jen
Jen @ Niagara Falls

Góc Thảo Trường



                                

         Con gái tôi ngủ và mẹ nó cũng ngủ luôn. Nhưng tôi chỉ ngủ thiếp đi một lát. Tôi thức giấc trước  nên được nhìn ngắm nó ngủ. Tôi hết cả bài ru, thuộc có bao nhiêu đâu, tôi sẽ lên thành phố tìm mua cho con tôi những quyển sách viết về ca dao tục ngữ, và những bộ sưu tập về điệu ru, câu vè dân gian cho nó mang về Mỹ. Khi con gái thức dậy, nó hỏi:

        - Trong lúc con ngủ, mẹ có nghe con mớ nói gì không?

        - Không, cô ngủ say rất lâu.

        - May quá, chỉ sợ ngủ mê nói hớ ra những chuyện giấu mẹ.

        - Có chuyện gì phải giấu mẹ, con lớn rồi mà.

        - Thì những chuyện tình ái lăng nhăng.

        - Tình ái đâu phải là chuyện lăng nhăng. Tình nào cũng đáng quí trọng cả. Con ạ.

        - Biết nói như thế nào với mẹ đây.

        - Con khỏi cần nói. Sang bên đó rồi mẹ cũng sẽ biết. Cũng như chuyện của mẹ, rồi con cũng sẽ biết. Sang Mỹ con cho mẹ ở đâu?

        - Con ở đâu mẹ ở đó, xa cách nhiều rồi, khổ đau nhiều rồi, bây giờ miễn sao có mẹ có con, ở đâu chẳng được.

        Con gái tôi thu xếp mọi việc xong mới trở về Mỹ giao cho văn phòng dịch vụ làm hồ sơ bảo lãnh mẹ qua đoàn tụ với con gái.

        Tôi làm thủ tục ly dị với chồng nhưng ngôi nhà thì tôi không để lại cho ông ấy. Tôi mất hết của cải rồi nên tôi phải bán cái tài sản còn lại ấy đi để có tiền ăn xài. Tôi tìm đến căn nhà ở làng phế binh cũ gặp vợ chồng thợ tẩm quất mù. Tôi nghe nói vợ chồng anh kiếm được nhiều tiền để ra, muốn mua một căn nhà lớn hơn căn nhà tôn mục nát. Đã lâu lắm rồi tôi không gặp vợ chồng anh, nay thấy họ, tôi ngạc nhiên vì cả hai vợ chồng đều sáng sủa đẹp đẽ ra. Cả vợ lẫn chồng đều mặc đồ đẹp. Anh phế binh mù đói rách ngày nào nay trông như một…Việt Kiều về thăm quê hương. Anh ta cởi trần phơi ra bộ ngực và bờ vai nẩy nở khoẻ mạnh như cầu thủ bóng chuyền, anh mặc một chiếc quần soọc đẹp có nhãn hiệu Mỹ ở bên cạp, chân đi dép da cũng là đồ ngọai chứ không phải “dép lốp đi vào vũ trụ” như ngày xưa. Chị vợ cũng xinh đẹp  nhưng bụng chị đã nhô ra, chị mặc áo kiểu và mỏng, quần sợc trắng, đi giầy nike…Tôi chỉ vào bụng chị, chị cười:

        - Sáu tháng rồi, chỉ ráng đi làm 2 tháng nữa là phải nghỉ đẻ.

        Chị hỏi thăm vợ chồng tôi và mời tôi ngồi, thấy anh mù đứng dựa tường, tôi cầm tay anh tính dìu anh tới ghế ngồi thì chị vợ bước ngay tới gỡ tay anh ra khỏi tay tôi, nói:                

        - Cứ để nhà tôi tự đi đứng một mình được mà chị, anh ấy thuộc lòng tất cả rồi, chị khỏi cần dẫn dắt.

        Tôi hiểu ngay tâm địa người đàn bà đối diện cũng như tôi hiểu rõ hơn ai hết tâm địa tôi. Tôi nghĩ tới bàn tay của anh “chiến sĩ lái” thưở chúng tôi còn hợp tác làm ăn ở bên chiến trường Cam Bốt, những lần tôi ngồi bên anh trên xe tải chuyển hàng lậu, bàn tay ấy đã xục xạo khắp người tôi, trong khi tay kia anh vẫn điều khiển bánh lái, miệng anh vẫn truyện trò. Bàn tay anh tung hoành khắp chốn đến nỗi tôi nghĩ rằng có khi chính ông chồng tôi, có chỗ, cũng chưa có dịp sờ tới. Phải hiểu rằng đi buôn lậu, nhất là khi chuyển hàng lậu là sợ lắm, anh ta đã làm cho tôi quên đi sự sợ hãi! Rồi thời gian sau, lăn lộn trên miền đất viễn chinh, anh ta đã học được ngón nghề xoa bóp tẩm quất và tôi cũng đã có nhiều lần nằm cho anh ta ra nghề. Tôi nhìn nhận rằng anh ta giỏi nghề và rất dễ thương trong cung cách làm việc và ứng xử. Vợ chồng anh làm ăn phát đạt bằng nghề đấm bóp dạo là đúng thôi. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Nhưng nay, bàn tay kia, tôi không còn đụng tới được nữa và cái bàn tay ấy cũng không còn cơ hội mò mẫm xục xạo vào những chốn xưa kia.

        Chị vợ vào việc ngay, chúng tôi, hai người đàn bà, không có đàn ông trong việc này, bàn chuyện đổi nhà, tôi bán cho chị ngôi nhà của tôi và chị sang lại cho tôi căn nhà của chị. Sang lại là vì căn nhà chiến lợi phẩm này vợ chồng tôi được cấp phát theo chính sách “hóa giá” sau đó bán cho vợ chồng chị tá túc. Nay lại đến lúc chị có tiền mua ngôi nhà lớn hơn cần bán đi căn nhà nhỏ này thì chúng tôi lại thoả hiệp. Vợ chồng chị, sắp có con, sẽ dọn sang ở nhà tôi, còn tôi sẽ dọn sang ở căn nhà của vợ chồng chị. Chồng tôi sẽ ở đó. Còn tôi đi Mỹ. Vấn đề phải thương thảo trả giá  là số tiền chênh lệch chị sẽ trao cho tôi sau khi trừ đi số tiền trị giá của căn nhà bẹp. Chúng tôi, cũng vẫn là hai người đàn bà, không có đàn ông, còn thỏa thuận với nhau về khoản tiền phải “bồi dưỡng” cho các  chức việc trong các cơ quan nhà nước có công chuẩn thuận việc mua bán này.   

        Công cuộc thương thảo trải qua mấy lần gặp gỡ mới xong, khi thì tôi sang nhà chị, khi thì chị sang nhà tôi. Hôm cuối cùng làm giấy trao tiền, chị còn hỏi tôi nhường chochị con ở trong nhà, chị cũng sắp cần tới một đứa ở. Tôi nói:      

- Nó đi lấy chồng rồi còn đâu.

        - Trời, còn nhỏ thế sao đã lấy chồng.

        - Nhỏ gì, mười bảy, mười tám tuổi rồi. Hồi nó mới đến ở còn nhỏ xíu, nuôi ăn mấy năm lớn tồng ngồng, nẩy nở, dậy thì ra. Bố mẹ nó bán cho thương gia Đài Loan đem về nước làm vợ, được đâu hai ngàn đô la làm nhà mới rồi.

        - Sang bên đó làm nô lệ “xếch” chứ vợ chồng gì!

        - Tức là làm…đĩ  ấy hả ?

        - Làm vợ cho cả nhà, báo đăng thế, họ nuôi ăn đồ tầu béo bở, ở một căn phòng trên gác, đàn ông trong nhà ai cần tới thì tiếp. Có cô phải phục vụ tới 9 người, bố già hen xuyễn ho khù khụ thì lo đấm bóp rửa ráy lau chùi cho ông cụ, đàn con trai cường tráng thì nó ào tới xong rồi xách quần đi, lại thêm thằng cháu mới đến tuổi thành niên, cô ấy tiếp mệt nghỉ không hết việc! Mỗi tháng họ trả lương gửi tiền về cho bố mẹ… cũng giống như chính sách “xuất khẩu lao động” của nhà nước ta hợp tác với nước ngoài ấy mà!  

        - Thế lỡ có con thì sao, biết của ai ?

        - Họ không để cho có bầu, nếu lỡ có là phải phá, có bầu đẻ đái… mất năng xuất lao động!

        - Tội nghiệp con bé không rõ sa vào tay nhà nào ở bên đó. Bố nó sau cách mạng, biên chế trong Mặt Trận Tổ Quốc, chỉ làm tay sai, không có đặc quyền đặc lợi gì, nhà nghèo quá phải cho con đi ở, lớn lên lại đem con đi bán… Ông ấy than với tôi người ta “đi tây đi tầu đi nga đi mỹ đi hung đi tiệp…” xuất cảnh tứ tung, gửi tiền về cho gia đình mua nhà mua xe, còn ông chẳng được đi đâu, nên thấy có đường giây đưa người đi Đài Loan bèn tới nhà xin cho con gái về, để lo cho nó…xuất cảnh cho bằng thiên hạ.

        Giấy tờ xong, tiền bạc xong, hai bên dọn nhà qua lại. Vợ chồng anh tẩm quất chơi toàn đồ “xịn”, phần nhiều là đồ dùng của khách Việt Kiều quăng cho khi họ về Mỹ. Nhà tôi dọn sang bên ấy toàn là “đồ cổ”, nhất là mấy khoản của ông chồng tôi săn nhặt. Suốt những năm vào giải phóng Miền Nam, ông thượng úy chỉ lo thu vén nhặt nhạnh những thứ của “đế quốc” tháo chạy bỏ lại. Từ miếng tôn, tấm vỉ sắt lót đường, cái bàn nhôm, cái ghế bành da, đến chiếc nón sắt giã cua, đôi giầy bốt đờ sô, cái chăn cái màn, cái muỗng cái nĩa, cái cuốc cái xẻng…thậm chí còn có cả một cái vỏ trái bom napal bằng nhôm, rỗng, cưa ra dùng làm xuồng… “hầm bà là hằng” dọn sang chất đầy căn nhà trệt chiến lợi phẩm chiếm được tại làng Thương Phế Binh Cộng Hòa ở Thủ Đức. Xung quanh vách ông treo đầy rẫy những bằng khen, những huân chương kháng chiến hạng nhất hạng nhì hạng ba, huân chương chống Mỹ cứu nước… Riêng cái ghế bành da không biết ông chôm được từ đâu mang về, nhưng cứ nghe ông kể  thì cái ghế bành da này là của một tướng Mỹ 2 sao, Tư lệnh  Sư đoàn 1 Không Kỵ, ngồi điều động những đoàn “ngựa sắt bay” trong cuộc chiến Việt Nam. Tôi thấy hồi mới chiếm Miền Nam loại bàn ghế này bị đám người hôi của rinh từ các căn cứ Mỹ đem ra ngoài xa lộ bán rẻ như bèo, không có sức mà hốt. Tuy nhiên ông chồng tôi thì khoái cái ghế này lắm, trải qua năm tháng bị lôi đi bầm dập khắp chốn, khi nó về tay ông, tôi đã thấy có mấy miếng vá bằng băng keo. Ông đặt cái ghế bành da ngay chính giữa gian nhà, có lần ông đè tôi lên ghế, bấm nút cho thân ghế ngả ra, vừa làm tôi ông vừa nói “thế này mới sướng”. Tôi nằm dưới nhìn qua vai ông thấy quả bom treo trên xà nhà ngay trên đầu mình…Mai này khi thế chiến bùng nổ, nhân loại sẽ chìm trong hỏa ngục, ngày tận thế sẽ đến, nước ngập lên tới đỉnh núi…ông sẽ bám vào chiếc xuồng vỏ bom này mà qua cơn đại hồng thủy, thoát hiểm, tồn tại, sống sót, để lưu lại cho hậu thế một bí thư chi bộ Đảng đầu tiên cho nhân loại mới… Ghế Mỹ, bom Mỹ, nhà Ngụy…cái gia tài cướp chính quyền ấy xin để lại cho ông, những kỷ vật của một  thời chinh chiến, như một vòng hoa cho người cách mạng! Còn tôi, tôi xin lạy… cả nhà nhà nước, lạy… cả nhà Đảng, tôi đi !

        Bán nhà tôi ôm được một khoản tiền lớn đủ tiêu dùng trong những ngày chờ xuất cảnh. Một hôm ông chồng tôi nói:

        - Tiền bán nhà em chia cho tôi chút đỉnh tiêu xài chứ, ẵm cả coi kỳ quá, chẳng còn chút lưu tình gì…

        Tôi nghe nói có lý bèn chia cho ông một khoản nhỏ, ông cầm tỉnh bơ, mở ra đếm cẩn thận rồi mới nhét vào túi. Ông nói:

        - Sang Mỹ thỉnh thoảng em cũng phải gửi về cho tôi vài ba trăm đô cứu trợ nhé!

        Tôi nói:

        - Cái đó chưa biết, đô la kiếm ở đâu ra mà có để gửi về, sang bên đó biết làm gì, một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết.

        - Cái thằng tình nhân của em nó phải bao em chứ, sĩ quan Cộng Hòa sang bên ấy lãnh lương Mỹ thiếu gì tiền !

        - Ông là một thằng điếm cho vợ đi làm tiền à ?

        - Xin lỗi ạ! Ly dị rồi mà. Tôi biết là em sang bên đó sẽ chóng phất, em vốn thông minh, hồi xưa ở ngoài Hà nội, còn bé sống trong trại mồ côi với các nữ tu em học tiếng Tây làu làu, lớn lên em học tiếng Nga dễ ợt, em nói ngoại ngữ thao thao không ai bằng, năng khiếu ấy sang Mỹ em cũng sẽ nhanh chóng thành bà Mỹ. Lại buôn lậu…

        - Này đừng có mà nói bậy nói bạ. Ông bảo tôi không lưu tình, ông không kể đến cái khoản tuy đã ký giấy ly dị rồi nhưng trong khi chờ đợi chưa đi, tôi cũng vẫn để ông xài tôi thoải mái, tình nghĩa đến thế còn gì.

        - Em phụ tôi chứ tôi có làm gì phụ em đâu nào.

        Một hôm tôi trở lại ngôi nhà cũ thấy anh mù ngồi một mình trước hàng hiên, anh vểnh tai nghe ngóng, tôi lên tiếng anh nhận ra tôi ngay:

        - À …chị.

        - Bà ấy đâu?

        - Đi nhà bảo sanh đêm qua rồi.

        - Đẻ chưa?

        - Không biết.

        - Ở nhà một mình à?

        Anh ta gật đầu rồi ngẩng mặt lên ngu ngơ nhìn. Tôi cũng nhìn xung quanh, nhà vắng không người, tôi cầm tay anh kéo vào trong nhà, cái bàn tay bữa trước tôi tưởng là đã mất chẳng còn bao giờ bắt được…Anh mù cũng chẳng để tôi phải chờ đợi hay mời mọc, anh vòng tay ôm tôi dí vào xó nhà. Hai cánh tay vòng sau lưng tôi và hai bàn tay quỉ quái bắt đầu xục xạo, những bàn tay trên xe tải đêm mưa biên cương xưa kia. Anh và tôi khụyu xuống trong kẹt cửa. Tôi quì phủ phục dưới đất nghe đường chuyển của hai bàn tay lần mò. Anh ta đẩy tôi tông vào xó cửa binh, binh, binh…u cả đầu. Mà cũng tại tôi rúc vào xó chứ anh ta mắt mù có thấy đường  gì đâu. Người mù không phải chịu trách nhiệm gì về chuyện thế gian này, kẻ sáng mắt gây ra tất cả. Nhưng mà thằng mù này ghê thiệt. Anh ta vừa yêu vừa thì thầm “anh nhớ em quá”. Trước mọi người anh ta phải gọi tôi là chị xưng em, nhưng vào những lúc căng thẳng anh ta gọi tôi là em xưng anh! Rồi sau đó trật tự lại vãn hồi. Cung cách du kích chiến này khác hẳn với thái độ thong dong của chàng. Với chàng, phải có tiện nghi, có thời giờ, có phi pháo, có hỏa lực, có yểm trợ…  giường cao đệm êm, gối ôm gối cặp, gương soi đèn chiếu… phải chính qui và hiện đại.

        Thừa dịp chị ta đi đẻ, tôi liên tục lẻn đến nhà chung chạ với anh mù, dịp may hiếm có không ngờ. Sẽ chẳng được lâu. Thời cơ sẽ hết. Những bàn tay kia sẽ chẳng còn là của tôi. Nhưng tôi không ngờ chị ta đẻ dễ và về nhà sớm thế. Ngày thứ ba, tôi vừa chạy vù vào kiếm anh, mới chỉ chộp được bàn tay anh thì chị ta lù lù từ trong nhà bước ra. Chị bắt quả tang tôi đang ôm tay chồng chị. Chị kêu ré lên rồi ngã sấp xuống đất. Tôi và anh mù vực chị ta ngồi lên chiếc ghế. Chị tỉnh lại chửi tôi nát nước, nào là “con đĩ cướp chồng người”, nào là “con Việt Cộng cái từ bắc vào nam cướp của giết người nay lại còn cướp cả thằng mù của tao”, chị chửi tôi rồi quay sang chửi anh chồng “thằng Việt Cộng mù đứng đường vô ơn bạc nghĩa…” Chị chửi rồi chị khóc. Khóc rồi lại chửi.

        Chị còn nhắc tới một câu nói nổi tiếng của ông tổng thống của chị: “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm”. Thấy tôi đứng xớ rớ, chị hét lên:

        - Con “đĩ ngựa” xéo ra khỏi nhà tao.

        Tôi lùi dần ra cửa, nhìn vào tôi thấy anh ta quì xuống đất ôm lấy chân vợ. Chị đạp chồng ngã lăn ra, anh ta lại lồm cồm bò dậy, lại quì xuống ôm chân chị. Người thanh niên đẹp đẽ tuấn tú mà tôi đã quì mọp phủ phục cho anh dày xéo nay lại quì phủ phục ôm chân người đã chửi tôi là đĩ. Chị gào lên chửi anh là “quân duy vật giả dối, đồ cộng sản lưu manh!” Bị thất tình chị trở thành tay chống Cộng kịch liệt.

        Tôi đi nhanh ra khỏi căn nhà. Nước mắt tôi trào ra. Tôi nghĩ tới chồng tôi. Chồng tôi chửi tôi là con “đĩ ngựa” thì tôi cảm thấy sung sướng, chị ta chửi tôi “đĩ ngựa” tôi thấy nhục. Tôi có làm gì…ác đâu, tôi chỉ muốn hưởng những gì làm cho tôi hạnh phúc. Tôi lại nghĩ tới chàng. Chỉ có chàng là không dùng tới những lời lẽ lăng mạ tôi.

        Một tuần lễ sau chị ta bị ra máu đưa vào bệnh viện thì chết. Hôm đám tang tôi tới nhà… chia buồn. Hàng xóm xúm vào giúp cho anh ta chôn cất vợ. Tôi thấy anh ta đội khăn tang, ôm một hài nhi còn đỏ hỏn nhưng người ta cũng quấn trên đầu nó một mảnh vải trắng để tang mẹ. Một bà hàng xóm nói nhỏ vào tai tôi:

        - Cũng may cho bà đấy, cái nhà này xui lắm rồi, bà dọn đi nên  thoát chết, chị ta ở đâu mới đến ở vài tháng đã lãnh quả thay cho bà…không biết rồi bố con nó sẽ sống ra sao. Thằng bố mù, thằng con mới lọt lòng mẹ cũng mù luôn, lại không nghe được, không khóc được. Trời ơi sao khổ quá vậy!

        Tôi nói:

        - Thì lại nhờ đến Sở thương binh xã hội. Anh ấy là thương binh tàn phế mà.

        Nghe ra tiếng tôi anh ta mừng rỡ, nói nhỏ:

        - À em… chỉ có em dẫn tôi đi lên  thành phố được thôi.

        Tôi suỵt khẽ cho anh ta im. Tôi có thể nằm cho anh ta đấm bóp chứ  tôi làm sao mà dẫn dắt anh ta đi hành nghề tẩm quất kiếm tiền được. Tôi là kẻ quen ăn quen chơi, không thích lao động. Chỉ có vợ anh ta làm được việâc đó, nhưng nay chị ấy đã nằm kia.

        Tôi nghe tiếng kèn bát âm réo rắt não ruột. Hồi lâu không nghe tôi nói gì anh ta hỏi:

        - Em…à chị còn đó không ?

        Tôi nói nhỏ:

        - Đang lễ an táng, chuyện đó để lúc khác nói.

        Tôi mở tấm khăn cúi nhìn vào hài nhi trên tay anh. Nó nằm yên không nhúc nhích. Tôi lặng lẽ rời khỏi đám tang. Tiếng kèn vẫn sụt sùi não ruột đuổi theo tôi.

        Một mối tình xót xa của hai kẻ khốn cùng nhất, giữa hai chế độ, trong hoàn cảnh hậu chiến, đã kết thúc, để lại cho đời một đứa trẻ, vừa mù, vừa câm, vừa điếc !    

***

*****

         Một ngày trước khi tôi lên máy bay xuất cảnh, bố mẹ con bé dẫn nó tới thăm vợ chồng tôi. Phải gọi là cô hay  gọi là chị chứ không là con bé ngày nào nữa. Chị đã là người đàn bà từng trải dạn dầy. Ông Mặt Trận nói:

        - Cháu nó từ nước ngoài dẫn chồng về thăm quê hương, tôi đưa cháu tới chào ông bà.

        Tôi hỏi:

        - Thế chồng nó đâu ?

        Ông “mặt trận” nói:

        - Ông ấy nằm nghỉ ở khách sạn bên Chợ lớn, chẳng là đi máy bay về bị mệt.

        Họ còn cho chúng tôi quà ngoại là sâm Đài Loan uống cho bổ. Tôi nhìn cô gái chợt nhớ tới những ngày bắt nó đấm bóp rồi mới cho coi TV. Lại còn không cho ngồi trên ghế mà phải ngồi dưới nền gạch bông với lũ trẻ lối xóm. Nay thì chị ấy đã khác xưa. Trong câu chuyện chị ấy kể chồng chị không phải là anh thương gia Đài Loan ở Chợ Lớn mà là…bố của anh ấy, anh sang Việt Nam tìm người cưới về làm vợ cho bố anh ở bên đảo. Nay mọi chuyện yên vui, bố anh ấy tức chồng chị dẫn chị về thăm Việt Nam một phen. Họ còn khoe tôi những tấm hình vợ chồng chị chụp khi đi du lịch trên núi Dương Minh San nơi có lăng  Tôn Trung Sơn và giang san triều đình của Ông Bà Tưởng Giới Thạch, hình đôi vợ chồng chụp ở Lâm khẩu, ở Nhật Nguyệt đầm, ở cầu 7 góc, ở Cao Hùng… Toàn hình mầu đẹp đẽ sặc sỡ. Chị còn cho biết ông chồng chị trước năm 1975 đã từng là sĩ quan cấp cao của Đài Bắc, chuyên về lý thuyết  “Chủ nghĩa  Tam dân” và “Lục đại chiến”, sang Sài gòn làm cố vấn “Chính Trị Tác Chiến” cho quân đội Cộng Hòa, nay còn giữ được Bằng Tưởng Lục của Tổng cục chiến tranh chính trị do ông Trung tướng Tổng cục trưởng ký tên và đóng dấu, có chụp hình chụp ảnh lưu  niệm đàng hoàng. Chồng chị biết nhiều về đường phố Sài gòn và các nơi khác ở Miền Nam. Chị nói tuy ông ấy nay hơi lớn tuổi nhưng nhờ các toa thuốc của các vị hoàng đế Tầu đại bổ nên ông vẫn…cường tráng lắm. Tôi cũng… mừng cho chị ấy xuất cảnh lấy được chồng đàng hoàng chứ không phải đi làm đĩ hay nô lệ “xếch” như nhiều người lo ngại. Ở bên Tầu, chị tha hồ mà coi phim bộ, ngồi trên ghế bành da mà coi phim mệt nghỉ, đâu có khổ như ở bên ta. Biết đâu mai này thời cơ nó đến, ông nhà đi làm đại sứ ở Việt Nam, chị sẽ là bà đại sứ hay còn gọi là phu nhân đại sứ, vinh thân phì gia.

        Chuyến bay vào giữa đêm, tối đó tôi chào chồng tôi để sửa soạn ra sân bay thì ông ấy dở chứng. Tôi điệu nghệ mời ông lần chót nhưng ông lại không chịu. Ông…quì xuống ôm chặt lấy chân tôi khóc rưng rức, ông khóc thảm thiết như người ta khóc vợ chết vậy, khiến tôi cũng mủi lòng nước mắt dàn dụa. Tôi hỏi ông tại sao, ông chỉ lắc đầu không nói và lại càng khóc to hơn, ông vẫn…quì phục ôm chân tôi mà hôn túi bụi từ trên xuống dưới từ dưới lên trên. Ông hôn cuồng nhiệt như muốn ăn tươi nuốt sống con mồi. Ơ hay cái ông này, từ trước tới nay có bao giờ…Tây như thế này đâu, bây giờ sắp chia tay hai người hai ngả, đường đời vạn nẻo, thì ông lại sinh tật… đổi mới! Phải chi hồi nào tới giờ ông cứ bình thường như thiên hạ, đừng bày đặt “cách mạng cách miếc”, ai sao tôi vậy, ai làm kiểu nào tôi làm theo, sống kịp với trào lưu thì có gì phải đổi mới nới cũ.

        Tôi quýnh quáng vì thời gian cấp bách, còn nhiều thủ tục xuất cảnh trước khi lên phi cơ, văn phòng dịch vụ đã dặn dò không được trễ. Tôi dìu ông đến chiếc…ghế bành da của ông nhưng ông không ngồi lên mà vẫn cứ phủ phục dưới đất. Ôi, tại sao đàn ông họ lại cứ thích quì dưới chân đàn bà mà hôn mà khóc nhỉ ? Tôi bối rối không biết giải quyết ra sao, tôi cũng khóc hu hu. Ông không lên ghế bành làm tướng tư lệnh Mỹ thì tôi phải tụt xuống đất với ông, tôi cũng quì sụp với ông. Hai đứa quì dưới đất ôm nhau khóc lóc thảm thiết. Người lái xe của văn phòng dịch vụ đến đón tôi, thấy vợ chồng quì dưới đất ôm nhau khóc thì tỏ vẻ ái ngại. Anh ta nói:

        - Sửa soạn đi kẻo trễ chuyến bay, còn phải tính đến khoản lỡ dở dọc đường nữa bà chủ ạ.

        Tôi quệt nước mắt:

       - Xin cho chúng tôi năm phút nữa được chứ ạ.

       Anh ta xách túi hành lý nhỏ của tôi ra xe. Con gái tôi nó dặn dò là hãy ra đi tay không. Sang bên đó nó sẽ lo cho đủ hết, kể cả quần áo và các thứ đồ dùng lặt vặt. Nó nói hãy để lại tất cả. Kỵ nhất là đừng có mang theo tranh sơn mài, cho không ai lấy, mà để lại thì garare nhà nó đã chật. Phải rút kinh nghiệm năm 1975 bà con miền Bắc vào thăm bà con miền Nam mang theo chiếu và bát sành ăn cơm vì nghe báo đài nhà nước nói trong ấy nghèo  “không có bát mà ăn, không có chiếu mà nằm!”  Bột sắn cũng đừng mang theo, quan thuế Mỹ lại tưởng lầm bạch phiến báo động tùm lum rắc rối sự đời. Tiền bạc còn thì để lại cho bố. Khoản này tôi không nghe lời nó, tiền đô la của tôi, tôi mang đi hết. Tiền bạc thì có nặng nề gì mà ngại, chịu khó một tí sang bên đó còn có chút đỉnh dằn túi mà thuê…xe xích lô đi tìm người tình.

        Tự nhiên tôi hết khóc và ông chồng tôi cũng nín luôn. Cả hai đều đứng dậy. Tôi bước đến bên ông, ôm ông hôn nhẹ nhàng như  tôi vẫn thấy trong phim truyện của Mỹ.

Chồng tôi đứng bất động. Khi tôi bước ra cửa, ông nói nhanh:

        - Em nhớ thỉnh thoảng gửi… tiền về cho tôi !  

        Trên đường lên phi trường, người lái xe hỏi tôi:

 -  Sao bác trai không đi cùng mà ở lại ?

        Tôi nói:

        - Ông ấy còn bận việc nhà nước, còn yêu chủ nghĩa xã hội, còn nhiệm vụ Đảng, không nỡ rời bỏ quê hương.

        Anh ta nói:

        - Tôi làm nghề chuyên đưa người qua sông, tôi không qua sông được, nhưng vẫn mong ai qua được thì qua, qua được người nào đỡ người đó. Chúc bà thượng lộ bình an.                                                             

6.

         Cuối cùng thì tôi cũng sang được nước Mỹ. Cuối cùng thì tôi cũng tìm đến được cái xứ sở có chàng cư ngụ, cái xứ sở mà bên nước tôi và có lẽ nhiều nước nữa trên địa cầu này rất nhiều người thèm muốn được đến cư ngụ.

        Mới ngày nào tôi còn là “cháu ngoan Bác Hồ”, quàng khăn đỏ, cầm cờ đỏ. Mới ngày nào tôi còn là nữ thanh niên xung phong, rồi là nữ bộ đội, là nữ đảng viên, cầm súng AK theo đoàn người vô Nam chống Mỹ cứu nước! Vì tôi thuộc thành phần giai cấp vô sản, bị bóc lột. Mẹ tôi đi ở đợ, không có chồng nhưng có con là tôi. Lý lịch của tôi là như thế.

        Nhưng phải kể trước đó nữa, gia đình tôi sinh sống nhiều đời ở thủ đô Hà nội, năm 1954 cha mẹ tôi bị triệt hạ vì thành phần tư sản mại bản, các anh các chị tôi lưu lạc tứ tán ở các nông trường hoặc khu kinh tế mới miền núi. Chỉ có tôi còn bé được bà vú nuôi nhận làm con đem đi chỗ khác nên thoát thân ở lại và dần dần nhập cuộc biến thành đứa con gái mặc quần áo kaki của chế độ. Sau này tôi mới biết được cái dĩ vãng ấy. Vú nuôi tôi và cũng là mẹ tôi mãi đến khi Bà sắp qua đời, mới nói cho tôi biết quá khứ  dòng dõi của tôi. Bà kể rằng sau khi gia đình tôi bị triệt hạ, Bà đã bế tôi đến xin tá túc trong một nhà dòng nữ tu để mẹ con có cơm ăn . Các nữ tu cũng bị làm khó dễ, người nào không chịu được thì trở về quê quán, người nào kiên trì giữ vững ý nguyện tu hành ở lại thì bị bắt làm tất cả những công việc của một người dân ngoài đời. Các nữ tu cũng phải lao động sản xuất, đi cầy đi cấy, đi may đi dệt, đi hốt rác đổ thùng… việc gì họ bắt làm các nữ tu cũng làm hết. Và có người đã được công đoàn cấp giấy khen “lao động tiên tiến”, “bàn tay vàng” thợ dệt… Nhà dòng cũng còn phải tham gia phong trào văn nghệ tự biên tự diễn của thành phố, báo đăng hình nữ tu dòng “Mến Thánh Giá” biểu diễn vũ điệu “Hội Nghị Diên Hồng” trên sân khấu, cô nữ tu mặc võ phục tuốt kiếm hô “ Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến…” Và vì thế nhà dòng mới đứng vững và tồn tại được giữa lòng cái xã hội chỉ chăm chăm tìm mọi cách tiêu diệt các tôn giáo.  

        Mẹ tôi núp trong đó nuôi dưỡng tôi đi học và lớn lên. Nhưng Bà không giữ được tôi cho riêng Bà mà phải để cho tôi gia nhập vào các tổ chức khu vực và thành phố. Khi tôi biết được quá khứ đời mình thì tôi đã trở thành tôi như thế đó.

        Cái quá khứ  ấy khi còn ở trong nước tôi chỉ nói cho một mình chàng biết. Tôi muốn chàng rõ gốc gác đích thực của tôi để chàng không nghĩ tôi là một người cộng sản “bôn sệt”! Nhân dịp đó chàng cũng nói cho tôi rõ cái quan niệm của chàng về chiến tranh và hoà bình. Chàng bảo tôi rằng cuộc chiến không thể kéo dài mãi, cần phải chấm dứt nó, ở trong nước cũng như ở ngoài nước nhiều người đã nghĩ như vậy. Nhưng để chấm dứt cái cuộc chiến huynh đệ tương tàn đã tốn quá nhiều xương máu ấy thì phải có một bên thua. Ai chịu làm bên thua đây ? Bên nào chịu nhục đây ? Không tìm ra cách giải quyết ! Cho đến năm 1975, tội lớn nhất của Việt Cộng là đã thắng trận, và chiến công lớn nhất của Việt Nam Cộng Hòa là thua trận ! Chiến tranh chấm dứt nhưng nhiều người Việt Nam không thể ở lại quê hương, buộc lòng phải tìm nơi khác cư trú, và theo thông thường của lịch sử những người ra đi là mất. Còn những người ở lại hay không đi được sẽ bị hủy diệt. Chế độ Cộng Sản trong nước cũng sẽ bị hủy diệt và những người ở lại sẽ bị hủy diệt theo với nó để cho một tương lai khác. Cái tương lai khác cho Việt Nam ấy phải cần tới thời gian gấp hai lần thời gian chế độ Cộng Sản tàn phá giống nòi. Nghĩa là, chàng nói với tôi, cần tới cả trăm năm để cho cái ám khí quỉ quái phai nhạt đi và để cho luồng sinh khí mới phục hồi. Đừng quên với điều kiện là trong thế kỷ ấy cần phải có một chính sách giáo dục dựa trên nền tảng dân tộc, nhân bản và khai phóng. Rồi chàng bảo tôi đi hay ở cũng thế mà thôi. “Cả em nữa, em ở đâu thì cũng sẽ mai một”.       

        Tôi suy ngẫm mãi lời chàng chỉ ra cho tôi và tôi hiểu được chàng nhiều hơn.

        Tôi nghe máu trong huyết quản mình dị ứng với những lề lối của những cung cách văn hoá xung quanh. Người mà tôi dị ứng trước nhất là anh chồng bộ đội của tôi. Tôi đã lấy anh vào cái thời kỳ con gái gào thét lên những khẩu hiệu chính trị. Tôi bị cuốn hút theo cuộc sống của đoàn âm binh. Lấy anh, sống với anh, làm theo anh, và sòn sòn có con với anh một cách rất là vô thức. Anh hơn tôi nhiều tuổi, anh lại đi cầm súng bắn nhau trước tôi nhiều năm, cho nên lúc nào tôi cũng coi anh như kẻ dẫn đường, ngay cả việc vợ chồng tôi cũng hùa theo anh. Không coi chính sách ba khoan ra gì cả. Gặp là lấy. Lấy là chửa. Đầu năm đẻ. Cuối năm lại đẻ. Vừa đẻ xong mới trở về nhà chưa kịp hoàn hồn anh ta đã lại vật ra, nói kiêng cữ cái gì, lỡ bị điều đi Nam thình lình thì sao, tôi líu ríu theo sự chỉ đạo của anh, để cho anh sử dụng liên tu bất tận…Đẻ đứa thứ ba hoảng quá phải đi bệnh viện xin…cột lại.

        Vào Miền Nam, nhìn xã hội khác lạ hẳn,  tôi mới thấy trong tôi có cái gì… vỡ ra! Nhìn xung quanh cũng vậy, tôi thấy nhiều kẻ bị trói lâu ngày nay họ muốn bung ra và nhiều đứa đã bung ra. Theo đuôi cuộc xâm lăng Căm Bốt, chợt kiếm được nhiều tiền một cách dễ dàng và trở thành giầu có, tôi mới khám phá ra rằng cuộc sống không phải như  cái khuôn mẫu giả dối người ta đặt ra bắt mọi người phải theo. Và tôi nổi dậy.

        Biến cố sét đánh kinh hoàng tiếp theo là lúc tôi gặp…chàng trong nhà tù. Người tình không phải là anh đàn ông vẫn ngủ với tôi, anh ta cũng không phải là người chồng. Người tình, người chồng, phải là chàng, người tù khổ sai nhưng vẫn có phong cách riêng không phải là tù. Tôi không hiểu được tại sao người ta lại có thể đang tâm nhốt một người như chàng. Tôi cũng không hiểu và cũng không thể giải thích được vì sao mà tôi mê mẩn chàng đến thế. Oâi, tôi ước ao đổi tất cả để có được chàng cho riêng mình.  

        Nhưng chỉ ước ao thế thôi chứ đời tôi kể như đã lỡ! Tôi đã là một người cộng sản rạc rầy, vùng vẫy thoát ra khỏi nó mang theo rất nhiều thương tích. Tôi đã bỏ chồng, bỏ con. Tôi đã ngoại tình, đã lăng loàn “đĩ ngựa” với đời, trong khi tôi chỉ muốn đĩ ngựa với chàng, bởi vì tôi nghĩ  yêu ai là…đĩ với một mình người đó. Tôi đã bỏ quê hương ra đi tha phương xứ người ! Tôi không còn có thể trở lại làm một cô gái của Hà Thành ngàn năm văn vật, nơi dòng họ tôi truyền đời và là nơi tôi được sinh ra. Cũng như tôi không còn có thể tìm lại được Mẹ Vú của tôi, Bố Mẹ đẻ của tôi, anh chị em của tôi… Tất cả đều đã mất hết. Và chàng, chàng cũng đã an bài trong gia đình của chàng. Sang tới Mỹ thì tôi mới thấy rõ được sự ấy. Tôi không thể “mua” được chàng, tôi càng không thể giật được chàng. Không, không cách nào tôi có được chàng. Mãi mãi… 


                                                            

         Tôi lìa bỏ quê hương được gần một năm thì con gái tôi nó nhận được email của bố nó gửi cho như sau:

         “Gửi con gái,

         Bố nay chỉ có một mình. Bố một mình vì mácon đi rồi. Bố một mình vì con đã là dân nước khác. Bố một mình vì hai em con vẫn còn ở trong tù. Và bố đã xin nghỉ việc ở kho quân nhu. Đi sớm về sớm, con ạ.

         Ai muốn làm gì thì làm. Nhưng bố đã mua lại ngôi nhà của mẹ con bán cho anh thương binh mù, nghĩa là một lần nữa dọn nhà. Anh ta trở về căn nhà tôn cũ của anh ta trong làng phế binh, sống nương tựa  vào một người đàn bàï làm nghề chủ chứa. Đứa bé thì người ta đã đem gửi nó vào viện mồ côi. Bố dọn trở lại ngôi nhà có vườn tiêu, nay đã xây dựng lại “đàng hoàng hơn to đẹp hơn gấp mười lần” ngôi nhà của má con cũ từ thời tư bản chủ nghĩa.

         Đời sống của bố bây giờ “tiêu chuẩn” cũng khá cao, không thua gì các anh lớn. Nói má con đừng  hỏi bố tiền ở đâu ra, cứ xem đó là thành quả cách mạng. Ở bên đó mẹ con đùm bọc nhau mà sống, má con còn trẻ đẹp, chưa đến tuổi ăn tiền già thì trong khi chờ đợi hãy ăn tiền bệnh. Hóa ra má con mới đích thực là kẻ “chống Mỹ cứu nước” trọn cuộc đời.   

         Bố vẫn hút thuốc lào và uống rượu rắn. Ở không nên những dịp lễ lớn, bố mặc quân phục kaki, đi giầy da đen, đeo lon đỏ, cài huân chương vàng, đội mũ “cát két”, tham dự, ngồi trên lễ đài nhìn xuống, có lúc nghĩ rằng cuộc chiến tranh dai dẳng vừa qua thật kỳ lạ. Gần nhà mình, bên kia xa lộ có cái nghĩa trang đã bị phá phách, pho tượng “Thương Tiếc” nổi tiếng một thời đã bị triệt hạ, sau đó phía bên này đường mọc lên một cái nghĩa trang khác với tượng đài “Liệt Sĩ” to hơn làm bằng vữa. Hôm qua bố đi tham quan cái nơi chốn bố sẽ dọn đến lần tới đó, nhìn những nấm mồ san sát nhau bố nghĩ nhờ trời mình có ngôi nhà “to đẹp” như các “anh lớn” ở đời này, nhưng chẳng thể chen chân vào nơi Lăng tẩm hay nghĩa trang Mai Dịch ở mãi tận ngoài Hà nội mà trú ẩn cho đời sau.  Bèn thầm van vái mai này đừng xảy ra nữa một cuộc cào bằng ở bên này xa lộ như đã xảy ra ở bên kia xa lộ. Trước sau gì cũng đến phiên cả mà thôi .

         Dù bố có thế nào đi nữa thì bao giờ con cũng vẫn là con của bố. Không sửa lại được, không nói khác được. Và con còn là con của gia đình có công với cách mạng. Có điều bây giờ đất nước thống nhất thì gia đình ly tán, muốn đoàn tụ phải lưu vong. Nhưng bố rất hãnh diện vì con, không chỉ có má con hãnh diện vì con.                                                                                               

        Khi nào có dịp về thăm quê hương thì con cứ  về nhà… bố mà ở, tiện nghi  “hiện đại” còn hơn phòng khách sạn năm sao tiêu chuẩn quốc tế trên Sài gòn. Bố có điện thoại cầm tay, tại nhà thì có téléphone, máy vi tính… Mặc dù bố chẳng biết một tí tiếng Tây, tiếng Mỹ, tiếng Tầu, tiếng Nga… nào để mà đọc được những trang trên màn hình, nhưng khởi đầu sự nghiệp cách mạng là một kẻ ở đợ, mù chữ, được “bình dân học vụ” vỡ lòng, “ i ngắn có chấm, tờ dài có ngang”, đến bây giờ lên mạng internet, thì kể như là có… tiến bộ! Nhà cửa bày biện sang trọng kịp trào lưu là theo đúng nội dung “khoa học kỹ thuật” trong “ba dòng thác cách mạng” mà thôi con ạ!

       Bố tạm “chấm cơm” ở đây, mong hai mẹ con được sung sướng.”