gau




28.12.2004
Nguyễn Quốc Trụ

Trường hợp cuốn Trăng huyết

Có một số vấn đề, ở bên ngoài tác phẩm, theo nghĩa, với một người chưa đọc nó.
Trong thư của Anthony Grey, câu “Trước khi thực hiện tác phẩm ấy, anh không tham khảo ý kiến tôi, cũng không tìm cách xin phép tôi cho tới khi anh đã hoàn tất. Thậm chí khi viết thư này…” cho thấy, tác giả không hài lòng vì chuyện này. Tác giả chỉ “đỡ bực mình”, I was, however, relieved, khi có một người bạn trẻ người Việt của ông, a young Vietnamese friend of mine, cám ơn ông, như trong thư cho biết.
Chúng ta giả sử, ông nhận được một lá thư tỏ ra “bực mình”, thì sao?
Tôi tuy chưa đọc Trăng huyết, nhưng qua thư của tác giả Anthony Grey, qua người bạn trẻ Việt Nam của ông, và qua bài viết của Hoàng Khởi Phong, đã đăng trên Người Việt và trên talawas, đây là một tác phẩm rất có giá trị, chính vì vậy mà có thư độc giả này.
Trường hợp Trăng huyết làm tôi nhớ tới trường hợp “trí tuệ trẻ” Việt Nam sử dụng phần mềm mà không xin phép, của một tác giả ngoại quốc, và làm ra những sản phẩm rất có giá trị, đã đưa vào sử dụng rất thành công. Tác giả người nước ngoài kia cũng rất tức giận, tuyên bố, họ xin phép, là tôi gật đầu liền, tại sao họ không làm một việc hết sức dễ dàng như thế?
Và có thể, cũng như Grey, mới đây, ông ta đã cho phép trí tuệ Việt Nam sử dụng trí tuệ của ông ta. Giả sử như xin phép trước, sẽ tuyệt vời biết bao.

Ngay cái tên Trăng huyết cũng không phải của Nguyễn Ước.
Nguyên là tên một truyện ngắn đầu tay, viết vào thập niên 1960 tại Sài Gòn, và vừa xuất hiện, là tác giả của nó, Nguyễn Thị Minh Ngọc [khi đó ký là Ngọc Minh] nổi đình nổi đám liền. Minh Ngọc hiện nay là một tác giả nổi tiếng ở trong nước, về ngành kịch nghệ. Như bà cho biết, bà là bạn của Nguyễn Ước. Mới đây hai người có gặp lại. Bà có kể cho tôi nghe chuyện Nguyễn Ước đã tặng sách, và có nói, tuy muộn, về vụ cái tên, và giải thích, hai truyện, một ngắn, một dài, không có gì liên hệ với nhau, ngoài cái tên ra.
Như vậy, tại sao lại sử dụng cái tên Trăng huyết? Và tại sao không nói với bạn trước về chuyện này?

Cụm từ “the new augmented Vietnamese text” này không có nghĩa “bản phóng tác bằng tiếng Việt”. Hai việc viết đó có khác nhau. Phóng tác thì có nhiều, nhưng “bản mới tăng thêm vô”, liệu có nhiều trường hợp như vậy trong văn học?

Liệu, kiểu viết “bản văn mới tăng thêm lên”, có giống trường hợp kéo dài một tác phẩm vốn đã ăn khách, như trong trường hợp Cuốn theo chiều gió, hay những tác phẩm điệp viên 007 của Ian Fleming, nhưng do một người khác viết?
Ngay trong những trường hợp đó, vấn đề xin phép là rất “căng”, đâu dễ viết thêm?

Nguyên tác, như người viết thư này được biết, cũng không phải do Nguyễn Ước “khám phá ra”, mà do một người khác [NTV], gợi ý cho ông.

Nên nhớ, ông Anthony Grey này gọi Nguyễn Ước là đồng tác giả, chứng tỏ ông kỳ vọng ở Trăng huyết rất nhiều.

Liệu những chuyện trên, ảnh hưởng tới chất lượng của bản sáng tác, bản phóng tác, bản mới viết tăng thêm lên [“the new augmented Vietnamese text”], là Trăng huyết?
Liệu có thể có Trăng huyết, mà không cần mượn tới sự có mặt của một nguyên tác, như, đâu cần tới cái tên Trăng huyết, vốn của một tác giả khác?
Và liệu có thể cũng vì lý do đó, mà tác giả Grey đang dự tính cho in bản dịch tiếng Việt tác phẩm của ông, tại Việt Nam?

[Trích talawas]