jen
Jen @ Niagara Falls

Góc Thảo Trường


Mây Trôi 8

    8 

Và cũng kể từ đó, anh phế binh mù tẩm quất không có dịp đấm bóp cho "nữ hoàng". Thì may mà có con cháu, bà bèn chỉ cho nó cách thức xoa bóp, và nó nhanh trí thích nghi được ngay. Ngón nghề anh chiến sĩ  lái  học lóm được của các tay tẩm quất quốc tế bên Campuchia, bà trùm buôn lậu học lóm được từ tay anh phế binh mù, bà chỉ dẫn lại cho con bé, chẳng hiểu rồi mai này con bé có truyền nghề lại được cho ai không?  Bà đã từng giám gọi người mù tẩm quất cho hai người song bà không dám bảo con bé đấm bóp cho ông tình nhân. Bé nhưng  có mắt, vẫn là mắt, nếu nó bép xép là rách việc ngay, bà cũng phải giữ thế phòng thủ. Bà chỉ sai nó đấm bóp cho bà sau khi ông cựu tù binh sĩ quan cộng hòa ra về, trả lại chỗ cho ông chồng đảng viên quen thuộc.

        Gặp lúc cả nước ùa nhau phá vườn phá rẫy thi đua trồng tiêu, trồng điều, trồng ớt, trồng táo...xuất khẩu thì bà cũng nắm bắt được trào lưu kinh tế dám nghĩ dám làm, bà bèn phá  luôn thửa vườn trước nay trồng đủ các thứ cây cối gia dụng cho cuộc sống gia đình, bà thuê người, mua cột về dựng một vườn tiêu mấy trăm gốc...và bà trúng  ngay liên tiếp mấy vụ, hột tiêu được giá bán ngay, thế là gia đình bà có TV, video đủ cả. Cậu và cô có Cub, có Dream mới tinh chạy vung vít lên tới Saigòn, vì thế mới học được nhiều hiểu biết văn minh văn hóa mới của thành phố và của thế giới bên ngoài. Sống ở ngoại thành nhưng cô cậu đã ăn mặc nói năng như người thành phố, cô vẫn thường gọi cháu là con nhà quê. Có khi cô cũng chê cháu bẩn. Cháu nhà quê thật tình vì cháu không biết cưỡi xe honda như cô cậu nhưng từ ngày có thêm những chiếc xe thì cháu còn biết làm thêm việc tỉnh thành nữa là lau xe cho cô cậu hàng ngày. Mỗi khi cô cậu đi đâu về là cháu lấy khăn lau ngay, hai chiếc xe lúc nào cũng bóng lưỡng. Nhờ vườn tiêu, tiền bạc bà kiếm được bằng buôn lậu đã được rửa sạch, bà ăn tiêu tự do thoải mái.

Cháu đấm bóp cho bà mỗi khi bà nhức mỏi. Nghề dạy nghề, lúc đầu cháu đâu có biết cách, nhưng cứ chịu khó làm theo lời bà dạy sẽ nên người nên việc, sẽ mở mắt ra chứ không còn đần độn như  con  nhà quê. Bóp hai tay bà từ trong trở ra. Bóp hai chân thì  từ đùi trở xuống tới các ngón chân, bóp từ trên xuống không bao giờ bóp từ dưới lên, đi từ dưới lên là ngược chiều âm dương bà sẽ bị loạn thần kinh là mày chết với bà. Khi bóp lưng cho bà cũng vậy, từ bả vai bà xuống tới mông. Những thớ thịt cuả bà thì to, hai bàn tay cuả cháu thì bé, nhưng vì cháu ngoan chịu nghe lời chỉ dạy của bà nên những ngón tay cháu cũng luồn lách thông thạo tạo cho bà những cảm giác sung sướng, dễ chịu.  Bà còn dạy cho cháu những câu hướng dẫn động tác nghề nghiệp mà bà biết được do trước kia người tẩm quất mù đọc cho bà nghe. Con cháu gái thông minh giống bà nên mau nhớ mau thuộc, nó cũng đọc vanh vách những câu chú nhà nghề  " Voi dày. Ngựa phi. Mèo cào. Chó liếm. Lươn luồn. Trạch lủi. Cò mổ. Nhổ lông. Cọp gầm. Vượn hú..." Vào lúc cuối của trận tẩm quất,hai bàn tay nhỏ bé cuả con bé đang mân mê hai bả vai tròn ú cuả bà, miệng nó lẩm nhẩm tụng những câu chú giải nghề nghiệp thì bà chợt quơ tay đẩy con bé ra, bà phán như rền rĩ:
- Ra nhà ngoài coi TV, bảo ông mày vào đây... tao nhờ tí việc.
Con bé mừng rỡ, công việc đã kết thúc, nó đã được giải phóng, tự do ra xem phim bộ với lũ trẻ. Đến phiên ông vào  cho bà nhờ, bà nói:
- Con này mà được đi học  nó sẽ đậu đến bác sĩ, kỹ sư... mình xoa bóp lưng cho em, con bé làm chẳng đến nơi đến chốn...
Ông sà xuống giường ngồi bên cạnh bà, hai bàn tay ông cũng lướt qua làn lưng trắng phau bắt chước nhà nghề, miệng nói:
- Nhà nghèo lại không gặp vận may chứ nếu nó được sang...Mỹ học tới hai bằng tiến sĩ mấy hồi.
Bà hỏi:
- Đóng cửa chưa ?
Ông chồng lại lọm khọm đi cài chốt cửa:
- Tưởng em chỉ muốn  xoa bóp...
Bà nghĩ thầm, sĩ quan cộng hòa thông minh hơn sĩ quan quân đội nhân dân, vậy mà sao năm 75 họ thua nhanh thế, bèn nói:
- Xoa bóp để làm cái gì  chứ...
Thường mỗi lần đấm bóp cho bà xong là con bé mệt rũ người, mười ngón tay nó cứng đơ, hai bàn tay bé bỏng của nó như rời ra khỏi cánh tay, còn hai cánh tay thì như hai cánh tay giả lắp ráp vào người, mệt  còn gấp mấy lau nhà , gấp mấy giặt quần áo, nhưng bù lại bà thường cho nó ăn thêm:
- Cho mày cái bánh mật ở chạn đấy, hôm qua bà mới ăn một nửa, còn một nửa nữa cho mày luôn, ngon lắm, lấy ăn đi con.
Con bé trời thương, chẳng ốm đau bao giờ kể cả khi ăn đồ thừa thiu thối. Có khi vừa ăn vừa lợm giọng  cố nuốt mà nó cũng chẳng sao. Nó ăn để bà khỏi buồn, để không phụ lòng tốt  và tình thương của bà. Ở đây sướng chán, phải lo giữ  chỗ. Con bé chỉ tiếc những khi bà kêu nó đấm bóp vào lúc xem TV. Bị đứt đoạn phim bộ thì uổng lắm, không làm sao lấy lại được, có hỏi mấy đứa trẻ hàng xóm thì chúng nói được nói mất chẳng bằng mình xem tận mắt. Cho nên con bé rất thương bà, nó cầu xin cho bà đừng đau ốm, xin ơn trên cho bà không bị đau nhức vào những buổi tối. Hoặc là nếu phải đấm bóp cho bà thì nó chỉ chờ cái lúc bà bảo nó gọi ông vào cho bà biểu.
Một buổi tối mấy đứa con nít cãi nhau chí choé suýt xảy ra đánh lộn, ông bà bèn phạt tắt TV đuổi chúng về, tối hôm sau cũng vẫn còn phạt không cho chúng xem, đóng kín các cửa chỉ có người nhà xem bên trong, lũ trẻ hàng xóm ghiền quá bèn đu cửa sổ nhìn qua khe "coi cọp", bà bèn đuổi chúng ra khỏi sân sai con bé đóng cổng không cho đứa nào đến gần nhà, thế là chỉ còn ông bà và cô cậu ngồi trên ghế bành, một mình con bé "chân bẩn như chân chó" ngồi dưới sàn nhà rộng thênh thang. Xem. Không có lũ trẻ hàng xóm.
Những ngày  sau thì ông bà khám phá ra cả vườn tiêu trăm gốc bị nhổ đứt rễ chết hết. Những dây tiêu bao quanh những cột trụ gỗ bị héo rũ xuống. Cả một công trình kinh tế lợi nhuận sụp đổ. Ông bà điên tiết tra hỏi lũ trẻ lối xóm, đứa nào cũng lắc đầu chối "cháu không biết". Bày kế dụ dỗ mua chuộc cũng không có đứa nào khai báo.

Con bé bị đổ lên đầu cái tội ngủ ở dưới bếp mà đêm chúng nó phá hoại cũng không hay biết. Ngủ gì mà ngủ như chết vậy. Mọi người đều vô can, chỉ có con bé phải chịu trách nhiệm