XÁC ƯỚP TRỞ LẠI
 

Từ ngữ- đó là Thượng đế

(Gumilev)

 1

 

Tôi vốn không ưa Rimbaud. Con Tầu Say cao ngạo của chú bé con “xách tai cả thế giới (1) này không quyến rũ tôi, còn cáicách Henry Miller tiên tri “tương lai là của chàng, tất cả, dù bây giờ chưa có tương lai" (2) làm tôi thấy nực cười. Gần một thế kỷ sau Rimbaud, người ta có lẽ đã nhận thấy tuyên bố “trong thế giới tương lai, mẫu Rimbaud sẽ thay thế mẫu Hamlet và mẫu Faust" (3) nói nhẹ ra là hơi vội vàng. Rimbaud không thay thế được ai, ông chỉ góp thêm cho bảo tàng của Madame Tussaud trong văn học  thêm một bức tượng bằng sáp nữa mà thôi. Tôi thích một Baudelaire “tương hợp” hơn, cũng như, đối với tôi, anh chàng Joseph K. gần gũi với thế giới hiện đại mà tôi đang sống hơn bất cứ một Mùa địa ngục nào.
 

Cần khá nhiều thời gian để tôi nhận ra được một điều: Rimbaud không có lỗi, thơ của ông càng không có lỗi, và cái danh “tiên tri thấu thị” của ông không hoàn toàn “vô thực” như tôi đã lầm tưởng. Ông đã tiên cảm, sớm hơn rất nhiều người, nguy cơ tuyệt chủng của ngôn từ văn học, và mơ ước về một sự phục sinh kỳ diệu của ngôn ngữ :

 

“A đen, E trắng, I đỏ, U xanh, O tím

Hỡi các nguyên âm

Một ngày kia ta sẽ nói

điều bí mật khiến các ngươi ra đời

A là chiếc corset nhung ruồi óng ánh

bay vo ve trên những vũng tanh hôi

những vịnh tràn đầy bóng  tối (4)
 

Đám học trò của ông đã hoài hơi đi tìm con chim xanh "điều bí mật của các nguyên âm". Khác với  Gauloise hay Ferma (5). Rimbaud không định đưa ra lời giải nào cho  một bí ẩn của cuộc sống. Các nguyên âm của ông có thể có màu:  đen, trắng , đỏ, xanh hay tím, có thể có âm thanh du dương, cuồng nộ hay chói tai, điều đó đâu có quan trọng. Cái chính, từ các nguyên âm, ngôn ngữ phải được "ra đời"- và bí ẩn nằm trong chính sự chào đời của một từ ngữ mới. 

Nỗi thống khổ tuyệt vọng của Rimbaud chắc không phải nỗi thống khổ của một con người "sinh nhầm thế kỷ", ông hẳn cũng chẳng ham cái áo khoác "nhà tiên tri của phái siêu thực" mà sau này người ta cố choàng lên vai ông. Nỗi thống khổ của Rimbaud là nỗi thống khổ của con người phải sống trong một nghĩa địa của những từ ngữ đã cũ mòn, đã già đi,  hoặc chết ngay từ khi mới chào đời. Ở một người trẻ tuổi, tuyệt vọng về cái chết của ngôn ngữ cũng chính là tuyệt vọng cho cái chết từ từ của tư tưởng. Chính nỗi tuyệt vọng đó mới khiến Rimbaud hăm hở đến thế trong việc tạo sắc màu cho những nguyên âm của mình: ông muốn phục sinh ngôn ngữ!

Một từ  mới ra đời là khúc khải hoàn của cuộc sống, là chiến thắng của "xanh đỏ trắng tím" trước màu sắc nhợt nhạt của chữ cái. Một từ ngữ mới  sống động và đáng yêu như chú bé còn nằm nôi, má phúng phính thơm mùi sữa. Nhưng chỉ vừa mới chào đời, đã có trăm ngàn bàn tay thô bạo túm lấy chú, làm bầm dập chú vì những cú vuốt ve, nựng nịu, trút lên má chú cả triệu cái hôn làm biến sạch mùi sữa thơm ngon lành của chú, để đến khi họ buông chú ra, hoàng tử nhỏ của chúng ta đã trở thành một ông già nhăn nhúm, nhàu nát bẩn thỉu, nằm vô hồn đợi chết.

Làm thế nào để hồi sinh cho ngôn ngữ ? 

-2-

Trong tình trạng nhập nhằng của văn học Việt nam hiện nay, có hai “phép thắng lợi tinh thần” rất hay được các nhà văn nhà thơ của chúng ta sử dụng. Đầu tiên là: “tác phẩm của tôi không in được ở Việt nam”! Phép thắng lợi tinh thần này lập lờ "đánh lận con đen" giữa một thực tế có nhiều tác phẩm có giá trị, nhưng do những lý do ngoài văn học, không được các nhà xuất bản ở Việt nam chấp nhận ấn hành, với một thực tế thứ hai: nhiều tác phẩm không được in chỉ đơn thuần vì không hay. Phép thắng lợi tinh thần thứ hai, hiệu nghiệm hơn nhiều, đó là “các anh không hiểu nổi tác phẩm của tôi”-Phép này còn có một dị bản nữa: “tác phẩm của tôi thuộc về tương lai”, nên những độc giả bình thường không có đủ nhãn lực để nhận diện ra những chân giá trị tiềm tàng trong những tác phẩm có lẽ sẽ trở thành bất hủ đó. 

Hai phép thắng lợi tinh thần này lợi hại ở chỗ: thứ nhất, nó bịt tai bịt mắt nhà thơ trước những lời chỉ trích -( “ồ, họ chẳng phải tri âm của ta!”),  thứ hai, bằng thái độ cao ngạo vô lý,  nó loại  trừ bất cứ một toan tính phê phán nào ("thế giới chỉ có hai loại người, người khen thơ ta và những đồ còn lại"). Đằng nào hạng người trần mắt thịt thời hiện tại như chúng ta cũng chẳng có cơ hội sống đến lúc nghe được ông quan toà có tên là Tương lai ấy  phân xử ra sao, cho nên chúng ta đành khép nép khuất thân với số phận của lớp độc giả hạng hai, không bén được những ý tưởng cao siêu của các nhà thơ nọ.

Nhưng quả thực, đôi lúc chúng ta cứ phải băn khoăn, có đúng những ý tưởng của họ đã vượt thoát thời đại hay không?

Người đọc không khỏi có những ý nghĩ trên khi đọc bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí Việt của Nguyễn Quốc Chánh, nhà thơ được một số độc giả và nhà phê bình văn học coi là "có ý hướng cách tân mãnh liệt nhất" (6)   trong thơ ca hiện đại Việt nam. Có một "ý hướng cách tân" là rất đáng quí, nhưng liệu Nguyễn Quốc Chánh có thực hiện được những  cách tân đó trong thơ ca của mình hay không? 

 Trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tạp chí Việt (7)  số tháng 8/2001, nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh khẳng định "thi pháp thơ siêu thực, mặc nhiên biến thành hơi thở, máu thịt, và làm nên phần chính yếu trong ý thức nghệ thuật của tôi". Thơ siêu thực, như vậy, đối với Nguyễn Quốc Chánh, chính là đường hướng cách tân cần thiết cho thơ ca của anh. 

Chủ nghĩa siêu thực (surrealism) ra đời cách thời chúng ta đã gần tám mươi năm- nếu tính thời điểm của Bản tuyên ngôn siêu thực đầu tiên do Louis Aragon, Paul Eluard, Benjamin Peret, Pierre Unik và Andre Breton ký năm 1924- và gắn liền với những thành tựu vĩ đại trong khoa học cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Thuyết tương đối của Einstein và phân tâm học của Sigmund Freud đã gạt bỏ khái niệm thời gian tuyệt đối, tính đồng thời tuyệt đối và không gian tuyệt đối, cung cấp những khái niệm về cái vô thức, về những hiện tượng tâm linh trốn thoát ra ngoài ý thức trong giấc mơ...vv. Các nhà thơ siêu thực đã cố gắng "mở cánh cửa cho những giấc mơ" để đi tìm "con người toàn nguyên" trong thơ ca. Vào thời đó, những từ mới như "vô thức", "tiềm thức", "ký ức" hẳn vẫn còn căng đầy sức sống. Cho dù chủ nghĩa siêu thực có đến muộn, thì vào những năm cuối sáu mươi đầu bẩy mươi tại miền Nam, những từ ngữ này vẫn được coi là đại diện của cái mới, với những bài viết giới thiệu đầy cảm tính của Phạm Công Thiện, Nguyễn Hữu Hiệu hay Huỳnh Phan Anh. Lớp thanh niên hồi đó đã khám phá lại, cùng một lúc với chủ nghĩa hiện sinh và tiểu thuyết mới, chủ nghĩa siêu thực của đầu thế kỷ. 

Nhưng ngày đó đã qua đi từ ba chục năm trước, và trong khi tư tưởng của chủ nghĩa siêu thực sẽ còn ảnh hưởng nhiều tới sự phát triển của văn hóa loài người, thì cái hành ngôn (discourse) siêu thực và hiện sinh của ba mươi năm trước đã chết già, hay chính xác hơn, chỉ còn ngắc ngoải dưỡng lão trong những tiệm sách cũ ở đường Nguyễn Thị Nhu hay Cách Mạng Tháng Tám. Từ ngữ trong tập thơ Khí hậu đồ vật của Nguyễn Quốc Chánh, sau ba thập kỷ, cũng không trẻ trung hơn chúng chút nào. Độ dày đặc của chúng trong các bài thơ làm tôi phải phân ra thành những "...thể" ("cá thể, "chủ thể","nguyên thể","thực thể", "sinh thể"), những " trầm..." ("trầm luân","trầm khởi"), những "mê" ("cơn mê","mê hoan", "hoang tưởng"), những "bản..." ("bản năng","bản ngã"), rồi còn vô số những "xác lập", "chứng nghiệm",  "nhân gian", "thi tính", "ác tính", "phân cực", "thích nghi", "khả phân", "thanh khí", "hỏa ngục", "sinh linh", "cảm thức"...Những từ Hán Việt hai âm tiết nặng nề, cũ kỹ đó hội họp nhau lại như những ông đồ già, khăn xếp quần chùng, ủ dột tế lễ. Dường như Nguyễn Quốc Chánh chăm lo cho việc tuyên ngôn tư tưởng mờ mịt của mình hơn là làm thơ, cho nên anh mới có những câu tuy hoa mỹ nhưng lại rất nhàm như: 

"Thi sĩ là tên tông đồ luôn xưng tụng về giấc mơ tự do

Vì là tông đồ, nên hắn phải trầm luân để đồng loại ý thức về giấc mơ mà hắn lưu giữ" (8) 

Một trong những khát vọng của tinh thần siêu thực là xây dựng một nền nghệ thuật không có gì chung với tất cả những nền nghệ thuật đã có trước nó, và không ngừng phủ định mình, phủ định bất cứ cái gì đã được sáng tạo. Từ Rimbaud, Apollinaire đến Andre Breton, các nhà thơ siêu thực luôn luôn có nhu cầu sáng tạo ra những hình thức mới, làm mới ngôn ngữ bằng cách cung cấp cho từ ngữ cũ những ngữ nghĩa hoàn toàn khác, hoặc bằng những so sánh táo bạo những từ ngữ đơn giản  (9). Những tư tưởng triết học và khoa học hiện đại bao giờ cũng gắn liền một ngôn ngữ hiện đại. Nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh đã không tiếp nối được những khám phá của thập kỷ bảy mươi, không đổi mới được câu chữ, không mang những ngữ nghĩa mới cho từ, và nhất là không có được những ý tưởng thực sự mới, thực sự phủ định hành ngôn siêu thực đã có từ ba mươi năm trước,  nên “ý thức cách tân” bằng thơ siêu thực chỉ tạo nên một ảo tưởng siêu thực (surrealism fallacy) mà thôi. 

Ý hướng cách tân có thể là nguyên nhân khiến Nguyễn Quốc Chánh cố gắng "làm khác" các cấu trúc câu của anh. Nhưng không thể làm khác những câu thơ Việt bằng cách "Hán hóa" từ ngữ và "Tây hóa" cấu trúc của câu,  thay thế những cách diễn đạt đơn giản bằng cách diễn đạt rối rắm của câu bị động trong ngôn ngữ nước ngoài, như câu "Những câu thoại được bảo kê bởi tiếng nổ gắt những cú đấm cao thủ" (10) của anh. Những từ hai âm tiết Hán Việt khiến ta hay có ảo tưởng về độ sâu của từ ngữ và độ sâu của tư tưởng, còn một cấu trúc câu rối rắm như vậy chỉ chứng tỏ bạn có một tư duy thiếu rành mạch và sáng sủa về những điều mình đang nói, do đó, ngôn ngữ của bạn sẽ giảm tính thuyết phục.  (11)

Ngôn ngữ của nhà thơ, Nguyễn Quốc Chánh có thể phản bác, tập trung vào “va chạm và biểu tượng” (12) nên có thể  "rành mạch và sáng sủa" không quá quan trọng đối với thơ ca. Nhưng cái bí ẩn hoặc mơ hồ của ngôn ngữ, của các hình tượng, ít nhất cũng phải đủ sức kết nối với nhau trong một hệ thống, khi "các mùi hương, các sắc màu, các âm thanh đối đáp nhau” (13). Nhận xét về thơ Nguyễn Quốc Chánh, một độc giả trên tạp chí Việt thừa nhận " cái rhythm bên trong của NQC có vẻ như không có, hoặc không nhất quán, hoặc như trật, ít khi thực sự thuyết phục. Nói theo kiểu cũ là cái khí chưa tụ, cho nên chất có nhiều mà trọng lượng dường như chưa được bao nhiêu" (14).  Đọc Nguyễn Quốc Chánh rất mệt, không phải mệt vì phải suy ngẫm những ý tứ sâu xa gì của nó, mà mêït vì cái chất đều đều, đơn điệu (monotone) của thơ anh. Monotone trong từ ngữ, đã đành, còn monotone ở các biểu tượng, ở cái cách anh "nhân cách hóa" tất cả những gì có thể nhân cách hóa được, nào những "biển mệt nhoài"; "mặt trời chồm qua", "chiều nén vết bỏng", "ngày rạng nuốt dần em", "đêm ngoác răng lạnh mồm", "những ô cửa nhìn ngây những tầng nhà ngái ngủ". Những hình ảnh đứng riêng có thể là hay, là lạ, nhưng vì quá nhiều trong một tập thơ, chúng gây chứng bội thực cho người đọc và làm chúng ta nghi ngờ cái "ý hướng cách tân mãnh liệt " của anh chỉ chỉ là sống áo màu mè bề ngoài. Những hình tượng kỳ quặc trong thơ Nguyễn Quốc Chánh không "tạo thành những tiếng vọng dài...trộn lẫn vào nhau"-nói như Beaudelaire-không liên kết với nhau, không "tụ" được thành những bài thơ, mà chỉ là "những ý rời" (15). Và tư duy vụn vặt của "những ý rời", thiếu những ý tưởng lớn khiến cho Nguyễn Quốc Chánh hay làm những bài thơ thật...loanh quanh. Anh viết : 

"Chân không đèn đường không đèn bóng thì đen

Chân không đèn đường có đèn thì đen bóng

Dưới hai đèn thì hai bóng bóng nào cũng đen" (16). 

hay 

"Sáng đi về hướng mặt trời bóng ngã sau lưng và nắng xuyên qua ngực

Trưa đi về hướng mặt trời bóng đổ quanh chân và nắng xoay vần tóc 

Chiều đi về hướng mặt trời bóng ngã sau lưng và nắng vẫn xuyên qua ngực" (17).
 

Tập thơ Khí hậu đồ vật, theo tôi, là chưa thành công trong "ý hướng cách tân" của nó. Những con chữ, những biểu tượng  trong tập thơ của Nguyễn Quốc Chánh là những con chữ đã chết, những biểu tượng đã dùng mòn. Vì thế, một thầy phù thuỷ cao tay ấn có thể dùng bùa chú khiến chúng nhỏm dậy, đi thành hàng ngũ, nhưng đội ngũ đó vẫn là đội ngũ của một đám xác ướp "dậy non". Ngay cả khi có những hình tượng hay, thì những cố gắng của Nguyễn Quốc Chánh vẫn là những cố gắng "tô lại" nét vẽ của những người đi trước, hay nói như Milan Kundera, thiếu đi "sự tiếp nối của những khám phá", tập thơ của Nguyễn Quốc Chánh sẽ  rất dễ bị "rơi ra ngoài lịch sử phát triển của thơ ca". 

(1)Chữ của Henry Miller trong Thời của những kẻ giết người-Nguyễn Hữu Hiệu dịch-Hồng Hà ấn hành-Sài gòn 1971. 

(2) Sdd 

(3) sdd 

(4) A noir, E blanc, I rouge, U vert, O bleu : voyelles,

Je dirai quelque jour vos naissances latentes :

A, noir corset velu des mouches eclatantes

Qui bombinennt autour des puanteurs cruelles,

                                            (Voyelles-Rimbaud-Hoàng Hạc dịch)

(5) Một người do "thiếu thời gian", một người do "thiếu giấy" mà khiến bao nhà toán học vất vả hàng trăm năm sau để tìm cách chứng minh những phương trình của họ. 

(6) Xem tạp chí Việt số tháng 8/2001- Đinh Linh phỏng vấn Nguyễn Quốc Chánh 

(7)Bài phỏng vấn nhà thơ Nguyễn Quốc Chánh của Đinh Linh đăng trên tạp chí Việt số tháng 8/2001 là một bài phỏng vấn đọc hết sức... vui! Cái hài hước thứ nhất là những phát biểu ngộ nghĩnh của Nguyễn Quốc Chánh về thơ của anh "trong thơ, tôi luôn chọn điểm dương để rơi, thậm chí cực dương, nên thơ tôi không thể tụ và lắng, chỉ có tán và động, không thể truyền cảm và âm vang, chỉ có va chạm và biểu tượng. Vì tụ và lắng là âm, còn tán và động là dương, truyền cảm và âm vang là âm, va chạm và biểu tượng là dương, mơ hồ là âm, cụ thể là dương…Cái hài hước thứ hai là chính người "nhận ra tính hiếu chiến gần như bản năng, tiềm ẩn trong phần đông con người Việt Nam, và điều đó làm tôi hoảng sợ hơn những cuộc đọ súng tưởng tượng với Pôn-Pốt" lại viết "đọc cuốn sách hay thì có cái thú của một người bị đánh văng khỏi khán đài" (đáng ra phải dùng chữ chính xác là võ đài) và “viết là cầm súng lục bắn bừa vào đám đông”- thì đúng là bản năng hiếu chiến của người Việt dù có giấu kỹ đi thế nào cũng sẽ lộ ra ngay. 

(8) Khí hậu đồ vật-NXB Trẻ-1997-tr.6 

(9) Hãy lấy ví dụ bằng bài L'Union libre của A.Breton mà Nguyễn Quốc Chánh tâm đắc: Vợ tôi có đôi vai bằng rượu sâm banh/Và bằng máy nước có đầu cá heo đuôi dưới băng giá/...vv. Cái mới ở đây là cách so sánh, còn từ ngữ của ông dùng là những từ rất giản dị và sống động của cuộc sống. 

(10) Khí hậu đồ vật-NXB Trẻ-1997-tr.43 

(11) Trong mười lăm năm đi học ngoại ngữ của mình, không có cuốn sách nào cho tôi những lời khuyên quí báu hơn cuốn Giản dị hóa tiếng Anh của bạn (Simplify your English). Cuốn sách này phê phán thói hoa hòe hoa sói của những người mới đi học, cố tình viết tiếng Anh một cách rắc rối và rất hay dùng câu bị động- vì tưởng rằng điều này mới chứng tỏ khả năng ngoại ngữ của mình. Trong khi có thể nói đơn giản: "tôi đang đọc cuốn sách này", thì họ lại nói: "cuốn sách này đang được nghiền ngẫm bởi tôi". Lẽ ra chỉ cần nói: "tôi được biết..." thì họ lại nói "có những thông tin lôi cuốn sự chú ý của tôi rằng..."...vv và vv. 

(12) Chữ của Nguyễn Quốc Chánh trong  bài trả lời phỏng vấn trên tạp chí Việt-8/2001

 (13) Chữ trong Tương hợp của Beaudelaire

 (14) Tạp chí Việt số 8/2001-

 (15) Chữ của Nguyễn Quốc Chánh

 (16) Khí hậu đồ vật-NXB Trẻ-1997-tr.15. Theo đúng cách lý luận "con kiến mà leo cành đa" này, Tản Đà cũng đã nổi tiếng với bài luận lòng vòng và ngô nghê bậc nhất của ông " đồ ăn ngon, không có rượu ngon, không ngon/đồ ăn ngon, có rượu ngon, không có bạn thân ăn, không ngon..."

 (17) Khí hậu đồ vật-NXB Trẻ-1997-tr.21