*
Ghi



















 
Những đại gia của môn phái tiểu thuyết lịch sử.

Alexandre Dumas: Quá khứ như là đam mê và như là phiêu lưu.

Theo phụ trang văn học, báo Thế Giới số 28 tháng Bẩy 2000, trong thiên hạ chỉ có ba…đại sư thuộc môn phái tiểu thuyết lịch sử, theo nghĩa, đã đẩy thể loại này tới mức thượng thừa. Đó là (nhà văn người Scotland) Walter Scott, (nhà văn người Pháp) Alexandre Dumas, còn người thứ ba, thuộc loại ẩn sư, nghĩa là ít được người đời biết tới: một nhà văn người Phần Lan, Mika Waltari (1908-79).  Ba ông chiếm ba bồ chữ: phiêu lưu thuộc Dumas, nghiên cứu (analyse), Scott, và tưởng tượng (imaginaire), Waltari.

 Bài viết (1 tháng Giêng 1971), “Quá khứ như là đam mê và như là phiêu lưu” (Le passé comme passion et comme aventure), của Jacques Goimard, được đăng lại trên số báo đã dẫn, là về Alexandre Dumas. Ông này thì độc giả người Việt quá quen biết, nào là Ba Người Ngự Lâm Pháo Thủ, Hai Mươi Năm Sau, Nữ Hoàng Margo… Giới bình dân còn rành cả ông Dumas con, qua vở tuồng cải lương nổi tiếng, Trà Hoa Nữ.

Vào năm 1842, tại Paris, Walter Scott đang là “thần tượng”, và không thiếu những nhà văn thuộc trường phái lãng mạn muốn thử thời vận “một lần nữa trong đời”, bằng cách “lần ngược lịch sử”, hay nói theo J. Goimard, họ tìm cách “Pháp hóa” thể loại văn chương mà Scott đã sáng chế ra: Vigny với Cinq-Mars; Hugo, Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris); Balzac, Les Chouans; Mérimée, Chronique du règne de Charles IX. Nhưng thể loại (tiểu thuyết) lịch sử cũng khó chơi. Trong cuốn Les Louves de Machecoul, Dumas đưa ra hai chị em song sinh. Một cô, tính tình mơ mộng, ôm mớ tiểu thuyết; một cô, đam mê cuồng nhiệt, ôm mớ sách lịch sử. Làm cách nào “hội nhập” một cách hài hòa, hai khuynh hướng trái ngược trên? Nói bốn ông nhà văn trên không thành công, khi “Pháp hóa” Scott, là hơi quá đáng, nhưng vẫn còn một “kẽ hở”, ở trong bí quyết viết tiểu thuyết lịch sử của Scott: ông “làm phiền” độc giả với những lời mào đầu lòng thòng, trong khi “vấn đề” là: phải “nói về những nhân vật sau khi cho xuất hiện”, thêm nữa, tuy Scott thật đáng nể qua miêu tả những tập tục, trang phục, và tính tình nhân vật, nhưng ông không “quen tay” với cái món: đam mê.

Vả chăng, Lịch sử vốn là một “thiên đàng”, của những ông nhà văn fơi-ơ-tông (viết nhiều kỳ cho nhật báo), mà Dumas là một “chuyên gia”. Lịch sử  dâng hiến chất liệu “làm sẵn, cứ thế mà xài”, đúng thứ ông cần: làm sao viết nhanh, viết khỏe, viết ào ào, nếu không “chôm chĩa”, từ lịch sử, từ những hồi ký, những bình luận thời cuộc? Nó (lịch sử) còn ban cho ông một “thủ đoạn thuận tiện” (alibi commode) khi xử trí những biến động đảo ngược: chúng trở nên có thể chấp nhận được, là bởi vì đã từng xẩy ra trong lịch sử. Và, độc giả tiểu thuyết không cần tin, anh ta cần ngạc nhiên. Sau hết, Lịch sử chính là một khung cảnh “đẹp như mơ”, dễ dàng thoả mãn cơn đói khát của những độc giả ham đọc sách.

 Nhưng tất cả những gì nêu trên, cũng trở thành vô bổ, nếu Dumas, chính ông ta, không phải là một người say mê lịch sử. Phần lớn những “thảm kịch” ông viết ra, đều liên quan tới lịch sử. Nếu những nhà văn thuộc trường phái lãng mạn say mê những giấc mộng lớn, những tổng thể (les sommes), như  Trò Đời (Comédie humaine, Balzac), Lịch sử nước Pháp (Michelet), Truyền Kỳ Những Thế kỷ (Hugo)…, Dumas cũng đã nghĩ tới một Trò Đời của quá khứ, nhưng sau cùng, ông từ bỏ tham vọng này, bởi vì một khi sắp xếp những tác phẩm của mình theo một trật tự, tức là đưa ra một ý hướng đạo đức nào đó cho lịch sử, như vậy là phản lại nhu cầu thoát ra khỏi nó, làm một con người được xóa sổ, như cả một đời cô Kiều đã từng mong ước, và sau bao trầm luân, đã đạt được: Đoạn Trường sổ rút tên ra…

 Lạ một điều, như tác giả Lá Huyết Thư mà tôi chẳng thể nào nhớ nổi tên, Dumas đã từng tiên đoán nhân dân Pháp sẽ làm cách mạng và nắm quyền lực, ngay từ năm 1833, trong tác phẩm Gaule et France.

 Walter Scott: Một lịch sử nhân bản (une histoire humaine)

 -Trí nhớ của tôi chỉ hoạt động một chiều. Tôi chỉ nhớ chuyện này chuyện nọ, một khi nó đã xẩy ra. Alice nói.

 -Thật đáng thương cho thứ trí nhớ chỉ làm việc giật lùi. Hoàng hậu nói.

 -Bà nhớ hay nhất, là về những chuyện gì?

 -Ô, những chuyện (sẽ) xẩy ra vào tuần sau, tiếp theo tuần sắp tới. Hoàng hậu thản nhiên trả lời.

 (Alice ở trong Xứ Huyền Ảo)

  Tác giả Lá Huyết Thư, một cuốn tiểu thuyết lịch sử về thời Trịnh Nguyễn Phân Tranh, đã tiên đoán những chuyện “tình bắc duyên nam” của những năm 1954, hay những cuộc tình sau 1975….

 Alexandre Dumas đã từng tiên đoán, nhân dân Pháp sẽ làm cách mạng.

 Cả hai tác giả trên cho thấy, ngay cả chuyện nhìn lại quá khứ nhiều khi cũng phải dự đoán.

 Nhớ tương lai. Tưởng tượng quá khứ. Cứ như truyện thần tiên!

 Bởi vì, những cuốn tiểu thuyết lớn là những câu chuyện thần tiên lớn (Nabokov). Cũng theo nghĩa đó, nhà văn Pháp, Anatole France, cho rằng: Lịch sử không phải là một khoa học. Nó là một nghệ thuật. Và người ta chỉ thành công ở đó, nhờ tưởng tượng. (L’histoire n’est pas une science, c’est un art. On n’y réussit que par l’imagination).

 Hay như nhà văn Pháp, Guizot:

 -Bạn muốn (viết) Tiểu thuyết?  Hãy đọc Lịch sử!

 Nhưng thế nào là Tiểu thuyết? Thế nào là Lịch sử?

 Hãy đọc Lịch sử. Nhưng Lịch sử nào? Lịch sử của những ông vua, bà chúa, hay của thường dân?

 Theo Georg Lukacs, một triết gia Mác xít nổi tiếng, tiểu thuyết là để diễn tả tính vô gia cư “siêu việt”. Nói nôm na, nó diễn tả thân phận lưu vong của con người, một khi thần thánh đã bỏ đi. Trong lịch sử văn chương Âu châu, nó là thể dạng thứ ba sau hùng ca (epic), và bi kịch (drama, tragédie). Nó cưu mang (embody) cơn khủng hoảng cảm tính của Âu-châu.

 Cuộc Cách mạng Pháp và thời đại Nã Phá Luân cho thấy, những thường nhân - cuộc sống vốn chỉ quẩn quanh xó nhà, hoặc ở bên ngoài lịch sử - nhận ra một điều: họ có mắc míu tới lịch sử, hay ngược lại. Đây là những đòi hỏi mang tính "toàn trị" (totalitarian claims) đưa đến chủ nghĩa Marx. (Bởi vậy, thật không có gì là cường điệu khi nói, chủ nghĩa Cộng sản là con đẻ của Cách mạng Pháp: lịch sử là "của chúng ta" chứ  không dành riêng cho đám nhà nghề, hoặc giai cấp ở trên. Điều này giải thích tại sao cuộc cách mạng vô sản lại bắt đầu ở Nga, mà không ở một nước nào khác: giai cấp quí tộc Nga vẫn coi tiếng Pháp mới là thứ tiếng "đáng nói" nhất. Paris luôn luôn là thiên đàng của đám trí thức Nga, Cộng-sản hay không Cộng-sản. Nó cũng giải thích những mắc míu kéo dài tới tận bây giờ giữa những người Cộng-sản, chủ nhân mới của đất nước Việt Nam, và "ông thầy cũ" là nước Pháp.)

 Không giống như những đạo quân thế kỷ 18, vó ngựa viễn chinh của quân đội Nã Phá Luân mang theo thông điệp, suốt Âu-châu: ý thức chính trị của cuộc sống hàng ngày, của những con người bình thường. Lịch sử không còn là những thư khố, những ông hoàng. Tiểu thuyết của Scott đã manh nha sự thay đổi, với một cách nhìn mới mẻ về sức nặng và sự đa dạng của sự kiện lịch sử. Lukacs là người đầu tiên nhìn ra điều này.

 David Daiches, trong bài viết “Walter Scott, một lịch sử nhân bản”, (13, tháng tám 1971 đăng lại trên phụ trang văn học báo Thế Giới số 28 tháng Bẩy 2000), cho rằng Scott vẫn còn được đọc, bởi vì độc giả bây giờ tìm thấy ở ông, một điều khác nữa, chứ không phải chỉ là những câu chuyện tình ái lãng mạn, và chiến tranh với những trận đánh. Hầu hết những nhà phê bình hiện thời, từ những trường phái khác nhau, đều coi Scott, như là một tiểu thuyết gia. Họ nhìn thấy ở ông, một tầm nhìn lịch sử; và cái viễn ảnh mang tính lịch sử đó đã nẩy nở cùng với nỗi băn khoăn của ông về những tương quan giữa truyền thống và tiến hóa (évolution). Trong mỗi giai đoạn của công việc tìm tòi chất liệu lịch sử, Scott chỉ ra, ảnh hưởng do những thay đổi chính trị và xã hội, đối với cách hành xử của từng con người riêng tư. Tất cả trở thành cụ thể: lịch sử nhập thân (incarnée) bởi những nhân vật bình thường, những dân quê, những người lính, những ông lái buôn, những người làm luật. Những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cũng xuất hiện, lẽ dĩ nhiên. Nhưng cái nguyên liệu ròng của nó, là ở những con người bình thường. Những con người, nói theo như tác giả bài viết, bị kẹt cứng ở trong lịch sử, bị lịch sử tóm lấy, chính họ mới là những người mang trên mình, ý nghĩa của lịch sử.

 Điều quan trọng nữa ở Scott: ông từ chối bắt lịch sử mang một ý nghĩa đạo đức. Nếu ông quan tâm tới những tương quan giữa truyền thống và tiến bộ, tới những cuộc tranh chấp tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, ông còn là một tiểu thuyết gia về một cõi người ta, thật riêng tư, thật nhân bản, của từng con người. Ông từ chối chiếu rọi những chuyển động xã hội, dưới ánh sáng của đạo đức. Những tay vô địch, những kẻ tiên phong của tiến bộ trong những cuốn như  Guy Mannering hay trong La Fiancée de Lammermoor… đều xấu xa, “thiếu đạo đức” (moralement mauvais). Nhưng ngược lại, những nhân vật nổi cộm, đại diện cho tiến bộ ở trong Waverley và Rob Roy là những con người tốt.  Scott chẳng thèm để ý đến cái gọi là “vì sự nghiệp chung”… qua những nhân vật của mình. Chính điều này làm cho những nhân vật của ông cứ thế sống mãi: họ sống bằng niềm cảm thông, bằng sự nhân ái, như là tác giả, người sáng tạo ra họ.

 Trên tất cả, Scott, bằng sức tưởng tượng lịch sử sáng ngời, được tác giả cứ thế làm cho sinh sôi, nẩy nở mãi ra, qua cái đọc, cái hiểu, cái sống, cộng thêm cảm quan sâu đậm về văn học truyền thống dân gian, qua truyền khẩu, cộng thêm sự quan tâm của ông, về vị trí của hồi nhớ ở trong những vấn đề liên quan tới con người… tất cả đã cho phép ông sản xuất ra những cuốn tiểu thuyết vẽ ra một cách thật cảm động, thật độc nhất vô nhị, và cũng thật dũng mãnh: cuộc dấn thân của con người vào lịch sử. Cùng với “cuộc chơi chết người” này, là trách nhiệm, bổn phận, tâm lý, nỗi sợ hãi… của từng cá nhân chúng ta trước… gánh nặng lịch sử!

 Nhưng ít có nhà văn dám đẩy tiểu thuyết lịch sử tới mức thượng thừa như nhà văn Mika Waltari, người Phần Lan. Ông sinh năm 1908, mất năm 1979. Đây đúng là một ảo thuật gia, với những trò phù thuỷ thoát thai từ quyền năng của mộng mơ, đúng như Nabokov định nghĩa, tiểu thuyết lớn là những câu chuyện thần tiên lớn.

Cuốn tiểu thuyết Sinouhé, người Ai Cập của Waltari, được xuất bản tại xứ sở của ông vào năm 1945, mãi tới năm 1979 mới được dịch ra tiếng Pháp, và được đón hân hoan đón nhận. Cuốn tiếp theo, L’Etrusque, là câu chuyện kể của một nhân vật tên Turms - một trộn lẫn giữa nhân vật của hùng ca Homer và của tiểu thuyết sau đó. Anh sống ở thế kỷ thứ Năm trước khi Chúa Cứu Thế xuất hiện. Chẳng nhớ gì về tuổi thơ của mình. Bị sét đánh, và do đó, được thần thánh chọn lựa cho một sứ mạng màchính anh ta phải làm sáng tỏ. Bị thần thánh xúi giục, anh ta đốt ngôi đền Cybèle ở Sardes, và vì tội ác này, anh ta bị kết án suốt đời phải lang thang, tham dự vào những cuộc phiêu lưu, như những nhân vật của Homer. Theo chân cướp biển Dionysios cùng những chuyến ăn hàng của anh ta; bị hăm dọa bởi những người Carthage trị vì biển cả; chiến đấu bên cạnh những hậu duệ của Hercule, chỉ để giành giật “vương miện của một con chó”, bị người đẹp Aphrodite mê hoặc, bắt cóc nàng rồi sau đó bị nàng phản bội… qua bao hiểm nguy, anh sau cùng hiểu được sự bí mật về những quyền năng kỳ lạ của mình. Turms chính là một “mutant” (một sinh vật đang trong dạng phát triển hoặc thay đổi, như trong truyện khoa học viễn tưởng), giống như Orphée của thi sĩ người Đức, Rilke. Sự bí mật của anh được ghi lại ở trong văn minh và truyền thống mà anh khám phá ra được, ở cuối tiểu thuyết. Đó là văn minh và truyền thống của (một xứ sở) Etrurie huyền bí.

Nền văn minh này trải ra quanh con hồ Bolsena, trên một khu vực rộng hơn là vùng Toscane hiện giờ. Chẳng có gì làm độc giả ngạc nhiên, khi Walrari bị quyến rũ bởi nó. Bởi vì từ xa xưa, từ nhiều đời tiếp nối, nó đã từng quyến rũ không biết bao nhiêu giống dân Tây Phương. Những hậu duệ của một La Mã đã từng mơ ước một vùng đất, thiên đàng hạ giới, như nhà sử học Hy Lạp thế kỷ IV, Théopompe, đã từng mơ ước: một nơi chốn mà “những người đàn bà cứ khơi khơi trần như nhộng, trong mọi công ăn việc làm, trong mọi giao tiếp, thường là với đàn ông, và đôi khi, giữa mấy bàø “mí nhau”, sẵn sàng ngồi bàn, với bất cứ một người nào vừa mới gặp. Cũng là chuyện bình thường thôi: họ nhậu rất cừ, và rất diệu nghệ.”

 Một xứ sở như thế, chỉ nhờ quyền năng mộng mơ, mới có thể tạo ra nổi!

 Theo Philippe-Jean, qua số báo đã dẫn ở trên, không thể có một thời đại nào mà không có lịch sử tiểu thuyết (của thời đại đó). Bị chê bai, ghét bỏ bởi những “chính chuyên” (puristes): mấy ông sử gia bới lông tìm vết, chi tiết này sai, chi tiết này đúng, mấy ông nhà văn coi đây là thứ mạt hạng, do phương pháp dễ dãi (ở trang mười, Nguyễn Huệ còn hàn vi, tới trang thứ một trăm, chắc là ông ta đang ra lệnh cho nghĩa quân may cờ đào, tới trang hai trăm, đại thắng quân Thanh, thí dụ vậy!) Nhưng đây đúng là một mảnh đất lý tưởng cho những nhà văn muốn… lùi xa thời đại của mình, mà vẫn có thể nói thật đầy đủ về nó. Một bức tranh về con người hiện đại trong mặt nạ của “tiền nhân”. Một trong những chiêu thức tuyệt vời của Kim Dung: “cách sơn đả ngưu”!