Hà Nội, Thiệp và Gấu (3) 

Ông viết như vậy, tụi nó làm thịt tôi đấy.
Vả lại, cũng chỉ do thương mình, thương người mà viết, chứ có ghê gớm chi đâu.

 Đó là lần thứ nhì về lại Hà Nội. Vô ngã Lào, cửa khẩu Cầu Treo Đường Số Tám. Tới Nghệ An. Huớng Sài Gòn. Qua quê hương Bình Định của Võ Phiến. Qua những địa danh hiển hách một thời: thời chiến...

"Anh đang ở Đà Nẵng. Ghé tiệm net, mail vội vài chữ..."
Nhớ...  Quả là có nhớ, nhất là những dòng mail đầu, mới ngày nào mà đã ba bốn năm rồi... 

"... Anh đừng gửi zip vì em không biết mở, hơn nữa lang thang khắp nơi, xa nhà, em không tiện đọc. Em mong anh gửi cho em text.doc để em in luôn ra và đọc một cách dễ dàng hơn, em rất mong như vậy."
"...Anh có khỏe không? Có gì vui không? Anh vẫn thích nghe Kenny G. và Yanni? Em sẽ gửi cho anh tập thơ của em; đầu tiên dem định lấy tựa... nhưng bây giờ em đặt là... Em gửi cho anh ba bài thơ mới nhất nhé, anh đọc để chia sẻ với em."
"Thỉnh thoảng, em vẫn nghĩ đến anh và nhớ anh rất hóm và gần gũi."

Anh vẫn thích nghe Kenny G và Yanni?
Làm sao không "vẫn"?
Nhưng có lẽ cũng phải tự hỏi chính mình: Anh mê Kenny G và Yanni từ hồi nào, và nó có liên can gì tới Hà Nội, tới... em không? 

Gấu tôi vẫn mê nghe nhạc, nhất là tiếng đàn dương cầm, chơi solo, không lời. Nhờ tiếng dương cầm Gấu gặp lại Hà Nội.

"Suốt khoảng phố gần trường toàn nhà một tầng cửa gỗ lùa lọt vào một nhà cửa sổ chấn song sắt luôn mở rộng. Có một lồng chim ngày nào đi học tôi cũng thấy treo phía ngoài. Chim gì chẳng đẹp. Trông như mớ cỏ rối. Nhưng tiếng hót thì trong veo. Trong. Và phấp phỏng như nắng thu đang do dự rây qua ngàn vạn lá xuống phố. Nhà ấy không bán hàng. Có những đứa trẻ ăn mặc đẹp hơn tôi, chân đi dép nhựa ra vào. Chúng đến đó học đàn. Chúng làm tôi tủi thân nhiều hơn là thẹn. Có một lần tôi bị tụt quai dép cao su và tôi chẳng còn cách nào hơn là lếch thếch xách cả dép lẫn cặp nhón nhén đi bộ trên hè phố trước mặt chúng nó. Từ ngôi nhà chúng ra vào bay ra những hợp âm thô kệch, lập cập. Thua tiếng hót của con chim giống như nùi cỏ rối. Tôi có cả một bầu trời mùa thu thanh tĩnh, cả tiếng chim kia, cả mặt phố thâm nghiêm trong bóng lá, và nắng, và gió. Nhưng không hiểu sao tôi cứ buồn buồn khi nghe tiếng dương cầm vang lên lập cà lập cập dưới ngón tay bọn trẻ con không quen biết. Cảm giác này theo tôi đến tận giờ và tôi không bao giờ muốn lý giải."
[LMH: Những giọt trầm]. 

Ôi chao, những kỷ niệm 'mang tính thanh âm' của tôi, về Hà Nội, không phải là tiếng dương cầm, mà đúng là tiếng guốc đó.
Ôi chao, những "lập cập, thô kệch, lếch thếch,, nhón nhén.... ", đúng là tả...  Gấu tôi, những ngày nào, Hà Nội. Tuy 'đàn ông con trai', nhưng do nhà nghèo, đi học không dép, mà chỉ guốc. Ôi, tiếng guốc lạch cạch trên nền gạch lớp mới trơ trẽn làm sao, tại cái trường trung học Nguyễn Trãi trên phố Huế đó.
"Chúng làm tôi tủi thân nhiều hơn là thẹn."

Nhưng sao tiếng guốc lạch cạch bỗng biến thành tiếng dương cầm lập cà lập cập, điều này, Gấu tôi không lý giải nổi, hay nói theo LMH, " không bao giờ muốn lý giải".

Ôi chao, làm sao lại có những dòng văn đẹp như thế, về Hà Nội sau 1954. Nghĩa là sau hình ảnh - giống như một lời nguyền - về những tội ác, sẽ xẩy ra, sau đó, "Tôi bước đi, không thấy phố, không thấy nhà, Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ":

":... Và phấp phỏng như nắng thu đang do dự rây qua ngàn vạn lá xuống phố." 

Liệu có phải đây là điều thi sĩ Brodsky muốn nói, về "ấn tượng" ảnh, khi trích dẫn Susan Sontag, trong một bài viết về thành phố bị đổi tên [A guide to a Renamed City]:
Sở hữu thế gian qua hình ảnh đúng là tái kinh nghiệm tính phi thực và lãng đãng của cõi thực.
[To possess the world in the form of images is, precisely, to reexperience the unreality and the remoteness of the real. Susan Sontag: On the Photography].

Một cách nào đó, Gấu tôi hiện đang "tái kinh nghiệm" tính phi thực, và tính đãng đãng xa vời vượt khỏi tầm tay của...  Hà Nội, qua những hình ảnh, những con chữ, của HT, và của LMH...
 

Hãy Trở Về Với Đàn Cừu Của Mi.
Tôi có đọc, hình như trên talawas, một bài phê bình Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu. Tác giả bài viết chú ý đến,  không phải nội dung cuốn tiểu thuyết, mà những đề từ ở mỗi chương đoạn, rồi khuyên độc giả, nên đi mua cái túi khôn chứa đựng những lời trích dẫn đó, thay vì mua cuốn tiểu thuyết.
Nabokov đã từng khuyên, đừng tìm những chi tiết lịch sử ở trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử (1).  Muốn có những tri thức về sử, thì tìm những cuốn sách sử. Muốn học khôn, tìm sách dạy làm người. Muốn giải trí, thì đọc Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu. Còn muốn làm nhà phê bình, thí dụ vậy, thì tự hỏi làm sao, cái thằng con nít đó, đọc thấy cái tin ông bố chết, và ngộ ra, và quay lại với đời sống, thay vì huỷ bỏ nó.
Và cái chi tiết về tin bố chết đó có liên can gì đến câu trích dẫn, là câu nói của César, với thằng con: Cả con nữa, con cũng thịt bố của con à? 

Chú thích: (1). "Liệu có người nào ngây thơ đến độ tin rằng có thể làm tăng những kiến thức về những gì đã qua, ở trong những cuốn tiểu thuyết lịch sử gáy mạ vàng của những câu lạc bộ sách? Nhưng còn những tác phẩm lớn văn học? Liệu bạn tin những gì liên quan tới giới địa chủ Ăng Lê được miêu tả trong những tác phẩm của nữ văn sĩ Jane Austen, là 'thực như đếm', trong khi bà chỉ quanh quẩn ra vào, ở trong phòng khách, của một vị mục sư?" [Nabokov: Độc giả tốt, nhà văn tốt, bản tiếng Pháp của Hélène Pasquier, Bon lecteurs et bon écrivains, trong Văn Học I, Tủ Sách Bỏ Túi, Tiểu Luận] 

Liệu có thể nói, lời cầu mong của Trần Dần đã trở thành hiện thực, tôi đợi bọn trẻ chôn tôi?
Ông bố của cháu Khuê trong THMYD có thể dõng dạc phán: tôi đợi con tôi chôn tôi.
Và đó là ý nghĩa của Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu? 

Đề tài con giết cha là nhà có phúc, là một đề tài lớn của văn học thế giới, với cả một bộ lạc Hamlet. Trong Con Gái Viên Đại Uý, của Pushkin, có đoạn kể, ông con sĩ quan bị ông bố tống ra tiền đồn heo hút; trên đường đi, gặp trùm cách mạng nhân dân, Pugatsốp, mê quá, đem cả ông trùm này vào trong giấc mơ, trong giấc mơ đó, cha ruột của viên sĩ quan trẻ bịnh, anh đến bên giường vấn an, nhìn bố hoá ra là ông trùm cách mạng nông dân! (1).

Có bao nhiêu đảng viên thân thương của Đảng chỉ mong bố ruột của mình, là... Lênin, hay Stalin?

Chú thích: (1) Đây là đoạn miêu tả giấc mơ: "Tôi lo lắng nhảy xuống xe và thấy mẹ tôi đứng đón tôi ở nơi bậc thềm, vẻ buồn rầu vô hạn. Người bảo tôi: Khẽ chứ, cha con ốm nặng, sắp qua đời rồi, đang mong gặp con lần cuối cùng đấy..." "Ồ, sao thế này?... Hóa ra đây không phải là cha tôi: người nằm trên giường là một nông dân để bộ râu đen, đang vui vẻ đưa mắt nhìn tôi. Tôi bàng hoàng quay lại phía mẹ tôi nói: "Như thế nghĩa là thế nào? Đây có phải cha con đâu? Tại sao con phải đến cho một lão nông dân ban phước? Mẹ tôi đáp: Cũng thế thôi con ạ, đây là cha chủ hôn của con đấy..."...  Tôi một mực không chịu. Lúc đó, người nông dân từ trong giường chồm dậy, với tay lấy một cái rìu ở sau lưng ra, và bắt đầu vung lên tứ phía... gian phòng đầy xác chết; tôi cứ vấp vào những thây ma và trượt chân trên những vũng máu nhầy nhụa... Người nông dân kinh khủng kia ôn tồn gọi tôi lại nói: "Đừng sợ, lại đây ta ban phúc cho..."
[A. Puskin, Tuyển tập văn học, nhà xb Văn Học, Hà Nội, 2001]
Gấu tôi không dám để cho trí tưởng tượng của mình đi quá đà, sợ căn phòng kia biến thành một xứ sở đầy những thây ma, và tên nông dân kia biến thành vị chủ hôn, cho một cuộc hôn nhân cưỡng ép, giữa hai miền đất.

Báo Văn Học Pháp, Magazine Littéraire, số tháng Hai, 2004, đặc biệt về phân tâm học và văn học, qua bài viết "Hamlet đã giết bố của mình", Pierre Bayard lập luận: Không phải Oedipe, mà hoàng tử Hamlet mới đúng là "người của Freud", biểu tượng của mặc cảm tuổi thơ [complexe enfantin]. Người ta thường cho rằng, bị ám ảnh bởi cái chết do bị ám sát của cha, và bởi sự tái giá của người mẹ, Hamlet kêu gào sự trả thù một cách vô ích và bất lực. Nhưng ai là kẻ giết vua Elsenseur, cha của Hamlet? Không phải ông chú độc ác và là kẻ dụ dỗ bà hoàng hậu, tức mẹ của Hamlet. Kẻ sát nhân chính là Hamlet! Tại sao? Tại vì ông bố đã dụ dỗ  Ophélie, vợ chưa cưới của con trai mình, là Hamlet.
Pierre Bayard đề nghị  một cây cầu nối kết phân tâm học và văn học, đọc cái này qua tấm gương của cái kia, và ngược lại. Như Freud trong Cắt Nghĩa Mộng, Bayard tìm cái thiếu hụt, sự câm nín, điều không nói [non-dits], điều không thể [impensés], trong một tác phẩm.

Milosz, trong một bài viết về Pasternak, cho rằng, người đọc thật khó cưỡng lại ham muốn trộn lẫn số phận của hai nhà thơ Nga, Mandelstam và Pasternak, một chết trong trại tập trung và một sau cùng sống sót. Một may, một rủi. Nhưng, chữ tài liền với chữ tai, theo Milosz, trong thơ Mandelstam, có một cái gì giống như tiếng đàn của Thuý Kiều, đã tiên đoán phần số của ông. [Có một cái gì đó, trong thơ Mandelstam, được cấu trúc một cách thật là trí thức, giống như một thứ bùa chú, yểm lên nhà thơ. And yet there is something in Mandelstam's poetry,intellectually structured, that doomed him in advance].
Chính những lời chúc mừng, xen lẫn lo sợ cho NHT, khi ông vừa xuất hiện, như đã tiên đoán, những vùi dập mà ông đang gặp phải.
Chúng ta hãy đọc lại Những Ngọn Gió Hua Tát, là thấy cái gọi là được cấu trúc một cách trí thức, giống như một thứ bùa chú, yểm lên NHT.
Có vẻ như giữa NHT và Nguyễn Chí Thiện, có gì na ná như Mandelstam và Pasternak. NCT, do lựa chọn vận rủi, là trại tù, nên sau cùng lại sống sót.
Còn NHT? Số phận nào ông đã lựa chọn cho ông: Thôi đành thuận buồm thuận gió? Hay là....

Nên nhớ, Milosz, và trước đó, Nabokov, cả hai đều coi Pasternak là một nhà văn Xô Viết.