Ông anh Hiếu Chân

Năm 1986 anh Hiếu Chân (1) ở phòng 11, tôi ở phòng 10 khu ED Nhà Tù Chí Hoà, hai phòng sát vách nhau, có mấy lần ra hành lang xách nước tôi trao đổi được với anh  mấy câu. Anh ấy đứng trong phòng tù, tôi ở ngoài hành lang, cách nhau hàng song sắt. Anh ấy mang theo cái veston, những tháng cuối năm trời lạnh anh ấy suốt ngày bận veston, và hút thuốc lào. Một lần anh ấy nói với tôi: “Lúc ra đi tôi dặn vợ con tôi nhớ ngày này làm giỗ tôi.”
[HHT]

(1) Còn viết dưới tên thật, ngoài đời, là Nguyễn Hoạt. Bút hiệu HC lần đầu xuất hiện trên nhật báo Tự Do, mục Nói hay Đừng.


Gấu về Hà Nội học, thoạt đầu ở nhà ông anh rể Hiếu Chân. Ông lấy bà chị họ, chị Giậu, con bác Cả Hoán.
Gấu biết ông anh rể, khi ông bỏ Hà Nội, những ngày toàn quốc kháng chiến, tản cư [sau gọi là sơ tán] lên Sơn Tây, quê vợ. Ông mang theo món quà - phải nói là lễ vật, tuy muộn, trình diện quê hương nhà vợ, theo đúng truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh: ai đem lễ vật đến trước... - là nghề làm giấy, thứ giấy dó, của quê ông, làng Bưởi. Nhờ vậy, Gấu mới biết, nhân loại làm giấy cho Gấu viết như thế nào, tuy thứ giấy này đen thui, đầy những sợi gai, sợi gân. Rồi những ngày Tây nhảy dù xuống cánh đồng Sơn Tây, lại chạy nữa. Và - bắt chước Sơn Tinh - ông đem bà chị của tôi lên đỉnh thứ ba, tức đỉnh thấp nhất trong ba đỉnh, của núi Tản, và sáng lập ra khu Kinh Tế Mới, nguồn gốc của mọi thứ Kinh Tế Mới ở cái mảnh đất khốn khổ khốn nạn này. Khí hậu khắc nghiệt ở đây khiến vợ chồng không có thêm một đứa con nào khác, ngoài cô con gái độc nhất, là ĐV, khi còn là nữ sinh trường Gia Long, lập hội CTY, bị cắt nghĩa là... Cho Tình Yêu, khiến cả trường, cả Sài Gòn xôn xao một thời, nhưng ý nghĩa của nó thực sự không phải như vậy, và có tính riêng tư giữa mấy người bạn gái cùng lớp, và chẳng liên quan gì tới tình yêu, càng không có nghĩa, là cho vô tư tình yêu.

Bà chị tôi, khi còn nhỏ đã được bố hứa gả cho con trai của một người bạn của ông, là ông ngoại Gấu. Bà vợ cả của ông ngoại Gấu có hai người con, là bà cụ Gấu, và Cậu Cự. Bà này mất, ông lấy người thứ nhì. Ông Cậu Toàn của tôi, là con bà này. Từ trước, tôi vẫn nghĩ ông Toàn và bà cụ tôi là hai chị em ruột, có lẽ bởi vì ông là người thương tôi nhiều nhất. Mãi tới gần đây, sau nửa thế kỷ mới được về lại đất bắc, tôi biết không phải vậy. Ông Cự mới là ông em ruột của mẹ tôi. Có lần, ông đánh bà cụ tôi, hình như là liên can tới Chị Giậu, hay là bà vợ sau của ông. Tôi nhớ là, ngay lúc đó, tuy còn nhỏ, nhưng cáu quá, tôi thề lớn lên sẽ khiền cho ông cậu Cự này một trận. Mấy ông cậu con bà Ba, tức bà vợ sau cùng của ông ngoại tôi, mắng, à thằng này hỗn. Ông Toàn gật gù khen, đúng, mày đánh là đúng, giữa cậu và mẹ, phải chọn mẹ.

Ông Toàn là ngưòi tôi đã từng nhắc tới nhiều lần, thí dụ như trong bài viết Trở Lại Nơi Một Thời Vang Bóng

ĐV có thời là học trò Thanh Tâm Tuyền. Cô còn là đệ tử của thầy Trí Quang. Những ngày sôi nổi Phật Giáo, cô bị mật vụ của ông Diệm săn bắt, phải sơ tán khỏi gia đình,  tới nhà bà con hoặc bè bạn. Ông bố bị mật vụ Diệm bắt. Khi Diệm đổ, có một thời ông anh rể tôi lên voi, trở thành "cố vấn chính trị" cho ông tướng "thối mũi", vua miền Trung, tướng Nguyễn Chánh Thi. Do thối mũi, ông tướng này bị, hoặc được Mẽo đưa qua Mẽo để trị bịnh. Còn ông anh của tôi, lại trở về nghề ký quèn. Suốt đời, thời gian làm quân sư quạt mo cho tướng thối mũi, là hiển hách nhất của ông Hiếu Chân, nhưng bà  chị tôi cũng chẳng được một chút ăn theo. Nói rõ hơn, suốt đời, ông nhờ vào tài buôn bán, tần tảo của bà chị tôi. Bà chỉ được, có một lần trúng số an ủi, đó là thời gian ông chồng vốn thất nghiệp dài dài, nhưng thời gian đó, quá dai, cám cảnh nỗi ăn nhờ vợ, bèn bắt chước Tú Xương, làm hai câu thơ tặng:

Vì anh sức yếu phận hèn
Cho nên em phải bon chen việc đời.

Thực sự, bà vợ ông đã có lần cứu ông khỏi chết.
Đó là lần ông chạy VC  [ông là Quốc Dân Đảng], sang Tầu, bị  Tầu Phỉ bắt, trói vô cọc, tính trảm. Bà vợ qua kịp, đóng tiền chuộc, mới thoát.

*

Trước khi về Hà Nội học, ở nhà anh chị Hoạt, Gấu đã từng được mẹ cho về Hà Nội hai lần. Bà hồi đó buôn gạo, và có được một hai khách hàng quen ở Hà Nội. Mỗi lần về như vậy, ở nhờ nhà họ, và là mỗi  lần kỷ niệm khác nhau, và thật khó quên.
Lần đầu, biết cái lạnh, ngọt, bùi, của cây kem.  Ăn ở nhà người bạn hàng của mẹ. Gấu còn nhớ, nhà có mấy đứa trẻ cùng tuổi, hoặc lớn hơn một chút. Bữa đó, chúng mua kem ăn. Gấu đứng nhìn. Thèm thì không thèm, vì biết món đó ra thế nào mà thèm. Như Gấu còn nhớ được, có vẻ như mấy đứa nhỏ đó không phải thương hại thằng bé đang chết thèm, nhưng là muốn cho thằng bé nhà quê này được hưởng cái thú này, nên mua thêm cho nó một cây.

Sau này, đọc Trăm Năm Cô Đơn, ngay ở đoạn mở đầu, Gấu nhập ngay vô tâm trạng của anh chàng bị đưa ra pháp trường, nhớ gì chẳng nhớ, lại nhớ cục nước đá, lần đầu tiên trong đời được sờ vào, và cái cảm giác lạnh toát đó, như đoạn sau đây, trong một bài viết cũ.
"Hà Nội như thế đối với tôi một đứa trẻ nhà quê, kỷ niệm cây kem lạnh buốt răng lần đầu được liếm láp (kỷ niệm bừng sống lại, lần đọc Garcia-Marquez, khi ông mở ra "Trăm Năm Cô Đơn" bằng cái cảnh pháp trường, và tử tội, trong những giờ phút chờ đợi hành quyết, đã nhớ lại cái cảm giác lạnh buốt lần đầu sờ tay vào cục nước đá…); những phim Tarzan, Zorro lần thứ nhất được xem (chung kỷ niệm với nhà thơ Nobel văn chương người Nga, Joseph Brodsky); những hồi chuông xe điện cho tới bây giờ thỉnh thoảng còn rộn ràng…"
Lần thứ nhì, là mẹt bún chả, được mẹ cho ăn ở chợ Đồng Xuân.
Sau này, khi chợt nhớ lại, không phải nhớ mùi vị bún chả, nhưng mà là cái cảnh Gấu ăn bún chả, và được một thằng bé cùng tuổi, lấy cái quạt nan phe phẩy cho cậu khách đỡ nóng nực, đỡ chảy mồ hôi!
Ăn bún chả có người quạt hầu, Gấu chưa từng được ai hầu hạ như thế. Đó là lần đầu tiên được hầu hạ, nên nhớ đời!
Nhắc đến bún chả, vì đây là món ruột của bà chị Gấu, chị Giậu, vợ ông Hiếu Chân.

Lạ lùng thật, từ mẹt bún chả chợ Đồng Xuân, vòng vo thế nào mà lại tới những ngày đầu tiên ở Sài Gòn, tới sạp bún chả của chị Giậu ở Chợ Vườn Chuối, sau dời lên chợ Trương Minh Giảng, và cứ thế đóng đô ở đó, cho đến ngày bà chị không còn đủ sức ngồi bán.

Rồi tới cái chuyện ngồi xích lô.
Ngồi xích lô, là lần về đầu tiên.

Tam Lang, trong Tôi Kéo Xe, đã coi việc phát minh ra xe xích lô là một bước tiến hoá quan trọng trong vấn đề nhân phẩm của con người, nó tránh cảnh khốn nạn người kéo người của xe kéo.
Cái xích lô, chẳng những thay thế nó, mà còn cho người đạp ngất ngưởng phía sau cái cảm tưởng, tao đang ngồi trên đầu trên cổ thằng có tiền!
Đó là lý do, Gấu, lần đầu tiên được ra Hà Nội, được nhìn thấy, và được ngồi xích lô, khi trở về làng quê, đã không làm sao tưởng tượng ra được cái thế ngồi của người đạp xe, là vậy.
Đây chính là cái kinh nghiệm khởi đầu hàm chứa trong nó cái ý nghĩa về một sự thức tỉnh ở nơi thằng bé con. Liệu có thể gọi bằng cái tên: Sự thức tỉnh giấc mơ... độc đoán?
*

Ngay từ khi còn là một thằng bé, Gấu đã là kẻ ở giữa hai nền... văn minh, hấp thụ tới...  hai nền văn hoá. Nói một cách khiêm tốn, và cụ thể, một mình Gấu có tới hai tấm bằng tiểu học, một của kháng chiến, một của tề ngụy.
Khi Tây nhẩy dù xuống cánh đồng Sơn Tây, tức đồng làng Gấu, gia đình Gấu theo dân làng bỏ vùng đồng bằng ven sông chạy về phía núi Tản, trước chạy vào làng Phú Hữu, làng của chú cử Côn, bạn của ông cử Chu văn Bình tức Chu Tử, người làng Thừa Lệnh kế bên.
Tây, sau khi nhảy dù xuống cánh đồng Sơn,  tiếp tục toả rộng lực lượng, đồng thời dựng đồn bót ven sông Hồng.  Bà cụ Gấu rắt ríu mấy đứa con chạy vào Phú Hữu, rồi chạy tới một cái làng sát ngay dưới chân núi Ba Vì, tức Tản Viên. Tây không tới được, nhưng cho máy bay tới, bắn phá, thả bom, mục đích là xua dân về làng cũ.
Đó là lần đầu tiên Gấu biết mùi máy bay oanh tạc. Sau đó, là tan tác. Khi ông anh Hiếu Chân đưa bà chị ruột của ông, Bá Thoả, cùng vợ, chị Giậu của Gấu, và hai đứa con gái, một đứa thực sự là cháu, cô PT, con của vợ chồng ông anh ruột, đều đã mất, gửi lại, leo lên mãi đỉnh thứ ba của núi Tản, lập khu Kinh Tế Mới, [Gấu còn nhớ, có lần ông anh khoe, đất ở trên đó dễ trồng trọt lắm!...], gia đình Gấu rắt ríu nhau chạy lên Phú Thọ. Bà cụ Gấu muốn tới Vĩnh Chân, là chỗ ông cụ dậy học, trước khi đổi về Việt Trì, tức nhiệm sở sau cùng, và sau đó, bị một ông học trò làm cách mạng, cho đi mò tôm!

*

Lên tới Vĩnh Chân, Gấu được gửi lại nhà một người quen, như là trọ học. Bà cụ đem bà chị và mấy hai đứa em trở về xuôi, tìm cách về Tề. Mãi không thấy cụ lên, khổ chủ bèn đem Gấu trả cho ông bà ngoại, lúc đó ở làng Yẻn, cách Vĩnh Chân đâu vài dặm đường. Bà Ba, vợ kế thứ ba của ông ngoại lắc đầu không nhận. Nhờ cậu Toàn năn nỉ, Gấu được ở lại, ngày ngày còn được đi học, ở một cái trường gọi là Đình Đất, cho đến bây giờ Gấu vẫn còn nhớ tên, vì đã đi vào tác phẩm đầu tay của Gấu, một bài thơ, tả cảnh hàng ngày đi học, "Một đoàn quân đi ra Đình Đất, có một anh đầu húi móng lừa...". Liệu đây có phải là tác phẩm đầu tay của Gấu?
Trong cuốn Nhật Ký của cậu Toàn, ngày Gấu trở lại Hà Nội, vào năm 2001, ông mở cho xem một bài thơ, cứ coi là tác phẩm thứ nhì, của thằng cháu, tặng ông cậu. Trong  bài thơ, ông cậu bị trí tưỏng tượng biến thành ông anh, đi theo kháng chiến, và hai anh em gặp lại nhau ngày giải phóng thủ đô.
Tại sao lại hai anh em gặp nhau, mà không phải hai cậu cháu?
Bởi vì, cảnh đó thực sự xẩy ra, giữa ông cậu Toàn, và ông cậu Cầu của Gấu.
Cậu Cầu là con bà Ba. Ba cậu, Cầu, Tiệp, Phiệt, sau khi bố bị bắt vì tội địa chủ, theo mẹ trốn về Hà Nội. Địa phương không dám về bắt, sợ ảnh hưởng xấu tới thanh danh cách mạng trước trường quốc tế. Bữa đó, ông Cầu đi lang thang ngoài đường thì gặp ông anh, vừa từ trên rừng trở về.

Tái ngộ ông cậu, chụp chung tấm hình, dưới đây, làm bài thơ tặng cậu, xong, là Gấu tìm cách chuồn lẹ xuống Hải Phòng, gặp ông anh Hiếu Chân, lúc đó đang lo cho đồng bào di cư vào Nam. Ông thẩy thằng em lên một chiếc tầu há mồm, biểu, đi  vào trước, cho kịp năm học. Lúc đó, Gấu đang học trường công, trường Nguyễn Trãi, ở phố Huế, lớp Đệ Lục, đã được lên lớp. Nhưng vào Sài Gòn, vẫn trễ mất mấy tháng. Tay tổng giám thị bắt học lại lớp cũ, tức Đệ Lục, Gấu tiếc một năm học, bèn ra trường tư. Học trường thầy Kham, ở Ngã Sáu Sài Gòn, trong một con hẻm đường Ngô Tùng Châu, gần nhà thơ Huyện Sĩ.
Tác phẩm thứ ba, cũng là thơ, Gấu còn nhớ, đã được ông anh Hiếu Chân chạy xuống tận bếp, đọc cho vợ, tức chị Giậu của Gấu nghe, gật gù khen:
Thằng Trụ nó làm thơ, mẹ nó ạ!

Câu đầu là như thế này:
Thu về tràn ngập cả miền quê...!

Sau Thu phải tới Đông, và có Đông thì mới ra cái tình cảm được chứ!
Thương ai đói rách cơ hàn.
Thương người sống... đời tàn...  gì gì đó....

Còn bà chị, thì mãi tới giờ này, nghĩa là khi Gấu trở lại Sài Gòn vào năm 2001, và đến  thăm, vẫn còn nhắc cái kỷ niệm thằng em ngồi học, ở căn nhà hai vợ chồng ông anh thuê ngay mặt tiền, khu Bạch Mai, phiá đằng trước là đường rầy xe điện. Một bài học thuộc lòng, thằng bé vừa học, vừa đọc to từng câu, "Bác Xã Chính..."… bà chị đang nhặt rau ở dưới bếp la lên, "Ối giời ơi là giời, thằng em tôi nó học như là người đói ăn, học được chữ nào là nhét ngay xuống tận đáy dạ dày, học thế thì làm sao mà quên được cơ chứ!"

Gấu gặp lại ông anh bà chị, ở Hà Nội, khi về trọ học, vào năm 1952, sau khi đậu tiểu học, lần thứ nhì, tại Sơn Tây.

Lần thứ nhất, ở hậu phương, vùng kháng chiến Phú Thọ.
[còn tiếp]


gau
Gấu mặc xà lỏn.
Nhắn tin riêng tới bạn bè Đức Vĩnh, các cựu học sinh Gia Long, hội ái hữu Gia Long: Gia đình Nguyễn Đức Vĩnh, và bà mẹ, vợ ký giả Hiếu Chân, hiện rất khó khăn, mong được các bạn giúp đỡ.
Đức Vĩnh xin được gửi lời cảm tạ, đặc biệt tới bà BBH, đã giúp đỡ rất nhiều trong thời gian qua.
Xin ghi lại địa chỉ, lần trước ghi trật.
Nguyễn Đức Vĩnh, số nhà 63/14/21 Lê Văn Sĩ, Phường 13  Q. Phú Nhuận.
Thay mặt gia đình, xin cảm ơn tất cả.
NQT


Nguyễn Quốc Trụ
tanvien.net