo vệ loài bướm, loài chim… Nhà văn của giả tưởng chỉ việc đi theo con đường mà Thiên Nhiên đã vạch ra.”

 Bắt chước. Tái tạo. Mà con mắt người ta bằng ba trò ảo thuật. Sáng tạo chỉ có nghĩa là lập lại?

 Có người cho rằng Nguyễn Du đâu có sáng tạo, mà là “ăn cắp” Tầu. Khi túng, mượn đỡ Thanh Tâm Tài Nhân.

 Ăn cắp, đạo văn… là những từ nặng nề. Nhưng Picasso xúi: cứ việc ăn cắp, và hỏi lại: bạn có gì không, để cho tôi ăn cắp? Một ông nhà văn khác, (tôi quên mất tên) nói thẳng: chỉ có những bậc đại gia mới lấy đồ trong túi người khác như móc từ túi của mình, nói rõ hơn, chỉ những thiên tài mới biết ăn cắp. Còn hạng thường nhân chúng ta, chỉ biết  bắt chước, mô phỏng, nhái đi nhái lại (imiter).

 Những người coi văn chương là cao quí, là nói về sự thực, làm hiển hiện chân lý chắc buồn khi tôi rẻ rúng văn chương, chỉ là chuyện mua vui cũng được một vài trống canh… Họ có thể tự hỏi: Chẳng lẽ trong văn chương, không có một chỗ dành cho… hiện thực?

 Có, có. Như chúng ta đã biết, Lão Tôn khoe với Đức Phật, ta có 72 phép thần thông, trong đó có phép “câu đẩu vân”, chớp mắt ở đây, chớp mắt đã cách đây hàng ngàn dặm. Hiện thực ở trong văn chương, chính là dấu vết mà Tôn Ngộ Không để lại, trên bàn tay Đức Phật, sau khi đã đi khắp ta bà thế giới, với trí tưởng tượng của một nhà văn.

 Hãy trở lại với chú nhỏ và con sói của chú. Chúng ta có thể tóm tắt câu chuyện như sau: điều huyền diệu của nghệ thuật nằm ở trong cái bóng của con sói mà chú bé bịa đặt ra, trong giấc mơ của chú về chó sói… (la magie de l’art était dans l’ombre du loup qu’il a délibrément inventé, dans son rêve du loup.)

 Sau cùng chú bé chết, câu chuyện về chú trở thành một bài học bên những đống lửa trại. Nhưng nhà ảo thuật tí hon, chính là chú. Nhà phát kiến (l’inventeur), chính là chú.

 Updike nói về chú bé: Đứa trẻ trở thành một vết thương nhức nhối cho bộ lạc, và bộ lạc bỏ mặc cho nó chết.

 Còn cái chết nào đau thương cho Nguyễn Du hơn là cái chết “hoài Lê”?


 Anne Frank, một ghi nhận.

 Trong một câu chuyện người viết đọc đã lâu, chẳng còn nhớ gì, ngoại trừ một vài chi tiết: một cháu nhỏ bị bệnh, phải nằm nhà thương một thời gian dài. Cháu năn nỉ xin được nằm ở một giường bên cạnh cửa sổ, nhìn xuống đại lộ của một thành phố lớn. Và cháu lấy những mảnh giấy nhỏ, làm những cánh diều thả xuống đường. Bay theo cùng với những cánh diều đó, là những ước mơ, những chuyện vụn vặt xẩy ra trong ngày, bên cạnh, chung quanh cháu… tận cùng bằng lời nhắn nhủ: hãy viết thư cho tôi nhé!

Thế rồi giường cháu tràn ngập những cánh diều boomerangs, cùng với những lời chúc tốt lành: hãy mau chóng khỏi bệnh, ra ngoài này chơi với chúng tôi…

Nhật kýù của Anne Frank cũng là một trường hợp tương tự. 

Mặc dù ngày càng quan tâm tới bè bạn, cô vẫn mê đọc sách. Vào lúc 12 cho tới khi 14 tuổi, một trong những tác giả cô bé thích là Cissy van Marxveldt, một nhà văn Hòa Lan, đã viết nhiều cuốn sách cho lứa tuổi vị thành niên vào thập niên 1920. Cô mê nhất, Joop ter Heul, một cuốn tiểu thuyết-chuỗi (a serial novel)  gồm bốn tập. Anne nhập vào Joop, nữ nhân vật chính với cái tên con trai nhưng dần dần trở thành một người đàn bà trẻ, theo dòng chuyện. Joop giống như Anne, có nhiều bạn gái. Joop cũng có những bạn bè qua thư từ, như Anne. Nhưng khi gia đình phải ẩn trốn trong cuộc chơi hú tìm với đám Nazi, cha cô cấm cô viết thư.

Cô viết về căn nhà phụ bí mật (the secret annex): Ở nhà, tôi không thể nghĩ, có một ngày, tôi phải dùng cầu tiểu làm nhà tắm, nhưng cũng chẳng tệ hại gì lắm đâu, bởi vì có thể, một ngày nào tôi phải sống ở đó nữa… Thật là còn may mắn, đây là một thiên đàng so với cuộc sống của bao nhiêu người Do Thái khác không kịp trốn.

 Một cô bé luôn luôn tò mò, mê bè bạn, mê đọc sách, mê phiêu lưu, phải từ giã thiên đường trẻ thơ; trong cái chuồng nhỏ bé mới mẻ là nơi ẩn trốn đó, mỗi ngày là một ngày tiếp theo. Thiếu khoảng không, nhưng lại quá dư thời giờ. Cô không thể la thét, hát hỏng, hay khóc lóc khi mà cô muốn, “chung quanh tôi là một trống trơn” (I am surrounded by too great a void).

 Nhật ký là món đồ đầu tiên cô mang theo tới chỗ ẩn trốn. Như thể cô biết trước, nó sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chơi ‘chết người’: đối đầu với cái ác. Tuy nhiên, phải hai tháng sau đó, cô mới bắt đầu viết một cách đều đặn. Và có ý định, mỗi dòng mở ra như một “thư gửi bạn”: “Tôi chỉ mê được trao đổi với một người nào đó, và đó là điều tôi muốn làm, trong tương lai, với nhật ký của tôi.

 Cô bé gần như viết nhật ký mỗi ngày. Cho những bè bạn tưởng tượng. Về những gì xẩy ra chung quanh cô, ở trong đầu cô, ở một chốn nhân gian bé tí đó. Với họ, cô có thể cười to, khóc lớn, quên nỗi trơ trọi. Tất cả những bạn gái tưởng tượng (cô không hề viết cho một bạn trai tưởng tượng), đều là từ cuốn truyện Joop ter Heul của Cissy van Marxveldt. Nhưng cô không viết thư cho nhân vật chính Joop – cô này cũng giữ một nhật ký – có thể vì cô cảm thấy “cô bé đó” là một nguyên mẫu cho một loạt nhân vật.

 Cuốn nhật ký, khi được xuất bản vào năm 1947 có tên là Het Achterhuis (Căn nhà Đằng Sau, The House Behind), và ấn bản tiếng Anh có tên là Anne Frank: Nhật ký của một Cô Gái Trẻ.

 Cô bé tự coi mình là một người lớn, hay ít ra cũng đủ trưởng thành, để có cùng một tiếng nói với những người khác, cùng “điều hành” cõi nhân gian nhỏ xíu đó. Nhưng trong cõi tưởng tượng, giữa những bạn bè tưởng tượng đã trrưởng thành kia, cô là một đứa bé, và rất “ưu tư” về chuyện được đối xử như là một đứa bé. Anne cảm thấy người lớn chung quanh cô không coi trọng những ý nghĩ của cô. Cô bé nghĩ, cô có cùng bổn phận, trách nhiệm như họ, nhưng không có cùng quyền hạn (rights). Chính những cảm nghĩ về sự bất bình đẳng đã làm cô có vấn đề với bà mẹ và những người quanh cô.

 Sau đây là trích đoạn, từ một ghi nhận của Miep Giesi, người đã trông nom, che chở cho cả gia đình Anne, trong những ngày ẩn trốn, và cũng là người đã phát giác ra tập nhật ký, khi thu dọn “thiên đàng”, sau khi họ đã bị bắt.

 Trên năm mươi năm rồi, kể từ khi tập nhật ký được xuất bản, tôi cứ bị hỏi đi hỏi lại nhiều lần, tôi kiếm ở đâu ra can đảm giúp đỡ gia đình Franks. Câu hỏi này, đôi lúc được hỏi với sự thán phục, đôi lúc, với nghi ngờ, nó luôn luôn làm tôi khó chịu. Vâng, lẽ dĩ nhiên, phải có can đảm mới làm một chuyện như thế, khi coi đó là bổn phận, của một con người. Vâng lẽ dĩ nhiên, người ta sinh ra đời là để sửa soạn làm những điều hy sinh như vậy. Điều đó là thực, trong rất nhiều hoàn cảnh của con người.

 Nhưng rồi, tôi tự hỏi chính mình, tại sao người ta lại hỏi một câu như thế? Tại sao có rất nhiều người ngần ngại khi phải giúp đỡ đồng loại?

 Phải thật lâu tôi mới hiểu ra điều này.

 Hầu hết trẻ con, được cha mẹ giảng dậy, từ khi còn nhỏ: “Nếu con tốt và biết nghe lời, sau này con sẽ được hạnh phúc”. “Phản đề” của triết lý đó, là: Bất cứ một con người nào gặp ‘trouble’ trong đời, kẻ đó chắc chắn đã cứng đầu, và đã làm nhiều ‘lỡ lầm’.

 Tôi may mắn, được biết rất sớm sủa một điều là: người ta chẳng hề làm một điều gì xấu, và vẫn có thể gặp nhiều nỗi chuân chuyên trong đời. Tôi sinh ra tại Vienna, và được 5 tuổi, khi xẩy ra Cuộc Chiến Lớn I. Mẹ tôi rất hài lòng về tôi. Khi 9 tuổi, tôi không khi nào được ăn no. Tôi vẫn còn nhớ rõ cái đói dầy vò tôi như thế nào. Và tôi cũng chẳng bao giờ quên được nỗi đau (the shock), khi cha mẹ tôi phải gửi tôi đi Hoà Lan, qua một cơ quan thiện nguyện giúp cho trẻ con khỏi chết đói. Cha mẹ tôi đâu có cách nào khác, nhưng mãi sau này tôi mới hiểu được. Tôi lúc đó, chỉ còn da bọc xương, lại còn thêm bệnh phổi. Tôi đã làm điều gì không tốt, để phải chịu hậu quả như thế, đứa bé ở trong tôi khăng khăng tự hỏi?

 Vậy là từ khi 11 tuổi tôi đã nhanh chóng hiểu ra rằng, con người có thể gặp khó khăn, dù chẳng có lỗi gì ráo. Tôi nhìn hoạn nạn của dân Do Thái, nhìn Lò Thiêu, từ kinh nghiệm trẻ thơ đó.

 Ngay cả bây giờ, vẫn có những người trẻ tuổi nói với tôi rằng, họ không thể tin, rằng Hitler đã giết sáu triệu dân Do Thái mà “chẳng có lý do gì hết”. Và tôi kể cho những người trẻ tuổi đó, về Anne, và hỏi họ, cô gái trẻ đó có thể nhận ra rằng cô chưa hề làm một điều gì sai quấy, để phải chịu số phận thê thảm như vậy.

 -Ô, lẽ dĩ nhiên. Anne Frank thì thơ ngây vô tội (innocent).

 - Cô thơ ngây vô tội đúng như sáu triệu người kia, tôi trả lời.

 Melissa Muller, tác giả cuốn “Anne Frank, tiểu sử” (Anne Frank, the biography, nguyên bản tiếng Đức, 1998; bản dịch tiếng Anh của Rita và Robert Kimber, nhà xb Henry Holt and Company, NY; ấn bản Canada của nhà xb Fitzhenry & Whiteside Ltd), là một nữ ký giả hiện đang sống ở Munich và Vienna. Theo người điểm sách của tờ Time, Muller đã tôn trọng huyền thoại [về Anne], nhưng bà đã làm một điều tuy quá trễ cho nên thật cần phải làm: Bà cứu Anne Frank ra khỏi vai trò thần tượng, biểu tượng, và trả lại cho nhân loại một Anne Frank bằng xương bằng thịt. Miep Gies, vị phúc thần của Anne, đã nhân dịp xuất bản cuốn tiểu sử để đưa ra một ghi nhận về Anne, như trên. Bà nói thêm:

 Tôi muốn nhân dịp này để làm sáng tỏ một điều vẫn thường được hiểu sai. Người ta thường nói Anne biểu tượng sáu triệu nạn nhân Lò Thiêu (Anne symbolizes the six millions victims of the Holocaust). Tôi nghĩ một phát biểu như vậy là không đúng (wrong). Cuộc đời và cái chết của Anne, là của riêng cô: một số mệnh cá nhân; một số phận cá nhân đã xẩy ra sáu triệu lần. Anne không thể, và không nên để cho cô đứng đại diện cho biết bao nhiêu cá nhân con người mà đám Nazi đã lấy đi mạng sống của họ. Mỗi nạn nhân có một chỗ đứng độc nhất của riêng họ ở trên thế giới, và trong trái tim của thân quyến và bạn bè của người đó.

 Tôi rất đau buồn vì không cứu được mạng sống của Anne. Nhưng tôi đã có thể giúp cô sống thêm được hai năm trời. Trong hai năm đó, cô viết tập nhật ký đem hy vọng cho những con người trên khắp thế giới, và kêu gọi sự hiểu biết và bao dung. Điều này làm cho tôi tin tưởng: rằng hành động thì tốt hơn là bất động. Một toan tính [đưa đến hành động] có thể sai lầm (an attempt ‘can’ go wrong), nhưng khoanh tay không làm gì hết chắc chắn chỉ đưa đến thất bại.

 Bà nhắc lại một ước mơ của Anne: “Bà biết từ lâu, mong ước lớn lao nhất của tôi là một ngày nào đó, trở thành một ký giả, và sau đó, một nhà văn nổi tiếng”.

 ***

 Trong chương 9, và cũng là chương chót Những Di chúc bị Phản bội, Kundera bàn về một sự thô bạo trong thế giới văn chương: vấn đề cắt xén, vặn vẹo tác phẩm, ngay từ khi tác giả còn sống, và lẽ dĩ nhiên, càng trở nên thô bạo hơn, khi họ đã chết rồi.

 Ông kể chuyện, vào cuối đời, Stravinsky quyết định tự trình diễn, như một tay dương cầm, hay một nhạc trưởng, toàn bộ âm nhạc của ông. Và bị chế diễu thậm tệ: khi Stravinsky trình diễn qua vai nhạc trưởng, ông ta khiếp đảm đến độ, mắt dán vào nốt nhạc, tuy đã thuộc lòng. Và tính giờ. Mọi nguồn vui rời bỏ ông!

 Kundera tự hỏi tại sao, và ông tìm được câu trả lời, khi nghiên cứu 146 bức thư, của Stravinsky gửi cho Ernest Ansermet (người chế diễu), khởi sự năm 1914: My dear Ansernet, My dear fellow, My dear friend, Very dear, My dear Ernest, rồi bất thình lình: "Paris Oct 14, 1937, Rất vội, bạn thân của tôi. Tuyệt đối không có bất cứ một lý do gì cắt xén Chơi Bài (Jeu de cartes) khi trình diễn... Cá nhân bạn cảm thấy một vài động tác hơi ngán ngẩm (boring). Về chuyện đó, tôi chịu thua. Nhưng tôi thật sự ngỡ ngàng khi bạn cố thuyết phục tôi về vụ cắt xén; tôi, người đã trình diễn nó tại Venice, và cũng đã cho bạn biết về sự hứng khởi của khán thính giả... Tôi thực sự không tin khán thính giả của bạn kém thông minh, so với ở Venice. Nghĩ rằng bạn có thiện ý, khi muốn co dãn để công chúng dễ hiểu hơn: Bạn, người đã từng can đảm chơi một danh tác đầy rủi ro như Giao Hưởng Đàn Gió (Symphonies of Wind Instruments); khi khăng khăng cho rằng nó phải thành công, và công chúng thừa sức để thông cảm! Bởi vậy tôi không để cho bạn cắt xén "Jeu de cartes". Tôi nghĩ, tốt nhất đừng chơi nó gì hết, còn hơn là với sự dè dặt! Tôi không còn gì để thêm. Chấm hết!

 Ngày 15, tháng Mười, bạn trả lời: "Tôi chỉ xin bạn tha lỗi cho tôi, về một cắt xén nho nhỏ..."  "I am sorry, nhưng không cho phép bạn về bất cứ một cắt xén nào trong Jeu de cartes... Bạn ơi, đây đâu phải nhà của bạn."

 Samuel Beckett có lẽ vô địch, trong nỗ lực bảo vệ nghệ phẩm: ông theo dõi từng chi tiết, ngay cả khi tập dượt, và nhiều lần nhẩy lên sàn tập, để tự tay điều khiển diễn viên. Rồi in cả một cuốn sách, những ghi chú trình diễn Tàn Cuộc (Endgame). Bạn ông, và là nhà xuất bản đứng coi thiên hạ trình diễn, nếu cần đưa ra tòa, để bảo vệ tác phẩm, sau khi ông đã chết.

 Kafka gửi bản thảo Hoá Thân tới một tờ báo. Ông chủ, nhà văn Robert Musil, bằng lòng in, với điều kiện tác giả rút ngắn lại. (Buồn thật, hai thiên tài văn chương bàn chuyện in ấn, xuất bản tác phẩm văn học!). Trả lời của Kafka, cũng nguyên tắc, và cũng lạnh lùng như Stravinsky: Tôi chịu được chuyện bỏ vô thùng rác, nhưng không thể chịu nổi việc in, mà cắt xén, xẻ thịt nó! Ông không được may mắn như Stravinsky, hay Beckett. Và điều này một phần lớn, là do Max Brod, người theo truyền thuyết, vì nhân loại, đã phản bội di chúc của Kafka. Theo Kundera, Max Brod tuy yêu bạn, cố gắng hiểu bạn, đưa bạn ra ánh sáng, tạo nên cả một môn học Kafkology, nhưng chính ông là người xa lạ nhất với nghệ thuật của Kafka.

 Thật dễ dàng khi không vâng lời một người đã chết. Càng dễ dàng hơn, khi người chết là một nạn nhân của Lò Thiêu, một cô bé, lại là con gái của một ông bố: trường hợp Anne Frank.

 Nếu Anne Frank không mất tại trại tập trung vào năm 1945, cô ăn mừng lễ sinh nhật 68 tuổi vào tháng Sáu vừa qua (1996). Và nếu cô không giữ tập nhật ký khác thường, qua đó, chúng ta có thể coi cô là một trong những nhà văn nổi tiếng của thế kỷ - cho dù vậy, số phận của cô cũng không quá sức bi đát, như là bây giờ, sau những khám phá mới nhất về cô.

 Cô sinh ra để là một nhà văn. Vào năm 13 tuổi, cô đã cảm thấy quyền năng này; tới 15, cô điều khiển được nó. Nếu cô được phép sống, thật dễ dàng khi tưởng tượng, biết bao nhiêu tiểu thuyết, khảo luận, từ cái nguồn giầu sang, từ ngòi bút lưu loát, chín mùi chữ nghĩa đó. Người ta cũng thấy được những tác phẩm chẳng bao giờ có được đó, sẽ gần gụi với Nadine Gordimer, Nobel văn chương, hơn là Francois Sagan. Cô bé la lên, vào mùa xuân năm 1944: "Ta muốn tiếp tục sống, ngay cả sau cái chết của ta!" (I want to go on living even after my death!)

 Ở đây không phải là tình trạng hưng phấn thái quá của tuổi trẻ. Bằng trực giác cô đã nhận ra, sự lớn lao của nghệ thuật nghĩa là gì. Và cũng đã nhận ra sức mạnh văn chương nằm bên dưới bàn tay của cô, trong những trang nhật ký: một ghi nhận văn học về những cuộc sống hãi hùng trong hiểm họa thường nhật; một tài liệu nóng bỏng nhắm thẳng tới tương lai. Vào những tháng cuối cùng, cô miệt mài rũa gọt, thêm thắt, cắt xén một số đoạn, với hy vọng in nó sau chiến tranh. Cô gọi bản thảo của cô là Het Achterhuis, tiếng Đức có nghĩa là "căn nhà phía sau", nhưng thường được dịch là "căn nhà phụ bí mật", và không đúng như ý của cô, qua tác phẩm. Nó liên can đến lịch sử, tới thực tại, tới sự thực chết người. "Khi tôi viết", cô tâm sự, "tôi có thể rũ sạch mọi lo toan. Sự phiền muộn biến mất, tinh anh tôi sống lại!" Nhưng cô không thể rũ bỏ sự tù tội, sự huỷ diệt, của mình.

 Anne Frank bị bắt và đưa vào trại tập trung cùng với chị và mẹ như hàng triệu con người. Tất cả bị huỷ diệt, qua một chương trình đã được tính toán để bảo đảm sự thoái hóa độc ác nhất, mới mẻ nhất, quỷ ma nhất của con người. Cô thuộc trong số được chỉ định để bị huỷ diệt, xóa sạch khỏi cuộc đời, không để lại mộ chí, không một ký hiệu, không một dấu vết, bất kể loại gì. Lỗi của cô - tội ác của cô, là người Do thái, và như vậy cô bị xếp vào trong những kẻ không có quyền được hiện hữu, không còn là một vấn đề người, không được như một giống dân hạ cấp, ngay cả làm nô lệ cũng không luôn. Thoát bị đưa vô phòng hơi ngạt, cô chết vì bệnh ban đỏ (bệnh chấy rận), một tháng trước khi giải phóng.

 Nhật ký, cho dù thế nào cũng không thể coi là câu chuyện của Anne Frank. Không nên gọi, một câu chuyện là một câu chuyện, nếu phần cuối bị mất. Và bởi vì phần cuối bị mất cho nên câu chuyện của Anne Frank trong vòng 50 năm, kể từ khi "Nhật Ký của một Cô Gái Trẻ" lần đầu tiên được in ra, đã bị vặn vẹo, cắt xén, chuyển hoá, dịch thuật, gia giảm, giả mạo, trẻ con hóa, ngây thơ hóa, Mỹ hoá, đồng nhất hóa, cảm tính hoá... và sự thực, đã bị chối bỏ, một cách thật thô lỗ. Trong số những người làm giả gồm có những nhà bi kịch, những ông giám đốc, những nhà dịch thuật, ông bố của Anne Frank, và ngay cả công chúng, kể luôn cả những độc giả, những khán giả phim ảnh, kịch nghệ, trên toàn cõi địa cầu. Một tác- phẩm-kể-sự-thực thật sâu xa đã biến thành một dụng cụ để nói lên một phần sự thực, một phản sự thực. Gần như mọi bàn tay đụng vào tập nhật ký, với một thiện ý in nó ra, đều đã góp phần làm chuyện bậy, đảo ngược lịch sử.

 Nhật ký được coi như một tài liệu về Lò Thiêu. Điều quan trọng cần nói, là nó không phải như vậy. Gần như bản in nào cũng choàng cho nó những vòng hoa, đại khái "ca khúc của đời sống", "sự vui thích buốt nhói ở nơi tinh thần vô tận của con người". Có một sự chế diễu, trò hề ở đây. Một ca khúc cho đời? Nhật ký chưa hoàn tất, hoặc đã được hoàn tất bởi những nơi chốn khủng khiếp: Westerbork, địa ngục chuyển tiếp ở Hòa Lan, nơi những người Do thái Hòa-lan bị tống xuất từ đó; Auschwitz; hay bởi những ngọn gió tàn khốc của Bergen-Belsen. Chính tại đây, không phải tại "căn nhà phụ bí mật", những tội ác mà chúng ta gọi là Holocaust đã xẩy ra. Ghi nhận của chúng ta là những cột con số, những danh sách tỉ mỉ những chuyến tống xuất trong những dòng chữ viết tay của những thủ thư đẹp trai; những cuốn sách chuyển hàng. Có thể Anne Frank đã được chuyển tới Auschwitz vào đêm Sept 6, 1944, trong chuyến hàng một ngàn mười chín "sucke" (mẩu). Trong đêm đó 549 người được đưa vào phòng hơi, có một người trong nhóm Frank, và tất cả trẻ em dưới 15. Anne lúc đó, 15, thoát, có lẽ để lao động. Từ 20 đến 28 tháng Mười, bị đưa vào phòng hơi ngạt hơn 6 ngàn người, chỉ trong vòng hai giờ, khi họ mới tới. Nhưng lực lượng Xô-viết đang hướng về Auschwitz, và vào tháng 11, đã có lệnh giấu diếm mọi chứng cớ về phòng ngạt, và phá huỷ lò thiêu. Cả chục ngàn tù nhân bị tống ra ngoài trời, trong chuyến đi tử thần. Nhiều người bị bắn. Trong một chuyến di tản vào 28 tháng Mười, hoặc 2 tháng 11, Anne được chuyển đi Bergen-Belsen, chết một hay hai ngày sau đó, vỡ tim, trơ xương, trần trụi dưới một đống rẻ rách.

 Đến với nhật ký mà bỏ qua những Đêm, của Elie Wiesel, hay Những Kẻ Chết Đuối và Những Người Được Cứu Vớt, của Primo Levi (chỉ nhắc tới hai chứng nhân), hay những cột con số, những chuyến hàng, những thuật ngữ như "mẩu"... thì đúng là tự cho phép mình được quyền ngây thơ một cách xấu xa, không thể tin được!  Những ngợi ca theo kiểu "bản chúc thư hoài hoài về tính cao cả không thể bị huỷ diệt của tinh thần nhân loại", "một nguồn không bao giờ cạn của can đảm và hứng khởi"... sự thực chỉ là những trò ru ngủ. Sự thành công, chiến thắng, của Bergen-Belsen, chính là nó đã thổi sạch, cái gọi là khả tính can đảm, nó cho thấy sự huỷ diệt dễ dàng của tinh thần nhân loại, và đây là bản di chúc lâu dài của nó.

 "Hier ist kein Warum", một lính gác ở Auschwitz đã cảnh cáo: ở đây không có "tại sao", không câu hỏi, không câu trả lời, chỉ là một mầu u tối của không-lý lẽ (unreason). Câu chuyện của Anne Frank, được kể lại, rất thực, là không cứu chuộc, không thể cứu chuộc. Và đó là thông điệp của Anne Frank.


 Chúng ta đều chui ra từ “Chiếc Áo Khoác”.
(We have all come out of the folds of ‘The Overcoat’). 

Nhận xét của Dostoyevsky cho thấy, Gogol đã mở ra cả một mùa văn chương Nga thế kỷ 19.

Nhưng Chiếc Áo Khoác (1842), cái gì vậy cà? 

Đây là câu chuyện một viên thư ký và chiếc áo khoác của anh. Người tốt vì lụa, lúa tốt vì phân, đời anh thay đổi hoàn toàn, sau khi vận may mỉm cười với anh, và anh sắm được cái áo khoác. Anh chết vì đau tim, sau khi bị trộm lấy mất chiếc áo, nhưng hồn ma sau đó trở về đòi hỏi công lý. Câu chuyện trên đã ảnh hưởng tới sự phát triển thể loại truyện ngắn Nga thế kỷ 19 sau đó: thực và ảo trộn trạo, rồi thăng hoa, qua tài làm bếp khéo của nhà văn. “Con Cá Sấu” (1865) của Dostoyevsky, là từ Chiếc Áo Khoác mà ra; đây là câu chuyện một công chức bị cá sấu nuốt, khi ở trong bụng con quái vật, anh vẫn tiếp tục phát triển những qui luật về kinh tế!

 Ý nghĩa và ảnh hưởng của Chiếc Áo Khoác không đơn giản, Chúng cứ thay đổi theo thời gian. Khi mới xuất hiện, nhà phê bình nổi tiếng của Nga là Belinsky và một số người khác đã coi đây là tiếng khóc cầu mong lòng nhân ái, của những kẻ bị đọa đầy. Ngay Gogol hình như cũng chấp nhận một lối giải thích như vậy, khi viết về cái chết của nhân vật của mình:

 “Vậy là tiêu trầm, biến vào hư không, cái con người mà chẳng ai nghĩ đến chuyện che chở; cái con người chẳng ai thèm, chẳng ai quan tâm dù chỉ một tí một tẹo…; cái con người cứ chịu đựng hoài hoài những sự chế giễu của đồng nghiệp mà chẳng bao giờ phản ứng, cái con người cho tới khi đặt mình vào trong nấm mồ của mình, chẳng hề để lại cho đời bất cứ một trò huênh hoang bắng nhắng nào…”

 Theo Richard Moore, trên tờ Partisan Review, số Mùa Thu 2000, nếu áp dụng nhận xét của chính tác giả về tác phẩm của mình, nó lúc đúng lúc không. Đây là một nhận định theo kiểu  “đồng ca” (a choral statement), giống như ở cuối bi kịch của Sophocles. Nó đề nghị một cái nhìn khả hưũ, về những biến diễn của câu chuyện; nó bảo chúng ta, “người đời thường nghĩ như vậy đó”… Nếu chúng ta bỏ qua cụm từ “không phản ứng” (without protesting), đoạn văn trên đúng với tiếng khóc của Akaky, ở đầu câu chuyện, khi năn nỉ đồng nghiệp: “Hãy để cho tôi yên thân, tại sao hành hạ tôi làm chi thật tội nghiệp”. Nhưng tiếng khóc đạt hết sức mạnh qua những tương phản của nó với sự cường điệu tiếu lâm và sự phi lý vây quanh nó. Ngay cái tên của nhân vật, Akaky Akakievitch – có thể dịch là “Cứt, đồ cứt đái”, hay theo cách nói của con nít Nga, “Doo-doo, son of Doo-doo” – và nhiều chi tiết khác cho thấy anh ta như là một biếm họa gớm ghiếc, thô tục. Và ngay như đoạn văn trên xác nhận, anh ta chẳng đáng quan tâm, không bằng một con ruồi (a housefly). Ai tỏ ra nhân ái với bầy ruồi?

 Nhưng coi Akaky như một thứ sâu bọ cũng chẳng nói lên được một điều gì. Đây chính là quan điểm của đám đồng nghiệp nông cạn của anh, bọn họ cũng chui ra từ thế giới mộng ảo trống rỗng của thành phố Petersburg. Chẳng có cách nhìn nào đúng với điều gọi là nỗi đam mê chính (the central passion), về một cõi người ta của Akaky:

 Thật khó mà kiếm ra được một người, ở bất cứ đâu, một người chỉ sống cho công việc của mình. Nói anh ta hăm hở làm lụng là chưa đi tới đâu, phải nói là anh ta làm việc “với tình yêu”. Trọn thế giới mừng vui và cứ thế mà thay đổi, của riêng anh. Người ta có thể nhìn thấy nỗi vui này ở trên mặt anh ta. (Viết) một vài lá thư là cái thú tuyệt vời của anh. Anh như  nhẩy cẫng lên, cười nhè nhẹ với chính mình, uốn éo ngòi viết theo cặp môi, và người ta có thể đoán ra được, anh ta đang viết con chữ nào….”.

 Anh ta bê luôn cái sở của mình về nhà để chép lại! Anh chép lại đủ thứ khác nữa, “chỉ để vui với mình mà thôi” (for his own personal pleasure). Công việc và lạc thú là một; không có cái gọi là “làm lụng” đối với anh. Đời là một cuộc chơi, y chang Adam trước khi bị tống ra khỏi Vuờn Địa Đàng.

 Akaky sống trong cõi được gọi là Cõi Phúc (the blessedness). Chép lại (copying)  cuộc đời, đâu cần chi nữa, ngoài “cõi phúc” đó ra? Chỉ khi mà chú ngựa dí cái mũi, phả hơi thở nóng hổi vào mặt Akaky, tới lúc đó anh mới nhận ra là mình đang ở giữa mặt lộ, chứ không phải ở giữa một câu văn!

 Câu văn và đường phố, nghệ thuật và đời sống: Phải chăng việc chép lại của Akaky “tượng trưng” cho nghệ thuật của Gogol?

 Đoạn văn trích dẫn nêu trên đề nghị như vậy. Gogol là một đại sư “bắt chước”, một tay trình diễn tuyệt vời, chính nghệ thuật của mình. Chép lại chính mình, niềm háo hức, cơn đòi hỏi, (ngứa quá, không viết không chịu được?): chính cái trò chơi con nít này, nói theo Aristotle, là sức mạnh sỏ mũi trí tưởng tượng của Gogol, kéo ông đi ở trong cái mê cung chẳng cần biết khi nào thoát ra được (họa chăng là cái chết, nhưng chết rồi, đệ tử – hay nhân loại thì cũng rứa – lại tiếp tục trò chơi của ông). Chính cái trò bắt chước, chép lại này mới đáng quan tâm, mặc xác ba chuyện đại sự, nào là món nợ trí thức, nào là phải dấn thân, phải có trách nhiệm đối với xã hội…. Chính những người đồng thời đã từng trách móc Gogol thiếu những quan tâm xã hội, thiếu những thông điệp hướng thượng (positive messages). Bản thân ông cũng bị bối rối, tại sao mình lại “đổ đốn” như thế cơ chứ? (he himself was evidently troubled by these failings). Thấy cái gì cũng cứ cho vào miệng, cứ bắt chước người khác như một con khỉ, hiển nhiên đây là một tình trạng “chậm phát triển”! Ôi chao, vậy mà Vladimir Nabokov chỉ mới đây thôi, đã hết mình ca ngợi tác giả, khi cho thấy sự tương tự giữa bắt chước (mimicry) và chép lại (copying) đã đóng một vai trò quan trọng làm cho câu chuyện trở nên đa mầu đa dạng.

 Nhưng thật hiển nhiên, chính nỗi mê cuồng, yêu ơi là yêu: chép lại cuộc đời, của nhân vật chính, đã phản lại nhận xét “màn đồng ca” mà chúng ta đã nói tới ở đầu câu chuyện.

 Trong những chú giải về Sự Sa Ngã của Con Người, có một, theo đó, Cõi Phúc của Adam bị huỷ diệt, không phải bởi vì Adam vi phạm lệnh của Thượng Đế (God), nhưng là do anh mê đắm Eve, mê đuối tuyệt phẩm sáng tạo là một toà thiên nhiên như thế đó! Cũng vậy, cõi phúc của Akaky đã bị huỷ diệt, vì sự xuất hiện của chiếc áo khoác:“Vậy là tiêu trầm, biến vào hư không…. chẳng để lại một trò huênh hoang bắng nhắng nào, đối con người đó, [một ngày đẹp trời kia], một người khách hào hoa trong bộ dạng chiếc áo khoác bất thình lình xuất hiện, làm cuộc đời khốn khổ của anh sáng lên, chỉ một giây phút phù du; [rồi sau đó] là tai ương giáng lên đầu…”, vẫn Gogol, khi viết về cái chết của nhân vật của mình. Chính “người khách hào hoa… làm sáng ngời dù chỉ đôi phút phù du”, cái áo khoác, và Akaky “hệ lụy” vào nó (his attachment to it) đã xóa sạch cõi phúc của anh: một khi “đời thực” xuất hiện, đâu ai còn nghĩ đến “chép lại” làm chi nữa?

 Gogol rất sợ đàn bà. Nỗi sợ này có thể nhận ra, qua một số tác phẩm của ông, thí dụ như  trong “Nhật ký của một người Đàn ông Khùng”, hay “Ivan Fyodorovitch Shponka và Bà Cô của anh”. Như vậy, phải chăng “người khách hào hoa trong bộ dạng chiếc áo khoác” chính là nàng Eve của Akaky?

 Sau đây là câu trả lời dõng dạc (loud and clear), của chính tác giả:

 “Anh ta tự huấn nhục mình bằng cách nhịn ăn, bụng rỗng bò lên giuờng, dỗ cái đói bằng giấc ngủ. Bởi vì sự nuôi dưỡng của anh mang tính “tâm linh” (spiritual). Suy nghĩ, tư tưởng của anh thì luôn luôn tràn đầy: rằng một ngày đẹp trời, chiếc áo khoác sẽ là của anh. Kể từ lúc đó, trọn cuộc đời anh có vẻ giầu có hơn lên, như thể anh ta có vợ, có một con người ở kế bên anh. Như thể anh hết còn trơ trọi, mà có một bạn đường cùng đan dệt cuộc đời với anh; và người bạn đường này, đâu ai khác, mà chính là cái áo khoác độn len dầy, lụa mềm, thứ hảo hạng; mặc một đời chưa chắc đã mòn.”

 Nabokov ghi nhận, cái áo khoác giống như một cô bồ (a mistress); từ này quá yếu, chưa đủ mạnh để nói hết “thâm ý” của Gogol, theo tác giả bài viết trên Partisan Review.

 Nhưng nếu Eve là nguồn cơn nỗi bất hạnh, và sự huỷ diệt của Adam (của chúng ta, những hậu duệ của “Chàng”), như vậy có thể không phải Thượng Đế, mà chính Quỉ Sứ đã sáng tạo ra “Nàng”!

 Sau sự sáng tạo ra Nàng, là Sự Mê Hoặc, Niềm Cám Rỗ, chính nó! Akaky được mời tham dự những buổi dạ tiệc. Điều này có nghĩa, cánh cửa mở ra cho Chàng, bước vào thế giới không thực của thành phố Petersburg; thế là chấm dứt sự giản dị, nghèo đói, niềm dâng hiến hết đời mình cho (nghệ thuật) bắt chước, chép lại. Như Gogol tiếc nuối giùm cho nhân vật của mình, trước đó:

 “ [Chuyện đi dự tiệc là chẳng bao giờ xẩy ra đối với anh]. Chẳng ai có thể nhớ được, rằng anh ta đã từng đi dự dạ tiệc. Sau khi đã chép lại, với sự hài lòng của trái tim mình, anh ta lên giuờng ngủ, mỉm cười mơ tới ngày hôm sau, Thượng Đế lại ban cho mình một điều gì đó để chép lại”.

 Nhưng bây giờ, mọi chuyện đã thay đổi, và Akaky suy nghĩ, rằng đi dạ tiệc là một cơ hội chưng diện chiếc áo khoác, cứ tối nào cũng được như vậy thì thích quá nhỉ!

 Độc giả có thể tự hỏi: Phải chăng chính tên trộm kia, là…. Thiên Thần, hay đích thị… Thượng Đế?

 Chiếc Áo Khoác, The Overcoat, còn có tên là Shinel, hay The Cloak, đã được quay thành phim, thời kỳ còn phim câm (1926), và sau đó (1959), tại Liên Xô, do đạo diễn Aleksey Batalov; tài tử Roland Bykov trong vai Akakiy (hay Akaky) Akaiyevich (theo Encarta Encyclopedia, 2000).

 ***

 Nicolai V. Gogol (1809-52), hầu như sống trọn thời gian từ 1826 tới 1848, tại Rome. Tại đây, ông đã sáng tác Những Linh Hồn Chết (1842), tác phẩm được coi là một trong những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất của văn chương thế giới, tương tự như  Don Quixote của nhà văn người Tây Ban Nha, Miguel de Cervantes. Những độc giả Anh ngữ đã phải đợi đúng… một thế kỷ, mới được đọc một bản dịch tiếng Anh đàng hoàng tác phẩm này. Và bây giờ, nhân vật giả tưởng Pavel Ivanovich Chichikov lại một lần nữa nhập xác phàm, biến thành những thương gia, biznesmen, những tay giang hồ thuộc giới xã hội đen, mafia, hay trong giới “lãnh đạo bằng bom đạn” của Tân Nga Xô.

 Những Linh Hồn Chết thuật lại những chuyến phiêu lưu phi lý của Chichikov, rong ruổi khắp nước Nga, để mua những tá điền, hay những nô lệ, không phải những người còn sống, mà là đã chết, của những ông chủ đất chưa kịp khai báo. Anh ta sẽ dùng danh sách đó, để mượn tiền nhà nước. Người ta có thể nhìn thấy những anh chàng Chichikov tân thời, hiện đang rong ruổi khắp nước Nga Mới, săn những hợp đồng công nhân chưa được thanh toán, rồi dùng danh sách đó mượn tiền Ngân Hàng Thế Giới!

 Những độc giả Anh ngữ đầu tiên chỉ được biết tác phẩm này, như là một tài liệu mang tính xã hội, của một nước Nga đầu thế kỷ 19. Tới năm 1942, đúng một thế kỷ sau khi tác phẩm được xuất bản lần thứ nhất, với bản dịch của Bernard Guibert Guerney, khi đó độc giả Anh ngữ mới nhận ra tầm vóc khổng lồ của Gogol, về tính châm biếm (satire), trò chơi đùa với ngôn ngữ, và sự bịa đặt đầy chất mộng mị của ông.

 Nabokov, trong một bài viết từ năm 1944, cho rằng Dead Souls liên quan tới từ “poshlost” của tiếng Nga, một từ gần như không thể dịch được, đại khái có thể hiểu như là “quan trọng giả, thông minh giả”, và như vậy, đây là một cuốn tiểu thuyết ít nói về nước Nga, mà là về sự ruỗng nát của nhân tính. Cũng trong bài viết, ông vứt bỏ mọi bản dịch, chỉ giữ lại bản của Guerney nói trên. Ông này là chủ một tiệm sách ở New York, và còn là một tiểu thuyết gia, mất năm 1979.

 Qua giai thoại, Gogol viết Những Linh Hồn Chết, từ một gợi ý của bạn mình là Pushkin. Viết được đâu một, hai trăm trang, ông đọc cho bạn nghe, bạn nói, gần như mếu: Không ngờ dân Nga khổ đến như vậy sao? Gogol biết là hỏng, viết lại từ đầu. Ông dự kiến, đây là tập thứ nhất của một bộ ba cuốn, đầy tham vọng: tất cả nước Nga sẽ xuất hiện ở trong đó. Trong thập niên cuối đời, ám ảnh này đã lôi kéo ông sa vào khuynh hướng thần bí mang chất tôn giáo, khi ông cố chiến đấu trong việc ghi lại sự sa đọa của Chichikov. Trước khi chết, ông đốt toàn bộ bản thảo. Nhưng với một số nhà phê bình, tất cả năng lực sáng tạo, Gogol đã dồn hết vào phần đầu. Phần hai chỉ gồm những đoạn rời (fragments). Tác phẩm hoàn tất từ chỗ dang dở đó. Và đây là một đại tác phẩm.


 Tiểu thuyết lịch sử. 

Vào thời mới biết đọc biết viết, hay nói một cách khác, ở cái thuở chập chững của con người được gọi là “độc giả”, tôi cứ thấy mảnh giấy nào có chữ là dí vào mắt. Rồi lớn lên dần, trước là bằng những món ăn dành cho thiếu nhi, một Ông Đồ Bể, một Cái Ấm Đất của Khái Hưng, hay Lên Bẩy, Lên Tám (hình như của Tản Đà thì phải)…. Truyện con nít cũng chẳng có nhiều, thế là mò tới sách báo tiểu thuyết dành cho người lớn. Cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim đã được “thằng bé” thuộc nằm lòng! Ông cậu đi đâu cũng mang thằng cháu ra khoe, một bữa, bị một ông truy: công chúa Chiêu Thánh, truyền ngôi chồng là Trần Cảnh hồi mấy tuổi? Chuyện cô con nít khi đang tắm đùa giỡn, tạt nước vào cậu con nít thì nhớ, nhưng truyền ngôi hồi mấy tuổi, là chuyện đại sự, sao lại hỏi một thằng con nít? Hoá ra chỉ thuộc lòng những trận đánh, hoặc những chi tiết lịch sử mang tính “giật gân”, nào là Phù Đổng Thiên Vương về trời, bỏ lại ngựa sắt; ông hoàng nhỏ Quốc Toản bóp nát trái cam, sông Hồng nghẹt xác giặc… sau này tôi hiểu ra một điều, trí nhớ của con người, dù lớn, dù nhỏ luôn luôn có lỗ hổng, hoặc lỗ đen.

 Tôi đã đọc Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ, bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, ngay từ thời còn con nít; và cứ thắc mắc về một chi tiết: tại sao một bông huệ khắc trên mình Milady lại làm cho A Tố, rồi Đác Ta Nhan khiếp sợ, và Milady chết vì nó, không phải một, mà tới hai lần trong đời?

 Rồi mê mải theo dõi những cuốn tiểu thuyết đăng từng kỳ trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bẩy (có chắc không đấy?), thí dụ như  Chớp Bể Mưa Nguồn, Ngậm Ngải Tìm Trầm…

 Bây giờ thì quên sạch. Nhưng có một cuốn tiểu thuyết, hồi đó, không hiểu sao, bám chặt mãi vào trí nhớ của Jennifer tôi. Đó là một cuốn Lá Huyết Thư, tôi chỉ đọc đâu được vài kỳ, thiếu đoạn kết cục, rồi cứ thắc mắc mãi cho tới bây giờ: không hiểu đứa nhỏ trong đó, có gặp lại được người cha của nó hay không.

 Lá Huyết Thư, như trong trí nhớ của tôi còn giữ lại được, hoặc tưởng tượng ra được, là câu chuyện thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh. Chúa Trịnh, một lần vào nam, trong một lần vi hành, đã gặp một cô gái quê. Thế là một cuộc tình xẩy ra giữa “chàng trai Bắc”, và “cô gái Nam”. Cô gái có thai, được Chúa Trịnh để lại “lá huyết thư” (huyết này không biết lấy ở đâu ra, chắc là của cả hai), và dặn dò, nếu ta chiếm được miền nam, sẽ đón nàng, còn trong trường hợp ta thua chạy về bắc, nàng và con ra gặp ta… 

Thế rồi lớn lên, theo với cuộc chiến, ở miền nam, tôi cứ bị ám ảnh hoài, bởi câu chuyện đọc từ hồi còn nhỏ, ở miền bắc. Rồi tôi tự hỏi, tại sao tác giả cuốn tiểu thuyết lại “tiên tri” được biến cố sau đó, ngay từ hồi còn thực dân, chưa hề có một “điềm triệu” nào cho thấy cuộc chiến “người chết hai lần, thịt da nát tan”, mãi sau này…

 
***

 Phụ trang văn học (Dossiers & Documents Littéraries), của tờ báo Pháp, Thế Giới (Le Monde), số 28, tháng Bẩy 2000, là về tiểu thuyết lịch sử. Gồm nhiều bài viết, về những bậc thầy lớn; những thời kỳ lớn: cổ đại, trung cổ, và lịch sử hiện đại…

 Trong số báo, tác giả Jacques Cellard, trong một bài viết (25 tháng Một 1983), định nghĩa, tiểu thuyết lịch sử đối với văn chương, giống như món xốt may-on-ne đối với bếp núc (Le roman historique est à la littérature ce que la mayonnaise est à la cuisine). Người ta xịt trong khi quay đều đều, tia (xốt) lịch sử lên mầu vàng của cuốn tiểu thuyết (on verse, en tournant régulièrement, le filet d’histoire dans le jaune du roman.) Phải có thêm tiêu muối nữa chứ, lẽ dĩ nhiên. Tôi (tác giả bài báo) muốn nói: phải có tí sexe, tí máu. Nhưng đừng nhiều quá! Vẫn theo ông, thể loại tiểu thuyết lịch sử không được giới hàn lâm, cũng như giới phê bình đánh giá cao: cho dù ký tên Flaubert, hay Hugo, những cuốn như  Salammbô, hay Nhà Thờ Đức Bà thua xa Bà Bovary, hay Những Kẻ Khốn Cùng. Theo ông, đó là do sự cài đặt (installation, thuật ngữ này tôi mượn của giới điện toán) một tay tự sự (narrateur) vào trong một quá khứ không phải của anh ta (một ông Nguyễn Huy Thiệp của thế kỷ 20 biến mình thành Nguyễn Huệ, Gia Long chẳng hạn), chính điều này đã làm tê liệt chức năng tiểu thuyết, và trong bất cứ trường hợp, làm tê liệt luôn hạnh phúc viết (le bonheur d’écrire). Nói theo Florence Mothe, có hai ông “không ưa nhau” nhưng lại cứ phải sống chung dưới một mái nhà là cuốn tiểu thuyết lịch sử: một ông nhà văn và một nhà nghiên cứu, tìm tòi (le chercheur). Vẫn theo Jacques Cellard, một cuốn tiểu thuyết lịch sử không thể, và không được quyền “lơ tơ mơ”, nếu nói về hình thức (của cái gọi là tiểu thuyết), và ông nhà văn lại càng không được quyền để cho ông nghiên cứu gia kia bóp cho nghẹt thở! Sở dĩ hiện nay, không có tiểu thuyết lịch sử lớn, so với những “muôn đời đại thụ” như của Walter Scott, hay Alexandre Dumas, đó là do thiếu dấu ấn của tiểu thuyết thứ thiệt, và dấu ấn này lại nằm ở bên dưới cái nền gọi là lịch sử.


 Những đại gia của môn phái tiểu thuyết lịch sử.

Alexandre Dumas: Quá khứ như là đam mê và như là phiêu lưu.

Theo phụ trang văn học, báo Thế Giới số 28 tháng Bẩy 2000, trong thiên hạ chỉ có ba…đại sư thuộc môn phái tiểu thuyết lịch sử, theo nghĩa, đã đẩy thể loại này tới mức thượng thừa. Đó là (nhà văn người Scotland) Walter Scott, (nhà văn người Pháp) Alexandre Dumas, còn người thứ ba, thuộc loại ẩn sư, nghĩa là ít được người đời biết tới: một nhà văn người Phần Lan, Mika Waltari (1908-79).  Ba ông chiếm ba bồ chữ: phiêu lưu thuộc Dumas, nghiên cứu (analyse), Scott, và tưởng tượng (imaginaire), Waltari.

 Bài viết (1 tháng Giêng 1971), “Quá khứ như là đam mê và như là phiêu lưu” (Le passé comme passion et comme aventure), của Jacques Goimard, được đăng lại trên số báo đã dẫn, là về Alexandre Dumas. Ông này thì độc giả người Việt quá quen biết, nào là Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ, Hai Mươi Năm Sau, Nữ Hoàng Margo… Giới bình dân còn rành cả ông Dumas con, qua vở tuồng cải lương nổi tiếng, Trà Hoa Nữ.

Vào năm 1842, tại Paris, Walter Scott đang là “thần tượng”, và không thiếu những nhà văn thuộc trường phái lãng mạn muốn thử thời vận “một lần nữa trong đời”, bằng cách “lần ngược lịch sử”, hay nói theo J. Goimard, họ tìm cách “Pháp hóa” thể loại văn chương mà Scott đã sáng chế ra: Vigny với Cinq-Mars; Hugo, Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris); Balzac, Les Chouans; Mérimée, Chronique du règne de Charles IX. Nhưng thể loại (tiểu thuyết) lịch sử cũng khó chơi. Trong cuốn Les Louves de Machecoul, Dumas đưa ra hai chị em song sinh. Một cô, tính tình mơ mộng, ôm mớ tiểu thuyết; một cô, đam mê cuồng nhiệt, ôm mớ sách lịch sử. Làm cách nào “hội nhập” một cách hài hòa, hai khuynh hướng trái ngược trên? Nói bốn ông nhà văn trên không thành công, khi “Pháp hóa” Scott, là hơi quá đáng, nhưng vẫn còn một “kẽ hở”, ở trong bí quyết viết tiểu thuyết lịch sử của Scott: ông “làm phiền” độc giả với những lời mào đầu lòng thòng, trong khi “vấn đề” là: phải “nói về những nhân vật sau khi cho xuất hiện”, thêm nữa, tuy Scott thật đáng nể qua miêu tả những tập tục, trang phục, và tính tình nhân vật, nhưng ông không “quen tay” với cái món: đam mê. 

Vả chăng, Lịch sử vốn là một “thiên đàng”, của những ông nhà văn fơi-ơ-tông (viết nhiều kỳ cho nhật báo), mà Dumas là một “chuyên gia”. Lịch sử  dâng hiến chất liệu “làm sẵn, cứ thế mà xài”, đúng thứ ông cần: làm sao viết nhanh, viết khỏe, viết ào ào, nếu không “chôm chĩa”, từ lịch sử, từ những hồi ký, những bình luận thời cuộc? Nó (lịch sử) còn ban cho ông một “thủ đoạn thuận tiện” (alibi commode) khi xử trí những biến động đảo ngược: chúng trở nên có thể chấp nhận được, là bởi vì đã từng xẩy ra trong lịch sử. Và, độc giả tiểu thuyết không cần tin, anh ta cần ngạc nhiên. Sau hết, Lịch sử chính là một khung cảnh “đẹp như mơ”, dễ dàng thoả mãn cơn đói khát của những độc giả ham đọc sách.

 Nhưng tất cả những gì nêu trên, cũng trở thành vô bổ, nếu Dumas, chính ông ta, không phải là một người say mê lịch sử. Phần lớn những “thảm kịch” ông viết ra, đều liên quan tới lịch sử. Nếu những nhà văn thuộc trường phái lãng mạn say mê những giấc mộng lớn, những tổng thể (les sommes), như  Trò Đời (Comédie humaine, Balzac), Lịch sử nước Pháp (Michelet), Truyền Kỳ Những Thế kỷ (Hugo)…, Dumas cũng đã nghĩ tới một Trò Đời của quá khứ, nhưng sau cùng, ông từ bỏ tham vọng này, bởi vì một khi sắp xếp những tác phẩm của mình theo một trật tự, tức là đưa ra một ý hướng đạo đức nào đó cho lịch sử, như vậy là phản lại nhu cầu thoát ra khỏi nó, làm một con người được xóa sổ, như cả một đời cô Kiều đã từng mong ước, và sau bao trầm luân, đã đạt được: Đoạn Trường sổ rút tên ra…

 Lạ một điều, như tác giả Lá Huyết Thư mà tôi chẳng thể nào nhớ nổi tên, Dumas đã từng tiên đoán nhân dân Pháp sẽ làm cách mạng và nắm quyền lực, ngay từ năm 1833, trong tác phẩm Gaule et France.

 Walter Scott: Một lịch sử nhân bản (une histoire humaine)

 -Trí nhớ của tôi chỉ hoạt động một chiều. Tôi chỉ nhớ chuyện này chuyện nọ, một khi nó đã xẩy ra. Alice nói.

 -Thật đáng thương cho thứ trí nhớ chỉ làm việc giật lùi. Hoàng hậu nói.

 -Bà nhớ hay nhất, là về những chuyện gì?

 -Ô, những chuyện (sẽ) xẩy ra vào tuần sau, tiếp theo tuần sắp tới. Hoàng hậu thản nhiên trả lời.

 (Alice ở trong Xứ Huyền Ảo)

  Tác giả Lá Huyết Thư, một cuốn tiểu thuyết lịch sử về thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh, đã tiên đoán những chuyện “tình bắc duyên nam” của những năm 1954, hay những cuộc tình sau 1975….

 Alexandre Dumas đã từng tiên đoán, nhân dân Pháp sẽ làm cách mạng.

 Cả hai tác giả trên cho thấy, ngay cả chuyện nhìn lại quá khứ nhiều khi cũng phải dự đoán.

 Nhớ tương lai. Tưởng tượng quá khứ. Cứ như truyện thần tiên!

 Bởi vì, những cuốn tiểu thuyết lớn là những câu chuyện thần tiên lớn (Nabokov). Cũng theo nghĩa đó, nhà văn Pháp, Anatole France, cho rằng: Lịch sử không phải là một khoa học. Nó là một nghệ thuật. Và người ta chỉ thành công ở đó, nhờ tưởng tượng. (L’histoire n’est pas une science, c’est un art. On n’y réussit que par l’imagination).

 Hay như nhà văn Pháp, Guizot:

 -Bạn muốn (viết) Tiểu thuyết?  Hãy đọc Lịch sử!

 Nhưng thế nào là Tiểu thuyết? Thế nào là Lịch sử?

 Hãy đọc Lịch sử. Nhưng Lịch sử nào? Lịch sử của những ông vua, bà chúa, hay của thường dân?

 Theo Georg Lukacs, một triết gia Mác xít nổi tiếng, tiểu thuyết là để diễn tả tính vô gia cư “siêu việt”. Nói nôm na, nó diễn tả thân phận lưu vong của con người, một khi thần thánh đã bỏ đi. Trong lịch sử văn chương Âu châu, nó là thể dạng thứ ba sau hùng ca (epic), và bi kịch (drama, tragédie). Nó cưu mang (embody) cơn khủng hoảng cảm tính của Âu-châu.

 Cuộc Cách mạng Pháp và thời đại Nã Phá Luân cho thấy, những thường nhân - cuộc sống vốn chỉ quẩn quanh xó nhà, hoặc ở bên ngoài lịch sử - nhận ra một điều: họ có mắc míu tới lịch sử, hay ngược lại. Đây là những đòi hỏi mang tính "toàn trị" (totalitarian claims) đưa đến chủ nghĩa Marx. (Bởi vậy, thật không có gì là cường điệu khi nói, chủ nghĩa Cộng sản là con đẻ của Cách mạng Pháp: lịch sử là "của chúng ta" chứ  không dành riêng cho đám nhà nghề, hoặc giai cấp ở trên. Điều này giải thích tại sao cuộc cách mạng vô sản lại bắt đầu ở Nga, mà không ở một nước nào khác: giai cấp quí tộc Nga vẫn coi tiếng Pháp mới là thứ tiếng "đáng nói" nhất. Paris luôn luôn là thiên đàng của đám trí thức Nga, Cộng-sản hay không Cộng-sản. Nó cũng giải thích những mắc míu kéo dài tới tận bây giờ giữa những người Cộng-sản, chủ nhân mới của đất nước Việt Nam, và "ông thầy cũ" là nước Pháp.)

 Không giống như những đạo quân thế kỷ 18, vó ngựa viễn chinh của quân đội Nã Phá Luân mang theo thông điệp, suốt Âu-châu: ý thức chính trị của cuộc sống hàng ngày, của những con người bình thường. Lịch sử không còn là những thư khố, những ông hoàng. Tiểu thuyết của Scott đã manh nha sự thay đổi, với một cách nhìn mới mẻ về sức nặng và sự đa dạng của sự kiện lịch sử. Lukacs là người đầu tiên nhìn ra điều này.

 David Daiches, trong bài viết “Walter Scott, một lịch sử nhân bản”, (13, tháng tám 1971 đăng lại trên phụ trang văn học báo Thế Giới số 28 tháng Bẩy 2000), cho rằng Scott vẫn còn được đọc, bởi vì độc giả bây giờ tìm thấy ở ông, một điều khác nữa, chứ không phải chỉ là những câu chuyện tình ái lãng mạn, và chiến tranh với những trận đánh. Hầu hết những nhà phê bình hiện thời, từ những trường phái khác nhau, đều coi Scott, như là một tiểu thuyết gia. Họ nhìn thấy ở ông, một tầm nhìn lịch sử; và cái viễn ảnh mang tính lịch sử đó đã nẩy nở cùng với nỗi băn khoăn của ông về những tương quan giữa truyền thống và tiến hóa (évolution). Trong mỗi giai đoạn của công việc tìm tòi chất liệu lịch sử, Scott chỉ ra, ảnh hưởng do những thay đổi chính trị và xã hội, đối với cách hành xử của từng con người riêng tư. Tất cả trở thành cụ thể: lịch sử nhập thân (incarnée) bởi những nhân vật bình thường, những dân quê, những người lính, những ông lái buôn, những người làm luật. Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cũng xuất hiện, lẽ dĩ nhiên. Nhưng cái nguyên liệu ròng của nó, là ở những con người bình thường. Những con người, nói theo như tác giả bài viết, bị kẹt cứng ở trong lịch sử, bị lịch sử tóm lấy, chính họ mới là những người mang trên mình, ý nghĩa của lịch sử.

 Điều quan trọng nữa ở Scott: ông từ chối bắt lịch sử mang một ý nghĩa đạo đức. Nếu ông quan tâm tới những tương quan giữa truyền thống và tiến bộ, tới những cuộc tranh chấp tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, ông còn là một tiểu thuyết gia về một cõi người ta, thật riêng tư, thật nhân bản, của từng con người. Ông từ chối chiếu rọi những chuyển động xã hội, dưới ánh sáng của đạo đức. Những tay vô địch, những kẻ tiên phong của tiến bộ trong những cuốn như  Guy Mannering hay trong La Fiancée de Lammermoor… đều xấu xa, “thiếu đạo đức” (moralement mauvais). Nhưng ngược lại, những nhân vật nổi cộm, đại diện cho tiến bộ ở trong Waverley và Rob Roy là những con người tốt.  Scott chẳng thèm để ý đến cái gọi là “vì sự nghiệp chung”… qua những nhân vật của mình. Chính điều này làm cho những nhân vật của ông cứ thế sống mãi: họ sống bằng niềm cảm thông, bằng sự nhân ái, như là tác giả, người sáng tạo ra họ.

 Trên tất cả, Scott, bằng sức tưởng tượng lịch sử sáng ngời, được tác giả cứ thế làm cho sinh sôi, nẩy nở mãi ra, qua cái đọc, cái hiểu, cái sống, cộng thêm cảm quan sâu đậm về văn học truyền thống dân gian, qua truyền khẩu, cộng thêm sự quan tâm của ông, về vị trí của hồi nhớ ở trong những vấn đề liên quan tới con người… tất cả đã cho phép ông sản xuất ra những cuốn tiểu thuyết vẽ ra một cách thật cảm động, thật độc nhất vô nhị, và cũng thật dũng mãnh: cuộc dấn thân của con người vào lịch sử. Cùng với “cuộc chơi chết người” này, là trách nhiệm, bổn phận, tâm lý, nỗi sợ hãi… của từng cá nhân chúng ta trước… gánh nặng lịch sử!

 Nhưng ít có nhà văn dám đẩy tiểu thuyết lịch sử tới mức thượng thừa như nhà văn Mika Waltari, người Phần Lan. Ông sinh năm 1908, mất năm 1979. Đây đúng là một ảo thuật gia, với những trò phù thuỷ thoát thai từ quyền năng của mộng mơ, đúng như Nabokov định nghĩa, tiểu thuyết lớn là những câu chuyện thần tiên lớn. 

Cuốn tiểu thuyết Sinouhé, người Ai Cập của Waltari, được xuất bản tại xứ sở của ông vào năm 1945, mãi tới năm 1979 mới được dịch ra tiếng Pháp, và được đón hân hoan đón nhận. Cuốn tiếp theo, L’Etrusque, là câu chuyện kể của một nhân vật tên Turms - một trộn lẫn giữa nhân vật của hùng ca Homer và của tiểu thuyết sau đó. Anh sống ở thế kỷ thứ Năm trước khi Chúa Cứu Thế xuất hiện. Chẳng nhớ gì về tuổi thơ của mình. Bị sét đánh, và do đó, được thần thánh chọn lựa cho một sứ mạng màchính anh ta phải làm sáng tỏ. Bị thần thánh xúi giục, anh ta đốt ngôi đền Cybèle ở Sardes, và vì tội ác này, anh ta bị kết án suốt đời phải lang thang, tham dự vào những cuộc phiêu lưu, như những nhân vật của Homer. Theo chân cướp biển Dionysios cùng những chuyến ăn hàng của anh ta; bị hăm dọa bởi những người Carthage trị vì biển cả; chiến đấu bên cạnh những hậu duệ của Hercule, chỉ để giành giật “vương miện của một con chó”, bị người đẹp Aphrodite mê hoặc, bắt cóc nàng rồi sau đó bị nàng phản bội… qua bao hiểm nguy, anh sau cùng hiểu được sự bí mật về những quyền năng kỳ lạ của mình. Turms chính là một “mutant” (một sinh vật đang trong dạng phát triển hoặc thay đổi, như trong truyện khoa học viễn tưởng), giống như Orphée của thi sĩ người Đức, Rilke. Sự bí mật của anh được ghi lại ở trong văn minh và truyền thống mà anh khám phá ra được, ở cuối tiểu thuyết. Đó là văn minh và truyền thống của (một xứ sở) Etrurie huyền bí. 

Nền văn minh này trải ra quanh con hồ Bolsena, trên một khu vực rộng hơn là vùng Toscane hiện giờ. Chẳng có gì làm độc giả ngạc nhiên, khi Walrari bị quyến rũ bởi nó. Bởi vì từ xa xưa, từ nhiều đời tiếp nối, nó đã từng quyến rũ không biết bao nhiêu giống dân Tây Phương. Những hậu duệ của một La Mã đã từng mơ ước một vùng đất, thiên đàng hạ giới, như nhà sử học Hy Lạp thế kỷ IV, Théopompe, đã từng mơ ước: một nơi chốn mà “những người đàn bà cứ khơi khơi trần như nhộng, trong mọi công ăn việc làm, trong mọi giao tiếp, thường là với đàn ông, và đôi khi, giữa mấy bàø “mí nhau”, sẵn sàng ngồi bàn, với bất cứ một người nào vừa mới gặp. Cũng là chuyện bình thường thôi: họ nhậu rất cừ, và rất diệu nghệ.”

 Một xứ sở như thế, chỉ nhờ quyền năng mộng mơ, mới có thể tạo ra nổi!

 Theo Philippe-Jean, qua số báo đã dẫn ở trên, không thể có một thời đại nào mà không có lịch sử tiểu thuyết (của thời đại đó). Bị chê bai, ghét bỏ bởi những “chính chuyên” (puristes): mấy ông sử gia bới lông tìm vết, chi tiết này sai, chi tiết này đúng, mấy ông nhà văn coi đây là thứ mạt hạng, do phương pháp dễ dãi (ở trang mười, Nguyễn Huệ còn hàn vi, tới trang thứ một trăm, chắc là ông ta đang ra lệnh cho nghĩa quân may cờ đào, tới trang hai trăm, đại thắng quân Thanh, thí dụ vậy!) Nhưng đây đúng là một mảnh đất lý tưởng cho những nhà văn muốn… lùi xa thời đại của mình, mà vẫn có thể nói thật đầy đủ về nó. Một bức tranh về con người hiện đại trong mặt nạ của “tiền nhân”. Một trong những chiêu thức tuyệt vời của Kim Dung: “cách sơn đả ngưu”!


 Ông là Đồ Phổ Nghĩa, tôi đoán vậy. 

Đầu tháng Tám, 1890, con tầu Vua Người Bỉ  bắt đầu chuyến ngược dòng Congo. Thuyền trưởng, Konrad Korzeniowski, gốc Ba-lan, mới tới Congo, một thuộc địa mà Leopold II, vua nước Bỉ vừa chiếm đoạt được, cho riêng mình, ngay tại giữa Phi-châu. Muốn tìm hiểu con sông, trong nhật ký của  thuyền trưởng, là chi tiết tỉ mỉ chuyến đi, cả những gì không liên quan đến ngành hàng hải. Một tháng sau, khi chuyến đi chấm dứt, Conrad, bị sốt rét, thổ tả, và với một cõi lòng tan nát khi tận mắt chứng kiến sự tàn bạo của đám da trắng chung quanh, ông bỏ việc, trở lại Âu-châu.

 Tới Phi châu, mục đích chính là để tìm kiếm một thế giới xa lạ (exotic), của những giấc mơ ấu thời; ông trở về với một giấc mơ mới: viết Giữa Lòng Đen, Heart of Darkness,  điều được ông mô tả: cuộc tranh giành của cải xấu xa, ghê tởm nhất, làm méo xệch lịch sử lương tâm nhân loại (that ever disfigured the history of human conscience).

 Giới nhà văn, học giả thường đọc Giữa Lòng Đen bằng những từ của Freud, Nietzsche. Cuốn tiểu thuyết còn nhắc nhở, về sự thơ ngây vô tội, thời Victoria, và tội tổ tông; hay chế độ gia trưởng tàn bạo và thời kỳ tôn giáo thần bí Gnosticism, chủ nghĩa hậu-hiện đại, hậu-thực dân, hậu-cơ cấu. Với trăm ngàn nghiên cứu, luận chứng cao học, tiến sĩ này nọ, người ta thật dễ dàng quên đi, rằng cuốn tiểu thuyết đã mang trong nó một cái gì thuộc về phóng sự, nói rõ hơn, đây là một giả tưởng dựa trên người thực, việc thực.

 Trong cuốn tiểu thuyết, Marlow, người kể chuyện, một hóa thân (alter ego) của Conrad, được một công ty săn ngà voi mướn đi theo một con tầu, ngược dòng sông nhiệt đới, để gặp Mr. Kurtz, tay mại bản đầy tham vọng, và thật thông minh, sáng giá, đại diện công ty. Dọc đường, Marlow nghe xì xào, Kurtz đã thu gom được một mớ ngà voi kếch xù, và đã phạm vào một chuyện dã man không được xác định rõ (unspecified). Thoát chết sau một cuộc tấn công của thổ dân, đoàn của Marlow lấy được một chuyến hàng, luôn cả Kurtz, đang ngắc ngoải vì bịnh. Anh ta nói về những kế hoạch đồ sộ của mình, chết khi con tầu xuôi hạ lưu, nhưng sống mãi, trong cuốn tiểu thuyết của Conrad: một gã da trắng cô độc, lân la mãi tít thượng nguồn con sông lớn, với những giấc mơ  hoành tráng, kho ngà voi, và một đế quốc phong kiến vượt lên trên những khu rừng rậm Phi-châu.

 Độc giả khó thể quên, cảnh tượng Marlow, trên boong tầu, chiếu ống nhòm, tới những vật mà ông miêu tả là những đồ trang điểm, ở trên ngọn những con sào, gần nhà Kurtz, và rồi ông nhận ra, mỗi món đồ trang trí đó là một cái đầu lâu - đen, khô, mi mắt xụp xuống, cái đầu lâu như đang ngủ trên ngọn con sào. Những người chưa từng đọc cuốn truyện, cũng có thể nhìn thấy cảnh này, bởi vì nhà đạo diễn Francis Coppola đã mượn nó, khi chuyển Heart of Darkness vào trong phim Tận Thế Là Đây, Apocalypse Now. Những hình ảnh như thế đã khắc họa Kurtz, như một hình vóc văn hóa: thực dân, chinh phục.  Mới đây thôi, trên trang nhất tờ Times đã mô tả một viên chỉ huy dã man, của lực lượng đánh thuê người Serbia, ở Zaire, như là một bạo chúa, ấn bản hiện đại của Kurtz trong Giữa Lòng Đen.  Một Kurtz thời hiện đại khác, có tên là Đại tá Yugo, ngự trị bằng khủng bố tại thành phố Kisangani, với hàng loạt vụ sát nhân, xử tử, với những trò tra tấn thường nhân bằng roi điện, để mặc tù nhân chết đói. Kisangani, có tên là Stanley Falls, khi con tầu của Conrad tới nơi này, vào năm 1890, và được ông đặt tên là Trạm Nội, Inner Station,  trong Heart of Darkness. Đây cũng chính là chỗ ngày trước Kurtz vung vãi những trò chơi khủng bố, giết thổ dân.

 Chẳng nghi ngờ chi, Conrad còn lấy Kurtz ra, từ trong sâu thẳm con người của ông. Và đây là điều người đọc miễn cưỡng thông cảm khi tưởng tượng ra một người da trắng, tham vọng vô bờ, và viễn ảnh về chính mình, một đấng giáo chủ của văn minh, giữa những giống dân man rợ. Nhưng Conrad còn tạo nên nhân vật của ông, trong sáu tháng ở Congo, từ những người ông đã gặp, hoặc đã nghe nói về họ, lúc này lúc nọ, và sau đó.

 Một trong những nguyên mẫu mà sau này nhiều người viết tiểu sử, cũng như giới phê bình, chỉ ra, đó là Georges Antoine Klein, một Đồ Phổ Nghĩa ở Phi châu (Jean Dupuis, tên Việt là Đồ Phổ Nghĩa, đã từng ngược sông Hồng, kiếm đường thông thương với Trung-hoa, thời Francis Garnier đánh chiếm Bắc-kỳ); ông Tây này, đại diện cho một công ty thu gom ngà voi ở Stanley Falls, bến tới của Conrad. Con tầu Roi des Belges  đã nhặt Klein, khi ông ta bịnh, và sau đó, chết trên tầu, trong chuyến về. Ngoại trừ những chi tiết đó, và sự tương tự giữa hai tên (Kurtz/ Klein), Conrad không lấy ra được nhiều, từ nhân vật này. Có người lại cho thấy, nguyên mẫu của tác giả là một mại bản tên là Arthur Hodister, một người Bỉ nổi danh vì tài thu gom ngà voi. Vào năm 1892, hai năm sau khi Conrad rời Congo, tay này bị đối phương cùng nghề tóm được và chặt đầu. Về những cái đầu lâu đang ngủ trên ngọn sào, nhà phê bình Norman Sherry viết, chúng có lẽ là chuyển thể của số mệnh Hodister. Nhưng có đúng là chuyển thể, nói rõ hơn, Conrad đã hư cấu Kurtz, bằng tưởng tượng nhiều hơn là từ thực tế?  Những nhà phê bình như Sherry đã cố tình lờ đi, vô số những nguyên mẫu khác: những người da trắng chuyên thu gom đầu lâu da đen.

 Người đầu tiên, trong số họ, là Guillaume Van Kerckhoven, một tay phiêu lưu, vốn là sĩ quan Lực Lượng Công Cộng, Force Publique, một lực lượng da đen, do da trắng chỉ huy. Vào lúc Conrad viếng Congo, lực lượng này đang bận rộn với công việc khai hóa, giữa những sắc dân nổi loạn suốt vùng đất thuộc địa bao la của vua Bỉ, Leopold II. Van Kerckhoven nổi tiếng thu gom, vừa ngà voi vừa nô lệ da đen. Một trong những chuyến đi khai hóa của anh ta, đã được một vị toàn quyền mô tả: một trận bão quét qua trọn xứ sở, không để lại bất cứ một cái gì sau nó, nếu có chăng, chỉ là điêu tàn. Van Kerckhoven còn có thói quen, thưởng lính thổ dân dưói quyền, về mỗi cái đầu mang về, sau mỗi chuyến hành quân.

 Ghi chú, tài liệu những ngày Conrad ở Congo không nhiều, chúng ta không biết tác giả có gặp nhân vật kể trên không, nhưng một tay du lịch đã nghe câu chuyện Van Kerckhoven chuyên thu gom đầu người, đó là Roger Casement, một trong những bạn tốt ở Phi châu của tác giả. Casement sau nổi tiếng vì tranh đấu cho nhân quyền, và là một nhà ái quốc Ái nhĩ lan; một trong số hiếm hoi, đen hay trắng, tác giả gặp ở Phi châu: một người suy nghĩ,  giỏi ăn nói, rất thông minh, và rất có cảm tình, Conrad viết trong nhật ký về bạn. (Roger Casement 1864-1916, có thời kỳ làm cho Sở Hỏa Xa Congo. Ông sau bị người Anh treo cổ, vì hoạt động nhân quyền). Vài năm sau, cả hai chạy lại, ôm lấy nhau, trong một tiệm ăn Luân-đôn, rồi sau đó, kéo tới câu lạc bộ thể thao, Sports Club, nói chuyện cho tới 3 giờ sáng. Đó là trước khi Conrad viết Giữa Lòng Đen. Casement có tài ăn nói thật khác thường, và cái kho chuyện của ông chắc chắn đã ảnh hưởng Conrad, về viễn ảnh của một đại lục. "Anh ta có thể kể cho bạn những điều." Conrad viết thư cho một người bạn, về Casement. "Những điều mà bạn cố quên đi."

 Khi bắt đầu viết Giữa Lòng Đen, chắc chắn trong đầu tác giả còn có một nguyên mẫu thứ nhì, chuyên thu gom đầu da đen Phi châu: Léon Rom, cũng sĩ quan Force Publique. Còn là một chuyên viên thu gom mề đay, do những thành tích chiến đấu, và có tên trong văn chương Bỉ, về thời đại anh hùng khai hóa. Năm 1895, một nhà thám hiểm người Anh, còn là một ký giả, ghé qua Stanley Falls, nơi Rom chỉ huy. Viên ký giả sau ghi lại, trên báo Thế Kỷ, Century, về một chuyến hành quân của Rom, tiễu trừ thổ dân nổi loạn chống chế độ thực dân, khai hóa: Đàn bà trẻ con đều bị tóm hết, hai muơi mốt đầu lâu được đem tới thác, và được Đại úy Rom dùng làm đồ trang trí quanh thảm hoa, trước nhà ông. Nhà văn Jules Marchal, người Bỉ, những cuốn sách của ông được dùng làm tài liệu sử về thời kỳ này, đã khui ra một chi tiết khác: tại thác Stanley Falls, Rom cho dựng một giá treo cổ, thường trực, ngay trước bộ chỉ huy của ông. Có thể Conrad bỏ qua tờ Century, nhưng ông là độc giả trung thành của Điểm báo thứ Bẩy, Saturday Review, London. Tờ này cũng nói tới Đại úy Rom và 21 đầu lâu ông thu gom, trong số báo Tháng Chạp 17, 1898. Có thể nguyên mẫu, và tiểu thuyết gia đã từng gặp nhau, tại Congo, vào ngày 2, tháng Tám, 1890, khi Conrad đi cùng một người da trắng khác, với một đoàn thổ dân khiêng đồ đạc, sau chuyến đi dài từ bờ biển tới điểm xuất phát chuyến vượt sông Congo. Trước khi tới làng Kinshasa ở ven sông, nơi con tầu Vua Người Bỉ đợi ông, Conrad đi qua đồn ven biên Leopoldville. Ở cả hai nơi lúc đó chỉ có chừng hai chục người da trắng, vài căn nhà rải rác. Những năm sau đó, hai đồn này bành trướng mãi ra rồi nhập vào nhau, và là thành phố Leopoldville dưới thời người Bỉ, và bây giờ là Kinshasa. Vào cái ngày mà Conrad đi qua Leopoldville, viên sếp đồn là Đại úy Léon Rom. Conrad nói tiếng Pháp gần như hoàn hảo, cả hai như vậy có chung một ngôn ngữ. Khi đọc Century, hay Saturday Review, có thể ông đã tưởng tượng ra được viên sĩ quan trẻ mà ông đã từng gặp.

 Có rất nhiều tương tự đáng nói, giữa Rom và Kurtz. Nhưng Rom và Van Kerckhoven không chỉ là hai nguyên mẫu. Nhiều người khác nữa, cũng có cùng đam mê thu gom đầu lâu da đen. Những nhà phê bình đã cố tình quên chính tác giả Conrad, khi ông ngắm nghía đứa con tinh thần của mình, ngay trong Ghi chú của Tác giả, lần xuất bản 1917:... Heart of Darkness  chỉ cố nhón lên cao hơn chút xíu, những sự kiện thực, chỉ một chút xíu thôi. (Heart of Darkness is experience pushed a little - and only very little - beyond the actual facts of the case).

 Những người Âu châu, và người Mỹ thường ngần ngại, khi nhìn cuộc chinh phục Phi-châu, cũng một trò diệt chủng y hệt như Hitler, hay Stalin. Vì lý do đó, chúng ta đành phải chấp nhận, và "cảm thấy thoải mái", khi nghĩ rằng, chuyện thu gom đầu lâu chỉ là một chuyển thể ghê rợn, một giả tưởng do trí tưởng tượng của Conrad thêu dệt ra. Trong những chuyển thể như thế, có phim của Manuel Aragon, người Tây-ban-nha, được chuyển thể tại Tây-ban-nha sau cuộc nội chiến. Coppola lại chuyển câu chuyện tới Việt Nam. Chỉ có lần thứ ba, câu chuyện được đặt để tại Phi-châu, vào năm 1994, nhưng lại là phim cho cable TV.

 ***

 Thật khó mà bỏ qua một câu hỏi: chế độ thực dân đã huỷ hoại đất đai, con người, môi trường sống tới mức nào ở một đại lục nay biến thành đại dương giông bão (this ocean of troubles); và những người Phi Châu đã làm gì với quê hương của mình, khi không còn thực dân? Ở đó, không có khu vực nào gây ra nhiều tranh cãi cho bằng xứ Congo. Thời kỳ thực dân, đây là nơi diễn ra những điều tàn bạo, “trời không dung, đất không tha”, trải dài mấy chục thập niên, khi nó còn là tài sản riêng của vua Bỉ, King Leopold II. Ông này thu được một tài sản khổng lồ, bằng cách bắt dân lao động nô lệ, thu gom cao su mọc hoang dã ở trong rừng. Quân đội riêng của ông bắt người dân làm việc kiệt lực rồi cứ thế nằm xuống; hãm hiếp, cầm tù, bỏ đói vợ con, (như là những con tin để bắt chồng, cha của họ lao động); dẹp tắt mọi bạo động, mọi cuộc trốn chạy vào rừng núi của những con người khiếp sợ… Theo tài liệu thống kê của chính quyền Bỉ, cỡ chừng 10 triệu con người đã nằm xuống trong thời gian trị vì, và tiếp theo sau đó, của vua Bỉ. Một vài nhà sử học cho rằng, con số thực cao hơn. Hannah Arendt, trong cuốn Những Cội Nguồn của Chủ Nghĩa Toàn Trị (The Origins of Totalitarianism) đề nghị con số 12 triệu, còn nhà sử học đương thời của Congo, Isadore Ndaywel e Nziem: 13 triệu.

 Chừng 12 năm sau khi tài sản riêng của ông vua chuyển qua chính quyền Bỉ (1908), những viên chức nhà nước nhận ra một sự thực: nguồn nhân lực lao động nô lệ sẽ cạn. Nhưng cũng như hầu hết những xứ sở Phi Châu, lực lượng lao động cưỡng bức vẫn cứ thế lai rai suốt trong thời Đệ Nhị Chiến. Tới buổi đêm của Ngày Mai Độc Lập (the very eve of Independence), chiếc roi gai dùng để dậy dỗ nô lệ, “chicotte” vẫn được coi là hợp pháp.

 Với một gia tài của mẹ như thế, làm sao mà khá cho nổi! Nhưng người ta không thể đổ lỗi cho chủ nghĩa thực dân thuộc địa. Nói theo nhà văn Jamaica Kincaid, trong một cuộc phỏng vấn:

 Di sản của chiến thắng, chinh phục hầu hết là dưới dạng của sự tàn nhẫn, độc ác. Không phải tình yêu, lòng nhân ái, từ thiện, nhưng mà là sự độc ác… và đây là đúng kiểu, cho mọi cuộc sống thuộc địa… Bạn cứ tới những nơi mà chiếc xiềng thực dân thật sự bằng thép, và tỏ ra hết sức hữu hiệu: Phi Châu, vùng Caribbean… Phi Châu là một thảm họa. Tôi không hiểu đất đai con người ở đây có ngày sẽ lành mạnh trở lại hay là không…. những người Phi Châu đối xử với nhau thật là độc ác. Làm sao có chuyện những ngài thủ lãnh Phi Châu nhìn vào mặt con dân của họ, và rớt nước mắt… Bởi vậy dưới thời thực dân, con người ở đây ăn rất ít, dưới thời của người Phi Châu, họ chẳng ăn gì cả… 

Bạo chúa Mobutu Sese Seko, trị vì từ 1965 tới 1997, đổi tên nước là Zaire, và “đòi” đất nước “trả công” cho ông: 4 tỉ, hơn cả con số chắt chiu dành giụm trong bao nhiêu năm trời của vua Bỉ Leopold II. Ông và thân quyến, đệ tử… vắt kiệt xứ sở đến nỗi, khi bạo quyền cáo chung, người dân ở đây còn thê thảm hơn thời kỳ cáo chung của 80 năm thực dân thuộc địa. Đám viên chức của cái chính quyền bị phá sản đó đã cứ thế mà đánh nhanh rút gọn, vơ vét cào cấu bằng đủ mọi trò có thể nghĩ ra được: đánh cướp chính mình, tức là biến đồng tiền đang là của chung thành của riêng, ăn hối lộ… 

Người ta có thể đổ lỗi cho Tây Phương, khi sử dụng con bài Mobutu. Ông ta khởi nghiệp bằng cách làm nhân viên chìm cho nhà nước bảo hộ, trong lực lượng kháng chiến đòi hỏi độc lập. Rồi ngay sau Độc Lập, là sự cầm tù và sát hại Patrice Lumumba. Đây là do bàn tay lông lá của Mẽo, (nhưng có sự hỗ trợ của ‘đàn em’, tức chính quyền Bỉ, theo như một cuốn sách mới nhất, Vụ ám sát Lumumba, L’Assassinat de Lumumba, tác giả Ludo De Witte, nhà xb Karthala, Paris). Khi làm thịt một vị lãnh đạo dân chủ đầu tiên, do nhân dân chọn lựa, Tây Phương đã đóng lại vĩnh viễn (ít ra là cho tới bây giờ, và cho tới bao giờ?) mọi cánh cửa mở ra cho một xứ sở.

 Làm sao người ta có thể tưởng tượng một Nam Phi bây giờ, nếu thiếu Nelson Mandela?
NQT