*

Tạp Ghi



















  Dòng sông trong tất cả những tình trạng của nó

 Của nước và gió

 

 
Tôi từ giã căn nhà cũ đúng mùa nước rong. Chị tôi nói, may, nếu còn ở lại lội nước mệt xỉu. Con sông sau nhà bắt đầu đầy khi gió chướng gió Nam hui hút giành ngọn. Sóng vỗ ì oạp vào sàn nhà mỗi khi có chiếc tàu nhỏ chạy qua. Một bữa ngồi viết ba cái lăng nhăng, thòng chân xuống định đứng lên vặn vẹo người cho đỡ mỏi thì chủm, chân dầm trong nước. Sông đã lặng lẽ dời bờ vô hơn nửa… nhà. Mắc cười, tôi nhắn tin cho người bạn ở xa, “nước sông dâng tới chỗ tui ngồi viết”. Không hiểu sao tôi nghĩ tin nhắn của mình sẽ làm anh bạn chạy tới tủ sách lôi những cuốn của nhà văn Đoàn Giỏi, Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng… ra đọc lại, cho đỡ thèm, đỡ nhớ phương Nam.

Tôi không nhớ trong những cuốn sách đó có bao nhiêu trang, bao nhiêu câu chuyện liên quan đến con nước rong. Dường như là không có câu văn nào về dòng sông sau nhà tôi. Chảy qua thành phố với cái tên xa lạ, dòng sông nhỏ bị che khuất bởi những dãy nhà ken dày hai bên bờ, và cứ vậy, nó chảy thầm suốt một mùa mưa. Người ta sống trên nó, rửa chân và vất rác lên nó nhưng quên lãng nó. Và một buổi sáng mở cửa sau, sông bỗng tràn đầy trong mắt.

Sự trở lại lẫm liệt và rực rở tới mức người ta phải kêu lên, trời đất ơi, nước rong. Nước tràn trên những con đường trong thành phố. Tôi lâu không ngước nhìn trăng bỗng gặp trăng sóng sánh dưới chân mình. Chị tôi kê tủ giày, thùng gạo, mấy vật dụng bằng sắt lên cao, sóng đánh vói theo. Hết rằm, con nước tự bò ra khỏi nhà, nhưng vẫn đầy lấp ló. Tôi quét nhà, trong mấy hốc kẹt còn sót lại nhiều rác rưởi, cùng những trái mắm, trái đước lên mầm. Tôi thả chúng vào sông, hơi lo, với mớ rễ đã khô se, chúng có đủ sức sống để mọc lên ở một bãi bùn xa xôi nào. Và trên những con sông gần biển, lũ cá dứa chắc không còn nhiều nữa, nên những trái mắm mới trôi dạt đến nơi này.

Hơn hai phần ba số lượng những con sông của Cà Mau không có lục bình. Chúng chỉ mang những trái mắm, hay đước, vẹt, bẹ dừa nước, lưỡi mèo phèn… trong lòng nước ngầu đục phù sa của mình. Những lúc thôi nhìn chữ nghĩa, ra ngó sông, thấy trái dừa chuột khoét lừng lửng trôi ngang qua, tôi vui như gặp bạn cũ. Nước càng đầy thì cuộc trôi giạt càng đông đúc, là những trái mắm như trái tim sắp vỡ ra từng lớp, là cái bắp chuối đỏ, là những bông tra vàng, trái quao cong... Cái đầu mơ mộng của tôi nghĩ tụi nó đang nói với nhau, nước rong tính ra chợ sống, nhưng kiếm không ra cục sình cắm rễ, thôi về. Chúng không dừng lại. Cuộc diễu hành của sự sống đồng bãi như vô tận, như không bao giờ chấm dứt.

Và không có gì ngăn chặn được những cuộc trôi đi khi mà gió chướng càng thổi sâu vào mùa, nước càng đầy. Sông vào những ngôi nhà ven sông đòi lại đôi bờ đã bị con người xâm chiếm. Rác của con người vất xuống, sông thản nhiên trả lại cho người. Nhưng trong sông vẫn còn sự tử tế, thay vì dâng lên nhà người cái dòng chảy ô nhiễm đen ngòm, sông liếm láp đôi chân tôi bằng thứ nước lợn cợn phù sa.

Nhưng vào cái mùa sông đẹp nhất, tôi chuyển nhà đi. Giờ thì mở cửa sau không còn mênh mông nước, dù tối ra đường vẫn xẻ trăng dưới bánh xe lăn. Tôi nhìn gió. Gió trong suốt vô hình. Nhưng có thể nhìn thấy chúng trên bãi lau sậy bát ngát sau nhà. Sậy đang mùa bạc đầu, tôi vẫn thường cầm trái ổi ngồi nhai chèm chẹp trong khi bông sậy già bị gió thổi bay lả tả chung quanh. Bông sậy li ti, phải nhìn qua tia nắng xiên mới thấy chúng bồng bềnh, nhẹ nhỏm, chênh chao giữa không trung. Ngồi nhìn cái chậu rửa chén váng bông sậy trên mặt, thấy bình an đến nỗi không dám nhúng tay vào.

Chỗ bãi sậy người ta định xây trường mẫu giáo. Nhưng trẻ con chưa thấy đã hoa cỏ mọc đầy. Gió chướng được một chỗ chạy chơi, với tất cả sự hoang dã và mơ mộng của mình. Ở đâu đó, các con sông đang trình diễn cuộc nổi trôi thì gió cũng trình diễn cơn phiêu bạt. Mang trong mình sự cám dỗ mang mùi đất, gió thổi làm bông sậy lay lắt, bông tràm chút bay chút đậu, và những hạt cỏ đã khô se trên ngọn cũng lăn đi. Không biết chúng sẽ theo gió tới tận đâu, tôi bỏ chữ một bên ra nhìn, và lại hỏi thầm.

Nhưng để được trọn vẹn lời đáp những hoa cỏ đã đậu lại ở đâu, đã chết khô hay nảy mầm sống mãnh liệt, chỉ có gió chướng mới biết. Tôi chỉ có một phần của câu trả lời khi mưa xuống trên bãi cỏ hoang. Lau sậy đã loang ra xa. Có vài cây lứt mọc sát bìa rào, và một bữa nào tôi đi công tác về, chợt nhìn giữa xanh cỏ dại là tím biếc của hoa mua.

Nhìn hoa, bỗng nhớ lại mùa trôi giạt trên dòng sông cũ. Những trái mắm héo queo ở góc nhà khi về với đồng bãi, biết đâu đã sống đàng hoàng, xanh lá.

Tôi lại nhắn tin cho người bạn xa mấy câu thơ của nhà thơ Đinh Trầm Ca “Bèo bữa trước vì sông mà trôi giạt. Chợ chở hoa về rợp bóng quê nhà. Thì sá gì cuộc nổi trôi ta”. Bạn nói, bao giờ gió chướng thì cho hay, bạn về.

Thì đây, bây giờ đây. Mùa của cuộc rong chơi. Mùa đi.

Nguyễn Ngọc Tư 

Nguồn

*

sông liếm láp đôi chân
khi mà gió chướng càng thổi sâu vào mùa, nước càng đầy
thấy bình an đến nỗi không dám nhúng tay vào.
Đinh Trầm Ca....

Ở đâu đó, các con sông đang trình diễn cuộc nổi trôi thì gió cũng trình diễn cơn phiêu bạt.

*
GNV
lại nhớ tới... Faulkner, và bài viết "Những cuộc đời của Faulkner", của Pierre Assouline, trong đó, ông nhắc tới một câu của Nabokov: Tiểu sử nhà văn là lịch sử văn phong của người đó.

Ở đây, phải đẩy câu phán của Nabokov đến tận cực điểm, và chúng ta thấy, thay vì một văn phong, thì là một "dòng sông, trong tất cả những trạng thái của nó", "mượn" cái tít một bài viết, trong cùng số báo Le Magazine Littéraire, số đặc biệt về Sex, Tháng Chạp 2007, có bài của Pierre Assouline về Faulkner, đã dẫn.

La pluie dans tous ses états

Martin Page, khách mời trong tháng của tờ báo, điểm cuốnTừ điển mưa, của Patrick Boman.

*

Dòng sông trong tất cả những tình trạng của nó 

Thì Gấu này chẳng đã từng lèm bèm, văn phong, cách kể chuyện, của Nguyễn Ngọc Tư, là cách chuyển động của những sông rạch của một miền đất.

*

Nhân đọc, một số bài viết, của toàn mấy tay sừng sở trên chốn giang hồ, trên một diễn đàn, [ta là Gấu ư?], về NNT, Gấu mới ngộ ra một điều, là, ngay trong cái giới sùng kính bà, không kể mấy anh bỏ chạy, vẫn có những ông Hai Trầu!

Hóa ra cái sự khen chê ở trên đời, đều là hỏng cả! 

Rõ ràng, thì là, cái ông phán thật hách - "Nguyễn Ngọc Tư sẽ mãi mãi là một 'nhà văn học trò' đã có một cuốn truyện 'best seller' nho nhỏ" - đã từng viết văn, có thể, khi 'chưa có' Nguyễn Ngọc Tư, và, viết văn, làm thơ, dịch văn, dịch thơ, có thể, trước cả Gấu, vậy mà cho tới lúc này, chưa từng có được 'một' câu văn, câu thơ, ra hồn! Đừng nghĩ Gấu cáu, phán sảng!

Y hệt ông số 2 - xin xem bài Tự Kiểm - Gấu đã tưởng mình may mắn, đi chót đời, không phải nhắc đến tên ông, đâu ngờ, vẫn không thoát! 

Mô phỏng ông, Gấu này cũng xin chờ, ở ông ta, một câu văn, một câu thơ, 'giản dị', thí dụ như câu này:

Tôi lâu không ngước nhìn trăng bỗng gặp trăng sóng sánh dưới chân mình. 

Gấu thực sự tin rằng, ông này không đọc nổi câu trên, nói chi chuyện viết ra được.

Có khi, ông ta lại nghĩ, đây chỉ là một câu văn biền ngẫu, đối xứng, một thứ câu đối, đẹp, nhưng rỗng tuếch!

*

Nếu nói có "dịch" [như dịch hạch] NNT, thì đó là do mấy kẻ, hoặc đố kỵ, hoặc ngu đần, hoặc quá sùng bái bà, gây nên.

*

Câu văn, tưởng rất đỗi bình thường, như câu trích dẫn trên, cái phần chìm của nó, mới dữ dội làm sao, bởi thế, có văn chương, có nhà văn, khi gặp loài tục tử, bèn giương cặp mắt trắng dã, ra, để mà tạ khách.

Ông nhà văn nhà thơ nhà giáo trên, vốn là bạn quí của bạn quí của Gấu, còn có mấy ông bạn nữa, cũng y hệt nhau, viết lách từ khi còn ở truồng, vậy mà già rồi, vẫn chưa có nổi một câu văn câu thơ cho ra hồn, Gấu, phải đến khi về già, mới giải nổi bài toán hắc búa này, và nhân đó, còn ngộ ra một điều, họ là những kẻ, vừa đẻ ra, là đã bị vong thân trong tiếng Việt rồi. Vừa đẻ ra, là đã muốn chui trở vô, vừa chui vô, vừa nói với bà mụ Trời, cho tớ ra đời bằng một cửa ngôn ngữ khác, thí dụ, cửa Đầm mũi lõ.

Chính nhờ mấy đấng Mít học trường mũi lõ, mà Gấu ngộ ra chân lý: Con người, bất cứ con người nào, khi học thêm một thứ ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ, là để nói thật rành, hiểu thật thấu đáo, tiếng mẹ đẻ!

*
The River Between, by James Ngugi [later Ngugi Wa Thiongo] redoes Heart of Darkness, by inducing life into Conrad's river on the very first page. "The river was called Honia, which meant cure, or bring-back-to-life. Honia river never dried: it seemed to possess a strong will to live... "

Sông Nội viết lại Trái Tim Của Bóng Đen... "Con sông được gọi là Honia, có nghĩa chữa lành, hay mang-đời-sống-trở-lại: nó chỉ muốn sống, không bao giờ khô cạn".

Edward W. Said: Themes of Resistance Culture, Những đề tài về văn hóa kháng cự, trong Văn Hóa và Chủ nghĩa đế quốc. 

* 

Thú thực, thoạt đầu, Gấu không thể hiểu được, tại làm sao cái ông nhà văn nhà thơ nhà giáo có thể phán, NNT là nhà văn học trò, với một cuốn best seller nho nhỏ, nhưng sau, nhớ ra là, ông và các bạn của ông, chưa từng có tác phẩm bán được, dù chỉ một hai cuốn, mơ gì chuyện best seller. Ông và bạn ông, in sách, đều "chỉ để" phổ biến hạn chế, xử lý nội bộ, trong vòng thân hữu, và chính cái sự cay đắng này khiến ông phán sảng.

Gấu nói, phán sảng, ấy là vì, cỡ như ông ta và bạn của ông ta, không thể nào viết nổi, dù chỉ một câu văn Mít, cho có tí hồn.

Còn nhớ lần ông quảng cáo cho một cuốn sách dịch, sắp ra lò, bằng lời phán của bà chủ quán, tại một cái chợ cá, khi ông gửi bản thảo xin bà hạ cố đi cho vài lời.

Bà này mới thẳng thắn làm sao, tuy hơi độc miệng, chắc cũng kiểu nhà văn Oe, dưới đây.

Bà biểu, đếch ngửi được. Không phải văn Mít!

*

Nhất bên trọng, nhất bên khinh. Lần đó, ngoài lời phán của bà chủ sạp chợ cá, còn một, của một ông Mít, chuyên viết văn bằng tiếng Anh. Ông này khen um lên. Có vẻ như ông nhà văn nhà thơ nhà giáo định đi cả hai đường quảng cáo, trên cuốn sách sắp ra lò, ra cái điều sòng phẳng với văn chương, nhưng sau, chắc thấy bên "khinh" [khinh còn có nghĩa là nhẹ], nặng quá, bèn bỏ, chỉ giữ lại lời khen nức nở của ông bạn quí viết văn không phải bằng tiếng Mít.

Ông bạn của ông, [không phải ông viết văn bằng tiếng Anh], bảnh hơn nhiều. Người đầu tiên giới thiệu một nhà thơ bỏ chạy nước Nga, tại Việt Nam. Nhất định chấp nhận làm nhà văn nhà thơ lưu vong. Đi là đi một lèo, nhất định không về.

Nhưng đi đâu?

Ông cho ông nhà thơ lưu vong này đi qua nước Mít, cầm súng AK xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước Mít, diệt đuợc không biết bao nhiêu là Mỹ Ngụy!

*

Ông này, Gấu có quen, những ngày còn Quán Chùa. Quen qua ông bạn quí HPA. Đã có thời, Gấu cứ nghĩ, ông coi Gấu là bạn của ông ta.

Đã có thời, theo nghĩa, suốt cả một thời. Thời chinh chiến.

Chỉ đến khi ra hải ngoại, về già, Gấu mới chưng hửng, ông đếch coi Gấu là bạn, và cùng lúc đó, nhận ra một sự thực lớn lao hơn nhiều: Tất cả những ông bạn quí của Gấu, cũng chẳng coi Gấu là bạn. Bạn thường, chứ không phải bạn quí!

*

Ui chao, đang một mình chống lại giang hồ, may thay, có "ông bạn nhà văn VC", Nguyên Ngọc, phụ một tay, trong cái việc thanh minh thanh nga cho nhà văn học trò NNT!

 

 
Tôi đã có lần nói rồi, và lần này xin nói lại, và trước khi nói tất nhiên phải xin lỗi tất cả những người cầm bút: Để mà tính chuyện đi ra thế giới, tức là cái mà người ta gọi là mở rộng không gian văn học, và như thế cũng tức là không gian đất nước, ra với thế giới, với bàng dân thiên hạ, tức là cái sự bây giờ được gọi một cách nghiêm trang và hơi lo sợ là “hội nhập”, mà không phải sợ bất cứ ai hết, thì theo tôi trong văn học hiện đại ta có thể có mấy cái: Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một, một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là hai, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là ba, và nay là Cánh đồng bất tận. Tôi nói thế này mà không sợ quá đáng đâu: Với Cánh đồng bất tận, văn chương ta bước vào toàn cầu hoá hôm nay một cách đàng hoàng, cùng và ngang bằng với những giá trị nghệ thuật và nhân văn của toàn cầu, chẳng phải nể ai hết. Nó đưa văn chương, và như thế cũng là con người của ta, ra toàn cầu, để cho toàn cầu biết rằng ta cũng là con người chẳng hề thua gì họ.

*

Bảnh, bảnh thật!

Đúng là thứ thầy!

Thiên hạ có bốn bồ chữ, ta có đủ bốn, còn sợ gì thằng Tây nào nữa!

*

Thời Cao Bá Quát, có ba bồ, nhờ net, có thêm một bồ. Thời Cao Bá Quát, ông một bồ, bà con của ông, một bồ, còn bồ thứ ba, cho người dưng.

Thời bi giờ, ngoài một bồ Số Đỏ, Vũ Trọng Phụng, còn ba bồ, trong nước xơi cả ba. Hải ngoại trơ mắt ếch ra.

Ngài Vũ Thư Hiên, đã từng hạch, lại có thứ văn chương hải ngoại ư?, là theo nghĩa đó.

Chính vì lý do đó mà Nguyên Ngọc mới phải rào đón, "tất nhiên phải xin lỗi tất cả những người cầm bút."

Khéo quá, khéo quá!

Khoan nói tới Số Đỏ, ba bồ còn lại, và cái thế chia ba thiên hạ của chúng, có tính, hoặc hỗ tương, hoặc nhân quả, hoặc, nếu không cả ba thì cũng ít ra, giữa Tướng Về Hưu và Nỗi Buồn Chiến Tranh. Một cách nào đó, Nỗi Buồn Chiến Tranh và Tướng Về Hưu là hai mặt tiêu cực, của cuộc chiến, chúng đều chửi bố chân lý Đường ra trận mùa này đẹp lắm.

Cánh Đồng Bất Tận là hậu quả tất yếu, biện chứng, của mặt tích cực của cuộc chiến. Thay vì Cái Nhà Việt Nam thì Cánh Đồng Bất Tận!

*

Với Cánh đồng bất tận, văn chương ta bước vào toàn cầu hoá hôm nay một cách đàng hoàng, cùng và ngang bằng với những giá trị nghệ thuật và nhân văn của toàn cầu, chẳng phải nể ai hết. Nó đưa văn chương, và như thế cũng là con người của ta, ra toàn cầu, để cho toàn cầu biết rằng ta cũng là con người chẳng hề thua gì họ.

Nguyên Ngọc.

*

Hình ảnh chúng ta về Dos, "đau cái đau", của sự thái quá, đến biến thành sáo rỗng. Chúng ta nhìn Dos như là một nhà tâm lý học, tâm thần học của những hoàn cảnh cực điểm, một tiểu thuyết gia, với những nhân vật, mà Borges đã từng khôi hài, bị đẩy tới tình trạng sướng quá, hạnh phúc quá, đến đành phải tự tử! 

Nhưng chúng ta còn biết, điều quan trọng này, về Dos: ông là nhà văn quá mẫn cảm về sự hiện hữu của cái ác, và sự phạm tội. Chính vì điểm này mà Ivanov [tác giả cuốn Dostoevsky, Tragédie, Mythe, Religion], đã so sánh ông với Dante: cái giải pháp độc nhất cho nỗi đau khổ của con người, chỉ có thể là: Thượng Đế.

Có một Dos khác, ít người để ý: Một Dos của Nước Nga Thánh [la Sainte Russie]. 

Nguyễn Ngọc Tư là một nhà văn quá mẫn cảm về sự hiện hữu của một cái ác, và sự phạm tội?

Và nếu như thế, câu của Nguyên Ngọc, thiếu: ... để cho toàn cầu biết rằng ta cũng là con người chẳng hề thua họ, về cái độc, cái ác.

*

Văn chương ta có hai đỉnh cao. Một, 1954, với Nhân Văn. Và gần như cùng một lúc, đám Bắc Kỳ Di Cư làm trời ở Sài Gòn, với nhóm Sáng Tạo, và sau đó, với "cái gọi là" nhóm Tiểu Thuyết Mới, tức băng đảng Gấu và các bạn quí của nó!

*

Nhưng, bất ngờ nhất, là sự xuất hiện của Nguyễn Ngọc Tư, đúng vào lúc lịch sử của dân Mít đang từ đỉnh cao lao xuống vực thẳm.

Bất ngờ nhất, không thể nghĩ là sẽ có được, và khi có được, mới thấy cần thiết là biết bao, và chỉ còn biết cám ơn cái gọi là thiên tài của nơi chốn, hay Ông Thần Đất.

*

Nhân nhắc đến Ông Thần Đất, thiên tài của nơi chốn, địa linh nhân kiệt.

Số báo Le Magazine Littéraire mới nhất, về Simone de Beauvoir, trong mục thường xuyên của nó, Sổ Đọc, [Carnet de Lecture], có một bài viết tuyệt vời về nhân vật Kurtz, của Trái Tim Của Bóng Đen, của Conrad, nhân dịp tái xuất bản tuyệt tác này. Ông Từ giữ đền "Sổ Đọc" này, Enrique Vila-Matas, là người Tây Ban Nha, viết bằng tiếng Tây Ban Nha, được dịch qua tiếng Pháp: Kurtz des ténèbres [Kurtz của bóng đen].

*

Vila-Malta viết về Conrad:

Ông gia nhập truyền thống rất xa xưa, theo đó, cái gọi là kỷ luật, sự tu luyện phải đến từ bên trong, bởi vì đây chính là sức mạnh tâm thần bật ra từ thiên tài về nơi chốn của chính bạn, le genius loci, nói một cách khác, từ chính chúng ta.

[Joseph Conrad adhérait à la tradition la plus ancienne, selon laquelle la discipline doit venir de l'intérieur, puisqu'il s'agit d'une force mentale émise par notre propre génie du lieu, le genius loci, autrement dit nous-mêmes. L'homme ne se libère pas en donnant libre cours à ses impulsions et en se montrant changeant et incapable de se contrôler, mais en soumettant la force de sa nature à un projet prédominant, à un code mental d'acier qui sache éliminer sa liberté la plus sauvage et le situer dans le cadre d'une vie disciplinée, en faisant appel aux desseins intérieurs du génie du lieu.]

*

Còn một bài viết nữa, trong cùng số báo, cũng thật tuyệt, của Linda Lê, trong mục thường xuyên của bà, "Trở về với những tác giả cổ điển". "Tẩu khúc của thần chết", Missa sine nomine, nguyên tác tiếng Đức, của Ernst Wiechert. Một bản di chúc tâm linh của một người sống sót trại tù Buchenwald.

 Bài viết cũng khiến Gấu liên tưởng đến Cánh Đồng Bất Tận.

Đối diện với điều không thể nói được, không thể gọi tên, viết về sự phạm tội và cứu chuộc, liệu vẫn còn có nghĩa?

Câu trả lời:

Tiếng nói của tôi được vời tới, và nó kể

[Ma voix a été appelée, et elle raconte].