*

1 2 3 4 5 6 7 8
9 10 11


Thư Gửi Bạn Ta

7
Nói trắng ra là bộ môn phê bình ở miền Nam trước kia và hải ngoại bây giờ rất yếu. Có thể đếm trên đầu ngón tay những người phê bình có uy tín. Bây giờ điểm lại người có uy tín nhất hiện nay là Nguyễn Hưng Quốc, tiếp theo là Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc, Thụy Khuê, Trần Hữu Thục, Nguyễn Vy Khanh... và một vài người khác nữa. Còn chuyện khen chê nhiều khi là chủ quan nhiều hơn. Rồi có những cuộc tranh luận, không xoay vào tác phẩm, không xoay vào đề tài mà cãi qua vài ba trận là bắt đầu nói xấu về đời tư của nhau. Đó là cái rất yếu của người phê bình. Miền Nam trước kia cũng vậy, không khác gì. Đó chỉ là văn chương thôi, còn chính trị nữa thì không thể nói.
NSV: Không ai dám lên tiếng hay sao?
NMG: Chẳng hạn hồi trước khi về hưu, trong một lúc cao hứng, tôi tuyên bố là khi tôi về hưu sẽ viết một bộ văn học sử về văn chương hải ngoại. Hồi đó là dại dột, cho nên nói vậy, chứ bây giờ mà bắt tay vào là sinh chuyện. Khi kê khai mà thiếu bất kỳ ai thì chết với họ. Có khi kể họ sau người khác cũng không được. Mà chẳng lẽ kê khai đồng hạng cả thì cũng không được.
NMG

Những nhận định về phê bình như trên, đã trở thành "bản kẽm", và sự thực mà nói, hơi bị cường điệu, và đều mang "hơi hớm" của lời phán của Võ Phiến, và nhờ vậy, hải ngoại mang ơn ông có được bộ văn học sử đầu tiên và độc nhất là bộ Văn Học Miền Nam của ông. (1)
Những nói xấu về đời tư, nếu có, cũng là từ...  VP, qua những lời bóng gió về một NTH, thí dụ vậy.

Phê bình miền nam trước 1975, với Cao Huy Khanh, Lê Huy Oanh, Nguyễn Nhật Duật, Huỳnh Phan Anh, Uyên Thao... nào có bất cứ một ai trong số đó, lôi đời tư của những tác giả mà họ đề cập tới?

Về cơn cao hứng của NMG theo tôi, đúng là... cao hứng. Nếu ông thực tình muốn viết một bộ văn học sử về văn chương hải ngoại, thì sá gì cái chuyện "kê khai mà thiếu bất kỳ ai". Có thiếu, cũng chưa chắc đã sinh chuyện. Không được ông kê khai có khi còn là một hạnh phúc, như... Flaubert chẳng hạn! Ông này rất ghét mấy ông phê bình lôi tên tuổi hình ảnh của ông ra để mà dây máu ăn phần. Faulkner còn ghê hơn, chỉ muốn sổ đoạn trường gạch tên ông ra. Đâu có phải ai cũng muốn được kê khai đâu? Vả chăng, phe nhà thì mình nêu tên, còn thằng nào không ưa thì nhét nó vào một rọ "còn vài thằng khốn nạn khác nữa, không tiện nêu tên", đâu có "chết với ai?"
Chưa viết mà đã thế, thì còn mong gì nữa!
(1) Trong lời mở đầu bộ văn học sử, Võ Phiến cho biết, "... trước hết mình không phải là nhà phê bình nhà biên khảo gì ráo mà tự dưng xông ra... Ấy vậy mà nghĩ đi nghĩ lại chán chê rồi tôi lại quyết định cứ viết..."
NSV: Tình hình hiện tại không cho phép độc giả trong nước đọc văn chương hải ngoại. Chỉ qua đường internet, độc giả trong nước mới có thể thưởng thức được những tác phẩm giá trị bên ngoài.
NMG: Điều đó tốt, rất tốt. Ví dụ ở San Jose có website của Thời Văn, mỗi tuần đăng rất nhiều bài, ở trong nước muốn xem rất dễ dàng. Cái chính là ở chỗ họ xem nhưng họ lại không thông cảm được. Và chẳng hạn như nhà văn rất ăn khách trong nước bây giờ là Nguyễn Nhật Ánh, khi đọc tôi không thấy hay.
NMG
Câu trả lời của NMG theo tôi có thể đưa vô talaCu được.
Thời Văn cũng là một trang của phe nhà.
Thời Văn thua xa... Gió O, thí dụ vậy. Chắc là NMG không ưa... Gió O của LTH. Gió O xếp hạng top 100 ngàn, tức một trong những trang được đọc nhiều nhất, còn Thời Văn, 600 ngàn, theo Alexa. Gió O có rất nhiều bài mỗi tuần của cả trong lẫn ngoài nước.
Cái chính là chỗ họ xem nhưng họ lại không thông cảm được. Câu này của NMG quả là liều một cục. Cuốn của ông, được độc giả trong nước nâng niu như thế mà sao ông nỡ nói họ không thông cảm đuợc?
Còn nhận định về Nguyễn Nhật Ánh, thì lạc đề, vì câu hỏi là về độc giả ở trong nước đối với văn chương hải ngoại.
Nên để dịp khác dậy cho trong nước biết thế nào là một tác phẩm "khi đọc tôi thấy hay"!
Ôi chao, chán quá, chán quá!
Dọn hoài còn hoài.
Hết muốn dọn rồi!