*
Ghi


















 

Nguyễn Văn Trung vs Gấu Nhà Văn

Đọc hồi ký của Nguyễn Văn Trung, từ một cái "link", trên trang của Trần Hữu Dũng, với một cái note, post lại không có nghĩa là đồng ý với tác giả, cho thấy có cái gì lộm cộm ở đây.
Những hồi ký kiểu như của Nguyễn Văn Trung, đúng ra, chúng phải biến thành tro than, cùng với cuộc phần thư của VC vào năm 1975 rồi.
Đâu có khác gì những hồi ký của mấy ông tướng VNCH.
Gấu chưa từng gây sự, hay cà khịa với ông Nguyễn Văn Trung lần nào.
Nghe một người bạn ở Cali cho biết, ông có lần nhắc tới Gấu, trên tờ Văn Học của Nguyễn Mộng Giác, và phán, Gấu này chẳng biết gì về hiện sinh.
Lần đó, Gấu có hơi ngạc nhiên, vì thú thực, Gấu chưa hề giờ vỗ ngực, xưng tên, hay khoe khoang, rành về hiện sinh.
Gấu có viết về văn chương dấn thân, trên tờ Nghệ Thuật, hồi thập niên 1960, nhưng chưa hề viết về triết học hiện sinh.
Thành thử, Nguyễn Văn Trung, hay sau này Đào Trung Đạo, đã lầm, khi nhè Gấu mà cà khịa, không biết gì về hiện sinh, không phải giới khoa bảng.
Nói rõ hơn, Gấu đọc Sartre, theo cái kiểu một đứa mới lớn, thèm đọc, thèm viết, chứ không phải thèm làm thầy người khác.
Cũng biết một vài chuyện về ông Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa Nguyễn Văn Trung này, nhưng ‘người trong cuộc’ chẳng thèm để ý, mắc mớ gì tới Gấu, mà lôi ra?
Do Nguyễn Văn Trung nhắc tới Phạm Công Thiện, Gấu nhớ tới Hố Thẳm của Tư Tưởng của Phạm Công Thiện, và nhân đọc lại một số trang của Heidegger viết về Tại sao thi sĩ trong thời điêu đứng, nên tính lèm bèm về thơ, về thời điêu đứng, và thi sĩ thời điêu đứng...
*
Đâu có cần đến NVT viết hồi ký, độc giả Miền Nam mới biết đến một PCT ai cũng chửi. Gấu này cũng đã bị mắc hợm ông một lần, khi đọc ông chê Simone Weil, khiến Gấu đâm coi thường Bà, dù chưa từng đọc, chỉ mãi đến khi ra hải ngoại, mới may mắn gặp được, qua Steiner giới thiệu.
Nhưng như vậy mà hay. Giả như gặp trước, chưa chắc đã đọc nổi Bà.
Làm sao có cơ may quen được 'đệ tử' của Bà?
Giữa hai ông NVT và PCT, nếu nói về tài năng, và nếu phải chọn, chắc là Gấu sẽ bỏ phiếu cho PCT. Vì những gì của chính ông, do ông viết ra, chứ không phải đi cóp nhặt của người khác, rồi chửi toáng lên.
Ông Phạm Công Thiện này cũng đã từng phạng Gấu, về cái thói quen, từ tiệm sách Xuân Thu bước ra, mắt dính vào tờ L'Express đang mở rộng, nách kẹp một cuốn Livre de poche, bước vài bước, là tới Quán Chùa, lấy cái trán đẩy cái cửa, rồi tới cái bàn quen thuộc của mình. Đấy là cảnh thường xẩy ra vào buổi chiều, khi tan sở.
*
Những tác phẩm của Sartre lão hoá một cách khủng khiếp. Llosa viết về Sartre.
Chúng ta cũng có thể nói như vậy, về những tác phẩm của NVT, một thứ phó sản, từ Sartre mà ra.
*
They have aged terribly; today we can see that there was little originality in these works. Incommunication, the absurd, had been expressed in Kafka in a more tremulous and disturbing way; the technique of fragmentation came from John Dos Passos, and Malraux had written about political topics with a vitality that one never feels, even in the best story of that sort that Sartre wrote: 'The Childhood of a leader".
Mario Vargas Llosa: The Mandarin
Chúng có tuổi một cách khủng khiếp; ngày này, chúng ta có thể nhìn thấy, chẳng có mấy tí uyên nguyên, đồ zin, đồ xịn nào ở trong những tác phẩm đó. Sự không thể cảm thông, sự phi lý, đã được Kafka diễn tả bảnh hơn nhiều, nhức nhối hơn nhiểu, kỹ thuật viết từng mảnh vụn, thuổng Dos Passos, và Malraux viết về những đề tài chính trị sống động, như thể trước ông chưa từng có người nào viết được như thế, thứ số một của Sartre, thí dụ như truyện ngắn Thời thơ ấu của tay trùm, cũng chỉ đáng xách dép.
Những tác phẩm như thế đem đến cho tuổi mới lớn Mỹ Châu La Tinh cái gì?
Chúng kéo nó ra khỏi mùi vị tỉnh lẻ, cái vẻ mục nát, gỉ sét, khiến nó bất bình với cái mầu mè địa phương...
Gấu nghĩ, NVT, như là một thứ phó sản của Sartre, đã đem đến cho tuổi trẻ Miền Nam cùng một thứ như vậy.
Gấu đọc ông, khi đã đi làm, vì Gấu ra trường sớm, và nhận ngay ra, những tác phẩm của ông, nhất là những bài viết Nhận Định, đều từ Sartre mà ra. Ông giản dị hóa Sartre, theo cái kiểu phóng tác Sartre ra tiếng Việt, để cho đám học sinh, sinh viên không biết tiếng Pháp đọc. Và ông thật sự nổi tiếng trong đám họ.Với một người có thể đọc thẳng nguyên tác, họ sẽ không đọc ông. Gấu không đọc những bài viết có tính chính trị, hay tôn giáo của NVT nên miễn bàn về khoản này. Riêng về mặt văn chương, phê bình văn học, và luôn cả triết học hiện sinh, NVT chỉ lập lại Sartre. Một cách đơn giản hơn, dễ hiểu hơn, gạt bỏ tất cả những gì khó hiểu ở Sartre.
Thành thử, bây giờ, sau bao nhiêu năm, sau một cuộc chiến tàn khốc như thế, mà vẫn nhắc tới những vinh quang dởm hão như vậy, thì thật khó hiểu. Ngay cả những chuyện đụng độ giữa NVT và PCT, cũng chẳng nên nhắc lại. VC đã làm được một việc tốt, là chặn đứng những chuyện đó, bằng cú phần thư, bằng cách đưa đi cải tạo, đi tù... tại sao khi có dịp ra hải ngoại, lại lôi ra? Uổng cả công lao cách mạng!
Viết tới đây, chợt nhớ tới những lời bình loạn của triết gia, giáo sư, khoa trưởng Đại Học Văn Khoa, Nguyễn Văn Trung về mấy ông mấy bà nhà văn VC như Bảo Ninh, Dương Thu Hương, trên trang net Thông Luận.
Thành thực mà nói, ông triết gia giáo sư khoa trưởng không biết cái thú đọc tiểu thuyết, hay nói rộng ra, giả tưởng.
Gấu tin ông này không hề đọc thơ.
Do thiếu, hoặc quá nghèo trí tưởng tượng.
Ngay cả viết bình loạn, điểm sách, biên khảo... cũng không biết viết luôn.
Mấy bài viết của ông ta sao mà nó luộm thuộm quá thể.
Tuy nặng về hồi ký, tha thứ hay không tha thứ, đó là vấn đề, nhưng nghe ra có mùi phân bua, khoe khoang, và nhất là, cái mùi chạy tội.
*
Sau khi Sartre qua đời (1980) tờ Le Monde ở Pháp ra số đặc biệt, trong đó kê khai những tác phẩm của Sartre kể cả kịch, được dịch trình diễn ở Liên Xô các nước Đông Âu làm cho tôi ngạc nhiên, vì ở Miền Nam trước 1975 Sartre cũng không được dịch nhiều như thế.
 Nguyễn Văn Trung [Thông Luận]
*
Thú thực, đọc, chỉ một câu ngắn trên, là thấy ông Trung này bị mát!
Sartre vốn mê Cộng Sản đến tận xương tận tuỷ, làm sao mà được dịch nhiều ở Miền Nam, so với ở Liên Xô và Đông Âu? Trước cuộc chiến Quốc Cộng, nếu đám trí thức Miền Nam, khuynh tả hay không tả, đọc Sartre, thì cũng chỉ như là một tham chiếu, bên lề một cuộc chiến, chứ đâu có phải để bợ đít Cộng Sản. Sartre đã từng tuyên bố, bất cứ một tên chống Cộng đều là một con chó. Làm sao được dịch nhiều?
Quan trọng nhất, theo Gấu, Sartre được đọc, như là một nhà văn dấn thân, bởi gần như tất cả những nhà văn trên thế giới, vào lúc Sartre đang trên đài danh vọng. Grass chẳng đã thú nhận, chọn Camus, thay vì Sartre, qua hình ảnh nhà văn vác đá lên núi, cho lăn xuống, rồi lại vác lên: Phải tưởng tượng hắn ta [Sisyphe] sung sướng!
Llosa chẳng đã coi hai ông ảnh hưởng nhất thời mới lớn của ông là Faulkner và Sartre.
Thanh Tâm Tuyền, qua nhân vật Tâm trong Bếp Lửa, chẳng đã nhắc tới cô bạn Đầm ở Paris, làm thiện nguyện viên đi bán báo Đảng, và mê gặp Sartre để chất vấn?
Heidegger mà còn ghen với Sartre, ông ta đa tài quá, viết văn, kịch, tiểu luận, phê bình, triết... đủ thứ!
*
Nguyễn Văn Trung khoe khoang, sau 1975, được Đảng và nhà nước giao trách nhiệm viết về Sartre, và ông khiêm tốn tự hỏi, sao không tin cậy mấy người khác, sao Đảng lại chọn Nguyễn Văn Trung này... Gấu đọc mà thấy tội nghiệp cho ông quá đi mất.
Nghe mà rửa tai, thì thà rằng đừng nghe, người xưa đã dậy.
Bất cứ một kẻ sĩ của Miền Nam, chưa nói một ông khoa trưởng, không nói những tên nằm vùng, khi VC thắng trận, là, lập tức nghĩ rằng, thời của mình, như là của một kẻ sĩ, đã hết. Chọn nghề khác mà sống.
Hì hục viết cho Đảng, Đảng cho tí tiền, nhưng ném bài vô thùng rác, vậy mà cũng khoe. Quái đản thật!
Quái đản nhất, là, ông ta đã từng nghĩ, vậy là Đảng đã biết đến ta, và đã từng tin, Đảng sẽ cho đăng bài này trên trang nhất Tạp Chí Cộng Sản!
Hay báo Nhân Dân.
Kẹt lắm, thì cũng Đại Đoàn Kết!
Đúng ra, NVT phải biết ơn VC, không đăng, vứt vô thùng rác, bài của ông. Vả chăng, đó là lẽ tất nhiên, làm sao có thể khác. Sau bao nhiêu năm, vào thời điểm này, bài của Trùm VC đã hết thời, Víp Va Ka, mà còn bị thiến nữa là vào thời điểm 1975, [1988, thời kỳ Đổi Mới, do Nguyễn Khắc Viện order], bài của một tên Ngụy.
*
Cuốn sách mỏng manh, non nớt và chưa thành hình này của một người mới lớn lên. Hắn lớn lên trong một thành phố đã mất, thành phố bị vây hãm như một hòn cù lao nổi chờ ngày tan rã không để lại dấu vết. Hắn đọc Marx tìm thấy giấc mộng "biến cải thế giới", đọc Rimbaud tìm thấy giấc mộng "thay đổi cuộc đời", đọc Dostoievski tìm thấy thái độ "tất cả hay không có gì hết", đọc Gide tìm thấy "đời sống thành khẩn trung thực", đọc Malraux tìm thấy hào quang của trí tuệ dối đầu với Định Mệnh, đọc Sartre tìm thấy "cuộc hiện sinh tự do và chọn lựa". Hắn lớn lên cùng bè bạn, vượt qua mau tuổi trẻ để suy nghĩ và mơ ước hành động. Mỗi đứa một lối lăn mình theo mối cám dỗ lớn lao của hư vô (1). Hắn lìa bỏ quê hương, chia tay với bè bạn, dấn mình vào lịch sử, đuổi theo giấc phiêu lưu của trí tuệ: sự thật được tạo nên từ niềm hư vô của tuổi trẻ bị tước đoạt.
TTT:Tựa [Bếp Lửa]
Nguyễn Văn Trung không cho ông, cái quyền chọn lựa như trên. Ông chọn đặc quyền: Đi du học.
Nghe nói chẳng cần có bằng Tú Tài.
Gấu nghe chuyện này, qua một người đã từng là giáo sư Đại Học Văn Khoa. Ông cho biết, đám nhân viên hành chánh của Đại Học, khi làm lương cho NVT, đã than, không có bằng Tú Tài, thì làm sao làm lương đây!
Làm Bưu Điện, Gấu đã từng có những ông Sếp kỹ sư như vậy. Con nhà giầu, chạy đi du học, khi không đậu nổi bằng Tú Tài. Qua Tây, ghi danh học Đại học tư, cũng có bằng kỹ sư, về làm việc cho Bưu Điện.
Chẳng biết một tí gì về kỹ thuật, ngoài mớ lý thuyết xuông.
Nguyễn Văn Trung chắc cũng rứa.
Đừng nghĩ là Gấu bới lông tìm vết, hay gì gì đó. Cái thái độ của bạn, khi đó, là rất quan trọng, như Sartre đã từng nói, một câu để đời, Gấu đọc và lập tức ghim vào bụng:
Vào mỗi thời đại, con người nhận ra mình, khi đối diện tha nhân, tình yêu, và cái chết.
Đây là điều thiệt thòi, và sẽ là một dấu chàm, trên lương tâm, của bất cứ một ai, chọn cho mình... đặc quyền.
Chính vì thế, mà chẳng ai hy vọng gì vào đám VC con, đi du học hải ngoại về, sẽ ngó xuống dân chúng khốn khổ khốn nạn, vì Đảng, và con của Đảng.
*
Nguyễn Văn Trung chê Gấu chẳng biết gì về hiện sinh. Đúng như thế.
Gấu đọc hiện sinh, qua những tác giả như Camus, Sartre, là vì mê sống, mê đọc, và mê viết, chứ không phải mê triết hiện sinh, như những sinh viên mê triết học, học triết... Chính vì thế, khi TTT hỏi Gấu, "cậu" hiểu được cuốn [La Nausée] đó hả, ông muốn biết, liệu Gấu hiểu được những đoạn viết về sự thừa mứa của hiện sinh, về contingency, về pour soi, en soi... Và nếu như thế, Gấu không hiểu thật, vào thời điểm đó.
Gấu ngộ ra La Nausée, khi, chỉ đọc một câu, ở trong đó, ngay ở đoạn mở đầu, đoạn không ngày tháng.
Gấu đã kể về chuyện này rồi. Roquentin trong La Nausée, cũng ngộ ra La Nausée, và Sartre cũng viết ra được La Nausée, là từ câu văn đó. Câu văn chấm dứt đoạn không ngày tháng, mở ra nhật ký của Roquentin (1)
(1)
 Cái tình cảnh xui khiến Gấu "dám" cầm cây viết, và ti toe viết, y chang anh chàng Roquentin, ở ngay đầu cuốn La Nausée, [đoạn khép lại những trang không ghi ngày tháng, và sau đó, Nhật Ký bắt đầu]. Lúc đó là 10.30 tối. Anh chàng đang trong cơn "khủng hoảng hiện sinh", và, thế rồi, ông ta đây rồi, anh chàng nghe tiếng chân ông Rouen bước lên cầu thang, cảm thấy an tâm, và tự hỏi, cớ làm sao mà lại sợ hãi một thế giới đều đặn như thế? Anh chàng cảm thấy khỏi bịnh, và bắt đầu viết La Nausée.
[Le voilà. Eh bien, quand je l'ai entendu monter l'escalier, ca m'a donné un petit coup au coeur, tant c'était rassurant: qu'y-a-t-il à craindre d'un monde si régulier? Je crois que je suis guéri.]
*
    Roquentin, trong Buồn Nôn (La Nausée) của Sartre, tới thư viện thành phố Bouville để tra cứu tài liệu viết một cuốn sách về cuộc đời hầu tước Rollebon. Anh gặp Autodidacte, một nhân vật đọc sách theo vần abc, cuối cùng bị viên quản thủ thư viện "cấm cửa", vì giở trò "ve vuốt" một em nhỏ.
Tôi sẽ chẳng bao giờ đến đây nữa", anh ta nói trong khi máu chẩy dài xuống áo và cổ. Roquentin cũng giã từ thiên đàng. Anh có cảm tưởng đã sống cạn đời mình với giấc mơ nhân bản. Anh cũng quá chán lịch sử, luận đề này nọ và cuối cùng được cứu vớt, nhờ "tiểu thuyết". Anh mơ tưởng sẽ viết một câu chuyện "như nó có thể xẩy ra, đẹp, cứng như thép và sẽ làm mọi người hổ thẹn vì cuộc sống của họ".
*
Đẹp và cứng như thép và sẽ làm mọi người hổ thẹn vì cuộc sống của họ
Nguồn