*

2
3
4



Lại Nói Về Bất Hạnh

“Bằng mọi giá, cố mà tránh, đừng ban cho mình cái thế giá là một nạn nhân. Trong tất cả mọi phần của cơ thể, khốn nạn nhất, là ngón tay trỏ. Nó lúc nào cũng  thèm chỉ vào một ai, một điều gì đó, để mà buộc tội, để mà ăn vạ. Nó đúng là cái logo của nạn nhân, nghịch hẳn lại chữ V, tượng trưng cho chiến thắng [victory].
Cho dù tình cảnh bạn thê thảm, thê lương, khốn khổ, khốn nạn tới cỡ nào, đừng bao giờ ban cho mình cái đặc ân, là một nạn nhân. Và nhất là đừng ăn vạ bất cứ ai, bất cứ chuyện gì, bất cứ điều gì: lịch sử, nhà nước, cấp trên, cha mẹ, tuần trăng, tuổi thơ, đi tiêu, đi tiểu...".
Trên đây là những lời tâm sự của Joseph Brodsky, nhà thơ Nga, Nobel văn chương, với những sinh viên Đại Học Michigan, vào năm 1988.

Đọc những dòng trên, Gấu tui lại nhớ khi ở trại tị nạn, lần gặp phái đoàn thanh lọc, đã bằng đủ mọi cách, chứng minh cho được, và được thật, nghĩa là được công nhận, là một nạn nhân của Cộng Sản!
Sau này, cứ mỗi lần đọc, nghe bất cứ ai, viết, nói đến bất hạnh, tủi nhục… của miền nam cộng hoà, là cảm thấy gai gai, cứ như bị cười đểu, bị một ngón tay trỏ dí ngay mặt, mày là một thằng nạn nhân Cộng Sản!
Đành rằng, không khai thế, làm sao đậu, nhưng đậu xong rồi, tái định cư nước người rồi, lâu lâu, thỉnh thoảng lại cảm thấy nhói một cái.
Thấy thảm quá, nhục quá!
Tại làm sao mình khốn nạn như thế, là nạn nhân của chủ nghĩa khốn nạn như thế?

Brodsky, vẫn Brodsky, trong bài viết Chiến Lợi Phẩm, được in trong tập tiểu luận Về Khổ Đau và Trí Tuệ, đã viết, bằng một giọng têu tếu - một tiểu luận, cổ điển về hình thức, nhẹ như bông, như Coetzee khen ngợi - nhưng đôi khi nhức nhối, về thời trẻ của ông, còn đọng lại qua những hình ảnh của Tây Phương, những chiến lợi phẩm, thí dụ như những chiếc hộp sắt đựng thịt bò, những chiếc đài la dô làn sóng ngắn cũng như những phim ảnh và nhạc jazz. Như những sự kiện lịch sử trở thành những huyền thoại tuyệt vời, về sự giao lưu giữa các nền văn minh - Con Đường Tơ Lụa, Con Đường Hồ Tiêu... - chúng, những dấu ấn của văn minh Tây phương kia, lọt qua phía bên kia Bức Màn Sắt, và đem ý nghĩa về một Phương Tây tới những người dân Nga. Thú vị hơn, Brosdky nhớ lại, những hộp sắt, sau khi ăn xong ruột, người dân Nga sử dụng làm bình cắm bông, hoa, chuôi, cán dao... và, thừa thắng xông lên, Brodsky cho rằng, chính những người dân Nga thế hệ của ông, mới là những người Tây Phương thực sự, và có lẽ độc nhất, "the real Westerners, perhaps the only ones".
Tôi cho rằng, chúng ta cũng có thể thừa thắng xông lên cùng với nhà thơ Nga, Brodsky, Nobel văn chương, và hùng dũng tự hào, rằng, văn học miền nam trước 1975, "một văn học thực sự và có lẽ độc nhất".
Và tôi bỗng nhớ tới một câu cảm thán của một nhà thơ ở trong nước.
Theo ông, có hai thời kỳ văn học thật tuyệt vời, là thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn, và thời kỳ 1960 "của các anh"..., "nhưng viết riêng cho anh vậy thôi. Anh đừng nói lớn, sợ tụi nó lại bảo tụi này tính vực dậy những xác chết!"
Thành thử những tủi thân, tủi nhục, những bất hạnh, những "văn học là được viết bởi kẻ chiến thắng"... sợ rằng không thể áp dụng cho văn học miền nam trước 1975. Cái sự ăn cắp, chôm chĩa của những kẻ thắng trận, như đầy rẫy khui ra từ các báo trong nước, cho thấy, đòi hỏi công bằng không phải là chuyện của văn học miền nam, của những nhà văn miền nam.
Nói như vậy không phải để khoe hơn, khoe tài, nhưng quả là rất phi lý khi cố giành giựt cho được, bất hạnh cho miền nam, chỉ vì nó đã thua trận.

"Urbi et orbi"
"To the city and the world"
"Xin được gửi tới thành phố và thế giới". (1)
[Brodsky: Diễn văn Nobel văn chương]
(1): Thành phố ở đây, là La Mã

Cũng lại vẫn Brodsky, đã mở đầu bài diễn văn Nobel, bằng cảm giác không được thoải mái, và kinh nghiệm chẳng thú vị của ông - vốn là một người thích một cuộc sống riêng tư - phải chường ra trước đám đông, khi đứng nhận giải thưởng.
"Nhưng cái cảm giác khó chịu đó còn tăng thêm lên, không hẳn là do nghĩ tới những người đã đứng đây trước tôi, mà là những người mà vinh quang bỏ sót họ, những người không có cái may mắn đứng đây để mà gửi lời tới "thành phố và thế giới" - "urbi et orbi" - những người mà sự im lặng tích luỹ, liên luỷ của họ, là để tìm mà chẳng có kết quả, làm sao nói với thành phố và thế giới, thông qua diễn đàn này."
Brodsky sau đó, nhắc tới những nhà thơ như Osip Mandelstam, Marina Tsvetayeva, Anna Akhmatova, đều xứng đáng đứng ở đó, nhưng đều bị chế độ Cộng Sản Nga, hoặc sát hại, hoặc đẩy đến tự huỷ diệt...

Đó mới là nỗi bất hạnh của chúng ta, không thể nói thay cho những người đã nằm xuống...

Thành thử cái hình ảnh tuyệt vời "Tìm Sông", mà nhà thơ Trần Trung Đạo ví von, và trân trọng gán cho văn học miền nam, thật sự không hợp. Trong quá khứ, nó đã chẳng phải tìm sông, mà cứ phơi phới đường ta ta cứ đi. Trong tương lai, chỉ sợ nó cảm thấy bất hạnh, tủi nhục đến không thể nhập vào dòng chính của thiên hạ, thì là lỗi ở nó, chứ đừng có ăn vạ bất cứ một ai.

"Bởi vì họ sinh ra và lớn lên tự do, trước khi có cái mà tụi khốn nạn kia - chữ của Brodsky: đám cặn bã ngu si đần độn, the witless scum - gọi là Cách Mạng. Với  những người như cha mẹ tôi, và những thế hệ tiếp theo, nó là Nô Lệ".

Brodsky, vẫn nhà thơ Nga, Nobel văn chương, trong Thư Mẹ [mượn chữ của Võ Phiến, Thư Nhà], viết về ông via bà via của ông, đã viết bằng tiếng Anh, tức là cái thứ tiếng mà hai vị không đọc được. (2)
Hãy nghe ông giải thích:
Để ông cụ bà cụ được ngửi mùi thức ăn, từ bếp hàng xóm! [mượn hình ảnh của PTH].
Thực sự, ông nói, đây là thứ tiếng nói của tự do.
Và giải thích thêm, cứ giả dụ như tôi viết bằng tiếng Nga, tụi khốn nạn kia cũng đâu có đưa cho hai cụ đọc?
Ôi chao mấy ông mũi tẹt đọc tới đây, có khi lại phán, thằng này mất gốc rồi, sao lại cho nó Nobel?

(2) Tôi viết Thư Mẹ [In a Room and a Half, Trong Căn Phòng Rưỡi, là tên bài viết của ông] bằng tiếng Anh, là bởi vì tôi muốn ông bà được hưởng một tí tự do [nguyên văn: to grant them a margin of freedom], một tí đó còn tuỳ thuộc con số người đọc nó. Tôi muốn [cha mẹ tôi] Maria Volpert và Alexander Brodsky nắm bắt được thực tại dưới "mẫu tự ngoại về lương tâm" [a foreign code of conscience]... Tuy làm vậy cũng đâu làm cho ông bà tái sinh, nhưng văn phạm tiếng Anh ít ra cũng chứng tỏ được một điều, đó là còn đường giải thoát tốt đẹp hơn, từ những ống khói nhà hoả táng của nhà nước, so với thứ văn phạm tiếng Nga.
Viết bằng tiếng Nga là làm cho ông bà cảm thấy vẫn như còn bị nhốt ở trong nhà tù...

Tôi nghĩ rằng, văn học hải ngoại Việt Nam, cho dù vẫn viết bằng tiếng Việt, phải đem đến cho người đọc ở trong nước một tí tự do, như là Brodsky viết.
2