*
 
Tạp Ghi

 



Biển nhớ
5


“Về bài viết "Chiều nay..." (1) của anh gửi, tôi nói lên mấy cảm tưởng của mình, để chia sẻ với anh. Tôi đọc bài viết hai lần, đều trên màn ảnh (chứ chưa in ra). Tôi chỉ có thể nhớ mang máng rằng điểm chính là viết về truyện Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, còn lại là những ý kiến, phát biểu, quan niệm của hàng loạt văn sĩ, phê bình gia phương Tây. Tôi rất ít biết về Thanh Tâm Tuyền, cũng chưa đọc truyện Bếp Lửa….”
Hoa Mộc Lan
Những dòng trên, là từ một thư riêng, của một người trước đây cũng kể như là một người bạn của Gấu, nhưng sau ít liên lạc, rồi thôi hẳn.
Cũng là một người từ miền nam ra đi, và cũng chủ trương giao lưu hòa giải, như trong một thư khác, ông viết, và nhân đó, trách Gấu:

“Thuở mới đến..., từ một chàng trai nhà nghèo bước vào xứ giầu có và nhiều thông tin, tôi cũng đam mê nền văn minh phương Tây. Vì vậy thay vì chú tâm học [ngành chuyên môn] tôi dùng thì giờ đọc tất cả những loại sách triết, văn chương, nghệ thuật, hội họa, âm nhạc... Khi đi theo phong trào... [tôi] mới chuyển sang đọc cái khác. Vì vậy, khi không còn hoạt động gì nữa, tôi tìm lại được cái thú đã mất gần 20 năm, là nghe nhạc cổ điển, đọc sách văn chương thế giới. Và từ vài năm nay, là quay về cội nguồn, tìm hiểu phương Đông, và nhất là về đạo Phật. Dài dòng như thế là để muốn nói, tôi hiểu anh và mình có nhiều điểm khá giống nhau.

Ngoài ra, đã là bạn với nhau, anh cho phép tôi nói luôn hai ý nghĩ khác.
Thứ nhất là qua văn chương của anh, tôi thấy anh còn quá "cay cú" (hay nói theo nhà Phật, còn "quá chấp"), về cái xấu của chủ nghĩa Cộng sản. Vì vậy mà anh rất nhậy cảm với cái dở, cái xấu của nó, và cũng vì thế, nhiều khi anh thấy không trọn, không hết mà có lúc, không đúng. Anh (và cũng có nhiều người khác giống như anh) quá "độ lượng", về chế độ Sài-gòn, về người Mỹ. Tôi hy vọng là anh tiếp tục mở rộng quan hệ (.....) thì những cái chấp "vô lý" đó sẽ lần lần tự xóa đi, và anh sẽ thanh thản hơn, nhìn Hà-nội, nhìn các con người như Văn Cao, Nguyễn Tuân... với con mắt thông cảm hơn. Dù không phải là người Hà-nội, tôi rất yêu thành phố này, và rất quí nhiều bè bạn (....) mà anh có nói qua."
Thư Bạn

Trong một cuộc họp bàn tròn văn nghệ, của một tờ báo trên lưới, mà người chủ trương [tờ VHNT, PCL] có nhã ý gửi riêng cho Gấu, một đoạn, qua đó, một thành viên có phê là, thần tượng của Gấu tôi, là Thanh Tâm Tuyền, và Camus.

Thật sự mà nói, Thanh Tâm Tuyền không phải là thần tượng trong văn chương của Gấu. Nhưng về mặt đời thường, ông quả là một tấm gương để Gấu noi theo, như là một người anh, một người cố giữ cho mình có được một cuộc sống trong sạch, đạo đức. Một người cố không bẩn, trong một cuộc chiến bẩn, có thể nói như vậy. Cố giữ cho mình không bẩn, không phải bằng cách bỏ chạy cuộc chiến đó.

Nhưng - vẫn nhưng - nếu bạn ở miền nam, vào những năm tháng đó, nếu bạn tự coi mình cũng thuộc thành phần có học, trí thức, tiến bộ, có lo lắng tới những vấn đề của đất nước, những vấn đề liên quan tới văn chương… mà bạn bảo rằng, tôi không hề đọc Thanh Tâm Tuyền, thì chắc là có vấn đề ở đây.

Tôi thành thực tin rằng, những người, như ông bạn “chưa quen thân mà đã trở thành đã cũ của tôi”, tác giả những dòng trích trên, hay như NBC, họ không hề đọc Thanh Tâm Tuyền.
Nhưng họ lại ngạc nhiên, khi có người không đọc Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Huệ Chi, thí dụ vậy.
Trong khi đó, Thanh Tâm Tuyền có viết, về những người bỏ chạy cuộc chiến, như họ.
Thí dụ như ở trong Một Chủ Nhật Khác.
Với riêng tôi, đây là tác phẩm đắc ý nhất của ông.
Được viết vào lúc cuộc chiến sắp sửa kết thúc, kết thúc cuốn tiểu thuyết bằng cái chết lãng nhách của nhân vật chính -Kiệt, một anh chàng du học trở về - quả là “hai” cái chết “hợp lý” nhất.
Hợp lý, theo nghĩa: Nhổ toẹt vào cuộc chiến thần thánh.
Tôi thấy lại hình ảnh này, thực hơn nhiều cho nên cũng tuyệt vời hơn nhiều, vào đúng ngày 30 tháng Tư, ở ngay đầu ngõ.
Khu nhà tôi, một chúng cư nho nhỏ Bưu Điện, nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai dẫy nhà, giữa là sân, bên ngoài có bờ tường bao bọc. Có khu an ninh quân đội, đài phát thanh, trại lính, xa nữa là khu tâm lý chiến. Nói tóm lại, lính VNCH nhiều lắm. Và ngày 30 tháng Tư đó, biết “đại cuộc” hỏng rồi, họ bèn lủi vào sân, cho khuất, rồi cởi bỏ bộ đồ lính, đi trở ra, nhập vào đám người đang hốt hoảng, nháo nhác…