*
Ghi



















Những đứa con của trí tưởng

            Khoảng năm 1988, do sinh kế, gia đình tôi mở ngay một sạp báo trước ngõ. Chủ nhân đích thực, ông cán bộ nhà kế bên. Như một cách giữ chỗ, trước khi về hưu, và cũng muốn giúp đỡ gia đình nguỵ. Cư xá tôi ở vốn thuộc nhà nước cũ, đa số là công chức có nghề chuyên môn được nhà nước "cách mạng" cho lưu dụng, sau ba ngày cải tạo tại chỗ.

Đó là những chuyện ngay sau ngày 30/4/75.

Thời điểm 1988-89 đã có chủ trương "cởi trói" cho những văn sĩ. Có thể nhờ vậy, văn chương, văn nghệ sĩ nguỵ được "ăn theo". Một số sách trước 1975, nay thấy tái bản, dưới một tên khác. Do biết ngoại ngữ, tôi được một người quen làm nghề xuất mướn dịch một số tác phẩm, như của nhà văn y sĩ người Anh, Cronin. Rồi một người quen, trước 75 cũng có viết lách, nay làm nghề sửa mo-rát cho nhà xuất bản nhà nước, cho biết, ông chủ của anh muốn tái bản, tác phẩm Hemingway, Mặt Trời Vẫn Mọc do tôi dịch. Tới gặp, ông cho biết cần phải sửa. Thứ nhất, bản dịch của tôi sử dụng quá nhiều tiếng địa phương, thí dụ như "bồ tèo", "xập xệ"... Thứ hai, có nhiều chỗ dịch sai. Tôi về nhà coi lại, quả đúng như thế thật.

Trước 1975, sách dịch chạy theo nhu cầu thương mại. Cứ thấy một tác giả ngoại quốc ăn khách, vừa được Nobel... là đua nhau dịch. Hồi đó, tôi làm cho nhà xuất bản Vàng Son của ông Nhàn, số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, còn là nhà in của linh mục Cao Văn Luận. Một chi nhánh của nhà xuất bản Sống Mới. Trước đó, tôi đã dịch một cuốn về cuộc đổ bộ Normandie, nhưng do cuốn phim Ngày Dài Nhất đang ăn khách, ông Nhàn cho đổi tên cuốn sách, không ngờ lại trùng với bản dịch Ngày Dài Nhất của một nhà xuất bản khác. Thế là mạnh ai dịch. Dịch hối hả, dịch chối chết, mong sao ra trước kẻ địch!

Cuốn Mặt Trời Vẫn Mọc cũng gặp tình trạng tương tự. Hemingway đang ăn khách. Huỳnh Phan Anh, ông bạn tôi "chớp" Chuông Gọi Hồn Ai. Tôi vớ "thế hệ bỏ đi", tuy rằng Mặt Trời Vẫn Mọc! Ngồi ngay tại nhà in, dịch tới đâu thợ sắp chữ lấy tới đó.

Đọc lại, ngượng chín người. Thí dụ như câu: cuối năm thứ nhì (của cuộc hôn nhân): at the end of the second year, tôi đọc ra sao thành: cuối cuộc đệ nhị chiến, at the end of the second war!

Sau đó, tôi làm việc với nhà xb, sửa lại bản dịch, dưới sự "kiểm tra" của Nhật Tuấn, ông em Nhật Tiến. Thời gian này, tôi quen thêm Đỗ Trung Quân, nhân viên chạy việc cho nhà xuất bản nọ. Rồi qua anh, qua việc bán sách báo, qua việc dịch thuật... tôi quen thêm một số anh em trẻ lúc đó viết cho tờ Tuổi Trẻ, như Nguyễn Đông Thức, Đoàn Thạch Biền... Họ đều biết tôi, từ trước 75. Đoàn Thạch Biền trước 75 đã viết cho Văn qua tên Nguyễn Thanh Trịnh.

Tôi không còn nhớ rõ, ai trong số họ, đề nghị tôi viết mục đọc sách cho Tuổi Trẻ. Bài đầu tiên, là về cuốn Thám Tử Buồn, một truyện dịch của một tác giả Nga. Thảm cảnh của nước Nga sau đổi mới. Băng hoại tinh thần và đạo đức đưa đến tội ác. Trong đó có những cảnh như là con cháu đưa bố mẹ tới mộ, chưa kịp hạ huyệt, xác bố mẹ còn bỏ trơ đó, đã vội vàng về nhà tranh đoạt của cải. Bố mẹ trẻ bỏ nhà đi du hí, đứa con bị chết đói, khi khám phá thấy miệng đứa bé còn cả một con dán chưa kịp nuốt thay cho sữa! Cuốn tiếp theo, là Ngôi Nhà Của Những Hồn Ma, của Isabel Allende. Tới cuốn thứ ba là bị đụng!  Một cuốn của Hoàng Lại Giang, "ông chủ" bất dắc dĩ của tôi. Trong bài viết, khi đọc lại, tôi thấy có từ "nguỵ".

Thật tình mà nói, không biết biết do tôi viết, hay đã bị sửa. Có thể do tôi. Bởi vì, vào thời điểm lúc đó, "nguỵ" là một từ đám chúng tôi rất ưa dùng, có khi còn hãnh diện khi nhắc tới, nếu may mắn được ngồi chung với dăm ba quan cách mạng. Nhưng một khi xuất hiện trong một bài viết, nhất là về một tác giả như  Hoàng Lại Giang, vấn đề lại khác hẳn. Tôi nghỉ viết cho Tuổi Trẻ sau bài đó.

Một bữa đang đứng bán báo, Đ. ghé vô. Anh là bạn Huỳnh Phan Anh, trước 75 làm giáo sư. Sau cộng tác với tờ Tuổi Trẻ. Nói chuyện vài câu, anh đưa tôi một mớ tiền.  Hỏi, tiền gì? Trả lời: tiền nhuận bút đưa trước. Hỏi viết báo nào? Anh mỉm cười: viết báo hải ngoại!

Hóa ra là, lúc đó có chủ trương làm báo hải ngoại, từ trong nước, do mấy quan cách mạng cầm chịch. Bài viết, theo Đ., tha hồ "đập" nhà nước, y chang báo hải ngoại, kẻ thù cách mạng, chắc vậy!

Đúng vào thời gian này, một khách hàng quen của sạp báo, nhờ tôi kiếm dùm bản dịch tiếng Pháp Tội ác và Trừng Phạt của Dostoevsky. Có rồi, như để trả ơn, anh úp úp mở mở chìa cho tôi xem một tờ báo Time, đã được ngụy trang bằng một cái vỏ bọc, là trang bìa tờ Đại Đoàn Kết. Tôi hỏi mượn, anh gật đầu. Trong số báo đó, có một bài essay nhan đề: Sách, những đứa con của trí tưởng (Books, children of the mind).

Bài trên Time, là nhân vụ cháy một thư viện nổi tiếng ở Nga, hình như là thư viện St. Petersburg. Sự thiệt hại, theo như tác giả bài báo, là không thể tưởng tượng, và "không thể tha thứ" được. Ông tự hỏi tại sao lại xẩy ra một chuyện "quái  đản" như vậy? Rồi ông tự giải thích, cái nước Nga nó vốn vậy, và chỉ ở đó mới có những chuyện quái đản như thế xẩy ra. Ông dẫn chứng: Thời gian thành phố St. Petersburg bị quân đội Quốc Xã Đức vây hãm 900 ngày, dài nhất trong lịch sử hiện đại; trong khi nhân dân thành phố lả vì lạnh và vì đói, tiếng thơ Puskhin vẫn ngân lên qua đài phát thanh thành phố, cho cả nước Nga cùng nghe. Nhưng theo ông, cũng chính nước Nga là xứ sở đầu tiên đưa ra lệnh kiểm duyệt báo chí, và đưa văn nghệ sĩ đi đầy ở Sibérie... Ông còn dẫn chứng nhiều nữa. Trong khi đọc bài báo, lén lút, những khi vắng khách hàng, nhìn những cuốn sách đang được bầy bán trên sạp tôi chợt nhận ra một sự thực: chúng đều mới tái sinh, từ đống tro than là cuộc phần thư năm 1975. Cuốn Khách Lạ Ở Thiên Đường, của Cronin đang nằm kia, vốn đã được dịch. Nhiều cuốn khác nữa, chúng đang mỉm cười nhìn tôi: Hà, tưởng gì. chúng mình lại gặp nhau!

Tôi mượn tác giả tên bài viết, viết về nỗi vui tái ngộ, về cuộc huỷ diệt sách trước đó. Về những đứa con của trí tưởng, có khi cần được tẩày rửa, bằng "lửa". Tuy đau xót, nhưng đôi khi thật cần thiết. Tiện đà, tôi viết về những tác giả đang nổi tiếng, và tiên đoán một cuộc phần thư thứ nhì sẽ xẩy ra, do chính họ, tự nguyện, nếu muốn lịch sử văn học Việt Nam lại có một cuộc tái sinh!

Đ. nhận bài, hí hửng mang về. Hai ba ngày sau, anh quay lại, trả bài viết, nói, không được! Nhưng thôi, tiền tạm ứng biếu anh! Hỏi, anh cho biết: ông chủ nhiệm của tờ báo hải ngoại, sau khi đọc bài viết, đi gặp thủ trưởng, yêu cầu: nếu cho đăng những bài như thế này, cho dù là ở hải ngoại, phải cấp cho ông một tờ giấy chứng nhận, "nhà nước" đã cho phép ông làm, qua cương vị chủ bút. Nếu không sau này, cả ông lẫn người viết đều đi tù!

Lệnh "miệng' thì được, bố ai dám thò tay ký một văn bản "chết người" như vậy!

Đoàn Thạch Biền nghe kể chuyện, chạy tới: để tôi, in trên tờ báo có mục anh phụ trách, hình như tờ Công Luận, ở ngay phía đối diện Bưu Điện, khu có quán cà-phê đám văn nghệ sĩ thường la cà. Nhưng rồi cũng lại lắc đầu, không được! Người viết thử lại một lần nữa, đem đến cho tờ Kiến Thức Ngày Nay. Tuần sau trở lại, gặp một anh thư ký trẻ măng, kính cận dầy cộm. Anh nhìn, ngạc nhiên ra mặt: ông là ai sao tôi chưa từng biết, chưa từng nghe qua? Anh cho biết, lệ thường, bài được đánh máy hai bản, một để làm tài liệu, một đưa đi sắp chữ. Bài của ông, chúng tôi phải đánh máy ba bản, một đưa qua mấy anh bên Hội Văn Nghệ Thành Phố, để các anh duyệt, nếu cần, xin ý kiến thành uỷ! Các anh cho biết, cho đăng, nhưng phải sửa rất nhiều đoạn!

Tôi xin lại bài viết.

Bài viết, sau đó, nằm trong tay một người viết thuộc ban chủ trương tờ Tuổi Trẻ lúc đó. Anh nói: tôi giữ lại đây, hy vọng sau này có dịp đăng. Như một cách giúp đỡ: vì anh có sạp báo, tôi đề nghị mỗi tuần anh điểm hết mấy cuốn sách mới xuất bản, theo kiểu tóm tắt nội dung, không cần phê bình, toà báo sẽ trả nhuận bút, theo giá biểu những cuốn sách. Nhưng liền sau đó, tôi gặp lại một người bạn, và qua anh, gia đình chúng tôi đã thực hiện chuyến đi dài, chạy trốn quê hương.

Viết lại chuyện trên, tôi bỗng nhớ những ngày làm việc tại nhà xb nọ. Tôi đã gặp ở đó, một số văn nghệ sĩ Miền Bắc. Ngoài Nhật Tuấn, Hoàng Lại Giang, những người khác đều không biết tôi, và tôi cũng chẳng biết họ. Nghĩa là hai bên chẳng có chuyện gì để nói. Tôi vẫn còn nhớ thái độ thân thiện, cởi mở của những người tôi đã từng trò chuyện, tôi vẫn còn nhớ những khuôn mặt trong sáng đầy tin tưởng của những người bạn trẻ như Đoàn Thạch Biền, Đỗ Trung Quân, và nhất là dáng ân cần khi đưa ra đề nghị cộng tác, của anh phụ trách tờ Tuổi Trẻ (hình như tên Thức, không phải Nguyễn Đông Thức. Đó là thời gian còn Kim Hạnh)...

Những người viết Miền Nam trước 1975, ở lại, hình như đều viết trở lại. Tôi có lẽ là người đầu tiên được nhà xuất bản Văn Học đề nghị tái bản bản dịch Mặt Trời Vẫn Mọc.

Tôi nhớ lại chuyện trên, nhân  Sông Côn Mùa Lũ, của Nguyễn Mộng Giác, một tác giả hải ngoại, được "tái bản" ở trong nước.

Trong bài viết Perfect Pitch,  ký giả David Remnick kể lại lần ông gặp Joseph Brodsky, vào năm 1987, hai tuần lễ sau khi nhà thơ được giải Nobel văn chương. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại căn nhà hầm (basement apartment), phố Morton Street, trong khu  Greenwich Village, New York. Đó là thời điểm bắt đầu chính sách glasnost. Thơ của ông được xuất bản ở trong nước, lần đầu tiên, sau hơn hai thập kỷ. "Ông không thèm giấu diếm, dù chỉ một tí, niềm vui của mình, về chuyện này", nhà báo Remnick viết. Và nhà báo giải thích về niềm vui của nhà thơ: Đối với một chính quyền đã cho xuất bản tác phẩm của ông, và của những nhà văn nhà thơ "bị biếm"  khác, điều này có nghĩa: trả lại của cải bị ăn trộm, cho chủ nhân. Và David Remnick cho rằng: đâu cần phải biết ơn kẻ trộm!

Có người tự hỏi về ý nghĩa một bộ sách như  Sông Côn Mùa Lũ, bầy bên cạnh Lênin tuyển tập, Nhật Ký Trong Tù...., ở đây theo tôi, nếu có sự thất thế, tủi nhục, thì phần lớn là thuộc về kẻ ăn trộm chứ không phải người bị mất trộm!

Đâu cần phải biết ơn kẻ trộm.

 

Có một chiều tháng năm
Đỗ Trung Quân

Mấy đấng Đỗ thi sĩ, Nguyễn Thanh Trịnh, tức Đoàn Thạch Biền sau này, đều rất quí Gấu. Hay nói rộng ra, những mầm non văn chương cách mạng được ‘trồng’ bởi thức ăn Miền Nam, bởi bầu khí VNCH! Họ khác hẳn đám nhà văn Miền Bắc, khi trở về Miền Bắc, là Gấu nhận ra liền sự khác biệt. Tuy cả hai đều quí Gấu, thế mới lạ!
Đoàn Thạch Biền đã từng in cho Gấu một cuốn sách dịch, Khiêu Vũ với Thần Chết, On achève bien les cheveaux.
Chuyện này xẩy ra sau Cách Mạng. Lúc đó Gấu đói lắm.
Đói đủ thứ! [Viết vậy là bạn ta hiểu!]
Nhân đây, cám ơn bạn cũ. NQT.
Cái cú in sách này cũng ly kỳ lắm. Sắp đi rồi, khui ra cũng dzui!
*
Những đứa con của trí tưởng

Tôi vẫn còn nhớ thái độ thân thiện, cởi mở của những người tôi đã từng trò chuyện, tôi vẫn còn nhớ những khuôn mặt trong sáng đầy tin tưởng của những người bạn trẻ như Đoàn Thạch Biền, Đỗ Trung Quân, và nhất là dáng ân cần khi đưa ra đề nghị cộng tác, của anh phụ trách tờ Tuổi Trẻ (hình như tên Thức, không phải Nguyễn Đông Thức. Đó là thời gian còn Kim Hạnh)...
Những người viết Miền Nam trước 1975, ở lại, hình như đều viết trở lại. Tôi có lẽ là người đầu tiên được nhà xuất bản Văn Học đề nghị tái bản bản dịch Mặt Trời Vẫn Mọc.
*
Cuốn Người ta làm thịt cả ngựa, của Horace McCoy, là một cuốn sách đen, série noire, Gấu đọc từ trước 1975, thời gian vừa đọc vừa học tiếng Tây, cùng với những tác giả như Simenon, J.H. Chase..  thời kỳ ra trường Bưu Điện chừng hai năm, đã đổi qua bên VTD Quốc Tế, cầy thêm job cho UPI, đọc cùng lúc với ông Hưng, chuyên viên gửi hình VTD, radiophoto, của AP, ông Hưng thì mê những tác giả khác không giống Gấu, thí dụ Carter Brown.
Sau 1975, tay PMH nhờ Gấu dịch theo nguyên tác tiếng Anh, They Shoot Horses, Don’t They? Tay này làm cho nhà xuất bản Văn Học, bộ phận phía Nam, và còn là một lái sách. Gấu biết anh ta, khi đến VH để lo biên tập cuốn Mặt Trời Vẫn Mọc, theo bản dịch trước 1975 của Gấu, dưới sự giám sát của tay Nhật Tuấn, nhà văn Miền Bắc, anh ruột, hay em ruột của Nhật Tiến. Cái vụ xb lại cuốn này, là cũng nhờ Nguyễn Mai, khi đó làm thợ sửa mo rát cho VH. Để có được bản dịch cuốn MTVM, Gấu phải cầu cứu Jospeph Huỳnh Văn, có bà con làm ở Thư Viện Quốc Gia, nhờ mượn về, đưa cho nhà xb VH làm mẫu. Joseph HV tới lúc đó mới đọc văn dịch của Gấu, gật gù, mi bảnh thật, hơn cả thằng em tao, nó Tú Tài Tây, mà thua mi!
Đưa trước một mớ. Dịch xong, anh ta đếch thèm in. Thế rồi một bữa, Gấu thấy cuốn sách của mình nằm ngay trước mắt mình, vì lúc đó, Gấu đang làm thằng bán báo, tại sạp nhà, ngay trước chúng cư 29 Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài Gòn
*

On achève bien les chevaux
Titre original They Shoot Horses, Don't They?
inspiré du roman de Horace McCoy
On achève bien les chevaux (They Shoot Horses, Don’t They? dans la version originale) est un film américain réalisé par Sydney Pollack, sorti sur les écrans en 1969. inspiré d'un roman de Horace McCoy.
L’action se situe au début des années 1930, en Californie. Au cœur de la grande dépression, on se presse pour participer à l’un des nombreux marathons de danse organisés à travers le pays pour gagner les primes importantes qui y sont mises en jeu. Robert et Gloria font partie de ces candidats...Au-delà de l'anecdote, c’est à une lecture de notre propre société qu’invite ce film, par opposition entre l'enfer que vivent les participants de ce marathon - privés de sommeil et de temps de réfléchir, et soumis à des épreuves cruelles (où mourra l'un d'entre eux) - et la beauté du paysage et du soleil levant entrevus de façon fugitive à l'extérieur. Sydney Pollack indiqua avoir attaché une grande importance au personnage de l'animateur, « symbole de tout ce que l'Amérique avait de pire et de meilleur ». Mais on peut aussi y voir une réflexion sur l'absurdité de la condition humaine
Wikipedia
*
Cái cuốn truyện, sau chuyển thể điện ảnh, Gấu đọc, trước 1975, và dịch, sau 1975, như tiên đoán cơn suy thoái của Mẽo, và của thế giới, thế mới quái dị, nếu bạn đọc những lời giới thiệu trên.
Tay PMH, không hiểu nghe ai nói về cuốn sách, đưa Gấu bản tiếng Anh, Gấu đánh vật với nó, đến khi đưa, anh ta chê, vứt một xó, Đoàn Thạch Biền nhặt lên, bèn ơ rơ ka một phát, hay như thế này mà sao mày chê, đúng là... thi sĩ!
Ui chao, chẳng lẽ cái nhìn tiên tri của anh "tiên tri" đến tận những ngày này?
Cái tít Khiêu Vũ với Thần Chết quả là đắc địa!
Chúng ta cứ thử tưởng tượng, trong cơn suy thoái, khách du lịch vắng teo, nhà nưóc Mít chúng ta tổ chức cuộc thi Khiêu Vũ với Thần Chết, từng cặp, từng cặp, đăng ký nhẩy hoài nhảy huỷ, ngày này qua ngày nọ... cho đến khi tất cả đều xỉu, chỉ còn một cặp độc nhất đứng vững, là thắng!