jen
Jen @ Niagara Falls

Góc Thảo Trường



5 

Thi sĩ làm nghề cuốc đất trên cánh đồng. Bác già làm nghề gánh nước tưới rau bên bờ suối. Sáng  xuất trại hai người theo đội mình đi hai ngả, tối về gặp nhau trong phòng giam. Bác già hỏi thi sĩ:
- Muốn ăn cá tươi không?
         - Sao không.
        - Cá lóc sống bắt dưới suối lên còn dãy đành đạch. Không phải cá khô thăm nuôi tiếp tế. Muốn không ?
        - Muốn.
        - Thế thì thành lập hợp tác xã sản xuất !
       Bác già lập kế hoạch, thi sĩ cuốc đất gặp nhái phải cố bắt sống, nhốt trong bao ni lông có đục lỗ thông hơi, đừng quên bỏ trong bao nhúm đất ẩm tạo môi trường thiên nhiên cho kẻ bị giam cầm bớt đi phần nào nỗi bức bách. Tối đem mồi về nộp, hôm sau bác già sẽ cắm câu ở bờ suối, được cá lóc hai người sẽ có món tươi, cải thiện bữa ăn, tiết kiệm ngân sách gia đình, bớt chi tiêu thăm nuôi, vợ con ở nhà đỡ khổ. Kế sách kinh tế đầy triển vọng.
        Nhưng thi sĩ tỏ vẻ hoài nghi:
        - Xưa nay ông chỉ biết… ăn  chứ đâu biết bắt cá?
        Bác già hăng tiết:
        - Tôi ra chỉ tiêu, “một nhái, hai lóc”.
        - Đùa !
        - Ông cứ bắt nhái đem về nộp cho tôi, chỉ tiêu “một nhái hai lóc” tôi chịu trách nhiệm. Hay là muốn kỳ kèo thêm bớt, hơn thiệt, thì tăng năng suất lên “một nhái ba lóc”.
        Thi sĩ  phi một bi thuốc lào xong nằm xuống đong đưa võng cười mỉm:
        - Làm sao bắt được nhái, bước khởi đầu đã rất khó rồi.
        Bác già giảng giải:
        - Đi cuốc đất ông không thấy sao, nhái sinh sống dưới những khe đất, khi ông cuốc, động ổ, nhái nhảy ra tháo chạy, ông liệng cuốc nhảy tới vồ, mà nhớ là phải vồ chặn đầu…
        - Rỡn hoài, người sao nhanh bằng nhái, thoắt một cái là nó đã biến vào trong cỏ cây…
        - Rất khó và rất vất vả mới chộp được một con nhái, nhưng nên nhớ… “lao động là vinh quang” ! Phải mất nhiều công sức mới có… thành quả. Muốn  ăn  cá lóc sống phải bỏ công sức lao động.
        Thi sĩ nản lòng:
        - Thua, chịu thua trong công cuộc đấu tranh gian nan này…
        Bác tù già “động viên” thi sĩ:
        - Chưa gì đã … chủ bại, phải  “tiến công nổi dậy, nổi dậy tiến công” thì mới ăn. 

Tôi biết ông từ hồi nào tới giờ không thích chơi cái trò “cải thiện”, ông chủ trương đi tù họ phát cho thế nào ông ăn thế ấy. Họ muốn làm gì thì làm. Để xem ai đói cho biết, để xem ai chết cho biết. Đúng thế không nào? Nhưng ông thử chơi cái “tuồng” này với tôi cho… đỡ buồn. Vả lại nếu cứ đều tay với cái cuốc suốt buổi thì cuộc đời nhàm chán quá, thỉnh thoảng phải có đột biến cho công cuộc sản xuất thêm phần sinh động. Lâu lâu gặp con nhái quăng cuốc nhảy tới vồ cho có hoạt cảnh. Cũng như viết tiểu thuyết, phải thêm vào tí action cho tình huống linh động.
        Chợt thi sĩ nghĩ ra một sự lạ:
        - Người ta phải mất vài ba con nhái may ra mới câu được một con cá, ông sao dám một nhái vài ba con lóc ?
        - Thế mới tài tình! Cách mạng là phải “sáng tạo”.
        - Lại phét !
        - Đấy rồi ông coi.
        Nhà thi sĩ bắt nhái có ngày được mấy con, nhốt trong bao ni lông theo đúng tiêu chuẩn giam giữ hiện đại và nhân đạo. Ông cũng phải trả giá bằng những vết trầy đầu gối, nhưng không sao vì đúng là mưu sinh có giúp cho thời giờ lao động cuốc đất thêm phần sinh động bớt nhàm chán. Oâng có bị cán bộ võ trang coi tù phê phán, nhưng thi sĩ biện minh rằng thịt một con nhái lột da rồi chế biến cũng thành món ăn cải thiện. Cán bộ thông cảm.