*

Vô Kỵ Giữa Chúng Ta
1  2  4  5  7







Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung

 Trân trọng giới thiệu độc giả bài viết "Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung", của Đỗ Long Vân. Bài được viết vào năm 1967 khi truyện chưởng Kim Dung đang ăn khách ở miền nam Việt Nam. Sau 1975, cả một nền văn học miền nam bị nhà nước Cộng Sản coi là đồi trụy, lẽ tất nhiên, trong đó có truyện chưởng Kim Dung. Bây giờ, truyện chưởng Kim Dung đã được cho xuất bản trở lại, kể cả việc in lại bài viết của Đỗ Long Vân trong cuốn "Kim Dung, tác phẩm và dư luận", (nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội). 

Chúng tôi cho đăng lại bài viết của Đỗ Long Vân (ông đã mất tại Sài Gòn vào năm 1997), cùng những lời giới thiệu của Nguyễn Quốc Trụ, như những dòng tưởng niệm người đã khuất. Ngày nay, Kim Dung được cả thế giới, và Trung Quốc coi trọng, tuy nhiên, khi chưởng Kim Dung vừa xuất hiện, cho dù ăn khách, vẫn bị coi là một thứ truyện "phi văn chương", Đỗ Long Vân đã trân trọng viết về ông. 

Đây là một bản văn lạ, đẹp như mơ, theo nghĩa này: Tất cả những giấc mơ đều có chút chi huyền bí, và đây là vẻ đẹp của chúng. Nhưng có vài giấc mơ quá huyền bí đến nỗi không hiểu nổi, và bạn có thể cho chúng hàng trăm lời giải thích khác nhau, đều được cả. 

Đỗ Long Vân:
Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung.
 

"Hiện tượng Kim Dung như thế nào? Nó có nghĩa gì giữa cảnh tai biến của chúng ta và tại sao lại có thể xẩy ra? Ấy là những nghi vấn mà cố gắng của bài này là tìm ra một đáp thuyết". 

I

 Rất có thể người ta sẽ ngạc nhiên. Nhưng một trong những sự kiện đáng lưu ý nhất của văn học miền Nam trên mười năm nay là cái phong trào võ hiệp mà, cứ khi nào hết chuyện nói, người ta lại mang ra lên án như là nguyên nhân của sự suy đồi của xã hội. Nó đã bùng lên đột ngột và ồn ào để xâm lấn chớp nhoáng những giới thật khác nhau. Những lý do của phong trào ấy có nhiều. Có những lý do thường trực như nhu cầu giải trí, sự cám dỗ của những cái khác thường, tiếng gọi của phiêu lưu. Lại có những lý do thời cuộc: sự bế tắc của tình thế xô người ta trốn thực tại trong một thế giới hoang đường. Ngoài những lý do tự nhiên ấy còn phải kể đến một chiến dịch cổ động truyền khẩu cũng như trên mặt báo. Thời đại của kế hoạch. Không có gì người ta có thể tin là tự nhiên và bộc phát. Ai tuy nhiên đã gây nên phong trào ấy và với mục tiêu nào? Nghi vấn ấy người đời sau sẽ giải quyết. Có điều là cái phong trào ấy, dù ai có chủ ý gây nên chăng nữa, cũng không thể nào lên tới mức độ như người ta đã thấy, nếu những truyện kiếm hiệp được tung ra đã không diễn tả gì tâm trạng của người đương thời. Và chứng cớ là trong phong trào ấy, không phải truyện võ hiệp nào người ta cũng chạy theo mà người ta chỉ chịu, chỉ chuộng, chỉ mê thứ truyện là truyện của Kim Dung. Cho đến nỗi những ai từng để ý tới những tương quan giữa văn học và xã hội không thể không coi chúng như một hiện tượng của thời đại. Hiện tượng Kim Dung như thế nào? Nó có nghĩa gì giữa cảnh tai biến của chúng ta và tại sao lại có thể xẩy ra? Ấy là những nghi vấn mà cố gắng của bài này là tìm ra một đáp thuyết.

 Thường thì ai cũng công nhận rằng truyện Kim Dung "hay" hơn những truyện võ hiệp cổ điển. Và để minh chứng cho thiên kiến ấy, người ta đã viện ra nhiều lý do: nào là tâm lý phức tạp, tình tiết éo le, truyện kể hồi hộp; nào là thiện và ác không còn minh định một cách ngây ngô như xưa nữa, trái lại, người ta không còn biết ai phải và ai trái, ai giỏi võ hơn ai, và ai sẽ thắng…. Những lý do ấy tuy nhiên, xét cho cùng, không diễn tả gì hơn là tâm sự của người đọc. Không phải thời nào người ta cũng tìm trong những truyện kể cái hồi hộp, sự phức tạp tâm lý và những xung đột khả nghi không biết ai phải và ai trái. Ấy là những đặc tính giờ làm người ta đam mê. Sự đam mê ấy nói lên rằng lòng người đã thay đổi. Nó không còn có nghĩa là người ta đã tìm ra những tiêu chuẩn khách quan của một cái "hay" muôn thuở. Truyện Kim Dung không hay hơn những truyện võ hiệp xưa. Chúng khác hẳn. Tại chúng đáp lại những nhu cầu tâm lý khác. Và công của Kim Dung không phải là đã cải thiện nghệ thuật viết truyện võ hiệp. Ông đã sáng tác ra một kiểu truyện võ hiệp mới.

 II.

Quan niệm võ học.

1. Trong truyền thống hoang đường.

 Cái ấy có lẽ người ta không ngờ rằng nó đã bắt đầu ngay trong quan niệm võ học. Ai cũng biết là từ Kim Dung mới thịnh vượng những chuyện chưởng và nội lực. Chưởng pháp dựa vào sức của bàn tay, như một biến thể của quyền thuật, thật ra không có gì lạ. Nhưng khi lòng bàn tay người ta có thể vận ra những luồng khí giết người, thời cái hoang đường nghĩ lại cũng chẳng khác gì những truyện kiếm quang. Táo bạo đầu tiên của Kim Dung là đã nối lại một truyền thống hoang đường mà truyện võ hiệp có thời đã bỏ dở. Ấy là thời được tung ra những truyện võ hiệp được gọi là đứng đắn. Trong những truyện ấy người ta cam đoan rằng những thế võ được sử dụng đều là võ thực, nghĩa là đều có tên trong những sách chân truyền, và, sợ thế cũng chưa đủ, người ta lại kèm theo những họa đồ trình bầy động tác của từng thế một. Những độc giả thực tế và nghiêm trang được yên tâm là đã không mất tiền và thì giờ một cách vô ích. Hơn thế nữa, họ lại có dịp khoe rằng đã tiếp xúc một cách ích lợi với võ học chính tông. Nhưng ai đọc truyện võ hiệp để học võ bao giờ? Võ học trong những truyện là một dịp để người ta tưởng tượng, cũng như người ta đọc những truyện khoa học giả tưởng không phải để trở thành kỹ sư, mà là để tưởng tượng trên những có thể, tưởng là không thể tưởng tượng được, của khoa học. Nhưng người ta hiểu tại sao cái hoang đường của những truyện luyện kiếm lại có thể cám dỗ người ta hơn tất cả những thứ võ ở những truyện khác. 

Một thỏi sắt luyện thành một thanh kiếm tốt đã khó. Nhưng khó hơn nữa là luyện thế nào để tự nó thu nhỏ lại bằng cái lá. Khi ấy người ta có một diệp kiếm; nhỏ hơn, bằng một viên ngọc, là hoàn kiếm; nhỏ hơn nữa, bằng hạt cát, là sa kiếm. Lạ là càng thu nhỏ thì năng lực của kiếm càng lớn. Tất cả xẩy ra như năng lực ấy, càng bị dồn trong một khối thể chất nhỏ bao nhiêu lại càng tăng trưởng bấy nhiêu. Và đến khi miếng thép ấy hóa ra nước làm thủy kiếm, ra hơi làm khí kiếm, ra ánh sáng làm quang kiếm thì năng lực được kể như không cùng. Tương quan ấy giữa năng lực và thể chất làm người ta nghĩ sao? Nhưng tôi không muốn nói rằng những tác giả võ hiệp là những Einstein bị người đời quên lãng.

 2. Ý nghĩa của nội lực.

 Kiếm tuy nhiên vẫn chỉ là một vật ngoại thân. Căn bản của võ học theo Kim Dung lại ở nội lực. Nội lực là cái nguyên khí tản mác ngoài thiên nhiên mà, theo những cách luyện đặc biệt, người ta thâu nạp được trong người. Khi giao đấu thì nội lực ấy có thể, từ lòng bàn tay, xuất phát ra những ngọn gió lớn có sức đánh gãy cây và đập nát đá. Nói theo kiểu của giới đọc võ hiệp, người ta gọi thế là đấu chưởng. Xem như thế thì chưởng phong còn hoang đường gấp mấy lần quang kiếm. Uy lực của quang kiếm dẫu sao cũng là thể chất. Sức của chưởng phong thì tùy ở nội lực. Và nội lực là một cái gì cũng mơ hồ như nguyên khí của thiên nhiên. Người luyện kiếm tiếp tục một truyền thống thợ rèn, tìm cách chế hoá thể chất ra năng lượng. Nội lực trái lại, là một sức mạnh vô hình. Cũng như tinh thần. Và người ta không thể ngờ rằng võ học Kim Dung cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của thần bí học. Ấy là một thần bí học duy tự nhiên. Cho nên người anh hùng Kim Dung là người nhờ gặp may uống được máu rắn, ăn được kỳ hoa, nuốt được dị quả mà tiếp thu những mãnh lực nguyên thủy của vũ trụ súc tích trong những vật ấy để trong chốc lát đạt tới một nội lực thượng thừa. Luyện nội lực như thế, để nói như các triết gia, là một cách trở lại nguồn. Thường thường một nội lực thâm hậu đòi ở người ta một công phu dài mấy chục năm. Nhưng như người ta thấy, được một dịp may trời cho thì mấy mươi năm luyện tập cũng chưa bằng. Trời trong Kim Dung có những đặc ân như muốn riễu những cố gắng của con người. Kể cũng khả nghi. Nhưng không thế thì làm sao võ lâm có thể đổi mới và sinh ra những biến cố bất ngờ?

 Nội lực đã thâm hậu thì võ công nào người ta cũng học được. Luyện những võ công tinh xảo quá mà thiếu nội lực thì trái lại người ta có thể bị tẩu hỏa nhập ma, và dù có luyện được, cũng không thể nào phát huy được hết uy lực của nó. Người giầu nội lực thời dùng một thế võ tầm thường cũng có thể đạt tới một uy lực siêu phàm và khắc chế những võ công tinh xảo, như Trương Quân Bảo lấy mấy ngọn quyền nhập môn của phái Thiếu Lâm mà thắng được một Hà Túc Đạo, người mà đời xưng tụng là kiếm khách. Nhưng đặt nội lực trên cái tinh xảo của võ công, phải chăng một lần nữa Kim Dung lại đặt tự nhiên trên sức chế hoá và công phu của con người? Cũng có lẽ. Nhất là khi người ta nhớ rằng trong truyện ông, đạt tới tuyệt đỉnh của võ công không phải là một Hoàng Dược Sư chẳng hạn, muốn lấy trí năng của mình để đoạt quyền tạo hoá, mà, những nhân vật ác độc như Âu Dương Phong, ngay thẳng như Hồng Thất Công, thật thà như Quách Tĩnh, ngây thơ như Châu Bá Thông, sống toàn theo năng tính, nghĩa là theo con người tự nhiên của họ. Trở về tự nhiên, trở về nguồn, khi ấy, cũng là trở về cái phần nguyên thủy của mình. Và người ta có thể nghĩ rằng lấy nội lực làm căn bản cho võ học, Kim Dung đã chẳng làm gì hơn là đặt căn bản võ học trong lòng người. Uy lực của người anh hùng từ giờ không ở cái xảo của võ công và của khí giới nữa, cũng như cái gì đe dọa chàng trên giang hồ không còn là những nguy hiểm của thế giới bên ngoài mà ở ngay chỗ sâu xa nhất trong người chàng. Nguy hiểm ngoại tại người ta có thể lấy trí năng để giải hóa. Nhưng đấu nội lực thì ai cũng biết chỉ có một mất và một còn. Cả con người mình khi ấy phải ngưng tụ để chống trả. Suy tính gì được nữa? Sểnh một cái, tâm hồn giao động, thế là bị phân tâm và nội lực ly tán. Khi ấy thì không chết người ta cũng bị trọng thương. Và kẻ thắng trận trước hết là kẻ giữ được cái tĩnh của lòng mình trước những xôn xao của ngoại giới. Nhưng ý nghĩa của võ học cũng thay đổi hẳn. Võ học trở nên một kỷ luật của nội tâm và nội lực cũng giống cái mà, theo một ngôn ngữ khác, người ta gọi là đức tin.

 Sự nội tâm hóa ấy, tuy nhiên, lại mở rộng phạm vi võ học. Xưa, võ học không ra ngoài một nghệ thuật sử dụng quyền cước và khí giới, thì giờ, người ta có thể giết nhau bằng một tiếng cười, một tiếng rống, một tiếng sáo, một tiếng đàn. Tất cả là làm thế nào cho tinh thần đối phương rối loạn. À! Các tác giả võ hiệp đã không sống uổng trong thời đại của tâm lý chiến! Nhưng còn gì đẹp và ghê người hơn cảnh một đôi cao thủ, người đàn và người sáo, một đêm trăng trên mặt biển, vận nội lực trong những tiếng nhạc thâu hồn? Tệ hơn nữa, người ta có thể dùng những điệu thoát y vũ! Nhưng bị võ lâm nguyền rủa như môn võ ác độc nhất vẫn là "Hoá công đại pháp" chuyên dùng để phá nội lực của người. Hình như chạm đến nội lực là chạm đến một cái gì thiêng liêng. Võ học chính tông trong Kim Dung tuy nhiên cũng giống như đạo. Ở chỗ tối cao của nó thì người ta trở nên "tĩnh" như núi Thái Sơn. Ấy là cái tĩnh của người đã đạt tới cái chân nguyên của tự nhiên và của lòng mình. Người và tự nhiên khi ấy là một. Những xôn xao cũa ngoại giới không còn làm gì được người ta nữa. Và trong cái tự do tuyệt đối của tinh thần, người ta có thể, không những như Hà Túc Đạo, tay kiếm tay đàn không sợ rối chí nữa, xa hơn nữa, không cần xuất thủ, còn có thể ngồi yên lấy ý điều khiển nội lực đánh lại người.

 3. Võ học như một yếu tố của truyện kể.

 Cái tĩnh ấy, lẽ dĩ nhiên chỉ có thể có với một nội lực siêu phàm. Sức mạnh thực không cần phô trương. Ít khi Kim Dung dùng những từ mỹ lệ để mô tả cách biểu diễn của võ công. Ông không tìm trong võ công cái ngoạn mục của những động tác. Trông thì còn gì tầm thường hơn là những cuộc đấu nội lực? Nhưng ấy cũng là những cuộc đấu khẩn trương nhất và tất cả nghệ thuật giờ là làm cho người ta tham dự vào sự khẩn trương ấy. Hết làm vui mắt, võ học trở nên một yếu tố gây xúc động, nghĩa là để nói với tâm hồn. Xu hướng của nó là ngày càng tiết kiệm động tác. Như sự kín đáo ấy đã thành ra dấu hiệu của sức mạnh thực. Hãy nhìn thế võ ấy chẳng hạn: xem thật là đơn sơ nhưng thủ có, công có, và hàm chứa không biết bao nhiêu cách biến hoá, xem nhẹ nhàng nhưng cực kỳ lợi hại, xem chậm chạp nhưng uy mãnh vô cùng. Cây cổ thụ ấy ngang nhiên đứng thẳng. Nhưng phất ống tay áo là nó đổ. Khi ấy người ta mới biết rằng những thớ gỗ trong cây đã nát. Nó đã trúng "Thất Thương Quyền". Sự ngạc nhiên của người ta khi ấy, một võ công ồn ào hơn làm gì có thể gây nên? Cái ngoạn mục bớt đi, nhưng chấn động tâm lý lại càng lớn. Quãng cách giữa nguyên nhân và kết quả, nghĩa là cái phần biểu diễn ấy, được thu giảm đến cùng cực. Và người ta như bị đẩy trước một huyền bí. Ấy là cái cảnh, chẳng hạn, "không biết người khách ấy xuất thủ như thế nào mà đối phương hự lên một tiếng rồi ngã lăn ra chết". Võ công gì mà lạ thế? Không ai nhận ra, nhưng như một tia chớp, nó vụt loé lên như tiêu ký của bóng tối. Các môn phái thành danh, trong khi ấy, đều có những võ công đặc biệt. Và một miếng võ thường là một căn cước. Nhưng trước miếng võ kỳ bí ấy ai chẳng rùng mình? Rắc rối hơn nữa là có những cao thủ dùng võ công của môn phái này để giết người môn phái kia. Ấy là một dịp cho không biết bao nhiêu nghi vấn, như khi trên thân thể dập nát của Dư Đại Nham mang ấn tích của "Kim Cương Chỉ" vốn là một tuyệt kỹ bí truyền của Thiếu Lâm, làm mọi người hoang mang không biết ai là hung thủ. Chẳng lẽ lại là một thần tăng uy đức trấn giang hồ? Nhưng chắc không thể không là một cao thủ tuyệt luân và môn "Kim Cương Chỉ" trở nên một ám ảnh nhức nhối để, như một tang vật của tội ác trong những truyện trinh thám, ngưng tụ quanh nó cả một không gian chập chùng đe dọa và bí mật. Ấy là không kể những khi trên giang hồ xuất hiện những thế võ thất truyền làm người ta sực nhớ đến cả một dĩ vãng hoang đường.

 Nói tóm lại thì võ lực trong Kim Dung không phải chỉ có những cái tên rất đẹp. Nó không chỉ là cơ hội cho những vũ điệu ngoạn mục mà còn góp phần vào diễn biến và sức dẫn cảm của truyện. Cho nên tuy những môn võ quan trọng trong Kim Dung chẳng có mấy và toàn là võ bịa, nhưng đã đọc qua thì người ta không thể dễ dàng quên. Ai chẳng còn nhớ đến Nhất Dương Chỉ, Lạc Anh Quyền, Đả Cẩu Bổng, Lăng Ba Vi Bộ… Những võ công ấy cứ trở lại, không những trong một truyện, mà từ truyện này sang truyện khác, như những thể tài của một nhạc tấu. Và sự thường trở lại ấy cũng đủ cho chúng một cá thể đặc biệt. Hơn thế nữa, võ công nào cũng gắn vào một nhân vật, nhắc lại một diễn biến trọng yếu, có những đặc điểm và lịch sử riêng, như Giáng Long Thập Bát Chưởng truyền từ đời này sang đời khác, cho đến khi thất truyền mà kỷ niệm còn chấn động giang hồ. Sự có mặt của chúng chẳng khác nào của nhân vật. Ấy là không kể có khi một võ công có thể thực sự trở nên nhân vật chính của truyện như Cửu Âm chân công mà trong võ lâm ai cũng muốn luyện cho được để xẩy ra bao nhiêu vụ tương tàn. Và truyện Đồ Long Đao chẳng hạn, có kể gì hơn là sự phân tán và tái thống nhất của võ lâm qua sự phân tán và tìm thấy lại Cửu Dương thần công? Truyện võ hiệp của Kim Dung cũng là truyện võ học nữa.

 4. Võ học và cơ cấu luận.

 "Và cái nên thơ ấy mà Kim Dung mang lại cho võ học là cái nên thơ của cơ cấu luận, nghĩa là của những gì phân tích được."

 Trong truyện võ hiệp cổ điển thì võ học không đặt ra một nghi vấn nào. Chính phái và tà môn cùng dùng một thứ võ. Ấy là một kiến thức chung cho mọi giới trong giang hồ. Những môn phái có thể đánh nhau, nhưng từ môn phái này sang môn phái khác, người ta thấy vẫn những miếng võ ấy được sử dụng. Võ học khi ấy cũng vô danh như ngôn ngữ, và như ngôn ngữ, chỉ có giá trị của một phương tiện. Phương tiện chung. Hơn nhau duy ở kinh nghiệm, tài và sức riêng của mỗi người. Truyện Kim Dung bắt đầu, khi võ học đã mất sự thống nhất ấy. Mỗi môn phái giờ có một thứ võ. Lẽ dĩ nhiên, người ta vẫn coi Đạt Ma sư tổ là ông tổ của võ học Trung Nguyên. Nhưng cái vốn của ông truyền lại, những kẻ đến sau, mỗi người chỉ lãnh hội được có một phần. Và cái phần ấy, mỗi người lại hiểu theo một cách, tùy tư chất và kiến thức của mỗi người, để từ đó tham bác, chế hóa và sáng tạo thêm ra. Thành ra cũng cùng một gốc mà võ công trong thiên hạ lại không cùng lịch sử. Những trang đầu của truyện Đồ Long Đao cho người ta thấy, từ những đoạn của Cửu Dương chân kinh nghe lỏm được ở miệng Giác Viễn lúc lâm chung, Quách Tường và Trương Quân Bảo, tư chất và kiến thức khác nhau, đã lập ra hai môn phái khác nhau thế nào. Sự biến hoá ấy của võ học làm người ta nghĩ đến sự biến hóa của ngôn ngữ. Cũng một ngôn ngữ mẹ mà tùy theo địa phương biến hóa đến nỗi người của địa phương này không còn hiểu được người của địa phương kia. Võ học cũng thế, tuy cùng một gốc mà giờ võ công của mỗi môn phái lại tuân theo một qui tắc, đòi hỏi cách luyện tập và có một lối phá giải riêng. Muốn phá giải một võ công thì trước hết phải biết cách biến hóa, nghĩa là cái văn phạm đặc biệt của nó. Cho nên không thể lấy võ công này mà thắng võ công khác, cũng như không thể nói là có võ công nào hơn võ công nào. Nhưng có những võ công mà văn phạm phức tạp hơn, khó phá giải hơn và biến hóa khó lường trước được hơn. Một khi đã biết cái văn phạm ấy rồi thì sự phá giải không còn là một nan đề. Lưỡng Nghi kiếm pháp triền miên bất tuyệt như thế mà chỉ cần biết rằng sự biến hóa của nó dựa trên một cách chuyển bộ theo Bát Quái là Vô Kỵ có thể thoát vòng vây của nó một cách dễ dàng. Cái gì Kim Dung muốn người ta thưởng thức trong một võ công, một lần nữa, không phải là cái ngoạn mục của sự biểu diễn, mà là văn phạm, cơ thức, nguyên lý, nói tóm lại là sự mạch lạc nội tại của nó. Mạch lạc đến nỗi có khi một miếng võ có thể sử dụng ngược chiều mà vẫn được như thường. Lẽ dĩ nhiên thế chỉ là một chuyện nên thơ. Và cái nên thơ ấy mà Kim Dung mang lại cho võ học là cái nên thơ của cơ cấu luận, nghĩa là của những gì phân tích được.

 Cái huyền bí mà những võ công của Kim Dung thoạt cho người ta thấy chợt tiêu thất. Và sự sáng sủa bắt đầu của những lý do và số lượng. Cái văn phạm khúc chiết của mỗi võ công không kể, mỗi võ công lại chia làm nhiều chiêu, mỗi chiêu lại gồm nhiều thức, mỗi thức lại chia nhiều thế. Hơn thế nữa, lại có thể tính xem mỗi võ công người ta luyện được mấy thành hỏa hầu, và được sử dụng với mấy thành công lực. "Thành" là đơn vị để ước lượng mức thành đạt của người luyện võ cũng như uy lực của mỗi đòn tung ra. Nói tóm lại thì tất cả đều đo được, tích giải được, phân chiết được. Và người ta vào thế giới của những phức thể. Ấy là cơ thể con người chằng chịt những huyệt đạo và kinh mạch như một cái lưới tinh vi; những độc dược mà thứ nào cũng là một pha trộn theo những phân lượng bí truyền, giữa rất nhiều dị thảo; những kiếm pháp chung đúc cái tinh hoa của không biết bao nhiêu môn phái khác nhau; sự phối hợp ảo diệu giữa hai cao thủ, người này sử dụng võ công vốn tương khắc với võ công của người kia, thành một thế liên hoàn không có gì phá nổi; môn Phân thân Tâm pháp cho phép người ta mỗi tay dùng một tuyệt kỹ để biến một người duy nhất thành hai cao thủ… Phân tích, phối hợp, ấy là những tác động căn bản của cơ cấu luận. Nhưng có lẽ không chỗ nào ấn tích của cơ cấu luận lại rõ ràng hơn trên những môn võ dựa vào thư pháp, như Đồ Long công chẳng hạn, mà mỗi đòn là một nét chữ. Mỗi chữ khi ấy trở nên họa đồ của một chiêu số. Không những đọc được mà, như người ta thấy, cái văn phạm nội tại của môn võ lại có thể vẽ ra được nữa! Ai làm thế nào để một người không biết võ, không cần giải thích dài lời, có thể thấy và thông đạt những cơ thức của một võ công một cách dễ dàng hơn? Nhưng lại còn chuyện Cửu Âm chân kinh….

 Cửu Âm chân kinh là một võ học kỳ thư. Và các cao thủ ai cũng muốn cướp nó cho được để luyện những võ học tuyệt luân mà nó ghi trữ. Khốn nỗi tự bản duy nhất của nó đã bị hủy và chỉ có Quách Tĩnh là người đã học nó thuộc lòng. Người ta còn nhớ Âu Dương Phong đã tìm cách buộc Quách Tĩnh phải chép lại bản kinh ấy cho y như thế nào. Không thể làm khác, Quách Tĩnh đành y lời, nhưng khôn ngoan, lại cố ý chữ "tác" đánh ra chữ "tộ", chép cho sai. Lẽ dĩ nhiên Âu Dương Phong đọc không hiểu, nhưng nhũn nhặn nghĩ rằng ấy là tại văn của Cửu Âm chân kinh uẩn súc quá và cái óc thô bạo của mình không nhìn thấy chỗ tinh tế của nó. Y bắt Hoàng Dung, người yêu cực kỳ thông minh của Quách Tĩnh, giảng cho vỡ lẽ. Hoàng Dung cũng nói dựa và giảng bừa, cốt cho xuôi tai thì thôi. Âu Dương Phong cứ theo những lời giảng ấy mà luyện, thấy rất khó nhưng vẫn tự cưỡng. Là người khác thì đã "tẩu hỏa nhập ma" mà chết. Nhưng nội lực của Âu Dương Phong đã tới mức siêu phàm. Y không chết nhưng tất cả kinh mạch trong người đều chạy ngược, y phải đi bằng hai tay, chân chổng lên trời và rốt cuộc không còn nhớ Âu Dương Phong là ai. Võ công của y, trong khi ấy, lại trở nên vô địch. Ấy cũng là võ công của Cửu Âm chân kinh. Những chiêu thức tuy nhiên đều đảo ngược, và cách biến hóa của chúng tuân theo một sự mạch lạc mà người ngoài không thể hiểu: ấy là sự mạch lạc của người điên. Hóa ra người điên cũng có lý của họ và không có gì, dù tạp loạn đến đâu, mà người ta không thể đưa tới một thế tương tất. Chỉ cần một luận lý khác! Nhưng mẩu chuyện ấy không đủ chứng tỏ tinh thần nhân bản của Kim Dung. Cái gì người ta còn thấy, xô đến tận chỗ nghịch lý, là cái nên thơ của cơ cấu luận.

 5. Sự tương đối hoá võ học và thế đa nguyên của võ lâm.

 "Toàn thể là bố láo"

Adorno

"Ẩn tàng trong cảnh tương tàn ấy, tuy nhiên, cái gì người ta thấy, là sự huy hoàng của một giấc mơ thống nhất"

ĐLV

 Một cơ cấu là một cá thể độc đáo. Nhưng nó cũng định một giới hạn. Cái độc đáo vốn là cái không phổ biến thì những gì, ở chỗ này là những ưu điểm, ở chỗ khác lại có thể xuất hiện như những khuyết điểm. Như những ngôn ngữ, mỗi võ công chỉ đáp ứng một số nhu cầu nhất định. Không thể có võ công toàn năng. Lạc Anh chưởng chẳng hạn, có mau nhưng không mạnh. Hàm Mô công mạnh nhưng thân pháp lại khó coi. Nhất Dương chỉ thì chỉ có bọn đồng tử mới học được. Thất thương quyền lợi hại bao nhiêu! Nhưng muốn luyện được thì trước hết phải tự đả thương tạng phủ đến bẩy lần. Trong khi ấy thì Lăng Ba vi bộ chỉ là phép tránh đòn nhưng cũng đủ để Đoàn Dự có thể buộc một hung thần ác sát lạy mình làm sư phụ. Nhưng đem bộ pháp ấy đối phó với cảnh loạn đả không theo qui tắc nào của những người không biết võ lại bằng thừa. Cái khéo của Kim Dung là đã chia những ưu điểm và khuyết điểm như thế nào để vừa giữ cái bản sắc đặc biệt của mỗi võ công, vừa duy trì sự diễn tiến của truyện trong một tình trạng bất trắc thường xuyên. Thử tưởng tượng một nhân vật có một võ công cứ giở ra là ai cũng thua thì truyện sẽ chán biết mấy! Cái thú với Đoàn Dự chẳng hạn, là không ai có thể biết trước khi nào Lục Mạch thần kiếm của chàng ta "chạy" và khi nào không. Nhưng nó chỉ có trong chừng nào kiến thức võ học của Đoàn Dự còn đầy khuyết điểm. Khuyết điểm chính là cái độc đáo và một dịp cho mọi bất ngờ. Cho nên trong Kim Dung nhân vật nào cũng có sở trường và sở đoản. Giỏi võ công thì không có nội lực. Người có nội lực thượng thừa thì không biết võ công. Có người giỏi ám khí. Có người tài khinh công. Có người sành độc dược. Nhưng được một đằng thì mất đi một nẻo. Võ công nào trong thiên hạ mà Vương Ngọc Yến không biết? Nhưng nàng lại không biết dùng võ công. Mưu trí như Hoàng Dung nhưng môn Song thủ Hổ bác đòi hỏi một tâm hồn chất phác thì nàng lại không tài nào học được. Tưởng một Tạ Tốn thì cái gì chẳng hơn người! Thế mà lại thua Trương Thúy Sơn ở thư pháp, cũng như Vương phu nhân đã thua Đoàn Dự ở kiến thức về hoa trà. Ngược lại thì một Trương Quân Bảo chỉ có mấy miếng quyền nhập môn mà làm cho Côn Luân tam thánh liểng xiểng ôm hận thề không bao giờ trở lại Trung Nguyên nữa. Và để kết luận, người ta bảo nhau rằng thật là ngoài trời lại có trời. Có Ỷ Thiên Kiếm thì có Đồ Long Đao; có Cửu Âm chân kinh thì có Cửu Dương chân kinh; có độc dược của Vương Nạn Cô thì có giải dược của Hồ Thanh Ngưu; có kiếm pháp của Tuyết Sơn thì phái Kim Ô cũng có đao pháp để phá giải. Không có gì sau cùng không có khắc tinh của nó. Cao thủ này lại dẫn người ta gặp cao thủ khác tài hơn. Người ta càng đi. lại càng thấy kiến thức của mình chật hẹp. Võ lâm trở nên một thế giới vô cùng và đã mất trung tâm. Mỗi phương xuất hiện một anh hùng. Khi Anh Hùng Xạ Điêu bắt đầu thì Vương Trùng Dương, con người duy nhất có thể xứng ngôi minh chủ đã tạ thế, để môn phái của ông ngày càng suy đốn và các bạn ông, những người còn sót lại trong Võ Lâm Ngũ Bá, cứ năm năm một lần, lại trở về Hoa Sơn tiếp tục những cuộc luận võ không ai được, ai thua. Cũng như thể cái chết của Dương Phá Thiên làm cho những anh hùng của Minh Giáo phân tán, không ai phục ai, mỗi người theo đuổi một cuộc phiêu lưu riêng ở một góc trời. Võ lâm sa vào cảnh chia năm xẻ bẩy. Xưa, các cao thủ đều nhìn về Thiếu Lâm như cái nguồn của võ học. Cái nguồn ấy bây giờ ở chỗ nào? Thiếu Lâm chỉ còn là một môn phái như các môn phái khác. Và võ học cũng như Thượng đế của Pascal, là một tinh cầu trung tâm ở khắp nơi, nhưng không biết đâu là giới hạn. Ngần ấy võ công là ngần ấy ngôn ngữ, và võ công nào, trong giới hạn của nó, cũng có thể gọi là vô địch. Làm thế nào có thể thu cái thế giới nát vụn ấy vào một mối? Ai cũng muốn làm bá chủ võ lâm. Người ta giết nhau như ngóe để độc chiếm những võ công kỳ bí có thể cho phép người ta khuất phục chúng anh hùng. Câu chuyện nghĩa hiệp đã nhường chỗ cho cuộc tranh cường đẫm máu. Ẩn tàng trong cảnh tương tàn ấy tuy nhiên, cái gì người ta thấy, là sự huy hoàng của một giấc mơ thống nhất.

(còn tiếp)

****

 Ghi chú:

Đỗ Long Vân, đã mất ở Sài Gòn, viết bài này trước 1975, khi lý thuyết Lỗ Đen, Big Bang chưa ồn ào như hiện nay, khi cơ cấu luận đang hợp thời, khi cuộc chiến đang ác liệt… Bài viết được in lại trong "Kim Dung, tác phẩm và dư luận", do Trần Thức sưu tầm và tuyển chọn, nhà xuất bản Văn Học Hà Nội, 2001.

Những câu trích từ bài viết làm đề từ, là do người giới thiệu bầy đặt ra, như một cách hiểu, hoàn toàn mang tính cá nhân, tức chủ quan, bài viết của Đỗ quân, và những vấn đề mà bài viết đặt ra.

Về đoạn liên quan tới Cửu Âm chân kinh "giả" mà Quách Tĩnh viết lại cho Âu Dương Phong, theo như người viết còn nhớ được, và hiểu được, tất cả là do Hoàng Dung mà ra.

Hoàng Dung, do quá thông minh, nên trở thành "lý lắc" - hơi khùng, nếu có thể nói như vậy, theo nghĩa, cực điểm của thông minh là khùng điên, bởi vì, người thông minh là người nhìn ra những nét tương đồng ẩn giấu giữa những sự vật, còn người điên thì nhìn mọi vật đều tương đồng với nhau hết! Đây là quan niệm của Michel Foucault, trong "Chữ và Vật", khi ông phân biệt giữa "Le Même", hay là những con người bình thường như chúng ta, và "L"Autre", hay người điên - và "ang ác", đã từng bị Hồng Thất Công đe nẹt; chính vì vậy Hoàng Dung đã xúi Quách Tĩnh đảo ngược văn bản, lại còn dậy Quách Tĩnh cách ngồi viết văn bản, ngô nghê như thế nào, vắt óc nhớ lại bản chính ra sao… để đánh lừa Tây Độc. Nên nhớ, Tây Độc, vốn rất độc, và cũng rất thông minh (trong thế gian thật khó có người độc mà không thông minh!), không dễ gì đánh lừa; nhưng văn bản đảo ngược lại có mạch lạc của riêng nó: đây là cái mà cả Hoàng Dung lẫn Tây Độc đều nhận ra. Nhưng Hoàng Dung, do là người bình thường (Le Même), nên đã không dám đẩy sự tương đồng đến tận cùng, nhưng lại mơ tưởng một điều: nếu có một người nào tập luyện bí kíp Cửu Âm đảo ngược như vậy, không hiểu kết quả sẽ ra sao. Tây Độc vì quá mê bí kíp – bản văn gốc, ngôn ngữ mẹ của võ học… - nên đã tập luyện và kết quả là trở thành điên, nhưng với một võ công thượng thừa! Đoạn Tây Độc và Bắc Cái sau cùng ôm nhau cùng chết trên ngọn núi cao, không có con người nào khác, cho thấy, có thể Kim Dung tin tưởng rằng, thiện ác đi tới tận cùng, là một.

Tưởng tượng thêm chút nữa: hãy giả dụ Cửu Âm đảo ngược là… chủ nghĩa toàn trị, và không phải chỉ một mình Tây Độc, mà là quá nửa nhân loại đã luyện tập môn võ công đảo ngược này, vốn một thời "tự coi" là "đả biến thiên hạ vô địch thủ, bách chiến bách thắng"… thì sao?

Michel Foucault suốt đời băn khoăn về sự khùng điên, và cái ác của nhân loại, khi đẩy người điên vào trại tù hoặc cưỡng bức lao động. Sự thắng thế của chủ nghĩa toàn trị và những trại tập trung cải tạo của nó cho thấy một tình trạng đảo ngược: người bình thường (Le Même) phải đi tù, người không bình thường (L’Autre), làm… quản giáo!

Tuy được coi là một trong những trụ cột của trường phái cơ cấu luận, M. Foucault không cho rằng ông là một người trong nhóm. Trong bài tựa, dành cho bản tiếng Anh tác phẩm "Chữ và Vật" ("The Order of Things", Luân đôn, nhà xb Tavistock, 1970; ở đây người viết sử dụng bản dịch tiếng Pháp bài tựa này, in trong "Nói và Viết", tập II, nhà xb Gallimard, 1994, tủ sách Nhân Văn), ông xin được gửi tới độc giả tiếng Anh lời "khẩn cầu" (une prière), rằng, ở Pháp một số "nhà bình luận" thiển cận đã gán cho ông cái nhãn "cơ cấu". Và ông không làm sao nhét vào cái đầu nhỏ hẹp của họ, một ý nghĩ là … "tôi (Foucault) không hề sử dụng bất cứ một phương pháp, một quan niệm, cũng như một từ ngữ nào, của cơ cấu luận. Tôi rất biết ơn một tầng lớp công chúng cẩn trọng hơn, một khi giải phóng cho tôi ra khỏi sự gán ghép, rõ ràng là vinh danh, nhưng tôi không xứng đáng được hưởng. Có thể là, có những đồng dạng nào đó giữa công việc làm của tôi với của những nhà cơ cấu luận…. Nhưng thật quá dễ dãi khi giản lược một công trình làm việc như thế đó, bằng cách dán cho nó một nhãn hiệu, nghe thì thật rổn rảng, nhưng không thích đáng."

Nhận xét của Foucault, về tác phẩm của chính ông, cũng có thể đem áp dụng cho trường hợp Đỗ Long Vân, nhưng, nếu hệ tư tưởng của Foucault được coi là một cơ cấu luận không có cơ cấu (un structuralisme sans structures, chữ của Jean Piaget, khi giới thiệu cơ cấu luận, trong tủ sách phổ thông "Tôi biết gì?" ("Que sais-je?"), "… tác phẩm của M. Foucault là thí dụ gây kinh ngạc, về một văn phong sáng chói đầy những tư tưởng bất ngờ và trí tuệ, một sự uyên bác lạ thường…", họ Đỗ cũng đã sử dụng thuyết cơ cấu, như một phương tiện "tiện tay, đương thời" - hay nói theo Piaget, "cơ cấu luận là một phương pháp hơn là một lý thuyết, và trong chừng mực nào, nếu nó trở nên một lý thuyết, thì nó sẽ đưa đến nhiều chứ không phải chỉ một lý thuyết…" - để viết ra những tác phẩm sáng tạo, với một văn phong đầy chất thơ và cũng thật khác thường, như ‘Truyện Kiều ABC’, ‘Nguồn nước ẩn trong thơ Hồ Xuân Hương’…

***

"Và cái nên thơ ấy mà Kim Dung mang lại cho võ học, là cái nên thơ của cơ cấu luận, nghĩa là của những gì phân tích được"(Đỗ Long Vân).

Đây là một khẳng định rất dễ gây tranh luận, vì nó đối nghịch với quan niệm "thông thường", khi cho rằng thơ là để "cảm nhận": Cái cõi nhẹ như tơ, mong manh như sương khói đó, đâu phải là để… phân tích!

Nên nhớ, cơ cấu luận là từ toán học mà ra. Người ta không thể nói về nó mà không khởi từ toán học, theo tính cách lịch sử cũng như lô gíc của vấn đề. Lévi-Strauss chẳng hạn, đã tạo nên những mẫu mã cơ cấu của ông từ môn đại số đại cương (algèbre générale).

Cho nên, từ định lý "cái nên thơ… của những gì phân tích được", chúng ta có thể có được một hệ luận, là:

"Cái gì có thể phân tích được, là thơ."

***

"Hiện tượng Kim Dung như thế nào? Nó có nghĩa gì giữa cảnh tai biến của chúng ta và tại sao có thể xẩy ra?…

"Ẩn tàng trong cảnh tương tàn ấy, tuy nhiên, cái gì người ta thấy, là sự huy hoàng của một giấc mơ thống nhất."

 

George Steiner, trong bài viết "Orpheus với những huyền thoại của mình: Claude Lévi-Strauss", vinh danh một trong những trụ cột của trường phái cơ cấu, đã cho rằng, một trang viết của Lévi-Strauss là không thể bắt chước được; hai câu mở đầu thiên bút ký "Nhiệt Đới Buồn" đã đi vào huyền thoại học của ngôn ngữ Pháp.

Hai câu mở đầu đó như sau: "Je hais les voyages et les explorateurs. Et voici que je m’apprête à raconter mes expéditions." (Tôi ghét du lịch, luôn cả mấy tay thám hiểm. Vậy mà sắp sửa bầy đặt kể ra ở đây những chuyến đi của mình).

Bạn hãy thử bắt chước một câu văn của Đỗ Long Vân. Bạn hãy thử lập lại câu văn "đã đi vào huyền thoại": "Tôi quá chán cuộc chiến, vậy mà bầy đặt ngồi viết ‘Vô Kỵ giữa chúng ta’, để nói về mấy gã đồ tể đó."

***

"Toàn thể là bố láo."

 

Trong bài "Work in Progress", điểm cuốn "Thương Xá" (The Arcades Project: Dự án về những vòm cung ở thương xá), của Walter Benjamin, đăng trên tờ TLS (December 3, 1999), Steiner coi "chưa hoàn tất" là mật khẩu tới chủ nghĩa hiện đại (incompletion is the password to modernism). Trích dẫn Adorno, "toàn thể là bố láo" (totality is a lie), ông chỉ ra, tất cả những tác phẩm lớn sau thời kỳ Ánh Sáng, đều chưa hoàn tất: tác phẩm của Proust, Cantos của Pound, Moses und Aron của Schoenberg… Tác phẩm "đại diện" cho thế kỷ, của Heidegger, Thời gian và Hữu thể (Time and Being), thiếu phần ba đầy hứa hẹn. Và Steiner tự hỏi: đâu là những toàn thể mang tính hình thái (formal totalities), trong những tác phẩm của triết gia Wittgenstein?

 

 

Ngoài Đạt Ma Tổ Sư, không ai là người thông thạo đủ thất thập nhị huyền công, tức 72 tuyệt kỹ Thiếu Lâm. Kim Dung mượn lời nhà sư già chuyên quét dọn trong Gác Chứa Kinh (Tàng Kinh Các) để diễn ý niệm duy vật biện chứng của Marx, khi giải thích tại sao Phật pháp (từ bi), lại rong ruổi với võ công (cái ác): trên đường rong ruổi, lý thuyết (Phật pháp) và thực hành (võ công) đều quyện vào nhau, rồi triệt tiêu lẫn nhau, để có được con người hoàn toàn (l’homme total), theo nghĩa: không còn Phật pháp mà cũng chẳng còn võ công. Hoặc nói một cách khác: hết nhị nguyên, không còn thiện ác đối đầu nữa.

 

Có một vài chi tiết lầm lẫn trong bài viết. Về Nhất Dương Chỉ, không phải chỉ những đồng tử mới luyện được, nhưng nếu là đồng tử thì mức thu hoạch cao hơn những người không còn là đồng tử. Lão Ngoan Đồng sở dĩ muốn chia rẽ cặp Hoàng Dung – Quách Tĩnh, một phần là vì muốn đứa em sẽ trở nên đệ nhất anh hùng, tại Hoa Sơn luận kiếm! Về Thất Thương Quyền, không phải muốn luyện là phải làm bị thương bẩy bộ phận trong cơ thể, mà là, khi luyện, là bị thương bẩy bộ phận trong cơ thể; võ công càng cao bao nhiêu, đau đớn càng tăng bấy nhiêu. "Khuyết điểm" của Hàm mô công không phải là "mạnh mà thân pháp khó coi", nhưng mà là, phải thất thủ trước Nhất Dương Chỉ. Chính vì vậy, Vương Trùng Dương đã phải giả chết, để nện cho Âu Dương Phong một đòn, cho Tây Độc không còn độc trong một thời gian, rồi sau đó chia đôi Cửu Âm Chân Kinh, giấu ở hai chỗ khác nhau, và lặn lội xuống miền nam truyền môn võ công Nhất Dương Chỉ, khắc tinh của Hàm Mô công, cho dòng họ Đoàn. Vì chuyện này mà nẩy sinh ra cuộc tình giữa Châu Bá Thông và Thần Toán Tử Anh Cô, một bà phi của Đoàn Nam Đế…

 

Nguyễn Quốc Trụ giới thiệu