jen
Jen @ Niagara Falls

Góc Thảo Trường


Mây Trôi 10

    

        Cuộc sống của tôi mỗi ngày mỗi nhiều biến chuyển lớn, tôi không được an nhàn hưởng thụ sung sướng như  mình tưởng khi vớ được món của trở nên giầu có. Hai đứa con của tôi đều sa vào con đường hư hỏng. Đứa con gái theo trai có chửa nạo thai rồi đi theo bọn đàn đúm làm nghề “bia ôm”. Thằng con trai ghiền ma túy bị bắt đưa vào trại Bình Triệu. Cả hai đứa đều vào tù ra khám nhiều lần, những lần đầu bố nó còn mang cái huân chương kháng chiến  ra bảo lãnh xin cho chúng ra, nhưng rồi sau cũng đành thây kệ !

        Cái đau nhất của tôi là bao nhiêu của cải, vàng và dollar Mỹ tôi chôn giấu đều bị mất hết. Tôi không biết ai lấy của tôi. Không biết có phải là chồng tôi ăn cắp hay con cái tôi ăn cắp. Khi phát giác ra những nơi chôn giấu của cải bị đào xới lấy trộm mất , tôi đã tra vấn họ nhiều lần nhưng không ra manh mối. Con gái tôi nó còn nói xéo:

        - Mẹ có của giấu đi mà xài một mình !

       Ông chồng tôi còn nói nặng hơn:

       - Tôi…ị  vào những thứ đó !

        Tôi than khóc một mình! Người tình thì biệt tăm hơi! Ông chồng thì vẫn thản nhiên ngày ngày vào kho quân nhu làm việc nhà nước, tối về quật tôi ra làm một phùa, xong, uống rượu rắn hút thuốc lào vặt, rồi lăn quay ra ngủ! Trời ơi sao tôi… khổ thế này! Nếp sống đang vung vãi vì nhiều tiền lắm của, ăn xài thoải mái, yêu đương mút mùa, nay mất tất cả…tôi phát điên phát khùng mất thôi.

        Con gái lớn của tôi từ bên Mỹ về thăm, tôi mừng quá, nó mở ra cho tôi một lối thoát. Thấy tôi thất vọng đủ điều, nó nói:

        - Mẹ sang Mỹ ở với con. Con nay đã là công dân Mỹ rồi, có quyền bảo lãnh cho mẹ sang bên đó. Mẹ đi Mỹ một cách đàng hoàng, công khai, chính thức, không phải trốn chui trốn lủi như ngày mẹ đưa con đi trước kia, và mẹ muốn ở bao lâu cũng được, ở luôn cũng được…

        Tôi e ngại:

        - Sợ người ta không cho vì mẹ là cộng sản.

        Con nhỏ hùng hổ:

        - Nước Mỹ là nước tự do, là nước văn minh, là nước nhân đạo, họ bao dung tất cả, miễn là trong vòng luật pháp của họ. Con trai ông trùm cộng sản Liên  Xô, người đã từng tụt giầy ra đập trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, nay anh ta cũng đã nhập tịch, cũng đã giơ tay thề trung thành bảo vệ nước Mỹ cơ mà mẹ. Con là người Mỹ, con có quyền đòi hỏi được có hạnh phúc, con không muốn sống trong đau khổ ly tán, con có quyền có mẹ ở gần con, con muốn mẹ đoàn tụ với con, không ai cấm cản được con lãnh mẹ sang chung sống với con, kẻ nào dám ngăn cản làm con buồn khổ kẻ ấy là người vi phạm…  nhân quyền. Vi phạm nhân quyền ở tù mọt gông, thưa người theo Marx, theo Bác, theo Mao…

        Tôi cãi:

        - Má chưa bao giờ theo Mao. Má có lỡ theo Marx, theo Bác một thời gian nhưng đã bỏ vì thấy ông Marx ảo tưởng, ông bác dối trá.

       Con gái tôi nói:

       - Nước Mỹ họ không hô hoán ồn ào như các ông ấy, nhưng kỳ thực là họ chỉ muốn cho tất cả dân họ “độc lập, tự do, hạnh phúc”.ï

        Tôi vẫn chưa yên tâm:

        - Thế lỡ mấy người quốc gia ở bên đó, người ta… đả đảo!

        Con nhỏ cười:

        - Trời, ai người ta hoài công làm chuyện ấy. Người Việt mình sang Mỹ thường chỉ có hai cái thú, một số người thích tô vẽ quá khứ, một số khác thì lại muốn xóa sạch quá khứ !

        Rồi con Mỹ con còn phun ra một câu tiếng Mỹ:

        - Sang đó mẹ lấy một ông Mỹ già làm chồng nữa cũng được cơ. Make you think.

        Nó dịch sang tiếng ta và giảng giải cho tôi hiểu. Tôi nói:

        - Má cần gì phải lấy ông Mỹ già. Má sẽ tìm người bạn trai của má, ông ấy là sĩ quan Cộng hòa xuất cảnh sang bên đó mấy năm rồi.

        Con nhỏ rũ ra cười:

        - Thấy chưa, cả sĩ quan Cộng hòa cũng si tình mẹ ngay từ  ở trong nhà tù cộng sản. Người ta đả đảo những anh cộng sản như bố chứ ai nỡ đả đảo những người cộng sản… như má. Ở Bolsa các ông sĩ quan HO đông lắm, ngày nào các bác ấy cũng họp nhau ở các quán cà phê ngoài hiên hút thuốc bàn chuyện thế sự, như ngày xưa ở Saigon, các bác ấy cũng thường hay họp “chợ HO” ở vườn bông trước sở ngọai kiều đường Thống Nhất, hay ở quán cà phê Thiên Nga lề đường Trần Quí Cáp mỗi buổi sáng. À mà Má quen bác nào vậy ? Sang đó sáng sáng con chở má ra Bolsa… uống cà phê với các bác ấy. Vui lắm! Mỗi khi con và chị bạn đến đó ăn quà, khi vô cũng như khi ra, các bác thường nhìn con, có một bác còn nhìn…kỹ nữa, có lẽ bác nghĩ con cái nhà ai quen quen, bác này đẹp lắm, con khoanh tay chào các bác mặc dù không quen bác nào cả, bác giơ tay chào đáp lại, chị bạn kéo con đi. Con sẽ giới thiệu má với các bác ấy như sau: “Đây là má con, một việt cộng chính hiệu, chồng bà ấy cũng là việt cộng thứ thiệt. Việt cộng đẻ ra con nên con hiểu rõ việt cộng hơn ai hết, con đã sang đây, đã là một người Mỹ chính cống, con còn chiêu hồi bà việt cộng này sang đây nữa. Xin các bác nhận cho Mrs. thây lẩy này được… nhập hội”. Được chưa? Giới thiệu long trọng như thế còn sợ bị đả đảo nữa không? “Vui thôi mà” thi sĩ Bùi Giáng thường hay nói thế, “vui thôi mà”.

        Tôi chợt bẽn lẽn với con gái:

        - Bạn của má ngon lành lắm. Thế cái bác nhìn con kỹ cũng đẹp lắm hả? Không chừng đúng là “của” má.      

        Nó lại cười:

        - Được rồi. Để coi. Make you think ! Nhưng mà phải sợ các bà vợ đánh ghen đấy nhá.

        Đến lần tôi nổi nóng:

        - Không sợ ai cả. Nước Mỹ tự do cơ mà, không ai có quyền hành hung kẻ khác, gọi cảnh sát, má nghe nói cứ bấm phone 911 là họ tới ngay, phải không?  Có chồng  ráng giữ, để chồng đi theo người khác ráng chịu.

        Con nhỏ trề môi:

        - Thôi chết, phen này không chừng nước Hoa kỳ của con sinh loạn mất thôi.

        Nói rồi nó luồn tay vào ngực tôi, khi còn bé nó rúc vào vú mẹ là chuyện bình thường, sao bây giờ sự đụng chạm của đứa con gái lại khiến tôi e thẹn. Tôi gạt tay nó ra, con nhỏ sấn sổ:

        - Mắc cỡ hả ? Người ngoài sờ thoải mái thì được, con cái đụng một tí không cho. Mẹ gì mà ích kỷ. Con hỏi thiệt nhé, tại sao của mẹ ngon lành mà của con thì tội nghiệp thế này? Tại sao da mẹ mịn màng, trắng trẻo, êm ái, đẹp đẽ mà da của con thì khô cứng. Mẹ đẹp sao đẻ con xấu xí? Tại sao? Con thắc mắc muốn biết tại sao?

        Tôi nói:

        - Tại con giống bố con. Con nhìn bố con rồi con nhìn lại con sẽ thấy. Cái chất… đúc ra con thế nào thì con thế ấy, làm sao mẹ có thể đổi khác được. Mẹ cũng có ảnh hưởng đến các con nhưng cốt lõi vẫn là cái nhân con ạ!  Con giống mẹ một thứ mà con không thấy.

        - Con giống mẹ cái gì ?

        - Ở trong đầu con là của mẹ. Con thông minh học giỏi, sang Mỹ một mình mười bốn năm, con tự lo liệu lấy tất cả và khi trở về thăm mẹ, con đã là cô tiến sĩ cho mẹ hãnh diện. Mẹ nói thật, trong đầu con là của mẹ.

        Con gái tôi nó cười bằng mắt:

        - Con còn giống mẹ một thứ nữa, cũng ở trong đầu.

        - Cái gì ?

        - Còn cái gì nữa mà hỏi, một tâm hồn lãng mạn đa tình. Nhưng mẹ ạ, hạnh phúc bao giờ cũng phải có hai thành phần mới đủ, hạnh phúc trong lòng và hạnh phúc ngoài da.

        Nói rồi nó ôm chầm lấy tôi mà hôn chùn chụt. Tôi chợt thấy thương con gái tôi, nó thành công trong học vấn nhưng nó đã thua thiệt trong nhan sắc. Lỗi tại tôi. Tôi đẻ ra nó sao nó không có được cái làn da mong muốn như của tôi ! Tôi lại chợt nghĩ tới chàng, phải chi nó là con của tôi và của chàng! Tôi sờ ngực con tôi, nó giật tay tôi ra, e thẹn, tôi nói:

        - Mẹ kiểm soát tí mà không cho hả, bộ để dành cho thằng nào ?

        Con nhỏ vùng vằng:

        - Kỳ quá, mẹ làm con nhột.

        - Sao vừa rồi bắt lỗi mẹ ? Chẳng qua của ai người ấy bảo thủ. Nhưng mẹ nghĩ như của con là vừa, lớn qúa chỉ sinh… tội. Mẹ bị gian truân có khi cũng chỉ vì nó. Mẹ thấy con gái mẹ cũng đẹp lắm, rất duyên dáng gợi cảm, chỉ có làn da của bố.

        - Có người nói ngực con như chũm cau.

        - Ai ? Thằng nào dám chê ?

        - Không phải thằng mà là một con bạn, chị ấy xoa kem dưỡng da cho con, chị nói chị thích vừa vừa như  thế thôi, dễ thương, bự quá sốt cả ruột.

        Hai mẹ con  chuyện trò với nhau cười khúc khích, tôi hỏi thăm con gái tôi về cuộc sống bên Mỹ, nó kể:

        - Nhân sinh quan theo lối Mỹ khác hẳn với bên nhà mẹ ạ. Ở quê hương mẹ hãnh diện vì con gái mẹ là tiến sĩ Mỹ, nhưng sống ở bên đó bằng tiến sĩ cũng… thế mà thôi. Vấn đề căn bản là mình có làm ra nhiều tiền không.

        Bạn con, quen nhau trong cùng một chuyến vượt biên, sang bên đó chị ấy không theo học để có bằng tiến sĩ cho mẹ chị ấy hãnh diện, chị ấy đi học làm nail, tức là đi học làm móng tay móng chân cho người ta ấy mà. Mẹ biết không, chị ấy học có tám tháng thi lấy chứng chỉ rồi đi làm khoán cho chủ tiệm, tối ngày ngồi dũa, cắt, rửa, sơn vẽ, xoa bóp…  những bàn tay hôi dình và những bàn chân thối khắm của các bà khách quí. Có con mẹ còn thích xoa bóp cả đùi, háng, mông của nó nữa cũng phải chiều vì nó cho thêm nhiều tiền tip. Vừa làm vừa phải tươi cười, không bao giờ để các bà khách phật ý, cứ như thế mấy năm sau thành nghề, chị ấy ra làm riêng, kiếm một thị trấn chưa có cạnh tranh để mở tiệm. Một tiệm phất lên, chị ấy mở thêm tiệm nữa, rồi tiệm nữa…

        Cũng mười bốn năm sau chị bạn con đã làm chủ một hệ thống tiệm nail rải rác khắp các thành phố trong tiểu bang. Báo Mỹ, truyền hình Mỹ cũng biết tiếng đến phỏng vấn đăng báo, phát hình, nêu gương thành công của di dân hội nhập vào quê hương mới. Chị ấy trả lời phỏng vấn, nói tiếng Mỹ thao thao bất tuyệt, về những kinh nghiệm nghề nghiệp cũng như những nỗ lực phấn đấu đi lên, khuyên bảo mọi người hãy cố gắng, siêng năng, chăm chỉ… con không còn nhận ra đứa bạn đi chân đất trong trại tị nạn ở Thái lan năm nào. Chị ấy mua nhà trên núi gía bạc triệu, chị ấy đi xe đời mới đắt tiền…Về thăm quê hương chị ấy xây mồ mả cho ông bà, cho bố mẹ của chị ấy to như cái lăng tướng quốc, chị làm nhà mới cho anh chị em, chị phát tiền trăm đô cho cả họ… Ai cũng quí trọng chị ấy, mọi người xúm vào phục dịch bà Việt kiều yêu nước.

        Con tốt nghiệp rồi ở lại trường dạy các lớp học trò thế hệ sau, lương năm chỉ đủ trả những khỏan nợ vay ngân hàng thưở đi học và chi phí những bill cơm áo, phòng ở, xe cộ… Nếu có ra ngoài làm kinh doanh thì cũng chỉ mở văn phòng dịch vụ như người ta làm nghề bán lẻ, khó khăn lắm mẹ ạ. Con về thăm quê hương chuyến này chỉ làm được cho mỗi mình mẹ… hãnh diện. Con không có tiền để cho bố mẹ và các em, lại càng không dư tiền để vung vãi. Nhưng dù sao sang bên ấy với con mẹ cũng sẽ có một cuộc sống tự do, thỏai mái, dễ chịu, không ai có quyền áp chế ai.

        - Mẹ hỏi con điều này nhá, thế còn chuyện chồng con thì sao ?

        Con gái tôi chợt rũ ra cười, đang nghiêm trọng nó trở lại cởi mở nghịch ngợm:

        - Lấy ai ? Một là xấu, có bao nhiêu vẻ đẹp của trời mẹ đã chiếm hết để lại cho con gái một thứ nhan sắc “ma chê” ! Hai là khoác thêm vào thân một cái bằng tiến sĩ “không biết để làm gì”, lấy chồng đồng hương e hơi khó vì còn phải xét tới cái vụ cân đối, mà các cậu ấy nếu đã học đỗ đạt thì sẽ chẳng cậu nào ngu mà đi vơ cái thứ bằng cấp ngang hàng khó sai bảo, chi bằng chỉ còn cách “lấy chồng người xứ lạ”. Mẹ biết không,  xu hướng của con người ở các nước phát triển nhanh ngày họ càng sợ lập gia đình, họ chỉ muốn một mình, họ chỉ muốn… tự do, nam cũng vậy mà nữ cũng vậy. Các bà mẹ độc thân càng ngày càng nhiều ở Mỹ. Sang bên đó, khi nào bà ngọai muốn có đứa cháu để ẵm thì chỉ có cháu mà sẽ không có chàng rể.

        Tôi nhìn con tôi hồi lâu, nó quả thật đã hoàn toàn khác xưa, đứa con gái mà tôi đã đẩy được qua biên giới Cam bốt sang Thái lan năm nào, nay đã không còn nữa. Người con gái Mỹ gốc Việt này đã có cái nhìn cuộc đời theo cách của cô, theo những thói quen văn hóa mà cô đã hấp thụ mười mấy năm nay. Tuy nhiên tôi thấy cô vẫn là con gái của tôi, trong cách cư  xử với mẹ, tôi nói:      

        - Bây giờ thì mẹ hiểu nhiều hơn cái câu tiếng Mỹ con nói với mẹ lúc nãy.

        Nó lại cười:

        - Make you think hả mẹ ?

        - Ừ. Con bắt đầu dạy mẹ làm người Mỹ rồi đó, con gái của mẹ. Chưa lấy chồng, nhưng con gái mẹ cũng phải có bạn trai chứ ? Ba mươi tuổi rồi…

        Nó ngắt lời tôi:

        - “Ba mươi tuổi rồi biết nói làm sao

            Lòng luyến mộ lẫn ít  nhiều chua chát

            Trời hôm nay vài sợi mây tím nhạt…”

Đó là thơ của thi sĩ Tạ Ký đấy mẹ ạ, đừng tưởng con Mỹ hóa không còn biết gì đến Việt Nam. Con gái mẹ còn biết nhiều thứ của Việt Nam có khi hơn cả người chưa bị Mỹ hóa. Nhưng còn chuyện bạn trai thì sao nhỉ. Đã đến lúc “bà già trầu” của con xét nét chuyện tình cảm của con gái rồi đó phải không. Xin thưa rằng nó còn… nhỏ dại lắm, chưa biết gì đến chuyện gái trai cả đâu. Mẹ yên tâm. Mà có khi con gái bây giờ lại phải lo lắng về chuyện của mẹ nó nữa cơ… 

        Nó rúc vào cười rúc rích trong lòng tôi. Tôi ôm ghì con gái tôi. Nước mắt tôi trào ra. Mẹ thương con. Mẹ cầu mong cho con được hạnh phúc. Sống ở đời chỉ cầu có hạnh phúc. Con gái tôi nằm yên nhắm mắt như ngủ. Tôi cất tiếng ru khe khẽ:

         “Đêm qua ra đứng bờ ao

           Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ

           Buồn trông con nhện chăng tơ

           Nhện ơi, nhện hỡi, nhện chờ mối ai

           Buồn trông chênh chếch sao mai

           Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ…”

        Con nhỏ tưởng đã ngủ như ngày xưa còn bé, ai ngờ chợt nó vùng dậy chạy đi lấy cây viết và quyển sổ tay của nó, trở lại bên tôi, bắt phải dọc lại cho nó ghi mấy câu ca dao tôi vừa ru. Nó hỏi sao ngày xưa tôi không ru nó ngủ bằng những câu ca dao như vậy. Tôi nói:

        - Tại ngày xưa lúc con còn bé, mẹ bận đi theo bố con học làm kháng chiến, không có thời giờ ru con ngủ, đảng nói đã có tiếng bom Mỹ nổ ầm ĩ rền trời trên khắp quê hương ru các con ngủ!

        Con nhỏ kêu lên:

        - Trời đất!

        Tôi nói:

        - Nếu con muốn sưu tập những bài ca dao mẹ sẽ tìm cho con đem về Mỹ mà đọc. Nhiều lắm. Mẹ chỉ thuộc có một  ít bài do Mẹ vú ru thưở còn bé. Những bài đó đã nhập tâm vào trí nhớ của mẹ qua những giấc ngủ. Dù sao thì mẹ cũng có được những giấc ngủ không ru bằng tiếng rền vang của bom nổ nhưng mẹ lại lớn lên bằng những khẩu hiệu khắc nghiệt.

        - Con muốn sưu tập những bài ca dao và những bài vè ru con của miền quê hương mình để nghiên cứu soạn một luận án tiến sĩ nữa để tặng mẹ. Con muốn quàng thêm trên người mình một cục nợ nữa cho mẹ hãnh diện. Con giống mẹ nên con học hành dễ dàng, con muốn thi lấy cái bằng nào cũng được, nhưng con chịu thua không biết cách kiếm ra nhiều tiền, mẹ ạ.

        Tôi dỗ dành con tôi:

        - Nằm xuống đây trong lòng mẹ, mẹ sẽ cố gắng ru con bằng những bài mẹ còn nhớ, con sẽ tìm thấy một lần giấc ngủ bằng tiếng ru của mẹ, để làm kỷ niệm chứ không nhất thiết để làm bài thi tiến sĩ.

        Con tôi nằm gối đầu lên đùi tôi nhắm mắt. Tôi bắt đầu lục lọi trong trí nhớ, tìm về với Mẹ vú tôi, cất lời nhè nhẹ ru con:

        “Trèo lên cây bưởi hái hoa

          Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

          Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc

          Em đã có chồng anh tiếc lắm thay

          Ba đồng một mớ trầu cay

          Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không…”

Vừa ru tôi vừa soa soa nhè nhẹ trên lưng con gái tôi. Nhưng tôi lại nghĩ tới chàng. Nhiều lần chàng cũng đã nằm gối đầu trên đùi tôi như thế này. Da thịt chàng mịn màng êm ái. Bàn tay chàng sao mà mềm mại, nó có sức thu hút quyến rũ kỳ lạ của một thứ tôn giáo, tôi nghĩ bất cứ ai được nắm bàn tay chàng cũng sẽ mãi không quên. Tôi đang ru con tôi hay tôi đang ru tình chàng. Con ơi, đời mẹ đã lỡ, mẹ mong cho con không bị lỡ như mẹ…

         “Cái ngủ mày ngủ cho ngoan

           Mẹ mày đi cấy đồng ngang chưa về…

           Bắt được con trắm con trê

           Tròng cổ lôi về nửa nấu nửa kho…”

           ………….

          “Cái cò lặn lội bờ ao 

            Ăn sung thì chát ăn đào thời chua

            Ngày ngày ra đứng cổng chùa

            Trông lên Hà nội thấy vua đúc tiền

            Ruộng công điền không ai cầy cấy

            Liệu cô mình ở vậy được chăng ?

            Mười hai cửa bể anh đã cắm đăng

            Cửa nào lắm cá anh quăng chài vào… “

           ………….

          “Ước gì anh lấy được nàng

           Thì anh mua gạch Bát tràng về xây…”

           ………….