6

Tết đã qua. Mùa xuân kéo dài với những trận mưa phùn làm bẩn hè phố. Tôi không đặt chân về nhà nữa. Ngọc và tôi ăn tết cùng gia đình Bảo.
Chiều mùng một, tôi lên đón hai chị em Thanh đi chơi. Thanh bầy bàn thờ trên cái xích đông làm giá sách trước bàn học của Minh. Thanh bảo tôi lễ tổ tiên. Tôi chắp hai tay và lòng bâng khuâng. Mùng ba Ngọc trở xuống Hải Phòng. Chúng tôi uống rượu trước khi chia tay. Vợ Bảo đặt cái bánh chưng lên bàn và bảo với Ngọc:
“Anh ăn bánh chưng đi, biết đâu chẳng là miếng cuối cùng trước khi đi.”
“Vâng, biết trước thế nào được.”
Ngoài phố những đứa bé nghèo nàn đang đánh đáo. Chúng tôi không đưa tiễn nhau. Mùng chín tôi trở sang Bắc Ninh. Cái tết đi qua có lẽ quá vui khiến để lại cho thị trấn này vẻ trơ trẽn. Mưa bay ngoài cửa sổ và sự chuyển vận của chiến tranh mỗi lúc một thêm hấp tấp.
Đại vẫn chưa bỏ ra hậu phương. Trước khi về trường tôi có ghé nhà thăm và chúc tết ông Chính. Tình cờ tôi được biết Đại dan díu với Thịnh. Trong suốt mấy tháng tôi không được một dòng chữ nào của bạn bè. Tôi cùng về Hà Nội với Hạnh vài lần. Những ngày ấy tôi dành riêng cho Hạnh. Gần nhau, tôi nhận thấy chiến tranh – hay chỉ cần sự đe dọa của chiến tranh, tổng quát là sự khủng bố tinh thần – đã thổi vào máu Hạnh sự say đắm nhiệt tình trong yêu đương.
Sau mỗi lần như thế, khi lấy lại bình thường, Hạnh ngượng ngùng. Một lần nằm cạnh tôi, Hạnh nắm tay tôi để lên ngực nàng và hỏi:
“Anh có khinh em không?”
Lúc ấy tôi đau đớn tất cả thân thể. Trời chạng vạng với mưa bụi căm căm. Tôi thở dài trả lời:
“Em đừng hỏi và đừng bắt anh trả lời.”
Ở Đáp Cầu người ta phong phanh biết sự đi lại giữa Hạnh và tôi.
Một buổi sáng rét tháng ba tôi lặn lội xuống thăm Long. Tôi được ăn một bát bún riêu bỏng môi vì cay và nóng của chị Mùi và được cho cho biết tin là Hạnh không trở về nữa. Chị Mùi nói:
“Cô ấy ra ngoài đến nửa tháng nay không thấy về.”
Tôi hỏi:
“Chị có tin tức gì không chị?”
“Có lẽ bị giữ lại. Người ta nghi cô ấy…”
Long đi Hà Nội vắng. Vợ Long có mang. Tôi không ở lại ăn cơm, trên đường về tôi nghĩ nhiều đến Hạnh. Nghĩ đến sự đam mê của Hạnh, tôi bồn chồn cả người. Tôi tin rằng chẳng bao giờ còn gặp lại người con gái ấy nữa. Lễ Phục Sinh tôi về thăm Thanh gặp lúc nàng ốm nghỉ nằm nhà. Minh đi học vắng. Thanh gượng dậy tiếp tôi. Tôi khuyên nàng nằm nghỉ và tôi kê ghế ngồi cạnh giường. Sau khi hỏi thăm về sức khỏe của Thanh tôi ngồi im và không biết nói chuyện gì. Tôi nhìn Thanh và mi mắt hơi khép xuống nặng nặng. Nàng thở một cách đắn đo. Tôi đứng dậy để đốt thuốc lá, Thanh bảo:
“Anh cứ tự nhiên, em không sợ khói thuốc lá đâu.”
Tôi ngồi xuống và thở khói nhè nhẹ. Thanh bỗng nói với tôi:
“Anh rót cho em xin cốc nước.”
Tôi sửng sốt vì sự quá đáng của Thanh. Chưa bao giờ Thanh dám làm như thế đối với tôi cả. Mặt tôi hơi sầm xuống. Thanh lại nói tiếp như van lơn:
“Anh cho em xin cốc nước…”
Thanh định nói thêm điều gì lại thôi. Uống xong nước Thanh nói:
“Em có câu chuyện muốn nói với anh.”
Thanh cố ý ngừng lại.  Tôi hót một hơi thuốc lá dài và thở khói um khiến Thanh phải sặc.
Nàng quay mặt đi bảo:
“Anh thổi khói vào mặt em.”
Tôi thở nhẹ và khói tan dần. Mắt Thanh ướt ngấn nước và da mặt nàng hồng lên mệt nhọc. Thanh kéo chăn chấm nước mắt nói rất nhỏ:
“Anh Tâm, anh xem Minh đã có thể lấy chồng được chưa?”
Tôi ngạc nhiên không hiểu.
“Có người hỏi cưới Minh mà em phân vân quá.”
Tôi gõ tàn thuốc đánh nhịp chân, hỏi:
“Minh năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?”
“Mười tám.”
Chúng tôi cùng im lặng, tôi thì nhìn khói thuốc. Tôi lại hỏi:
“Còn cô?”
:Hai mươi ba. Già rồi còn gì.”
Tôi mỉm cười nói:
“Ai bảo cô già?”
Thanh không trả lời và hình như mơ mộng điều gì. Một lát, Thanh hỏi:
“Anh biết người nào hỏi Minh không?”
“Ai?”
“Chu.”
Giọng Thanh cố gắng bình thản và mắt Thanh mọng cộm lên. Tôi nhắc: Chu. Tôi cố gắng nói tự nhiên:
“Cô định sao? Đã hỏi ý kiến Minh chưa?”
“Em bằng lòng.”
Nghỉ hồi lâu, tôi trả lời buông xõng:
“Cũng được.”
Đám cưới Minh giản dị và mau chóng.
Chưa đầy một tháng sau câu chuyện giữa tôi và Thanh, Minh nghỉ học ở nhà. Trầu cau được chia cho vài chỗ quen biết thân.
Theo ý của Chu hai bên nhà trai gái mở chung một tiệc tại khách sạn Phú Gia.
Khách khứa cũng không nhiều. Tôi phụ với Thanh thu xếp công việc vì nàng vẫn chưa được khỏe hẳn. Bữa ăn vào buổi tối gồm chưa đến ba mươi người. Muơi người trong họ hàng thân quyến của Chu, mươi người bạn cùng sở Chu; bên này có mặt cô Nghĩa, ông Chính, Bảo, Nga – cô thợ cả của Thanh – hai ba người bạn của Thanh, mấy cô phù dâu và bạn bè của Minh.
Lâu không gặp tôi, cô Nghĩa nói đùa:
“Bao giờ anh lập gia đình?”
Thanh cũng đứng đấy cười trả lời thay:
“Dì không biết anh ấy lập gia đình rồi hay sao?”
Cô Nghĩa tưởng thật.
Chu đến. Lần thứ nhì tôi gặp lại Chu trong mấy năm về Hà Nội. Chu nói:
“Minh đang ngồi khóc ở nhà.”
Tôi bảo:
“Cô gái nào chẳng vậy.” - Rồi tôi kéo Chu ra ngoài. “Tôi cần nói với anh một lát.”
Nhưng khi ra ngoài, gió hơi lạnh, nhìn sang hồ nước im lặng và thấp thoáng phản phiếu ánh đèn, tôi không biết tôi muốn nói gì với Chu.
Ông Chính tôi bảo:
“Sao anh ít về nhà?”
Tôi cho là ông quá tàn nhẫn khi đặt câu hỏi. Mà có lẽ ông đã qụy lụy chăng?
Tôi ấp úng. Tôi bắt tay Đại hững hờ.
Thanh giới thiệu tôi với Nga. Tôi nói:
“Chúng tôi đã gặp nhau một lần.
Nga cúi đầu nhận. Thanh quên buổi tôi lại đón Thanh ở cửa hàng để lấy cái khăn quàng cho Đại. Đại quàng cái khăn ấy.
Nga hỏi câu mở đầu khiến tôi ngạc nhiên vô cùng:
“Ông viết văn?”
Tôi bị lúng túng và trả lời:
“Thưa cô, không. Tôi chưa bao giờ - ngừng một giây nhỏ - À! Thời trước thì có. Cô nghĩ tuổi trẻ người nào đã chẳng từng viết đôi ba dòng, làm một vài câu thơ. Bây giờ thì tôi chưa hề nghĩ đến.”
Nga nhìn ý tứ:
“Thế mà tôi vẫn đinh ninh ông viết văn.”
Tôi thấy được không khí thân mật và bạo dạn nói:
“Nếu thế có lẽ chính cô viết văn?”
Nga đáp thẳng thắn:
“Vâng tôi bắt đầu.”
Bảo bước vào với tất cả vẻ cũ kỹ ngô nghê thường ngày của anh: bộ quần áo ka-ki kiểu nhà binh. Tôi bảo Nga khi Bảo còn ở đầu phòng:
“Cô có thể nói chuyện văn chương với ông bạn tôi.”
Đại đi về phía chúng tôi. Tôi khó chịu về sự gặp mặt của những người không ưa nhau, Bảo và Đại.
Bữa ăn chưa xong thì Đại kiếu từ ra về dù Thanh cố mời, Thanh tiễn Đại ra ngoài.
Tiệc tan vào khoảng mười giờ đêm. Tôi và Bảo đưa Thanh về nhà. Thanh  giữ Nga về ngủ chung. Chúng tôi qua đường phố hiu quạnh. Mọi vật ấm lạnh se se, cây cối, vỉa hè, mặt nhà. Thanh và Nga đi sát nhau, tôi và Bảo cách xa. Thanh nói:
“Có lẽ anh Đại không bằng lòng điều gì. Em đã xin lỗi anh ấy mãi.”
Tôi muốn kêu lên: Hắn là một thằng hèn. Tôi biết hắn về tình tự với Thịnh. Bảo vẫn trầm ngâm.
Thanh nói, tiếng nói vang trên chòm cây xôn xao:
“Hôm nay không có chị Nga ngủ một mình đến khóc mất” – Không có ai trả lời, chỉ những tiếng bước bâng quơ - “Con gái nào chẳng vậy, phải không anh Tâm?”
Nga lên tiếng:
“Chị đã hứa về ở với tôi cơ mà?”
Tôi tiếp lời:
“Phải đấy, cô ở với cô Nga. Hai người một mình ở với nhau cho vui.”
“Không còn mẹ tôi nữa.”
Tôi rùng mình gần như đứng lại vì lạnh.
Có lẽ lạnh, không phải vì câu nói bâng quơ ấy? Sắp sửa đến ngày giỗ mẹ.
Thanh hát nhỏ, rất nhỏ trong cổ họng, điệu quen thuộc, tôi đã nghe. Trở về mái nhà, xưa.
Bảo bỗng nói với Thanh:
“Từ ngày cô hát trên đài chưa bao giờ tôi được nghe cô cả.”
Thế thì không bao giờ anh được nghe nữa vì tôi đã giải nghệ.”
Nga: giải nghệ?
Thanh: chứ sao!
Tôi đợi đến một ngã tư mới nói:
“Không, cô nên hát.”
Thanh nhại:
“Không, cô nên giải nghệ.”
Từ đấy không ai nói ai một lời.
Thanh cứ hát nhỏ như cho mọi người nghe lần cuối. Hàng phố bé lại trong đêm khuya và lùi xa như tiếng hát.
Khi cánh cửa đã đóng sau lưng Thanh và Nga, tôi còn nghe tiếng hát ấy ở trên tay tôi. Trở về mái nhà.
Xưa.
Còn lại hai người đàn ông đi chân về ngoại ô.