Đọc Thư Thầy

Thầy Phú là thầy dậy toán của Gấu, năm học Đệ Nhất B.8 Chu Văn An, khi nhà trường còn ăn nhờ ở đậu trường Pétrus Ký, nơi miếng đất kế bên, sau nơi này trở thành Trung Tâm Học Liệu.
Bây giờ, về già, Thầy lại ban cho thêm một bài học nữa.

Năm học Đệ Nhất đó, thật là tuyệt vời.
Nhờ nó, Hai Lúa quen bạn Chất. Anh dẫn về nhà, lâu lâu cho Gấu tá túc, mãi cho đến khi tốt nghiệp, đi làm, có đồng tiền, khi đó mới đón bà cụ, đang làm chân giữ em, làm bếp cho một gia đình quen, và luôn cả thằng em trai cũng ở chung với bà cụ, về, mướn căn nhà, ba mẹ con đùm bọc.

Gấu có một kỷ niệm cũng thật là tuyệt vời về thầy Phú.
Thầy dậy môn hình học. Đệ Nhất B, năm cuối cùng của hình học phẳng, học toàn những thứ "tuyệt tuyệt": cônic, nghịch đảo, hàng điểm điều hòa, vòng tròn trực giao, vòng tròn 9 điểm [còn gọi là vòng tròn Euler], chùm vòng tròn....
Gấu do mê toán, thường là thầy giảng tới đâu, biết tới đó, nhập tâm luôn. Có khi còn biết trước... thầy!
Lần đó, thầy Phú dậy một bài học đã từng dậy nhiều lần, do phụ trách nhiều lớp. Do quá ỷ y chắc vậy, thầy không coi lại, và bất ngờ, thầy... bí. Gấu bèn nhắc thầy.
Bữa đó, cả lớp trố mắt nhìn Gấu. Còn thầy, gật gù, ra ý, thằng này khá!
Gấu còn nhớ, năm đó, rất nhiều cu cậu thi rớt Tú Tài 2, vì câu hỏi định nghĩa hai vòng tròn trực giao.
Câu này có một cái bẫy. Hai vòng tròn trực giao là hai vòng tròn nằm trong cùng một mặt phẳng, tiếp tuyến ở tiếp điểm thẳng góc với nhau.
Đa số rớt vì quên cái mẩu "cùng nằm trong một mặt phẳng"!
*

Nhân thư của thầy cũ, Gấu nhớ tới trường hợp ông thầy toán của Steiner.

"Tôi lấy cử nhân trong một năm, và rồi tôi phải đi gặp một chức sắc được gọi là cố vấn cho sinh viên tốt nghiệp, về chuyện học khoa học. Một chức vị lạ hoắc đối với Âu Châu. Ông này là một tổ sư toán, tên là Kaplansky. Sau khi đọc thật kỹ những bài thi của tôi, ông phán, 'Nói theo tính cách kỹ thuật, anh là một thằng ngu; anh chẳng biết gì hết. Cái học Âu Châu ghê gớm của anh cho thấy, anh học thuộc lòng mọi thứ, nhưng chẳng có một tia lửa nào bắn ra, nếu nói về một hiểu biết tiến trình toán học - nó cho phép anh xứng đáng bước vào khoa học.'".
Tôi chẳng bao giờ tha thứ cho ông ta, và nhiều năm sau đó, tôi xoay sở đăng được một bài viết nho nhỏ về lịch sử một vấn đề mang tính toán học, trên tờ Tự Nhiên (Nature), một tờ báo khoa học tối thượng trên thế giới, và gửi nó tới cho thầy Kaplansky, lúc này đã nghỉ hưu.
 -Ông ta có trả lời hay không?
 -Trả lời bằng thư. "Cám ơn ông về bài viết thú vị. Tôi chẳng ân hận gì hết, về cái phần đóng góp của mình, vào lịch sử văn chương."
Tôi thật "mê", câu trả lời.
Steiner trả lời phỏng vấn Paris Review

Nói chuyện học thuộc lòng, Gấu lại nhớ lần thi rớt chứng chỉ Toán Lý Hoá, MPC, tại Đại Học Khoa Học Sài Gòn.
Đậu Tú Tài 2 xong, Gấu thi vô Đại Học Sư Phạm ban toán, học ba năm. Rớt. Bèn ghi tên học MG, Toán Đại Cương. Đến khi thi, nộp giấy trắng ra về, bởi vì, chưa từng nhìn thấy một bài toán đại cương nó ra làm sao, làm sao giải?
Năm sau đó, thi vô trường Quốc Gia Bưu Điện, khóa đặc biệt, dậy cấp tốc hai, thay vì ba năm, ra trường làm cán sự bưu điện. Đậu, nhưng "chê", chỉ số lương nhỏ quá, không bằng kỹ sư, uổng cái bằng tú tài hai. Bèn ghi tên học Toán Lý Hoá.
Dân Toán Đại Cương có coi cái món toán ở MPC ra cái gì.
Quả thế thật.
Kỳ thi đầu, do học gấp thi gấp, thầy dậy môn Hoá Vô Cơ và Hữu Cơ [thầy Khuyến thì phải] phán: tụi bay chỉ cần học môn hữu cơ.
Có tất cả ba môn hóa: Hoá đại cương, do thầy Nguyễn Quang Trình, còn là Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học, phụ trách. Cours của thầy bằng tiếng Tây, thứ tiếng Tây "tối thượng", nào ainsi que, si bien que... Dân học trường Mít chỉ có mỗi một con đường, là học thuộc lòng.
Giờ thi toán, Gấu không cần làm nháp, mười bài cả thẩy, đọc đến đâu làm vô giấy thi tới đó. Ông thầy dậy môn toán dạo một vòng, đến chỗ Gấu đứng lại coi đến bài thứ mười, lắc đầu nói, kỳ hai tao sẽ ra bài khó hơn!
Hoá, ăn trọn điểm, vì thuộc như cháo cả hóa đại cương lẫn hóa hữu cơ.
Đến môn Lý, chổng cẳng.
Lý có ba món: tĩnh điện, động điện và nhiệt học. Thường, nhiệt chỉ học bài học, không ra toán thi bao giờ. Năm đó, thầy giở chứng, ra toán nhiệt. Cả lớp cắn bút. Giáo sư môn Lý đành phải xin ý kiến khoa trưởng cho điểm vớt bằng một câu hỏi giáo khoa. Bởi vì thi ba môn, cho dù hai môn kia dư điểm đậu, một môn ăn trứng, cũng đi luôn!
Khóa 1 năm đó, thi viết, Gấu đậu, qua tới thực tập, rớt, vì chỉ ký tên vô sổ, rồi nhẩy qua tường, kiếm một xó đọc Kẻ Xa Lạ của Camus.
Chi tiết này Gấu đã viết trong "Bữa nay mẹ tôi mất".
Thời kỳ đó, Gấu mới trung học lên, nghe đám cựu sinh viên rỉ tai, môn Hoá Đại Cương là môn bắt buộc, theo nghĩa, năm nào kỳ thi cũng có môn đó.
Hóa ra không phải, chỉ vì thầy Trình làm khoa trưởng, nên năm nào cũng có món ăn chơi này ở kỳ thi.
Khóa 2 năm đó, Gấu tính: toán mình chấp, cho dù khó hơn khóa 1. Lý, chắc chắn điện, vì khoá 1 nhiệt rồi, chấp luôn. Nếu như thế, tại sao cần phải học ôn môn hóa hữu cơ làm gì. Chỉ cần hoá đại cương bắt buộc, là đủ điểm.
Khốn khổ cho Gấu, khóa 2 năm đó, thầy Trình đi dự hội nghị, môn hóa, thầy Khuyến ra đề, hai bài, một hữu cơ, một vô cơ. Gấu tuy hai môn kia đủ điểm đậu, chỉ cần ôn qua hữu cơ, là không bị điểm loại.
Thế là ô hô ai tai!
Ấy đấy, cái tính kiêu ngạo đã hại Gấu như thế đấy!
Đầu năm sau, Gấu tới văn phòng trường Quốc Gia Bưu Điện, xin lại hồ sơ để nạp vô thi sư phạm thêm kỳ nữa. Nhà trường hỏi, đậu rồi, sao lại rút hồ sơ. Nói, cả năm vừa rồi tui đâu có học. Đúng lúc đó, có mặt thầy Trần Văn Viễn, kỹ sư viễn thông mới ở Tây về làm hiệu trưởng, sau ra làm Bộ Trưởng Giao Thông Công Chánh. Ông hỏi, năm rồi học đâu. Thưa thầy, em học MG năm trước, năm rồi học MPC. Ông lôi ngay xuống lớp, ra một bài toán điện, Gấu đi một đường là xong. Ông cười, biểu, tao cho mày bỏ năm đầu, học luôn năm thứ hai, ra trường, kiếm bạc cắc đã.
Có bạc cắc rồi, muốn học thành ông trời cũng được!

Trong những kỷ niệm học liên quan tới toán và thầy toán của Gấu, kỷ niệm với thầy Đoàn Viết Lưu là cảm động nhất. Về già lâu lâu nhớ lại, vẫn thấy bồi hồi. Sướng thật!

Gấu đã kể chuyện này trong bài viết Một Người Anh.

Hồi đó, Gấu ở với ông Hoạt [Hiếu Chân] và bà vợ ông, là chị họ của Gấu, chị Giậu, tại Chợ Vườn Chuối. Đói quá, vả cũng không muốn nhờ vả mãi bà chị, [không lo bà chị, ông anh rể, nhưng ớn bà Thỏa, chị ruột của ông Hiếu Chân], Gấu chỉ tính bỏ học đi kiếm cái gì làm, vì còn bà mẹ và thằng em.
Qua sự giới thiệu của ông anh rể với ông bạn của ông là Lê Văn Tiến, tức Như Phong, Gấu kiếm được chân bồi bàn tại tiệm chả cá Thăng Long, chủ tiệm là bà Hoàng Đạo. Như Phong là em kết nghĩa của Hoàng Đạo, theo như Gấu được biết. Những ngày đầu di cư, ông giữ mục Tin Miền Bắc trên tờ Tự Do, ký là Cô Thần.
Mới đây, tình cờ Gấu gặp ông em ruột của ông, trong chuyến đi Mexico [xin đọc Ẩn đấy hả?].

Lần đó, đang lo đổ mỡ sôi lên dĩa chả cá, Gấu nghe ông khách hừ một tiếng, sợ quá, lại tưởng là mỡ sôi bắn vô khách, ngửng lên tính xin lỗi, thì hoá ra ra ông thầy toán Đoàn Viết Lưu, đi với bà xã. Không phải tại mỡ sôi, ông bị chính thằng học trò của mình, làm giật mình. Sau đó, ông không lấy học phí của Gấu.
Không chỉ vì thương hại thằng học trò nghèo, mà còn sợ tiếc một "thiên tài toán", nếu nó phải bỏ học!
Cái lần thầy Lưu khám phá ra thiên tài toán của Gấu cũng thật là thú vị.

Hồi còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, Gấu ít khi chọn bàn đầu, mà luôn luôn, bàn cuối lớp.
Xóm nhà lá, như tên gọi của nó.
Do đậu trung học khóa 2, đám bạn như NKL, NHH... đậu khoá 1 hết, ba tháng hè học chương trình đệ tam với thầy Lưu, vô năm học, nhẩy lên đệ nhị, bỏ năm đệ tam. Gấu, đậu khoá 2, cũng theo bạn bỏ một lớp. Ở nhà, mượn sách tự học chương trình đệ tam. Nói chung, toán đệ nhị khác hẳn toán đệ tam, nên cũng đỡ lụm cụm.
Lần đó, đang ba hoa chích choè trong xóm nhà lá, thầy Lưu không biết đứng sau lưng từ lúc nào, vỗ vai chỉ lên bảng, trả bài tập thầy ra bữa trước.
Có làm đâu mà trả! Đứng chết trân, may cô bạn cùng học, cô Tâm, ngồi ngay bàn nhất, nhắc cách giải câu số 1.
Trong khi thầy Lưu giảng lại câu 1 cho cả lớp, Gấu làm tiếp câu thứ hai. Thầy vừa giảng xong câu số 1 là Gấu đã giải xong câu số 2, cứ thế cho đến hết bài toán!
Xong xuôi, mừng, thở hắt. Ông thầy từ dưới cuối lớp bước lên, vỗ vai nói, giỏi, giỏi thật, nhưng lần sau, nhớ làm bài tập.
Có thể đó cũng là một lý do để thầy Lưu sau đó thương thằng học trò "cây toán" mà vờ cho cái vụ học phí.
Về cô Tâm, tại sao Gấu vẫn nhớ tên, ấy là cũng có một giai thoại.
Thầy Lưu giảng toán hình học, phép vị tự, phép đồng dạng, thường nói, bây giờ, tôi lấy âm vị tự là điểm này, điểm này... Một lần thầy vừa nói, tâm của tôi là... đám nhà lá có tiếng la lớn, vâng chúng con biết chị Tâm là của thầy rồi!....
Bà xã của thầy Lưu là học trò của thầy, nhưng không phải cô Tâm, mà là một cô Dậu nào đó.

Năm học đệ nhị đó, thầy dậy Việt văn là nhà thơ Vũ Hoàng Chương. Một lần, thầy cho bài luận của Gấu điểm cao nhất, và lôi ra đọc cho cả lớp nghe.
Xong, thầy biểu Gấu:
-Bài của trò chỉ tạm được thôi. Đừng lấy đó mà tự kiêu!

Câu của thầy, sau này, Gấu thường tự thưởng cho mình, mỗi lần có mail của độc giả, chẳng hạn như mail sau đây:

Hi Bac Gau, 
... đọc bài của bác thích lắm bác ạ.
Thư tín
Hay mail này:
Các bài của NQT viết đủ mọi kiểu, hay lắm, với trí nhớ và sự uyên bác… tôi đọc mỗi tuần.

*
Trường Quốc Gia Bưu Điện mở ra khi mấy ông kỹ sư viễn thông như Trần Văn Viễn, Nguyễn Quang [hay Quảng] Tuân, từ Pháp về, nhằm cung ứng cán sự kỹ thuật riêng cho ngành vô tuyến điện bưu điện. Đàn anh của đám Gấu, thí dụ như ông TBT, trưởng đài liên lạc VTĐ quốc tế, là cán sự xuất thân Đại học Kỹ Thuật Phú Thọ.
Gấu kể như đàn anh số 1 của trường phái cán sự kỹ thuật bưu điện.