Hà Nội, Thiệp và Gấu (5)


Milosz viết về thích nghi, với nhà văn lưu vong:
Sau nhiều năm lưu vong, chúng mình bèn tưởng tượng đời mình như thế nào, nếu chẳng lưu vong.

Khi đọc một số nhà văn "Bắc Kỳ", sau 1975 lúc còn ở Sài Gòn,  và sau này, khi ra được ngoài này, Gấu tôi vẫn thường tưởng tượng, nếu mình ở lại, và nếu mình may mắn, trở thành nhà văn, mình sẽ ra sao; nghĩa là sẽ..  biết ơn Đảng, như Nguyễn Khải chẳng hạn, sẽ tin tưởng hết mình vào cuộc chiến đấu thần thánh chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, và như vậy chắc chắn sẽ ngỏm củ tỏi, như Nguyễn Thi,  sẽ...  sẽ...

Bởi vì đọc họ, Gấu đều nhận ra, một phần nào của Gấu-nếu-ở-lại.
Theo cái kiểu mà Montaigne phán:
Tôi thường nghe người ta nói, hèn nhát là mẹ độc ác.
[I have heard it said that cowardice is mother of cruelty].

Montaigne là nhà văn Tây. Câu [dịch ra tiếng Anh] của ông, là đề từ một bài viết của nhà thơ Nobel, Octavio Paz, về nhà văn Nga Solzhenitsyn, Nobel văn chương, "Hãy coi trường hợp Solzhenitsyn: Bụi Sau Bùn"
trong tuyển tập tiểu luận "Về Thi Sĩ và Những Người Khác" [nhà xb Arcade, ấn bản1990]. Trong tuyển tập này còn một bài nữa, viết liền sau bài về Sol., đó là "Gulag: Giữa Isaiah và Job". Gấu tôi xin trích đoạn, một vài nhận định của Paz, về Sol, và từ đó, chúng ta "liên tưởng" tới một số nhà văn miền bắc, trong có Thiệp.

Có một điều thật lạ, Liên Xô là cái nôi của cách mạng vô sản, và đa số nhà văn miền bắc từng đã được qua đó. Rất nhiều người trong số họ là những chuyên gia về văn học Nga, nhưng  Gấu tôi thật sự ngạc nhiên, đọc những nhà văn miền bắc, họ tỏ ra rành về văn học Nga, nhưng chỉ là phần nổi. Phần chìm, phần "dưới hầm", chẳng người nào "dám", Gấu tôi suy nghĩ như vậy. Bởi vì, họ không hề đọc Mandelstam, Anna Akhmatova... chưa hề nhắc tới, dù chỉ một lần, Solzhenitsyn, Brodsky....

Dương Tường phán, nhà văn chúng ta dốt quá.
Gấu tôi chỉ xin nối điêu: Vì không chịu đọc "những ông thầy của họ, và của cả thế giới", là những nhà văn Nga.

****


Ðến Bảo Ninh thì khác hẳn, lần đầu tiên chiến tranh được soi nhìn qua số phận của một cá nhân.
Nguyên Ngọc

Có lẽ phải nói, đến Nỗi Buồn Chiến Tranh, văn học miền bắc mới có anti-hero, phản anh hùng.
Bảo Ninh, trong Nỗi Buồn Chiến Tranh, tôi đọc đã lâu, nên chỉ nhớ đại khái, đã cho nhân vật của mình phát biểu, về một đấng ăn xin XHCN, ở hè đường Hà Nội: Người ta không dạy tụi này - những 'chúng ông' đã sa cơ thất thế - cách ăn xin.
Nhận định của BN làm tôi nhớ tới nhân vật Độc Cô Cầu Bại, trong chưởng Kim Dung. Khi Lệnh Hồ Xung hỏi sư tổ Phong Thanh Dương, tại sao những đường kiếm của Độc Cô Cầu Bại chỉ có công mà không có thủ, PTD trả lời, mi không thấy biệt hiệu của ông ta hả, Độc Cô Cầu Bại, chỉ mong bại một lần mà cũng không được, thì cần gì thủ?
Chủ nghĩa Cộng Sản cũng tự cho nó là vô địch, bách chiến bách thắng, làm sao lại phải dậy cái chiêu thức ăn mày, ngửa tay xin ăn?

Từ đó, tôi suy ra một điều, miền bắc không làm sao đọc nổi văn học lưu vong, nhất là thứ lưu vong ở ngay tại chính quê nhà của mình.
Có thể liệt kê ở đây, một vài thể loại văn chương, miền bắc không dung nạp được:
-Văn chương dưới hầm, thí dụ như văn chương Nga thời kỳ Stalin.
-Văn chương lưu vong, lưu vong theo nghĩa của Joseph Brodsky: Lưu vong chỉ dậy cho chúng ta được một bài học: Sự tủi nhục.
-Văn chương "chẳng tải" gì cả, thí dụ như của Virginia Woolf chẳng hạn, hay là gần đây nhất, của Lê Minh Hà, thứ văn chương đã khiến một nữ văn sĩ ở trong nước "nổi giận". [Lạ một điều, bạn có thể không ưa tác phẩm của một nhà văn, và vứt nó vào thùng rác, nhưng tại sao lại "nổi giận"? Với tác phẩm, hay là với tác giả của nó?]
Văn chương "miệt vườn" [miền nam Việt Nam], thứ văn chương nhất định không khoác lên nó, bất cứ một ý thức hệ nào, và có thể, bất cứ một định nghĩa nào!
Chắc là còn nhiều.
Trong bài viết về Nguyễn Huy Thiệp, tôi đã đưa ra gợi ý:

Sở dĩ NHT được độc giả sùng bái, rồi lại được độc giả đem ra làm thịt, có thể là do ông lựa chọn thứ văn học chỉ chăm chăm viết cho đám đông, hoặc do cái phần đất đó chỉ chuộng một thứ văn chương như thế, một thứ nhà văn như thế, cũng nên?

Trên đây là những "cái thiếu, cái yếu" của văn học VN ở trong nước. Nhưng yếu nhất, theo Phạm Thị Hoài, là tự kiểm duyệt, tự trói chính mình. Không dám la lớn, "Kìa, Ông Vua Cởi Truồng!", như Phan Nhiên Hạo viết.
Nhưng PTH, PNH, thì cũng phải đợi ra đến hải ngoại. Tôi không dám nói, họ sợ. Nhưng nói ở trong nước, thì cũng chẳng tới tai một ai, có lẽ vậy.

Trên tờ Điểm Sách Nữu Ước, NYRB số đề ngày 10 tháng Sáu, 2004, Orlando Figes điểm hai cuốn sách mới xuất bản, viết về nhà soạn nhạc lớn lao của Liên Xô, Shostakovich [một nhân vật được coi là li khai, chống đối chế độ...], cho biết, Shos. đã từng ký tên trong danh sách
đăng trên tờ Sự Thật., tố cáo nhà bác học nguyên tử của Nga, Andrei Sakharov.
"Không ai bắt ông ta phải làm như vậy." Bạn của Shos, Lev Lebedinsky nhớ lại.  Và tác giả bài viết giải thích: Đây không phải hành động của một con người phản kháng, như ông đã từng, mà của một con người sống quá lâu trong nỗi sợ hãi.
Hai mươi năm sau khi Stalin mất, ông ta vẫn còn sợ Ông Trùm Đỏ!

1954. Những ngày đầu kinh ngạc bỡ ngỡ, cố làm quen Sài Gòn. Thằng nhỏ mồ côi cha, một mình lủi thủi xuống tầu, bỏ lại thành phố vừa kịp yêu mến. Tiếng còi mười giờ chạy dài trên con phố Tràng Tiền, tiếng còi đuổi theo thằng nhỏ tới tận con tầu khổng lồ. Ngơ ngác nhìn biển lạ lần đầu. Cơn say sóng dật dờ. Ngay cả trong giấc mơ, thằng nhỏ vẫn còn trông thấy thấp thoáng đâu đó, những trái sấu vàng vương vãi trên con đường từ hồ Halais tới nhà trường gần bên Bờ Hồ. Vẫn đứa trẻ lớn lên tại Sài Gòn nhưng lúc nào cũng ngây thơ, cứng đầu, khăng khăng mặc cả cùng quá khứ, nỗi mất mát chỉ có thể đền bù bằng một tình yêu lớn lao đầu đời:
"Anh yêu em bởi vì anh yêu Hà Nội". Ôi những cái "bởi vì" ngông cuồng đáng yêu của một thời thơ dại.
Lần cuối Sài Gòn

2000. Trở lại đất bắc, Hà Nội, sau hơn nửa thế kỷ xa cách, trong túi có hai địa chỉ, cùng số phôn, của ông cậu và của NHT, một cách nào đó, chính địa chỉ của NHT lại là giọt nước làm tràn cái ly "trở về". Mơ hồ, tôi nhận ra một điều, về đi, chắc là sẽ không bị thất vọng.
Điều gì làm tôi mơ hồ nhận ra như vậy? Có thể là do đọc LMH.