*

 
Chuyện Văn





 

Vườn Xưa

“Thời gian là nhân vật thực sự của tôi”
Naguib Mahfouz 

Mahfouz, người Ai Cập, sinh năm 1911 ở Cairo, là nhà văn viết bằng tiếng Ả Rập đầu tiên được Nobel văn chương (1988). Tác phẩm bộ ba về thành phố Cairo, Cairo Trilogy, gồm Ngõ cụt Lâu đài (Impasse des Deux Palais, bản tiếng Anh, Palace Walk, nhà xb Anchor, 498 trang), Lâu đài Dục vọng (Le Palais du Désir, Palace of Desire, 422 trang), và Vườn Xưa (Le Jardin du Pasée, bản tiếng Anh, Phố Đường, Sugar Street, 308 trang), dầy 1500 trang, hoàn tất vào năm 1952, là câu chuyện nhiều tập (saga) về một gia đình trưởng giả ở thành phố Cairo từ 1917 đến 1944. Trước đó, ông đã thử tay nghề, và cho xuất bản ba cuốn tiểu thuyết về Ai Cập cổ đại, khi còn là nhân viên tại một bộ lo về tôn giáo (Ministry of Awqaf, Religious Endowments). Ngoài bộ ba kể trên, ông còn là tác giả chừng 40 tiểu thuyết, tập truyện, kịch phẩm. 

Với Tam Khúc Cairo, bạn có thể bắt đầu theo bất cứ một trật tự nào, hoặc đọc cả ba, hoặc đọc chỉ một, điều này cho thấy tài năng của người kể chuyện. Thời gian là nhân vật chính, và cùng với nó, một thành phố, những con người dính cứng vào đời thường, vào cái nhất thời, sự hữu hạn. Và cùng với thời gian, là “tiến hoá”. Bởi vì lịch sử (histoire), như chuyện lớn (la grande histoire), hay chuyện nhỏ (la petite histoire), luôn luôn ở phía sau; nó có đó, gầm gừ, đe dọa: hãy biến cuộc đời của mi thành định mệnh. 

Từ “định mệnh” ở đây, mang âm hưởng Đông phương. Mà sao trong sổ đoạn trường có tên: một thứ nghiệp (une forme d’ensorcelante fatalité), dưới dạng một câu chuyện thần tiên, theo Nicole Chardaire, khi giới thiệu Vườn Xưa, bản tiếng Pháp, loại Sách Bỏ Túi. Bà cho rằng, khác với Ngàn Lẻ Một Đêm, khu vườn quá khứ của Mahfouz không phải vườn thúy của người đẹp Shéhérazade, nhưng được cư ngụ bởi những con người bằng xương bằng thịt, bởi nỗi đau, niềm hy vọng. Vẫn theo Nicole Chardaire, cái nguồn thực sự ở đây, là từ truyền thống văn chương Nga. Từ Tolstoi, Gogol, Dostoievski; gần hơn, từ Balzac, Proust. Gần hơn nữa, Roger Martin du Gard, mà chính tác giả cũng đã thừa nhận là ông có mắc nợ. Nói tóm gọn, đây là một dòng văn chương chơi đùa (jouer) với những ẩn dụ – của con tim, cuộc đời, lịch sử. Một dòng văn chương mà thời gian là nhân vật đích thực của nó. 

Thời gian: Ai Cập từ 1917 tới 1944. “Thời nhân” (nhân chứng thời đại): một cư dân thành phố có tên là Ahmed Abd el-Gawward. Một thương gia có tới hai cái bóng: ban ngày, trong gia đình, ngoài xã hội, đây là một con người ngoan đạo, rất nghiêm với vợ con, chí thú làm ăn. Ban đêm, ông thả lỏng con lợn lòng, chiều theo rượu và gái, lao vào những thú vui “bị cấm đoán”, thả hồn theo những điệu nhạc huê tình… Nhưng rồi giông bão nổi lên, những cô con gái của ông bắt đầu nổi loạn chống lại ông bố khắc nghiệt, những ông con trai bắt đầu mở những cuốn sách khác, không phải kinh Coran…

 Trên tờ Điểm Sách Nữu Ước (The New York Review of Books), số Nov 30, 2000, qua bài viết “Sự Độc Ác của Hồi Ức”, Edward Said đã nhìn lại Tam Khúc về Cairo, đọc mấy cuốn mới ra lò của “The Great Mahfouz”. Theo ông, trước khi được Nobel văn chương, với thế giới bên ngoài, (hay bên ngoài thế giới Ả Rập), Mahfouz chỉ được biết tới như là tác giả của những câu chuyện mang tính minh họa, về cuộc sống hạ lưu ở Cairo. Nhưng ngay cả với những sinh viên về Ả Rập hoặc giới nghiên cứu về Trung Đông, họ vẫn nghĩ, ông không có được một văn phong, hay một viễn tượng cho riêng mình. Lý do một phần là do dịch thuật. Thường là quá dở. Mahfouz lại không kiếm ra nổi một dịch giả mê văn ông tới mức để cả đời vào việc dịch. Vào năm 1980 (nghĩa là vẫn trước khi ông được Nobel), Said đã cố gắng giới thiệu ông với một nhà xuất bản ở New York; ông này đang đưa mắt nhìn về “thế giới thứ ba”, coi có cuốn nào thuộc loại số một, và biến nó thành dịch phẩm hảo hạng. Nhưng sau khi cân nhắc đắn đo, ông lắc đầu. Khi Said hỏi tại sao, ông trả lời, không hề có ý  châm biếm, rằng Ả Rập là một ngôn ngữ dễ gây tranh luận (I was told – with no dectectable irony - that Arabic was a controversial language). Nhưng thú vị là, vài năm sau khi nhà xuất bản New York lắc đầu, Said đã có dịp trao đổi với Người Đẹp Jackie, tức Jacqueline Onassis, và bà là một trong những người đã hỗ trợ ông ta. Bản quyền tiếng Anh thuộc nhà xuất bản Đại Học Mỹ ở Cairo; Mahfouz, chắc gặp lúc quá kẹt, đã bán rẻ chúng; có thể ông chẳng thèm nghĩ đến chuyện một ngày đẹp trời, ông trở thành nổi tiếng trên khắp thế giới.

 Với độc giả Ả Rập, Mahfouz có một giọng văn đặc biệt, của riêng ông, một bậc thầy về ngôn ngữ, nhưng với độc giả tiếng Anh, ông đành ăn theo dịch giả; và Said thú nhận, ông rất lấy làm buồn mà nói rằng, mấy ông đó chỉ đáng là “thợ dịch”, tức là chẳng ai có một văn phong, và có khi chẳng hiểu Mahfouz nói gì nữa! Said qua bài viết đã cố gắng giới thiệu với độc giả tiếng Anh một Mahfouz vĩ đại của ngôn ngữ Ả Rập.

 Giống như một vị hoàng đế, đứng trên bậc cửu trùng ngó xuống thần dân tức vương quốc giả tưởng do mình tạo ra, Mahfouz biết, ông có thể vẫy tay ra hiệu cho nó tới phủ phục dưới chân ông, chịu sự phán xét, nhào nặn, uốn nắn cái hình vóc, dáng dấp của nó, như Alexander, Caesar hay Nã Phá Luân, những người chuyên chinh phục, chiến thắng, mở mang vương quốc của họ. Thêm vào đó, là những ngón nghề văn hoá, trí thức, như là những phương tiện chuyển đạt dũng mãnh, trực tiếp và tinh tế. Những nhân vật của ông luôn luôn được mô tả một cách “trực khởi” ngay khi vừa ló mặt, cũng vậy, Mahfouz tới ngay trước mặt bạn (độc giả), nhấn bạn vào trong cái dòng chẩy là những câu chuyện của ông, một dòng kể dầy, đặc, và bạn cứ thế mà loay hoay bơi lội ở trong đó. Lịch sử Ai Cập dưới thời những vị thủ tướng như  Saad Zaghloul và Mustapha el Nahas, chi tiết về những đảng phái, chuyện nhà này nhà kia… tất cả được diễn tả thật tài tình. Hiện thực chủ nghĩa, lẽ dĩ nhiên, nhưng vượt lên trên là viễn ảnh, là tầm nhìn xa của nhà văn; với Mahfouz, đó còn là một tấm lòng trắc ẩn của một con người có niềm tin vào Thiên chúa giáo. Hiện nay ông nổi tiếng khắp thế giới, hoặc như là một nhà văn hiện thực xã hội theo kiểu Balzac, hoặc như một người kể chuyện huyền hoặc (a fabulist) từ Ngàn Lẻ Một Đêm bước thẳng ra. Nhưng có lẽ đúng nhất, là đề nghị của tiểu thuyết gia người Lebanon, Elias Khoury; ông coi đây là một dạng lịch sử về thể loại tiểu thuyết, từ giả tưởng mang tính lịch sử tới chuyện diễm tình, chuyện nhiều tập, chuyện gươm đàn nửa gánh tiếu ngạo giang hồ, theo sau đó, là một tác phẩm với đủ kiểu: hiện thực, hiện đại, tự nhiên, biểu tượng, và phi lý (a kind of history of the novel form, from historical fiction to the romance, saga, and picaresque tale, followed by work in realist, modernist, naturalist, symbolist, and absurdist modes).

 Hơn nữa, mặc dù bề ngoài dễ đọc, Mahfouz là một thế giá rất phức tạp, rất vi diệu (sophisticated): ông không chỉ là một “tay chơi” ngôn ngữ Ả Rập (an Arabic stylist), mà còn là một sinh viên cần cù theo dõi tiến trình xã hội, và tri thức luận. Said cho rằng, thế giá này là số một, có lẽ độc nhất vô nhị trên thế giới. Những cuốn tiểu thuyết “được gọi là hiện thực xã hội” của ông, từ đó danh vọng ông nổi lên như cồn, không chỉ là một tấm gương phản ánh mang tính xã hội, thuận lý về một Ai Cập hiện đại; chúng còn là những toan tính thật táo bạo vén màn bí mật về cuộc thi thố quyền lực. Bắt phong trần phải phong trần, vì vậy, quyền lực này có thể đến từ ông Trời, như trong ngụ ngôn Awlad Haritna (Những đứa con của Gebelaawi), xuất bản năm 1958 nhưng bị nhà cầm quyền Ai Cập cấm đoán cho tới mấy năm gần đây. Đây là chuyện một đại điền chủ, một thứ ông trời, đã cấm đoán con cái của mình không được vào Thiên Đàng, không được nối ngôi ông, cũng không được tham gia đảng phái chính trị, đại học, nhân viên bàn giấy nhà nước vv…

 Nhưng như vậy không có nghĩa là những tiểu thuyết của Mahfouz được hướng dẫn bởi những nguyên lý trừu tượng, mà ngược hẳn lại, nếu không, chúng đã không gây ấn tượng mạnh mẽ ở những độc giả Ả Rập, thoạt kỳ thuỷ, và bây giờ, là cả thế giới.

 Mục tiêu mà Mahfouz muốn nhắm tới, theo Said: ông muốn những tư tưởng nhập thân hoàn toàn vào những nhân vật, vào những hành động của họ; không một điều gì mang tính lý thuyết bị bỏ qua không được đem ra thi thố. Nhưng điều luôn luôn làm Mahfouz ngỡ ngàng, đó là, Cái Tuyệt Đối – với một người Hồi giáo, đó là Thượng Đế, như là quyền năng tối hậu – bằng cách nào nó bắt buộc trở thành vật chất, và không thể khôi phục lại được (the way the Absolute – which for a Muslim is of course God as ‘the’ ultimate power – necessarily becomes material and irrecoverable simultaneously), như  khi vị đại điền chủ ra lệnh cấm đoán con cái, thế là chúng cứ muôn đời lưu vong, mặc dù ông bố đã thối lui vào trong pháo đài, hay căn nhà của ông, một căn nhà mà những đứa con vẫn có thể nhìn thấy, từ đất đai của họ.

 Cuốn tiểu thuyết Malhamat al Harafish (1977), (Epic of the Harafish)  mở rộng ra, và đào sâu hơn, đề tài trong Những đứa con của Gebelaawi. Bằng vào khả năng ngôn ngữ tinh tế, Harafist có thể chuyển dịch (translate) Cái Tuyệt Đối vào trong câu chuyện, nhân vật, biến động, nơi chốn… nhưng cùng lúc, bởi vì cái tuyệt đối là nguyên lý đầu tiên của sự vật, cho nên nó ương ngạnh, cứng đầu, vẫn giấu biệt cội nguồn của nó, giống như một cái gì lơ lửng, gây nhức nhối, dằn vặt. Cái sống, cái cảm nhận đều hiển nhiên, cụ thể, nhưng thật khó tóm bắt mặc dù được bầy tỏ thật chi ly theo dòng văn xuôi thật đặc biệt của ông. Cũng vậy, sự hiện diện đầy quyền uy của ông bố ở trong Tam Khúc Cairo như treo lơ lửng bên trên mọi hành động của ba thế hệ con cái tiếp theo nhau, sau khi ông đã chết. Quyền uy của ông cứ thế nhạt nhòa đi, như thể ông lui dần về pháo đài, nhưng vẫn lơ lửng đâu đó, kết quả là, tới cuối chuyện, bạn cảm thấy vừa nuối tiếc – về những gì xẩy ra cho những nhân vật ở trong đó -  vừa hy vọng, mong trở lại với mở đầu câu chuyện. Tác giả như muốn giải thích tiến trình này, bằng một đoạn có tên là “Một thông điệp”, trong cuốn Những tiếng dội từ một Tự thuật” (Echoes from an Autobiography, 1994): “Sự độc ác của hồi ức tự nó biểu lộ qua tưởng nhớ những gì bị xoá nhoà qua quên lãng.” (The cruelty of memory manifests itself in remembering what is dispelled in forgetfulness). Mahfouz là một người ghi nhận chính xác bước đi của thời gian. Một ghi nhận chính xác, đừng mong cứu chuộc, nhưng với phán đoán cao độ.

 Bạn đã đọc Don Quixote chưa?

 Đối với độc giả Tây-phương, một câu hỏi như vậy có thể làm họ bực mình. Nhưng số phận của Cervantès cũng giống như của Homer, Dante, hoặc Goethe: họ vừa nổi tiếng vừa bị lãng quên, như thể hào quang của tác phẩm làm cho độc giả (phải) bỏ chạy!

 Một nghịch lý đáng yêu như thế đã khiến nhà xb Seuil đưa ra một bản dịch mới nhất tác phẩm khổng lồ này (nữ dịch giả Aline Schulman, 1997).

 Đi trước Tartarin de Tarascon của Alphonse Daudet, Don Quichotte đã từng võ trang đến tận răng để chiến đấu với mấy con sư tử... ở trong chuồng. Cũng may sư tử không thèm chấp mấy trò trẻ con; khi cửa chuồng mở ra, con vật hào hoa phong nhã, được "ăn học" đàng hoàng (le noble animal, fort bien élevé) nhìn ngang, nhìn dọc rồi quay đít về phía Don Quichotte, tiếp tục dỗ giấc ngủ trưa của nó. Và Don Quichotte đáng yêu của chúng ta quay qua Sancho, người hầu: Tới Madrid, nếu Đức Vua có hỏi tên ta, mi hãy nói, ta là Hiệp Sĩ Sư Tử, không còn là Hiệp Sĩ Mặt Buồn nữa.

 Tạp chí Văn Học Pháp, số Oct, 1997, đặc biệt về Cervantes: Don Quichotte hay là sự phát minh tiểu thuyết hiện đại. Có Carlos Fuentès, một nhà văn lão thành người Mexico, với bài viết: Cervantès hay là phê bình việc đọc (sách). Liên hệ giữa tác giả và đất nước Tây-ban-nha, là đầy trăn trở, xung đột: "Họ là kẻ khác, của chính chúng tôi. Tây-ban-nha, mặt trời và bóng đêm, nửa yêu thương nửa hận thù. Gọi một tên thôi: Đam mê". Trả lời câu hỏi: liệu Don Quichotte chết cô đơn? Ông nói: Marthe Robert đã đưa ra câu trả lời chung quyết: Don Quichotte chết ngay khi anh ta trở thành có lý... nhưng cuốn sách của anh ta không chết, nó tiếp tục sống, như một bảng chỉ dẫn, tham khảo về những điều khả thể... Lần đầu tiên trong lịch sử văn chương, một nhân vật biết (rằng) người ta đang viết (về anh) cùng lúc anh sống những cuộc phiêu lưu giả tưởng. Đây là một nạn nhân kép: Don Quichotte mất lý trí, không phải một, mà tới hai lần; lần đầu, khi anh ta đọc, lần thứ nhì, bị đọc.

 Juan Benet, một tác giả khác, trong cùng số báo cho rằng, Cervantes quyết định tự ban cho mình một huyền thoại riêng, không vay ai, không mượn lịch sử, truyền thuyết, tôn giáo, huyền thoại học... Nói ngắn gọn: ông ta phát minh ra cái gọi là: Phát minh văn chương.

 Trong những hiện tượng Don Quichotte tiếp theo (xin coi hồi sau sẽ rõ), có một, thật đáng yêu: Từ  trưa 23 đến trưa 24 tháng Tư, năm 1996, nhân Ngày Hội Sách, hàng ngàn người, giầu cũng như nghèo, ngoại quốc cũng như bản xứ, đã tụ họp tại Madrid để nghe đọc Don Quichotte.

 Sự bắt chước Đức Ông Don Quixote của chúng ta, là nhan đề bài viết của Simon Leys trên tờ Điểm Sách Nữu Ước số đề ngày 11 tháng Sáu 1998. Theo ông, qua những cuộc tranh luận này nọ, từ quixotic gần như có nghĩa, một sự sỉ nhục, và điều này làm ông ngỡ ngàng. Cung cách mọi người khi nhắc tới, làm cho bạn tự hỏi, không hiểu người đó đã (thực sự) đọc tác phẩm hay chưa. Thật cũng thú vị, nếu có ai đó bỏ công tìm hiểu, Don Quichotte có được đọc một cách đại trà, như tính bình dân của nhân vật này. Nhưng chớ đụng đến những con người có học, bởi vì theo họ, có một số tác phẩm mọi người (phải)  đọc, đây là một bổn phận, do bắt buộc của tri thức. Leys thú nhận, chỉ đọc vì thích thú.

 Theo ông, người ta có cảm tưởng những nhà phê bình thực sự không thích văn chương: họ không "enjoy" (hưởng thụ, thưởng thức) cái thú đọc sách. Tệ hơn nữa, họ thường tỏ ra nghi ngờ, nếu không muốn nói là dè bỉu, những cuốn ăn khách. Dưới mắt họ, cái gì vui, gây cười thường không quan trọng, hoặc không nghiêm túc. Buồn một nỗi, thái độ của họ đã tiêm nhiễm vào chúng ta, một cách vô thức, đưa đến hậu quả: chúng ta quên đi rằng, cho tới nay, những đại tác phẩm đều được viết ra, cho đại chúng, và để mua vui cho họ: Từ Rabelais, Shakespeare và Molière của thời cổ điển tới những tiểu thuyết gia khổng lồ thế kỷ 19 - Balzac, Dumas, Hugo, Dickens, Thackeray - quan tâm chính của những nhà sáng tạo văn chương không phải là để được sự chấp nhận của giới kinh viện, của những chuyên viên thưởng ngoạn, (một việc làm tưởng khó tuy dễ), nhưng mà là để sờ mó tới người ngoài phố, làm cho anh ta cuời, khóc, và đây là một nhiệm vụ khó khăn vô cùng. Nhìn theo cách đó, Don Quixote đã đạt tới mức tối hảo, của thể loại văn chương cổ điển: viết cho nhiều người đọc, càng nhiều bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Và nếu thu được lợi nhuận, càng nhiều bao nhiêu, càng vui bấy nhiêu!

 Bản thân Cervantes chẳng có gì làm người đọc liên tưởng tới những nhà sáng tạo đại tác phẩm. Nguyên là một anh lính quèn, bị thương và trở thành đồ bỏ; bị hải tặc tóm, đem bán làm nô lệ ở Bắc Phi, cuối cùng lê về được cố hương Tây-ban-nha, chắc chắn chỉ để chết trong nghèo khổ. Đã từng nếm mùi nhà tù vài lần, đời ông đúng là một cuộc tranh đấu để sinh tồn. Đã từng đòi phen viết lách để kiếm ăn, nhưng không thành công: nào kịch, tiểu thuyết đồng quê, hầu hết đã mất dạng, chút còn lại cũng chẳng ghê gớm gì. Chỉ đến gần chót đời, khi đã 59 tuổi, với Don Quixote, xuất hiện vào năm 1605, ông mới vớ trúng mỏ vàng: liền lập tức, cuốn sách là một best seller. Tác giả của nó chết, một năm sau khi phần nhì, và là phần cuối của cuốn sách được xuất bản (1615).

 Tìm hiểu động cơ khêu gợi trí tưởng tượng của Cervantes, chúng ta ngỡ ngàng: ông đã coi cuốn sách, như bộ máy chiến tranh (une machine de guerre), nhằm chống lại nền văn chương hiệp sĩ, vốn thời thượng lúc đó, và đã dồn hết cả sức lực vào mục tiêu này. Như chúng ta biết, toàn thể cấu trúc của cuốn sách thật giản dị, và được đề ra ở ngay vài trang đầu, Chương Một; hàng ngàn trang tiếp theo, chỉ lập đi lập lại những ứng dụng của nó, vào trong những tình huống khác biệt; hàng trăm biến điệu (variations), cũng một đề tài. Tác giả, một trưởng giả nhà quê, tốt tính, khôn ngoan, có học, có ít tiền, nhưng thừa thì giờ, cho nên đã mắc nghiền văn chương hiệp sĩ lang thang, như lời ông nói: "Ông ta chẳng việc gì để làm, đành chúi mũi vào văn chương hiệp sĩ lang thang, nó làm ông say mê, quên cả việc săn bắn, chăm sóc nhà cửa, đến nỗi cứ bán dần cơ ngơi để mua sách... (cuối cùng) chết đắm chết đuối trong mớ sách vở, đọc đêm quên ăn, ngày quên ngủ, não bộ khô kiệt, mất luôn sự hiểu biết, túi khôn..  Rồi ông quyết định, biến chính mình, thành một hiệp sĩ lang thang, quên một điều, thời đại hiệp sĩ lang thang đã qua từ lâu rồi. Sau cùng, ông thức giấc, từ cơn mộng, khám phá ra rằng, tất cả những cuộc phiêu lưu tận cùng bằng thất bại, chúng biến ông thành nạn nhân của sự độc ác; điều ông săn đuổi như một chủ nghĩa anh hùng phi lý, thật sự chỉ là ảo mộng! Khám phá sau cùng là tận cùng của thất bại: ông chết vì vỡ tim".

 Cái chết của Don Quixote ở trang cuối là tuyệt đỉnh, của không khí toàn câu chuyện. Tôi (Leys) đố bạn đọc đến đây mà không rớt nước mắt. Điều làm ông ngạc nhiên, một tác phẩm lớn lao như thế, tại sao lại bắt nguồn từ một thông điệp chật hẹp như vậy: viết chỉ để chống lại thứ văn chương kiếm hiệp ba xu, rẻ tiền? Và Leys nhớ đến câu chuyện về Hemingway, khi trả lời một ký giả, về những thông điệp trong tác phẩm của ông: Chẳng có thông điệp nào ở trong đó. Khi cần gửi thông điệp, tôi tới Bưu Điện.

 Sẽ có người bực mình thốt lên: Sao? Không có thông điệp trong những tác phẩm lớn của văn chương thế giới? Lẽ dĩ nhiên, nhiều nhà văn, thi sĩ nghĩ rằng, họ có những thông điệp để truyền đi, nhưng thường thường, sau cùng họ đều nhận ra: những thông điệp như thế chẳng quan trọng chi, như thoạt đầu họ nghĩ. Hầu hết những độc giả bây giờ chẳng thèm để ý đến thần học thời Trung Cổ, khi say mê Dante. Và đây là lời khuyên của D. H. Lawrence: Đừng bao giờ tin tưởng nghệ sĩ. Hãy tin câu chuyện kể. Chức năng chính hiệu của một phê bình gia, đó là cứu vớt (save) câu chuyện, ra khỏi nghệ sĩ, kẻ tạo ra nó.

 Một trong những phê bình gia bị dội, khi đọc Cervantes, đó là Nabokov. Thoạt đầu, khi phải soạn cours,  ông tính dựa vào hồi ức khi còn trẻ, ông rất mê cuốn sách.  Nhưng ông thấy cần phải trở lại với bản văn. Và ông hết sức phẫn nộ, về những sự độc ác, tàn nhẫn, dã man của cách kể chuyện. Ông so sánh sự độc ác dã man với sự sỉ nhục Christ, với những trò tra tấn bách hại của những mật vụ nhà thờ người Tây-ban-nha (Spanish Inquisition), với trò đấu bò hiện đại. Ông tỏ vẻ hết sức thích thú, khi kể tội Cervantes, làm thịt cuốn sách, trước thính giả là những sinh viên của ông; khiến đồng nghiệp bực mình, và cảnh cáo: Harvard nghĩ khác. Vài năm sau, ông xin chân giảng dậy, bị bác đơn, ông cảm thấy thật cay đắng, chua chát vì cái tát gió này. Chắc còn nhiều nguyên nhân, nhưng không thể loại trừ thái độ của ông đối với Cervantes. Trong những nghiên cứu của ông về tác phẩm, có một, thật thú vị: Nabokov chứng minh rằng, giải pháp cho từng cuộc phiêu lưu của Don Quixote, là gần như không thể tiên đoán được; ông còn so sánh những cú làm bàn và bị ghi bàn - những chiến thắng và thất bại của Don Quixote - với trò chơi quần vợt, thật nghẹt thở: 6-3, 3-6, 6-4, 5-7. Nhưng ván chót chẳng bao giờ xẩy ra: Cái chết đã xóa sạch tất cả.

 Sự ghê tởm đã khiến ông nghỉ chơi với cuốn sách trong suốt thời gian dậy đại học Cornell: ông không dám đề cập tới nó nữa. Nhưng thái độ thù nghịch này, thực ra là do sự ngưỡng mộ đối với nhân vật của Cervantes, như đoạn cảm động sau đây: (Don Quixote) đã rong ruổi 350 năm xuyên qua những rừng rậm, những hoang địa khô cằn, là tư tưởng nhân loại; và anh ta đã có được sự sống động, và phong thái. Chúng ta đừng cười anh ta nữa. Huy hiệu của anh ta, đáng thương, lá cờ của anh, đẹp. Anh ta là hiện thân của tất cả những gì dịu dàng, trinh nguyên, không một chút vị kỷ, và tính nịnh đầm.

 Theo Kundera, Nabokov đã đưa ra một nhận định tiêu cực, đầy tính gây hấn về Don Quixote: quá lố, ngây ngô, lập đi lập lại, đầy những sự độc ác không thể chịu nổi, không thể tin được; cuốn sách cay đắng, chua chát, dã man nhất cho tới nay đã được viết ra. Nhưng chúng ta không ở trong thế giới của Zola, khi một hành động độc ác nào đó, được miêu tả thật tỉ mỉ, trở thành một tài liệu chính xác của thực tại xã hội.  Don Quixote bị chèn ép, trở nên không thể hiểu được, khi đụng phải tinh thần Zola, hoặc Mỹ học Lãng mạn, vốn đòi hỏi sự xác tín.

 Trong những tác giả tắm đẫm văn hóa Tây-ban-nha là nhà văn Pháp, Henry de Montherlant; ông sống ở đó, rành rẽ ngôn ngữ Tây-ban-nha, và đã từng học nghề đấu bò. Ông đọc đi đọc lại bốn lần nguyên tác, và rất khó chịu vì sự thô bỉ của Cervantes, khi ông đụng tới một nhân vật cao cả, kiểu thánh nữ của tiểu thuyết lãng mạn.  Ngoài ra theo ông, cuốn truyện quá dài, nhiều câu chuyện diễu vô vị, và độc ác. Phản ứng của ông tương tự như của Nabokov, và điều ông bực nhất, đó là Cervantes chẳng hề đưa ra một lời cảm thông nào cho nhân vật, cũng chẳng hề kết tội, về những trò độc ác nhắm vào anh. Nhưng đây chính là nghệ thuật của Cervantes: Những điều chỉ trích ông chính là sức mạnh nghệ thuật của ông: sự bí mật của cái điều giống như chính cuộc đời: Ai trong số chúng ta dám tin rằng cuộc đời vốn thiện vốn mỹ, vốn không hề có sự độc ác? Chúng ta càng thù tác giả bao nhiêu, chúng ta càng tin vào thực tại thế giới của ông, và những nhân vật ông tạo ra.

 "Ông chủ hãy coi kìa," Sancho nhắc đi nhắc lại, "những vật trông giống như những người khổng lồ ở dưới kia thực sự không phải là những người khổng lồ, nhưng mà là những cối xay gió." Nhưng ông chủ của anh không nhìn: Don Quichotte đọc, và cái đọc của anh nói rằng, đây là những người khổng lồ. Cuốn sách đưa ra một vấn nạn, về tác phẩm lớn: lớn là lớn với đời sống, hay với những cuốn sách?

 Trong những ngụ ngôn về Quixote, có một của Jorge Luis Borges: Một Bài Toán. Sau đây là tóm tắt:

 Chúng ta hãy tưởng tượng, người ta tìm thấy ở Toledo một bản văn bằng tiếng Arabic, được coi như thủ bản của Cide Hamete Benengeli, tác phẩm của Cervantes đã thoát thai từ đó. Qua bản văn chúng ta đọc thấy vị anh hùng (vốn nổi tiếng, đã lang thang khắp xứ Tây-ban-nha, trang bị với cây gươm và ngọn giáo, gặp ai cũng thách đấu, chẳng cần lý do gì hết), vị anh hùng khám phá ra rằng, sau một trong những cuộc chiến đấu như thế, anh ta đã giết chết một người.. Tới đây bản văn đứt đoạn, và bài toán đặt ra là: hãy thử đoán coi Don Quixote xử sự ra sao?

 Theo như tôi được biết, có thể có ba câu trả lời. Câu đầu có tính tiêu cực, nghĩa là, chẳng xẩy ra chuyện gì hết; bởi vì trong thế giới hoang tưởng của Don Quixote, cái chết cũng tầm phào như chuyện huyền hoặc, và sự kiện giết chết một người chẳng làm phiền cá nhân đang chiến đấu, hoặc tin rằng anh ta đang chiến đấu, với những quái vật huyền hoặc, và với đám phù thuỷ. Câu trả lời thứ nhì thuộc về bệnh lý.

 Don Quixote không hề bao giờ quên một điều, anh ta chỉ là phóng bản của Alonso Quijano, độc giả của những chuyện huyền hoặc; sự kiện nhìn thấy cái chết, hiểu rằng giấc mơ đã đẩy anh ta tới tội ác của Cain, điều này đã đánh thức anh ta, có lẽ hoài hoài, ra khỏi cơn điên khùng.

 Câu trả lời thứ ba có lý hơn cả. Một khi người đàn ông chết, Don Quixote không thể cho rằng hành động giết người ghê tởm chỉ là sản phẩm của cơn điên rồ... thế là Don Quixote không làm sao ra khỏi cơn điên của anh.

Câu trả lời chót lại đẩy chúng ta trở về điểm xuất phát: thế nào là tác phẩm lớn? Lớn là lớn với văn chương, hay với cuộc đời?