jen
Jen @ Niagara Falls

Góc Thảo Trường



6

        Vào những ngày lễ lớn của cả nước, trại giam thường mổ bò (trong Nam) mổ trâu (ngoài Bắc) cho tù nhân liên hoan. Trại giam đông vui cả ngàn tù nhân, nên bữa ăn chia phần mỗi người cũng được một miếng thịt hoặc miếng da to bằng đốt ngón tay. Một con nhái lột da rồi cũng tương đương với khẩu phần thịt mừng lễ đại thắng mùa xuân! Vì thế một con nhái được tù nhân gọi là một con bò. Có tối khi bàn giao tù nhái thi sĩ khoe với bạn già là bắt được tới những 3 con bò !
        Công cuộc “làm ăn” tiến hành được một thời gian dài nhưng chẳng thấy bạn già mang được con cá nào từ suối Lạnh về. Số nhái thi sĩ bắt được đem nộp đã lên tới mấy chục con bò, nếu tính ra cá lóc sẽ là cả trăm con. Có hỏi tới thì bạn già nói là cứ “từ từ”, chuyện đâu còn đó. Bác già còn than là số lưỡi câu  bị cắn đứt mất  khá bộn, công cuộc làm ăn có “sự cố”. Cũng tại lũ rắn nước vô duyên nhưng tinh ranh, không mời mà chúng cứ tới xực hết những con mồi nhái móc ở lưỡi câu, phá vỡ luôn một kế sách kinh tế rất tự túc tự cường.
        Một hôm bác già đem về một lon cá rồng rồng kho mặn. Khi ăn cơm thi sĩ hỏi “món gì vậy” thì bác già đáp cụt lủn “cá lóc”. Rồi còn hỏi:
        - Ngon không ?
        - Ngon.
        - Công trình vừa cuốc đất vừa vồ nhái của ông đã được đền bù đấy nhá. Nguyên một bầy rồng rồng cả mấy trăm con chứ không ít đâu, phải dùng cái mùng ngủ của tôi mới vớt được. Cách mạng là tài tình và sáng tạo.
        - Nhưng không  có lòng hiếu sinh. Cuộc tàn sát toàn “đàn bà và trẻ em”.
        - Chỉ có trẻ em, không bắt được đàn bà. Đàn bà tuy thương con nhưng cũng nhanh chân vượt thoát chạy ra đằng xa nhìn lại lũ con bị bắt trong cái mùng oan nghiệt chụp xuống. Anh đàn ông nào đó lại còn nhanh hơn, biến mất trước khi xảy ra cuộc tàn sát tập thể !
        - Thôi đừng nói thêm nữa về tình nghĩa và lòng nhân đạo.
        Những bữa ăn của hai người bạn lại vẫn tiếp tục là thực phẩm tiếp tế của tác giả “Đêm Nghe Tiếng Đại Bác”, và họ không bao giờ bàn đến kế hoạch mưu sinh thoát hiểm hoặc là cải thiện bữa ăn nữa cả. Chuyện cóc nhái cũng bỏ qua luôn không ai nhắc tới. Nhưng sau này khi viết tiểu thuyết, kỹ thuật “đột biến” vẫn thường được sử dụng để cho câu chuyện kể không rơi vào tình trạng lặng lẽ. “Tính” action trong khi viết tiểu thuyết cần thiết đến độ có khi không có nhái, tác giả vẫn thỉnh thoảng phải quăng cuốc nhảy vồ! Cũng có khi phải làm ra vẻ cuốc trúng hũ vàng. Cũng có khi phải làm ra vẻ cuốc trúng trái mìn nổ chậm ! Không có nhái phải tính kế khác thôi! Nhưng có nhái hay không có nhái thì việc cuốc đất vẫn là việc cuốc đất !
       Bù vào đó trong khi ăn thi sĩ thường hay kể chuyện Tầu cho bạn nghe đỡ buồn.