*
Ghi


















Tôi đọc Kẻ Xa Lạ, hình như là vào năm 1958 thì phải, và cơn chấn động do nó gây nên đánh bật tôi ra khỏi giảng đường Đại Học Khoa Học, Sài Gòn.
1974, Nguyễn Quốc Chánh đọc nó, cũng tại thành phố Sài Gòn của tôi, và như ông cho biết, nó đã tác động tới ông như một trận hỏa...

Hai người đọc cùng một cuốn sách, trước và sau một cuộc chiến, và gần như cùng bị chấn động như nhau. Có vẻ như cuốn sách chẳng cần một thời gian, một biến cố lịch sử nào để mà biện minh. Có vẻ như nó mãi mãi thuộc về một thời mới lớn, như tác giả của nó, khi viết nó: "Camus ư? Đây là một tấm hình của ông. Một khuôn mặt đẹp, trầm trọng, một cái nhìn buồn bã, và dịu dàng của người thức đêm, trông chừng những cơn mộng của thời mới lớn...".
Và đây là câu văn mở đầu của một cuốn tiểu thuyết sẽ mãi mãi làm ngỡ ngàng những người trẻ tuổi:
"Bữa nay mẹ tôi mất" (Aujourd’hui maman est morte).
J'ai subi un deuxième choc littéraire en 1957, quand « L'étranger », d'Albert Camus, a été traduit en hongrois. Pour moi, c'était une révélation décisive qui m'a radicalement influencé dans mes choix..
Tôi bị cú sốc văn chương thứ nhì khi Kẻ Xa Lạ được dịch qua tiếng Hung, vào năm 1957. Đây đúng là một cú mặc khải ảnh hưởng tới sự chọn lựa của tôi.
Kertesz
"Kẻ Xa Lạ" là một trong những bài viết được đọc nhiều nhất của Tin Văn
*

Một anh bạn, mới đây, đọc lại Những Con Dã Tràng, lắc đầu, đúng Camus, nhất là cái cú ho lao. [Camus đã từng ho lao]. Anh cho biết lần đầu, đọc, khi còn trẻ, và sau này bị cây đu ám ảnh, bay đi bay lại hoài trong trí nhớ:
Chúng tôi đứng ở cuối vườn. Bấy giờ gió thổi mạnh, cành lá xào xạc ở phía trên đầu. Đám phi lao ngập ngừng chuyển mình, nửa muốn phụ họa gió, nửa muốn kéo dài giấc ngủ im lìm buổi trưa. H. cùng đứa em đánh đu ở phía trước. Hàng cây che khuất tầm nhìn của tôi. Mỗi lần chiếc đu trở lui về phía sau, thân hình người con gái lại hiện ra giữa hai thân cây phi lao, rồi lại mất đi một cách đều đặn. Tiếng cười giòn, nhẹ và ấm vọng tới chỗ chúng tôi. Rồi gió thổi mạnh làm át đi tất cả; trong gió có những con vật bé li ti, những chiếc lá cây, và những hạt cát. Tôi dựa lưng vào thân cây phi lao, và bỗng nhận ra đời sống vô vị, buồn nản của mình, một đời sống không có gì để nhớ, hoặc để chờ: tôi chờ những lần chiếc đu trở lui về phía sau và cố nén cơn ho thường lệ buổi chiều.
*

Nhưng khi viết NCDT, Gấu chưa đọc Camus.
*
Những con dã tràng là của bãi biển Nha Trang, của mùa hè niên học 1957-1958. Sau khi thi rớt khoá I, Tú Tài II, bà cụ C. cho hai đứa đi nghỉ hè Nha Trang, ké chuyến đi của đám gia đình nhân viên hoả xa, do bà T., bạn của bà cụ C tổ chức. Cô H ở trong NCDT là cô con gái thứ của bà cụ T.
Đậu khóa Hai, ghi danh học Đại học khoa học, chứng chỉ Toán Đại Cương. Đọc Kẻ Xa Lạ vào thời gian này, tức là sau khi đã bê những con dã tràng vào trong truyện ngắn.
Bãi biển vắng. Trước mặt tôi, mấy đứa con trai đang chuyền banh. Bất chợt trái banh rớt gần chân tôi. Tôi đá trở lại, và cười gượng gạo cùng lũ trẻ. Tôi nín cười và bỏ đi. Nhiều tiếng cười đuổi theo sau lưng. Một người ăn mày ngồi trên bãi cát, chìa tay chờ đợi. Tôi cho tay vào túi quần. Những đồng tiền lẻ kêu nhè nhẹ trong túi. Tôi để yên tay trong túi quần, và bỏ đi. Một người Tây già nằm trên chiếc ghế vải. Tôi định tới gần châm điếu thuốc, nhưng ngần ngại. Điếu thuốc trên tay người Tây già chậm chạp vẽ những đường cong đều đặn, tay còn lại bỏ thõng xuống cát, buổi chiều sắp tàn, tất cả những cái đó gọi là sự ngần ngại của tôi. Những con dã tràng lăng quăng bò trên cát. Tôi đi theo một con. Khi con vật chui xuống một lỗ nhỏ, tôi dừng lại chờ. Tôi không hiểu tôi chờ gì. Tôi chờ con vật chui ra khỏi lỗ cát, hay chờ một gì đó sẽ xẩy ra. Tôi bỏ đi, chẳng còn gì nữa, buổi chiều hết rồi.
*
Đúng giọng khật khừ của Meursault, chỉ thiếu cú giết tên Ả Rập!
*
"Villa trông ra biển. Tường phía trước thấp...", truyện ngắn "Những con dã tràng", truyện đầu tay của tôi được viết ra từ cát, biển Nha Trang, nhưng thực ra là từ cái không khí "chết người" của Kẻ Xa Lạ, của Buồn Nôn: Tôi tự hỏi cớ sao lại sợ hãi một thế giới bình thường như vậy...(Sartre. La Nausée).
Một người anh
Chỉ đến mãi sau này, Gấu mới hiểu nổi, truyện ngắn NCDT bước ra từ “Chiếc Áo Khoác”, của… TTT!
Bạn đọc nhớ câu phán của Dostoevsky về Gogol:
Chúng ta đều chui ra từ "Chiếc Áo Khoác".
(Theo bản tiếng Anh: We have all come out of the folds of ‘The Overcoat’)
Trong khi chờ Gogol