Hà Nội



Buổi sáng mùa đông ngây ngất, trưa còn xa.
Tôi nhớ vừa rồi đi cạnh tôi trên vỉa hè nhiều lá vàng lăn chạy, Thanh rất đẹp.
Bếp Lửa

It is a mistake to think of Oliver Twist as a realistic story: only late in his career did Dickens learn how to write realistically of human beings; at the beginning he invented life... these characters in Oliver Twist are simply parts of one huge invented scene, what Dickens in his own preface called "the cold wet shelterless midnight streets of London."
Graham Greene: The Young Dickens
Thật lầm lẫn khi coi Oilver Twist là một câu chuyện hiện thực. Chỉ muộn màng trong nghề Dickens mới đành phải học, làm thế nào viết về những con người một cách hiện thực; lúc thoạt vào nghề, ông phịa ra cuộc đời... những nhân vật trong Oliver Twist  giản dị chỉ là những phần của một khung cảnh lớn được bịa đặt ra, mà, trong lời mở đầu của chính tác giả, ông gọi là "những con phố nửa đêm không nơi trú ẩn, ướt, lạnh của London".
G. Greene: Dickens trẻ

Tôi tin rằng, những người Hà Nội bây giờ, đọc Bếp Lửa, sẽ nghĩ, đây là một chuyện phịa, theo nghĩa, không hiện thực!

Tôi tự hỏi, đoạn văn trên có ảnh hưỏng tôi không, bởi vì chắc chắn tôi đã đọc Bếp Lửa, trước khi viết Những Ngày Ở Sài Gòn.

"Hà Nội... tiếng khóc nức nở của một cô gái đi chợ bán rau muống sớm, bị Tây hiếp ở một ngõ hẻm, buổi sáng đi học nhìn thấy một thân hình rũ rượi, một dòng nước nhờn lẫn máu chảy dọc theo ống quần, hai tay quờ quạng tìm cách che bộ ngực, chiếc áo nâu bị xé toạc. Tiếng rên rỉ của một người đàn ông ăn mặc khác thường bị trúng đạn ở bụng, nằm quằn quại giữa đường phố, đứa bé bật khóc nức nở, không phải sợ hãi, không phải…"
Những ngày ở Sài Gòn
Những ngày thì ở Sài Gòn, nhưng những kỷ niệm, thì là của Hà Nội. Chính vì vậy, mà một ông bạn mới quen sau này, ở hải ngoại, khi đọc xong tập truyện đầu tay của Gấu, đã lắc đầu: Treo đầu dê bán thịt chó!
Về cái vụ cô gái bán rau muống bị Tây hiếp, Gấu nghe ông cậu, cậu Hồng, cùng tuổi Gấu, con Bà Trẻ, lúc đó cũng trọ họ ở Hà Nội, nơi nhà chị Giậu, vợ ông Hiếu Chân, tại Bạch Mai, kể lại. Thực sự Gấu không tận mắt chứng kiến.

Người đàn ông bị giết nằm ngay bên đường xe điện cũng nghe kể lại.
Cộng, kỷ niệm thực với hồi ức đọc, ra đoạn văn của Gấu, chắc thế.

Nhưng bị thằng bé đánh giầy chơi mất chiếc mũ dạ, là có thật. Đến bây giờ, về già, lâu lâu trong giấc mơ, vẫn còn trở lại:
Nhà tôi ở Bạch Mai, gần ngay bên đường xe điện... Một lần trốn vé xe, tôi cùng một thằng bé đánh giầy ngồi ở cuối tầu, nơi dùng để nối hai toa xe lại với nhau. Thằng bé đánh giầy nói, nó thường ngồi như vậy, ngay cả khi có tiền mua vé. Hôm đó trời lạnh, tôi đội một chiếc béret dạ đen, một tay nắm vào thanh sắt, một tay cầm cặp sách vở. Thằng bé đánh giầy đầu tóc bù xù, tay cầm hộp đồ nghề, tay cầm khúc bánh mì nhai ngồm ngoàm. Những người đi đường nhìn chúng tôi với vẻ buồn cười, ngạc nhiên. Lúc đầu tôi rất sợ, nhưng dần dần cảm thấy thích thú. Bỗng nhiên, không hiểu sao, tôi nhớ lại được một đoạn nhạc tôi đã quên từ lâu, và tôi hát nho nhỏ, đầu lắc lư theo điệu nhạc. Thằng bé đánh giầy nhìn tôi cười ngặt nghẽo. Tôi tức giận, hát thật lớn, vừa hát vừa đập vào thành xe ầm ầm. Bỗng tôi cảm thấy đầu lành lạnh. Tôi ngửng lên, và thấy người soát vé đang giận dữ nhìn tôi, tay cầm chiếc mũ dạ. Thằng bé đánh giầy vẫn tiếp tục cười, tôi ngưng hát, và ngưng đập vào thành xe. Cuối cùng không biết nghĩ sao, người soát vé vứt chiếc dạ xuống đường. Xe lúc đó đang chạy nhanh. Tôi cúi nhìn xuống con đường nhựa chạy vùn vụt, tôi sợ hãi không dám nhảy xuống. Tôi chợt nghĩ tới đến cha tôi. Tôi nhìn thằng bé đánh giầy ra vẻ cầu cứu. Nó nhẩy xuống, nhặt chiếc mũ dạ, đội lên đầu, rồi nhìn tôi nhe răng cười, tỏ vẻ chế nhạo. Sau đó, tôi thỉnh thoảng gặp thằng bé đánh giầy quanh quẩn tại khu tôi ở, đầu đội chiếc mũ dạ của tôi. Mỗi lần thoáng thấy nó, là tôi vội vã lẩn tránh, chỉ sợ nó nhận ra tôi.
Những con dã tràng
*

Đoạn văn tả cuộc nói chuyện giữa ông Chính và Tâm, và nói rộng ra, toàn thể chương I của Bếp Lửa, đã tiên đoán, sửa soạn cho mọi biến động diễn ra sau đó. Tất cả những nhân vật quan trọng đều xuất hiện, và nhất là, hồn ma của một bà mẹ, cũng xuất hiện. Nhưng không thể thiếu nhân vật, tuy thứ yếu, nhưng đóng vai xúc tác, không có là phản ứng hóa học không thể xẩy ra. Nhân vật xuất hiện chỉ một lần rồi bỏ đi vĩnh viễn, bởi đã hoàn tất  phần số của nó: Mưa.
Mưa Hà Nội.
Tác giả, miêu tả những xúc động của hai nhân vật, hai thế hệ "gần nhau nhất cũng không thể hiểu nhau", bằng âm thanh, cường độ của trận mưa.

Chi tiết là Thượng Đế ở trong văn chương là như vậy.
Bạn nào đã từng xem phim OK Corral, chắc là còn nhớ, trước khi xẩy ra trận thanh toán, nhân vật chính ra thăm thú nơi mình có thể chết. Như tình cờ, anh ta châm ngọn đèn dầu trên chiếc xe. Khi trận đấu súng xẩy ra, anh ta bắn vô cây đèn, chiếc xe bốc cháy, đám người ẩn sau nó phải chạy ra.
Trong phim Shane, hình ảnh con chó từ từ rời khỏi chỗ, nhường sàn gỗ cho hai tay đấu súng.
Mưa trong Giã Từ Vũ Khí của Hemingway.
Bùn trong Bẩy Hiệp Sĩ, Seven Samourai...

Với bậc thầy, cái sự sửa soạn mới là cần thiết, mới là quan trọng.
Trong Kim Dung, Lãnh Nguyệt Bảo Đao, cuộc gặp gỡ thứ nhất giữa Miêu Nhược Lan và Hồ Phỉ, xẩy ra, khi ông bố Miêu Nhân Phượng bế con gái chạy theo vợ, bỏ đi theo trai, đuổi kịp tại Thương Gia Bảo khi tất cả mọi người bị cơn mưa cầm chân. Cô bé khát sữa mẹ, khóc ngất, bà mẹ rời tình nhân, đi vài bước tới  tính cho con bú, nhưng tàn nhẫn quay ngược lại, ngồi xuống kế bên đống lửa, kế bên anh bồ đẹp trai. Thằng oắt Hồ Phỉ cáu quá, chạy ra mắng, tại sao lại có người đàn bà tàn nhẫn như thế, Miêu Nhân Phượng nhìn, nản quá, bèn bế con trở về, tha cho cả hai.
Sau đó, trong lần gặp sau cùng, cô nói với anh: Tôi sẽ không như mẹ tôi đâu.
Như thể, cô nhìn thấy và còn nhớ hoài, cảnh tượng lần đầu gặp nhau tại TGB.
Cuộc gặp gỡ giữa cô bé còn nằm trong nôi, với người yêu còn là thằng nhóc tì làm Hai Lúa nhớ đến bài ca dao sau đây.
Sao Vua chín cái nằm kề,
Thương Em từ thuở Mẹ về với Cha.
Sao Cày ba cái nằm ngang,
Thương Em từ thuở Mẹ mang trong lòng.
Sao Vua chín cái nằm chồng,
Thương Em từ thuở Mẹ bồng trên tay.
Sao Cày ba cái nằm xoay,
Thương Em từ thuở Em hay khóc nhè.
Và nhớ luôn cả vẻ mặt của ông bạn thân, và còn là người đưa thư, khi thấy thằng bạn mình mê BHĐ:
-Làm sao mà mày có thể mê nó? Tao đã từng thấy nó ỉa đùn, từ trên đầu cầu thang chảy xuống tới mãi mấy bực bên dưới hồi nhà nó còn ở đường PĐP.