Tự  Kiểm

"Tôi không hiểu sao lại phải phá bỏ bia. Họ đã chịu nhiều đau khổ, lời ghi trên bia chỉ ghi lại những gì đã xẩy ra. Các thuyền nhân đã chết trên biển, gia đình, thân nhân của họ, cả trẻ em nữa, đã chết trên đường đi tìm tự do. Tấm bia chẳng có gì xúc phạm, chẳng có gì tấn công hay hạ thấp chính quyền Việt Nam hiện nay cả."
Lời dân địa phương
 [BBC]
Theo tôi, tay VC nào làm thầy dùi, đưa ra yêu cầu mấy nước Đông Nam Á xưa kia có trại tị nạn đập bia tưởng niệm thuyền nhân mới đích thị là một tay phản động hạng gộc, theo đúng nghĩa của chữ phản động của "nhà nước ta". Tay VC này phải được coi là tổ sư của đám "chống Cộng điên cuồng" ở hải ngoại!
Nhưng Hannah Arendt nghĩ khác. Theo bà, một trong những nguyên lý cốt tuỷ của chủ nghĩa toàn trị, là tiêu huỷ hồi nhớ, tẩy sạch dĩ vãng, qua đó nhà nước VC đã áp dụng trong việc đập bia tuởng niệm: Phải làm sao cho lũ Việt Kiều yêu nước kia chẳng còn nhớ một mảy may những ngày bỏ chạy quê hương, mà chỉ còn nhớ cảnh xênh xang áo gấm về làng.
[Lẽ dĩ nhiên, nhớ mang về nhiều đô la nhé, bi giờ được mang tới bẩy ngàn đô không cần khai báo!]
Chế độ phong kiến cũng rất rành nguyên lý này. Nhà tù ngày xưa được gọi là những nơi chốn của lãng quên. Thân nhân, bà con bị cấm ngặt không được nhắc tới tên kẻ phạm tội. Có khi cả một dòng họ phải bị đổi.

Trong khi hăm hở chiến đấu quên mình chống Cái Đại Ác là chủ nghĩa Cộng Sản, "người ta" có quyền cho phép mình phạm cái Tiểu Ác, tặc lưỡi tự mình biện hộ cho mình, phương tiện nào cũng được, miễn sao đạt được mục đích. Đây là điều thường gặp.
Thường gặp, luôn cả chuyện này: Trong khi hăm hở làm điều thiện, "vô tình" người ta lòi ra đủ thứ khốn nạn, vị kỷ, đố kỵ....
Một bữa Hai Lúa trong khi bay lượn trên không gian ảo, tình cờ lạc vô trang VHNT, của Nguyễn Ý Thuần. Ông là một trong những nhà văn đã từng được nhà phê bình lớn và còn là học giả ở trong nước, là Hoàng Ngọc Hiến, nhắc tới, suýt soa, đây là thứ văn chương vượt lằn ranh Quốc Cộng, tới cõi nhân bản...
[Xin xem bài của HNH viết về VHHN].
Thú thực, đó là lần đầu tiên, Hai Lúa biết tới tên ông NYT này.
Coi sơ sơ, tới mục giới thiệu những nhà văn tác phẩm của họ, HL thấy tên nhà văn Thảo Trường. Ông này HL quá quen, nhưng ơ kìa, nhìn hình kìa, không phải là ông Thảo Trường từ xưa tới giờ. Đọc tác phẩm thì đúng là ổng, nhưng hình không phải ổng.
Thế rồi bận bịu, quên luôn, cho tới một bữa ông TT viết mail, này, ông Gấu [xin lỗi bà Gấu phải lập lại từ này], tôi nghe nói, có ai đó post tác phẩm, hình, tiểu sử của tôi, nhưng hình thì không phải. Tôi không quen sử dụng net, phiền ông liên lạc giùm.
Hai Lúa bèn mail cho nhà văn lớn Nguyễn Ý Thuần, nói rõ câu chuyện, lại còn đề nghị, nếu cần hình nhà văn mập TT, sẽ sẵn sàng mail tới.
Đếch thèm trả lời.
Nhưng coi lại, hình của nhà văn mập đã được hạ xuống!
Và đây là câu chuyện giả tưởng: Giả dụ như bà xã ông Thảo Trường, rất rành cái chuyện dạo trên không gian ảo, tình cờ thấy vụ việc trên, và tá hoả ra rằng thì là, lâu nay, mình lấy nhầm một ông chồng, thì sao?
Ai cho phép ông nhà văn Nguyễn Ý Thuần lấy hình ông TT đưa lên lưới?
Khi lấy nhầm như thế, bắt buộc ông phải đi một đường xin lỗi độc giả của ông trước tiên, rồi tới nhà văn Thảo Trường.
Trong khi làm một công việc công ích như thế, ông không có quyền chỉ chọn những nhà văn mà ông ưa, bởi vì ông gọi cái việc làm của ông là giới thiệu, bảo tồn văn học Việt Nam. Tại sao không có những nhà văn khác? Ông có xin, nhưng không được phép? Hay ông không thích mấy thằng cha đó?
Đây là nhà của tao, tao thích thằng nào thì tao đưa lên, không thích tao đếch đưa.
Đúng như vậy đó, thưa ông nhà văn Nguyễn Ý Thuần. Trên trang nhà Tin Văn, Hai Lúa cố gắng áp dụng điều vừa kể: Không nhân danh bất cứ một ai, bất cứ điều gì, nếu có bài, có hình của ai, là do người đó đồng ý cho phép. Hoặc có lấy ở đâu, thì cũng ghi rõ nguồn.
Cũng vậy, bởi vì tôi chưa có trong tay tác phẩm mới ra lò của ông, nhưng nếu có hình và tiểu sử của tôi, trong Tác Giả Tác Phẩm Việt Nam, thưa ông Lê Bảo Hoàng, tức nhà thơ Luân Hoán, ai cho phép ông làm chuyện "công đức" đó?
Nói quá vậy thôi, chứ dù sao cũng "bạn bè", nhưng tôi tin chắc, trong số những nhà văn nhà thơ, ở cả trong nước lẫn hải ngoại, mà ông bắt người ta có mặt ở trong đại tác phẩm của ông, có tới hơn một ông, không ưa cái chuyện này.
Còn một điều này nữa, giả sử như cuốn sách bán ào ào, rồi ai.... thu tiền bỏ túi?
Chắc nhà thơ chưa quên vụ Tổng Quan Văn Học của Võ Phiến? Những việc làm "công đức" như thế, rất dễ gây phiền lòng. Bản thân tôi, chẳng hề muốn có mặt ở trong cuốn sách đó.
Trong bất cứ một cuốn sách nào khác.


Đọc Hoàng Phủ Ngọc Tường tôi còn nhớ đến Vũ Hạnh. Và André Gide. Nhà văn Pháp này, sau khi đi Liên-xô về phang một câu: Tất cả những tình cảm tốt đẹp chỉ đẻ ra một thứ văn chương tồi. (C’est avec les plus beaux sentiments qu’on fait de la mauvaise littérature). Đúng là một lời trù ẻo văn chương hiện thực xã hội. Có một thời gian dài, tôi tâm đắc với câu văn, nhưng dần dần, theo tuổi đời, sau bao giấc mộng, bao tình cảm đẹp hao hụt dần, tôi nhận ra một sự thực cay đắng: câu của Gide không phải trù ẻo văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa không thôi, mà là tất cả những tình cảm tốt đẹp của con người.
Đặt ngược lại vấn đề, với câu chuyện của Vũ Hạnh làm một cái cớ, chúng ta có thể hỏi: ai cho phép anh nhân danh những tình cảm đẹp để quyết định số phần của cả một đất nước? Và liệu có phải đó là những beaux sentiments thực sự không?
Ai cho phép anh... Solzhenitsyn cũng đã từng đặt câu hỏi như vậy, trong Khu Ung Thư. Nhân vật của ông được một bác sĩ hết lòng chữa trị, nhưng anh ta cứ lắc đầu bai bải, không được, không được. Con người tôi có đây, là nhờ một tí bịnh, một tí xấu đó. Nó là một phần thân thể của tôi. Chữa hết bịnh rồi, tôi làm sao sống, tôi ở với ai.
Đọc những tác phẩm hậu-Solzhenitsyn, từ một nước Nga rã rời sau Cách Mạng, chúng ta mới cảm thấy sự trớ trêu, mà chủ nghĩa Cộng Sản bầy ra cho toàn thể loài người: Chưa có một chế độ nào lại đẩy con người tới một mức thoái hóa thê thảm như chế độ toàn trị.
Chủ nghĩa CS, và những trại cải tạo của nó, là thử nghiệm tối hậu về đạo đức con người. (Tzvetan Todorov).
NQT: Vườn Thú Tuổi Thơ.
Hồi nhỏ, Hai Lúa đọc câu chuyện ngụ ngôn, về một anh chàng phách lối, và khốn nạn đến độ, dám tuyên bố: Nếu ta mất, chỉ một sợi lông chân, mà thiên hạ thái bường, tao cũng đếch thèm mất!
Về già, Hai Lúa mới hiểu ra, là anh chàng này có lý. Anh ta chỉ sợ, thiên hạ mang cái lông chân của anh ta, thờ, và sẵn sàng đổ máu, nếu có người không chịu, thờ!

Nhân nhắc tới vuờn thú tuổi thơ, Hai Lúa lại nhớ đến bài viết Mùa Xuân Nói Chuyện Mậu Thân về Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Sau bài viết, ông có lên tiếng, trên một đài phát thanh của Tây, thanh minh là ông không có mặt ở Huế.
Ông cũng chẳng thèm nhắc tới bài của Hai Lúa.
Cũng được thôi, vì có khi ông không đọc, và đây chỉ là tình cờ.
Nhưng sự thực, bài viết của tôi, theo thiển ý, là một dịp, để ông nhìn vụ MT và vai trò của ông trong đó.
Ông có bao giờ tự hỏi, có bao nhiêu người đã chết vì "sợi lông chân" của HPNT?
Có bao nhiêu người nghe theo ông, đi lên rừng?