*

TẠP GHI



(Cây) Hoa Mộc Lan, (phim) Ba Mùa, và....


    V ườn sau nhà tôi có cây Hoa Mộc Lan đã được 14 tuổi. Tên khoa học là Magnolia Soulangana, loại cây này có ở bên Trung Quốc nhưng không có ở Việt Nam. Gần gần giống nó ở có lẽ là Ngọc Lan, Hoàng Lan.
   Mỗi năm, cứ vào đầu tháng năm là hoa nở rộ. Hoa Mộc Lan nở là một sự kiện nho nhỏ trong vùng, vì đây là một trong những loại hoa rực rỡ nhất, ngoạn mục nhất; lại khá đặc biệt: hoa nở trước, khi hoa tàn, lá mới ra.
   Cây của tôi cao khoảng năm mét, chu vi trải rộng một vùng đường kính khoảng tám mét, lùm cây tròn như một cây dù. Thai nghén từ mùa hè năm trước, đến khi xuân về, nụ hoa lớn dần, vào đầu tháng năm là bắt đầu nở. Hoa mầu trắng ở cuối cánh hoa, và tím ở đầu cánh, có mùi thơm nhè nhẹ. Khi nở, năm cánh mở lớn, như bàn tay xòe ra.
   Cây hoa nhà tôi năm rồi bị nhiều trận mưa và mưa đá làm gẫy khá nhiều cành to, nhưng dù vậy, cây vẫn còn khá đẹp. Vào ngày cuối tuần vừa rồi (1/5) là lúc cao điểm, toàn cây giống như 300 cành hoa sen ai đem cắm trên một cây dù khổng lồ ở giữa trời. Nhưng sắc đẹp rực rỡ nào cũng chóng tàn. Cả nhóm hoa 300 nụ chỉ tồn tại trong khoảng hai tuần, những trận gió và nhất là những trận mưa làm vơi đi rất nhanh. Hoa rơi rụng xuống sân như lá vàng rơi rụng vào mùa thu bao phủ cả sân sau nhà.
   Mỗi lần như thế, người trong xóm (và cả một số người yêu hoa ở lân cận) thường đến xem, trầm trồ khen sắc đẹp rực rỡ. Cũng trong dịp đó, bè bạn cũng thường ghé qua, trò chuyện, uống trà, vừa thăm viếng chủ nhà, nhưng cũng vừa để ngắm hoa, chụp ảnh.
    Hoa Mộc Lan không phải là cây hiếm, nhưng cũng không phải dễ trồng trong vùng này. Cây không chịu lạnh, khi thời tiết xuống -30, -40 độ Celsius. Lại cũng sợ gió. Vì vậy, chỉ một vài vùng ở... là có hoa mộc lan lớn tuổi (như cây của tôi), còn thì thường còn trẻ và dễ chết. Vùng tôi ở, trong chu vi vài cây số, có lẽ cây mộc lan của tôi là có tuổi nhất. Tôi tự thấy mình may mắn trồng được cây hoa đẹp trang điểm vườn sau nhà, gây cho chủ nhà cảm tình và nhiều lời khen của những người yêu hoa.

Anh... thân,
Cám ơn anh đã gửi hai truyện cho đọc. Những ngày qua, trời từ xuân chuyển nhanh sang hạ, nắng ấm, vườn tược, cây nở đâm chồi, nở hoa. Tôi lại lao vào làm vườn. Cây Magnolia lại nở đẹp (như hàng năm). Tôi lại sửa cái vườn nhỏ của mình. Vườn trước có thêm một "kiến trúc" hình tam giác cao 9 feet (mà tôi tự khích lệ đặt tên là Kim Tự Tháp và người hàng xóm gọi vui là cathedral), làm chỗ dựa cho hai bụi hồng cao. Vườn sau, làm lại cái vườn đá (Rock Garden) có nhiều loại hoa, hoa sống nhiều năm và hoa hàng năm. Vì khu vườn sau nhỏ quá, tôi làm thêm vườn treo (hay vườn thẳng đứng-Vertical Garden). Thêm vào đó, có các gốc rễ tạc thành tượng, có vườn chim, chậu cá, phong lan, phong linh (wind chime, khi gió thổi, tạo ra những âm thanh dễ chịu).... Những ngày ấm áp thường ngồi, nằm ở ngoài vườn đọc sách, tưới hoa, ngắm chim, cho cá ăn.... Thỉnh thoảng mời bạn đến ăn chiều, đàm đạo. Giá mà các anh (anh và nhóm anh V.) ở đây thì mời các bạn tới chơi thường với tôi (nhất là nếu các anh cũng còn cái thú làm vườn). Tôi gửi kèm một bài viết ngắn về cây Magnolia trong vườn của tôi, vì đây là một hiện tượng nho nhỏ trong khu vườn của tôi vào đầu xuân.
   Ở (đây), vừa qua, cùng một lúc, có nhiều phim đáng chú ý, không phải loại phim Hollywood kiểu Titanic. Bạn bè hò hát rủ nhau đi xem. Rồi tranh cãi, bàn luận bên cạnh ly bia, chén trà. Người thích phim này vì sâu sắc, người khoái phim kia rất tình người...
   Ba phim đáng nói là Children of Heaven của đạo diễn Majid Majidi, người Iran, Life is Beautiful của đạo diễn Roberto Benigni, người Ý-Do Thái và Three Seasons (Ba Mùa) của Tony Bùi, một Việt kiều ở Mỹ. Cả 3 phim đều thuộc loại hay và tốt lành. Phim Life is Beautiful thành công lớn về thu nhập, đã chiếu liên tục gần 1 năm nay, được báo chí "cho điểm" cao nhất: 5 sao (và cũng đã được tặng thưởng 3 giải Oscar).
    Cái đặc biệt của phim này, không giống với các phim cùng đề tài, là nói về thảm trạng của dân Do Thái, không phải bằng những cảnh tượng ghê rợn, bằng tiếng kêu than bi thảm, mà là bằng nhiều trận cười, từ đầu đến cuối phim. Một người cha Do Thái mang đứa con trai nhỏ vào trại tập trung. Để tránh cho đứa con biết về hoàn cảnh bi đát của mình và những người tù khác, ông bịa ra một trò chơi, dựa vào những chuyện xẩy ra trong trại. Nếu tuân thủ kỷ luật do ông đặt ra, đứa con sẽ được điểm. Khi đủ điểm qui định, sẽ được thưởng một chiếc xe thiết giáp thật. Người cha và những tù nhân tiếp tục sống trong thảm kịch thật, còn đứa con thì nhìn nó như là cảnh trong trò chơi của cha mình tạo ra. Cuối cùng, khi bị lính fát-xít dẫn đi hành hình, người cha vẫn cố đóng vai làm vui cho đứa con. Và khi đứa con chạy đi tìm cha minh thì gặp một chiếc xe tang thật ở ngoài sân...
Không biết sao, khi xem phim này, từ đầu đến cuối, tôi chỉ nghĩ đây là một hài kịch, mọi cái đều không thật. Vì thế, đã được nhiếu trận cười, nhưng không hề chẩy nước mắt (như một số bạn khác của tôi). Càng nghĩ, tôi lại càng thấy không thật. Nói chung, tôi không "mê" phim này lắm.

   Phim Ba Mùa  thuộc vào loại hay; nội dung hiện thực và câu chuyện có hậu. 4,5 câu chuyện không hẳn đan xen với nhau mà cũng không độc lập hoàn toàn: một anh đạp xích lô và cô gái điếm; một cô thợ hái hoa sen và ông chú thi sĩ bị bệnh hủi; một cựu chiến binh Mỹ về Việt Nam tìm lại đứa con rơi; một em bé bán thuốc lá, diêm quẹt....
   Từng cảnh, từng hình ảnh, tiếng động, âm nhạc, ánh sáng... đều rất chọn lọc kỹ càng. Cảnh hồ sen đẹp tuyệt vời va sẽ không bao gio quên. Cách dàn dựng cảnh này sẽ để lại một dấu ấn trong lịch sử điện ảnh Việt Nam. Cảnh dưới vòm hoa phượng rất ngoạn mục (nhưng đáng tiếc là tác giả lại cho phép một sai lầm về chi tiết: khi cô gái cúi xuống nhặt cánh hoa lên xem thì hình ảnh trong bàn tay lại là hoa dâm bụt, chứ không phải hoa phượng).
   Nội dung phản ảnh cái xã hội hiện tại phức tạp một cách khá tinh tế và trung thực. Mọi nhân vật có số phận khá bi đát, dù rằng đoạn cuối mọi người đều có chút an ủi. Diễn xuất, trừ vai người lính Mỹ, ngắn và xuất sắc, các vai khác nói chung là được.. Hiểu biết của tác giả về xã hội Việt Nam khá tinh tế. Nói chung, Ba Mùa là một phim đáng xem, đáng nhớ. Không biết, những đạo diễn lớn của thế giới, ở cái tuổi 24-26, trong tác phẩm đầu tay của mình, có người nào đã tạo được những thành công như (nhà làm phim) Three Seasons? (Phim đoạt giải thưởng lớn và 3 giải khác ở đại hội điện ảnh Sundance của những nhà làm phim độc lập - nghĩa là không phải loại Hollywood).. Và liệu Tony Bui sẽ còn đi xa, xa hơn nữa, trên con đường sáng tạo nghệ thuật của mình?

   So với hai phim kể trên, phim Children of Children có ít tiếng vang, dù đã đoạt giải thưởng lớn ở Đại Hội Điện Ảnh Phim Thế Giới tại Montreal năm 1998, nhưng dường như ngoài Montreal, phim chưa được giới thiệu ở các thành phố khác ở Bắc Mỹ. Đối với tôi, đây là một trong ít phim chỉ xem một lần là đủ để nhớ hàng chục năm. Phim đã đem đến cho tôi những tình cảm dễ chịu, như là một niềm hạnh phúc. Phim đơn giản; âm thanh, ánh sáng không có gì thật đặc biệt (để mà) phải kể ra. Hai anh em nhà nghèo, vì đánh mất một đôi giầy và không dám báo lại với cha mẹ (nhà cũng không đủ tiền để sắm đôi giầy mới), mỗi ngày đi học phải chia nhau một đôi giầy. Đứa học buổi sáng, đứa buổi chiều. Xong học, phải chạy hết tốc lực về chỗ hẹn để đổi giầy... Rồi có cuộc thi chạy ở trường, thằng anh cố gắng giành... giải ba, với phần thưởng cụ thể là đôi giầy cho đứa em gái. Số phận trớ trêu, nó lại về nhất....

   Xem phim, tôi vừa không ngăn được tiếng cười mà không không cầm được giòng lệ. Có lẽ từ lâu lắm, tôi mới được xem một phim thích thú và có đượcc những ấn tượng sâu lắng và đẹp đẽ về tình người. Hai đứa trẻ (7-10 tuổi) là hai nhân vật chính của phim. Nếu công bình (và việc đó sẽ không bao giờ có được), người ta đã phải tặng mỗi em một giải "Oscar" về diễn xuất. Có thể có bạn sẽ nêu lên một số nhược điểm. Chẳng hạn các nhân vật trong phim đều là người lành. Nghĩa là phim chưa phản ảnh đúng cái hiện thực xã hội ở xứ Iran ngày nay. Dù sao thà lành còn hơn là ác, như hàng loạt phim Hollywood mà chúng ta (phải) xem hàng ngày trên TV và trong các rạp.

   Không biết các anh có dịp xem mấy phim tôi vừa kể, và có những cảm xúc, những ấn tượng tốt đẹp như chúng tôi đã có không?

   Về bài viết "Chiều nay..." (1) của anh gửi, tôi nói lên mấy cảm tưởng của mình, để chia sẻ với anh. Tôi đọc bài viết hai lần, đều trên màn ảnh (chứ chưa in ra). Tôi chỉ có thể nhớ mang máng rằng điểm chính là viết về truyện Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền, còn lại là những ý kiến, phát biểu, quan niệm của hàng loạt văn sĩ, phê bình gia phương Tây. Tôi rất ít biết về Thanh Tâm Tuyền, cũng chưa đọc truyện Bếp Lửa. Qua bài viết, tôi không được biết gì thêm và cũng không thể đánh giá Thanh Tâm Tuyền được rõ hơn. Qua những phần trích dẫn lời phát biểu của các tác giả nước ngoài, tôi không còn nhớ điều gì rõ ràng, ý kiến tán đồng hay trái ngược với nhau, về quan điểm viết tiểu thuyết hay cách thể hiện, hay văn phong... Nói chung, tôi không thu lượm gì hơn về kiến thức văn học phương Tây. Tôi không biết những độc giả khác thì thế nào, chứ còn tôi thì gần như không thu lượm gì. Tôi chỉ có cảm tưởng chung là tác giả bài viết biết nhiều về văn học phương Tây và đang ca ngợi một tác phẩm của một nhà văn có tên tuổi là Thanh Tâm Tuyền. Đối với tôi, "Chiều nay..." là một tuỳ bút, nhân khi đọc lại Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền. Mà tuỳ bút thì "muốn viết gì thì viết" (một cách tương đối), cho nên hiệu quả của bài viết trên người đọc không thể nhiều, không thể đậm. Như một người bạn, tôi có ý chờ mong rằng anh thử chuyển hẳn cách viết. Điều này tôi không biết có thể làm được không. Anh viết tập trung hoàn toàn về một vấn đề gì đó (như cách ông Võ Phiến "chẻ sợi tóc làm tư") hay cách các nhà văn Nga (Dostoevsky, Tolstoy...) phân tách tâm lý nhân vật. Anh thử không hề trích dẫn một tác giả nào, không hề nhắc đến tên một tác giả phương Tây, không hề sưu tầm, thậm chí không hề nhớ tới họ khi viết. Hãy quên hết họ. Khi ấy, những điều mà anh đã đọc, đã suy gẫm "hoá" thành cái hoàn toàn của anh (cũng giống như định nghĩa về văn hoá, chính là cái điều còn lại khi tất cả những cái hiểu biết cụ thể đã quên hết). Anh viết điều gì, người đọc đều có thể hình dung, đều biết được điều ấy, họ có thể đồng ý hay không, nhưng ít nhất họ biết rõ anh viết cái gì, về cái gì. Nếu họ thích thì họ càng chia sẻ với tác giả, nếu họ không thích, ít nhất họ cũng biết thêm được đôi điều. Anh có thể cho rằng cách này quá cổ điển. Đúng thế, nhưng thà như thế người đọc và người viết đều nằm trên một bình diện, có thể hiểu nhau, tranh cãi với nhau. Nếu tiếp tục viết như anh đã viết "tuỳ bút" thì có thể vẫn có nhiều người phục cái hiểu biết của anh, nhưng anh sẽ khó mà phát huy cái "nội lực" của chính anh. Mà tài năng chính là cái "nội lực" đó. Tôi mong sớm thấy cái "nội lực" của anh sớm phát triển. Nếu điều tôi viết có làm anh tức giận hay buồn phiền thì tôi xin rút lại và xin anh quên đi. Tôi hoàn toàn không có ý chê trách và cũng không dám lên tiếng "dậy đời" (về hiểu biết văn chương, tôi kém xa so với anh, làm gì tôi dám lớn tiếng!) Nhưng anh đã có công gửi cho tôi, tôi đọc, có một số "hậm hực" và mong ước đối với người bạn mình. Để anh hiểu rõ điều vừa nói hơn, tôi xin kể lại câu chuyện nhỏ đã xẩy ra với tôi...

Anh... thân,
Tôi bắt đầu viết, từ dòng cuối của anh, với ý nghĩ trong đầu: mình hãy thử "viết lại" đoạn văn trên của bạn mình, theo kiểu vẫn viết, nghĩa là "mượn" rất nhiều những ý nghĩ, tư tưởng của người khác, nhân những bông hoa mới nở trong vườn bạn.
    Như anh nhận xét về "lối viết" của tôi, và đề nghị: hãy thử "chẻ sợi tóc ra làm tư", bằng nội lực của mình.
Tôi đề nghị ngược lại, với chính tôi: hãy thử nhân sợi tóc lên thành cả trăm cả ngàn sợi tóc "khác" (sự thực, vẫn chỉ là chính nó: một sợi tóc), bằng "nội lực" của "người". Nói rõ hơn, bằng trích dẫn.


    Walter Benjamin, một trong những đệ nhất cao thủ võ lâm thời đại chúng ta (môn phái Mác-xít) suốt cuộc đời ngắn ngủi, chỉ mơ một điều: viết được một "đại tác phẩm", chỉ bằng những "trích dẫn"! (Sunsan Sontag đã chấp nhận lời thách đố này...). Tôi muốn tụi mình bắt đầu bằng kinh nghiệm vừa Mác-xít, vừa văn chương của ông.

   Fama, nữ thần được (người đời) say đắm nhất, có nhiều bộ mặt, và danh vọng (fame) tới với họ bằng đủ kiểu - từ tiếng tăm một-tuần cho tới vượt-thời-gian! Danh vọng "muộn" (posthume) - sau khi đã xuống lỗ - ít được người đời ham chuộng, tuy đây là thứ vững vàng nhất. Thứ hàng (nhà văn) có lời nhất, thì đã chết, và do đó, không phải là đồ "lạc xoong" (for sale).
Trong vài món hiếm muộn, phi-thương, phi-lợi (uncommercial and unprofitable), có Walter Benjamin. Không nổi tiếng, tuy có được người đời biết đến, như là một "cộng tác viên" cho vài tạp chí, trang văn nghệ nhật báo trong thời gian chừng 10 năm trước khi Hitler nắm quyền, và cuộc tống xuất "tự nguyện" của riêng ông.
Cái chết "tự nguyện" sau đó, vào những ngày sắp sửa đứt phim, thời kỳ 1940, đối với nhiều người cùng gốc gác và thế hệ ông, đã đánh dấu một thời điểm đen tối nhất của cuộc chiến - mất nước Pháp, Anh quốc bị hăm dọa, hiệp ước Hitler-Stalin (lúc đó) còn nguyên vẹn, và hậu quả đáng sợ nhất, từ nó: sự hợp tác chặt chẽ giữa hai lực lượng công an quyền lực nhất tại Âu-châu.
   Giả dụ đường đời bằng phẳng: chuyện đời sẽ khác hẳn, nếu những kẻ chiến thắng trong cái chết, là những kẻ thành công trong cuộc đời (How different everything would have been "if they had been victorious in life who have won victory in death) (2). Danh vọng muộn, một điều chi rất ư kỳ cục, cho nên không thể trách cứ, rằng không có mắt xanh (người đời mù hết), hay là chuyện chiếu trên chiếu dưới, xôi thịt, tham nhũng... trong "đám" nhà văn, "ô nhiễm" trong "môi trường văn chương".
   Bất tri tam bách: không thể coi, đây là phần thưởng cay đắng cho một kẻ đi trước thời của mình, như thể lịch sử là một chạy đua, người chạy nhanh nhất đã mất hút trước khi người đời kịp nhìn...
   Ngược lại: Trước khi có danh vọng muộn, đã có tri âm, dù ít oi, giữa những kẻ ngang hàng. Khi Kafka mất vào năm 1924, sách của ông bán chừng vài trăm cuốn, nhưng với bạn văn và một ít độc giả, qua mớ tản mạn này (chưa có một cuốn tiểu thuyết nào của Kafka được xb): không nghi ngờ chi, đây là một trong những bậc thầy của văn xuôi hiện đại. Walter Benjamin cũng được "ân sủng" này. Bertolt Brecht, khi được tin ông mất, đã tuyên bố: đây là tổn thất thực, thứ nhất, mà Lò Thiêu đã gây ra cho văn chương Đức.
   ... và trong loại này, dường như anh đã tạo lập được một chỗ đứng khá nổi bật rồi. Danh vọng như thế là một hiện tượng xã hội. Một người khen chẳng đi đến đâu, tuy như vậy là quá đủ, nếu nói về tình bạn, và tình yêu. Nỗi "hậm hực" mới đáng quí, bên cạnh những bông hoa mới nở trong vườn.

   Khi còn trẻ, tôi đã mơ tưởng viết ra một cuốn sách, trong đó là những điều chưa được viết ra, hoàn toàn là của mình. Một cuốn tiểu thuyết... nhưng chính G. Lukacs đã làm tôi vỡ mộng! Cái cuốn tiểu thuyết "chưa viết ra", cho dù tôi tưởng tượng cách nào đi chăng nữa, điều nằm trong bảng phân loại của ông, trong Lý thuyết về Tiểu thuyết. Anh không thể tưởng tượng được nỗi thất vọng ghê gớm của tôi lúc đó: Bếp Lửa cuốn tiểu thuyết gây chấn động cả đám chúng tôi, đã "có" trong bảng phân loại của G. Lukacs từ 1916, qua những vóc dáng đồ sộ hơn nhiều!...

(còn tiếp)

Nguyễn Quốc Trụ

Chú thích:
(1) Bài viết được nhắc tới trong thư bạn là "tuỳ bút": Chiều nay Sài Gòn đổ trận mưa đầu mùa".
(2) Những dữ kiện ở đây, là của Hannah Arendt, khi in ấn và giới thiệu cuốn Illuminations, của Walter Benjamin (nhà xb Shocken Books, New York).