*
Ghi



















Tiếng Cười và Sự Quên Lãng

 

Nhà văn Tiệp Milan Kundera mở ra cuốn tiểu thuyết Tiếng Cười và Sự Lãng Quên của ông bằng một câu chuyện “tiếu lâm”:

“Vào năm 1948, ông trùm cộng sản Klement Gottwald đứng trên bao lơn toà lâu đài cổ xưa từ thời baroque của thành phố Prague, và nhìn xuống hàng ngàn ngàn thần dân của mình đang tụ tập ở bên dưới “quảng trường” “Sài Gòn cũ” [Vieille Ville: Thành phố Cũ]. Đây là bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân chúng nước này. Một bước ngoặt mà cả một thiên niên kỷ may ra mới xẩy ra một, hoặc quá lắm, hai lần.

Xung quanh “Người” đồng chí vĩ đại, là những đồng chí vĩ đại của “Người”. Và kế ngay bên người, là nhân vật số hai của Đảng ta: Clementis.

Trời thì lạnh. Tuyết đang xuống. Ông số 1 để đầu trần. Clementis, lúc nào cũng lo lắng cho sức khỏe của  vị chủ tịch nước, chủ tịch Đảng, bèn cởi ngay chiếc khăn choàng lông thú của ông, choàng lên đầu trần của lãnh tụ.

Bộ phận đánh bóng chế độ sau đó cho in hàng nghìn nghìn lớp lớp những bức hình trên, cảnh tượng vị lãnh tụ của Đảng ta, đầu choàng tấm khăn lông thú, xúm xít chung quanh Người, là những đồng chí trong Bộ Chính Trị, Trung Ương Đảng, phủ dụ nhân dân từ trên bao lơn toà lâu đài. Chính là từ bao lơn trên, lịch sử cộng sản của nhân dân ta đã bắt đầu. Bao bao thế hệ nhi đồng, khăn quàng đỏ nằm mơ cũng vẫn còn nhìn thấy hình ảnh trên, la liệt trong cuộc sống hàng ngày, trên những tấm áp phích, trong viện bảo tàng cách mạng…

Cho tới bốn năm sau đó, ông số 2 bị ông số 1 cho bộ hạ làm thịt, cho đi mò tôm, hoặc cho đi ngủ với giun. Bộ phận đánh bóng lịch sử của Đảng ngay lập tức xóa sạch mọi hình ảnh ông số 2 trong lịch sử, trong trí nhớ, trong đời sống hàng ngày của nhân dân.

Kể từ đó, chỉ còn có ông số 1 đứng trên bao lơn, trong cái ngày trọng đại, bước ngoặt của lịch sử. Nơi xưa kia có ông số 2, giờ này chỉ còn là một khoảng trống trơn trên bao lơn tòa lâu đài.

Khổ một nỗi, làm sao xoá nổi tấm khăn choàng lông thú, cái còn lại sờ sờ ra đó, ở ngay trên đầu vị lãnh tụ?
 

Nữ văn sĩ Nga Tatyana Tolstaya, trên tờ Điểm Sách Nữu Ước, The New York Review of Books, số tháng Giêng, 1998, điểm hai cuốn Chính Uỷ Biến Mất: Ngụy Tạo Hình Ảnh và Nghệ Thuật ở Nga thời kỳ Stalin (David King, 192 trang, nhà xb Metropolitan Books, 1997), và Nhìn Tận Mắt Lịch sử: Những Bức Hình của Yevgeny Khaldei (96 trang, nhà xb Aperture, 1997), cũng đã nói tới những công tác đánh bóng chế độ, làm sạch lịch sử của Đảng ta.
Sau đây là lược dịch.

Trẻ con, lúc này lúc nọ, thường tự dưng nổi hứng thêm một bộ ria, hay cặp kính, vào một tấm hình cô/cậu vớ được. Cuốn lịch sử đời tôi (Tolstaya) trông cứ như một ngày hội hóa trang! Rồi năm tháng trôi đi, cô/cậu lớn dần, bỗng một ngày, tỏ ra nghi ngờ, hoặc giật mình về mối liên hệ giữa ta bây giờ, và ta trong hình: Lạ nhỉ, không lẽ mình hồi đó lại mập đến thế? Thôi, tốt nhất là giấu biến tấm hình này đi! Con bạn đứng kế mình là con nào? Phải rồi, hai đứa hồi đó cùng quen anh A. Hình này mà đến tay ông xã, cộng thêm chút mắm muối của một đệ tam nhân nào đó, là phiền lắm, tốt nhất cắt phăng nó đi!

Tất cả chuyện đời thường. Chúng ta là ai, nói cho cùng? Con người thôi. Nhưng chuyện gì xẩy ra, nếu một thường nhân chúng ta, một bữa trở thành bạo chúa?
Bộ album của David King mở ra bằng bức hình mầu Stalin, thời còn Lênin; do Andreyev chụp vào năm 1922. Nhà nghệ sĩ nhân dân hình như đang phải đánh vật với những đường viền: một phần trán sao âm u như chết rồi, mấy sợi tóc sao dính bết vào nhau như vậy, cái đầu sao không cân xứng chút nào! Nhưng làn da, những vết nhăn, bộ râu Caucasus nặng chình chịch như vậy đạt lắm, sếp lớn không nghĩ là mình nịnh bợ đâu, chỉ là vấn đề lịch sự, nhã nhặn của bầy tôi đối với chúa thôi! Còn Stalin ở đây coi bộ già hơn tuổi 42. Người chưa nắm quyền, nhưng bạn có thể nhận ra, đằng sau cặp mắt đó, cái miệng kia là những tham vọng ngấm ngầm, và sự thận trọng. Không biết nhà độc tài có thích tấm hình không nhỉ? Nhìn hình, như nghe văng vẳng lời bình phẩm của Lênin: Gớm, tay Georgian kỳ tài này!
Nhưng sao có những khoảng trống kỳ kỳ. Toàn bộ sưu tập, ngay từ trang đầu, như đang trao đổi một mẩu chuyện khôi hài đen với người coi: xuyên qua thời kỳ Xô-viết, đặc biệt dưới thời Stalin, lịch sử nhập thân vào những bức hình, đã được tẩy xóa, vặn vẹo, đánh bóng, làm sạch, chỉnh huấn, cho đi cải tạo... đến nỗi không sao nhận ra được nữa. Bộ sưu tập cho thấy từng người một, đã biến mất như thế nào, theo nhu cầu chính trị, để lại một cái hố, một khoảng trống, giữa những đồng chí của họ; làm phiền biết mấy cho những nghệ nhân, chỗ này phải dậm thêm một chút mây, chút khói, chỗ kia cài vào một chậu bông. Đôi khi, kẻ biến mất như cố tình bám chặt lấy người bạn đồng chí đứng kế, không muốn nhạt nhòa vào hư không, và một cái nhìn chăm chú, cộng thêm cặp kiếng ngoại, vậy là bạn nhận ra chỗ này là vai của kẻ đã ra đi, chỗ kia là chân trái, cái tay chắc là quàng phía sau người đồng chí có thể là nguyên nhân đầu tiên của tai họa... Đâu có cần nhắc nhở bạn, những con người bị xé ra khỏi những bức hình như thế đã bị ném vào Gulag, biến thành bụi trại (camp dust). Cũng đâu cần, vợ chồng con cái, cha mẹ anh em họ hàng của họ, cũng đã biến thành bụi...
Nhìn bộ sưu tập chúng ta nhận ra một sự thực: Trotsky chưa từng hiện hữu, cùng với ông là một danh sách dài: Zinoviev, Kamenev, Radek, Bukharin, Belinski... Đấy là người. Con ó hai đầu ở tiền đình Nhà Hát Lớn, Bolshoi Theater cũng biến mất. Hai năm cuối đời của một Lênin ngắc ngoải, liệt bại, với nụ cười ngây ngô, khờ khạo cũng biến mất, thay vào đó là một Lênin mạnh khỏe cho tới hơi thở cuối cùng, với Stalin luôn luôn ở kế bên, trên con đường tiến tới xã hội chủ nghĩa, trong những chuyến đi, vào những thời điểm quyết định quan trọng. Như một cậu học trò ngỡ ngàng, hay một bậc cha chú đáng yêu, ông lắng nghe những lời vàng ngọc của Stalin, với một sự quan tâm và ngưỡng mộ, lúc nào cũng như đang uống từng hớp thiên tài người Georgia. Có những bức hình cho thấy một Stalin không hề già đi, ngày một thêm khôn ngoan ra. Cũng cần có một tí chút mệt mỏi nữa chứ: Người vừa bẽ gẫy sống lưng Phát-xít, tóm gọn một nửa Âu-châu, chỉ với hai bàn tay. Nụ cười của Người, trong lễ sinh nhật lần thứ 70 sao rạng rỡ, sao bất tử, sao nhập thế, như của Phật!
Rồi hàng triệu triệu con người biến mất, như chưa từng hiện hữu. T. Tolstaya tự hỏi, tại sao không xây dựng một viện bảo tàng, trưng bầy đầu lâu, mà phải làm như triệu triệu kẻ thù chưa từng hiện hữu? Và bà tự trả lời, ngoài những lý do hiển nhiên, còn những nguyên nhân kỳ bí, ngoại lý; chúng làm vẩn đục tâm hồn vốn đã u tối của vị bạo chúa. Có một lề luật cổ xưa về huyền thuật: kêu tên quỉ, quỉ tới liền! Tín đồ nói đến quỉ ma một cách gián tiếp, tránh gọi thẳng tên. Đó cũng là lý do tượng Chúa, nhà thờ tất cả đều bị triệt hạ, huỷ diệt. Như đã chưa từng hiện hữu. Như sẽ chẳng bao giờ hiện hữu.
Tận Mắt Nhìn Lịch Sử như muốn trả lời câu hỏi: Nghệ thuật nhiếp ảnh là gì, hay rõ hơn, đâu là độ nói dối được cho phép, đối với một nhiếp ảnh viên, khi thực tại, và nghệ thuật gặp nhau ở ống kính?
Cuộc đời Khaldei thật là bi thảm, và khác thường. Là con, trong một gia đình Do-thái nghèo tại Ukraine. Mẹ chết trong vụ thanh trừng vào năm 1918, viên đạn xuyên qua thân thể bà nằm luôn trong đứa con trai mới gần năm. Cả gia đình, hai thập niên sau đó bị lính Đức giết hết, còn trơ mình ông. Học tới lớp tư phải bỏ, lo kiếm sống. Thiên tài bẩm sinh, máy hình đầu tiên là do ông tự làm lấy, và vào nghề thợ chụp ngay từ khi còn nhỏ. Vác máy hình, đi trọn cuộc chiến, làm cho thông tấn TASS và nhật báo Pravda. Bức hình chụp tấm băng đỏ gói trọn vẻ ngạo nghễ của Tòa Nhà Quốc Hội Đức, Reichstag, là của ông. Tuy trọn đời hiến dâng cho nghệ thuật Xô-viết, nhưng ông mất việc hai lần. Ông mất tháng Mười 1997, sau khi bộ sưu tập của ông được in ra. Có một số hình trong đó chưa hề được biết đến, và chúng cho thấy một điều là những cái trước, và sau cuộc chiến như thuộc hai con người khác nhau. Những tấm sau là những thí dụ tồi tệ nhất, về Hiện Thực Xã Hội Chủ Nghĩa. Nhưng không phải những tấm trước đó không có điều khác thường. Tolstaya cho biết về bức hình nổi tiếng nhất của ông, trang 60-61, chụp người lính Xô-viết giương cao tấm băng đỏ trên đỉnh Toà Nhà Quốc Hội: một người sĩ quan phải giữ chân người lính, cho anh ta khỏi té. Tay viên sĩ quan đeo đồng hồ. Sau khi rửa hình, người ta nhận ra viên sĩ quan không phải chỉ đeo có một, mà tới hai cái đồng hồ lận! Lại phải cạo sửa lịch sử! Còn tấm băng đỏ, ở đâu mà có sẵn, nhanh như vậy? Hóa ra là, nhiếp ảnh viên Khaldei, vốn đã sửa soạn sẵn cho tấm hình nổi danh của đời mình, ngay từ Moscow, và đã cẩn thận mang theo, không phải một mà tới ba tấm băng đỏ! Người viết nghe nói bức hình lịch sử chụp cảnh xe tăng CS san bằng cổng dinh Độc Lập cũng đã phải chụp tới hai lần. Ủi sập rồi, lại phải ra lệnh dựng lên, chụp lại. Nguồn tin rất đáng tin, nhưng vì không tận mắt chứng kiến (lịch sử), cho nên đành ngưng tại đây (1)

***

Đọc lại những cuốn hồi ký tù “của chúng ta”, cái thiếu sót lớn của chúng, có lẽ là tiếng cười, theo kiểu câu chuyện cuời của Kundera, mà người viết trích dẫn ở trên.

Nên nhớ, trước 1975, dù “thù trong”, [tạm gọi những người ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản], “giặc ngoài”, nhưng trên hàng chục, hàng trăm tờ báo của miền nam, không tờ nào thiếu mục “tếu”, nào đàn ngang cung, thơ chua, thơ đen, nào Ao Thả Vịt, nào Nói Chuyện Với Đầu Gối… Nếu có Anh Tám Sạc Ne, thì phải có anh Choé, anh Tuýt…  Hình như chúng ta chỉ quên tiếng cười, từ những ngày sau 1975.

Chúng ta tự hỏi, liệu những người tù của miền nam đã quên tiếng cười, và chỉ biết tố cáo cái ác, trong những ngày dài cải tạo?

Tôi nghĩ là không. Thí dụ, trong Đá Mục, của Thảo Trường, nhân vật sĩ quan ở trong đó, đã sống sót trại tù, nhờ cái tinh thần tếu tếu của mình, và cũng nhờ những hoàn cảnh tếu tếu mà anh gặp ở trong đó. Anh gặp một đệ tử, là binh sĩ dưới quyền, và nhờ anh này xoay sở, anh có được một chỗ làm dễ thở, dưới quyền một bộ đội nữ, lo trông nom con heo nọc của trại. Bữa đó, anh đã lầm lẫn, vừa về tình cảm, lẫn về thành quả lao động tốt cải tạo tốt của bản thân, khi xơi “quả trứng” mà anh tưởng là nữ quản giáo tình tứ ban cho anh, nhưng sự thực là để bồi dưỡng cho con heo nọc!

***

Anh [Thảo Trường], kể chuyện "ngày xưa": Bữa đó, mình cho mấy mẹ con đi trước, tính đi chuyến sau. Thế là dính luôn 8 năm tù Bắc, 9 năm tù Nam.
    Tếu thật, tôi vẫn nghi, anh chàng này rồi khổ với tính tếu: Nếu không tếu, không viết nổi Bà Phi, rồi bị sếp hành lên hành xuống, do có kẻ "mét": Thằng đó nó tả "Quí Phu Nhân" đấy, cho nó xuống hầm P.48 (?) đi!
    Nếu không bị tính tếu xúi dại, đã đi cùng vợ con...
    Kể ra nói chuyện ngày xưa lúc này là quá hợp: Little Saigon đang ngợp một mầu cờ, nhân vụ Trần Trường. Đó cũng là lần thứ nhất chúng tôi gặp lại nhau ở hải ngoại.
    Trước 1975, Thảo Trường thuộc loại đàn anh của tôi. Anh có tên trong tờ Sáng tạo, nhưng theo "một nghĩa nào đó", anh chẳng mắc mớ gì với chủ trương "đạp đổ", làm cách mạng văn học của nhóm này. Cho tới giờ này, tôi vẫn không hiểu được tại sao anh có mặt "ở đó"?
    Bởi vì truyện ngắn của Thảo Trường "hiền khô", lại không "mới". Cái cũ "nhất" ở anh, là kỹ thuật truyện ngắn. Thứ truyện ngắn không nhắm vào tiểu sảo, không mà mắt người đọc với những kỹ thuật mượn từ độc thoại nội tâm, điện ảnh... vốn rất được ưa chuộng hồi đó, kể luôn cả chuyện, cho nhân vật tuôn ra đủ thứ tư tưởng, hoặc ăn nói theo kiểu ba phải (nghĩa là lạm dụng nghịch lý, ra cái điều thông thái: Đời chẳng đáng gì nhưng đâu có gì đáng (như) đời, la vie ne vaut rien mais rien ne vaut la vie, André Malraux).
    Ngay hồi đầu đọc anh, tôi đã ngạc nhiên, anh cứ một mình đi một đường, an nhiên tự tại, thong dong mà viết.
Bây giờ thì tôi hiểu. Với một chút tếu, với chút thong dong tự tại, vậy là có thể qua được địa ngục. Đá Mục cho thấy điều này. Như thể Sáng Tạo hô hào lật đổ, là để chờ tới giai đoạn hậu-Sáng Tạo: giai đoạn Đá Mục.
    Câu chuyện như chỉ có hai nhân vật. Và ba đoạn đời. Người ta có thể dựng một cuốn phim chỉ với những tình tiết "đơn giản" như vậy: Tên một cuộc chiến (tại sao không?)
Đoạn đầu: Anh chuẩn uý mới ra trường, trấn một đồn biên. Đệ tử, một anh lính truyền tin.
   Đoạn hai: Họ gặp lại nhau trong trại tù.
   Đoạn ba: Anh sĩ quan, sau 17 năm tù, tái ngộ vợ con, và đệ tử tại xứ người.

   Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả (Đá Mục).

Kundera cũng đã kết án cuốn sách chống cộng nổi tiếng trên thế giới, cuốn 1984, của nhà văn Orwell, là một cuốn sách chính trị núp dưới cái vỏ một cuốn tiểu thuyết. Ông tin rằng, khi bạn viết, cốt chỉ nhằm có một chủ đích là tố cáo cái ác trong thế giới cộng sản, như vậy là bạn đã vô tình hạ thấp phẩm giá của chính con người, và cùng với nó, văn chương, khi coi tác phẩm của mình chỉ là một bản liệt kê những tội ác của cộng sản, và như thế, cuốn sách cũng thuộc vào cái thế giới xám xịt đầy rẫy những tội ác đó.

Để chứng minh cho quan điểm của mình, Kundera viện ra hai tác phẩm, một là cuốn Vụ Án của Kafka, và cuốn 1984, của Orwell. Cả hai đều nói, một cách nào đó, về Đáy Địa Ngục, nghĩa là thế giới tù đầy, thế giới trại cải tạo. Kundera viết: Không ai có thể đi xa hơn Kafka, trong cuốn Vụ Án của ông; ông đã sáng tạo nên những hình ảnh cực kỳ thơ, trong một thế giới cực kỳ không-thơ, là thế giới toàn trị. K. nhân vật chính ở trong đó, bị vụ án của mình hành hạ, nhưng hễ rảnh được một chút, là anh tìm cách tuột ra khỏi hoàn cảnh tù ngục đóm qua những cánh cửa sổ đột nhiên mở ra trước mắt anh. Thí dụ cảnh này: Trong lần thẩm vấn thứ nhất, K. bắt đầu bài diễn từ của mình, nhưng lập tức anh bị quấy rầy bởi một hình ảnh: trong phòng xử có người vợ của viên thừa phát lại, và một gã sinh viên xấu xí, gầy nhom, đã vật được mụ ta ra đất và làm tình với mụ ta ngay trước mắt mọi người. Trong cuốn 1984 không hề có những cái cửa sổ “huê tình” như thế!

Vũ Thư Hiên, một nhà văn ra đi từ miền bắc, đã kể lại một hoàn cảnh tương tự [tôi viết lại: tương tự mà thôi]. Khi đó, ông làm nghề cameraman, chuyên lo thâu hình những chuyến đi thăm hỏi nhân dân của ông Hồ. Một bữa, đi trên đường, gặp một chỗ lội, ông Hồ bèn tháo đôi dép của mình ra ôm khư khư trong tay, và rón rén bước qua vũng nước, Ngài họ Vũ bèn ngưng quay cảnh này. Ông Hồ, thoạt đầu, không hiểu, đã toan cự, nhưng liền “ngộ” ra, ánh mắt tỏ vẻ biết ơn anh hầu sáng ý!  [Tôi cứ nghĩ đến một câu chuyện tiếu lâm dân gian, kể chuyện một bà lớn, lỡ trung tiện giữa chốn công đường,  và anh hầu nhận liền, thưa quý cụ, cháu lỡ dại, khi về nhà được bà lớn khen thưởng… ]. Tôi cứ tiếc hùi hụi, không phải cho…  tui mà là cho chế độ. Giá mà có những cảnh đó, người Việt có thể thông cảm với ông một chút, sau những cảnh tôi tôi bác bác với… Trần Hưng Đạo, thí dụ vậy. Kim Hạnh,  trong ý hướng ngược lại với họ Vũ, cho đăng trên tờ Tuổi Trẻ những xen ông Hồ dẫn Đầm đi coi xinê, đi Sở Thú, đã mất chức Tổng Biên Tập (?), [nhưng hình như sau đó, được thưởng cho một job khác, thơm hơn nhiều!]. 

Cũng trong cuốn sách trên, Kundera, dẫn lời một nhân vật của mình, cho rằng:

Cuộc chiến đấu của con người chống lại quyền lực chính là cuộc chiến đấu của con người chống lại sự lãng quên.

Nhưng nhân vật chính trong Đá Mục lại tuyên bố ngược lại, như trên đã dẫn:

Phải luôn luôn nhớ rằng hãy quên đi tất cả (Đá Mục).

 Như vậy ‘hãy quên đi tất cả” nghĩa là gì?

Bản danh sách tố cộng kể trên?

Hoặc cái cách mà bạn tố cáo cộng sản như thế đó, nghĩa là bằng những từ đao to búa lớn như là Đáy Địa Ngục, Đại Học Máu, thí dụ vậy?

 Cũng có thể, vào những ngày tháng cay đắng độc địa đó, chúng ta đã quên mất tiếng cười, nhưng đã tới lúc, phải khôi phục lại tiếng cười, trong văn học của chúng ta.

Có thể trong tinh thần đó, số báo Xuân năm nay của Sài Gòn Nhỏ là một toan tính khôi phục lại tiếng cười cho người Việt hải ngoại.

NQT

Chú thích:

(1) Người viết sau đó được biết, Bùi Tín đã xác nhận chuyện này. Ông cho biết thêm, cả tấm hình lịch sử cờ CS phấp phới trên đỉnh Điện Biên Phủ, cũng được "làm lại".