jen
Jen @ Niagara Falls

Góc Thảo Trường



4

        Chuyện cống voi tán dóc bâng quơ, không hiểu tại sao bất ngờ chiều hôm sau trưởng trại dẫn “phái đoàn” các anh lớn ra tận nhà lô xem voi con. Họ đứng chỉ trỏ bàn tán với nhau gì đó rồi trở về ngôi nhà nổi trên hồ Thiên Aân. Những ngày sau trưởng trại theo các “anh lớn” về thành phố. Khi trở lại Rừng Lá, trại trưởng chạy hộc tốc ra nhà lô kêu các bác tù già đẩy voi con về cơ quan. Voi con được ở trong vườn xoài ngay sau văn phòng trưởng trại và hàng ngày được bếp cơ quan nấu cháo gạo trắng có thịt đổ vào miệng… bắt ăn. Các bác tù già khỏi bị bớt phần củ sắn cho nó. Rồi voi con được chở đi thành phố. Một thời gian sau nữa trên đài truyền hình số 9 chiếu hình voi con lên phi cơ phản lực của hãng hàng không quốc tế đi…Thụy Điển. Bản tin nói Thủ tướng chính phủ nước ta gửi Quốc vương Thụy Điển con voi quí làm quà tặng để kỷ niệm tình hữu nghị thắm thiết lâu đời giữa hai nước. Đi theo voi con còn có các thú y sĩ và các chuyên viên sở thú để lo săn sóc cho… sứ giả.
        Ở trong nhà giam, các bạn tù ngồi ăn quà thăm nuôi của “anh ta” mới tiếp tế. Câu chuyện lại nói về voi con.
        - Không ngờ “Ông Bồ” đi nước ngoài thật.
        - Mà lại đi đúng nước Thụy Điển.
        - Xung quanh đây chắc có…KGB.
        Mọi người cười ồ, một người nói:
        - Chuyện xảy ra như thiệt. Lộ trình lý tưởng nhiều người thèm. Bước 1: từ rừng chuyển về thành phố. Bước 2: từ thành phố… lên phi cơ đi tuốt. Còn kẹt trong rừng thì còn lâu mới có bước 2.
        - “Anh ta” lên thăm có nói gì không ?
        - Bà tùy viên văn hóa sứ quán nước Thụy điển mới đến thăm “anh ta”, nói, tôi sẽ về và gia đình tôi sẽ đi Thụy Điển.
        - Như vậy là ông sắp có bước 1. Sắp theo voi con. Sắp thành “Ông Bồ”. Mong lắm thay.
        Thấy ban tự quản từ trong nhà cầu đi ra lên chỗ nằm, bác già nói:
        - Có nói chuyện con voi cho “anh ta” nghe không?
        - Có. Và “anh ta” biểu tôi hỏi anh muốn ăn món gì lần thăm nuôi tới sẽ đem lên.
        Người tù già buột miệng:
        - Cua biển. Thèm một con cua Huỳnh đế ram muối.
        Lần thăm nuôi tháng sau “anh ta” gửi chồng đem vào cho nhóm “biệt kích văn hóa” một…sọt cua biển. Nhà thi sĩ sắp xếp các món quà vợ cho, miệng nói:
- Đó, ông đòi cua biển thì có cua biển, tìm mãi mới mua chui được loại này. Cua Huỳnh đế phải ra biển  Sa huỳnh mới có, chịu thua.
        Tác giả “Một Mai Khi Hòa Bình” còn có lời nhắn: “Tù mọt gông mà không bỏ được cái tật ăn nhậu hưởng thụ, đòi hỏi đồ quốc cấm.”
        - Chính mình phải chào thua “anh ta”, tưởng nói chơi ai ngờ “anh ta” làm thiệt. Thời buổi tất cả để xuất khẩu lấy ngoại tệ thì thứ này đúng là đồ quốc cấm!
        Thi sĩ kể chuyện thăm nuôi:
        - Công an khám xét quà tiếp tế thấy sọt cua thì chê: Mấy cái anh này buồn… cười ở tù không xin thịt… lại xin cái thứ cua còng này… để làm gì không biết. Ngu ơi là ngu! Bèn cho mang vào trại.
        Cả mấy anh em chẳng người nào biết  xoay sở ra sao với cái sọt cua. Người này dừa cho người kia việc làm món. Tối hôm đó cua trong sọt bò ra khắp phòng giam, sáng sớm đã có bạn tù kêu ré lên:
        - Oái giời ơi, con gì lạ quá, lâu lắm rồi tôi không thấy cái thứ này, trông như khủng long !
        Các “nhà biệt kích văn hóa” phải hùa nhau bò dưới nền đất nhòm vào các gầm sạp ngủ tìm bắt đàn cua trốn trại. Bắt đủ hết. Đầy sọt. Không con nào trốn thoát. Trại giam xã hội chủ nghĩa con kiến cũng không thoát chứ đừng nói con cua. Chạy lên trời cũng kéo xuống cho đi học tập cải tạo, chỉ trừ chui xuống…lỗ!
        Cuối cùng nhà thi sĩ phải điều đình với anh trực phòng ở lại nhà giúp “ram muối” mớ cua biển tội nghiệp. Trưa lao động về, mỗi nhà “biệt kích văn hoá” một con “cua ram muối kiểu nhà hàng nổi”, còn bao nhiêu mời bạn tù xung quanh. Đương nhiên không quên ban tự quản nằm bên.
        Vừa gặm càng cua, bác già nói:
        - Sang trọng !
        Tác giả “Bụi Tầm Xuân” phê:
        - Từ nay chừa nhá cái tật bốc đồng đòi hỏi.
        Thi sĩ  ra lời:
     - Nhưng mà đúng thật là…sang trọng!
Thi sĩ còn kể chuyện cuộc sống của mấy mẹ con “anh ta” ở Saigon cho bạn già nghe, cũng rất nhiều gian nan phải ứng phó, một tay “anh ta” phải lo liệu tất cả, từ việc dành lại căn nhà bị tịch thu để có chỗ cho mấy mẹ con cư ngụ đến việc buôn bán kiếm tiền nuôi đàn con dại và tiếp tế cho anh chồng tù.  Bạn bè cũ cũng thường xuyên lui tới thăm hỏi. Cậu họa sĩ kể như ngày nào cũng ghé lại gift shop. Có lần một tay cán bộ nói tiếng trọ trẹ tỏ vẻ tán tỉnh người vợ tù, hắn bèn bị ông họa sĩ nổi máu bất bình, sửng cồ can thiệp: “Này, người ta là gái có chồng đấy nhá, chồng người ta đi tù nhưng cũng còn những bằng hữu săn sóc bảo vệ. Đ.m. đừng có mà giở trò “dê cụ” ở đây, ông… đập thấy mẹ!” Họa sĩ gầy gò nhỏ bé, ấy thế mà không hiểu sao phản ứng bất ngờ của ông ta lại có tác dụng hữu hiệu, cán bộ cường quyền xớ rớ một lát rồi lủi mất không bao giờ trở lại. Nghe chuyện, bác già nói:
        - Đáng lẽ ông họa sĩ phải nói thế này mới tiểu thuyết “Này, người ta là gái có chồng đấy nhá, chồng người ta đi tù không biết ngày về, nhưng nếu chẳng may nó có “tỏi” ở trong ấy, thì cũng còn…ông đây, đ.m. đừng có mà giở trò “dê cụ”, ông… đập thấy mẹ!”