jen
Jen @ Niagara Falls

Góc Thảo Trường




11

         Thi sĩ nhận được thư của người bạn mới ra tù đã sang Mỹ, trong thư nói:
        “Ông muốn làm báo thì phải rời đảo Phú quốc về Saigòn, Phú quốc làm gì có người đọc báo. “Anh ta” muốn làm con “đường tự do” thì cũng phải về Sàigòn, làm “đường tự do” ở Phú quốc cho ai đi…Ở Phú quốc ông chỉ có thể “trồng tiêu”… Về đây đi ông. Con cái nó lớn cả rồi, đứa nào muốn ở lại Phú quốc trồng tiêu thì ở, bằng không, thế giới rộng mở chúng muốn đi đâu sinh sống tùy ý. Nhưng ông muốn làm báo thì phải ở Sàigòn này. Trước khi sang nhớ tới sở thú chụp hình “cu tí” xem nó bao lớn…”

        Thi sĩ nghe lời bạn chuyển sang Mỹ ở, trước khi đi có đến thăm “Ông Bồ” một lần nữa và chụp một tấm hình “Ông” đang dương vòi lên cao như đang gầm. “Oâng” vẫn lạnh lùng thản nhiên không quen biết ai. Thi sĩ vẫn chỉ biết phận mình, đứng cô đơn nhìn “Ông”, muốn hỏi “Ông” vài điều mà không hỏi được, muốn nói chuyện với “Ông” mà không nói được, muốn cho “Ông” biết đôi điều tin tức về chốn cũ mà chẳng biết làm cách nào. Cho nên đành ngậm ngùi từ giã ra đi.

        Ở Saigòn thi sĩ mải làm báo mà quên làm thơ. Nghiệp báo chí nó đã vận vào người. Nhưng mà người bạn già một hôm nói cho ông biết rằng sẽ có một ngày ông lại bỏ làm báo để trở lại làm thơ, bởi vì thơ phú cũng là cái nghiệp. Làm thơ, làm nhạc… cho nó sang trọng ! 

        Một hôm ông được nghe kể lại chuyện Rừng Lá. Một vụ thanh trừng lẫn nhau về quyền lợi khai thác khu rừng Hàm Tân, kết quả là tay Đại tá công an Cục phó cục trại giam và bè phái bị bắt bỏ tù. Các “anh lớn” của anh ta ở trung ương không còn tại vị nữa, họ cũng đang lo cho cái thân họ chưa xong nên không người nào bao che cho anh được. Anh mất chỗ dựa, anh đã hết thời. Voi quí thì đã ra đi mất hút. Rùa thiêng chưa bắt được…

        Suốt một đời tận tụy vì sự nghiệp giam giữ người, nay bị người giam giữ anh ta chịu đâu có thấu. Đang là cai tù nay xuống làm tù, xuống đến tận cùng của sự đày đọa, làm sao anh ta chịu đựng nổi.  Trong phòng giam, anh bị một tay “đầu gấu” áp dụng luật giang hồ của nó. Nó và đồng bọn cho anh chọn lựa, một là bát cứt hai là bát nhựa nấu chảy đang sôi, anh chọn cái nào tùy anh. Chúng nó ngọt ngào nói  tự nguyện ăn bát cứt để tỏ lòng qui phục thì khỏi bị trừng trị úp bát nhựa ni lông nấu sôi vào mặt. Anh hoàn toàn tự do! Hoặc làm người hèn hoặc làm người hùng! Anh rùng mình nghĩ  đến sự đau đớn của da thịt bị nhựa sôi đốt cháy, anh rùng mình nghĩ đến bộ mặt sẹo sau này. Đại tá Cục phó Cục trại giam không muốn làm người như tù nhân chung thân “Hải đèn cầy”, đại tá tự do lựa chọn ăn bát phân. Vừa ăn anh vừa ói, nước mắt trào ra…
        Nhưng đêm đó anh treo cổ chết trong nhà cầu !
        Vụ án không có chính phạm nên sau đó được xếp lại, bọn đàn em của anh bị trả về đơn vị và chỉ bị “xử lý nội bộ”, sa thải khỏi ngành, họ ra làm nghề đi rừng ở điạ phương tiếp tục lên núi Mây Tào chặt cây lấy củi về bán làm kế sinh nhai độ nhật.
                                         

                                                   *****

         Ngồi hút thuốc uống trà ở ngoài hiên quán cà phê trên đường Bolsa, nói chuyện mây bay gió thổi, thi sĩ đưa cho bạn bè xem tấm hình con voi chụp ở sở thú nước Thụy Điển,  “Ông Bồ” ngự trong chuồng trại rất sang trọng, tuy đã hơi già nhưng “Ông” vẫn béo tốt to khoẻ sạch sẽ không lam lũ như các đồng loại còn ở quê nhà. “Ông” vô tư… không có vẻ gì là nhớ Rừng Lá, nhớ núi Mây Tào, nhớ nơi “Ông” sinh ra… “Ông” hoàn toàn không biết một tí gì về chốn cũ đã có những biến đổi, đàn voi rừng Hàm Tân đang bị di chuyển lên vùng trường sơn lạnh gía, công cuộc “chuyển trại” đã có thương vong, hai chết! “Oâng” thản nhiên thành “công dân” nước người, “Ông” thản nhiên mang “quốc tịch” khác, “Ông” không còn dính líu gì tới miền đất quê hương, nơi mà mẹ “Ông” đẻ ra “Ông”,  nơi bà bị sát hại. “Ông”, một kẻ xa lạ!

        Khi móc túi lấy tiền trả chủ quán, thi sĩ lựa ra trong mớ mấy đồng “đô la” nhầu nát một mảnh giấy nhỏ, đưa cho người bạn gìa nói “còn đây là qùa tặng ông ngày ra tù”.  Mở ra thấy bốn câu:                    

                            “Đình chùa lụt lớn. Tượng gỗ trôi
                             Anh là tượng đất. Anh ở lại
                             Đất lại hoàn đất, tha hồ cười
                             Ta cười tới bao giờ mới thôi.” (*)
                                (*) Thơ Trần Dạ Từ.


                          
(Huntington Beach 2001)
                           
Thảo Trường.