*
Notes


















Đời sống văn nghệ

Thứ ba, 24/03/2009, 08:48

Nhiều tranh luận tại tọa đàm 'Biển và chim bói cá'

Hà Linh

Tham dự buổi thảo luận về cuốn tiểu thuyết mới của nhà văn Bùi Ngọc Tấn do công ty Nhã Nam tổ chức hôm 20/3, hầu hết là bạn văn và những người tâm giao với ông. Nhưng không vì thế mà cuốn sách chỉ được một chiều tán tụng.

Lối kể chuyện truyền thống, cũ, cách cấu trúc truyện lỏng, rậm rạp cố hữu của cây bút tuổi 75 này cũng được đưa ra "bình" và "phê".

Biển và chim bói cá lấy bối cảnh thời bao cấp. Cận hơn là không khí sống, lao động, yêu thương và bon chen quanh một xí nghiệp quốc doanh đánh cá trên biển. Truyện không có nhân vật chính, chỉ phơi ra hàng chục gương mặt của những con chim bói cá ở cả trên biển lẫn trên bờ. Thế giới của những người trực tiếp đánh giậm trên biển đầy nhọc nhằn nhưng lắm tiếng cười; nhộn nhạo nhưng rất cô đơn; khát khao yêu thương nhưng lúc nào cũng thiếu thốn. Thế giới của những kẻ ăn theo trên bờ cũng đông đúc, bon chen với đầy mưu mô và thủ đoạn.

Bùi Ngọc Tấn viết về biển, như là viết lại quãng đời 20 năm làm việc tại Quốc doanh đánh cá Hải Phòng của ông. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét: "Đây là một đề tài khó viết, nhưng đọc vẫn thấy hấp dẫn, bởi nhà văn đã có khoảng thời gian đủ lâu để trải nghiệm, đã có những nguyên mẫu còn hay hơn cả hư cấu". Bản thân nhà văn cũng thừa nhận, ngay từ những ngày còn lênh đênh đánh cá trên biển, ông đã tự nhủ, đây sẽ là một mảnh đất phì nhiêu để ông canh tác. "Tôi nghĩ thế nào cũng phải viết", ông nói và đã viết, trải rộng trên tất cả những gì mắt thấy tai nghe và ghim sâu những trăn trở của bao nhiêu tháng năm chiêm nghiệm.

Với ưu thế của một người dày dạn vốn sống, Bùi Ngọc Tấn rất tinh tế khi thể hiện cái nghèo, các khổ khiến con người ta hèn đi của thời đoạn bấy giờ. Ông không bình luận, chỉ thản nhiên tả những chi tiết rất thực: "Khi thuyền trưởng đem bia và nước ngọt ra mời, anh đã làm ra vẻ rất tự nhiên, cười rất vô tư và khảng khái: Hôm nay bị đầy hơi, chỉ xin thuyền trưởng chén trà thôi. Còn cái này xin phép thuyền trưởng mang về, lúc khác uống. Thực ra có phải bụng dạ làm sao đâu. Mà nó nằm trong kế hoạch của anh. Phải đem được ít nhất một lon bia, một lon nước ngọt về cho mẹ, anh Vận và lũ cháu... Anh mở lon nước ngọt, rót ra cốc. Cả nhà tròn mắt nhìn những bọt nước thẫm màu nảy lên lách tách như mưa trong cốc. Mẹ uống một ngụm. Mẹ bảo ngon rồi đưa cho cả nhà nếm mỗi người một ngụm…".

Nhưng cái vốn sống phong phú, tràn trề ấy, lúc này lúc kia cũng khiến nhà văn rối. Ông tham chi tiết, khiến cuốn tiểu thuyết dày hơn 500 trang có lúc như hỗn độn, như rối rắm và khó đọc, khó nắm bắt. Chính vì thế, nhà văn Châu Diên nhận định, có thể coi "Biển và chim bói cá là cuốn tiểu thuyết tư liệu, kết quả từ cách làm việc của một nhà báo mang tâm hồn của một nhà văn". Ý kiến này của ông kéo theo nhiều phản biện tại buổi tọa đàm, cho rằng: không thể coi Biển và chim bói cá chỉ là cuốn tiểu thuyết tư liệu.

Không khẳng định tư liệu hay hoạt kê, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã dùng hai từ "Sum suê và khúc khích" để miêu tả Biển và chim bói cá, trong đó, "khúc khích" ý chỉ tính hài hước, hóm hỉnh trong trang văn Bùi Ngọc Tấn, còn "sum suê" là những ám ảnh về chi tiết, sự kiện và nhân vật trong truyện. Ông viết: "Có thể nói Bùi Ngọc Tấn là người nắm bắt các chi tiết rất giỏi. Anh là người thợ săn chi tiết tài tình. Anh là người đam mê chi tiết. Sự sinh động hấp dẫn của cuốn sách là ở chỗ ấy".

Khác với Nguyễn Xuân Khánh, nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn lại cho rằng: chi tiết rất quan trọng trong tiểu thuyết. Nhưng đưa quá nhiều chi tiết mà chưa được tổ chức một cách chặt chẽ như Bùi Ngọc Tấn, theo anh không hẳn đã là một thành công. Thanh Sơn cũng nhấn mạnh, sự ngồn ngộn của chi tiết khiến độc giả rất khó đọc, rất mệt để đọc đến những dòng cuối cùng. Trước nhận xét thẳng thắn của Thanh Sơn, nhà văn nói: "Sơn nói đúng nỗi lo lắng của tôi".

Nhà văn ký tặng sách cho Alec (chồng của Đỗ Hoàng Diệu).

Nhìn nhận cuộc sống là cái gì đó "rất chặt chẽ nhưng cũng rất lỏng lẻo", Bùi Ngọc Tấn cũng tổ chức nên một cấu trúc truyện "rất chặt chẽ nhưng cũng rất lỏng lẻo". Đây cũng là yếu tố gây nhiều tranh luận tại buổi tọa đàm. Nhà văn gọi cuốn tiểu thuyết của ông như là một triển lãm sắp đặt. Nơi đó, ông triển lãm những mảnh đời, những tình huống của số phận chứ không đi sâu vào một thân phận cụ thể. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh coi đây là một cách viết mới, phá vỡ lối cốt truyện truyền thống. Trong khi nhà văn, nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến và Nguyễn Thanh Sơn lại khẳng định, lối viết này đã cũ.

Bất luận những khen chê, khi nhận xét về Bùi Ngọc Tấn, dịch giả, nhà thơ Dương Tường nói ngắn gọn: "Bùi Ngọc Tấn là bậc thày kể chuyện. Đặc biệt, ông sở hữu chất hài vốn rất hiếm trong văn chương Việt Nam".

Khi cuốn Chuyện Kể Năm 2000 ra tới hải ngoại, và được khen um lên, văn chương trác tuyệt - mà trác tuyệt thật - hoảng quá, Gấu đi một đường đột xuất, khẩn tốc, tức tốc… báo động, không, không được, và viện dẫn Walter Benjamin, mỗi tài liệu về văn minh là một tài liệu về dã man: Ở dưới cái nền trác tuyệt của Chuyện Kể Năm 2000 là một núi man rợ, “tác phẩm, sản phẩm” - toàn là cứt đái - của chế độ Nhà Tù Vĩ Đại Bắc Kít thải ra!
Có thứ văn chương bất khả đối với những kẻ sống sót. Nếu coi CKN2000 là “trác tuyệt”, thì đám sống sót không thể nào đọc, nói gì, viết nó!
Nhưng Biển và Chim Bói Cá, là một chuyện khác. Tuy chưa đọc, nhưng đọc những lời phán của mấy ông phê bình gia trong nước, thì có vẻ như mấy ông này lại “không đọc được” Biến và Chim, khi chê nó “không trác tuyệt”!
*
Có thứ văn chương bất khả đối với những kẻ sống sót. Tại sao? Chalamov giải thích: Chính cái sự làm cho ngôn ngữ giầu có, trác tuyệt.. làm nghèo đi tính sự kiện, tính chứng thực của câu chuyện kể. Ở trong “Chuyện kể về trại tù Kolyma” của tôi không hẳn là những kỷ niệm tù, tôi không cố kể một câu chuyện kể, un récit, nhưng mà một điều gì đó không phải văn chương. Cũng không phải tản văn có tính tài liệu, une prose documentaire, nhưng mà là một thứ tản văn nẩy sinh từ một nỗi đau, như là một chứng liệu.
Chi tiết là thượng đế trong văn chương. Đúng. Tuy nhiên, chớ lầm lẫn một chi tiết trong văn chương, với một nỗi đau, với một cái tên của một nạn nhân Lò Thiêu, hay Lò Cải Tạo, khi được đọc lên, trong một lời khấn bái, trong một cầu siêu! Trong lễ Xá Tội Vong Nhân.
Steiner viết, trong Từ đáy vực đau, [tạm dịch cái tít De Profundis (1)], về kinh nghiệm trại tù của Solz:
Mỗi một nỗi nhục nhã giáng lên một con người, mỗi một cú tra tấn, thì hết đỗi độc đáo, singular, và vô phương cứu chuộc. Mỗi một lần, một con người đấm đá, bị bỏ đói, bị làm mất phẩm cách, sự tự trọng, thì có một lỗ đen mở ra toang hoác trong cuộc đời của người đó… Solz bị ám ảnh bởi cái tính thiêng liêng của giây phút đặc biệt này. Như đã từng xẩy ra với Dante và Tolstoy, những cái tên riêng, proper names, đổ ra như thác khỏi ngòi viết của ông. Ông biết rằng, nếu chúng ta cầu nguyện cho những người bị tra tấn, chúng ta có bổn phận phải gắn chặt từng cái tên riêng vào trong hồi ức của chúng ta, và đọc lên, hàng triệu tên, trong lời kinh cầu siêu không ngưng nghỉ, we must commit to memory and utter their names, by the million, in an incessant requiem of nomination.
Biển và Chim Bói Cá, như được biết, là cũng được viết trong cái tinh thần khổ ải, của một thời khổ ải của một miền đất. Thành thử những chi tiết ở trong đó, thì đều là những cái tên riêng của rất nhiều từng cá nhân con người, ở một cái hợp tác xã, trong một thời kỳ bao cấp, có thể như vậy chăng?
Chính vì vậy, mà giá trị văn chương của những tác phẩm, của Solz, của Chamalov... đôi khi bị đem ra mổ xẻ. Tác phẩm của Primo Levi, chỉ mới đây được đưa vô nhà trường. Văn của Solz bị chê là nặng nề. Ngay cả Dos, và Tolstoy mà còn bị chê là không có văn phong. Đa số trong họ đều không nghĩ, họ viết văn, họ là văn sĩ.
(1) De Profundis, up from the depths [I have cried to thee, Lord]: Lời cầu nguyện của tín hữu Ky Tô La Mã, trong lễ hạ huyệt người thân. Oscar Wilde dùng làm tít cho một tác phẩm của ông, xb năm 1897, nói về nỗi thống khổ của ông, và những hoàn cảnh đưa đến việc ông bị đi tù.