*

1











Si je t'oublie, Saigon

Sau này, Gấu vẫn thường tự hỏi chính mình, giả như không vớ đúng cuốn "Absalon, Absalon!", mà là một cuốn khác, của Faulkner, liệu Gấu có khám phá ra ông Thầy của mình hay không?
Bởi vì ngoài cái giọng văn ra, còn cả một gia tài Miền Nam, một Miền Nam tàn tạ sau chiến tranh, cùng với nó, là một "Khung Rêu", mà cô gái già miệt vườn, cho gọi anh chàng thanh niên lại nhà, để kể, để trao lại, đúng hơn, trước khi anh chàng này đi xa, vô Đại Học.
Liệu cũng đúng bà già đó, đã cho người gọi Gấu tới, để bà kể cho nghe về một miền đất, và sau này, được cô bạn lập lại, cũng những câu chuyện như vậy, những ngày tháng Mậu Thân, lấy đi tính mạng thằng em?.... 

Hay những lần gặp sau đó, những buổi tối ngồi trò chuyện ở phòng khách trong khi mấy đứa em, mấy cô bạn ở chung nhà đã lui vào phía trong. Kể cô nghe những chuyện lặt vặt ở sở, cuốn phim vừa coi, cuốn sách vừa đọc, xứ Bắc Kỳ xa xôi, và Hà-nội. Nghe cô kể những năm học trường quận lỵ, trung học Mỹ Tho, đại học Đà Lạt. Nghe cô giảng giải về một miền đất không hoàn toàn giản dị. Phải nhạy cảm lắm mới nhận ra chút dấu hiệu thật mơ hồ, mong manh của sự chuyển mùa: Mối tình lúc đầu giống như chớm thay đổi thời tiết. Tự nhủ thầm cô bạn chắc không nhận ra, và sẽ chẳng bao giờ dám thú nhận. Sau này nhớ lại, đã thực sự yêu thương, không phải lần vì quá cô đơn, lén viết lên trang tiểu thuyết Tô Hoài cô đang đọc, trong lúc cô lui vào trong, Je vous aime, nhưng khi tới báo tin đứa em trai tử trận, không gặp, đành nhờ một cô bạn ở chung nhà nói giùm, tin chắc cô sẽ hiểu.
Cõi khác
 *
… It seems that this demon - his name was Sutpen - (Colonel Sutpen) - Colonel Sutpen. Who came out of nowhere and without warning upon the land with a band of strange niggers and built a plantation - (Tore violently a plantation, Miss Rosa Coldfield says) - tore violently. And married her sister Ellen and begot a son and a daughter which - (Without gentleness begot, Miss Rosa Coldfield says) - without gentleness. Which should have been the jewels of his pride and the shield and comfort of his old age, only-(Only they destroyed him or something or he destroyed them or something. And died) - and died. Without regret, Miss Rosa Coldfield says (Save by her) Yes, save by her. (And by Quentin Compson) Yes. And by Quentin Compson.

 "Because you are going away to attend the college at Harvard they tell me," Miss Coldfield said. "So I don’t imagine you will ever come back here and settle down as a country lawyer in a little town like Jefferson, since Northern people have already seen to it that there is little left in the South for a young man. So maybe you will enter the literary profession as so many Southern gentlemen and gentlewomen too are doing now and maybe some day you will remember….”
Absalom, Absalom!
*

Bạn thử tưởng tượng vào cái năm 1965, 66 đó đó, sau khi ăn hai trái mìn của VC,  không chết  (may mắn thoát chết), vào những ngày vừa ra khỏi nhà thương Grall, bệnh viện Đồn Đất như dân Sài Gòn thường gọi, sau khi ngồi Quán Chùa tán phét chán chê, bạn bè ra về hết, bèn tà tà từ bên Quán Chùa tạt qua tiệm sách Xuân Thu kế bên, cầm lên cuốn Absalon, Absalon!,  bản tiếng Tây, bìa trắng, nhà xb Gallimard, đọc tới câu gạch đít ở trên, mà chẳng là đã tiên tri ra cái cảnh những ngày sau 1975 sao?
Làm sao mà không chọn Faulkner làm Thầy?
Rồi bạn thử so sánh, văn phong Faulkner, nhất là đoạn in nghiêng, trên, với đoạn sau đây, của Gấu: 

Khi anh định viết những gì anh đã sống, đã trải qua, chắc là anh đã đứng tuổi, đã lập gia đình, ngoài mẹ già anh may mắn còn được gần, trong khi chị và em – đứa thứ nhì tử trận, người chị mê phong trào ở lại đất bắc, đứa út ở với bà nội đương đêm bị du kích từ bên kia sông là vùng kháng chiến, lội về làng bắt đem đi, trao cho người bác của anh, với lý do, nó còn quá nhỏ có thể vô tình chỉ chỗ ẩn náu của du kích cho Tây, [ngoài ra còn một lý do khác nữa, nhưng anh chưa tiện viết ra ở đây, có phải không?], ngoài mẹ già, già nua, tật bệnh, khốn khổ vì những bất hạnh, suốt đời chỉ hưởng một vài năm sung sướng, dễ chịu, đó là khi bố anh còn sống, chưa bị người học trò viết thiệp mời thầy đi dự tiệc tất niên nhưng thực sự là mời thầy đi mò tôm, và sau đó, sau cái ngày bố anh rời nhà ra đi, nói là sẽ về liền, bà mẹ anh đã chạy ngược chạy xuôi, lặn rừng leo núi, tới tận vùng thượng du Bắc Việt, tới tận biên giới, xuống tận vùng biển, vùng mỏ, để tìm chồng, vẫn còn nhen nhúm trong lòng một chút hy vọng, rằng người chồng vẫn còn sống, và sẽ trở về, rằng người này người nọ đã từng gặp mặt, nghe tiếng; nơi kia nơi đó đã cưu mang, chứa chấp, hoặc giam giữ, người đàn bà sau khi đã không còn hy vọng lẫn tuyệt vọng, thay vì chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm người chồng chắc là đã chết ngay từ đầu của mọi tai họa, bây giờ chạy ngược chạy xuôi để tìm kiếm tiền nuôi chính mình và mấy đứa con, đứa lớn nhất lên chín lên mười, đứa nhỏ nhất sáu, bẩy tuổi, trong khi mình chưa tới ba mươi, cố gắng chống trả không phải sự già yếu bệnh tật mà là sự trẻ trung, nhan sắc; không phải cái xấu mà là điều tốt (nhan sắc, tuổi trẻ, đời sống, thú vui, sự chiều chuộng, tâng bốc...), cố gắng đừng bước thêm bước nữa, cố gắng nuôi con khôn lớn nên người, hy vọng quãng đời về già sẽ bớt cô đơn, có nơi nương tựa là mấy đứa con, đứa cháu, đứa dâu, đứa rể... nhưng định mệnh tàn khốc vẫn chưa chịu ngừng nghỉ, vẫn để ý theo rõi bà từng bước, người đàn bà tuy yếu đuối nhưng bền bỉ chịu đựng, người đàn bà hồi còn trẻ đã không tha thứ hay chiều chuộng nhan sắc của mình, đã từng khóc chồng, rồi sau đó, khóc cha (ông ngoại của anh bị đấu tố vì tội địa chủ, và sau đó nhẩy xuống sông để trốn tội), khóc hai trong bốn đứa con phải bỏ lại đất bắc; đứa con gái lớn, người chị, tưởng đã đến lúc được nhờ cậy thì bị lôi cuốn vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, không là con của bà, mà là con của nhân dân, đã trở thành một dân công tải đạn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đứa con trai út ở với bà nội bị du kích đương đêm vượt quãng sông Việt Trì, nơi chồng bà bị người học trò buộc đá vào người thả xuống, bắt qua vùng kháng chiến trao cho người bác của anh (đứa em trai út của anh lúc đó bị đau mắt hột, và trong suốt những năm tháng chạy vào nam sau đó, mẹ anh vẫn thường lo lắng, không hiểu ngoài đó thuốc thang ra sao, liệu có hết đau mắt hay bị mù...); còn hai đứa theo bà vào nam, sau khi vất vả làm đủ nghề, những ngày vừa rời bến tầu Sài Gòn, từ bán bán bánh cuốn, bún riêu cua, cháo gà, cháo vịt lòng vòng trong mấy con hẻm Chợ Vườn Chuối, tới làm chân giữ trẻ em cho những gia đình quen, hoặc không quen, tới lúc cả hai đã lớn, thằng anh đã đi làm, đã có thể nuôi được em được mẹ, tới lúc đó, bà lại phải đổ thật nhiều nước mắt, để khóc đứa con tử trận.

 Khi anh định viết về những chuyện đó, chắc là anh đã lập gia đình (đã yêu thương một người đàn bà), đã có con (đã có hai con, một trai, một gái), và như một kinh nghiệm của một nhà văn nước ngoài mà anh đã đọc và ngưỡng mộ (W. Faulkner), khi đó, bởi vì anh cần chút tiền để trả chút nợ, hay để mua cho vợ anh một chiếc áo mới nhân dịp sinh nhật, mua đôi giầy, đôi dép cho hai đứa nhỏ, chỉ vì chút nhu cầu tầm thường đó mà anh viết. Tất cả những nhu cầu nhỏ mọn chẳng liên quan gì đến văn chương, và cũng chẳng liên quan gì tới những nỗi đau khổ mà gia đình anh đã trải qua đó, đã xui khiến anh viết, đã cho anh thêm chút can đảm để bỏ một cuộc vui, một cuộc tụ tập với đám bạn bè nơi nhà hàng, quán nước (cái không khí túm năm tụm ba đó lúc nào mà chẳng toát ra một vẻ quyến rũ), đã cho anh thêm một chút sức mạnh để chống lại những giấc ngủ lết bết, chống lại sự lười biếng làm tê liệt mọi dự tính: anh sẽ viết về những gì thật nghiêm trang (những cái gì từa tựa như là là ý nghĩa về đời sống, cái chết, chiến tranh...) chỉ vì những nguyên nhân thật tầm thường giản dị, và đem tập bản thảo đi gạ bán cho một nhà xuất bản.
Mộ Tuyết

"Ah," Mr. Compson said. "Years ago we in the South made our women into ladies. Then the War came and made the ladies into ghosts. So what else can we do, being gentlemen, but listen to them being ghosts"

Ui chao, chẳng lẽ sư phụ của Gấu, đã tiên tri ra được, cảnh tượng, mấy bà vợ sĩ quan VNCH lặn lội đi thăm chồng, như những hồn ma lẽo đẽo, chàng ở đâu, thiếp ở đó?
Và nếu như thế, Faulkner đi tìm Gấu, hay là Gấu đi tìm Faulkner?
*
Borges trả lời giùm Gấu: Học trò khám phá ra Thầy, không phải Thầy khám phá ra trò:

Sự thể là, mỗi người viết sáng tạo ra những tiền thân của riêng người đó. Tác phẩm của anh ta sửa đổi quan niệm của chúng ta về quá khứ, như là nó sẽ sửa đổi tương lai.
Những Tiền Thân của Kafka
*
Bài của Likhachev, “Phẩm tính trí thức”, là bài rất có ích cho các nhà văn. Tôi đặc biệt chú ý đến đoạn nói về cách sống và phong độ của giới trí thức Nga, cũng như đoạn về nhà văn Solzhenitsyn. Không trách gì nhiều nhà văn nước ta (chứ không phải là nhà văn “ở ta”) trước đây mê văn học Nga đến thế. Mà mê là đúng, vì họ lớn quá. Sang trọng. Tôi thiết nghĩ các nhà văn gốc miền Nam và ở hải ngoại nên tìm đọc thêm về văn học và lý luận văn học Nga. Biết bao nhiêu điều để học, sao cứ đọc hoài Frost với lại Faulkner. 
Điềm